Điện ảnh

A Separation: trước khi chết phải xem phim này

    Một nghệ sĩ từng nói với tôi rằng: có những phim “bắt buộc” phải xem, không xem thì không thành người. Các phim đó không nhiều, một năm may ra chỉ có 3, 4 tác phẩm là cao. Năm nay, A Separation (Chia ly) được xếp vào cái danh sách “xem hay là […]

Ý kiến - Thảo luận

1:08 Sunday,27.12.2015

Đăng bởi:  RTP

Hôm nay đọc bài báo này, http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/20151221/khi-cuoc-tranh-luan-bi-lac-huong/1023619.html, nhớ lại cuộc tranh cãi vừa rồi trên SOI, những cuộc tranh cãi khác, và cái ý của Nhật Minh: “Mình hiểu tại sao bạn nghĩ như vậy, vì bạn đứng ở vị trí người xem, chứ chưa ở hoàn cảnh người làm bao giờ” bình cho bài viết này.
Chắc tất cả “người xem” như tôi, trừ những “người làm”, khi xem phim Iran đều có suy nghĩ như Pha Lê, xem cái là biết, phim không có tiền, tránh né kiểm duyệt còn khắc nghiệt hơn cả VN, vậy mà hay thế, thôi thì với “người làm”, “mục đích” hay “phương tiện” gì cũng được, sao chẳng làm được như người ta?
Một “người làm” khác từng khẳng định, điện ảnh VN không có tác phẩm hay, chung quy chỉ vì VN không có nhân tài. Cũng có phần đúng, thì phải đến 3 triệu người VN định cư ở Tây ở Mỹ, tự do đấy, điều kiện đấy, được mấy ai nổi trội trong mọi mặt đời sống, nói gì đến văn hóa nghệ thuật?
Nhưng tôi nghĩ còn một lý do khác nữa, người VN rất giỏi soi xét, nhất là soi xét người, chỉ ít soi xét mình, và tệ nhất, đó là thiếu sự kiên định. Kiên nhẫn chịu đựng để luồn lách tồn tại thì giỏi, nhưng thiếu kiên định với những gì từng là mơ ước, là quan trọng với cuộc đời mình.
Tôi có suy nghĩ trên, cũng giật mình như Pha Lê, là sau khi xem một phim Iran khác, “Through the Olives Trees” (1994) của Abbas Kiarostami, chắc mọi người nhớ tới ông hơn với “Taste of Cherry” (1997), lúc ấy olive còn chưa được như cherry kiệt tác, nhưng có cái dư vị đáng yêu vô cùng.
Vì cũng chỉ là một người xem thường tình, tức là khá sến súa, nên đến quá nửa phim tôi vẫn còn thất vọng vì những thứ vớ vẩn như là phim chẳng có gì đặc biệt, cảnh thì xấu, và nghèo, nửa phim nửa thực lại lôm côm; hai diễn viên chính có ngoại hình chan chán, cô gái xinh đẹp nhưng kiểu đẹp hơi hãnh tiến, phù phiếm; chàng trai nhìn thô kệch, kém thông minh – dù điều đó có phù hợp với xuất thân, tính cách nhân vật đi nữa thì ngoại hình của họ cũng chẳng có gì duyên dáng hấp dẫn cái khẩu vị đáng ngờ của tôi, vốn coi điện ảnh, cả phim tài liệu đi nữa, cũng không phải đời thực, phải có gì hấp dẫn hơn chứ, giống đời quá ai xem làm gì, giải trí cơ mà. Còn may giữ tôi lại xem tiếp là hóa ra anh chàng cũng láu cá, biết lợi dụng những lúc thiên hạ ồn ào mà lén lút tán tỉnh cô nàng, nhưng tán tỉnh thế nào? Cứ lặp đi lặp lại rằng chàng chẳng có gì (nhìn thì biết rồi, khổ lắm, nói mãi), chỉ có thể đoan chắc sẽ yêu thương, sẽ tôn trọng, sẽ giúp đỡ để cô học hành theo ý cô. Liệt kê những việc cụ thể con con, chàng sẽ làm gì. Chỉ cần biết cô ừ hay không. Dĩ nhiên, cái cô đẹp kia, lại còn là cô Hồi giáo, đâu thèm trả lời hay liếc mắt. Tồi tội anh chàng. Rồi cũng phục cái thói “đẹp trai không bằng chai mặt”. Rồi cũng lây cái niềm tin sắt đá của gã. Rồi cũng nhẹ cả người khi có một nhân vật thúc gã đuổi theo cô gái. Rồi hồi hộp nhìn họ đi xa dần, khuất dưới rặng olive, không còn nghe cả giọng. Cuối cùng thì cô gái có đồng ý không? Và những “người xem” bình dân như tôi hẳn phải thấy cảnh cuối phim này, sao mà chàng trai cô gái lại trở nên dễ thương đến thế. [những phù phiếm thô kệch biến đâu mất rồi? :) ]
Bộ phim được quay vừa ngay sau trận động đất ở miền Bắc Iran năm đó, có thể thấy dấu tích ngay trong cảnh nền. Và dù chẳng biết gì về Iran, hay chỉ mơ hồ rằng một xã hội Hồi giáo khắc nghiệt gì đấy, ai xem phim cũng sẽ tin tưởng, yêu mến con người Iran: Họ sẽ đứng vững trên mảnh đất của họ, mặc cho mọi thứ thiên tai hay định kiến, vì họ có một tình yêu kiên định. Chàng trai đó biết rõ mình không có gì, chỉ có mỗi một thứ mơ hồ là tình yêu và lòng tự trọng. Nhưng vì chỉ có mỗi thứ ít ỏi đó thôi, nên anh càng phải coi trọng nó, tìm đường cho nó thành tài sản đáng giá của mình, không phải bằng cách đưa nó lên bàn thờ, nhưng bằng cách vứt đi thì anh còn có gì?
[ngược với người VN nhỉ, cái gì của VN cũng tệ hết, đến Kiều cũng sao chép của Tàu cơ mà – vậy chúng ta vứt hết đi nhé?]
Chuyện chỉ đơn giản thế thôi, nhưng bạn phải xem phim mới thấy sự kiên định đó được thể hiện trong sáng như thế nào. Khiến cho người xem yêu, và tin, trong điều kiện hạn hẹp một tiếng rưỡi đồng hồ, trong điều kiện hạn hẹp làm phim, là không dễ.
Cũng nhân chuyện du học về hay ở, phe “ở lại chịu nhục cùng anh em” chắc có thêm khích lệ, trả lời câu hỏi sao không bỏ ra nước ngoài sống sau Cách mạng Hồi giáo 1979 ở Iran, đạo diễn Kiarostami nói rằng ông tin ông là cái cây không ra trái, nếu có cũng không phải trái ngon, trên đất khác [http://www.theguardian.com/film/2005/apr/16/art]. Chắc vậy, cũng có thể vì tuổi tác, những phim gần đây ông làm ở nước khác, với tôi, không còn cái dư vị như xưa. Dĩ nhiên bạn nên nghi ngờ cái khẩu vị của một “người xem” ít học và ít hiểu biết như tôi, ít gì thì Roger Ebert khen mấy phim này, trong khi lại chê bai “Taste of Cherry” thậm tệ! Còn để khỏi nghi ai, sao bạn không xem rồi tự rút ra kết luận cho mình?
Cũng nhân ý kiến của Nhật Minh, tôi tin con người ta phải “trong sáng, ngây thơ” thì mới làm ra được cái đẹp. Nhìn gì cũng thấy xấu xa bế tắc, đúng thôi; chuyện gì cũng có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, được thôi; mà còn không giữ cái tình yêu trong sáng, ngây thơ thuở ban đầu, thì làm gì giữ nổi lòng kiên định mà làm được điều chi? Dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài. Dù có bằng cao học rộng hiểu nhiều. Dù có ngốc nghếch như tôi. :) Vì xem phim này, lâu rồi, tôi giật mình là cho chính bản thân, chứ không có ý định hê ra lại lòi cái dốt người cười. Nhưng giật mình là một chuyện, còn có làm được không là chuyện khác. Kiên định với trong sáng không dễ chút nào. Hôm nay xin chia sẻ chút rằng tôi cũng ê chề lắm. Còn bạn thì sao? Có xuyên qua được rặng olive không?

15:04 Friday,1.2.2013

Đăng bởi:  Trần Quang Lu

Phim Iran nhiều phim hay đấy.
 
Ngoài cái phim trên ra, mình giới thiệu với các bạn một phim nữa của điện ảnh Iran có tựa đề là: The Willow Tree (sản xuất năm 2005). Nội dung phim đại khái nói về một anh giáo sư bị mù lâu năm, sau khi đã được đi phẫu thuật sáng mắt, kể từ đó, cuộc đời mà anh nhìn thấy không còn là cuộc đời của anh nữa...

11:55 Friday,1.2.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Hi Pha Lê!
 
Phải kiếm phim xem ngay mới được. Nghe lời giới thiệu của Pha Lê làm mình nghĩ  đến một nhà văn mà mình rất yêu thích là Ma Văn Kháng. Những vấn đề đề cập đến trong các tác phẩm của ông là những vấn đề muôn thủa của đời sống con người, của kiếp người, của thân phận con người.
 
Cảnh trí xã hội hạn hẹp hay tự do, tâm tư con người đơn giản hay phức tạp chỉ có tác dụng làm cảnh trí trưng bày cho sự mở màn của những số phận con người trong thời nào, ở xã hội nào cũng đều mỏng manh, nhạy cảm và dễ vỡ cả. Tài năng của ông là ở chỗ miêu tả khắc họa làm nổi bật cái mong manh này lên theo những cách đặc biệt chỉ mình ông là làm được
 
Chung quy lại đó là một thái độ thông cảm bình thản với thân phận con người. Thông cảm để đồng cảm và bình thản là để không làm toáng lên về những việc chẳng  đâu vào với đâu.
 
(@anh Gaupham (Phạm Tuấn Anh): Em có sử dụng lời của anh trong bài này bởi sự đồng cảm, sự bất lực của ngôn từ bản thân nên đành sử dụng một vài câu của anh, thứ lỗi nhé).

22:49 Friday,13.4.2012

Đăng bởi:  Nhất Linh

Bạn thật đáng yêu Pha Lê. "Phương tiện" nếu không chạm được đến lòng người thì làm sao có thể đạt được "mục đích", dù là mục đích gì. Nhất là khi làm nghệ thuật, và ở thời điểm dân trí công chúng cao như bây giờ.

Mình hiểu tại sao bạn nghĩ như vậy, vì bạn đứng ở vị trí người xem, chứ chưa ở hoàn cảnh người làm bao giờ.

0:09 Friday,13.4.2012

Đăng bởi:  phale

@Nhật Linh: Mình cũng hiểu là phim này "ngầm" nói lên cái chưa được của đạo Hồi một cách kín đáo, nhưng thực tế thì phim nào chả vậy và thực sự đây cũng không phải mục đích chính của phim, ít ra là mình cho là như thế. Vì phim Mỹ cũng sẽ ngầm nói lên những thứ không tốt của xã hội Tư Bản, phim Anh ngầm nói lên cái dở của nước Anh, phim Trung Quốc cũng kín đáo kể về những mặt trái của Trung Quốc. Thực tế thì gần như không có đạo diễn nào nói rằng "Tôi hài lòng 100% với đất nước mà tôi đang sống", đấy cũng là bản tính muôn đời của nghệ sĩ, và đạo diễn Farhadi chắc chắn cũng chẳng hề hài lòng với xã hội Iran. Nhưng nếu đó là "mục đích" còn tất cả những thứ còn lại chỉ là "phương tiện" như bạn nói thì ông đã vào tù ngồi giống Jafar Panahi. Ông nhìn vào con người trước, rồi tới đạo giáo và luật lệ sau, chính vì thế mà phim của ông rất nhân bản.

Farhadi còn làm mình nhới tới đạo diễn Mike Leigh và Ozu, họ cũng rất không bằng lòng với xã hội/thể chế, nhưng họ quan tâm tới chuyện người ta sống trong xã hội đó ra sao hơn là chính cái xã hội đấy, và vì vậy phim của họ tràn đầy tình người, đến mức không hội đồng kiểm duyệt nào tỏ ra khó chịu cả. Có thể "cách họ quan tâm" làm ta hiểu được "cách họ suy nghĩ", nhưng nếu lấy cái suy nghĩ đó làm mục đích thì e rằng phim chả hay được như thế này.

20:20 Thursday,12.4.2012

Đăng bởi:  Nhat Linh

Bạn đúng là Pha Lê, nên cũng trong trẻo và ngây thơ như… Pha Lê vậy. Đúng là bộ phim không “đụng“ hay phê phán trực tiếp đến Iran hay đến đạo Hồi. Vì bên đó kiểm duyệt ác hơn Đại Việt ta nhiều lần mà. Cả bộ phim là bị kịch của những con người cá nhân, rồi dẫn đến sự chia ly… Nhưng sau khi chứng kiến bi kịch đó thì người ta mới nghĩ, tại sao một người phụ nữ Hồi giáo lại phải quyết liệt ra đi như vậy? Bối cảnh đằng sau bi kịch đó dù ko hiển hiện trực tiếp nhưng nó được đề cập một cách kín đáo… Theo mình cái đáng học, cũng là tài năng của những người Iran ở chỗ tạo ra một câu chuyện “không cá biệt” để người xem mọi ngôn ngữ đều “cảm” được, như vậy họ sẽ “chạm“ được tới lớp công chúng không giới hạn. Và đó là phương tiện chứ không phải mục đích Pha Lê ạ :-)

21:53 Tuesday,10.4.2012

Đăng bởi:  Phạm Quốc Trung

"...đa số những bi kịch trong cuộc sống của chúng ta không phải do đất nước, luật lệ; mà là do chính chúng ta tạo ra" Thích đọc Pha lê và Bình minh? (2 in 1?) vì những bài bình phim của các bạn rất hay, thậm chí có nhiều câu sâu sắc, từng trải đầy chất triết lý như triết gia. Đọc xong là muốn xem ngay/hoặc chán ngay bộ phim mà các bạn đề cập. Rõ ràng hai bạn là người hướng đạo tài tình.
"... rất người, bất cứ ai, dù thuộc quốc tịch nào, cũng có thể hiểu được." Một tác phẩm VHNT nào mà để được coi là "lớn", có lẽ đều cần phải có phẩm chất "nhân loại" như vậy, không phụ thuộc/lệ thuộc vào vùng miền địa lý, địa phương, chủng tộc, giai cấp...
Nhưng "... Không luật lệ nào hoàn hảo, chúng ta chẳng phải thánh nên dù luật hay đạo có nghiêm khắc hay lỏng lẻo kiểu gì thì ta cũng sẽ mắc lỗi. Ai mà chẳng phải tự lo chuyện gia đình, chuyện cơm áo gạo tiền? Ai mà không có những bi kịch cá nhân?" đã đành sống trên đời là đã biết khổ rồi (Đời là bể khổ - Phật dạy). Thế nhưng, ở những nơi mà tinh thần thế tục cao, xã hội có sự thượng tôn của luật pháp, dân chủ, văn minh, an sinh xã hội được quan tâm, tự do công dân được bảo đảm thì chẳng phải kiếp người dân ở đấy đáng sống lắm ru?

10:36 Tuesday,10.4.2012

Đăng bởi:  Sơn Hồ Nguyên

"A Separation: trước khi chết phải xem phim này", đọc tiêu đề thấy không thể không đọc lời dẫn, đọc lời dẫn thấy không thể không xem phim này, thế nào cũng phải đi tìm phim này mua xem, cho dù chưa biết thực hư phim hay cỡ nào....

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả