Khác

THUYỀN của Phương Linh tại bảo tàng tỉ phú 17. 11. 12 - 6:47 am

Phạm Phong tổng hợp và dịch

EAST LANSING – Bên ngoài Bảo tàng Mỹ thuật Eli và Edythe Broad, tại khu học xá Đại học Michigan ở East Lansing, Michigan. Bảo tàng này nhìn là biết ngay do Zaha Hadid thiết kế: một mặt tiền “xếp nếp” bằng kính và thép không gỉ, tương phản với những khối nhà gạch truyền thống kiểu Gothic có đầy trong khu học xá. Ảnh: AP /Carlos Osorio.

 

Một phần của Bảo tàng Mỹ thuật Eli và Edythe Broad, tại khu học xá Đại học Michigan. Ngày 1. 6. 2007, hai vợ chồng tỉ phú Eli và Edythe Broad đã tặng 26 triệu USD cho đại học này để xây một bảo tàng mỹ thuật trong khu học xá. Năm 2019, họ lại cho thêm 2 triệu USD để xây dựng các dự án triển lãm.

 

Bên ngoài bảo tàng là một tác phẩm bằng thép không gỉ có tên “Containment I” của Roxy Paine. Từ 10. 11. 2012 tới 24. 2. 2013, tại bảo tàng này có trưng bày các tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại trẻ (và không còn trẻ lắm).

 

Bên trong bảo tàng, Eli Broad và vợ là Edythe Broad (giữa) đang gặp người đứng đầu Đại học Michigan là Lou Anna K. Smith, trong một cuộc đi thăm bảo tàng Mỹ thuật Eli và Edythe Broad của hai vợ chồng. Eli Broad (sinh năm 1933) là một doanh nhân Mỹ gốc Detroit, Michigan nhưng hiện sống tại Los Angeles, California. Cả hai ông bà là đồng sáng lập quỹ Broad, chuyên tài trợ cho các chương trình giáo dục, nghệ thuật, khoa học.

 

Bên trong bảo tàng Mỹ thuật Eli và Edythe Broad. Tài sản của hai vợ chồng Eli và Edythe khoảng 5.8 tỉ USD, đứng hàng thứ 173 những người giàu nhất thế giới năm 2011. Họ cũng là những nhà tài trợ quan trọng của đảng Dân chủ, được đánh giá là “nằm trong số người Mỹ quyền lực nhất, nổi tiếng nhất, mà những đóng góp của họ cho các chiến dịch tranh cử thường là đưa đến thành công.” Cùng với nhiều tỉ phú khác như Warren Buffett và Bill-Melinda Gates cam kết dành ít nhất nửa số tài sản cho từ thiện, hai vợ chồng Eli và Edythe hứa sẽ dành 75 phần trăm tài sản của họ cho từ thiện, khi họ còn sống và sau khi đã mất.

 

Các phóng viên tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Eli và Edythe. Bên trên là tác phẩm “Red Factor” của Inigo Manglano-Ovalie – một tác giả với phong cách “can thiệp vào kiến trúc”, một kiểu kiến trúc trong kiến trúc.

 

“Red Factor” (Tác nhân đỏ) của Inigo Manglano-Ovalie là một vòm dù bằng sợi nylon, các ống nhôm, dây cáp, được căng ra. Dưới tán dù là một con chim yến đỏ, đậu trên sợi cáp, nhìn chằm chằm xuống không gian phòng trưng bày và người xem, không màng đến cái cấu trúc nặng nề đang chụp trên đầu mình. (Ở góc chụp này các bạn sẽ không thấy con yến).

 

Yến đỏ là một loài chim hiếm, là tác nhân đỏ duy nhất của tác phẩm. “Red Factor” được làm riêng cho không gian bảo tàng này.

 

Loạt tác phẩm “Floating” (Trôi) của Chen Quilin trưng bày bên trong bảo tàng.

 

Tác phẩm “Soweto House with Prepaid Water” của Marjetica Potrc (Slovenia) trưng bày tại bảo tàng mỹ thuật Eli và Edythe Broad.

 

Còn đây là tác phẩm “Boat” (Thuyền) của Nguyễn Phương Linh (thuộc Nhà Sàn). Làm bằng ba tấn muối ngậm nước, “Thuyền” lấy cảm hứng từ những ngôi làng miền Bắc. Phương Linh coi “Thuyền” là một tác phẩm điêu khắc với hình dáng một con thuyền đơn sơ làm bằng muối. Cô thích ý tưởng thuyền vì thuyền mang nhiều biểu tượng: một con mắt, một con cá, một cái lá, một hạt gạo, và bản thân thuyền cũng hòa trong biển. Với “Thuyền”, Phương Linh muốn tạo một cảnh quan tối giản trong một không gian.

 

Trong quá trình trưng bày, tác phẩm sẽ biến dạng do nước bốc hơi, đống muối sụp xuống, và đây cũng là chủ đích của tác giả. Việc biến đổi hình dạng, tan tác hình dạng cũng tượng trưng cho quá trình mai một các ký ức trong trí não con người, khiến cho các ký ức chỉ còn tồn tại như những phân mảnh rời rạc. Thuyền biến dạng có thể làm nhiều người tiếc, nhưng Phương Linh cho rằng đó là một cách tiếp diễn của tác phẩm, và như thế, tác phẩm sẽ chưa bao giờ hoàn tất, cứ từ từ mà nó chuyển động…

 

Ý kiến - Thảo luận

23:18 Sunday,18.11.2012 Đăng bởi:  Trần Trong Linh

Chúc mừng nghệ sỹ Phương Linh, một tác phẩm rất hay và đặc biệt thông minh.Rất ít gặp được dạng tư duy nghệ thuật kiểu như Phương linh kể cả ở các nghệ sỹ chuyên nghiệp Tây.Thuyết phục kể cả về mặt thị giác và ý niệm. Trước đó thì tôi có biết đến An (còi)
...xem tiếp

23:18 Sunday,18.11.2012 Đăng bởi:  Trần Trong Linh

Chúc mừng nghệ sỹ Phương Linh, một tác phẩm rất hay và đặc biệt thông minh.Rất ít gặp được dạng tư duy nghệ thuật kiểu như Phương linh kể cả ở các nghệ sỹ chuyên nghiệp Tây.Thuyết phục kể cả về mặt thị giác và ý niệm. Trước đó thì tôi có biết đến An (còi) ở Nhà Sàn cũng có kiểu tư duy lạ như vậy. Một lần nữa chúc mừng Phương Linh, chúc hạnh phúc và sức khoẻ. Trần Trong Linh.

 
22:39 Sunday,18.11.2012 Đăng bởi:  người trời

Tác phẩm hay quá, chúc mừng nghệ sĩ !


...xem tiếp
22:39 Sunday,18.11.2012 Đăng bởi:  người trời

Tác phẩm hay quá, chúc mừng nghệ sĩ !

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả