Nghệ sĩ Việt Nam

Thầy của chúng tôi 10. 02. 15 - 6:38 am

Trang Thanh Hiền

Họp báo Tết Art

 

Điểm nhấn trong sự kiện TẾT ART 2015 là phòng tranh của ba họa sĩ, ba người thầy của chúng tôi: thầy Trần Huy Oánh, thầy Lê Huy Tiếp và thầy Trịnh Tuân. Mỗi người đại diện tiêu biểu cho ba chất liệu sáng tác là tranh sơn dầu, sơn mài và tranh đồ họa. Họ là những tấm gương về sự tận tụy với nghề và sự nghiệp đào tạo trong suốt cuộc đời mình. Phòng tranh của các thầy hiện diện trong sự kiện này là sự tri ân của chúng tôi dành cho các thầy, những người đã thắp lên những ngọn lửa đam mê sáng tạo cho nhiều thế hệ họa sĩ trẻ chúng tôi.

Trần Huy Oánh – người thầy của những người thầy

PGS. họa sĩ Trần Huy Oánh sinh năm 1937, ông là người khoác lên vai nhiều trọng trách. Ông nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, người đã góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ họa sĩ. Ông là người thầy của những người thầy và cũng là học trò của những bậc thầy hội họa Việt Nam giai đoạn đầu tiên. Bức họa ông vẽ Trần Văn Cẩn là thầy ông và một họa sĩ trong Bộ Tứ hàng đầu của hội họa Việt Nam – “Trí, Lân, Vân, Cẩn” (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn).

Họa sĩ Trần Huy Oánh là thầy của cả họa sĩ Lê Huy Tiếp và họa sĩ Trịnh Tuân. Các sáng tác của thầy Trần Huy Oánh luôn là những mẫu mực trong sáng tạo trên nhiều chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, màu nước, ký họa và khắc gỗ. Với một bút pháp hiện thực phong cách hiện thực, bố cục đẹp, bút pháp phóng khoáng, khoẻ khoắn, các tác phẩm của ông thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước. Ở đó thể hiện ra một bút lực dồi dào, những sự rung động tinh tế trước hiện thực cuộc sống.

Trần Huy Oánh, “Bản Vân Kiều”, lụa, 1982. (Hình các tác phẩm là do Soi tìm trên mạng và đưa thêm vào, có thể không có trong triển lãm này).

 

Trần Huy Oánh, “Cầu Hàm Rồng”, sơn mài, 1976

Là họa sĩ kinh qua các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, ông đã đem sức mình, niềm đam mê của mình đóng góp vào công cuộc vẻ vang đó. Do vậy, các tác phẩm của ông với chủ đề nông dân, công nhân, người chiến sĩ trong kháng chiến, luôn mang hơi thở của thời đại. Chúng là những tín hiệu lấp lánh nối quá khứ với tương lai cho một tinh thần sáng tạo không ngơi nghỉ.

Lê Huy Tiếp – người thắp sáng những đam mê đồ họa

Lê Huy Tiếp sinh năm 1951, là thế hệ họa sĩ tiếp sau của thầy Trần Huy Oánh. Ông được giới mỹ thuật và công chúng biết đến qua những bức tranh sơn dầu cỡ lớn với phong cách Tân Hiện Thực pha chút phong vị của nghệ thuật Siêu Thực.

Lê Huy Tiếp, “Đợi”, sơn dầu, 1996

Tuy nhiên Lê Huy Tiếp lại là một trong những họa sĩ đồ họa bậc thầy và là người trong nhiều năm gần đây đem những hiểu biết của mình trên cả chất liệu sơn dầu lẫn đồ họa in ấn truyền dạy cho những thế hệ tiếp bước. Những trại sáng tác đồ họa độc bản dành cho các họa sĩ trẻ và cả những người đam mê nghệ thuật không chuyên nghiệp nhưng được ông truyền dạy đã thu được những kết quả đáng khâm phục. Ở những trại sáng tác đó, không chỉ kỹ thuật in ấn, kinh nghiệm sử lý màu sắc, cách chồng bản màu được truyền dạy, các học viên tham gia còn học được ở ông sự phát triển những ý tưởng sáng tạo từ những thứ đơn sơ nhất. Đôi khi những cái lá, ngọn cây, mẩu giấy … đều có thể trở thành nghệ thuật trong các tác phẩm tranh in với một niềm đam mê và óc tưởng tượng. Họa sĩ Lê Huy Tiếp đã đem đến cho nhiều thế hệ họa sĩ trẻ niềm khát khao sáng tạo, mà ông nói, chỉ có khát khao đó mới đem lại cho nghệ sĩ phong cách đề tài và thể loại của chính mình.

Trịnh Tuân – người kết nối những giấc mơ

Đã nhiều năm nay, họa sĩ Trịnh Tuân là người bên cạnh những sáng tác độc lập của cá nhân về tranh sơn mài, ông còn là người khởi tạo nên các trại sáng tác, triển lãm, cho các họa sĩ Việt kết nối với nghệ thuật châu Á qua mô hình Asia Art Link. Đây là mô hình hướng đến việc tổ chức các hoạt động giao lưu sáng tạo tại từng quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trịnh Tuân, “Khi cơn bão đi qua”

Từ năm 2005, từ cuộc triển lãm giao lưu giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Malaysia tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam, rồi tới triển lãm “giấc mơ” có thêm sự tham gia của Philippines, các sự kiện nghệ thuật được ông điều phối đã liên tục phát triển và ngày càng mở rộng thêm vòng tay kết nối bạn bè ở khắp các nước châu Á. Những cuộc triển lãm, workshop do ông và các nghệ sĩ cộng sự đại diện ở các nước trong khu vực không chỉ đem lại lợi ích giao lưu trao đổi học hỏi nghệ thuật giữa các nước mà còn đem lại những lợi ích nhất định cho chính người dân địa phương nơi các cuộc triển lãm này diễn ra. Những cuộc triển lãm ở làng chài Sasaran, bang Selangor, Malaysia năm 2008; sự kiện Mỹ thuật ở Đài Loan 2013, rồi Mông Cổ 2014 đã đạt được những tiếng vang chưa từng có. Ý tưởng kết nối các nghệ sĩ với mục tiêu gặp gỡ, giao lưu và sáng tác một cách tự nguyện, phi lợi nhuận, đã tạo nên những liên hệ cởi mở cùng cư dân bản địa của ông và các cộng sự trong Asia Art Link đã cho thấy nghệ thuật có thể làm được nhiều điều hơn thế. Nó là sự kết nối những giấc mơ của nghệ sĩ và công chúng trong bối cảnh nghệ thuật bị thờ ơ.

Không gian trưng bày tranh tại Tết Art

Khó có thể viết hết công sức của những người thầy của chúng tôi đã cống hiến công sức to lớn của các ông vào sự nghiệp mỹ thuật của Việt Nam. Tuy nhiên, nghệ thuật là một con đường chông gai, sự nâng đỡ, động viên của các thầy luôn là nguồn động lực để chúng tôi tiếp bước. Thông qua sự kiện triển lãm lần này, chúng tôi muốn được gửi đến các thầy niềm tri ân và sự biết ơn sâu sắc. Tác phẩm của các thầy như những ngọn lửa nhiệt huyết kết nối các nhóm họa sĩ trẻ trong một không gian ấm tình thầy trò. Nó cũng là món quà, thông điệp về nghệ thuật kết nối cộng đồng trong không khí Xuân Ất Mùi đầy niềm vui mới.

Không gian trưng bày tranh

Ý kiến - Thảo luận

11:28 Thursday,12.2.2015 Đăng bởi:  Lan Man
He he BTC Lien Doan đọc quảng cáo chứ hay trả lời ai? Chả cần bít, cứ đọc ào ào trôi tuồn tuột "công lao kết nối nghệ thuật VN với nghệ thuật thế giới" choang choang và choang choang...bảo đảm 3 họa sĩ nghe cũng thấy hết vía. Quảng cáo quá bán thuốc cao!
...xem tiếp
11:28 Thursday,12.2.2015 Đăng bởi:  Lan Man
He he BTC Lien Doan đọc quảng cáo chứ hay trả lời ai? Chả cần bít, cứ đọc ào ào trôi tuồn tuột "công lao kết nối nghệ thuật VN với nghệ thuật thế giới" choang choang và choang choang...bảo đảm 3 họa sĩ nghe cũng thấy hết vía. Quảng cáo quá bán thuốc cao! 
18:40 Wednesday,11.2.2015 Đăng bởi:  phó đức tùng
buồn cười quá, đúng là đại diện ban tổ chức, chẳng hỏi cũng trả lời, mà trả lời ai thì cũng copy cùng một bản, mà lại chẳng liên quan gì đến chuyện mọi người đang nói cả.
...xem tiếp
18:40 Wednesday,11.2.2015 Đăng bởi:  phó đức tùng
buồn cười quá, đúng là đại diện ban tổ chức, chẳng hỏi cũng trả lời, mà trả lời ai thì cũng copy cùng một bản, mà lại chẳng liên quan gì đến chuyện mọi người đang nói cả. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tranh chưa khô đâu (cãi chưa xong đâu!)

Roberta Smith – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả