Phật giáo qua tranh: Một câu chuyện của Bồ tát từng ra gây rất nhiều tranh cãi
26. 12. 15 - 6:20 am
Diệu Vợi tổng hợp
Lần trước, trong bài mở đầu về Bồ tát, chúng ta có nói về con đường để một Bồ tát trở thành Phật là phải thực hành 10 Ba-la-mật từ 4 tới 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Những “đại kiếp”, “a tăng kỳ” đó thực ra mang một thông điệp ngầm, mang ý nghĩa gần như là “bất khả”. Đơn cứ như với phẩm chất đứng đầu danh sách là bố thí; Ai có thể trong cả một đời mà lúc nào cũng sống mà cho đi hết, vì người khác hết như bát nước úp ngược, không chừa cho mình một giọt nào? Chắc là không có được, nên phải tu nữa, tu nữa, từ đời này sang đời khác, từ kiếp này sang kiếp khác…, đến một lượng thời gian mà người ta nghe vào (theo nghĩa đen) thấy như là… bịa đặt.
Và bố thí Ba-la-mật, tức bố thích sạch sành sanh như bát nước úp ngược, là thế nào mà khó thế? Bài này xin rẽ ngang để dẫn một ví dụ về việc này.
Ví dụ điển hình nhất, gây tranh cãi nhất, là chuyện bố thí của Bồ tát Vessantara, tức tiền thân của đức Phật Thích Ca. Người viết xin tổng hợp từ nhiều nguồn thành một bài gửi các bạn.
Câu chuyện đó là như sau:
Bồ tát Vessantara vốn là hoàng tử con vua Sañjaya nước Sivi. Ngày ngài ra đời, có con voi trắng Paccaya cũng chào đời, là một điềm quý.
Lên tám, Vessantara nguyện sẽ bố thí mọi thứ, từ tài sản tới chính đôi mắt mình. Lớn lên, Vessantara kết hôn với Maddī lên ngôi vua, có hai con là hoàng từ Jāli và công chúa Kaṇhajinā.
Một lần, nước láng giềng có nạn hạn hán, có tám vị Bà-la-môn đến xin Vessantara bố thí voi trắng Paccaya vì con voi này có phép làm mưa. Vessantara đem cho luôn. Dân chúng bực quá đòi vua cha đày Vessantara lên núi.
Vessantara ra đi, hoàng hậu Maddī xin mang theo hai con.
Vừa rời thành, Vessantara gặp bốn vị Bà-la-môn chặn đường xin xe. Ngài cho luôn xe.
Một vị Bà-la-môn khác xin ngựa. Ngài cho luôn ngựa.
Cả nhà Vessantara phải đi bộ từ đấy, đến núi Vaṅka mà sống.
Hàng ngày Maddī vào rừng kiếm quả mang về cho chồng, con ăn.
Có một vị Bà-la-môn già cưới vợ trẻ. Cô vợ mỗi lần đi lấy nước đều bị trai làng trêu. Cô bắt chồng phải đến xin Vessantara hai người con về làm người hầu cho mình. Lão Bà-la-môn cũng lặn lội đến tận nơi xin.
Trong lúc vợ đi hái trái cây, Vessantara đem cho luôn hai con.
Đứa con trai quì dưới chân bố, van xin đừng cho đi. Nhưng Vessantara vẫn không thay đổi ý định.
Lão Bà-la-môn buộc hai đứa trẻ dắt đi, vừa quát vừa đánh. Vessantara quay về lều và khóc.
Trong lúc ấy, các thần tiên giả làm thú dữ, ngăn Maddī trở về trước khi lão Bà-la-môn dắt bọn trẻ đi. Về đến nơi thì mọi chuyện đã rồi.
Sáng hôm sau, lại có một vị Bà-la-môn đến xin Vessantara cho Maddī về làm người hầu. Maddī gật đầu ra hiệu đồng ý, Vessantara trao Maddī cho vị Bà-la-môn. Ngay lúc ấy, vị Bà-la-môn hiện hình là Đế Thích, trao cho Vessantara 8 điều ước. Ngài ước, trong số đó, ngài ước được phụ vương gọi về kinh.
Trong lúc đó, hai đứa trẻ đi cùng lão Bà-la-môn sợ vợ vẫn được các thiên thần bảo vệ. Nhà vua (ông) cũng được báo mộng, khiến sáng ra vừa nhìn thấy hai đứa đi ngang qua thành là biết ngay cháu mình. Ông đón chúng về, ban cho lão Bà-la-môn nhà cửa, tiền bạc và đồ ăn thức uống ngon lành. Lão già ăn nhiều quá bị bội thực chết ngay. Luật thừa kế lúc ấy đâu không biết để vợ trẻ của ông lão không được hưởng gì, mà mọi thứ lại quay trở lại kho lẫm của nhà vua.
Vua cha cho đón Vessantara và Maddī về kinh. Hai người được trao quyền trở lại. Suốt đêm, Vessantara nghĩ làm sao có thể bố thí nhiều cho dân. Sáng ra, Đế thích “tài trợ” ngài bằng một trận mưa ngập lụt cả lâu đài toàn những vàng bạc đá quý, đủ để ngài bố thí đến trọn đời.
* Xin nhắc lại lần nữa, Vessantara là tiền thân của đức Phật Thích Ca của chúng ta. Và câu chuyện bố thí Ba-la-mật trên dĩ nhiên gây ra rất nhiều tranh cãi. Người ta có thể dùng nhiều tính từ trong lúc bực bội để gắn cho Vessantara, nào là “hâm”, là “ích kỷ”, là “ác”, và câu chuyện này là “ngớ ngẩn”, “vô lý”, “phản tác dụng”.
Tuy nhiên, mọi ví dụ cực đoan đều có mục đích và ý nghĩa sâu xa của chúng, nhất là những câu chuyện về hành xử của đức Phật và các tiền thân của ngài. Chúng ta cũng nên ngẫm nghĩ về câu chuyện này. Chỉ xin cung cấp một chút “công cụ” để việc suy luận được chặt chẽ hơn là các bạn nhớ tham khảo các đặc điểm thần thông mà các vị Bồ tát có được, đã từng nói tới trong bài trước.
Cuối cùng, để xem những người khác cũng lập luận ra sao, các bạn có thể xem thêm link này.
Hẹn gặp lại các bạn vào bài kế tiếp, cũng về chủ đề Bồ tát.
...xem tiếp