Nhiếp ảnh

Giải Welcome: chụp não, các tế bào, và nhiều thứ “ghê gớm” khác 12. 07. 12 - 8:29 am

Vi Quân dịch

 

.

Đã bao giờ bạn băn khoăn rằng não mình trông như thế nào chưa? Hay các tế bào ung thư có hình dạng gì? Hoặc cả lý do tại sao ly cà phê bạn uống hàng ngày lại khiến bạn tỉnh ngủ?

Lần này, những người chiến thắng giải nhiếp ảnh Welcome sẽ cho bạn thấy nhiều điều kỳ thú.

Giải thưởng Welcome ra đời với mục đích giúp người xem thấy làm cách nào mà những nét đẹp của nghệ thuật lẫn khoa học và y học lại có thể hòa quyện vào nhau, vì vẻ đẹp hình ảnh của các tác phẩm cũng phải quan trọng như cái nội dung “hàn lâm” (Y khoa) của nó.

Theo lời của Catherine Draycott – người đứng đầu của cuộc thi ảnh Welcome – thì “Welcome dựa vào giá trị khoa học và kỹ thuật cũng như vào sự hấp dẫn về mặt thẩm mỹ của các bức ảnh nhằm lựa ra những người thắng cuộc. Các nhiếp ảnh gia mang đến cho người xem một cơ hội để (thấy rằng khoa học và nghiên cứu) vừa là một nguồn cho cái đẹp, vừa là nguồn cung cấp những kiến thức quan trọng về thế giới của chúng ta.”

Nếu những bức ảnh trông như thể chúng đến từ một hành tinh khác, thì đó là do những nhiếp ảnh gia dùng nhiều kỹ thuật đáng kinh ngạc để chụp chúng. (Một số dùng kính hiển vi để chụp ảnh, giống cách Michael Davision làm để chụp hình rượu bia).

Tác phẩm hình đoạt giải nhất là hình do Robert Ludlow chụp bộ não của một người còn sống (đang trải qua cuộc phẫu thuật). Bộ não thuộc về một bệnh nhân mắc chứng động kinh, theo nhận xét từ phía ban giám khảo của cuộc thi thì bức hình đã đưa ra được một cái nhìn hiếm hoi vào bên trong hộp sọ của con người.

Thách thức của những bức ảnh này là giúp người xem “gần gũi hơn với khoa học”, các nhiếp ảnh gia mở ra một thế giới “siêu vi” của thực vật, động vật, và khoáng sản; theo một cách cực kỳ lạ lẫm mà gần như chưa ai thấy bao giờ.

“Nhiếp ảnh y học” vốn nổi tiếng là một quá trình chụp ảnh đầy gian nan, vì nhiếp ảnh gia phải tác nghiệp bên cạnh các bác sĩ với điều kiện ánh sáng khó khăn.

Chúng tôi thực không thể quyết định rằng một số hình ảnh dưới đây là rất lôi cuốn hay trông buồn nôn – Còn bạn, bạn nghĩ gì?

.

Lá của hoa oải hương
Tác giả: Annie Cavanagh và David Mc Carthy

Hình chụp từ máy quét vi ảnh điện tử (SEM) cho ta thấy một lá cây oải hương (Lavandula) tại mức 200 micrômét. Hoa oải hương có một lượng tinh dầu và một mùi thơm ngọt ngào đặc trưng; có thể sử dụng oải hương làm dầu thơm, sáp xà phòng, nước hoa, mỹ phẩm và làm thuốc đắp. Nó còn được dùng để hỗ trợ giấc ngủ, giúp đầu óc thư giãn cũng như giảm bớt lo lắng.

.

Sự phân bào
Tác giả: Kuan-Chung Su và Mark Petronczki, Viện nghiên cứu tại Luân Đôn, thuộc tổ chức nghiên cứu ung thư, Anh Quốc

Tấm “vi ảnh” ghép này cho thấy sự phân bào của một tế bào ung thư. Trong hình, DNA có màu đỏ, và màng tế bào có màu lục lam. Tế bào hình tròn ở trung tâm có đường kính là 20 micrômét.

.

Tinh thể cafein
Tác giả: Annie Cavanagh và David McCarthy

Vi ảnh này cho ta thấy hình dạng của các tinh thể cafein. Cafein có vị đắng, và chất xanthine alkaloid của cafein đóng vai trò như một chất kích thích. Cafein không chỉ có trong… cà phê, mà còn có trong hạt, lá và hoa trái của một số loại thực vật, nó có tác dụng như một loại thuốc trừ sâu tự nhiên, có thể làm tê liệt và giết những con côn trùng gây hại cho thực vật.

.

Hệ thống mạch máu của phôi gà
Tác giả: Vincent Pasque, đại học Cambridge

Vi ảnh huỳnh quang này chụp hệ thống mạch máu của một phôi gà đang trong quá trình phát triển sau 2 ngày thụ tinh. Tác giả đã tiêm dextran huỳnh quang vào phôi để làm rõ hệ thống mạch máu, phôi thai sử dụng mạch máu này để lấy chất dinh dưỡng từ lòng đỏ trứng và nuôi chính mình.

.

Chuyển động của các tế bào ung thư
Tác giả: Salil Desai, Sangeeta Bhatia, Mehmet Toner và Daniel Irimia, Viện Koch – hiệp hội nghiên cứu ung thư, MIT

Bức hình này mô tả chuyển động hóa học của những tế bào ung thư. Hóa hướng – hay chuyển động trực tiếp của tế bào nhờ áp suất có trong các phân tử nhỏ – là nguyên nhân chính khiến các tế bào ung thư lan từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể. Quá trình còn được biết đến dưới tên gọi “thác di căn”.

.

Phẫu thuật sửa vách ngăn tâm thất
Tác giả: Henry De’ath, Bệnh viện Hoàng gia London

Bức ảnh mô tả quá trình sửa vách ngăn tâm thất (bệnh VSD). VSD là một loại dị tật, khi giữa tâm thất phải và trái của tim có một lỗ hổng, nó thường là bệnh bẩm sinh và được biết đến với tên “lỗ hổng trong trái tim”.

.

Các tinh thể loperamide
Tác giả: Annie Cavanagh và David Mc Carthy

Bức ảnh chụp từ máy quét vi ảnh điện tử này ta thấy rõ một tinh thể loperamide. Loperamide là một loại thuốc chống tăng nhu động (ruột), dùng để điều trị bệnh tiêu chảy. Chúng làm chậm lại quá trình hoạt động của ruột và từ đó giảm thiểu tốc độ di chuyển của “các thứ” nằm trong ruột. Thức ăn sẽ ở lại trong dạ dày lâu hơn và cơ thể người bệnh sẽ có thì giờ để hấp thụ nước một cách hiệu quả.

.

Tiêm vắc-xin bằng vi kim (microneedle)
Tác giả: Peter Demuth

Dưới ống kính của máy quét vi ảnh điện tử, chúng ta trông thấy hằng hà “microneedle”(vi kim tiêm) làm từ một loại polyme (có thể tự phân hủy). Các nhà nghiên cứu cho biết, những vi kim tiêm này có thể sử dụng để đưa vắc-xin vào cơ thể một cách an toàn mà không gây đau đớn. Mỗi microneedle sẽ nằm trên một miếng dán có diện tích 1cm vuông (vậy muốn tiêm vắc xin thì chúng ta chỉ cần dán băng lên da).

.

Hình ảnh ghi lại từ hộp sọ của người mắc bệnh động kinh
Tác giả: Robert Ludlow, Viện thần kinh học UCL, London

Bức ảnh này chụp bề mặt (vỏ não) của bộ não của một người mắc bệnh động kinh. Hình ảnh hiển thị rõ các động mạch màu đỏ tươi, cung cấp dinh dưỡng và ôxy cho não. Còn các tĩnh mạch tím giúp loại bỏ máu thiếu ôxy. Bức hình này chụp ngay trước khi bác sĩ tiến hành quá trình kích điện để ghi hình hộp sọ của bệnh nhân động kinh; trong quá trình này, hoạt động điện (chạy qua não) sẽ được đo (trực tiếp) từ bề mặt não bộ, nghĩa là bệnh nhân phải trải qua giải phẫu mở hộp sọ, nghe đâu cách chữa trị này chỉ dành cho những ai mắc bệnh động kinh nặng.

 

Ý kiến - Thảo luận

11:15 Thursday,12.7.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
đa số zễ coi
đôi cái ghê ghê
...xem tiếp
11:15 Thursday,12.7.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
đa số zễ coi
đôi cái ghê ghê 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả