Kiến trúc

Nói tiếp về những thất cách của căn nhà này

  Trước hết xin cảm ơn SOI đưa cmt trước của tôi thành bài, mà lỡ thành bài thì đành trót trét vậy. Tôi xin phân tích sâu hơn vấn đề phân chia không gian, bố cục công năng của công trình này, bởi nó sẽ quyết định trực tiếp đến người sử dụng qua […]

Ý kiến - Thảo luận

9:26 Monday,18.12.2017

Đăng bởi:  Phạm Khánh Phong

chào diễn đàn.
Sau khi xem bài viết và các ý kiến của độc giả khác, tôi có vài ý kiến cá nhân thế này:
1- Thiết kế này có lẽ phù hợp với khí hậu miền Nam với 2 mùa mưa và nắng, rất khó phù hợp với khí hậu miền Bắc với 5 mùa (mùa nồm) nhiệt đới gió mùa ẩm, đặc biệt là miền Bắc có thêm một yếu tố rất khó chịu nữa là bụi.
2- Yếu tố con người trong công trình : rất khó cho người sử dụng về vấn đề chăm sóc và bảo dưỡng- "chơi hoa hồ dễ mấy người biết hoa-trích Kiều".
3- Thêm nột yếu tố nữa là vấn đề an toàn : có 2 yếu tố về an toàn đấy là cảm giác chống đột nhập từ bên ngoài vào và cảm giác trống trải. Cảm giác trống trải tạo nên một tâm lý lạnh lẽo không gần gũi.
4- Theo tôi còn một yếu tố trong bài viết này đó là cuộc sống hàng ngày không thể lau li là lượt như trong ảnh được, nó khá lộn xộn với nhiều đồ đạc cá nhân và các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, ví dụ như khu bếp nấu trên thực tế rất bẩn và lộn xộn...
Trên đây là ý kiến của cá nhân tôi, một người từng sống trong không gian như trên và phải thay đổi lại khá nhiều để phù hợp với thực tế. Rất mong các bạn tham khảo ý kiến của cá nhân tôi và tôi mong các bạn đăng bài, cũng như chuyên gia thiết kế và quảng cáo cũng nên có thực tế một chút vì chúng ta chụp ảnh có đạo diễn, có sắp xếp .... trông thì đẹp nhưng dùng thực tế rất khổ. Không nên để cho những người khác không có chuyên môn về thiết kế như tôi sau khi sử dụng lại phải đi sửa chữa lại chuyên môn của các chuyên gia.
Xin cám ơn.

23:54 Saturday,18.2.2017

Đăng bởi:  Trung

Nhà của anh Nghĩa này chỉ để chụp ảnh, đem đi triển lãm, chứ ở thì không ổn. Gia chủ nào nhiều tiền, nhiều nhà muốn lẫy tiếng thì làm thôi, ở vài hôm rồi chuyển nhà khác.
Nói chung anh Nghĩa nên đi theo hướng thiết kế bảo tàng, nhà sinh hoạt công cộng, cửa hàng, quán xá hay triển lãm, showroom gì đó thì hợp, mong anh và cộng sự đừng làm nhà ở nữa, tốn tiền tốn công nhiều người.

22:18 Sunday,3.11.2013

Đăng bởi:  Đỗ Văn Tuân

   Xin gửi tới những người khen và chê công trình này :
   Một công trình kiến trúc được xây dựng sẽ vấp phải nhiều luồng ý kiến khác nhau.Có người thích và không thích.Kể cả những công trình của các kiến trúc sư nổi tiếng.Và không có công trình nào là hoàn hảo,chọn vẹn.Kiến trúc sư luôn phải lựa chọn một phương án tốt nhất chứ không có phương án hoàn hảo.
   Mỗi một công trình có một mục đích sử dụng khác nhau và mang một ý nghĩa tư tưởng khác nhau.Công trình này của Kts Nghĩa cũng vậy.Mục đich của công trình này là mang lại cho chủ nhân một không gian sống gần gũi với thiên nhiên.Và kts đã thành công.
    Tôi đã theo dõi nhiều công trình của kts Nghĩa.Những giải pháp của a đưa ra không phải mới hoàn toàn,cũng không có gì quá đặc biệt.Nhưng nó là cần thiết và phù hợp với Việt Nam.Tôi nghĩ đó là điều cần để kiến trúc Việt Nam hướng tới.Nhiều người quá mải mê với những thứ hoành tráng,cầu kỳ để khẳng định mình là đẳng cấp mà quên đi rằng kiến trúc chính là một phần của thiên nhiên.Thiên nhiên không phải chỉ có cây xanh,mà còn là nắng,gió ,sự đối thoại của các bộ phận trong công trình và giữa công trình với xã hội xung quanh.Tôi nghĩ Kts Nghĩa đã làm được điều đó.A mang thiên nhiên gần lại với con người,làm con người hít thở được thiên nhiên nhiều hơn và công trình của a cũng là một thiên nhiên.
 Tôi nghĩ đó là một xu hướng mà cả thế giới đang hướng tới.Kiến trúc phải giải quyết các vấn đề tồn tại của xã hội.Thời kỳ phong kiến tầng lớp thống trị muốn thể hiện sức mạnh,nên đòi hỏi các công trình hoành tráng,cầu ký.Đầu thế kỷ 20 khi con người tôn sùng chủ nghĩa vật chât,thời kỳ của công nghiệp hóa,dân số tăng nhanh ,thiếu thốn về nhà ở nên kiến trúc thời kỳ đó đòi hỏi sự đơn giản,nhanh chóng...và trong hiện tại con người phải đối mặt với sự ô nhiễm,biến đổi khí hậu toàn cầu.Chính vì thế vấn đề ứng xử của kiến trúc với môi trường được đặt lên hàng đầu.Và là xu thế tất yếu.
   Trong công trình của Kts Nghĩa có nhiều ý kiến khen chê.Có người bảo công trình của a phải đầu tư tốn kém,nhìn Nhật quá (tôi nghĩ rất Việt vì nó phù hợp với khí hậu Việt.Không phải cứ Việt là phải mái ngói,cờ đỏ sao vàng),về công năng chưa ổn,hay về phong thủy gì gì đó.Tôi không cho rằng những ý kiến đó sai,tôi thấy nhiều cái đúng là về công năng chưa ổn.Nhưng tôi thiết nghĩ không một công trình nào hoàn hảo,chỉ là lựa chọn giải pháp tốt nhất.Tôi nghĩ những chủ nhân của những ngôi nhà của a Nghĩa đều là người có hiểu biết nên chắc chắn trong quá trình thiết kế Kiến trúc sư và chủ nhà đã bàn bạc rất kỹ càng và chủ nhà chắc đã lựa chọn được cho mình một phương án phù hợp nhất với mong muốn của mình.Nên chắc chỉ có chủ nhà mới biết là mình cảm thấy thế nào trong ngôi nhà này.
  Xin có vài lời thiển ý của cả nhân

12:23 Sunday,20.10.2013

Đăng bởi:  hugn

@Tran Phong: Bạn đến vào lúc nào? và mẹ cô chủ nhà là ai?
- wc làm cửa gỗ vẫn tốt, bất kể là gỗ tự nhiên hay gỗ nhân tạo làm gì có việc mới có 1 thời gian ngắn mà gỗ đã mục rỗng đến nổi phải thay đổi (?) nói như thế làkhông có cơ sở. 
- Khu thờ không rộng nhưng vẫn là một không gian riêng, chẳng có gì gọi là không trang nghiêm. Không trang nghiêm là do các bạn nói thế thôi.
- Cây trồng giữa nhà bị chết do thiếu sáng là do chủ nhà thích cây theo ý mình nhưng lại không có kiến thức về cây nên không chọn loại cây chịu râm mà chọn loại có hoa đỏ tím vàng ưa nắng thì chết là  phải rồi. 
Chủ nhà không hoàn toàn hài lòng là đúng nhưng không hề nói về các khuyết điểm như tác giả bài viết cũng như bạn Phong nói.
Vấn đề không hài lòng ở đây là vấn đề tâm linh phong thủy chứ không phải là vấn đề về về kỹ thuật hay không gian thiết kế.

1:44 Sunday,20.10.2013

Đăng bởi:  Trần Phong

Mình đã có dịp đến căn nhà này rồi. Cảm giác là gia chủ không hài lòng tí nào, vê thiết kế.
Khi gặp mẹ của cô chủ nhà, bà phàn nàn là sàn màu trắng rất dơ, và sau thời gian sử dụng bà phải bỏ tiền để lát lại bằng gỗ cho vệ sinh.
Khu vệ sinh thì khung cửa bằng gỗ, không hiểu KTS thiết kế ra sao lại chọn khung gỗ, để sau một thời gian sử dụng gỗ bị mục nát khá nhiều và gia chủ phải thay bằng khung inox.
Về khu thờ thì quá chật chội, không trang nghiêm.
Cây trồng giữa nhà thì bị chết cho thiếu sáng, chính bà chủ nhà đã thử trồng lại nhiều lần nhưng cây đều không sống nổi.
Nói chung là có quá nhiều thứ phải nói với căn nhà này. Và cơ bản là chủ nhà hoàn toàn không hài lòng, chưa kể việc phiền toái hằng ngày do nhiều người muốn vào tham quan

3:38 Tuesday,3.9.2013

Đăng bởi:  Ngô Viết Thụ

Nghề KTS cũng như nghề y vậy, chữ tâm phải đặt lên hàng đầu, phải có tâm với chủ nhà, với người bỏ tiền dành dụm cả đời ra để thuê KTS làm nhà, làm nơi cư trú cho cả gia đình mình, không chỉ 1 đời mà còn nhiều đời
Thời gian rồi sẽ sàng lọc giá trị thực và giả, giữa nỗ lực thực và ảo tưởng, giữa minh triết và xảo trá - chỉ những giá trị thực mới có thể tồn tại lâu dài

23:53 Friday,2.8.2013

Đăng bởi:  Lê Tiến Sỹ

Mình không phải là KTS nhưng mình lại thích kiến trúc mình cho đó là "đam mê". Vậy nên cũng muốn tham gia đôi điều, vô tình đọc được bài của Lê Phương mình tấm đắc ghê chắc là do mình đồng quan điểm và nhận định về công trình. Thật tội nghiệp cho gia chủ sống trong nhà mình mà vẫn cảm thấy bất an..., mà chắc gia chủ sẽ không yên tâm lâu được đâu vì Ông Táo có bao giờ thích được ngồi dưới bồn cầu như thế, đó là quan niệm chung của người Việt mình, đó là nét văn hóa rất riêng mà Tây không bao giờ hiểu được. Chưa kể căn nhà này mà lỡ hứng một trận mưa kèm gió kiểu như bảo thì thôi rồi, và sau cơn mưa thì sao ta..? chỉ đôi dòng suy nghĩ cùng SOI.
P/S: không thích cái kiểu "Triệu chứng đám đông"!

15:51 Tuesday,25.6.2013

Đăng bởi:  Son Nguyen

Thật, dzất chi là xa xỉ về mặt không gian. Diện tích sàn thì nhiều mà sử dụng thì ít. Cảm giác như công trình chỉ để chụp ảnh, chủ nhà không nên xài vì sẽ làm xấu không gian? Giữ được đẹp và đơn giản như vầy về lâu về dài sẽ rất mệt mỏi cho chủ nhà. Nhất là nhà có 2 nhóc và 1 bà già, ke ke. Hình ảnh đẹp một cách lý tưởng nên cứng nhắc, không thấy cảm giác của cuộc sống thực. Chủ đầu tư của mình có một nhận xét mà mình rất khoái : Đẹp mà vô dụng cũng như nhân viên đẹp trai mà bất tài, đuổi gấp!

22:33 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  nguyen viet tue

Minh là kiến trúc sư. mình cũng thường theo dõi bước đi của Võ Trọng Nghĩa... Nói chung để đoạt giải thưởng thì phải có sự sáng tạo là lẽ đương nhiên, nhưng mình thấy Nghĩa bị ảnh hưởng quá nhiều phong cách kiến trúc của kiến trúc sư Tatao Ando. Các công trình của ông luôn có nhiều khoảng không gian trống để lấy gió, lấy sáng và đặc biệt ông sử dụng mặt nước vừa làm mát không khí vừa tạo hiệu ứng thẩm mỹ cho công trình.

Học ở nhật thì bị ảnh hưởng là lẽ tất nhiên nhưng mình để ý kỹ thấy Nghĩa lấy ý tưởng gần như giống với ý tưởng của Tatao Ando. Tuy nhiên thẩm mỹ công trình về mặt đứng nhìn rất tội nghiệp, chỉ có cà phê Gió và Nước là đẹp (nhưng công trình này làm gì có mặt đứng!) Còn lại nhà xếp tầng, theo mình rất xấu, lại còn ăn cắp ý tưởng của một căn nhà ở Peru nữa mới tôi nghiệp chứ, mặt bằng công năng thì tùm lum... các bạn cũng nói nhiều rồi, mình không nhắc lại. Thí dụ, cái giếng trời ai là kiến trúc sư khi thiết kế nhà phố cũng dùng thủ pháp này, tuy nhiên ở chỗ có khéo léo hay không mà thôi. Ở công trình này, mình thấy không có gì hay ho cả, nhìn không gian buồn quá, do vật liệu chăng? Tatao Ando thì dùng bê tông còn anh Nghĩa này thì dùng đá granite xếp tầng, tốn kém quá không cần thiết...


Mình thấy vô lý nhất là cái khu vệ sinh trên tầng 2, cái bàn cầu đặt ngay lối cầu thang đi lên, đố ai mà dám ngồi đó mà đi cầu (xin lỗi anh Nghĩa nhé), lỡ có đau bụng phát âm thanh ra thì có mà...độn thổ luôn....


Bồn tắm này dùng cho khách sạn mà ở đó có mấy em phục vụ một quý ông nào đó thì ok, chứ nhà có 3 người, ngoài 2 vợ chồng ra có con nhỏ làm sao dám tắm, chẳng lẽ  khi tắm phải ngăn cầu thang lại sao?


Phòng ngủ thì mát thiết mà không dám làm chuyện ấy. người trong nhà thấy là tất nhiên, người ngoài nhìn vào mà thấy thì sao anh Nghĩa?


Ôi thôi… nói hoài không hết. Các bạn cứ xem kỹ công trình này sẽ hiểu....

15:53 Tuesday,16.4.2013

Đăng bởi:  Lê Phương

Xin trả lời dùm anh Nghĩa,
Bạn Lão Phu, cách bố trí hệ thống tưới tắm và tiêu thoát cho cây không khó. Thế này nhé, trong từng khay trồng cây phải bố trí sẵn hệ thống tưới nhỏ đi âm hoặc nổi bên dưới đáy khay để nước tự rơi xuống khay dưới. Việc thoát nước thì bên trong lòng khay, ta làm 2 mái dốc về 2 bên (hoặc 1 mái) độ dốc khoảng 2-5%, chân dốc bố trí lỗ thu nước thùa sau đó đổ vào ống thoát trục đứng xuống tầng trệt. Tuy nhiên phải giải quyết vài việc nhỏ:
- Áp lực các đầu phun đều nhau
- Không để đất gây tắc nghẽn lỗ thoát.
- Chống thấm khay nước
 
Tuy vậy cái khó khăn nhất với chủ nhà không phải vấn đề tiêu thoát vì đã có người khác làm thay, vấn đề là trồng và chăm sóc cây sau đó như thế nào, hình như bài toán chưa có lời giải, dĩ nhiên có thể thuê người làm, nhưng thế thật bất tiện. Chẳng hạn có những vị trí phía sau nhà (chố giếng trời và cầu thang) rất khó chăm sóc là một, đối với những cây không phải thân gỗ như trong hình (loại thân cỏ hoặc thân xốp) thì việc thay lá sẽ xảy ra liên tục, đối với những màng lá phía ngoài, nếu chưa kịp cắt tỉa sẽ héo và dính bám lên mặt ngoài của khay trồng, do vậy khá dơ. Tạm thời tôi chưa nghĩa ra cách nào hay hơn là thuê người chăm sóc.

14:54 Tuesday,16.4.2013

Đăng bởi:  Lão Phu

Nhìn đi nhìn lại mãi mà tôi chưa hiểu kiến trúc sư thiết kể thế nào để chủ nhà chăm cây được. Mà bố trí cây cối là cái đặc sắc nhất của căn nhà này. Chẵng lẽ chỉ để bày cây trưng ra một lần chụp ảnh cho kiến trúc sư đi lấy giải xong rồi chủ nhà chịu không làm sao để chăm sóc, thay, tưới tắm cho cây? Vậy có quá ác với chủ nhà không? Xử lý thoát nước cho những cái cây này thế nào? Có vẻ bất tiện lắm đây, ông chủ căn nhà này sẽ sống ra sao nhỉ?

14:45 Tuesday,16.4.2013

Đăng bởi:  Lão Phu

Bài viết rất hay. Tôi nhìn căn nhà này cũng thấy gợn gợn. Chỗ cây đằng trước nhà chăm sóc làm sao? Cây cối không chỉ cần ánh sáng và nước, còn phân tro, còn nhặt lá rơi, cỏ mọc, thay cây nữa. Nhiều vấn đề lắm. Ở trong đây không có cảm giác nhà, mà giống showroom hơn. Bác chủ sau này có lẽ sẽ ân hận lắm.

13:40 Tuesday,16.4.2013

Đăng bởi:  Lê Phương

@basti,
cảm ơn bạn đã đọc, có thể có những điều tôi phát biểu bạn chưa thấy đúng, không sao cả, tôi cũng không cố gắng lý giải tại sao lại như thế bởi ngàn lời nói không bằng một lần được trải nghiệm và tự rút kinh nghiệm qua thực tế.
Chúc bạn vui

10:53 Tuesday,16.4.2013

Đăng bởi:  basti

Một số ý kiến bạn đưa ra là đúng, nhưng phần lớn là sai. Đó chỉ là cảm nhận của riêng bạn, không thể quy chụp ngay là thất bại hoàn toàn. Cá nhân tôi vẫn thấy đây là công trình tốt. Có điều, nếu Võ Trọng Nghĩa đặt bài toán đến nhà ống ở Vn, thì nên tính đến đối tượng sử dụng ở đây là người thu nhập không quá cao. Cách bố trí chức năng và sử dụng vật liệu thế này là cho hộ thu nhập cao và ít người, tức là không phải là số đông. Nếu thiết kế cho 4-5 phòng ngủ thì bài toán sẽ khó hơn nhiều.

12:35 Sunday,10.3.2013

Đăng bởi:  admin

@ Lê Phương: Soi sẽ đưa bài viết mới của bạn lên vào khoảng đầu tuần nhé. Bài sẽ có tên: "Phong thủy - thật huyền bí và ghê gớm".


Bài viết thì Phương (cũng như các bạn khác) cứ gửi về soihouse@yahoo.com.vn. Nếu bài này Phương có ảnh minh họa thì gửi cho Soi nhé. Bạn gửi hình đuôi .jpg, cho tất cả vào một gói rar và gửi giúp bọn mình.


Cảm ơn Lê Phương.

12:28 Sunday,10.3.2013

Đăng bởi:  Candid

Ở HN em thấy cả những khu tập thể dùng nhà vệ sinh chung như Vĩnh Hồ thì người ta cũng thiết kế khu vệ sinh riêng và thẳng từ trên xuống dưới. Như thế cho dễ bảo trì, đảm bảo vệ sinh.

Ở khu chung cư mới như khu em ở, một số hộ cũng lén lút phong bì để thay đổi vị trí phòng vệ sinh dẫn tới nhiều rắc rối cho các hộ khác, mặc dù chống thấm nhưng vẫn rò rỉ.

10:04 Sunday,10.3.2013

Đăng bởi:  Lê Phương


Bạn nguyenlam,

1. “Áp đặt” trong phạm vi hiểu biết của mình, tôi tạm giải nghĩa là: thể hiện qua hình ảnh tôi thích sự phục tùng, tôi muốn anh làm thế này, tôi không muốn anh làm thế kia, hoặc anh phải thế này anh không được thế kia, luôn thể hiện sự không vừa lòng theo cách cực đoan bằng thái độ khó chịu. Còn “áp đặt” của bạn nguyenlam thì như thế nào?

2. Khái niệm rộng hay hẹp của 1 vật thể chỉ là tương đối. Chỉ khi đặt vật thể ấy so sánh với 1 vật thể khác mới ra kết luận được. Ví dụ: phòng ngủ bạn cho rằng 3m thì không chật, thực ra nó có chỉ còn có 2,55m lọt lòng mà thôi, thế nhưng nếu so với chiều dài phòng 8m hoặc chiều ngang đất 4m hoặc với chiều dài giường queen-size (1,6x2,0m) là 1,7x2,1m hoặc với kích thước người trưởng thành thì không thể nói là không chật được, rất chật. Ngược lại nếu ngang miếng đất 2,7m, phòng cho trẻ em người gia nhân thì chiều ngang 2,55m có khi lại là rộng.

3. Cầu thang: bạn đưa số liệu chứng minh có căn cứ nào không? Trong thiết kế tôi chỉ nói tiêu chuẩn. Trừ trường hợp chủ nhà chấp nhận ra không bàn.

4. Việc hố xí tọa trên ông táo, có thể bạn nguyenlam và một số bạn vốn đã quen với hiện trạng nhà mình hoặc không xem là quan trọng nên không thể cảm nhận được sự ghê tởm của người khác trong trường hợp này đấy thôi.

5. Câu chuyện phong thủy, hay sự hợp lý trong sử dụng bạn tin hay không tin có lẽ không nên miễn cưỡng.

9:33 Sunday,10.3.2013

Đăng bởi:  Phương Vẹt

@ Nguyen Lam: Bạn nên đọc kỹ lại chính cmt trước của bạn. Bạn hỏi Lê Phương một cách thách thức thế này: "Bàn cầu tọa ngay trên bếp ăn và trên đầu người thân thì sao?"

Từ câu nói thách thức đó mà tôi mới "ngứa mồm" nhảy vào. Giờ thì bạn lại thêm cho 2, 3m, rồi hai lớp trần, rồi chống thấm tốt.

Về ví dụ khu tập thể ở Tuy Hòa, dân tự phát làm thì nói làm gì, chúng ta đang bàn về vai trò thiết kế của kiến trúc sư cơ mà! Tôi hỏi bạn địa chỉ những khu tập thể nào mà các kiến trúc sư thiết kế kiểu "cứt trên cơm" ngay từ đầu cơ.

0:47 Sunday,10.3.2013

Đăng bởi:  nguyên lâm

ép bạn hồi nào? "cứt trên cơm" là cảm giác không đúng à? cách xa hàng 2,3 m qua 2 lớp trần mà bảo là đúng à? phần vệ sinh thấm dột gì đấy là do thi công ẩu thôi. Hãy vào khu tập thể bình dân thị xã tuy hòa hiện nay vẫn còn đấy mà cũng xin nói rõ cho bạn hiểu luôn chứ không thì sau khi điều tra ra thì bảo là không nói trước, đúng ra theo thiết kế ban đầu khu tập thể này có khu vệ sinh riêng cho toàn khu, khoảng 7 hay 8 căn hộ cho 1 tầng nhưng qua thời gian không ai đi chung nổi thế là 1 người ở tầng trệt tự biến 1/2 cái sân sau nhà mình thành 1 cái wc riêng từ đấy phong trào lan từ từ tới các hộ khác, riêng các hộ ở trên thì đấu tranh 1 thời gian và được sự can thiệp của sếp ở cơ quan nên mới được làm, ban đầu chỉ dám làm nhà tắm dần dần thì tự thỏa thuận với nhà dưới để sử dụng chung hầm rút với tầng 1ở phía dưới, vì nhà ở trên không có sân sau thay vào đấy là 1 hành lang phơi đồ vị trí trên cái bếp của tầng 1 chứ ko phải che cái sân sau của tầng 1 đâu nhé vì vậy wc của tầng trên cho dù chủ nhà đặt bên trái hay bên phải gì cũng vẫn rơi vào bếp hoặc bàn ăn của tầng dưới, bao nhiêu thế hệ sống ở đấy rồi có người tới đời chắt rồi mà người ta vẫn sống thế thôi, thật ra thì cũng có nhiều người chết vì bệnh vì tuổi tác... nhưng tất cả chưa người nào bị bác sĩ kết luận người ở khu đấy bị bệnh là do "cứt trên cơm" cả.

22:57 Saturday,9.3.2013

Đăng bởi:  Phương Vẹt

@ Nguyen Lam: Bạn lạ nhỉ, bạn bảo Lê Phương đừng ép người khác phải theo mình, thế sao lại chê tôi không thực tế, ép tôi phải để khu vực bồn cầu tọa ngay trên khu bếp ăn (hay "cứt trên cơm") mới là thực tế sao bạn?

Vấn đề bồn cầu ngay trên bếp ăn không phải là mê tín không thôi mà còn là vấn đề vệ sinh. Mà nói đến vệ sinh thì tùy tâm tùy ý mỗi người. Tôi thì nghĩ đến trên đầu nhà bếp có cái bồn tiêu là không nuốt nổi miếng cơm. Còn bạn nuốt nổi thì đó là quyền của bạn, gu của bạn. Sở thích cá nhân không ai ép được, đúng không nào?

Bạn còn bảo tư tưởng không chịu cho "cứt trên cơm" là không khoa học. Vậy phải bố trí "cứt trên cơm" thì mới khoa học hả Nguyen Lam?

Cuối cùng, tôi vẫn muốn bạn (nhiều kiến thức), khu tập thể nào có bố trí kiểu bồn cầu trên đầu ông Táo thì cho tôi địa chỉ để tôi đến xem, mở rộng kiến văn cái nào!
 

21:53 Saturday,9.3.2013

Đăng bởi:  nguyen lam

@bạn phương vẹt, nếu bạn chưa thấy thì đấy là do kiến thức của bạn ít thôi chứ ở Việt Nam này cái gì mà không có, còn quan niệm "cứt trên cơm" chỉ là quan điểm riêng của một bộ phận mê tín thôi, và nó ăn sâu vào khá nhiều tầng lớp trong xã hội, mình không áp đặt bạn là phải bỏ tư tưởng đấy đi nhưng rõ ràng nó không khoa học và hoàn toàn phụ thuộc vào cảm giác của con người. thế kỉ 21 rồi bạn nên thực tế 1 tí đi.

18:51 Saturday,9.3.2013

Đăng bởi:  Phương Vẹt

 
Nguyen Lam viết:
Bàn cầu tọa ngay trên bếp ăn và trên đầu người thân thì sao? Chẳng ai bệnh hoạn hay có vấn đề gì về vấn đề này cả, ngoại trừ mấy cái tuyên truyền vớ vẩn trong phong thủy, nhà tập thể ngày xưa toàn bị cái này có sao đâu, hàng mấy thế hệ sống rồi, ông bà tôi và cả tôi nữa đều đã sống trong điều kiện như thế chẳng sao cả...

Tôi cho rằng anh Lê Phương không nên cãi nhau làm gì. Quan điểm khác nhau một trời một vực thì xét cho cùng không nên tìm sự dung hòa. Vô ích.

Một bên là anh Phương quyết không thể để bàn cầu tọa ngay trên bếp ăn (cứt trên cơm) và trên đầu mình, một bên thì Nguyen Lam có thể để bàn cầu tọa ngay trên bếp và ngay trên đầu. Cái đó thuộc về ý thức hệ rồi Tôi cũng theo trường phái Lê Phương, không để bàn cầu tọa ngay trên bếp và ngay trên đầu.

Tôi thấy các khu tập thể miền Bắc miền Nam cũng chẳng có chỗ nào mà bồn cầu tầng trên dọi xuống thẳng bếp tầng dưới cả. Khu nào có cấu trúc “bạo liệt” thế, xin bạn Nguyen Lam cho biết để chúng tôi tới tham khảo.

Nhà của Nghĩa làm đẹp, mát mắt, nhưng tôi thấy đúng là có một số thất cách. Lê Phương nêu ra cũng đúng vậy, có ép ai phải theo đâu mà các bạn (phe Nghĩa?) cứ ào ào vu là Lê Phương ép người ta theo mình? Chính các bạn mới là độc đoán đấy!

18:30 Saturday,9.3.2013

Đăng bởi:  nguyen lam

Đọc qua thì thấy bạn Lê Phương có vẻ cưc đoan quá nhỉ? Sao không ai nói tiếp thế? Thôi thì mình nói theo từng ý của bạn vậy:
Với chiều dài như vầy thì có thể làm phòng ngủ, toilet rộng ra được bằng cách bố trí các phòng chiếm toàn bộ chiều ngang nhà, lúc đấy cầu thang sẽ được đẩy vào nguyên một ô mà không phải lấn chiếm vào phòng 1m như hiện tại, cách làm này là cách làm thông thường của hầu hết những người biết nghề nhưng chẳng có công trình nào theo kiểu này tạo ra được không gian độc đáo như của bác Nghĩa cả.


Khoa học đã chứng minh sức một người bình thường đi được không quá 18 bậc thang là ok, vì cầu thang 1 vế nên hành lang mới dài hơn bình thường, đều là ý đồ của người thiết kế, làm thiết kế lẽ nào bạn không biết điều này? Còn bắt bẻ nữa?


Bàn cầu tọa ngay trên bếp ăn và trên đầu người thân thì sao? Chẳng ai bệnh hoạn hay có vấn đề gì về vấn đề này cả, ngoại trừ mấy cái tuyên truyền vớ vẩn trong phong thủy, nhà tập thể ngày xưa toàn bị cái này có sao đâu, hàng mấy thế hệ sống rồi, ông bà tôi và cả tôi nữa đều đã sống trong điều kiện như thế chẳng sao cả, với điều vật liệu xây dựng như bây giờ thì bạn có đánh rắm ầm ầm trên đấy người ta cũng chẳng nghe được thì ảnh hưởng gì? Làm kiến trúc nó phải khoa học duy tâm quá thì hỏng.


Chiều ngang phòng tầm 3m sống tốt chẳng có gì phải gọi là ép cả không gian hơi dài nhưng mở nên không có cảm giá tù túng phải vào sống thì mới biết cứ ngồi ăn ốc đoán mò. Đất dài vuông, đầu óc cởi mở, có tiền nên mới thích những không gian độc như vậy sao lại bảo là phải chịu là chịu thế nào?


Thích view nào thì đưa vào view nấy, cái chính là biến được thành một cái tổng thể tốt là rất tốt. Việc mình thấy còn chưa chắc đúng nói gì đến đoán, hồi giờ bạn cũng phải đi tham khảo các công trình của người khác chứ? Lấy cái hay của người ta bỏ vào của mình cũng được chứ sao? hay là bạn chẳng bao giờ tham khảo công trình nào? Tất cả đều là sản phẩm của bạn từ a-z?


Cái độc đáo của căn nhà này chính là không gian nhà tắm giống cái showroom như bạn nói, không gian tắm mà làm mở được như thế này thì xưa nay hiếm, nên nó rất độc, bạn không cảm nhận được thì đừng ép người khác phải giống mình. Nếu đã mệt rồi thì chẳng ai điên mà đi tắm còn đã tắm được thì chắc chắn chẳng ảnh hưởng gì nhiều cái gọi là gió lùa. Bạn tôi là một thanh niên, khi vào nhà tắm lúc mệt cũng vẫn bị ngất khi tắm, mặc dù phòng tắm chẳng có lỗ trống nào ngoài một lỗ thông hơi bằng viên gạch, đừng quá quan trọng hóa vấn đề mà mình chưa nắm rõ, phòng có nhà tắm là dùng cho người trẻ không dùng cho người già, người già yếu đã ở tầng 1 rồi, không để ý à? Hay là theo bạn thì nhà toàn người già sống?
Dưới góc độ nghề nghiệp tôi chỉ muốn nói với bạn rằng hay suy nghĩ thoáng ra và tiếp thu những cái hay của người khác đồng thời đừng bao giờ áp đặt người khác phải nghĩ giống mình.

Vì sao ngồi chỗ này ta thấy sướng ngồi chỗ khác 1 thời gian sau bị bệnh chẳng hạn, có liên hệ gì không? đằng sau có gì huyền bí không?…nếu có thì với khả năng của con người hiện tại cũng không thể biết được, cái này chỉ có các thầy phong thủy mới mạnh miệng được thôi, tuy nhiên gọi 2 thấy tới thì chắc chắn sẽ cải to vì chẳng ông nào chịu ông nào, gọi 4 thầy thì chắc chắn sẽ có 4 hướng ngồi nếu gọi ông thứ năm thì vị trí giữa nhà là điều chắc chắn.

19:42 Friday,8.3.2013

Đăng bởi:  Lê Phương

Gửi Phạm Văn Xảo và vài bạn đã cmt mà chưa tôi chưa trả lời,

Cảm ơn các bạn đã đọc và cho ý kiến, phản hồi nào của các bạn tôi thấy cũng thú vị,

Có khi đến lúc này, căn nhà đạt giải 2012 chỉ là miềng trầu trái cau đưa đẩy câu chuyện thôi, chủ yếu vẫn là những trái chiều trong các quan điểm về thiết kế và sử dụng.

Trở lại cmt của bạn Xảo, trước hết cũng nói qua một chút là tôi không tâm đắc hay phát kiến ra cái gì cả, với tôi chuyện đọc bản vẽ và tường minh nó giống như ta đọc quyển sách hay như nhạc sỹ đọc ký xướng âm vậy. Đọc đến đâu không gian tự dựng lên trước mắt đến đấy, nói để bạn hiểu không phải khoe mẽ gì, vì làm nghề 1 thời gian ai cũng đều có được kỹ năng này.

Sau nữa thay vì tranh luận, tôi đưa ra tình huống như thế này, bạn nghĩ sao:

Cứ cho là mọi thứ trong căn nhà này chấp nhận được đi. Vậy thì còn cách nào để  không phải thấy: Phòng ngủ hẹp, nhà xí chật, ngủ trong phòng mà như nằm ngoài hành lang (sẽ thấy đúng như vậy nếu như có 1 view nhìn ngược từ cửa ra ban công nhìn về đuôi nhà). Cầu thang trệt đi 1 lèo không nghỉ và lên trên lại đổi vế. Bàn cầu (chậu xí) thì tọa ngay trên bếp ăn và ngay trên đầu người thân. Phòng thờ phòng học chen chúc…? Có thể bạn và chủ nhà không công nhận là những bất tiện và tự ép mình vào để sống trong nó. Nhưng có cách làm nào hay hơn, khoa học hơn không? Đất của bạn dài và vuông thế cơ mà? Tiền bạn không thiếu, đầu óc thì cởi mở rất Tây? Thế sao phải chịu như vậy?

Có điều tôi hay gặp ở khá nhiều người, đó là một khi họ quá thích 1 view của 1 công trình nào đó qua tạp chí hay trên mạng, thì nhất nhất view đó phải có trong thiết kế của mình, căn nhà của mình!!! Tôi đồ rằng công trình ta đang bàn rơi vào trường hợp này.

Còn riêng về nhà vệ sinh, có 1 chi tiết này chắc bạn chưa để ý, đó là hồ bơi công cộng, phòng tắm thiên nhiên trong bungalow, suối nước nóng … thật ra thỉnh thoảng người ta mới dùng và chỉ dùng khi cảm thấy đủ sức khỏe. Điều này RẤT KHÁC với nhà vệ sinh trong phòng ngủ, bởi vì bạn sẽ dùng nó hàng ngày, bất kỳ lúc nào, sáng sớm cũng như tối muộn, lúc khỏe cũng như lúc đau yếu, trẻ em cũng như người già. Thiết kế nhà vệ sinh của căn nhà này bạn thấy nó giống cái gì? Còn tôi thấy giống chỗ trưng bày showroom VLXD.

Cùng các bạn, dưới góc độ nghề nghiệp, tôi chỉ muốn vạch ra thực chất ẩn sau dáng vẻ bề ngoài, không áp đặt hay chê bai gì cả. (mà thực ra có làm nổi đâu!) Như Admin của SOI đã nói tự mỗi người sẽ chắt lọc ra cái phù hợp cho riêng mình.  

Dài dòng quá rồi, Có lẽ đề tài này tôi xin khép ở đây. Hẹn các bạn những đề tài khác chẳng hạn như vì sao ngồi chỗ này ta thấy sướng ngồi chỗ khác 1 thời gian sau bị bệnh chẳng hạn, có liên hệ gì không? đằng sau có gì huyền bí không? Giả dụ như thế.

Chào các bạn,
 
 

9:58 Friday,8.3.2013

Đăng bởi:  Phạm văn xảo

Những điều bạn Lê Phương nói ra cũng có cái đúng và có cái sai, nói chung đúng cũng nhiều mà sai thì không ít. Ví dụ như cái toilet có nhất thiết phải có bồn rửa hay không? diện tích nhỏ thì bỏ bồn rửa đi, súc miệng rửa mặt thì ngồi xuống phun vào không gian gần phễu thu nước là được rồi, không nhất thiết cứ phải phun vào bồn rửa mới được. Vì bạn quá tâm đắc với những phát kiến của mình nên mình ví dụ hơi tế nhị cho bạn dễ hiểu nhé: khi đi tiêu xong có người vệ sinh bằng giấy, có người vệ sinh bằng nước tuỳ vào thói quen của mỗi người hay là điều kiện vào thời điểm đấy mà chẳng ảnh hưởng gì nhiều, mặc dù người dùng nước thì có thể sạch hơn, nhưng người dùng giấy thì cũng không phải là không được sạch.

Về vị trí bàn ăn dưới giếng trời thì mình thấy cũng không hay nhưng lý giải như bạn thì hàm hồ quá, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh bàn ăn để ở vị trí đấy là sẽ bị bệnh mắt, bệnh lưng gì cả, tất cả chỉ là lý thuyết trong các cuốn sách phong thủy ăn theo khoa học thôi, không thuyết phục.

Mình cũng đồng ý với bạn vệ sinh thì cần kín đáo nhưng cách đưa ra so sánh với hình ảnh với hồ bơi thật là chẳng hợp lý gì, nếu nói về thay đổi nhiệt độ đột ngột thì trong phòng tắm hay ở hồ bơi có khác gì nhau? Ở đâu cũng vậy, ở trong nước ngoi lên không khí là nhiệt độ thay đổi đột ngột rồi. Bạn đã tắm suối nước nóng chưa? chưa có trường hợp nguy hiểm nào từ suối nước nóng bước ra bị gió vật ngã hết bạn à, và việc thay đổi nhiệt độ đột ngột này đối với con người bình thường là không đáng kể, chỉ nên tránh thôi chứ có bị thì cũng chẳng ảnh hưởng nhiều. Còn về phần vệ sinh nhà tắm: trừ những nhà tắm có quá nhiều chi tiết thì mới khó vệ sinh chứ rộng hay hẹp thì có tốn thêm bao nhiêu thời gian mà đưa vào đây ý kiến?

Còn về cầu thang, nếu bạn quên đồ thì bạn phải tới nơi bạn quên đồ mà lấy, và vì yếu tố an ninh bạn phải khoá và mở cửa để vào nơi bạn lấy là điều tất yếu. Mình thấy trong một nhà, tổ chức cầu thang bình thường có tới 4 tầng thì cũng chẳng sung sướng gì khi quên đồ cả. Trong một ngôi nhà nhỏ, cầu thang chuyển hướng hay đổi vế là điều khó tránh khỏi, xem hành lang tầng 1 như là 1 cái chiếu nghỉ dài hơn bình thường thôi mà có gì gọi là lắt léo?

Phòng thờ bạn nói ở vị trí đấy không hợp lý thì được, còn bạn bày cách sửa thì thật là còn tệ hơn, nếu vẫn để đấy mà không ngăn chia thì được cái gì?

Tóm lại đây là một tác phẩm có nhiều cái mới chứ không phải thất bại hoàn toàn về công năng như bạn tự cho là như thế.

Nếu chủ nhà đọc được bài này của bạn thì họ cũng chỉ rút kinh nghiệm để cải tạo lại một ít cho tốt hơn thôi (như việc tạo cửa kính treo rèm ở phòng ngủ là xong) chứ chẳng có việc gì mà phải trách kts Nghĩa cả vì kts Nghĩa đã cho họ một trải nghiệm khác với bình thường mà chắc rằng hàng loạt những kts thông thường khác không thể làm được.

23:50 Thursday,7.3.2013

Đăng bởi:  Lê Phương

Chào bạn Đạo,
Tôi đang kẹt công việc, đầu óc đang lung tung hiện chưa thể gõ được dòng nào gửi đến bạn nên đành cóp nhặt những gì tôi từng phát biểu, ngõ hầu giúp chúng ta hiểu nhau hơn.
1. Tôi đã viết trong bài trước: "công nhận tác giả đã làm được nhiều điều mới trong một diện tích có giới hạn".
2. Tôi đã viết ở cmt trước: "Tôi có biết anh Nghĩa thời gian gần đây qua internet, anh đạt được một số giải thưởng, và cũng như những người đã thành công trong thi thố khác, điều đó không hề khẳng định mọi tác phẩm của họ là hoàn hảo trong mắt của cộng đồng hành nghề chuyên nghiệp. Và việc chỉ ra cái những cái tệ hại xét cho cùng chỉ có lợi cho tất cả mọi người trong đó có cả tác giả."
3. Tôi đã viết: "Để đánh giá một công trình, đặc biệt là nhà ở phải xét nhiều khía cạnh khác nữa như những cơ bản nhất hình thức bên ngoài phải đi đôi sự hợp lý trong công năng sử dụng. Nôm na tốt gỗ phải tốt cả lớp sơn."
4. Tôi đã viết: "Nói riêng về công trình đạt giải ngôi nhà của năm 2012 này, còn nhiều lỗi ở các khía cạnh khác tôi chưa đề cập, nhưng hiện nay trong mắt rất nhiều bạn nó vẫn rất đẹp lung linh và đáng ngưỡng mộ".
5. Vấn đề về tương lai tốt đẹp của nền kiến trúc Việt Nam, phạm trù này lớn và phức tạp quá, cái này tạm thời tôi thấy rằng lượng chưa đủ thì khó thay đổi về chất, xin hẹn bữa khác chúng ta sẽ có dịp nói chuyện kỹ hơn.
 

22:09 Thursday,7.3.2013

Đăng bởi:  Đạo

 @ Lê Phương: Tôi rất xin lỗi và xin thẳng thắn rằng tôi không chê bai hay cố tình đả kích bạn, tất cả những ngôn từ nếu có càm thấy xúc phạm, hãy vứt ra khỏi đầu bạn luôn và ngay cũng như việc tôi không bao giờ cố ý nói ra những điều đó.

Thứ nữa, tôi đọc bài này của bạn đàng hoàng, không phải lướt qua hay vì không đồng quan điểm với bạn mà bỏ qua những điều bạn đúng, đúng sai phải rõ ràng, và nếu không gặp nhau ở điểm cuối, với tôi, đường ray suy nghĩ của bạn nó đang đâm xuống vực !

Ít nhất, với tôi, anh Võ Trọng Nghĩa đã có sự cách tân và biết tiến lên, cho dù hơi cá nhân hóa theo cái cách báo chí Việt Nam tung hô anh, trong khi thực tế Archdaily luôn ghi có thêm 2 kiến trúc sưngười Nhật nữa trong vài trò thiết kế ngôi nhà này.


Thứ 2, tôi không vote cho nó trong hạng mục ngôi nhà của năm do thấy còn những ngôi nhà khác tốt hơn, đây là cảm nhận cá nhân, nên tôi chẳng việc gì phải bênh anh Nghĩa cả.


Điều nữa, Archdaily không phải chỉ ở cục bộ Việt Nam để mà chuyện câu vote có thể dễ dàng như cái cách người Việt Nam hay làm. Tôi cũng chẳng thấy một cuộc vận động vote cho công trình này nào cả. Việc các bạn bè, anh em chia sẻ và kêu gọi cũng là chuyện bình thường, các kiến trúc sư nước ngoài, các công trình khác cũng vậy cả thôi. Điều quan trọng ở đây, xin hãy dành thời gian mà hỏi, mà nghe và theo dõi những đánh giá, comment, góp ý của cá bạn bè thế giới về công trình này, trên Archdaily, trên Facebook, … Đó là sự rất khách quan. Bản thân tôi thấy căn nhà được đánh giá về sự sáng tạo, đẹp đẽ, và gây thích thú, phải, các không gian rất thú vị. Cách nhìn cục bộ của hầu hết kiến trúc sư được học tại Việt Nam mang tính áp đặt rất cao, trong khi với các nền kiến trúc lớn, với họ sai lầm hay những lỗi nhỏ không phải điều to tát, quan trọng là bạn sáng tạo, làm việc nghiêm túc, đó là câu chuyện tại sao học ở nước ngoài thôi, mà áp lực bỗng trở nên nhỏ bé và sự kích thích tư duy của bạn rất mở và được đẩy lên rất cao, các thử nghiệm được đưa ra liên tục để nghiên cứu và hoàn thiện mà không lo sự quở trách, chê bai của người khác, đấy mới là môi trường tốt cho việc học tập, nghiên cứu, hành nghề, và sáng tạo!

Một kiến trúc sư giỏi có thể họ chỉ cần tuân thủ chặt chẽ các lý thuyết, các nguyên tắc và thêm chút sự điểm xuyết và các thủ pháp làm đẹp không gian thường thấy. Nhưng họ không bao giờ trở thành được Frank O.Ghery, Zaha Hadid, Rem Koolhaas,… những người tiên phong và luôn biến công trình của họ trở thành một tuyệt phẩm đầy bất ngờ.

Như một đứa trẻ chập chững học đi, kiến trúc Việt Nam mà cứ sợ hãi, cứ chậm chạp, cứ tự kìm hãm nhau trong cái vỏ bọc an nhàn thì sẽ rất chậm, rất lâu nữa mới phát triển được, rất lâu nữa mới có những kiến trúc sư tài giỏi, xuất khẩu kiến trúc ra quốc tế và được quốc tế công nhận được.
Những vết sẹo, những cú ngã, sai lầm là một phần tất yếu của sự trưởng thành và phát triển, không có người dấn thân, có thể họ còn xa mới bằng các kiến trúc sư nổi tiếng, nhưng đó là điều đáng mừng.

Có điều, tôi thấy anh Nghĩa đang bị dừng lại nhiều về sự sáng tạo, tính tiên phong là có, nhưng qua thời anh còn mới ra công trình Gió và Nước rồi, bây giờ tôi chờ đợi anh nhiều hơn thế do vị thế của anh đã khác, những sản phẩm như ngôi nhà giá rẻ gần đây thực sự thất vọng, còn công trình ở Mexico hơi bị bình thường quá. Hy vọng anh, VÀ CẢ CÁC KIẾN TRÚC SƯ NGƯỜI NHẬT NỮA, sẽ phát triển tốt hơn sau thành công bước đầu này.

8:54 Thursday,7.3.2013

Đăng bởi:  admin

Đề nghị các bạn thảo luận phần kiến trúc lưu ý giúp điều sau nhé: khi bình về nhau, xin các bạn không nên miệt thị người khác là "tri thức kém, chưa phát triển hết", hoặc dập vùi phủ đầu "chắc không phải kiến trúc sư"... Theo Soi, các bạn không cần phải làm thế, dẫn đến cãi nhau chệch hướng, mất vui; cũng chẳng cần tấn công lập luận của nhau, mỗi người cứ đưa ra lập luận của mình thôi, rồi người đọc (hay chính "đối phương") cũng sẽ tự lọc lại cái nào đúng, cái nào chưa đúng, cái nào có thể đồng thuận...


Còn lại, cảm ơn các bạn về những thảo luận cho mục này, rất bổ ích và bản thân Soi học được rất nhiều.

8:44 Thursday,7.3.2013

Đăng bởi:  Architect

Các thứ tỉ lệ 1:3 hay tỉ lệ vàng trong kiến trúc hay hội họa mà người ta thường viện dẫn là thứ không kiến trúc sư hay hoạ sĩ thứ thiệt nào tuân theo một cách cứng nhắc, kể cả từ những người thiết kế kim tự tháp Ai Cập và đền Parthenon. Hãy nhìn nhà của Gaudi xem ông ta theo cái tỉ lệ gì. Các dạng chia hai chia ba trong bố cục là thứ để định hướng trong "bước đầu học vẽ" và cho các nhà phê bình, còn đối với những người thực hành hội họa và kiến trúc thì bố cục là một nghệ thuật nhiều khi chỉ có được do bẩm sinh.


Không nên áp đặt thị hiếu của mình cho người khác, quy đồng thẩm mỹ cá nhân về mẫu số chung "con người" để đưa ra một thị hiếu chung. Có một câu đố như sau:

Cái gì hình hộp, mà trắng, kêu rì rì, để trên bàn?
Trả lời: Cái tủ lạnh.
Phê bình: Tủ lạnh lại để trên bàn!
Trả lời: Tủ lạnh của tôi, tôi thích để đâu chẳng được.

Cho nên đừng thắc mắc tại sao phòng này lại ở trên, phòng kia lại ở dưới, phòng ngủ nhiều hay ít ánh sáng v.v. 
 

8:00 Thursday,7.3.2013

Đăng bởi:  Lê Phương

Chào Đạo,
Trước tiên cảm ơn bạn đã đọc và hâm nóng bài của tôi nhé.
 
Trở lại với cmt của bạn, tôi nghĩ rằng bạn như một số bạn khác chưa đọc kỹ bài của tôi, và nếu được xin bạn bỏ thêm thời gian đọc lại và cả ở các cmt của tôi nữa, qua đó sẽ sáng tỏ ra 2 quan điểm. Thứ nhất nếu đây là ý tưởng của chủ nhà thì bình luận của tôi trở thành thừa thãi, thứ 2 là vô ích nếu tranh luận của các bên đối lập nhau bởi 2 đường rầy xe lửa chỉ gặp nhau ở vô cùng. Thế nên chắc tôi sẽ không cố lý giải thêm với bạn về căn nhà này.
 
Căn nhà này nếu không được giải và được ngợi ca quá sức thì chắc tôi cũng không mấy quan tâm, nhưng có nhiều thứ lệch lạc hoặc bị lược bỏ gây ngộ nhận cho những người không có chuyên môn thì với tôi điều đó không thể chấp nhận. Lý do viết bài chỉ đơn giản vậy thôi không có gì là to tát cả.
 
Kiến trúc rất cần những điều mới mẻ, đúng, nhưng công năng sử dụng thì khác. Vậy công năng sử dụng là gì vậy, xin thưa chỉ là chuỗi những sắp xếp hợp lý giúp con người sống tốt, sống thuận tiện, sống bền vững vậy thôi. Nếu quan sát sẽ thấy, ngay cả đồ vật cũng vậy, cái nào nhìn bắt mắt nhưng khó dùng sẽ chẳng tồn tại lâu dài.
 
Chỉ cho nhau thấy cái sai, bất hợp lý để cùng tránh mất học phí là điều nên hay không nên? Nó có liên quan gì đến chuyện ghen ăn ghét ở không?

21:36 Wednesday,6.3.2013

Đăng bởi:  Đạo

Bải viết cực kì sai lầm về quan điểm, một thứ quan điểm áp đặt và mang nặng hình thức chủ nghĩa cá nhân :” không theo ý mình tức là không đẹp”! Bạn đã tự ôm một tảng đá đè nặng lên mình và lại luôn miệng quở trách người khác.

- Thứ nhất: Chỉ có một điều bạn đúng, đó là việc cách âm và tạo sự riêng tư của phòng ngủ chính với các không gian trên và dưới lầu, việc lấy sáng và lấy gió là tốt những cũng cần thêm một vách cửa kính để tùy ý đóng mở khi cần thiết. Còn những việc như lộ ra nhà hàng xóm quá mức thì chẳng cần bạn suy nghĩ hộ chủ nhà, nếu người ta cần, chẳng bao giờ ngôi nhà thiếu chỉ vì KTS không muốn thế được cả. Họ là chủ nhà, họ biết mình cần gì…

- Thứ 2:… Và chính vì họ biết mình cần gì, nên ngôi nhà này, với tôi, nó ít nhất là thành công nhất định. Đừng có áp đặt tư tưởng cuộc sống của bản thân hay những người xung quanh mà bạn biết và cho rằng đó là chân lý. Chủ nhà có rất nhiều cá tính và sự am hiểu, thưởng thức khác nhau, và nếu không nhầm thì người chủ nhà này đã sống một thời gian ở nước ngoài, yêu cầu của họ sẽ khác nhiều với một người bình thường sống ở VN.

+ Những cái kiến thức tỉ lệ 1/3 này nọ vô cùng lý thuyết, phim, ảnh, và cả kiến trúc nữa,.. rất nhiều trường hợp đã phá vỡ hoàn toàn thứ tỉ lệ đó rồi, trong cái môi trường sáng tạo thì nó tồn tại là để người ta phá bỏ nó, đừng gượng ép bản thân mình. Bạn không phải là KTS, hoặc không thì là một KTS tồi. Vì vậy, phòng dài hay hẹp, nhỏ hay to, tỉ lệ như thế nào, điều quan trọng, căn phòng ngủ tầng một đảm bảo cho chuyện lưu thông, đặt được giường chiếu, phòng tắm ngăn chia rõ ràng, đủ kích thước cho sử dụng mà không bị chồng chéo, cầu thang trước phòng đầy cách sử dụng vật liệu để cách âm để tiếng bất cứ tiếng động nào cũng không thể lọt vào phòng. Có hàng cây xanh, khoảng sân riêng, có sân để ôtô có tất cả nhu cầu, và nó dành cho người già, không thể leo cao được, bạn nghĩ sao cho một ngôi nhà ống Việt Nam bình thường!

+ Tôi khẳng định việc khoảng giếng trời là vô cùng tốt, và cực kì buồn cười khi ai đó còn cho rằng thuê cả người chiếu ánh sáng xuống để lừa người xem ảnh, nó to tổ bố như thế, chiều cao tầng thì thấp, trên chỉ còn 2 tầng nữa, có lý do gì cho sự ngập tràn ánh sáng ở đây? Bạn nhìn vào cái cầu thang nhà bạn xem, chỉ xin khe giữa thang hở ra khoảng 20cm thôi, trên mái kính hoàn toàn, nhà bạn cao 4 tầng, xin cho ý kiến!

+ Tôi càng khẳng định ngoài việc cần sự kín đáo và riêng tư hơn giữa phòng ngủ chính và giếng trời ra, căn phòng hoàn toàn tuyệt vời. Khi tất cả vách kính đã đóng, đừng có lôi gió máy vào đây làm gì, khi chủ nhà đã thích, họ hoàn toàn có thể tắm khỏa thân cả phòng nhìn được không sao hết, bồn tắm như thế những người có máu nghệ sĩ và tự do rất thích, bạn có biết ở các resort hay nghỉ dưỡng, kiểu bồn tắm đặt hoàn toàn không ngăn chia, nhìn thẳng ra ngoài trời, biển, rừng là vô cùng thích thú không? Đừng nói nó không hợp với nhà Việt nhé, vì chính như thế mới là sự nghỉ ngơi thực sự, thư giãn thực sự mà những người có tinh thần ngại và sợ sự thay đổi mới không dám làm.

- Ba cái chuyện phòng thờ nhỏ này nọ, xin kiếu sự áp đặt vô cùng duy ý chí của bạn. Có lẽ, sự cố tình ghen ăn tức ở khiến người Việt toàn kéo nhau xuống hơn là cố gắng vươn lên. Bàn thờ, kinh Phật, cái chính là tại tâm, tiền cũng chẳng mua được, dát vàng cũng chẳng chứng minh được bạn thành tâm đâu. Nói như bạn thì những gia đình nghèo, không có diện tích lớn hay thoáng đãng để thờ tự thì họ bị tổ tiên trù ẻo hết sao? Chịu

17:40 Wednesday,6.3.2013

Đăng bởi:  khach-vang-lai

Mình thì thấy vậy quá tốt rồi. Còn tốt hơn nữa thì không biết có ai làm được không. Được cái này thì mất cái kia, có lẽ người ta làm điều tốt nhất có thể. Mình nghĩ vậy. Mạo muội nói có gì không phải xin mọi người bỏ qua.

16:38 Sunday,3.3.2013

Đăng bởi:  Architect

Bạn nào chưa biết xin mời ghé trang ArchDaily do Platforma Networks Broadcasting Architecture Worldwide lập ra 5 năm trước, cung cấp những thông tin mới nhất về các công trình kiến trúc. Vào trang này, gõ search tìm "Nguyen" (họ phổ biến nhất của người Việt ta) thì được 10 trang trong đó có các công trình, hoặc có sự tham gia, của các KTS Việt Nam.
Xin mời các bạn thưởng thức. Các giang hồ tha hồ nhào zô chém gió hoa mắt mỏi tay.

14:44 Sunday,3.3.2013

Đăng bởi:  Nguyen Quang

Tôi rất đồng tình với quan điểm của bạn Lê Phương.
Một công trình tốt luôn phải đảm bảo được yếu tố công năng - văn hoá sinh hoạt của con người.
Tôi cũng từng biết một căn nhà trên phố Trần Hưng Đạo - Hn, có một căn nhà được thiết kế và xây dựng bởi một kts khá nổi tiếng, với mặt tiền hoàn toàn bằng kính được sắp xếp góc cạnh khá đẹp mắt, khi xây xong chủ nhà bắt tay kts cám ơn vì căn nhà quá đẹp.
Một tháng sau khi dọn về nhà mới họ mới cảm thấy căn nhà quá nóng và thừa ánh sáng vào mùa hè. Để giải quyết vấn đề này họ cho làm hàng loạt rèm che toàn bộ mảng kính để chắn nắng - rốt cuộc là một công trình chắp vá được hình thành.

11:55 Sunday,3.3.2013

Đăng bởi:  Lê Phương

Gửi Achitect,
Đoạn 2 của bạn, hình như bạn chưa đọc kỹ bài của tôi viết, tôi chẳng bảo rằng : nếu đây là ý của chủ nhà thì phần phân tích sau đó của tôi là thừa thãi rồi hay sao. Còn bạn bắt bẻ người Kinh, người Dân tộc, người Tây phương, người Nhật khác thì tôi chịu bạn không biết trả lời sao, tôi chỉ biết rằng căn nhà này là người Việt, và tôi bình luận theo đó. Còn vấn đề thế hệ, bạn nói không sai, tôi đồng ý, tuy nhiên xét trên bình diện chung (tiêu chuẩn nhà ở và kinh nghiệm của cá nhân tôi) bản chất ăn ở không quá khác biệt bởi chúng ta có mẫu số chung là con người, có chăng chỉ là vẻ hình thức bề ngoài mà thôi. Mặt khác tôi chỉ bản về công năng sử dụng, chưa bàn rộng những vấn đề khác. Lấy ví dụ tầng trệt căn nhà này, tôi nghe nói dành cho người già, nhưng tôi thấy hình như không phải, mặc dù nó có được dát vàng đi chăng nữa. Bạn có hiểu ý tôi muốn nói không?
Đoạn 3 của bạn. Ánh sáng, nước và gió cũng như thực phẩm vậy, đều rất tốt cho sức khỏe con người, kiến thức này chẳng có gì mới, nhưng cái gì quá đều thành hại. Không cần phải máy móc lỉnh kỉnh gì cả, giữa trưa tại phòng ngủ lầu 2, người chủ căn nhà này nếu không che bớt ánh sáng tôi tin rằng họ không thể ngủ, trừ phi họ có khả năng đặc biệt nào đó hoặc không có nhu cầu ngả lưng. Cái cảm giác ngủ trong phòng mà như ngoài hành lang đang hiển hiện ra đấy thôi.
Đoạn 1, tôi chẳng hiểu liên quan gì nên không bàn.
Hôm nào rảnh rỗi, tôi sẽ cố gắng viết một vài bài về các vấn đề chủ nhà cần lưu ý khi xây nhà, và bài này không dành cho các bạn KTS.

10:15 Sunday,3.3.2013

Đăng bởi:  Architect

1.  Frank Gehry từng vò một tờ giấy ném cho cộng sự và bảo làm cái nhà như thế này. Walt Disney Concert Hall tại Los Angeles của Frank Gehry là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới, biểu tượng của thành phố Los Angeles. Tòa nhà này được bọc bằng titanium. Khi ánh nắng ban ngày chiếu vào, toàn bộ toà nhà sáng lòa khiến người lái xe ở đại lộ bị loá mắt, rất dễ xảy ra tai nạn. Đây là một trong các vấn đề đau đầu của thành phố Los Angeles. Cách giải quyết tạm thời là người ta phải làm mờ một số mặt ngoài của tòa nhà đi. "Sung sướng" nhất là mấy ông chủ chung cư đối diện. Mỗi khi ánh nắng chiếu vào Walt Disney Concert Hall, tòa nhà này trở thành một cái lò sưởi khổng lồ phản chiếu các tia nắng vào các chung cư xung quanh, khiến nhiệt độ ban ngày trong phòng tại các chung cư này tăng 15%.
 
2. Nhà ở là "thuận mua vừa bán" giữa chủ và kiến trúc sư. Chủ nhà ưng ý là được. Ai là chủ nhà của căn nhà do KTS Võ Trọng Nghĩa thiết kế? Cho nên câu “Kiến trúc chung của công trình này không thể được xem là kiến trúc nhà ở, nhất là với tập tính sinh hoạt người Việt” là vô nghĩa, bởi người Việt có tới hơn “60 dân tộc anh em”. Chủ nhà là người Kinh, người Mường, người Khmer, người dân tộc Dao, hay … Việt kìu? Riêng người Kinh thôi thì thế hệ 2X, 3X  đã khác xa 5X, 6X. Thế hệ 5X, 6X lại khác xa 7X, 8X rồi. Thế nếu chủ nhà là người Nhật hay người Tây thì cũng bắt người ta ăn cơm ngồi chiếu và mần phong thủy à?
 
3. Việt Nam ta đã thủng tầng ô-zôn chưa mà sợ thừa ánh sáng? Ánh sáng nhiều chẳng có gì hại mà còn có lợi, nhất là trong các nhà ống thường là tối tăm ở ta. Ở Nga trẻ con một số nhà trẻ phải phơi bụng hàng ngày cho bác sĩ chiếu thêm tia UV vì thiếu ánh sáng. Ở một số nước Bắc Âu bến xe bus được chiếu sáng trưng về ban đêm để khách hưởng ánh sáng trong khi chờ xe bus. Chỉ nhìn cái ảnh chụp thì không thể nói ánh sáng nhiều hay ít. Muốn biết ánh sáng nhiều hay ít thì phải đem máy vào đo tại chỗ.
 
v.v. và v.v.

16:06 Saturday,2.3.2013

Đăng bởi:  Lê Phương

Lại phải cảm ơn SOI lần nữa vì bỏ nhiều công cắt ghép các hình ảnh làm minh họa cho bài của tôi, một việc mà hiếm web cộng đồng nào hiện nay chịu khó làm.

Cùng các bạn, chẳng là mấy hôm trước đọc thấy nhiều cmt của một số bạn chắc người trong nghề, có khen có chê, nhưng chỉ vài dòng chắc vì ngại viết, tôi nghĩ vậy. Có vài ý kiến về công trình nhưng chưa đi vào đúng cái cần nói. Để đánh giá một công trình, đặc biệt là nhà ở phải xét nhiều khía cạnh khác nữa như nhưng cơ bản nhất hình thức bên ngoài phải đi đôi sự hợp lý trong công năng sử dụng. Nôm na tốt gỗ phải tốt cả lớp sơn. Thế nên tôi tạm xếp công việc và ngoáy bàn phím chút chút. Nhận xét của tôi các bạn có thể đánh giá đúng sai không sao cả, như phần đầu tôi đã có nói cái kết của mọi sự tranh luận là đi đến đâu.

Tôi có biết anh Nghĩa thời gian gần đây qua internet, anh đạt được một số giải thưởng, và cũng như những người đã thành công trong thi thố khác, điều đó không hề khẳng định mọi tác phẩm của họ là hoàn hảo trong mắt của cộng đồng hành nghề chuyên nghiệp. Và việc chỉ ra cái những cái tệ hại xét cho cùng chỉ có lợi cho tất cả mọi người trong đó có cả tác giả.

Nói riêng về công trình đạt giải ngôi nhà của năm 2012 này, còn nhiều lỗi ở các khía cạnh khác tôi chưa đề cập, nhưng hiện nay trong mắt rất nhiều bạn nó vẫn rất đẹp lung linh và đáng ngưỡng mộ.

Cuối cùng, tôi là ai và tuổi gì, tôi cho rằng điều đó không quan trọng, việc chúng ta tham gia cùng SOI xét các tác phẩm, hiểu và biết mình làm gì, tỉnh táo gạt bỏ các mỹ từ, gạt lớp bôi son phết sơn bề ngoài và cả danh hão để tìm ra bản chất cuối cùng nó là TỐT hay là XẤU vậy thôi. Đó mới quan trọng.

8:16 Saturday,2.3.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Cảm ơn anh Lê Phương, anh phân tích rất chi tiết và hợp lý, đúng là sự hào nhoáng thoáng qua và bất tiện sâu xa để lại.
 
Tuy nhiên, Nghiêm Toàn có suy nghĩ hơi khác anh một chút, nhà xây lên để thấy thích, đỡ thích, hết thích, hết chịu nổi thì sửa, không sửa được thì xây lại. Làm thế nào để giải quyết cái ám ảnh thèm muốn của chủ nhà? (hoặc kiến trúc sư, tuy nhiên, là chủ nhà thì tốt hơn), đó là hãy xây nó lên và kết thúc nó như một quá trình của Orgasm.
 
Trên tất cả mọi điều, hoàn toàn đồng ý với anh ở điểm không hay của kiến trúc sư là dùng tiền của khách hàng để thỏa mãn chính mình, cái điều mà dân gian gọi là "lên đỉnh một mình".

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả