Bàn luận

Nên dành cho tiếng Trung một chỗ đứng cùng tiếng Anh, Pháp, Nga, Nhật trong trường học Việt Nam

Khi làm việc ở Ai Cập có một điều làm mình suy tư về người Ai Cập hiện đại là việc mình không nhìn thấy một kết nối, liên hệ chặt chẽ mang tính kế thừa trọn vẹn, đầy đủ giữa người Ai Cập hôm nay với quá khứ vinh quang của nền văn minh […]

Ý kiến - Thảo luận

8:01 Wednesday,22.3.2017

Đăng bởi:  Canhchimtudo

Tôi đọc qua bài viết này và có một cảm giác khó chịu. Bạn có thể đặt ra 1 lý do cho bài viết là yêu cầu của kinh tế và văn hoá nên Bộ có thể đưa tiếng Trung vào trong chương trình. Còn nếu bạn lấy lý do là để hiểu thêm tiếng Việt thì tôi thấy không hợp lý. Tiếng Trung hiện giờ là Hán hiện đại, Hán Nôm là Hán cổ. Và muốn hiểu tiếng Việt và văn hóa Việt thì sao bạn không "xúi" học và đọc Hán Nôm đi.
Hán văn mới cho bạn xúc cảm "rùng mình" còn nó cho tôi cảm giác "phát ói". Cái thể loại chữ và tiếng ấy của bạn được xếp vào những loại chữ và tiếng khó học nhất thế giới. Nó được nhiều người nói chỉ là do dân nó đông là 1, do vị thế kinh tế đang đi lên nên họ học để kiếm tiền ở Trung Quốc là 2. Bản thân cái tiếng đó và chữ đó nghe không dễ chịu và học cũng chả thú vị gì đâu.

12:36 Sunday,4.12.2016

Đăng bởi:  beo

Mình có phải người đâu? Chết rồi nhớ, sống tiếp lại quên. Có câu: Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.

23:20 Saturday,12.11.2016

Đăng bởi:  Phú Gia

Hàn Quốc đến giờ vẫn dạy 1000 HanJa (Hán Tự)cơ bản, để mọi người điều biết viết tên mình, biết tên mình nghĩa là gì, biết nhân lễ nghĩa trí tín là gì, chúng ta hay chê người Hàn tư tưởng nho giáo nặng nề, nhưng họ lại tiến bộ hơn ta, tiếng Anh giỏi hơn ta, tư tưởng thật ra còn thoáng hơn ta. vậy mà, viết đơn từ chức phải viết "Từ Trình" với tiêu đề, mở đầu bằng hán tự mới thể hiện được cái giáo dục mình được thừa hưởng, xin việc phải viết "Cầu chức trình", mộ bia cũng viết chữ hán, thẻ chứng minh nhân dân cũng có phần "danh tính" viết bằng hán tự.
Chúng ta cứ đồng nhất việc học tiếng Trung hiện đại là đồng hóa, học Hán Nôm là lạc hậu, ừ, cứ vậy chúng ta càng lạc hậu.
Sayonara, tôi đi học tiếng Nhật đây, tiếng Anh không kiếm ăn được nữa rồi

10:19 Tuesday,11.10.2016

Đăng bởi:  Võ Minh Quang

Khi Chữ Viết Là Một Phần Của Văn Hoá.

Học chữ Hán không phải là chúng ta bị đồng hoá, hay chúng ta bị lạc hậu đi. Mà trái ngược lại, việc học Hán tự có nhiều cái lợi như: vừa học hỏi được khoa học kỹ thuật từ Nhật Bản, vừa giữ được nền tảng văn hoá Việt.

Nói về nền tảng thì chữ Nôm của mình cũng dựa trên chữ Hán, chữ Quốc Ngữ cũng dựa là phiên âm Hán Việt. Học Hán tự có điểm lợi về mặt khoa học, có thể dùng Hán tự để nâng cao kiến thức từ tài liệu của người Nhật. Vì Nhật Bản hàng xóm đồng văn đồng chủng với mình (da vàng, tiếp thu một nền tảng văn hoá Trung Hoa, tư tưởng Khổng Tử) cũng xài Hán tự (họ gọi là Kanji). Ở châu Á Nhật Bản là một nước có trình độ khoa học mạnh. Nhiều ngành còn vượt trội hơn so với Mỹ hay các nước phương Tây như công nghệ Robot, công nghệ tàu điện, công nghệ vật liệu, hay đơn giản nhất là nông nghiệp. Khi học Hán văn, ta có thể đọc nhiều sách của Nhật, học hỏi được nhiều điều từ Nhật Bản.

Nhưng điều quan trọng nhất ta cần phải học hỏi là: cách tôn trọng các giá trị văn hoá truyền thống, và nền tảng đạo đức của người Nhật. Cọ xát với nền văn hoá Nhật, chúng ta sẽ nhận ra bản thân mình là ai, mình đang ở đâu trong cái thời kỳ hội nhập, hoà nhập thế giới này. Chúng ta tiếp thu các giá trị bên ngoài nhưng cũng cần phải giữ và nâng niu các giá trị về văn hoá, lịch sử của mình. Văn hoá ở một mặt nào đó còn quan trọng hơn so với khoa học kỹ thuật. Chẳng là ông bà ta có câu: tiên học lễ, hậu học văn. Những gì ông bà ta đã dạy thì chẳng có sai bao giờ.

Văn hoá châu Á, điển hình là văn hoá Đông Á (văn hoá Hán tự), tốt hơn văn hoá Âu Mỹ ở việc dạy dỗ và bồi dưỡng nền tảng đạo đức cho con người. Khi văn hoá châu Á đề cao sự giáo dục trong cái khuông phép lễ nghĩa, đạo đức chuẩn mực, để tạo nên một con người tốt. Sống trong cái khuông mẩu đạo đức ấy có thể cá nhân chúng ta sẽ cảm thấy ngột ngạc, chúng ta sẽ muốn giải phóng, muốn sống tự do, như văn hoá Âu Mỹ. Nhưng chính cái khuông phép đạo đức đó lại tạo nên một xã hội ổn định, trật tự.

Văn hoá là thước đo của đạo đức. Đạo đức của Trung Quốc suy đồi, không phải do văn hoá Hán tự. Chính do cuộc cách mạng văn hoá của Mao Trạch Đông, khi chối bỏ các giá trị nhân văn, và nền tảng văn hoá lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Trung Hoa. Mà thay vào đó là một thứ văn hoá non nớt, nông cạn, tôn sùng chủ nghĩ Mao làm thước đo cho một xã hội. Thì thử hỏi sao xã hội đó không loạn, không suy đồi về đạo đức. Hay như xã hội Mỹ, tại sao người Mỹ da đen, đứng đầu về tỷ lệ phạm tội và các tệ nạn xã hội. Vì người Mỹ da đen, không có một nền tảng văn hoá như người Mỹ da trắng. Đa phần người Mỹ da trắng xuất thân từ dân di cư châu Âu gốc Anh và Đức. Người Mỹ hiện giờ họ không có một nền tảng văn hoá riêng, nên họ phải mượn văn hoá Anh, ngôn ngữ Anh làm nền tảng của mình. Và họ tự hào về nền tảng văn hoá Anh đó. Vậy tại sao người Việt lại chối bỏ nền tảng văn hoá Hán tự của mình, khi nó được chính tổ tiên mình hun đúc cả nghìn năm, và còn phát triển ra một nhánh ngôn ngữ riêng là chữ Nôm? Văn hoá lịch sử quan trọng không kém khoa học kỹ thuật, văn hoá như một kim chỉ nam về giá trị đạo đức và giá trị lịch sử của một dân tộc giữa dòng xoáy văn hoá ngoại lai.

Một ví dụ điển hình của gia đình mình, về sự đồng hoá khi thế hệ trẻ mất đi khả năng đọc ngôn ngữ Việt và quên đi nền văn hoá Việt. Anh chị họ mình được sinh ra ở Mỹ (ba mẹ là người Việt 100%), tiếp thu nền giáo dục và văn hoá Mỹ, và tiếng Việt thì anh chị mình không rành (chỉ nói được lơ lớ, không biết đọc và viết).
Có thể nói theo tiêu chuẩn đánh giá hiện giờ thì anh chị mình là thế hệ người Việt thành công trên đất Mỹ. Vì anh họ mình là nha sĩ, có vợ cũng là nha sĩ. Chị họ mình là giáo sư dạy ở đại học U.C.David ở California, và có chồng là bác sĩ. Về sự nghiệp thì có thể nhận thấy anh chị mình thành công, nhưng có thể nói anh chị không được xem như người Việt nữa rồi, mà là người Mỹ gốc Á thì đúng hơn. Vì anh chị không đọc được tiếng Việt, không ăn được đồ Việt, và chẳng biết cả tổ tiên người Việt là ai.
Nếu hỏi vui rằng anh chị biết tổ tiên người Việt là ai không, thì sẽ nhận được cái lắc đầu quầy quậy, kèm theo câu trả lời là Ancient Vietnamese People (người Việt cổ). Nghe cũng có lý, mà cũng buồn cười. Buồn vì anh chị không biết cái gốc gác Con Rồng Cháu Tiên, chẳng biết vua Hùng là vị vua nào. Và nhìn nhận cái gốc gác của mình từ lăng kính của một người nước ngoài về người Việt.
Hậu quả như bây giờ là do cậu mợ mình cứ nghĩ, sống trên đất Mỹ chỉ cần biết nói ít tiếng Việt là được. Quan trọng là phải giỏi tiếng Anh để học thành ông này bà kia, đảm bảo về cuộc sống vật chất. Nhưng vô tình điều đó đã làm mất đi cái gốc Việt, thậm chí thế hệ tiếp theo là con anh chị sẽ quên hẳn đi cái gốc Việt Nam của ông bà nó.

Có thể các bạn nghĩ, sống trên đất Việt thì lo gì chuyện đó. Nhưng cái đáng lo không phải chuyện quên mất tiếng Việt anh chị mình. Mà cái đáng lo là chúng ta dần dần quên mất mình là ai. Bạn của mình sống trên đất Việt, cụ thể là Sài Gòn. Nhưng nó ăn đồ Tây, đồ Hàn còn nhiều hơn đồ Việt. Nó biết rành nhiều thứ về Hàn Quốc, về Mỹ, về châu Âu. Nó có thể nhận biết sự khác biệt giữ pho-mát Mozzarella, và Parmesan. Món nào hợp với pho-mát gì. Hay một bộ phim cổ trang nào đó tận bên Hàn, nó có thể nói vanh vách phim đó lấy bối cảnh là triều đại Tân La, Cao Ly, hay Triều Tiên. Nhưng đáng buồn là nó chẳng biết triều nhà Ngô, nhà Đinh là triều đại gì. Nó chẳng biết Vạn Xuân là gì. Đọc đến đây có thể nhiều bạn mập mờ Vạn Xuân là gì. Vạn Xuân là một trong những quốc hiệu của Việt Nam mình.

Có phải chúng ta đã quá dễ dãi trong cách giáo dục thế hệ trẻ về văn hoá nước nhà. Đến độ thế hệ càng về sau càng rành về văn hoá Hàn, Mỹ hơn văn hoá Việt. Và chúng ta đã tự bao biện rằng phải học cho tốt cái chữ Tây, tiếng Anh, để còn làm giàu cho bản thân, cho quê hương. Nhưng có phải khi ta học tốt cái chữ Tây đó, hiều biết nhiều về văn hoá phương Tây đó. Thì thế hệ người Việt về sau sẽ quên bẵng đi chúng là ai, tổ tiên chúng để lại gì trong cái nền văn hoá mà chúng đã lờ đi.

18:55 Tuesday,6.9.2016

Đăng bởi:  Nguyễn Việt Tiên

Theo em, con cái chúng ta trc mắt nên học tiếng Anh sao cho giỏi để có thể đọc rõ hiểu sâu các tài liệu nước ngoài để nâng cao kiến thức, làm giàu cho bản thân, đất nước. Một khi đã giàu rồi thì lúc đó có điều kiện nghiên cứu cái gì cũng được. Chứ bây giờ cái gì cũng lơ ngơ láo ngáo mà phải học thêm cái tiếng Trung thời cổ hay hiện đại, Hán nôm gì gì đó chỉ để hiểu mấy cài chữ viết trong sân đình với cái bụng đói và cái túi rỗng thì chả có ý nghĩa gì cả.

9:32 Sunday,4.9.2016

Đăng bởi:  cứ từ từ

Nghe đồn mỗi khóa học Hán nôm ở trường KHXHNV cho ra lò mỗi năm 3,4 chục cử nhân , nhưng vì miếng cơm manh áo ( lại miếng cơm manh áo) mà số ông cử còn tha thiết với nghiệp đèn sách cũng nhấp nhổm quanh con số dưới chục. Vẫn lại phải dẫn ra câu " có thực mới vực được đạo " , chừng nào mà thiên hạ còn chưa thấy Hán Nôm bớt cho họ phần nào cái họa Cơm áo gạo tiền thì chừng ấy Hán nôm vẫn còn bị ghẻ lạnh. Cha ông ta xưa cũng chả cao đạo hơn gì , mười người mà bây giờ ta gọi là "CỤ" thì cũng quá nửa là học vì danh , vì lợi, vì vinh thân phì gia mà thôi, còn cái số đi học để cầu đạo , cầu giáo lý Thánh hiền mà lạnh nhạt với công danh thì hiếm hiếm lắm.
Thế nên thiết nghĩ , dù nói xưa hay nói nay ,thì cái thúc giục con người ta bỏ công bỏ sức là cái phải đem lại cái " LỢI", cái lợi đó nếu mà mơ hồ, nếu còn chưa sờ thấy được thì dù có dọa xử tử thiên hạ cũng chả học đâu .

0:44 Sunday,4.9.2016

Đăng bởi:  ABC

Xin góp vài lời với bác Lệnh Hồ Xung
1. Số sử sách được chép bằng thứ chữ vuông vuông ấy ở viện HN còn lâu mới được dịch hết. Và dẫu có bộ nào được dịch rồi thì chúng ta cũng đừng vội tin là bản dịch đó thập toàn thập mỹ. Mỗi bộ nên có vài bản dịch khác nhau để mọi người đối sánh khi cần thiết.
2. Số sách vở trong viện HN không phải đều là sử. Chúng đề cập đến rất nhiều vấn đề thượng vàng hạ cám trong cuộc sống. Lịch sử Việt Nam mà mình được học trong trường PT chủ yếu là lịch sử chiến tranh còn những vấn đề khác như kiến trúc, nghệ thuật, ẩm thực, phong tục ... thì gần như trắng xóa. 1 trong những lý do chính là vì chuyên gia của các ngành ấy không đọc được chữ Hán Nôm.
3. Số sách vở chữ vuông ấy ngoài viện Hán Nôm ra còn được lưu trữ nhiều trong dân gian, trong một số cơ sở nghiên cứu và thư viện khác trong và ngoài nước.Tình hình chung là chúng không được sưu tầm và thống kê đầy đủ nên ngày càng bị hủy hoại theo thời gian. Đặc biệt ở các thư viện nước ngoài nhiều người do thấy chữ Nôm hao hao chữ Hán nên xảy ra tình trạng thất lạc tư liệu rất đáng tiếc.
4. Số chữ vuông vuông ấy không chỉ nằm trong sách vở, nó tồn tại trong những di tích văn hóa, tôn giáo quanh chúng ta. Mình đã từng thấy nhiều câu đối do những người thợ xây/ giám sát/ tu bổ công trình (mù mờ/ cẩu thả/ hoặc không biết gì về chữ Hán)phục dựng, tô trát sai đến nỗi giờ đọc lên chả ai hiểu gì. Mình đã từng thấy những câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy do con cháu cung kính thỉnh về treo trong từ đường (chắc với giá không rẻ)mà sai toét từ chữ cho đến nghĩa. Tấm lòng thành kính mà lại đem đến kết quả như vậy ... thật chẳng biết nói sao.
5. Rồi đến mốt đặt tên con trẻ theo phong cách kim mộc thủy hỏa thổ những mong chúng cả đời hạnh phúc. Chữ thuộc bộ mộc đương nhiên thuộc mộc thế bộ trúc (tre), thảo (cỏ) ... có thuộc hành mộc không?
........................
Nói chung là nhiều vấn nạn lắm, biết nói sao cho vừa !

18:52 Saturday,3.9.2016

Đăng bởi:  Lệnh Hồ Sung

Đọc những tranh luận ở đây, em nhớ đến tiêu đề chương 1 pho tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung (bản dịch Hàn Giang Nhạn tiên sinh chứ không phải của Vũ Đức Sao Biển nhá), là "Trong tửu quán phát sinh án mạng". Trong 7 chữ của câu này thì có tới 6 chữ Hán - Việt rồi, thế nhưng em tin rằng nếu có đọc thì có đến 99% người Việt ai cũng hiểu! Nó cho thấy cái gốc chữ Hán nó ngấm rất sâu vào trong văn hóa Việt, cho dù có muốn hay không. Nhiều bác cứ đao to búa lớn bắt con trẻ nó học tiếng Trung để sau này nó đọc sử của ông cha mình. Xin thưa là sử của ông cha mình chép bằng cái thứ chữ vuông vuông như cục gạch ấy có mấy đâu, mà nếu có thì Viện Hán Nôm mấy chục năm qua cũng dịch sạch bách hết rồi. Theo em, học tiếng Hán là để thấu hiểu cái vẻ đẹp của văn chương, cái vang vọng của ngôn ngữ, như cái ví dụ em nêu trên, nếu "dịch" là "Trong quán rượu xuất hiện giết người" thì còn gì là Kim Dung nữa. Cần học tiếng Hán-Việt để hiểu được ngữ nghĩa của nó, chứ còn học tiếng Trung với cái nghĩa là nhớ từng mặt chữ với bao nhiêu nét,thuộc bộ nào thì em nghĩ đại đa số những người học sau một thời gian sẽ chẳng còn lại được mấy hột chữ trong đầu!

9:22 Saturday,3.9.2016

Đăng bởi:  rieng&chung

Trong khi nước mình đang sôi nổi với câu chuyện "học Hán-Nôm" với "hiểu cha ông trước 45", thì ở TQ cũng có những băn khoăn (của Đảng, nhà nước và các học giả bên họ) về thế hệ trẻ ngày càng quay lưng với những Tam tự kinh, Thiên tự văn, Luận ngữ, Trung dung, v.v... cho đến thơ Đường...Thế là "cả hệ thống vào cuộc", nuôi dưỡng các tâm hồn bé thơ.

Ở cấp 1, thơ Đường vào sách giáo khoa; Tam tự kinh, Luận ngữ, Trung dung v.v.. vào giờ đọc sách sau bữa trưa. Còn nhiều thứ khác vào sách đọc thêm ngoại khóa... (Em đảm bảo cái list sách đọc thêm trong và ngoài các kì nghỉ của học sinh họ khiến đa phần phụ huynh VN muốn ngất)

Đọc thì nhiều, hiểu ngay lúc đó thì ít. Cô giáo rảnh rỗi lại giảng cho một tí. Lũ trẻ học nhớ nhớ quên quên, thuộc nhiều thuộc ít tùy từng đứa.

Triết lý của họ là, cứ cho ngấm tự nhiên. Đến một ngày nào đó chúng nó (lớn lên) sẽ chợt nhận ra...

Còn thì, chiều chiều trên xe buýt, không khó bắt gặp những đứa bé cấp một đeo tai nghe tiếng Anh.

Bọn trẻ Á Đông đến là tội nghiệp, nhưng "đi tắt đón đầu phương Tây" chắc là phải vậy, từ Nhật đến Hàn đến TQ đến VN?!

8:24 Saturday,3.9.2016

Đăng bởi:  Candid

Theo em nếu học coi học tiếng Anh là bắc cầu vào tương lai thì học Hán Nôm là bắc cầu vào quá khứ. Chúng ta cũng cần biết quá khứ cha ông thế nào. Tuy nhiên học thế nào cho phù hợp khi Hán Nôm rất khó. Theo em đối với học sinh tiểu học nên học lồng ghép với môn văn và môn sử ở mức giới thiệu. Ví dụ như em chữ Hán bẻ đôi không biết nhưng từ xưa rất thích đọc các bài của bác An Chi và nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ, hoặc đọc các bài của Nhóm cùng học tiếng Việt. Cốt chỉ để hiểu thêm và hiểu đúng về tiếng Việt.

Lên đến cấp 2, cấp 3 có thể thành môn tự chọn hoặc là khuyến khích thành lập câu lạc bộ như thư pháp.

14:43 Friday,2.9.2016

Đăng bởi:  Katty

Em không hiểu lắm bác Tuấn Anh và các bác đang kêu gọi học sâu Hán Việt.

Học sinh học phổ thông rất nặng, tiếng Anh (để đi ra thế giới, đi về tương lai) quá kém. Ai cũng biết ngoại ngữ chỉ là cầu nối ra thế giới, bờ bên kia là cái gì đất nào khoảng trời nào mới là quan trọng.

Em không nói các bác đều biết bên kia tiếng Anh là cả thế giới, và tất nhiên mỗi người cần 1 nghề và tiếng Anh chỉ để hỗ trợ.

Thế bên kia chiếc cầu học tiếng Hán hiện đại hay Hán Nôm là gì? Nối đi đâu? Và việc học tiếng Hán này đang được bàn cho học sinh nhé, cứ cho là từ 8--20 tuổi, tuổi ăn tuổi chơi, không phải cho chúng ta, những người 20-30-40 tuổi đã có bến bờ tương đối rõ.

13:03 Friday,2.9.2016

Đăng bởi:  Anh Nguyễn

Mình đọc mãi mà không hiểu tác giả có ý gì.

Nếu đúng theo bài "Mình nghĩ là nên dành cho tiếng Trung một chỗ đứng cùng tiếng Anh, Pháp, Nga, Nhật trong trường học Việt Nam để cho học trò có lựa chọn chứ mình không ủng hộ việc bắt buộc học môn này." thì đã có chỗ rồi còn gì chứ nhỉ. Trường Ams, Chuyên Ngoại Ngữ, Lê Hồng Phong,... đều có lớp chuyên tiếng Trung. Đó là nơi các em có nguyện vọng học tiếng Trung có thể thi vào. Ở bậc đại học, hàng năm trường Đại học HN có kết hợp với Đại sứ quán TQ có tổ chức cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ cho các sinh viên khu vực phía Bắc.

Tiếng Anh cũng có một phần không nhỏ gốc từ tiếng Latin, nhưng việc bắt buộc học tiếng Latin trong trường trung học và đại học ở Mỹ đã được bãi bỏ từ lâu rồi. Các em đa phần được tự chọn môn ngoại ngữ, tiếng Latin chỉ em nào theo đuổi chuyên ngành Classics mới phải học. Nói thật mình thấy sợ những ý kiến cho rằng cái này tốt, cái kia cần,... nên phải cho các em học cái đấy. Các em gồng gánh chục môn, thi cử toé loe đã đủ mệt lắm rồi. Chưa nói đến việc chất lượng dạy không tốt làm các em căng thẳng hơn là yêu thích môn học. Giả sử có môn nào giúp cho học sinh cấp 3 ra đời trở thành những người lớn văn minh hơn, hạnh phúc hơn, cư xử với nhau tốt hơn..., thì xin ủng hộ môn đó hết lòng.

12:24 Friday,2.9.2016

Đăng bởi:  dilletant

@ Candit: thời Bác Giáp viết hồi ký về "chiến đấu trong vòng vây", "Đường đến ĐBP"... còn sống cả một nhóm người thật việc thật (như ô. Hoàng Minh Phương, cán bộ Trung đoàn đi dịch tiếng Tàu cho cụ Hồ - bản thân Cụ từng làm thơ chữ Hán theo phong cách Đỗ Phủ, làm đại bản doanh của Quốc dân Đảng cuối thế chiến II phải chú ý. Ô Phương cũng là một bộ óc điện tử sau làm lãnh đạo Viện Chiến lược. Còn có những đại diện của chiến tranh nhân dân dùng công nghệ của Việt Nam, dầu tiên dùng mác búp đa cuối cùng dùng tên lửa vác vai, cả con nhà trí phú địa hào lẫn bần nông TN lớp rưới...) họp thành ban biên tập giúp bác Giáp. Họ nói nhiều chuyện và bàn nhau cái gì nên đưa vào Hồi ký. Còn nhớ cũng có ông quân hàm hơn hoặc/và cao tuổi hơn định át giọng, nhưng bác Giáp nói cứ để cậu ấy nói, sai ta rút KN (một cung cách dân chủ không hề xanh cỏ đỏ ngực, vân vân). Vì thế ý phần tử bắn của candit chắc phản ảnh hơi hướng quy thành phần (cũng rất thời sự, mọi thời kỳ), còn ý của mỗ là nông dân Việt có thể theo anh Rỉn lên vũ chu nghâm cứu bèo hoa dâu, cả do nhờ một thứ tiếng được la tinh hóa...

12:01 Friday,2.9.2016

Đăng bởi:  Candid

Em còn nhớ đoạn đấy là về bộ đội ta sang học về pháo. Trung Quốc lúc ấy đang ép Việt Nam cải cách ruộng đất, đánh tư sản nên nghĩ bộ đội Việt Nam hoc các lý thuyết về phần tử bắn nhanh ắt hẳn xuất thân tư sản.

Em từng đọc một tài liệu nào đấy thống kê số dân biết chữ khi Hán học rất ít độ một vài phần trăm.

10:08 Friday,2.9.2016

Đăng bởi:  dilletant

Vừa đưa một bình bài đưa tiếng Hán vào trường trên Vietnamnet. Còn nhớ đại ý: Khi ở Trung quốc giữa những năm 1990 tôi thấy một đám dân chúng (nông thôn) đứng đọc một yết thị gồm 30 - 40 hán tự chữ to khoảng vài chục phút. Còn ở KTT của tôi anh hàng thịt mất vài chục giây để liếc đọc thông báo phường, lúc để xe vào bãi trông xe của Khu. Có ai đang tiếp thị cho quyền lực mềm màu mực tàu của ngoại bang? Có ai vẫn muốn đem con em mình ra làm vật thí nghiệm trên chốn đoạn trường của "văn dai như chão chữ vuông như hòm"?
Xin thêm một đoạn, riêng cho Soi: còn nhớ trong hồi ký của bác Giáp, đại ý, có đoạn nói các cố vấn Trung quốc (mới sang, năm 1950) hoảng hồn nhìn thấy chiến sĩ Việt Nam, vừa thoát nạn mù chữ đã ghi chép nhoay nhoáy lời chính ủy trong các đợt học chỉnh quân. Lại nhớ lời một CCB xô viết nói một nhiệm vụ trọng đại của các Đại Gấu, kể cả Đại Gấu trúc, là (dùng gậy và cà rốt thối - ý của dilletant) làm cho các láng giềng cận kề luôn phát triển phọt phẹt.

6:44 Friday,2.9.2016

Đăng bởi:  Candid

Em mới tự mày mò học bộ thủ mà đã thấy ong hết cả thủ lên. Theo em ở bậc phổ thông con cháu chúng ta đã là thiên tài rồi không cần phải học thêm gì nữa. Có thể đưa tăng cường thêm như môn tự chọn nhất là các ngành khoa học xã hội. Em cũng không rõ tình hình học Hán Nôm ở các trường ĐH giờ ra sao?

21:51 Thursday,1.9.2016

Đăng bởi:  rieng&chung

Vầng, nếu đi học gặp được giáo viên biết khơi gợi lòng ham học thì còn gì bằng. Nhưng em nghĩ chắc chắn tư chất của bác Candid cũng thuộc dạng ưu tú rồi : ))

Ý em là sách giáo khoa cần phù hợp cho việc tự học của học sinh có trí lực từ trung bình trở lên. Trên cơ sở đó có thêm phần "dấu sao" nâng cao cũng ko vấn đề gì.

Sách giáo khoa hiện nay vẫn còn khá đánh đố với đa phần học sinh. Về mặt này, em thấy có vẻ như sách giáo khoa miền nam VN trước 1975 viết tốt hơn hẳn. Một số sách bổ trợ do các "giáo sư hồi ấy" soạn và in lại cũng rất tốt.

Như bác nói. Học tiếng Anh còn trầy trật như vậy, học Hán-Nôm không thành ác mộng thì... hơi lạ : ))

21:43 Thursday,1.9.2016

Đăng bởi:  Đoàn Thế Vững

Em cũng nghĩ như vậy, việc học Hán Nôm cho chúng ta những bài học sờ sờ ngay trước mắt mà cha ông để lại nhưng không biết để mà học, đi Chùa, Miếu, Đình, ngay cả cái Từ đường ở ngay sân nhà, em hỏi các cụ các cụ cũng chịu không giải thích được, lại phải lọ mọ chụp lại, dùng image google search thì kết quả không biết tin vào nguồn nào, đâm ra nản

18:54 Thursday,1.9.2016

Đăng bởi:  Candid

Em thấy có người còm giá hồi học phổ thông có giáo viên dạy Hoá như bác Hienemic. Em thấy cũng đúng, ngày xưa em thích Hoá cũng là do gặp được giáo viên khơi dậy trí tò mò của bọn em. Thế nên thay vì phải học, cả lũ lại háo hức tìm hiểu. Đưa Hán Nôm vào trường phổ thông, không cẩn thận thì lại thành ác mộng với học sinh.

Loanh quanh lại ra vấn đề cải tổ giáo dục từ đâu. :D

18:28 Thursday,1.9.2016

Đăng bởi:  rieng&chung

Nhất trí với bác Candid ạ.

Hồi em mới vào đại học ở VN, có môn Hình học họa hình có vẻ rất nguy hiểm. Giáo trình hình như soạn theo sách của Liên Xô, bài tập vẽ các loại giao cắt khá hiểm hóc, đa phần sinh viên khá ớn.
Sau em sang TQ, học lại môn này bằng sách TQ, dù trình độ tiếng Trung còn sơ đẳng nhưng vẫn hiểu tốt, vì sách viết đơn giản và sáng sủa hơn. Em nghĩ đó chính là "cách dạy" của giáo trình.

Về sau nữa, có 2 cậu du học sinh, một từ Nhật Bản, một từ nước "anh em", vào sau em 2 khóa. Họ nhờ em phụ đạo môn này vài lần, thì thấy cậu Nhật Bản chịu khó tự học hơn, chỉ hỏi vài chỗ bí quá thôi. Trong khi, cậu "anh em" kia hầu như phải giảng từ khái niệm. Có lẽ đây là vấn đề "học" của bản thân mà bác Candid nói.

14:44 Thursday,1.9.2016

Đăng bởi:  candid

Có vẻ liên quan đến học và dạy thế nào chứ không phải học và dạy cái gì. Tiếng Anh dễ thế mà với đa phần người VN còn học mãi không xong. Nói gì đến chữ Hán, chữ Nôm.

14:21 Thursday,1.9.2016

Đăng bởi:  rieng&chung

Hình như, không rõ vô tình hay cố ý, cứ buộc cái việc bỏ dạy chữ Hán-Nôm với hiện trạng học kém tiếng Việt ở nước mình. Hai cái đó không phải là quan hệ Nhân-Quả.

Kinh Dịch khó thế mà nhiều bác còn hiểu được nó qua tiếng Anh, đâu cần tiếng Hán.

Vụ "dốt tiếng Việt", đơn giản là, người giỏi tiếng Việt không được (hoặc không muốn) dạy người chưa giỏi.

Nhiều lần cầm cuốn tiếng Việt của con lên muốn giúp nó học mà đọc vào cứ muốn lộn cả tiết, vì cái sự đánh đố "không thầy đố mày làm nên" trong "kĩ thuật biên soạn sách giáo khoa" là không hề nhẹ.

12:38 Thursday,1.9.2016

Đăng bởi:  Thy Thương

Mình tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc từ nhỏ, qua nhiều sách, truyện dịch và phim Trung Quốc, cũng như đọc những tác phẩm văn học Việt Nam cổ chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, như kiểu Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ, lớn lên thì có học tiếng Hán và tiếng Anh. Bây giờ mình làm công việc phải viết lách tương đối nhiều, và việc học tiếng Hán từ xưa đem lại cho mình khá nhiều lợi thế. Về tư duy thì mình cố gắng học hỏi lối tư duy chặt chẽ của họ, còn về diễn đạt thì không phủ nhận là đặc điểm hàm súc, cô đọng của tiếng Hán cũng như văn học Hán ảnh hướng đến mình rất nhiều.Một điểm may mắn là khi viết mình thường được khen là có lối diễn đạt trôi chảy, rành mạch, câu văn tương đối mềm mại. Trong ngành của mình thì cũng không cần bay bổng gợi cảm, chỉ cần dễ đọc dễ hiểu như vậy là được rồi. Sự trôi chảy, mềm mại và cách hài hòa thanh điệu trong câu văn có lẽ đã ngấm vào tư duy của mình từ rất lâu rồi khi mình đọc những tác phẩm văn biền ngẫu như Bình Ngô đại cáo, rồi sau đó là cổ thi của Lý Bạch, Đỗ Phủ..., cho nên mình làm điều đó tương đối dễ dàng, như thể là bản năng vậy. Khi viết điều này mình không nhằm khoe khoang điều gì, vì điểm mạnh ít ỏi này chẳng đủ để bù đắp cho rất nhiều hạn chế khác về chuyên môn, mà chỉ chia sẻ một kinh nghiệm cho ai muốn hoàn thiện kỹ năng viết của mình: nên tiếp xúc nhiều với văn biền ngẫu, cổ thi và tiếng Hán. Chắc chắn sự phong phú, hàm súc, ý tại ngôn ngoại và sự đăng đối hài hòa về thanh điệu của chúng sẽ giúp ích cho bạn khá nhiều.

10:00 Thursday,1.9.2016

Đăng bởi:  pisa

Tiếng Trung hiện đại khác cổ văn, nhưng không quá xa đến mức không thể đọc hiểu. Cái họ không hiểu là các điển tích, hàm ý sâu xa bên trong, chứ mặt chữ và ý tứ thì không khó để đọc, dù họ học giản thể, nhưng có thể hiểu phồn thể (kiểu cũ) một phần.
Không thể hy vọng người Việt ai cũng có thể đọc được cổ văn, nhưng chí ít, bằng cách phổ cập một số từ căn bản, và một số quy luật dùng từ, có thể khuyến khích học sinh đam mê văn hóa truyền thống đào sâu nghiên cứu, hoặc chí ít khi muốn tìm hiểu về một từ nào đó, hay ý nghĩa tên của chính mình, có thể dùng từ điển mà tra cứu được. Bên cạnh đó là phân biệt và hiểu đúng được rất nhiều từ Hán Việt đang dùng, khá là thú vị.

23:11 Wednesday,31.8.2016

Đăng bởi:  cứ từ từ

tiếng Trung hiện đại với Hán văn của ông cha ta dùng khác nhau rất xa. Đến ngay chính người Trung quốc hiện nay đa phần cũng không thể đọc hiểu 1 văn bản cổ của ông cha họ nếu thiếu phần chú thích bằng hán ngữ hiện đại. Nếu để người Việt có thể hiểu được những điều ông cha họ nói, thì họ phải học cổ Hán ngữ thay vì tiếng Trung. Ngày xưa các cụ, mười năm đèn sách , học ra rả như cuốc kêu mới mong có ngày đọc sách viết văn. Người bi giờ, muốn đọc hiểu cái các cụ viết thì chí ít sở học cũng phải ngấp nghé, nếu không nói là tương đương, nhược bằng lõm bõm dăm ba chữ, e làm thầy cúng cũng bất khả.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả