Gẫm & Bình

Phạm Huy Thông: Đó là cảm xúc của tớ 12. 07. 10 - 6:53 am

Phạm Huy Thông

(SOI: Đây là cmt của họa sĩ Phạm Huy Thông trong bài của Mai Chi. Soi xin được đưa lên thành bài để tiện theo dõi. Tên bài do Soi đặt) 

 

Rất cám ơn bạn Mai Chi. Cách bạn viết rất có tính thuyết phục. Bài viết của bạn làm giàu thêm những góc nhận định về tác phẩm của tớ. Bản thân tớ khi bình luận với bạn bè cũng đề cao hơn phần “ready made performance” diễn ra vào buổi sáng khi chúng ta có cơ hội nhìn dòng người đến Văn Miếu sờ đầu rùa. Đó là mục tiêu chính của tớ khi mời mọi người đến ngày hôm đó. Các phần thực hiện tiếp sau là những thử nghiệm ngẫu hứng. Tất nhiên vì ngẫu hứng nên những suy tính cho những phần này không được cặn kẽ, bù lại cảm xúc rất dồi dào (cảm xúc của tớ, còn bạn không có cảm xúc gì thì kệ bạn).

Tớ vẫn muốn giữ ý kiến của mình về cách gọi “ready made performance“. Theo bạn nói những nghệ sĩ khác đã vẫn sử dụng các cá thể, vật thể và hoàn cảnh bên ngoài. Tớ đồng ý với bạn ở điểm này, nhưng các nghệ sĩ đó cũng phải làm việc vất vả để tương tác với các yếu tố trên. Trường hợp của tớ, tớ chẳng làm gì ngoài mời mọi người đến và bình luận. Tớ dùng từ “Ready made performance” vì đơn giản tớ không muốn mọi người hỏi câu hỏi ngược lại: Thằng Thông nó có làm gì đâu mà nó bảo là performance đó là của nó? (Nói thật nhé, tớ rất khoái là tớ đã nặn ra được cái từ mới là “Ready made performance” he he).

 Tớ nghĩ bạn dị ứng nhất với cách dùng những cụm từ nặng như: “buôn bán vinh quang”, “phá hoại một cách ngu xuẩn”… Xin lỗi nhé, tính tớ thế, khi làm cái gì thì cố làm cho nó cực đoan lên. Cách làm nghệ thuật của tớ nó thế. Bạn xem tranh tớ cũng thấy điều này, nhiều người không thích cái cách này, bạn cũng không thích. Tớ thì chịu không đẽo cày theo bạn được.

 Xin trích lại câu nói “Phạm Huy Thông hơi quá chắc chắn về sự ưu việt đạo đức của mình.” Câu nói này là một câu nói “chụp mũ” chính cống, giống vô vàn các câu chụp mũ trong các cuộc tranh luận bất tận trên các diễn đàn nghệ thuật. Tớ nói thẳng, tớ không đạo đức gì đâu, nhưng không vì thế mà tớ không có quyền chê bai những hành vi phi đạo đức của người khác. Bạn nghĩ gì khi tớ nói rằng: “Mai Chi phê bình tác phẩm trình diễn của tôi, Mai Chi hơi quá chắc chắn về tài năng làm nghệ thuật trình diễn của mình“?

 Còn ý cuối cùng của bạn về việc rùa đá dùng để an ủi người này người kia, tớ cực lực phản đối, cái ý đó tiêu cực quá. Nếu ai đến cũng được an ủi một tí thế thì rùa đá chẳng tồn tại được bao lâu, con cháu chúng ta sẽ phải ngắm nhìn rùa xi măng hay rùa composite phục dựng đây? (Nên nhớ rằng việc sờ đầu rùa xuất hiện không lâu, mà nhiều rùa đá đã phải phẫu thuật thẩm mỹ bằng xi măng rồi đấy). Nỗi hổ thẹn của người Hà Nội trong những “lễ hội hoa anh đào”, “phố hoa bờ hồ” có lẽ cũng vì những “lấy về làm kỷ niệm”, “sờ vào để cảm nhận tinh tế”… làm cho các em hoa tan tác mây trôi hết. Túm lại, phá hoại dưới mục đích hay hình thức nào thì cũng là phá hoại, dẫu cho người thực hiện nó có nhỏ bé, có ánh mắt “trong trẻo” hay “mệt nhọc” như thế nào.

 Tớ có cảm giác chúng ta lại sắp nhảy vào một cuộc tranh luận không có hồi kết. Mệt nhỉ.

 Để kết thúc phần comment này, tớ xin nói rằng tớ cảm thấy hạnh phúc sau một ngày làm việc ở Văn Miếu, tớ coi đó là một ngày có ích.

 

 

**

Bài liên quan:

Tường thuật Sờ Đầu Rùa  
Hôm nay: Phạm Huy Thông sờ thấy vinh quang  
Rất, rất sơ lược về readymade art  
Tôi chỉ là người theo chân ông Duchamp
Performance hay là Propaganda?
– Đó là cảm xúc của tớ

Ý kiến - Thảo luận

17:34 Monday,12.7.2010 Đăng bởi:  tran trong linh
Trước hết xin cảm ơn tác phẩm Sờ Thấy Vinh Quang của nghệ sỹ Phạm Huy Thông, anh đã đưa ra một thông điệp rất trực quan của mình để nhiều người cùng đặt câu hỏi về hành vi "Sờ". Nhưng tôi có môt vài điều muốn chia sẻ và trao đổi cùng nghệ Sỹ Phạm Huy Thông và bạn đọc.
Khi xem một tác phẩm nghệ thuật, dù nó thuộc hình thức ngôn ngữ thể hiện gì, điều
...xem tiếp
17:34 Monday,12.7.2010 Đăng bởi:  tran trong linh
Trước hết xin cảm ơn tác phẩm Sờ Thấy Vinh Quang của nghệ sỹ Phạm Huy Thông, anh đã đưa ra một thông điệp rất trực quan của mình để nhiều người cùng đặt câu hỏi về hành vi "Sờ". Nhưng tôi có môt vài điều muốn chia sẻ và trao đổi cùng nghệ Sỹ Phạm Huy Thông và bạn đọc.
Khi xem một tác phẩm nghệ thuật, dù nó thuộc hình thức ngôn ngữ thể hiện gì, điều tôi quan tâm là ý tưởng cụ thể của tác phẩm và ý niệm của tác giả muốn truyền tải. Còn Duchamp, Damien Hirsh, Jeff Koons...tôi không quan tâm, nó thuộc về một quan niệm thẩm mỹ của một dạng nghệ thuật hay kiến thức. Tôi xem tác phẩm của anh để biết về một nghệ sỹ Phạm Huy Thông.
Những cụm từ tiếng Anh hay tiếng Pháp mà anh tự nghĩ ra hay những cụm từ mà các nghệ sỹ Việt Nam hay dùng để viết vào phần đóng mở ngoặc, tôi cũng không quan tâm, ngôn ngữ là nhằm mục đích giao tiếp trao đổi thông tin, thu thập kiến thức. Tôi chưa từng thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dùng bất cứ một cụm từ tiếng Anh hay tiếng Pháp nào khi viết văn mặc dù nghề của ông là viết sách. Tôi cũng chưa được nhìn thấy Paul McCarthy có viết lời phụ lục khi trình bày những tác phẩm trình diễn của ông. Nên chăng chúng ta nên sử dụng đúng mục đích của việc dùng ngôn ngữ. Ngôn ngữ không có chức năng "Đánh Bóng" cá nhân.
Nói cụ thể hơn vào tác phẩm Sờ thấy vinh quang của Phạm Huy Thông: thông điệp anh đưa ra tôi thấy thật cụ thể và không có gì nhiều để bàn cãi. Nhưng thông điệp này chỉ dừng lại ở dạng "tranh cổ động" như bạn Mai Chi viết. Thông điệp ở dạng một chiều. Các phương tiện thông tin đại chúng có sức mạnh lớn hơn nhiều so với 45 phút nghệ sỹ Phạm Huy Thông trình diễn. Hơn nữa những thông điệp của nghệ sỹ phải có gì khác với chức năng của báo chí tuyên truyền. Nghệ thuật không thể dừng lại ở chức năng đưa thông tin.
Một điểm cuối cùng muốn trao đổi với anh, nghệ sỹ Phạm Huy Thông. Anh nói "muốn đẩy quan điểm của mình đến cực đoan". Theo tôi cực đoan hay không tự bản thân tác phẩm nói lên điều đó và mỗi nghệ sỹ đều có thế mạnh nhất định, vậy nên cứ để mọi việc diễn ra một cách tự nhiên như nó vốn có. Nghệ thuật vốn là tư duy và hơi thở của nghệ sỹ. Không nên "cố" vì sẽ rất dễ bị cho rằng "nghiêm trọng hóa" một vấn đề nhỏ.
Nếu là tôi, trong phần 2 tác phẩm của anh tôi có cách trình bày hơi khác, xin đưa ra đây để anh và mọi người tham khảo:
Như chúng ta biết tất cả những gì thuộc về "Đầu" của các bộ phận trên cơ thể đều tập trung rất nhiều thần kinh xúc giác.
Để giúp con người ta tự tin và có một chỗ dựa an ủi về mặt tinh thần, cũng để tránh việc hủy hoại những giá trị văn hóa vật thể, làm lem nhem cái giá trị văn hóa phi vật thể và bản tính "Trọng Đạo" của người Việt, khán giả có thể tương tác với tất cả các bộ phận thuộc về "Đầu" của tôi như sờ mó,vuốt ve, âu yếm... nói chung có thể làm tất cả các động tác thuộc về cơ học. Thậm chí có thể thay đổi dáng của tôi để khán giả dễ dàng thực hiện những thao tác của mình, miễn sao đạt được mục đích cuối cùng là giữa khán giả tương tác với tác phẩm và tác giả, "cả hai cùng có lợi". Xin hãy suy nghĩ một cách nghiêm túc về nội dung của tôi đưa ra trên đây. Nó sẽ cho anh đi đến tận cùng cái mà anh gọi là cực đoan. Cho dù bạn có thể nghĩ nó là phản cảm nhưng nó sẽ tác động đến "quá trình tự tư duy" của khán giả rất lớn.
Tôi không muốn bàn sâu vào tác phẩm vì sợ rằng sẽ có người nói tôi rằng "thầy bói sờ chân voi". Nhưng thiết nghĩ nghệ sỹ Phạm Huy Thông cũng cần kiểm chứng lại quan điểm của mình khi đưa ra với công chúng. Nghệ thuật cũng nằm trong một phạm trù khoa học logique lý luận, không nên để sự ngẫu hứng lấn át ý niệm của tác phẩm. Trên đây là một vài suy nghĩ với quan điểm cá nhân của mình, tôi xin chia sẻ cùng nghệ sỹ Phạm Huy Thông và các bạn. Thiết nghĩ nghệ sỹ Thông cũng nên lưu ý rằng nếu cứ làm nghệ thuật và tranh luận những cái thuộc về câu chữ trên diễn đàn theo lối "hồn nhiên" của anh thì rồi sẽ đến một lúc tôi thật sự tin rằng anh Trần Lương có lý về thứ nghệ thuật bình dân thiếu "hạ tầng cơ sở"trong tranh luận.
Nhưng dù sao cũng xin cảm ơn đến nghệ sỹ Phạm Huy Thông về tác phẩm của anh, ít nhiều nó cũng là một sự cố gắng. Tôi luôn đợi các tác phẩm thú vị khác của anh. Cảm ơn vì sự lắng nghe của anh.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cảm ơn vì đã cứu SOI

Đức Minh và SOI

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả