Bàn luận

Khi nào có tác phẩm đa giác quan của người Việt?

Trường triết học nghệ thuật và mỹ học1 phương Tây nhiều thế kỷ nay vẫn dành sự tôn thờ tuyệt đối cho hai năng lực cảm thụ từ xa là thị giác và thính giác. Lịch sử nghệ thuật ghi nhận các tác phẩm hội họa, điêu khắc, giao hưởng thính phòng, nhạc kịch,… đều […]

Ý kiến - Thảo luận

22:47 Thursday,4.4.2013

Đăng bởi:  Bùi Trà My

@ Anh Nguyễn Đình Đăng: Thú thật là em không biết gì về Kant cả, nên đọc phản hồi anh xong phải mò lên thư viện ngay. Không còn cuốn Critique of Judgment nào nhưng em hiện đang đọc một chút của Crawford, D.W (1974). Kant’s Aesthetic Theory, và hoàn toàn đồng ý với anh ạ.
1. Lật lại lịch sử phương Tây một chút thì vào những thế kỷ trước, nghệ thuật được cho là một đặc quyền của tầng lớp trí thức, quý tộc cao cấp trong xã hội. Như Bourdieu đã phân tích trong Distinction: The Social Critique of the Judgment of Taste (1984), đặc quyền này đã hình thành nên một hệ thống chuẩn mực về cái đẹp mà tầng lớp ‘intellectuals’ – trí thức là trung tâm. Bourdieu gọi đó là quyền lực biểu tượng (symbolic power) dựa trên "quyền" sở hữu vốn văn hoá (cultural capital). Nguồn vốn văn hoá này chính là được nhào nặn trong thời kỳ đó.
Sự thống trị về ‘quan điểm mỹ học’ và ‘thị hiếu’ này, trên thực tế không chỉ ảnh hưởng đến xã hội phương Tây sau này, mà thậm chí có ảnh hưởng tới cả nghệ thuật của các nước phương Đông, bằng chứng là một tác phẩm (nếu) được sáng tác hoặc phê bình dựa trên các lý thuyết triết học – mỹ học - xã hội học thì em thấy khá nhiều màu sắc của tư tưởng triết học phương Tây.
2. Có một điểm mà có lẽ em chưa làm rõ ở trên bài viết về văn hoá đa giác quan là tính đại chúng của tác phẩm, hay mỹ học đại chúng (‘popular aesthetics’). Chắc tại em đang học truyền thông và xã hội học mà không biết gì về nghệ thuật nên hơi bị ám ảnh về phương diện đại chúng. :D. Các tác giả khi đề xuất một cách hiểu nào đó có lẽ cũng dựa trên bối cảnh đương thời. Kant viết Critique of Taste năm 1790, Bourdieu viết Distinction năm 1979 (1984 là bản dịch tiếng Anh), còn hiện tại đang là bối cảnh năm 2013, khi nghệ thuật đang được đại chúng hoá. Có nghĩa là em đề xuất các tác phẩm bằng cách nào đó phản ánh xã hội và văn hoá một cách tương tác và dễ cảm nhận hơn, còn sự sublime và kỹ thuật thực hiện thì em không biết tí gì.
3. Có một tác phẩm của nghệ sỹ người Pháp tên Orlan dù chỉ được trình diễn dưới dạng documentary nghĩa là thuần tuý thị giác, nhưng lại khiến người xem liên nối tới rất nhiều giác quan, em có định gửi Soi đăng lên minh hoạ nhưng lại ngần ngại vì lúc xem nó em cũng thấy rất “khiếp” ạ. Nhân comment ở đây, em xin gửi kèm theo link trên youtube: http://www.youtube.com/watch?v=no_66MGu0Oo

11:16 Thursday,4.4.2013

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Trong thẩm mỹ có một khái niệm gọi là sự cao siêu (the sublime) đã được Kant bàn tới trong "Phê phán sự phán xét" (Critique of judgement) (1790).
 
Sự cao siêu xuất hiện khi khả năng nhận thức một cái gì đó trở nên mâu thuẫn với khả năng biểu thị chính cái đó. Sự hiểu biết của ta về một đối tượng cho phép hình thành trong ta một quan niệm (concept) về đối tượng đó. Khi khả năng biểu thị đối tượng đó phù hợp với quan niệm của ta về nó thì trong ta xuất hiện một sự phán xét thẩm mỹ gọi là thị hiếu, đem lại cho ta một thứ cảm giác gọi là khoái cảm.
 
Cao siêu là một thứ cảm giác khác. Nó xuất hiện khi trí tưởng tượng của ta không thể nào biểu thị nổi một sự vật sao cho phù hợp với quan niệm của ta về nó. Ta có thể cảm thấy cái gì đó cực kỳ hùng vĩ song mọi biểu thị mà ta cố đưa ra nhằm “nhìn thấy” sự vĩ đại tuyệt đối đó cuối cùng đều không thỏa đáng một cách đau đớn, bởi đó là những ý niệm không biểu thị được bằng hình tượng (unpresentable hay bất khả biểu thị).
 
Các kiệt tác nghệ thuật và âm nhạc cổ điển thường cho người ta cảm giác về sự cao siêu mặc dù các bậc thầy sử dụng những chất liệu rất hạn chế. Cảm giác về sự cao siêu mà ta nhận được khi xem một kiệt tác của Van Eyck, Leonardo, Titian, Veermer, Rembrandt, Velasquez, El Grecco, hay nghe một nhạc phẩm của Bach, Mozart, Beethoven, Chopin, Grieg, v.v. là thứ cảm giác không một phương tiện kỹ thuật nghe - nhìn - ngửi - sờ nào có thể bắt trước được, vì cần có hai điều cơ bản là văn hoá và học vấn - những yếu tố được quyết định bởi từng cá nhân và xã hội trong đó các cá nhân này sống.  
 

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả