Khác

Xuyên Mỹ: khi ly hôn là một thế trận buồn 20. 05. 14 - 7:18 am

Nguyễn Trương Quý

Sau các tập truyện ngắn “Phù phiếm truyện”, “Nước Mỹ, nước Mỹ”, tiểu thuyết “Tiếng Người” và hồi ký “Một mình ở châu Âu” (phần 1 của bộ hồi ký “Bất hạnh là một tài sản”), Phan Việt tiếp tục hành trình sáng tác với phần 2 của bộ hồi ký với cái tên gây tò mò “Xuyên Mỹ”.

.

Xuyên Mỹ” là hành trình của nữ nhân vật chính sau khi trở về từ chuyến đi châu Âu (đã được viết trong cuốn trước), lúc này cô đối diện với việc quyết định ly hôn. Bỏ nhau nghe có vẻ dễ, nhưng thắng được sự yếu lòng của bản thân để sống cô đơn ở xứ người không đơn giản. Thêm vào đó là bỏ nhau ở Mỹ cũng không phải cứ chạy ra tòa làm thủ tục xoẹt cái là xong, mà phải qua nhiều bước, hòa giải, phân chia quyền lợi, chứng thực tư cách pháp lý này nọ… Tất nhiên có vẻ ở Việt Nam cũng thế, nhưng việc nữ nhân vật chính không đòi hỏi gì ở người chồng đã thất nghiệp một thời gian khiến người của tòa án Mỹ không hiểu được. Vẫn là tâm trạng của người Việt trong mọi tình huống, đó chính là nét nổi bật của “Xuyên Mỹ” – kể cả khi đi dự phỏng vấn xin làm giáo sư đại học, nhân vật chính vẫn không dứt được tâm trạng ấy.

Song song với việc quyết định có ly hôn hay không, việc hình thành một “thế trận tâm lý” hóc hiểm giữa cặp vợ chồng bề ngoài có vẻ bình thản chờ đón cái kết cục đường ai nấy đi cũng khiến người đọc hồi hộp đến căng thẳng. Ở khía cạnh này, Phan Việt viết rất giỏi, vốn là thế mạnh của cô ở những truyện ngắn đã xuất bản. Thêm vào đấy, việc phải nỗ lực hoàn tất chương trình tiến sĩ cũng là một thách thức, nhất là trong hoàn cảnh cô độc, “lúc này tôi cũng đóng băng mọi thứ”. Cái nỗi đau kìm nén như bên dưới một lớp băng dày, và như nhân vật luôn cố gắng không để cảm xúc tóe loe theo cách thông thường, cô làm những việc lặt vặt hàng ngày, giữ giao tiếp với những người bạn, nhà tư vấn tâm lý, thật sự là một cuộc chế ngự can đảm.

Nhà văn Phan Việt (Ảnh từ báo Thanh Niên)

Có nhiều người sẽ phật lòng khi nội dung của “Xuyên Mỹ” hóa ra không hẳn là một loại du ký đang rộ mùa gần đây dù tên sách có vẻ thế. Có người nói “sao phải viết tới mấy cuốn hồi ký về một cuộc ly hôn?” Nhưng đây chắc hẳn là cuốn sách khác biệt. Sự khắc nghiệt cũng là một giá trị của nó. Ít người Việt Nam viết mổ xẻ bản thân đến thế. Cuốn sách cố gắng cắt nghĩa tâm lý của người ly dị, điều mà có vẻ như là taboo để đa phần né tránh hoặc sướt mướt ồn ào nữ tính. Cái khó là đề tài này mặc nhiên khoanh vùng đối tượng bạn đọc nên không phải đọc kiểu vừa thổi vừa ăn. Nhưng cuốn sách đáng nể nào cũng không ngon xơi. Một lối viết có tình cảm nhưng tiết chế đến mức duy lý như “Xuyên Mỹ” vẫn là của hiếm ở Việt Nam.

Thuần túy ở góc độ cá nhân thì đọc cuốn sách được biết nhiều khái niệm xã hội, những cách ứng phó với nỗi chán nản đến mức khủng hoảng của chính bản thân, sự bạc nhược và vô vọng của những cặp đôi trí thức tha phương, tâm trạng của những phụ nữ xa nhà không biết mình nên là những Thủy, những Hà hay là Jenny hay Paula khi đối diện các tình huống trong khung ứng xử và văn hóa khác hẳn Việt Nam.

Nói chung cuốn sách không làm dáng, đã được viết bằng giọng văn thành thực, theo tôi là đã “liều mạng” sử dụng các câu chuyện trường ốc, nhiều dẫn chứng học thuật nhưng mạch văn thoát được ảnh hưởng của văn nghiên cứu. Đáng ngạc nhiên là nó không có nhiều lý lẽ gân cốt hay thuyết giảng. Chắc là những ai đang muốn định nghĩa tình trạng hôn nhân hoặc tìm một sự đối chiếu thì có thể đọc được từ đây nhiều. Xã hội đô thị Việt Nam có vẻ nhiều vấn đề về tâm lý gia đình và sức ép cá nhân, rồi những cuốn sách đụng đến các câu chuyện vừa riêng tư vừa phổ quát sẽ mở một vài cánh cửa nào đấy. “Xuyên Mỹ” của Phan Việt có lẽ không tạo fan cho cô, nhưng là một cuốn sách dũng cảm và sâu sắc, cả ở tư thế người viết hiện đại lẫn tư thế một phụ nữ nhìn lại sự đổ vỡ của mình.

*

.

Thông tin: Sách do NXB Trẻ ấn hành tháng Năm, năm 2014

Vào 19h ngày 21-5-2014, Phan Việt sẽ có buổi nói chuyện tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, TPHCM về cuốn sách này.

Và Phan Việt cũng sẽ có một buổi giao lưu nữa, vào 18h ngày 15.7.2014 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả