Nghệ sĩ Việt Nam

oNiReaKHoWaRiGNoRaLiSMe
của Trúc-Anh – người tô màu cho sự hỗn độn 20. 05. 14 - 2:12 am

Thông tin từ BTC

.

“oNiReaKHoWaRiGNoRaLiSMe”
Khai mạc: Thứ Năm, ngày 22 tháng Năm từ 18h00 đến 20h00 tại phòng tranh ở Đề Thám
Địa chỉ: 65 Đề Thám, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Thời gian: 10h00 đến 18h00, thứ Ba đến thứ Bảy và có hẹn trước. Từ 22 tháng Năm – 19 tháng Bảy, 2014

Bản thể của các tác phẩm được khắc họa từ quan tâm liên tiếp của người nghệ sĩ về tính lưỡng phân của niềm tin và hoài nghi, về đoan chắc và nghi ngại, thực tế và tưởng tượng, và tính nhập nhằng của sự hỗn độn. Các tác phẩm của anh một lần nữa khuấy động người xem, tạo cảm giác chóng mặt từa tựa như sự phi lý của những giấc mơ, đồng thời đùa nghịch với khả năng nhìn, quan sát, nhận diện và ruồng bỏ những hiểu biết thực tế và nhận thức lý trí.  

Tựa đề của triển lãm tự đặt nó làm một câu đố và ám chỉ đến một số ý tưởng đa dạng, khái niệm và nguồn cảm hứng của người nghệ sĩ, đi từ nghệ thuật và lịch sử nhân loại đến lịch sử của hình thức đại diện và văn hóa phổ thông đương đại. Hậu tố ‘isme’ (ism) của từ không thể giải đoán được này gợi nhắc về một trường phái tư tưởng, mà nghệ sĩ tuân thủ và mời gọi chúng ta tham gia đóng góp.

Tại lối vào triển lãm, Ready to see – một bức họa nhỏ vẽ một người phụ nữ đã chết được hai thiên thần dẫn dắt lấy cảm hứng từ bức vẽ năm 1878 A Soul to the Sky của William Bouguereau – chào đón khách tham quan, phần nhiều đội lốt vỏ tương tự như đoạn thơ của Danté viết trên cổng địa ngục chào đón và cảnh báo những kẻ bước vào. Tuy nhiên, Trúc-Anh không ám chỉ đến việc đánh rơi hy vọng, mà anh đang khuyến khích ta từ bỏ lý trí và hướng ta tiến đến bước khởi đầu của hoài nghi: bức họa tượng trưng cho sự mời gọi đánh mất bản thân trong một thế giới song song, nơi mà nhận thức của ta về thực tế và sự cam đoan cần bị bỏ lại và tinh thần ta cần được thả tự do.      

Thế giới của Trúc-Anh là nơi hội tụ nhiều điều bí ẩn và vô số những tham khảo mang nặng chủ nghĩa tượng trưng cá nhân và phổ quát. Những bức chân dung nhỏ được vẽ theo quyển sách Woo! của nhà nhiếp ảnh người Đức Juergen Teller (một bữa tiệc hình ảnh đánh tan các biên giới giữa nghệ thuật, thời trang và quảng cáo), trong khi những khung tranh sơn dầu lớn (có một hoặc nhiều panô) bao gồm những mô tả về các nhân vật hư cấu, chẳng hạn như linh hồn ‘Vô Diện’ trong bộ phim được trao giải Spirited Away của bậc thầy về phim hoạt hình Nhật Bản Hayao Mizayaki.   

“Croco Queen”

Trúc-Anh có vẻ đặc biệt hứng thú với những nhân vật bơ vơ bị ruồng rẫy, lúc thì tiềm tàng hoặc lúc thì hiển nhiên độc ác, vốn là hiện thân của những sự thật đen tối và kín đáo nhất của bản chất con người. Tuy nhiên, các cá thể độc ác hoặc bị xa lánh này được cân bằng với sự hiện diện của những nhân vật hào hiệp, như Rapunzel của Anh em nhà Grimm hay người chiến binh mạnh mẽ Oni trong loạt trò chơi điện tử Street Fighter, hóa thân thành người phụ nữ trong Croco Queen. Trong những tác phẩm phức tạp nhất của mình, Trúc-Anh thường truyền đạt một cảm giác mất mát, hoang mang và sự ghẻ lạnh từ thực tế, với một vị cứu tinh hoặc một thực thể mạnh mẽ xuất hiện nhằm hồi phục lại trạng thái cân bằng cảm xúc và hình ảnh chênh vênh.

Tranh của Trúc-Anh mang nặng những chuyện kể chồng chéo, đặt liền kề để tạo ra một lối tường thuật bí ẩn, thú vị hơn, vận hành như một câu đố. Các câu chuyện của anh không đi theo một cấu trúc tuyến tính hay có thứ tự thời gian, mà lại theo một vòng tròn, gần như khắc nghiệt nhằm làm hình ảnh anh tạo ra mang thứ sức mạnh làm đảo lộn và chất vấn lẽ phải; thách thức sự hiểu biết của người xem. Cảm hứng cho những câu chuyện đa lớp trong tác phẩm của anh được giải thích thông suốt bởi tác giả, nhà làm phim và nhà thơ gây tranh cãi người Pháp Michel Houellebecq – chủ thể của một trong những bức vẽ của anh – người viết trong quyển La carte et le territoire (Bản đồ và lãnh thổ, 2010) của mình: “Tôi nghĩ mình đã ít nhiều mệt nhoài với thế giới khi nó là sự diễn giải – thế giới của những tiểu thuyết và những bộ phim, kể cả thế giới của âm nhạc. Giờ đây tôi chỉ hứng thú với thế giới khi nó là sự chồng chéo – của thi và họa.”  

Trúc-Anh và “Aurevoir Bonjour”, sơn dầu, sáp dầu trên vải bố, 180 x 280 cm (7 panô, 180 x 40 cm mỗi tấm), 2014

Về Trúc-Anh

Sinh năm 1983 ở Paris, Trúc-Anh học tại École Boulle, École Supérieure des Arts Appliqués, Paris; ECAL, Haute École d’Art et de Design, Lausanne, Thụy Sĩ; và La Cambre, École Nationale Supérieure des Arts Visuels, Brussels, Bỉ. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, anh đã sáng tác bằng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó bao gồm hội họa, nhiếp ảnh, quay phim, vẽ, điêu khắc và trình diễn. Tác phẩm của anh được trưng bày trong nhiều triển lãm nhóm ở châu Âu, đáng chú ý là 30 ans du Mai-Photogaphies giám tuyển bởi Claire Bresson, và White Spirit Phần 1 và 2 giám tuyển bởi Tania Nasielski. Các triển lãm gần đây bao gồm Jaquoire en Patrioche tại Galerie Sator, Paris; Pop-up Gallerie, Galerie Albus Lux, Knokke, Bỉ; Solo Project Art Fair, Basel; Drawing Now, Paris; và Delhi Photo Festival, New Delhi. Vào tháng 9 năm 2014, tác phẩm của anh sẽ được trưng bày trong Tentoonstelling: Sounds of Silence (De stem van de stilte) tại Bảo tàng CODA, Apeldoorn, Hà Lan. Trúc-Anh sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh và Paris.

Ghi chú: Trúc-Anh sẽ có buổi nói chuyện vào thứ Ba, ngày 17 tháng Sáu vào lúc 18h00 tại phòng tranh ở Đề Thám. Buổi nói chuyện được mở cửa tự do cho công chúng. Vui lòng liên hệ với phòng tranh để biết thêm thông tin chi tiết.

Liên hệ:
Chị Céline Alexandre (tiếng Anh và Pháp) – celine@galeriequynh.com
Chị Quyên (Queenie) Phạm / Chị Loan Lê (tiếng Việt) – queenie@galeriequynh.com / loan@galeriequynh.com
Điện thoại: +84 8 3836 8019 / +84 8 3824 8284

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ca ngợi hay chửi rủa (có bổ sung)

Nguyễn Thị Huệ Hữu vs Ng. H. Phương Lan

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả