Nghệ sĩ Việt Nam

Sáng tác, Tối tác… vô cùng sôi động! 25. 10. 12 - 7:53 am

Vũ Lâm

 

 

SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT QUỐC TẾ ĐẤT MƯỜNG 2 & ASIA ART LINK 4
NGHỆ THUẬT DƯỚI MÁI NHÀ SÀN (ART UNDER THE ROOF)

WORKSHOP
Địa điểm: Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường
202, đường Tây Tiến, tổ 12 phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
Thời gian: Từ ngày 17. 10 đến 25. 10. 2012

TRIỂN LÃM
Địa điểm: Phòng trưng bày Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
418 đường La Thành, Đống Đa, Hà Nội
Thời gian: Từ ngày 26. 10 đến hết 4. 11. 2012

*

Nhật ký Trại sáng tác – workshop “Dưới mái Nhà Sàn”
Chỉ còn hơn hai ngày nữa là kết thúc workshop (tạm gọi là trại sáng tác) “Dưới mái Nhà Sàn” và gần 70 nghệ sĩ đến từ 15 nước trên thế giới (các khu vực ASEAN, Á, Âu, Mỹ) sẽ đưa ra những tác phẩm hoàn thiện của họ với công chúng Hà Nội. Tôi có một tường thuật bằng ảnh ngắn, chỉ để vui vui về chuyện bếp núc sáng tác của các nghệ sĩ trong một số ngày tôi được hân hạnh có mặt ở đây… Đúng 5h30 chiều 26 tháng 10, tất cả số tác phẩm dưới đây sẽ được bày trong lễ khai mạc tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 418 La Thành, Đống Đa, Hà Nội. Trân trọng kính mời khán giả đến thưởng lãm!

*

Đua chính trị thì có hơn thiệt sống chết, đua kinh tế thì có lỗ lãi, đua thể thao thì có… huy chương và bầm dập. Xét vậy, chẳng có cuộc đua nào lành mạnh hơn… đua nghệ thuật, vì cái còn lại là tác phẩm cho người xem được hưởng, mà chẳng ai phải sứt đầu mẻ tai gì. Tôi nghĩ vậy khi thích thú đi lượn qua hết các khu nhà ở và sáng tác của các nghệ sĩ ở trại “Đất Mường 2”. Gọi tên workshop này là Dưới mái Nhà Sàn thật chẳng khác gì gọi tên đàn ông… là Nam, đàn bà là Nữ. Vì tất cả mọi việc xảy ra là dưới mái nhà sàn thật. Về cách làm nghệ thuật kiểu workshop, thì hình như nghệ sĩ ta thời trước ít quen làm việc như vậy. Họ quen sáng tác ở xưởng, một mình rồi đem tranh đi bày. Chỉ trong vòng hơn chục năm gần đây, giao lưu, hợp lưu văn hóa càng ngày càng nhiều, một số họa sĩ trung niên tháo vát, một số họa sĩ trẻ năng động và hoạt khẩu mới hay đi “trại sáng tác quốc tế” ở nhiều khu vực trên thế giới. Kiểu trại sáng tác quốc tế này cũng có nhiều thể thức khác nhau, từ vài ngày cho đến vài tháng ăn dầm nằm dề. Có lẽ là vui vẻ và hầu hết trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết thêm về thế giới khác vừa giống ta vừa khác biệt qua những con người cụ thể, cá tính điển hình của thế giới đó, điều đó mang lại những cảm thức thực là nhân văn. Như một nghệ sĩ nói vui là: “Đi để biết thế giới này rộng lớn, ta thật là một hạt cát, chẳng là gì/ Đi để cũng biết thêm là tuy thế giới này quá rộng lớn, ta thật là rất rất nhỏ bé như hạt bụi, nhưng…bố mày éo sợ!

Về mặt sáng tác hội họa, thực ra nếu có điều kiện như một số nơi, thì mỗi (hoặc vài ba họa sĩ) có một xưởng vẽ riêng, vì như tôi nói trong bài ‘Võ lâm đại hội’ xứ Mường… năm ngoái thì “dễ hiểu thôi, vẽ là một hoạt động cô đơn và phải có không gian riêng, làm chỗ đông người nói ra nói vào như ruồi khó mà bình lặng nội tâm để vẽ hay được”. Thế nhưng với tính chất “dân chủ nhà sàn”, “dân chủ gầm sàn” đã được “định nghĩa” năm ngoái, thì đời sống trên Mường là vậy, các nghệ sĩ từ ta đến Tây, Tàu, Đông Nam Á đều vui vẻ được sống trên nhà sàn và dân chủ sáng tác… dưới gầm sàn bên cạnh nhau. Thực là khi đang sáng tác (viết lách, vẽ vời) có người khác đến dòm lom lom mình thì rất là không khoái. Thế nhưng ở đây thế giới đại đồng “dân chủ gầm sàn”, mọi người đều thế cả nên cũng chẳng sao. Tôi lạm quyền làm phóng viên, đi chụp ảnh lung tung, ngó các họa sĩ “giở ngón, ra chiêu” mà thấy rất thú vị, chợt nghĩ “ông mà là Picasso thì chết với ông”. Chẳng là nghe đâu hình như có chuyện các họa sĩ ở đồi Mông–mác thời đó ai cũng sợ Pi đến thăm xưởng. Vì họa sĩ nào sau khi được Pi (thời ấy là Thời kỳ lam của ông thì phải, và ông cũng chưa nổi tiếng lắm) ghé thăm thì họa sĩ nào có “chiêu” hay, vài tháng sau sẽ thấy nó biến thành “chiêu” của Pi, mà lại còn làm hay hơn, đáo để hơn. Họa sĩ đầu tiên nghĩ ra những ngón đó chỉ còn nước khóc… tiếng Mán, có khi lại còn bị bảo là “cóp”của Pi cũng nên. Chính Pi sau này cũng có một câu nổi tiếng, đưa ra ngoài bìa sách hẳn hoi. Dịch đại ý là: “Những gì thiên hạ (nhân loại) bỏ quên (hay đánh rơi). Thì tôi thuổng lấy” (chữ “thuổng” là dịch chính xác từ chữ “steal” đấy nhé). Tất nhiên câu này có thể hiểu theo ý tử tế khác là: Tôi lớn vì tôi được đứng trên vai những người khổng lồ, xây dựng việc của riêng tôi trên những thành quả đã có của nhân loại, chẳng hạn vậy. Nhưng nói mồm thì Pi chỉ nói đúng có thế, và tôi cũng hiểu nghĩa đen sì thế thôi, cho đơn giản!

Nào bây giờ xem ảnh:

I. Chuyện hội họa

Hai họa sĩ người Âu đang vẽ “dưới mái nhà sàn”

 

Và họ đang vẽ gì đây? Hãy thử chơi trò đặt tên tranh cho những gì nhìn thấy. Tôi thấy bác họa sĩ đầu hói, tóc trắng này đang phác thảo một cái lá khoai thì phải (bức đặt dưới đất).

 

Nữ họa sĩ này đang rắc cát lên tranh, có một chiếc laptop nhỏ đặt để nhìn. À, hóa ra chị đang sáng tác lại một bức tranh đã có của mình chứ không nhìn ra hiện thực xung quanh.

 

Còn đây chắc là một bức đã vẽ xong, bằng chất liệu mực đổ loang và cát khô. Lúc chụp ảnh thì tôi chưa nhìn ra hình gì, lúc về xem lại ảnh thì thấy đó là một chiếc áo váy dài, được vẽ theo phương pháp đổ loang không dùng bút nét. Cũng vui nhỉ?

 

Dưới gầm sàn nhà Lang là khu sáng tác của các họa sĩ Indonesia. Nói chung nhìn tranh các họa sĩ Indo xem khá dễ hiểu, họ vẽ có hình, tạo không gian đồng hiện hoặc hơi siêu thực một tị. Dưới đây là một số bức đang vẽ dở dang của họ (lưu ý, tất cả ảnh tôi chụp trong bài là các bức vẽ đang dở dang).

 

Đầu tiên là bức vẽ đôi tình nhân “nude” cưỡi chim thần đầu người.

 

Nhìn kỹ thì thấy tình ghê, nhỉ!

 

Đã có “tương tác” gái Mường với giai Indo. Nhìn cái chân của cặp này trông rất giống bộ móng guốc. Giai Mã Lai có vẻ hơi nhún nhường, nên thấp hơn gái Mường một đầu. Thật là thắm tình hữu nghị!

 

Còn đây chắc là “tương tác” giai Indonesia với “gái Kinh nhà quê” theo kiểu ngày xưa. Hình kiểu này là kiểu hình của “rối bóng” hay mặt nạ rất quen thuộc của nghệ thuật truyền thống Indo. Tình hữu nghị vẫn đang được lan tỏa…

 

Nhân dân Việt và dân Indonesia cùng hữu nghị và cùng yêu chuộng hòa bình như nhau, nên chúng ta dành những đòn trừng phạt, tra tấn, đâm chọc vào con quỷ chiến tranh… là phải. Đáng kiếp! “Makelove – Not war” là khẩu hiệu mãi mãi hay ho của John Lennon và Yoko Ono!

 

Họa sĩ này “chơi” hai bức cùng lúc. Bức đen trắng bên phải, rất nhiều mặt, nhiều mông và chữ đề trên giữa tranh là Revolution. Sợ chưa! Chắc là anh đang muốn làm cách mạng nghệ thuật bằng những phương tiện…?

 

Cách mạng xong rồi, không hiểu tiếp theo là gì. Nhưng ta đã thấy hoa hồng hiện ra. Một bông hồng họa sĩ treo ngay trên tranh để làm mẫu và… nó đã héo. Nhưng bông hồng sơn dầu thì sẽ tươi lâu hơn nhiều. Bức tranh này làm tôi nhớ đến họa sĩ Vũ Đức Trung treo áo của mình lên vẽ ở “Đất Mường I” năm ngoái. Treo áo thì không sợ áo… héo! Chúc mừng Trung đã có sự “tương ngộ” với đồng nghiệp Malaysia, dù nghìn trùng xa cách.

 

Còn đây chắc là đức “Phật” chủng Anh-đô-nê-diêng, trông hết sức từ bi và… ngộ nghĩnh!

 

Đây là khu tạm gọi là khu C, nơi chủ nhân xây một ngôi “chùa sàn”. Dưới gầm sàn đức Phật từ bi là một cuộc hội ngộ làm việc giữa các họa sĩ Việt Nam, Nga, Malaysia, Úc, Rumani… Họa sĩ người Âu đang tư duy trước bức tranh tôi tạm gọi là “Tây đen đánh nhau trong đêm”…

 

Bức này của một họa sĩ hình như Malaysia thì phải, trông xa nhìn như vẽ một đống ruột, nhưng nhìn lại gần thì hóa ra có đầu một con chó… nhưng có sừng dê. Chắc là một con vật truyền thuyết?

 

Chân dung với bươm bướm của một nữ họa sĩ Malay khác. Các bạn cứ để ý xem, phụ nữ rất thích vẽ bươm bướm lên tranh mình…

 

Một họa sĩ Đông Nam Á khác đang lấy ngay mấy pho tượng dưới gầm sàn làm mẫu vẽ. Tiện quá vì tượng thì không… ngọ nguậy!

 

Một bức khác đặt trên giá chắc cũng của một họa sĩ Asean. Bị rắn độc đớp và dao phay bửa sọ, tôi đoán đây là hình phạt dành cho… báo chí và phê bình nghệ thuật chăng? ‘Ai bảo mày dám chê con tao xấu”!

 

Bức này liệu có thể gọi là “Khỏa thân lăn lê bò toài giữa rừng núi Hòa Bình” được không? Đó là một sáng tác đầy cảm xúc của một nữ họa sĩ Việt Nam nói tiếng miền Trung. Nhìn cách chị vẽ núi đồi kìa, gợi cảm làm sao…

 

Họa sĩ trẻ Đỗ Hiệp từng có triển lãm “Sale off” đang dài người ra vẽ nốt bức trừu tượng của anh. Một cái cột đen đen đỏ đỏ dài dài. Tôi phải lùi ra khá xa mới lấy được hết chiều dài của tranh và của người anh…

 

Tranh đang rải chờ khô của họa sĩ đồ họa Nguyễn Vũ Quyên. Bạn thấy chưa, tôi nói có đúng không? Phụ nữ rất thích đưa môi và bươm bướm lên tranh. Không chỉ Malay mà Việt Nam cũng vậy!

 

Tranh của một họa sĩ chắc chắn Việt Nam rồi, thiếu nữ băn khoăn đeo mặt nạ trang điểm này làm tôi nhớ đến triển lãm “Những khuôn mặt được trang điểm” của họa sĩ Nguyễn Văn Cường vừa được khai mạc ở Bảo tàng mỹ thuật hôm 22/10. Có điều, tranh của anh Cường khác xa “ý đồ thông điệp” như cái tự bạch ký tên anh quá. Bức tranh này còn có vẻ “ý đồ” giống cái tự bạch đó hơn…

 

Ở một góc khác, một họa sĩ Philipin cũng đang băn khoăn vẽ cái mặt nạ. Có vẻ người Đông Nam Á chúng ta hay “đeo mặt nạ” với nhau quá chăng. Nên đề tài tự nhiên là nó trùng hợp?

 

Còn các họa sĩ nữ Âu – Tây thì khoái món “rắc cát” với nhau. Như tranh của nữ họa sĩ Nga này cũng dùng chiêu rắc cát?

 

Một họa sĩ trẻ Malaysia tên là Lee Chea Hong đang phác tiếp bức thứ hai, bức thứ nhất đã xong với hình ảnh với một cô gái trẻ lạc trong cánh rừng âm u thơ mộng. Trông cách anh dựng tranh sơn dầu rất chuyên nghiệp, chứ không phải là vẽ chì nét lên xong rồi tô cho kín hình…

 

Đây là gầm sàn làm việc của hai họa sĩ Đài Loan và một nữ nghệ sĩ Ý.

 

Nữ họa sĩ Đài Loan đang tỉ mỉ tô một bức sơn dầu đen trắng.

 

Còn ba bức thư pháp (chắc thế) của họa sĩ Đài Loan khác đang phơi ngoài bờ rào cho khô, cạnh quần áo. Không sao, ở đất Mường mà, nghệ phẩm chẳng phải là một thứ “quần áo tinh thần” của chúng ta hay sao?

 

Giờ nghỉ trưa, uống trà cạnh lán làm việc của bốn họa sĩ phương Nam. Nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Ngọc Lâm qua chơi giao lưu. Anh ngồi cạnh một “bông hồng đến từ nước Pháp” nên anh cười cực tươi. Hai họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng (Đà Nẵng) và Đỗ Hiệp (Hà Nội) ngồi xa “bông hồng nước Pháp hơn một tí nên cười cũng kém tươi hơn một tị.

 

Bên cạnh cầu thang nhìn ra bàn nước, là họa sĩ Trần Châu (đầu bạc, bên tay phải). Người họa sĩ quê Bến Tre là người cao niên nhất trong workshop này. Nhưng tuổi già chí không già, phong độ vẫn đỉnh cao. Ông đến sớm, làm việc nhanh, đã vẽ xong 3 tác phẩm. Tôi hỏi ông thời gian làm việc chưa hết, mà ông đã vẽ xong, mà lại hết toan vẽ rồi, ông định làm gì tiếp đây? Một họa sĩ trẻ hơn ghé tai bảo: Hình như bác ấy đang định vẽ tiếp vào mặt sau mấy bức đó đấy…

 

Chi tiết tranh của họa sĩ Trần Châu, ông vẽ cái “khựa”, cái bếp trung tâm của Nhà sàn Mường với màu sắc mạnh mẽ, khoáng đạt, ấm cúng.

 

Còn đây là tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, một họa sĩ lão thành của Đà Nẵng. Ông kết hợp hoa văn Mường với… không gian biển miền Trung thì phải. Nhìn tranh của ông thấy cả mùi cá… thơm nức. Phục thật!

 

Đây là các họa sĩ trẻ, tình nguyện viên đang mải miết căng toan vẽ lên khung để kịp cho các họa sĩ sáng tác. Nếu không kịp, thì nguy cơ có họa sĩ chẳng có gì vẽ tiếp lại mưu toan vẽ cả vào… mặt sau tranh thì… người xem hơi mệt!

 

II. Chuyện điêu khắc

Tuy năm nay số tác giả điêu khắc tham gia chỉ chiếm khoảng 1/6 số tác giả, nhưng điêu khắc vẫn là thế mạnh riêng bởi số “cân lượng” của vật chất ba chiều chiếm lĩnh, án ngữ, trong không gian. Đây là một số ảnh của các nghệ sĩ điêu khắc đang thực hiện tác phẩm.

Đây là tác phẩm tạm gọi là “Kim tự tháp ba cạnh” xây bằng đá Mường của nghệ sĩ trẻ Thái Nhật Minh (người Vĩnh Phúc). Thái Nhật Minh là một tác giả trẻ nhiều triển vọng của điêu khắc mới. Nhưng anh giải thích cái tháp đá này theo một ý nghĩa khác, nghe ý nghĩa này to hơn ý nghĩa mà tôi hình dung…

 

Đây là một tác phẩm điêu khắc (chắc là gỗ mít) khác đang hiện thân từ từ. Nhìn tác phẩm này, tôi chợt nhớ (tôi tự vả vào mặt mình trước) đến lọ nước hoa Miss Saigon Elegance. Tôi kính xin lỗi tác giả bởi cái liên tưởng dớ dẩn của tôi…

 

Nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Ngọc Lâm, giảng viên của Khoa điêu khắc, ĐHMTVN đang hàn một cái vòm hình bán cầu bằng sắt. Lâu nay anh khoái sáng tác trên sắt hàn. Phát biểu về điêu khắc, anh nói làm điêu khắc giải phóng được tâm năng, cơ năng, trí năng (gọi tắt là tâm-cơ-trí năng). Theo tôi hiểu là vừa lao động nặng cho toát mồ hôi, vừa được nghĩ ngợi, vừa có tình cảm. Nên sau một ngày làm việc, được nghỉ ngơi uống ngụm bia lạnh thật là đã. Hội họa kém điêu khắc khoản này thì phải, vì không giải phóng được “cơ năng”, không toát mồ hôi. Có lẽ vì vậy nên dân hội họa uống bia kém dân điêu khắc…

 

Hai cái “bánh kẹp’ làm từ đá đen nguyên khối này là của một nhà điêu khắc Ý tên là Giuseppe Strano Spitu. Theo tâm sự nhỏ to của các tình nguyện viên giúp việc bên điêu khắc thì nhà điêu khắc này là một nỗi kinh hoàng của các tình nguyện viên vì tác giả này không ngủ trưa, và làm xuyên trưa, cũng như rất khó tính nếu cái bánh kẹp này bị… gãy cạnh.

 

Và đây là chân dung tác giả ‘kinh hoàng” này, hiền lành như cừu ngồi nghe quan họ (bên phải, ngoài cùng). Có đến nỗi nào đâu nhỉ. Hay là quan họ Việt Nam, có sức mạnh “thuần hóa” mãnh liệt?

 

Đây là một cái hộp trụ vuông hàn từ sắt xoắn và sắt phi 6, phi 8 cắt khúc của nhà điêu khắc trẻ Trần An. Nhưng cái hộp trụ này thủng lỗ chỗ (ở bên trong, khi hoàn thành còn một cái trụ vuông nhỏ hơn bằng gương nữa). Khi tôi đùa “cái chuồng này của An nhốt cái gì hơi khó nhỉ”, thì tác giả giả nhời rằng: Nhốt chó nhốt mèo hơi khó nhưng nhốt tâm hồn thì được. Tôi cứng họng! Hỏi bạn, bạn có cứng họng không?

 

III. Chuyện vui về “nơi sinh”, hí hí

Tôi có thêm vài tấm ảnh về chủ đề nhạy cảm có tính nhân loại này vì nhân chuyện vui kể về một thiếu nữ dân tộc (không biết có phải người Mường không?) đi làm giấy chứng minh thư. Khi anh công an hỏi cô ta khai về “nơi sinh”. Thì cô gái đỏ mặt bẽn lẽn nói: “Chỗ đó xấu lắm, không nói được đâu”. Trong thời gian sáng tác “dưới mái nhà sàn” cũng có một số tác phẩm đề cập đến “nơi sinh”, nên tôi thuật lại:

Đầu tiên là một tác phẩm vẽ trên đĩa gốm của một (hình như là tình nguyện viên) ký dưới đáy đĩa nguyên văn là: Yến-Hí, hí (thế nên tôi mới thêm là “nơi sinh”, hí hí). Không biết bạn nhìn cái đĩa này và đọc ra cái gì, nhưng tôi thấy rằng đây là một sự lãng mạn thẳng thắn của thiếu nữ thời nay. Nếu tôi chưa vợ, nhất định tôi sẽ truy tầm bạn Yến-Hí, hí này đến nơi đến chốn…

 

Cái đĩa gốm chưa nung này là của họa sĩ Đỗ Hiệp. Cũng không biết bạn đọc ra hình gì nhưng tôi cho rằng đây là một câu hát đối với lời hát “ra đối” của bạn Yến-Hí, hí. Dễ hiểu thôi, đều có họa tiết sen, súng thập thò ở đâu đó cả. Đôi vế đối hoàn chỉnh!

 

Đây cũng là nơi sinh, nhưng chắc không phải của người…

 

Đây là chuyện kỳ quặc nhất, nên tôi giấu cuối cùng. Trong ảnh bức tranh này, tôi chụp trưa 20-10, trước lúc ăn cơm. Tác giả Indo này vẽ phác họa rất nhiều thứ: cựa gà, vú, mặt người, mỏ chim, nọc rắn, bình lọ, mắt, cả nòng nọc… Nhưng các bạn hãy dịch sang bên phải, căn từ chuôi cái bút vẽ và cuống bông hồng chạm nhau, hình vật nằm giữa cựa gà và cái bình, là gì? Tôi cũng chẳng biết là cái hình gì, nhưng họa sĩ Trịnh Tuân cùng đứng xem, lắc đầu lắc đuôi, than thở đúng là một nhà sư phạm chính cống: “Bậy quá, bậy quá, bậy quá”…

 

Đến chiều, khoảng 3h, khi tôi đi ngang qua bức tranh, chụp lại, thì cái hình “bậy quá” mũ3 này lại hóa thành một con cá hẳn hoi, chỉ mỗi tội là chưa có vẩy thôi. Tài thật! Chuyện này thì tôi không dám cả hì hì lẫn hí hí. Chỉ không hiểu có bàn tay can thiệp của nhà sư phạm Trịnh Tuân không?

 

*

Về workshop tại bảo tàng Mường, mời các bạn đọc thêm:

– Đón xem Hiếu Mường lần đầu làm Festival
– “Võ lâm đại hội” xứ Mường và nền nghệ thuật dân chủ kiểu nhà sàn!

– Đi xem dân chủ nghệ thuật “kiểu nhà sàn”
– Sáng tác Điêu khắc và Nghệ thuật không gian tại Bảo tàng Mường (phần 1)

– Sáng tác Điêu khắc và Nghệ thuật không gian tại Bảo tàng Mường (phần 2)

– Victor không phải lúc nào cũng là Hugo và việc đối diện với các bậc thầy

– Tác phẩm Hội họa tại Workshop Bảo tàng Mường
  
– Workshop mới của anh Hiếu Mường: Đông đảo chưa từng thấy
 
– Sáng tác, Tối tác… vô cùng sôi động!

– 29. 11: Buổi nói chuyện về workshop “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn”

– “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn” – Những tác phẩm chưa công bố

Ý kiến - Thảo luận

21:05 Saturday,27.10.2012 Đăng bởi:  trantuan
xứ Mường mà không có những tay như Vũ Lâm thì nhạt lắm
...xem tiếp
21:05 Saturday,27.10.2012 Đăng bởi:  trantuan
xứ Mường mà không có những tay như Vũ Lâm thì nhạt lắm 
7:39 Saturday,27.10.2012 Đăng bởi:  Ớt

Viết bài này chắc chạm nọc khối người :) kiểu như anh nào nát như Chí phèo và xấu như Nở thì ghét Nam Cao bằng chết ... hí hí
@ Vũ Lâm: Vưỡn "Ớt" ấy. Chờ xem bài của bạn, cảm ơn nhiều.


...xem tiếp
7:39 Saturday,27.10.2012 Đăng bởi:  Ớt

Viết bài này chắc chạm nọc khối người :) kiểu như anh nào nát như Chí phèo và xấu như Nở thì ghét Nam Cao bằng chết ... hí hí
@ Vũ Lâm: Vưỡn "Ớt" ấy. Chờ xem bài của bạn, cảm ơn nhiều.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tôi là một người may mắn!

Phạm Thái Bình. Ảnh: Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả