Gẫm & Bình

Khi sự “khéo” làm giảm sự hấp dẫn 15. 08. 12 - 9:57 am

Đoàn Vị Thanh

Nghệ thuật Đương đại Việt Nam – cuốn sách thứ hai đề cập đến các hình thức nghệ thuật mới ở Việt Nam, vẫn thường được xem như là nghệ thuật đương đại (contemporary art), vừa ra mắt công chúng. Nhưng không như cuốn đầu tiên in dưới dạng song ngữ Việt-Anh (12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam, NXB Thế giới – 2010) để cho người đọc Việt (không đọc được tiếng Anh) và người đọc không biết tiếng Việt có thể cùng tiếp cận, cuốn sách thứ hai này chỉ có bản tiếng Anh, do NXB Tri Thức ấn hành. Sách được giới thiệu rải rác trên truyền thông trong nước và được đánh giá cao, không biết những người viết các bài điểm sách có đọc sách không, hay chỉ căn cứ vào Thông cáo báo chí là chính…

Tôi cũng đã mua sách và vừa đọc vừa tra từ điển. Dù gì, đây cũng là một nỗ lực của những người làm sách, tự xin tài trợ, tự bỏ tiền, bỏ công, giữa một thực tế xuất bản hiện nay là các nhà xuất bản thường chỉ “bán” giấy phép chứ không bỏ tiền ra để làm sách như thời bao cấp. Hơn nữa, các hình thức nghệ thuật mới ở Việt Nam đã hiện diện từ hàng chục năm qua, nhưng sách viết về chúng lại quá ít, nên có sách này càng đáng quý. Chỉ có điều, sau khi đọc sách, tôi thấy tiếc ở mấy điểm sau:

 

Sách có quá nhiều liệt kê

Phần Hai và Ba của cuốn sách đề cập việc thực hành nghệ thuật đương đại của Việt Nam và giới thiệu một số nghệ sĩ (hẳn là tiêu biểu, theo như các tác giả sách?). Trong phần Hai, lại chia hai tiểu mục. Đầu tiên là Các sự kiện (Events), được xếp theo các khoảng thời gian như 1994-1999, 2000-2002, 2003-2005,… và điểm danh những sự kiện, hoạt động được cho là đáng chú ý trong thời gian đó.

Mục tiếp theo là Một số đặc điểm của nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn và video art. Nửa đầu của mục này, các tác giả điểm lại một số đặc điểm chung của loại hình và không quên liệt kê rất nhiều nghệ sĩ và tác phẩm để minh họa. Rồi cùng một format đó được lặp lại với từng hình thức nghệ thuật, lại cũng điểm danh các nghệ sĩ và sự kiện đáng kể của các hình thức này. Tóm lại, phần lớn các nghệ sĩ vừa được nhắc đến ở mục Các sự kiện lại tiếp tục được kể tên trong mục Một số đặc điểm

Sau đó, sang phần Ba – giới thiệu nghệ sĩ – trang đầu tiên là đăng ảnh chân dung, tóm tắt tiểu sử, triển lãm nổi bật và một vài dòng khái quát về nghệ thuật của nghệ sĩ, các tác phẩm hay triển lãm tiêu biểu. Tiếp theo là một số trang đăng ảnh chụp tác phẩm của nghệ sĩ.

Tác giả Bùi Như Hương và giám đốc nhà xuất bản Tri Thức – ông Chu Hảo, tại lễ ra mắt sách tại cà phê sách Trung Nguyên, Hà Nội. Ảnh: TNF, trungnguyen.com.vn

 

Vậy là, cảm giác lặp đi lặp lại là quá mức. Sự nhắc đi nhắc lại các sự kiện, tác phẩm, tên tuổi nghệ sĩ một cách chung chung kiểu CV khiến chúng lấn át đi những phân tích, đánh giá mang tính nghiên cứu vốn cần thiết nhưng lại vô cùng ít ỏi trong sách này. Các tác giả mải điểm mặt, chỉ tên những ví dụ của nghệ thuật đương đại Việt Nam mà xao lãng (hay né tránh) việc đi vào những vấn đề cốt lõi trong đời sống của nó, chằng hạn những ảnh hưởng của nó (nếu có) đến xã hội, đến công chúng Việt Nam, những vị trí của nó (nếu có) trong bối cảnh nghệ thuật khu vực và toàn cầu.

Cuối cùng, sách lại có một mục “Chronology of major contemporary art events”, điểm lại theo từng năm những “sự kiện nghệ thuật đương đại quan trọng/lớn”!

Đặc biệt, sau khi liệt kê đã đời, các tác giả lại đưa ra một số đặc điểm chung như có hai dạng nghệ thuật sắp đặt ở Việt Nam là trong nhà và ngoài trời. Dạng ngoài trời thì ví dụ như ai (lại liệt kê và miêu tả tác phẩm) và tương tự vậy với dạng trong nhà. Sau các ví dụ trên là những khái quát chung chung tiếp theo về đặc điểm của nghệ thuật này; như “hầu hết các sắp đặt khác đều nhỏ, gọn gàng, thích hợp để bày trong nhà…”, một số thích bày sắp đặt kèm tranh, số khác lại thích sắp đặt kèm trình diễn (những đặc điểm này tiếp tục đi kèm các liệt kê nghệ sĩ và tác phẩm)… Tuy nhiên, đến những nhận xét về điểm yếu của nghệ thuật thì không có ví dụ cụ thể làm “minh chứng” nào, thay vào đó vẫn là cách viết kiểu công chức, công thức như “hầu hết”, “nhìn chung”…

Khi mua cuốn sách này, cái mà tôi chờ đợi là những đánh giá cụ thể về chất lượng và tinh thần “contemporary” của nghệ sĩ và nghệ thuật Việt Nam. Là một người quan tâm đến nghệ thuật đương đại song thiếu thông tin, thiếu cái nhìn nghiên cứu, so sánh về tình hình hoạt động nghệ thuật đương đại trong nước, tôi rất muốn được biết theo tiêu chí của người làm nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam (ít nhất ở đây là hai tác giả có uy tín) thì thế nào được coi là đẹp, là hay, là đẳng cấp của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Ai chẳng biết, thông tin từ phía nghệ sĩ hay nơi tổ chức triển lãm lại chỉ toàn lời hay, ý đẹp, lắm lúc quá lớn lao; các bài phê bình trên báo, trên mạng lại vắng vẻ, hiếm khi được nghe một sự lên tiếng của người có chuyên môn…; chưa kể, do tính chất mở của nghệ thuật đương đại nên ranh giới giữa “vàng” và “rác” trong lĩnh vực này thật quá mong manh. Chính bởi vậy, những nhận định và đánh giá có chủ kiến của các nhà nghiên cứu, phê bình về nghệ thuật trước các tác phẩm, trước một trào lưu, loại hình… là điều mà người đọc mong được đón nhận. Nhưng ở đây, sách chỉ toàn những liệt kê không chính kiến.

Hai tác giả Bùi Như Hương và Phạm Trung. Ảnh trên Internet

 

Tiếng Anh theo kiểu tiếng Anh hay tiếng Anh theo kiểu tiếng Việt?

Tên sách là Vietnamese Contemporary Art. Cách sắp từ này khác hẳn với những tên sách hoặc trang web của người bản ngữ. Nếu vào Google tra cứu, bạn sẽ thấy tiếng Anh cho cái tên này là: Contemporary Vietnamese Art (ví dụ: An ocean apart: contemporary Vietnamese art from the United States and Vietnam, sách của Jeffrey Hantover, Smithsonian Institution, Hoa Kỳ, hoặc từ thông tin trang web của Art Vietnam gallery tại Hà Nội của bà Suzanne Letch, người Mỹ). Không những vậy, trong trình bày bìa, tên sách lại dễ dàng bị đọc thành: Vietnamese Art contemporary! Đây có thể là một cách trình bày văn hoa, song dù văn hoa thế nào, nó cũng không nên bất tuân quy chuẩn, bởi bìa sách này cũng không phải là một phá cách trong trình bày đồ họa.

Tên của hai tác giả ở ngoài bìa được để theo thông dụng tiếng Anh là không có dấu nhưng trong bìa phụ và trong toàn bộ sách, tên của họ và tên của tất cả các nghệ sĩ đều được để nguyên dấu tiếng Việt. Lâu nay, những cái tên nghệ sĩ Việt Nam được biết đến trong khu vực và thế giới đều đã mặc định là tiếng Việt không dấu. Trong sách, vựng tập, catalogue triển lãm, giấy mời triển lãm,… đều vậy. Đó đã là thông lệ. Vậy cớ sao sách của ta lại phải khác đi? Để chứng tỏ ta tôn trọng tiếng Việt? Hay để làm gì nữa? Sao không thể để tên không dấu cho đúng chuẩn rồi mở ngoặc để tên có dấu để ai muốn phát âm đúng thì còn phát âm được?) Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, lại sẽ thấy tên của các địa danh trong nước và nghệ sĩ gốc Việt được để nguyên không dấu, như là Hanoi, Mao Khe, Ho Chi Minh City, Nha san Duc, Dinh Q. Le, Jun Nguyen Hatsushiba… Có chút gì đó bất nhất và lúng túng ở đây chăng? Tôi không biết nguyên do nhưng tôi không ủng hộ việc làm này. Nó thể hiện tình trạng bất chấp mọi tiêu chuẩn thông lệ quốc tế như rất nhiều sản phẩm khác của Việt Nam. Vậy thì làm sách tiếng Anh vì mục đích chi?

Đây là một đoạn tiếng Anh của sách, bình luận về nghệ thuật sắp đặt của Việt Nam: “Vietnamese installations are often vague, fragmented, and different parts of the work do not connect very well to create a defined image that is clear in concept. Many artists reach a dead–end after reaching the stage of trying unconventional materials, or finding new forms of aesthetics, beautiful and strange. Is this, perhaps, due to cultural restrictions, a lack of philosophic understanding, a lack of critical thinking, and the Vietnamese’s tendency to simply stick to aesthetic and beauty? Or is this form of art still too new and Vietnamese artists need more time and experience to make better works?” (trang 39). Tiếng Anh ở đây được sử dụng theo tư duy của người Việt khi sử dụng tiếng Việt. Ví dụ: từ installations ở dạng phiếm chỉ thì không nên đặt trong tương quan với từ ở dạng xác định là “the work”. Hay, cụm từ “beautiful and strange” chắc được dịch từ bản tiếng Việt là “đẹp và lạ” nhưng nếu tôi không lầm, từ “lạ” mà các tác giả dùng ở đây hàm nghĩa khác biệt, mới, ít ai làm, tức “lạ” theo chiều hướng tích cực; còn “strange” trong tiếng Anh là xa lạ, không quen biết, theo chiều hướng không tích cực, “tàu lạ” chẳng hạn… Cách để câu thì dài dòng, nhiều vị ngữ và nối câu thường được dùng trong tiếng Việt (và người Việt có thể hiểu được vì chung ngôn ngữ) nhưng khi chuyển ngữ sang tiếng Anh và để nguyên cách hành văn như vậy, câu cú trở nên lủng củng và khó hiểu.

Hay đoạn khác, nhận xét chung về video art: “In general, Vietnamese video art is still primitive in terms of technique, they are simple and many works take on the form of documentary clips, with composition leaning towards traditional aesthetics and are limited in their use of multi-chaneled screenings. A comprehensive reason is the financial and technological limits, as well as insufficient knowledge. Recently, artists have combined video with performance, installation or folk art forms. In such cases, the video only plays the supporting role, working as visual illustrations. In very few cases do they stand by themselves as complete works. Vietnamese video art perhaps is not strong and persuasive enough to stand independent of other forms and attract viewers.” (trang 49). Ở đoạn này, cũng vẫn có những lỗi tương tự như từ số ít lại tương quan với số nhiều, câu văn thường ở dạng nối câu, dài dòng, cách dùng từ tiếng Anh chưa đúng ngữ cảnh (như là dùng từ “strong” để miêu tả “video art”, trong khi “strong” hàm nghĩa sức khỏe thể chất hoặc sức khỏe tinh thần)…

Buổi ra mắt sách tại cà phê sách Trung Nguyên, Hà Nội. Từ trái sang phải: Ông Cao Chi (giáo sư Vật lý), bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà giám đốc Viện Goethe, cô Trâm “Hội đồng Anh”. Bà Tôn Nữ Thị Ninh đánh giá rất cao cuốn sách. Ảnh: TNF, trungnguyen.com.vn

 

Nghệ thuật đương đại có tồn tại ở Việt Nam không?

Đây là tên của mục cuối cùng trong phần viết tổng quan của các tác giả (trang 13) và cũng chính là câu hỏi mà tôi thực sự cần được nghe câu trả lời có chính kiến của hai nhà nghiên cứu.

Họ không trả lời thẳng mà nói đến tình trạng “có nhiều tranh luận về hiện đại hay đương đại”, “có nhiều dạng nghệ thuật cùng tồn tại ở Việt Nam hiện nay như truyền thống, dân gian, hiện thực xã hội chủ nghĩa, hiện đại, thử nghiệm theo tinh thần của thực hành đương đại”. Sau đó họ nhắc đến sự chậm chạp trong việc tiếp nhận các yếu tố hiện đại (modern elements) ở Việt Nam và nguyên do của việc ấy. Họ dẫn ra rằng “nhiều người nhất quyết rằng cái gọi là nghệ thuật đương đại không tồn tại ở Việt Nam” và nêu nguyên do của sự nhất quyết đó. Tiếp theo, hai tác giả xuống dòng và viết một câu: “However, reality seems to be different.” (Tuy nhiên, sự thực dường như khác.). Và diễn giải về sự khác này, họ nói đến bối cảnh đổi mới, hậu chiến, sự thay đổi của hoàn cảnh sống do phát triển kinh tế,… và theo họ, có nhiều nguyên do và cơ hội cho nghệ đương đại xuất hiện ở Việt Nam. Họ cho rằng nghệ thuật đương đại ở Việt Nam có một nền tảng phong phú để phát triển và nó đã và đang phát triển từ 20 năm qua… Rồi cuối cùng, các tác giả đưa ra những khái luận theo kiểu “nói thế nào cũng được”, như là phạm vi tác động của nó (nghệ thuật đương đại) còn tùy vào tài năng, nỗ lực của con người và bối cảnh đất nước (“The extent of its effect, however, depends on talent, people’s efforts and the nation’s circumstance.”, trang 14). Đoạn kết là một chút lý luận về “yếu tố đương đại trong một tác phẩm nghệ thuật” với một kiểu tiếng Anh thật khó nhằn – tôi trích nguyên văn: “Before returning to the state of contemporary art in Vietnam, we should once more agree (in accordance with the international general definition) that the “contemporary” element in an art work is distinguished mainly based on the meta- questioning mood as well as the tendency to criticize, reflect, and commit in the work regarding issues of a personal, social or global nature (as mentioned above). A real and exemplary contemporary artwork, regardless of origin, has the power to emit a unique creativity that challenges the viewers.” (trang 14 – 15).

Nghĩa là đọc xong trang rưỡi sách thì cũng thấy đoán ra được câu trả lời của hai tác giả là: “Có, nghệ thuật đương đại có tồn tại ở Việt Nam”. Nhưng đáng ra, thay vì trả lời một cách vòng vèo, phủ định của phủ định, họ nên đưa ra câu trả lời ngay từ đầu và giúp mở rộng nhận thức của bạn đọc bằng những diễn giải rõ ràng, xác đáng, có chủ kiến hơn về sự tồn tại “như thế nào” của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Làm thế có lẽ sẽ bổ ích hơn với cả người đọc trong nghề lẫn ngoài nghề. Có cảm giác, các tác giả còn khôn khéo câu giờ, né đường khó nhai bằng những đoạn viết của họ về bối cảnh xã hội đổi mới hay hậu đổi mới, rải ra ở nhiều nơi trong sách một cách không cần thiết.

Nỗ lực làm sách của hai tác giả, như tôi nói ban đầu, là đáng quý. Nhưng dù quý thì vẫn phải nói ra đây những điều đáng tiếc trong sách. Tôi cũng hy vọng sẽ được đọc trao đổi lại của các tác giả, vì rất có thể, tôi đã không hiểu được nhiều điều trong sách này và về sách này.

Xin trân trọng cảm ơn trước.

 

*

Bài liên quan:

– 28. 7: Bùi Như Hương và Phạm Trung ra mắt sách mỹ thuật đương đại Việt (bản tiếng Anh)   
– Khi sự “khéo” làm giảm sự hấp dẫn

– Vẫn mấy khuôn mặt cũ mèm nổi tiếng ấy…

– “Nghệ thuật Việt Nam đương đại 1990-2010”: Xứng đáng được vinh danh ở mức cao nhất

– Định nghĩa hay mô tả nghệ thuật đương đại? – Về bình luận của Ilza Burchett cho cuốn “Nghệ thuật đương đại Việt Nam”

 

Ý kiến - Thảo luận

16:38 Tuesday,28.8.2012 Đăng bởi:  Hoa
DINO: ngọc còn có vết mà bạn, nói đến vết của ngọc là nói đến sự thật, còn có cố tình khía vết vào ngọc thì mới nên bị coi là "dìm hàng".:-)
...xem tiếp
16:38 Tuesday,28.8.2012 Đăng bởi:  Hoa
DINO: ngọc còn có vết mà bạn, nói đến vết của ngọc là nói đến sự thật, còn có cố tình khía vết vào ngọc thì mới nên bị coi là "dìm hàng".:-) 
14:32 Tuesday,28.8.2012 Đăng bởi:  DINO
Đọc sách rồi. Thấy nội dung bổ ích và nhiều thông tin, hình ảnh lắm. Cuốn sách đã bao quát về Nghệ thuật đương đại Việt Nam trong hơn hai chục năm qua xem thú vị. Không tệ nên chẳng thể "Dìm hàng" cuốn sách được đâu.
Tặng hai tác giả làm sách VCA 1990 -2010:
Đèo cao thì mặc đèo cao
Dẫu rằng Núi lở, vẫn cao hơn Đèo...
Xin chúc mừng
...xem tiếp
14:32 Tuesday,28.8.2012 Đăng bởi:  DINO
Đọc sách rồi. Thấy nội dung bổ ích và nhiều thông tin, hình ảnh lắm. Cuốn sách đã bao quát về Nghệ thuật đương đại Việt Nam trong hơn hai chục năm qua xem thú vị. Không tệ nên chẳng thể "Dìm hàng" cuốn sách được đâu.
Tặng hai tác giả làm sách VCA 1990 -2010:
Đèo cao thì mặc đèo cao
Dẫu rằng Núi lở, vẫn cao hơn Đèo...
Xin chúc mừng 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tranh chưa khô đâu (cãi chưa xong đâu!)

Roberta Smith – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả