Văn & Chữ

Ngẫm về nghệ thuật, tình yêu
và cờ bạc 06. 07. 12 - 10:55 pm

Vũ Lâm

Tranh của Vladislav Erko (Nga)

1.
Tôi không giỏi chơi món cờ bạc, hoặc nói cho đúng là không có máu ham cờ bạc (thì cũng máu mê cái khác bù vào thôi, hư hỏng chẳng kém gì… đàn ông khác). Thời sinh viên ở ký túc, lúc rảnh không biết làm gì, cánh sinh viên nam dù ở đâu cũng hay tụ tập bài lá, tá lả, chắn cạ,.. gọi là “họp” hay “xòe quạt” (bộ bài chắn khi xòe ra trên tay như cái quạt giấy xòe đỏ kiều diễm. Họa sĩ Trần Việt Phú có vẽ vài bức người đánh chắn trong ký túc xá trường mỹ thuật rất đẹp, vì người đánh chắn say mê ngồi yên rất lì, không kém người mẫu). Tôi thi thoảng cũng xúm vào xem và học lỏm. Nhưng nhớ nhanh rồi mau quên, đến khi chơi thực thì toàn xướng nhầm, bị ù đền, bị phạt. Thế là chán, không bao giờ chơi nữa. Đánh cờ cũng vậy, cũng có lúc ham học chơi, gặp phải tay ngang cơ, đánh suốt cả đêm, lúc ngủ toàn mơ nước cờ. Rồi cũng không ham được lâu. Và cuối cùng thì biết loại giải trí này không phải là sở trường; “trình” cờ bạc của mình luôn đứng đầu… nếu tính từ dưới lên, chỉ biết đủ nước đi và luật chơi. Rút ra kết luận, cờ bạc là thứ say người đáng sợ. Có thể trêu cho người ta cười bất cứ lúc nào. Nhưng đừng hòng trêu thằng đang đánh cờ bạc làm cho nó cười được đấy.

Thế giới cờ bạc cũng là một thế giới mênh mông, đủ các loại người làm đệ tử, đủ các “ngón” các chuyện từ dở đến hay. Nước mình, dân mình, cũng là loại dân, nước máu mê cờ bạc. Cụ Trần Trọng Kim đã tổng kết cái tật này của người mình thế này: “Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tin tông giáo nào cả.” Còn muốn chứng thực, thì hàng ngày, cứ lên mạng mà xem các vụ bắt cờ bạc hàng ngày ở ta, tỷ dụ như bắt cờ bạc bóng đá Euro vừa rồi, thì biết.

Cờ bạc, là cách gọi chung cho hai loại trò chơi đều có tính chất thể thao trí tuệ, mới đầu dùng để tiêu khiển. Đại thể: một loại bày phô ra hết cả đấy, cái biến ảo của trò chơi là các nước đi quân và tình hình thế trận luôn luôn thay đổi, quan sát được đấy nhưng chẳng lường được hết sự thay đổi này. Đó là các loại cờ, cờ vua, cờ tướng, cờ vây, cờ bảy nước, cờ ca rô… Còn một loại là giấu tiệt quân và nước đi, đến cuối bài “lật tẩy, mở đĩa” mới rõ trắng đen, thua thắng. Đó là các loại bài lá, tổ tôm, tam cúc, chắn, tú lơ khơ (với nhiều kiểu chơi tá lả, tấn, tiến, xì phé, xì tố, xập xám..), mạt chược, thò lò, xóc đĩa, gieo xúc xắc, v.v… Vì đã tự nhận là trẻ ranh trong thế giới cờ bài, nên tôi không dám ba hoa nhiều. Tôi chỉ nói tới hai nguyên lý chơi khác nhau giữa cờ quạt và bài bạc để móc ngoéo đến nghệ thuật và tình yêu. Nên túm lại, tôi nhấn mạnh chơi cờ bạc là có hai nguyên lý khác nhau căn bản. Một loại bày ra để mà chơi, một loại giấu đi mà chơi. Nực cười là cái loại bày ra ấy (cờ) thì người chơi trong cuộc có khi lù lù ra, cùng trông vào mà cùng chẳng thấy. Thế nên có câu “cờ ngoài, bài trong” là vậy. Về xếp hạng cao thấp, thì có vẻ cờ (lộ ra) cao cấp thượng hạng hơn bài bạc (giấu đi). Tuy vậy cái hạng bài bạc (giấu đi) lại tinh vi hơn, hấp dẫn say mê hơn, dung tục nhưng nồng nhiệt… tóm lại là đời hơn. Chứng thực dễ thôi: trong phim Tàu truyện Tây, chỉ thấy Tiên nhân ăn đào, uống rượu cúc, đánh cờ, chứ không thấy tiên nào ăn thịt chó lòng lợn, uống rượu gạo ngâm tắc kè bìm bịp, sát phạt bài bạc nhau chí chết bao giờ cả…

2.

Nghệ thuật, trên một nét nào đó, dù chơi (thưởng thức) hay sáng tạo, cũng tạm có thể phân loại theo kiểu “cờ bạc”. Đó là có hai phương thức căn bản là “bày ra”, và “giấu đi” trên cái trục thời-không vĩnh hằng. Hai phương thức “giấu-lộ” này cứ đan xen, lẫn lộn, lấp lánh theo cả chiều dọc và chiều ngang của tất cả các nghệ thuật. Chiếu vào đại thể các thể loại nghệ thuật, cũng có loại phơi ra, loại giấu đi. Ví dụ như văn với họa chẳng hạn. Họa là loại “phơi ra” vì xem một bức tranh là nhìn thấy hết cùng lúc các điểm trên bề mặt không gian của nó ngay từ đầu. Còn văn là loại “giấu đi” vì nó chạy theo trục thời gian, phải đọc từ trang đầu tới trang cuối (mới biết cái kết nó lộ ra thế nào).

Bởi vì văn so với họa tựu trung là “giấu đi”, nên cũng nguy hiểm (cũng như hấp dẫn hơn, phổ dụng hơn) hội họa. Một nhà văn trứ danh nói với tôi: Tôi thấy tư duy của họa sĩ lành mạnh hơn nhà văn. Chữ “lành mạnh” ở đây có lẽ nên hiểu là sẽ ít gây nguy hiểm hơn cho người “cầm” nó. Bởi con đường của văn chương là khoan, thọc sâu xuống thăm dò những tầng thẳm nhất của lòng người, của cõi đời, nơi có nhiều xạ hiếm, nhưng cũng không ít thứ tối tăm “tởm lợm”, cũng như văn chương kiểu gì thì cuối cùng cũng phải tuyên chiến với định chế và đạo đức xã hội. Còn con đường của hội họa thì khác… Nó thường hướng lên, và kết quả cuối cùng cao nhất thường là khoác lên tấm áo minh bạch và bình dị của chân dung con người.

Đi sâu vào từng thể loại, cũng chia thêm ra được văn có loại văn “phơi ra” và văn “giấu đi”, loại họa “phơi ra” và họa “giấu đi”. Cũng như cờ bạc, loại văn “phơi bày ra”, họa “phơi bày, lộn trái” thường được đánh giá cao hơn loại giấu đi, thập thò, rối rắm. Bởi vì nó minh bạch kết quả ngay từ đầu, hoặc kết quả không quan trọng bằng các bước diễn tiến và cái gì đưa đến những diễn tiến ấy. Còn để nhận ra “trình” nghệ thuật cao cường ở chỗ nào, người ta hay nhìn nhận ở những điểm chuyển của hình thái. (Ví dụ thô sơ nhất là cái “phào trần”, là điểm chuyển giữa hai diện phẳng là tường và trần. Hai diện phẳng này gặp nhau tạo ra một cái “góc chết” khó chịu với người sống. Người ta phải dùng sinh khí nghệ thuật để lấp những cái “góc chết” này đi. Xem một công trình kiến trúc lớn, hãy để ý những góc chuyển để thay đổi không gian, vì đó là chỗ sinh ra nghệ thuật). Trong văn chương, đó là những bước “đột phá tâm lý” và những lý giải cho điều đó. Trên bàn cờ, đó là một vài nước đi xuất thần dẫn đến phá thế đảo ngược tình hình; giữa chiếu bạc, tay cao thủ giành được cả cơ nghiệp chỉ bằng vài đồng xu lẻ… Tạo ra các “mê cung”, các cấu trúc huyền ảo bằng những phương tiện ít ỏi nhất thì là chân tài. Có lần một nhạc sĩ ví dụ với tôi rằng bản nhạc Khát vọng mùa xuân của Mozart toàn cấu tạo bằng những nốt nhạc đơn giản, rất dễ đánh, người mới chơi piano cũng gõ được. Nhưng cấu trúc giai điệu của nó mới là “vấn đề” của thiên tài. Còn có nhiều phương tiện và thời gian, người siêu tài tạo ra được cả vũ trụ của riêng mình, đồng hóa mình thành một “tiểu đấng sáng tạo”.

3.

Bàn về hai phương thức “giấu-lộ” như một “sợi chỉ đỏ” xuyên qua cờ bạc, rồi đến nghệ thuật rồi tình yêu, tôi lại chợt nhớ đến hai khổ thơ. Một của một nhà thơ nữ Ba Lan đoạt giải Nobel:

Đố ai hiểu được tình yêu
Lũ già chúng ta đây bạc đầu vì nó
Vậy mà bọn trẻ nào hay điều đó
Chúng kể chuyện tình yêu, như bàn về một giấc ngủ trưa.

Và một khúc thơ sinh viên tôi nghe hồi học đại học:

Lại kể riêng riêng cái chuyện yêu
Trán nhăn, da xạm, tóc muối tiêu
Hoa tươi, ruột héo, tình đen trắng
Bực thân chỉ tại cái… con tiều!

(“Tiều” hay “tườu” hình như là tiếng cổ, chỉ một loại khỉ vượn hay nhảy nhót khó dạy, và trên thực tế là không kiểm soát nổi. Sau này trở thành từ lóng chỉ cái “của quý” của đàn ông, cũng “hay nhảy nhót khó dạy, và trên thực tế là không kiểm soát nổi”) Tình yêu là tự tâm, mà nhà Phật gọi cái tâm, ý người ta là “viên, mã” (vượn, ngựa) “tâm viên, ý mã” đều là những thứ “hay nhảy nhót, khó dạy, và trên thực tế là rất khó kiểm soát nổi” cả!

Trong một ngày rầu đời, nhạt tình, thua cá độ bóng đá (tức là “nghệ thuật, tình yêu, cờ bạc” đối với tôi ba cái kim đều rớt hướng 6h), tưởng xe tăng Đức nó thắng thì nó lại đứt xích, tưởng thằng Tây Ban Cầm thắng nhẹ Ý thì nó dập cho phũ phàng, trời thì “tháng 6 mùa mưa trời mưa không dứt” ẩm xì mốc hết cả chăn đệm, thấy hơi hửng nắng, tôi phơi tạm cái chăn mốc rồi bỏ ra ngoài uống bia cỏ. Ở nơi tôi ở, có lẽ đó là cách giải sầu “lành mạnh” nhất, so với nghiện heroin hay uống rượu ngâm quả thuốc phiện (gọi là rượu 138). Đang uống dở bia ở cái quán vắng có mỗi tôi là khách và một cậu bê bia khoảng 15 tuổi, thì trời lại mưa. Tôi sốt ruột chăn bị ướt định về cất chăn. Cậu nhóc bê bia hỏi: “Đang trời mưa thế, anh không ngồi uống nữa cho khoái mà lại đi làm gì cho ướt”. Tôi không để ý đến câu hỏi và cũng không trả lời cậu nhóc. Chỉ lạnh lùng trả tiền rồi đi. Ra đến cửa, tự nhiên nghe cậu nhóc nghêu ngao mấy câu vè tức cười (chắc đọc trên mạng):

Khi anh đi không người đưa tiễn
Khi anh về bảy tám thằng khiêng
Trên quan tài khắc tám chữ thiêng liêng
Tổ quốc mất thêm một thằng vô tích sự.

Có cái gì đập vào đầu tôi làm tôi sực cười, tất cả những “rầu đời, nhạt tình, thua bạc” đều bay biến. Tôi kệ mưa, kệ chăn, quay lại ngồi, bảo thằng nhóc lấy thêm cốc bia nữa, bắt nó đọc lại cả bài, bắt đầu từ: “Mười tám tuổi anh bước vào đời. Giật dây chuyền đem tặng người yêu/ Cướp xích lô chở nàng dạo phố… (bài vè này rất dài, có thể tra mạng là ra)” rồi cười bảo nó: Mày đếm nhầm rồi em ạ, 9 chữ thiêng liêng chứ. Thằng nhóc cãi: “Có 8 chữ thôi anh ạ, còn số Một là con số. Thơ là thế mà anh”. Kinh chưa? Tôi cứng miệng, vừa uống bia vừa buồn cười thầm ằng ặc, thầm cảm ơn thằng nhóc đã giải buồn hộ tôi. May thế nào mà khi trời tạnh mưa, đi về, cái nơi tôi ở và phơi chăn lại không bị mưa ướt, vì mưa nắng nó riêng từng góc trời!

4.

Tình yêu cũng thế, cũng có những nguyên lý để “vận lực ngầm” giông giống cờ bạc hay nghệ thuật. Có loại tình yêu “giấu đi”, tò mò về nhau, đột khởi, sét đánh, chưa hiểu, cố gắng lặn lội mày mò để “vỡ ra” mà “thương” (nói theo kiểu miền trong, “thương” tức là “yêu”). Còn cũng có loại tình yêu khi biết hết rồi, lộ hết cả, chẳng có gì lạ lẫm, ngạc nhiên về nhau nữa, lộn trái túi, dốc ngược “tâm hồn” trước nhau, và biết chắc cũng sẽ chẳng thay đổi được gì, mà vẫn thương. Giận thì giận mà thương càng thương. Nghĩ cũng kỳ lạ thật. Đúng là cuộc đời này vốn không có ý nghĩa lắm. Sống thì nghĩa là có nhiệm vụ hiến cho đời ý nghĩa riêng của mình thôi. Kể cả ý nghĩa của đời một “anh/thằng tù” vô tích sự như cậu bê bia kia đọc, vẫn để lại vài câu nghe cười được.

5.
Tình yêu – cờ bạc – nghệ thuật là những cuộc đấu nguyên thủy, đấu trí, đấu lực, đấu kiên nhẫn… của cái ta ở trong ta và cái ta ở trong “thằng khác”. Cờ bạc – tình yêu – nghệ thuật suy cho cùng là “tam vị nhất thể” của cái việc tích trữ và tiêu dùng năng lượng sống như thế nào mà thôi. Nhân loại có một câu hỏi mãi mãi bí ẩn không trả lời nổi là cái “mã nguồn” nào tạo ra chúng ta. Mãi mãi sẽ không ai trả lời được câu hỏi này. Chỉ “tiệm cận được đường chân trời” mà thôi, và để đi đến việc “tiệm cận đường chân trời” không thể không sống – không tích trữ và tiêu dùng năng lượng – chỉ để cuối cùng sẽ hiểu ra bản chất cuộc sống từ cái việc được-mất. Việc “đốt” – hay sống ấy, chỉ khác nhau là “đốt” bằng cách thức nào, cho nó “hiệu quả”. Thường là “đốt” được cái nọ thì mất béng cái kia, “đen bạc, đỏ tình” là thế. Chứ còn muốn cờ bạc cũng hay, yêu đương cũng nhất, nghệ thuật cũng giỏi, thì họa chăng chỉ có “thánh” hay các “Alahán” mới bao quản được. Còn kinh nghiệm tồn tại của người thường, đứng ngoài là: Đừng đùa với người đang yêu, đừng trêu người đang say cờ bạc, đừng có nhạo người làm nghệ thuật. Bởi khi say sưa trong những thế giới này, hầu hết chân dung của họ đều toát ra các vẻ, hoặc hưng phấn, hoặc nham hiểm, hoặc tinh ma ác độc, hung dữ hoặc buồn cười, hoặc ngớ ngẩn lố bịch đờ đẫn. Họ có thể bỏ qua cho ta (người đùa, trêu, nhạo họ) rất nhiều lỗi lớn, tưởng không thể dung thứ nổi, nhưng lại khó tha cho ta chuyện vặt khi nó “ngứa tiết’.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp kết truyện ngắn Chuyện tình kể trong đêm mưa bằng câu: ‘Tin tôi đi – tình yêu – đấy là một hung thần”. Tôi muốn thêm: “Tin tôi đi, tình yêu – nghệ thuật – cờ bạc, đó là những hung thần”. Có đủ dũng khí hãy bước vào cửa ấy, nói chung ít kẻ đi qua được, thường là chết một phần người hay chết cả người dọc đường. Vì công việc kiếm sống, tôi đã từng có cơ hội tiếp xúc một số tay đàn anh có thành tích thần sầu trong các giới: cờ bạc, nghệ thuật, yêu đương… thấy cay đắng một điều như giới doanh nhân hay nói: “Người thành công nhất là những người thất bại nhiều hơn người khác”. Hóa ra các “đàn anh” thành danh đều đã từng “lĩnh đủ”. Ngoài việc hầu hết ai cũng đều có một chân bản lĩnh lì lợm nào đó, thì cũng may mắn hơn người một chút để mà còn sống sót.

6.

Cuối bất cứ một ván bài nào, ván bài nghệ thuật hay ván bài tình, tiền… thì “thắng lợi chung tu” bao giờ cũng chỉ “thuộc nhất nhân” mà thôi. Đôi khi việc “thắng lợi” ấy chẳng phải được thêm gì to nhớn bổ béo, mà chỉ là nhỏ nhặt tỉ như giữ được… cái mạng của chính ta để về thăm mẹ mà thôi. Không sao. Miễn là ta đã “nhảy vào” cái “ván” ấy dám sống, dám làm, dám chơi, dám yêu và đôi khi, tùy “tình hình” cả dám chết! Phúc đức ông bà và lòng kiên nhẫn tu trì nhân cách được đến đâu thì sẽ “ù” được đến đó. Còn thời nào mà chẳng có thằng giật giải và cả đống những người bị cái thằng tên Thắng ấy nó đè đầu cưỡi cổ hay… làm thịt! Hậu sự rốt cuộc, thì Tổ quốc/ Tình yêu/ Cờ bạc hay Nghệ thuật có mất đi hay thêm lên một thằng vô tích sự thì đó là việc của “cánh đó”, không phải việc của ta!

*

(SOI: Trong cả bài, các bạn bấm thẳng vào hình để xem bản to hơn)

Ý kiến - Thảo luận

22:58 Saturday,14.7.2012 Đăng bởi:  Thủy Hướng Dương
NGHỆ THUẬT- ĐÂU LÀ GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC?

Thủy Hướng Dương

Những năm gần đây, chúng ta không được nhận nhiều đánh giá của thế giới về văn học nghệ thuật Việt Nam bởi một thực tế là trong ít nhất ba thập kỷ qua chưa có một tác phẩm nào xuất sắc nào gây tiếng vang cho khu vực cũng như quốc tế. Điều đó nói lên điều gì?

Bề nổi chỉ là giá trị ảo

...xem tiếp
22:58 Saturday,14.7.2012 Đăng bởi:  Thủy Hướng Dương
NGHỆ THUẬT- ĐÂU LÀ GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC?

Thủy Hướng Dương

Những năm gần đây, chúng ta không được nhận nhiều đánh giá của thế giới về văn học nghệ thuật Việt Nam bởi một thực tế là trong ít nhất ba thập kỷ qua chưa có một tác phẩm nào xuất sắc nào gây tiếng vang cho khu vực cũng như quốc tế. Điều đó nói lên điều gì?

Bề nổi chỉ là giá trị ảo

Trong một lần giao lưu cách đây không lâu, một số văn nghệ sĩ – được bạn nghề đánh giá cao – đã rất cởi mở trao đổi với tôi về giá trị của nghệ thuật trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay. Hầu hết trong số họ đều nhất trí cho rằng nghệ thuật đích thực bây giờ khó nhìn thấy hoặc không có nhiều để cho ta thấy nữa. Nếu muốn tìm những tác phẩm có giá trị thực sự thì không thể tìm nổi ở những triển lãm (dành cho tranh, ảnh) hay ở tạp chí, báo, internet (dành cho tác phẩm văn học). Xem ra họ rất có lý.
Ví dụ, một nhà nghiên cứu lịch sử nọ thường xuyên xuất hiện ở những hội nghị quan trọng cấp quốc gia, trên các kênh truyền hình, thậm chí hình ảnh của ông gần như tháng nào cũng có mặt không ở tờ báo này thì ở tờ báo kia lại không được bạn nghề đánh giá cao bởi lý do rất dễ hiểu: Vì ông không có công trình đáng giá nào được độc giả, bạn nghề ghi nhận, nên việc ông tự tạo cho mình một vầng hào quang – giá trị ảo là điều đương nhiên, việc này giống như những người đàn ông có tâm hồn yếu đuối thường tự trang trí cho mình một bộ râu quai nón gầm ghì, cách ăn nói bặm trợn tạo cảm giác dữ tợn để thấy mình tự tin hơn trước đám đông.
Còn những văn nghệ sĩ thực sự muốn sống để cống hiến cho đời đâu có đủ thời gian tự PR cho hình ảnh của mình? Họ không khi nào lãng phí thời gian để làm cái việc PR vô bổ đó mà dồn hết tâm huyết trong cái xó xỉnh nào đó vừa tối tăm, vừa thiếu thốn điều kiện (đa số văn nghệ sĩ chân chính đều nghèo) để nung nấu, chau chuốt cho đứa con tinh thần của mình mà sau này là đứa con tinh thần của xã hội ra đời. Do vậy, các văn nghệ sĩ nói đùa rằng, muốn thấy một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thì hãy ghé tận sân nhà nghệ sĩ chân chính mới mong tìm được.

Mặt bằng cảm thụ nghệ thuật ngày càng thấp

Nhưng nói cho công bằng, các tác phẩm nghệ thuật có giá trị ngày càng ít đi cũng bởi lẽ mặt bằng cảm thụ nghệ thuật của dân ta ngày càng thấp và dễ dãi quá chăng? Chắc chắn chúng ta không phải thiếu những văn nghệ sĩ tài năng, nhưng đôi khi để tồn tại được, họ -văn nghệ sĩ - phải hạ thấp mình để làm vừa lòng đại đa số lượng độc giả, khán giả thiếu trình độ cảm nhận, thừa khả năng tài chính mua hoặc điều khiển tác phẩm của họ. Hơn nữa xã hội nào chẳng thế? Văn nghệ sĩ cũng là con người, họ cũng có vợ, chồng, con cái và phải sống cho cuộc đời của chính họ. Bởi họ giống người bình thường thì đương nhiên cũng chẳng có gì đáng nói. Có đồng chí họa sĩ ABC nào đó còn lý giải cho việc không thành công ở tác phẩm của mình bằng một câu đại loại như: “Tại vợ tớ nó kiếm tiền giỏi quá, sống trong sung sướng thì làm sao mà có tác phẩm hay được?”. Tôi cho rằng đây là một câu nói vui, còn nếu nói thật thì chẳng qua cũng là một câu nói bao biện hết sức tầm thường. Chúng ta đều biết có rất nhiều nghệ sĩ xuất thân từ tầng lớp quí tộc, giàu có mà họ vẫn có những tác phẩm để đời đấy thôi. Số văn nghệ sĩ ít ỏi còn lại không chịu hạ thấp mình để cho bằng với mặt bằng dân trí thì mới là những người đáng để chúng ta nghiêng mình kính trọng. Những văn nghệ sĩ này dám vượt qua cái gọi là tầm thường “cơm áo gạo tiền” để sống và làm việc đích thực đời nghệ sĩ – hết lòng vị nghệ thuật. Họ đã vượt được cái ngưỡng mà không phải người nghệ sĩ nào cũng làm được, góp phần nâng cao mặt bằng cảm nhận nghệ thuật lên cao hơn. Dù mong manh nhưng vẫn là một việc có ích.

Đâu là giá trị đích thực?

Những năm gần đây, chúng ta không được nhận nhiều đánh giá của thế giới về văn học nghệ thuật Việt Nam bởi một thực tế là trong ít nhất ba, bốn thập kỷ qua chưa có một tác phẩm xuất sắc nào gây tiếng vang cho khu vực cũng như quốc tế. Điều đó nói lên điều gì?
Điều đó nói lên rằng, hầu hết các tác phẩm hiện nay đều do kỹ nghệ và phương tiện lăng xê thái quá. Đến nỗi người đọc, người xem như bị tung hỏa mù, không thể biết đâu là thật, đâu là giả. Ngay cả những người có trình độ cao, bản lĩnh vững vàng đôi khi cũng phải tự phân vân không biết mình đánh giá tác phẩm ấy có đúng không nữa. Tác phẩm văn học thì mới chỉ chạm ở mức kể lại hiện tượng mà chưa đi đến tận cùng sâu xa hiện thực cuộc sống còn tác phẩm hội họa, điêu khắc thì dường như cũng na ná như vậy, hời hợt, vay mượn ý tưởng, thiếu sâu sắc… Mà như vậy thì còn khuya mới có thêm những “Tắt đèn”, “Bước đường cùng” hay “Bỉ vỏ” – trong lĩnh vực văn học, “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Phố cổ Hà Nội”, “”Kim Vân Kiều” – trong lĩnh vực hội họa v.v…
Nhiều tác phẩm và tác giả hiện nay nổi như cồn nhờ báo chí, nhờ internet, nhờ các mối quan hệ… đó chính là cái mà tất cả chúng ta (độc giả, khán giả và tác giả) đều phải cùng nhau nhìn nhận lại. Chính tác giả được lăng xê cũng đâm ra ảo tưởng không hề biết sự lăng xê đang vô tình biến thành con dao hai lưỡi, giết chết sức sáng tạo của mình, làm cho mình mê muội với thứ hào quang ảo. Với cung cách như vậy, tác phẩm chỉ có giá trị ở bề nổi, dài lắm cũng chỉ được vờ ghi nhận khi tác giả đang sống mà thôi. Làm sao phải được như họa sĩ Van Gogh (người Hà Lan) hay như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng (Việt Nam) khi sống thì không ai biết mấy, nhưng khi họ qua đời các tác phẩm của họ sáng ngời chói lọi đến muôn đời. Đó mới gọi là nghệ thuật giá trị đích thực, là cái đích để chúng ta hướng tới.

Thủy Hướng Dương


 
20:37 Monday,9.7.2012 Đăng bởi:  Nhat Linh
Mấy câu trên không phải xuất xứ từ trên mạng đâu anh Vũ Lâm, nó là mấy câu trong một bài vè trong nhiều bài vè, xẩm tù nhưng của dân đi tù những năm 90 đổ về trước. Chắc thằng bé nghe từ mồm một cựu tù tầm tuổi 6x nào đó. Bản thông dụng của nó em nhớ na ná thế này :

18(có bản 16) tuổi anh làm du đãng
Giật dây chuyền đi tặng người yêu
Cướp xích lô ch
...xem tiếp
20:37 Monday,9.7.2012 Đăng bởi:  Nhat Linh
Mấy câu trên không phải xuất xứ từ trên mạng đâu anh Vũ Lâm, nó là mấy câu trong một bài vè trong nhiều bài vè, xẩm tù nhưng của dân đi tù những năm 90 đổ về trước. Chắc thằng bé nghe từ mồm một cựu tù tầm tuổi 6x nào đó. Bản thông dụng của nó em nhớ na ná thế này :

18(có bản 16) tuổi anh làm du đãng
Giật dây chuyền đi tặng người yêu
Cướp xích lô chở em đi dạo phố
Áo vá vai quần vá đít
Anh đi theo tiếng gọi của quân khu
Bị công an đày ra Côn Đảo
Anh vào tù như Hoàng tử nhập cung
Sáng cuốc đất như Quan Công múa võ
Trưa cắt cỏ như công chúa hái hoa
Tối đập muỗi như Hằng Nga bắt bướm
Cơm một bữa thịt gắp mỏi tay
Khi anh đi không người đưa tiễn
Khi anh về bảy tám thằng khiêng
Trên quan tài đề chín chữ thiêng liêng
Tổ quốc mất đi 1 thằng vô tích sự.

Trên đây là bản thông dụng nhất, nó có nhiều dị bản khác nhau.

Dân đi tù giữa những năm 90 đổ về trước có lối sống, nét văn hóa rất khác. Nếu đi từ những năm 90 ( sinh 7x,8x) đổ về nay một kiểu khác. Không còn những câu hò vè hay xẩm dân gian như xưa nữa. Có một dòng thi ca hò vè của dân đi tù cũng rất thú vị. Em sinh ra ở ngõ chợ Khâm Thiên, 24 tuổi mới chuyển đi. Suốt những năm còn nhỏ nghe những bài vè kiểu này. Cả xóm khoảng trên 50% đàn ông con trai cứ đi đi về về, ông này ra thì ông khác lại đi. Đủ tội, tầm 12,13 thì bán lẻ thuốc, ăn cắp, trấn lột ... Trên nữa thì tội nặng dần … Các bác đi về thuộc nhiều vè, xẩm và khéo tay. Bọn trẻ con cứ sang vừa nghe xẩm vừa nhờ khắc bản in. Cạnh nhà em có 1 bác 6x khắc rất đẹp. Không vẽ hình trước mà đập ruột bút bi bôi đen gỗ rồi khắc trực tiếp. Anh làm văn hóa, khi nào có thời gian làm một nghiên cứu nhỏ về văn hóa dân gian của dân đi tù cũng có cái hay đấy. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

THẾ HỆ MỚI của Anh Tuấn

Thông tin từ triển lãm

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả