Gẫm & Bình

Đọc cho vui tai, cuối năm: Bài 1 –
Lạc vào mỹ thuật 29. 12. 12 - 8:21 pm

Vũ Lâm

Cuối năm 2011, có một bạn comment vui dưới một bài viết của tôi trên Soi đại ý rằng: “Xem tranh không chỉ bằng mắt mà cần có rung có tim và cả đầu. Người Việt mình hay có câu nghĩ bụng, hay là Lâm xem tranh bằng bụng” Tôi trả lời bạn đó rằng bạn suy lung tung nhưng cuối cùng bắn tôi chết ngỏm, giống như đánh bừa mà ăn cả lô cả đề. Đúng là tôi xem tranh bằng bụng thật. Tôi “sem” điêu khắc bằng tim và “sem” tranh bằng bụng thật đấy. Theo đúng nghĩa đen sì huyền của các từ này.

Đấy là câu trả lời tình thật lý ngay chứ không phải giỡn chơi. Dưới đây là bài viết của tôi kể về chuyện xem điêu khắc bằng tim và xem hội họa bằng bụng của tôi thế là thế nào. Như thường lệ, thì đó là những cảm nhận hết sức cá nhân, những ví dụ và phân tích tôi đưa ra cũng phát xuất từ trong nội thể của tôi, gần như thấy thế nào nói thế, với những gì đã xem, nghe, thấy mà tiêu hóa được, không có nguồn lý luận nào”căn bản” để làm gốc hết. Tôi cũng không biết được là có nhiều người cảm nhận theo kiểu giống tôi không? Kính mời mọi người đọc cho vui tai, cuối năm!

Mỗi một nghệ thuật có một “trình thức” để xem, nghe, giống như chìa khóa, mã số, tấm vé qua cửa, để vào thế giới ấy. Nếu có nhiều tấm vé, nhiều chìa, thuộc nhiều mã số, ta sẽ vào được nhiều thế giới, nới rộng biên độ tâm hồn của ta lên, sống “gấp” lên nhiều vốn thời-không (gian) trong một cuộc đời. Nói nôm na là sướng hơn thằng khác (vặn vẹo mình để có nhiều tiền một cách không phù hợp với công sức và trí tuệ, thì cũng có nuốt được số tiền ấy để mà bất tử được đâu. Và tiền thì có thể là tấm vé đi được rất nhiều cửa, nhưng không phải tất cả mọi cánh cửa. Nhất là cánh cửa nghệ thuật thì càng khó).

Nhưng muốn thế thì có lẽ điều kiện cần và đủ đầu tiên là phải vứt bỏ cái tôi phình chướng và kiến văn (dù đọc linh tinh nhiều đến mức nào) vẫn là hữu hạn của mình đi. Là phẳng lòng mình lại, lắng nghe và nhìn ngắm trân trọng nâng niu đời sống một cách khiêm cung. Đó mới chỉ là điều kiện tiên quyết để có được chìa.

1.    

Tôi gần như bị lạc vào học trường Mỹ thuật, cũng từ một ý thích ngẫu nhiên mà thành sinh viên, học khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật. Mới đầu thấy tự do khoái trá vì được học về những thứ vui vui mà ở các vùng quê chẳng bao giờ lấy làm quan trọng. Mấy tấm vải căng lên khung gỗ treo tường, một vài cục thù lù để trong nhà hay ngoài vườn, thế mà cãi nhau chí chết, trông cứ như đùa vậy mà ra tiền to thật hoặc xô xát ẩu đả vì đó cũng là thật. Bởi vì muốn tìm hiểu về lịch sử nghệ thuật thế giới có hình ảnh minh họa, mà lại ít sách tiếng Việt, thì ngoài việc nghe giảng của một số ít thầy giỏi trong trường, xem ké những phiên bản sách của các đàn anh trong ký túc, tôi còn hay chuồn lên thư viện Alliance Francaise (khi đó thuê một góc trường 42 Yết Kiêu làm trung tâm) để xem sách tranh và lúc rảnh thì đọc Lucky Luke giải trí. Khi đó, đây là một thư viện có ánh sáng rất dễ chịu, thảm sạch, và những người thủ thư cũng rất dễ chịu, thường mở cửa sau 9h sáng (quân sinh viên Việt ta thường rút sách trên giá xong đọc rồi không nhét lại chỗ cũ mà lười bỏ lộn xộn. Hoặc tệ nữa là cố tình nhét ô khác để giấu sách, không cho thằng khác tìm thấy đọc. Thủ thư mỗi buổi sáng phải mất cả tiếng đồng hồ để sắp xếp lại).

Với các tranh phiên bản trong sách, gặp kẻ mới nứt mắt trong nghề học mỹ thuật như tôi, thường thì thích xem ngay tranh sơn dầu từ Phục Hưng trở đi, bởi vì chúng hiện thực và cổ điển, mỗi tranh thường vẽ theo tích thần thoại Hy Lạp hoặc Gia-tô giáo. Đó là cách xem tranh bằng văn học và lịch sử, có thể so sánh một tích truyện có nhiều tác giả vẽ khác nhau, thì thấy ai vẽ hay hơn.

Đó là xem và học qua phiên bản, còn mới bắt đầu xem tranh thật, với vị trí nhìn như người ngoại ngạch thì thích tranh lụa, vì nó mờ ảo nịnh mắt (sắc độ tổng thể của mầu tranh lụa chỉ bằng khoảng 50% tranh sơn dầu). Sau tranh sơn dầu cổ điển châu Âu, thì học đến đâu được nghe giảng biết xem, thích tranh hiện đại hơn đến đó. Tiến tới Tân cổ điển, Ấn tượng, Hậu Ấn tượng, Lập thể, Dã thú, Siêu thực, rồi Trừu tượng, Biểu hiện, Cực thực… vân vân và vân vân. Mỹ thuật Trung Hoa và Ấn Độ, và các nền văn minh khác nữa, thì không được học kỹ lắm, giáo trình cũng sơ sài.

Sau 5 năm học ở trường, tới lúc ra trường, tôi cho rằng đến lúc đó mình mới hơi biết xem tranh thật (tranh thật, bản gốc chứ không phải xem qua phiên bản), nhưng cái biết này mới chỉ là thấm đến đầu, chưa ngấm sâu hơn xuống dưới. Cái tranh cũng mới chỉ nhìn trên bề mặt tranh, chứ không thấy được những thứ đằng sau nó hay chân dung, trạng thái người vẽ ra nó.

Ra trường, đối mặt với việc tìm chỗ làm để kiếm sống, sau vài năm giữ ý định đi làm giáo viên mỹ thuật, thì thất bại, đành theo hẳn nghiệp làm báo. Không phải tôi muốn đi làm nghề giáo để được dạy ai cho oai. Mà là hồi học, tôi hay bỏ học đi chơi, đi theo các đàn anh làm ăn và du ngoạn chùa chiền đình miếu, nên bỏ vô số buổi học hay. Thêm nữa tính lười nên không học thuộc bài bao giờ. Đi làm nghề dạy người khác là cái cớ để mình phải học lại, học thuộc kiến thức, để nói cho người khác nghe đỡ phải giở sách ra đọc chép như nhiều “giáo viên cấp IV” đầy rẫy, nó ôi!

Thế nhưng, cuối cùng những kiến văn từ đời sống thâu thập qua việc làm báo lại “bổ” và “cứu” rất nhiều cho kiến thức thị giác của riêng tôi. Nghề báo là một nghề có cớ để lang bạt kỳ hồ, buộc phải đánh chịn nhiều nơi nhiều chỗ, cất cái bản thân cá nhân mình đi, dương ăng-ten lên mọi lúc mọi nẻo, lắng nghe tiếng đời. Nghệ thuật phát xuất từ hỉ nộ ái ố nhiều tầng bậc của đời sống và thời cuộc, là những thái độ nhân sinh kết nọc, đông tụ lại thành văn hóa. Không thấu trải qua rồi, có kinh nghiệm sống lồng vào kinh nghiệm thị giác thì khó mà nhìn thấy được. Đó là điều tôi đã nói sơ trong bài “Từ con mắt trần đến con mắt thần”…

*

Phần 2: Bàn đến việc xem tranh bằng bụng

 

*

Bài liên quan:

– Đọc cho vui tai, cuối năm: Bài 1 – Lạc vào mỹ thuật 
– Đọc cho vui tai, cuối năm – Bài 2: Bàn về việc “sem” tranh bằng bụng

– Bài 3: “Sem” điêu khắc bằng tim
– Bài 4: Làm sao để có hạnh phúc… Nhìn từ nghệ thuật tạo hình

Ý kiến - Thảo luận

13:58 Sunday,30.12.2012 Đăng bởi:  Trần Đức Như Không

Khi Nam Tào đã gọi thì có dùng tiền cũng vẫn phải đi qua cửa tử.


...xem tiếp
13:58 Sunday,30.12.2012 Đăng bởi:  Trần Đức Như Không

Khi Nam Tào đã gọi thì có dùng tiền cũng vẫn phải đi qua cửa tử.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Gia Phả: Sự hòa thuận phô diễn

Mai Chi (từ Hanoi Grapevine) - Ảnh: Larissa Gehrke

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả