Kiến trúc

Nhà 24 mét này Việt hay không Việt?

Đây là nhà của một họa sĩ Việt Nam, làm bằng gỗ lạt, còn lại từ xưởng vẽ của mình ở trong phố đã bị bom Mỹ phá hủy năm 1967. Diện tích mặt bằng tính theo chu vi các chân cột là 24m2. Nhà quay hướng Đông Nam, đặt ở đầu phía Tây Bắc […]

Ý kiến - Thảo luận

0:16 Tuesday,3.11.2015

Đăng bởi:  Nguyen

Để tranh luận về việc này mình nhớ có một nhà triết học nói rằng "Nếu bạn muốn tranh luận với tôi, trước hết hãy định nghĩa được chính xác về cái bạn muốn tranh luận"

Nếu nói về nhà người Việt thì bây giờ phải định nghĩa lại :

1/Nhà người Việt có phải nơi người Việt sinh sống?
2/Kiến trúc Việt phải do người Việt nghĩ ra?

Nếu trả lời hai câu hỏi trên + kinh nghiệm về định nghĩa kiến trúc bản địa trên thế giới bạn nghĩ gì?

19:11 Saturday,1.6.2013

Đăng bởi:  Candid

Dinh 3 là dành cho Bảo Đại, ông này mang tiếng vua Việt nhưng nội dung lại là Tây.

17:43 Saturday,1.6.2013

Đăng bởi:  Lê Phương

Gửi các bạn
-Anh Trịnh Lữ và anh Nghiêm Toàn : Tôi hơi hơi bất ngờ vì tưởng rằng câu chuyện thảo luận xoay quanh căn nhà nhỏ của anh. Nhưng có một việc như thế này, nếu chúng ta cần tìm những “tính” riêng cho kiến trúc Việt thì căn cứ trên 1 căn nhà e là chưa đủ.
Nếu xét dưới góc độ toán học thì cần nhiều “mẫu” có tính đại diện cho các thuộc tính cần bóc tách. Phải là các công trình có tính tiêu biểu về kiến trúc Việt theo từng vùng địa lýthời kỳ lịch sử. Có được như vậy thì việc chọn lọc “tính” sẽ vững chắc và khách quan hơn.
Dĩ nhiên ngoài công trình của anh Lữ đưa ra chúng ta đều có thể đưa những công trình mà ta cho rằng có tính Việt vào thảo luận, tuy nhiên sẽ vấp phải cản trở đó là nhiều quan điểm khác nhau về việc đánh giá tính tiêu biểu của công trình.
Tôi đánh giá cao ý tưởng của anh Lữ, nhưng e rằng khó thực hiện vì tính chất, quy mô và độ phức tạp. Nhưng nếu chỉ là cuộc dạo chơi cho thỏa cái đam mê thì chắc chẳng có vấn đề gì, đến đâu hay đến đó vậy.
 
- Anh Phó Đức Tùng
Anh có kết luận sau: “Nói chung cần xem nội dung, không nên chỉ nhìn vào hình thức bề ngoài.” Lập luận này chưa chắc chắn nếu đánh giá thấp vai trò của hình thức. Ở chỗ, tôi thừa nhận các yếu tố khác bên cạnh các yếu tố hình thức, nhưng để đánh giá một sự vật (chứ không phải 1 loại hình phi vật chất hay nội dung nghệ thuật nào đó) thì cần lấy hình thức làm căn bản. Hình thức có được là do đáp ứng các yếu tố về mặt sử dụng hay tinh thần mà có, nói cách khác nó là biểu hiện bề ngoài của ý thức. Đánh giá nó cũng đồng thời đánh giá lối tư duy và các thứ liên quan khác.
Gửi anh 2 ví dụ thế này để minh họa vì khả năng viết lách của tôi cũng có hạn
-Áo: cũng tà trước xẻ làm 2, lưng áo, 2 ống tay, cách quàng khoác và mục đích sử dụng nhưng không khó để phân biệt đâu là áo tứ thân Việt Nam và đâu là bộ Tuxedo của phương Tây qua hình thức bề ngoài.
-Ghế: cũng 4 chân, mâm ghế nhưng ghế Tâ khác, tàu khác, Ta khác qua hình thức.
Trở lại với căn nhà của anh Lữ, nên dùng cụm từ “căn nhà có nét Việt” mà thôi, không phải sắc thái Việt.
 
+Bạn gì đó mà tôi có ấn tượng khi phát biểu đại khái xây trên đất Việt do người Việt sử dụng thì là nhà Việt, xin thứ lỗi Bạn làm tôi phì cười vì cách luận như vầy. Bạn ơi Dinh 3 trên Đà Lạt có phải đâu nhà Việt?

8:43 Saturday,1.6.2013

Đăng bởi:  admin

@ Nghiêm Toàn: Soi muốn đưa cmt của bạn lên thành bài thay vì post vào phần Ý kiến - Thảo luận. Nếu được, Toàn gửi giúp Soi vài bức ảnh về nhà ống mà Toàn thấy là minh họa tốt cho bài, về soihouse.com.vn nhé. Cảm ơn Toàn nhiều.


 

15:51 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  lim dim

Tôi đồng ý với tác giả của bài viết Trịnh Lữ về quan điểm: “Tôi thì nghĩ rằng cái "tính" dân tộc nó phải là "phi vật chất" - mình phải tìm nó ở cái "ý thức sống".

Tuy nhiên, phải nói rộng ra một chút là “ý thức sống” ở đây là ý thức sống của cả một cộng đồng chứ không phải của một cá nhân nào. Căn nhà của cố họa sỹ Ngọc chỉ thể hiện “ý thức sống” của một cá nhân, nên không thể lấy đó ra làm ví dụ tiêu biểu cho “ý thức sống” của cộng đồng được. Nhưng nếu hỏi tôi là căn nhà của cố họa sỹ Ngọc có Việt hay không như tiêu đề của bài viết? Thì tôi trả lời là có Việt. Đơn giản vì họa sỹ là người Việt, và căn nhà được xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

Bây giờ xin được bàn rộng ra một chút về cái “Việt” hay còn gọi là “dân tộc tính” trong ý thức sống của cộng đồng thông qua cái nhà để ở nói chung. Cái “ý thức sống” của cộng đồng qua từng giai đoạn, từng thời kỳ của lịch sử nó có sự biến đổi. Nó biến đổi vì nó chịu sự tác động của hoàn cảnh xã hội trong thời kỳ đó, như: thể chế chính trị, nền kinh tế, trình độ khoa học kỹ thuật…... Thể chế chính trị hồi xưa là phong kiến, nền kinh tế là nông nghiệp lúa nước, trình độ khoa học kỹ thuật nói chung và về xây dựng nói riêng là rất sơ sài, không có kiến trúc sư thiết kế, không biết xây nhà bằng bản vẽ mà chỉ nhờ vào kinh nghiệm của người thợ cả, dụng cụ đo lường là thước tầm, đơn vị đo là sào Bắc bộ….v…vv…..Tất cả những cái đó nó hình thành nên “ý thức sống” của cộng đồng ở giai đoạn đó. “Ý thức sống” đó tạo ra hình thức ngôi nhà phù hợp với nó ở giai đoạn đó. Cho nên các thứ như bố cục L, U, Z gì đó, trước cau sau mít gì đó, 3 cột 6 cột gì đó, 3 gian 2 chái gì đó….. nó chỉ là hình thức của một sản phẩm được gọi là Nhà, và được dán một cái tem nhãn Made in Vietnam, của một giai đoạn lịch sử nào đó.

Còn ngày nay thì sao? Ai dám khẳng định là những ngôi nhà hình “ống” có mặt tiền 3 đến 4m, sâu có khi hàng chục mét, mọc lên chi chít ở thành thị và nông thôn, thậm chí cả ở miền núi và hải đảo, không phải là ngôi nhà Việt? Nó chẳng phải là “ý thức sống” của cộng đồng trong giai đoạn hiện nay hay sao?... Hỏi tức là trả lời.

9:29 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Anh Lê Phương!
 
Chúng ta đang trao đổi để tìm ra những nét thuần khiết, bản sắc của người Việt, ngõ hầu kiếm tìm một hướng đi cho nhà Việt trong ngày hôm nay chứ không phải chỉ là trao đổi riêng biệt về lịch sử kiến trúc.
 
Xin nói một chút về những gạch đầu dòng anh liệt kê trong cmt, nó là những điều kiện biến thiên, trong giai đoạn lịch sử tương đương, sắc dân  nào cũng gặp, không ở hình thức này thì hình thức khác. Sự khác biệt như tôi đã nói ở trên, có chăng như việc tổ mối ở rừng nhiệt đới thì khác tổ mối nơi sa mạc.
 
Khi các điều kiện áp đặt của lịch sử này thay đổi, việc cố học hỏi từ các giải pháp kỹ thuật, bố cục không gian của thời trước là không phù hợp, dù những hình ảnh, thành tịu, sự duyên dáng của nó không phải là không có sức cám dỗ nhất định.
 
Để đi tìm một điều gì đó sâu xa như dân tộc tính thì cá nhân tôi không đủ sức bởi sự nông cạn. Tuy vậy, để đi tìm cái gọi là thái độ ứng xử - nói một cách kiến trúc là giải pháp với các vấn đề gặp phải như tự nhiên (thổ nhưỡng, khí hậu) - xã hội (như những vấn đề anh liệt kê trong lịch sử) thì có thể thấy sự phù hợp, vừa vặn, khiêm nhường, không câu nệ việc sao chép miễn sao thích hợp với hoàn cảnh, đối tượng. Để gọi tên nó là như gì đó thật đặc sắc thì không phải, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi thì chí ít cũng đủ để kiến trúc ngày hôm nay cũng có cái gì đó đáng để nói, khỏi hổ thẹn với cha ông nghèo khó mà tài hoa ngày xưa.

8:51 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  Lê Phương

Gửi anh Trịnh Lữ,
Đề tài của anh đưa tưởng hẹp mà lại thực rộng, thậm chí có thể dùng làm đề tài nghiên cứu cho bậc sau Đại học. Thực vậy, nghiên cứu về nhà Việt song song đó cũng phải nghiên cứu cả về món lịch sử phát triển của con người, xã hội và tự nhiên, qua đó mới có sự lý giải gần đúng và tạm đủ.
Anh có viết : “Tôi thì nghĩ rằng cái "tính" dân tộc nó phải là "phi vật chất" - mình phải tìm nó ở cái "ý thức sống". Chắc là mỗi giống người, do cái ADN, đều có một ý thức sống riêng, và vì nó là ADN, nên chắc là nó bất biếN, trong khuôn khổ thời gian tiến hóa mà mình có thể mường tượng được. Cái ý thức sống này mới là cốt lõi của tính cách từng dân tộc”. Tôi nghĩ chưa chắc. Người Việt luôn sống trong sự sợ hãi và chi phối của 4 thứ: Lễ giáo, giặc cướp, sinh kế và thiên tai.
-      Lễ giáo phong kiến trong xã hội có Quân thần thứ dân. Con người sống trong sự thuần phục toàn diện.
-      Giặc cướp triền miên khiến cho cuộc sống bất ổn.
-      Sinh kế từ nông nghiệp, bám đất bám sông mà sống.
-      Thiên tai bão lũ thì hàng năm luôn phải chống chọi.
Chính các lẽ trên mà bản thân con người Việt phải tự tiến hóa để thích nghi tồn tại, từ ngay trong cách dựng nhà và rộng hơn là tổ chức quần cư làng xã. Còn vì sao thì chỉ cần suy diễn là thấy ngay nên tôi chắc không cần diễn giải. Nên anh nói “ý thức sống” thì có thể còn đúng nhưng nếu kèm thêm giống người với ADN thì chắc là không phải trật hướng rồi.
 
Còn về việc xác định căn nhà của anh có Việt hay không, nói lại tôi vẫn thấy không phải, kể cả bạn Tùng có viện dẫn ra mấy đặc điểm như vậy. Chẳng hạn thế này, nếu tôi đặt thêm 6 cái chiếu vào không gian làm việc, bổ sung vài chi tiết bằng tre, đặt vài viên đá trước lối ra vào, lợp rơm rạ lên mái thì nó bây giờ có giống nhà Nhật không nào? Kể cả chủ nhà là người Việt đứng ra trước cửa mời chào đi chăng nữa. Còn khía cạnh phi vật chất, thì chắc là hiếm người Việt có cách sinh hoạt như 1 họa sỹ thời hiện đại như thế này.
 
 

8:02 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  phó đức tùng

Cậu Trịnh Lữ
Cháu chưa bàn về thế nào là dân tộc tính. chỉ nói rằng nếu theo định nghĩa của Phương, lấy 1 nhà nông thôn bắc bộ là điển hình của dân tộc tính, với những đặc điểm, vừa liên quan tới nếp sinh hoạt, vừa là bố cục đặc trưng: bàn thờ ở chỗ trang trọng, đối diện cửa vào, tiếp khách cùng không gian bàn thờ, ở gian cạnh; ngủ ở gian chái, có hiên, giại vừa là không gian chuyển tiếp, vừa là không gian sinh hoạt quan trọng; công trình phụ ở nhà ngang v.v. thì nhà ông Ngọc không khác nguyên lý này về mặt bản chất, chẳng qua là gấp không gian, và là giải pháp cho một người sử dụng. Như vậy, critics hình thức của bạn Phương chưa chạm vào nội dung. Còn điều đó tất nhiên chưa đủ là lý do để coi nhà ông Ngọc là đại diện cho tính dân tộc.

7:15 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  trịnh lữ

Cám ơn các bạn đã bày tỏ quan điểm và trao đổi về vấn đề "dân tộc tính". Bản thân tôi cũng chưa có lời giải đáp cặn kẽ cho chính mình, nhưng các ý kiến của Toàn, Phương và Tùng đều có một tiền giả định (presupposition) giống nhau là "dân tộc tính" là phải tìm ở "truyền thống". Toàn và Phương nhìn nhận "truyền thống" ấy ở các giải pháp hình thức và kỹ thuật. Tùng nhìn nó ở sự có mặt của các công năng truyền thống mà Tùng gọi là "nội dung". Mà chỉ là của giải pháp nhà nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Phương đưa ra khái niệm về mẫu nhà "riêng" của một cá nhân người Việt (nhà ông Ngọc). 
Như vậy, các bạn đều có vẻ mặc nhiên coi ngôi nhà truyền thống của nông thôn Bắc Bộ là giải pháp kiến trúc vừa vặn cho lối sống Việt; và mặc nhiên lấy đó làm thước đo "dân tộc tính". Phương thì đo bằng hình thức, nên thấy nhà ông Ngọc không có dân tộc tính, nhưng hình như vẫn cảm thấy không ổn, nên đề nghị coi nó là một kiểu nhà Việt "riêng", có nghĩa là "không điển hình". Tùng đo bằng nội dung, nghĩa là sự có mặt của nếp sống truyền thống, nên thấy túp nhà nhà đó về bản chất chả khác gì nhà truyền thống, nghĩa là nó có "dân tộc tính".
Thực ra Phương cũng nhắc đến hai khía cạnh "vật chất" và "phi vật chất", nghĩa là đã để ý cả đến phần mà Tùng gọi là "nội dung" - nhưng lại chỉ dùng phần "vật chất" để nhìn nhận vấn đề. Tôi đoán rằng nếu Phương dùng cả phần "phi vật chất" để phân tích thì có lẽ đã có kết luận giống của Tùng.
Tôi thì nghĩ rằng cái "tính" dân tộc nó phải là "phi vật chất" - mình phải tìm nó ở cái "ý thức sống". Chắc là mỗi giống người, do cái ADN, đều có một ý thức sống riêng, và vì nó là ADN, nên chắc là nó bất biết, trong khuôn khổ thời gian tiến hóa mà mình có thể mường tượng được.  Cái ý thức sống này mới là cốt lõi của tính cách từng dân tộc. 
Các bạn nghĩ sao?
 
 
 

18:41 Thursday,30.5.2013

Đăng bởi:  phó đức tùng

Bạn Phương

Những bố cục chữ nhất, chữ U, L v.v. chỉ là hình thức bên ngoài. Tính đối xứng cũng chỉ là hình thức. Trong một căn nhà 5 gian (3 gian 2 chái) thì ta sẽ có bàn thờ ở giữa, 2 "phòng khách" hai bên, hai buồng ngủ. Khu phụ sẽ ở nhà ngang. Đó là cấu trúc bình thường cho một gia đình.  Tuy nhiên, nếu bạn có một mình, thì chỉ cần 1 phòng ngủ, 1 phòng khách, vậy giữ nguyên một căn nhà 5 gian sẽ là thừa, mà bỏ đi gian nào thì mất đối xứng.

Căn nhà của ông Ngọc bản chất không khác gì nhà truyền thống. Có chỗ để bàn thờ, và chỗ này đối diện với cửa tiếp cận vào phòng khách, có nghĩa là vẫn ở vị trí trang nghiêm nhất nhà. Bên cạnh bàn thờ vẫn là phòng khách. Phòng ngủ có thể coi như chái nhà gập lại sang cạng bên kia, không vì thế mà thay đổi bản chất công năng. Khu phụ vẫn ở nhà ngang. Và cổng vào nhà bạn có thể coi như cổng vào một khuôn viên, cổng này không thể chiếu thẳng vào bàn thờ, mà phải gấp khúc. Ngoài ra, nhà việt có không gian nửa đóng là phần hiên rất quan trọng, có thể ngồi chơi, làm việc, ăn cơm, uống trà xanh v.v. thì nhà ông Ngọc vẫn có.

Nói chung cần xem nội dung, không nên chỉ nhìn vào hình thức bề ngoài.

18:19 Thursday,30.5.2013

Đăng bởi:  Lê Phương

Gửi anh Trịnh Lữ:

Anh đặt câu hỏi như sau: "Các bạn làm và thích kiến trúc thử cho biết xem ngôi nhà này là Việt hay không Việt, và tại sao bạn nghĩ như thế."

Tôi kẹt công việc nên hôm nay mới coi kỹ bài viết và thấy rằng, nét bút của bản vẽ thật là tài hoa, kiểu vẽ này bây giờ các em nhà kiến không đứa nào chịu theo mà phó mặc hết thảy cho máy móc. Nhưng mà cũng đúng, máy móc nhanh và chính xác hơn, quan trọng là đỡ bị dơ bẩn. Cái dơ bẩn do chì mực màu cùng nét bụi bặm phong trần hiện chắc thành dĩ vãng mất đã xa rồi, hơi lãng xẹt vì hoài niệm một chút, anh thông cảm nhé.

Trở lại với câu hỏi của anh, để xét một ngôi nhà có Việt hay không phải xem xét và so sánh ngôi nhà đó về các yếu tố vật chất dễ thấy nhất (hình thức kiến trúc, chi tiết và cách bố cục) và phi vật chất (tức lối sinh hoạt, tín ngưỡng...) với căn nhà mẫu nào đó mà ta cho rằng đó là thuần Việt. Với căn nhà này tôi thấy đây không phài là ngôi nhà thuần Việt, ít nhất là ở góc độ vật chất tức kiến trúc căn nhà và để ngắn gọn, xin chỉ nêu vài đặc điểm của nhà Việt như sau:

Một là: nhà Việt có cách bố cục đối xứng và có dạng chữ "nhất" được sử dụng đa số, ngoài ra với nhà khá giả còn có 1 đến 2 nhà ngang tạo thành chữ L, U, H với bố cục này có thể thấy khắp từ Bắc đến Nam.

Hai là: Mặt cắt ngang nhà có từ 3, đến 6 cột (2 cột cái và các cột quân), vì kèo chồng rường giá chiêng hoặc giả thủ sau này. Ngoài ra còn có tỷ lệ chiều cao mái với chiều cao tường nhà, độ dốc mái và góc cong của con lươn.  

Ba là: Luôn luôn có nơi thờ cúng tổ tiên được đặt tại gian giữa nhà, bài trí trang trọng, chái nhà dùng làm chỗ tiếp khách, ăn, ngủ. khu phụ bố trí ở nhà ngang.

Qua một số chi tiết vừa nêu có thể thấy, căn nhà này có bố cục tự do, lối vào nhà không dẫn đến trang thờ, vị trí trung tâm là nơi ngủ và làm việc của chủ nhà. Ngoài ra hệ kết cấu nhà không cho thấy sự tồn tại của các chi tiết quen thuộc. Như vậy chỉ riêng phần kiến trúc đã xác định đây không là ngôi nhà Việt. Còn nó giống kiểu nhà nào thì chắc "Tây" thì chắc chắn không phải rồi.

Mà thật ra có xét kỹ thêm thì có thể thấy bố trí công năng cho cuộc sống hàng ngày không thấy có phản phất nét sinh hoạt truyền thống Việt. Nếu có danh từ đại khái như ngôi nhà "Việt riêng" thì có thể dùng được vì dù sao nó cũng đáp ứng được ít nhất 2 cá thể là tác giả và chủ nhà người Việt.
 

14:42 Wednesday,29.5.2013

Đăng bởi:  lim dim

Vấn đề không phải là Việt hay Tây. Vấn đề là căn nhà nó phù hợp với sở thích và lối sống của người chủ nhà.

9:54 Wednesday,29.5.2013

Đăng bởi:  candid

Rất thích các bản vẽ của bác Trịnh Lữ. Không ngờ dịch giả của những tác phẩm như Con nhân mã trong vườn, Cuộc đời của Pi mà em rất thích lại có tài thiết kế như thế.

9:52 Wednesday,29.5.2013

Đăng bởi:  admin

@ Nghiêm Toàn: Cmt của bạn Soi đã đưa lên thành bài. Bài có tên: "Kiến trúc hãy như người thợ may. Chủ nhà cần mặc áo vừa vặn". Toàn vào đọc nhé.

9:03 Wednesday,29.5.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Chú Trịnh Lữ.
 
Cháu không có diễm phúc được xem tận mắt căn nhà của ông, tuy vậy, cháu cũng có cơ hội "sống" trong căn nhà "bản sao" của nó mà anh Tùng làm trên Xuân Mai. Với tình cảm sâu nặng của chú khi vẽ lại căn nhà theo ký ức, anh Tùng thậm chí còn tự tay làm hẳn một ngôi nhà theo cấu trúc đó, hẳn ngoài tình cảm dành cho ông thì căn nhà cũng phải có điều gì đặc biệt hơn là chỉ một ký ức.
 
Trở lại câu chuyện của về ngôi nhà Việt, có lẽ cháu tự đặt ra một câu hỏi: Điều gì làm nên một ngôi nhà Việt và cái gì thay đổi theo thời gian?.
 
Căn nhà thường được lấy làm điển hình cho ngôi nhà Việt: Nhà ở nông thôn Bắc Bộ, việc mọi người cứ nói mãi về ba gian hai chái, trước cau sau chuối, thượng song hạ bản, bức dại trước hiên nhà như là cái gì đó thật đặc sắc thì cá nhân cháu e hơi tự trào thái quá, nhất là khi so sánh với nhà ở dân gian điển hình của các nước khác, các dân tộc khác. Sự khác biệt có chăng giống như tổ mối ở rừng nhiệt đới thì khác tổ mối trong sa mạc, tổ kiến đen ắt khác tổ kiến vàng. Khiêm tốn mà nói, tổ kiến đen nhà ta so với tổ kiến vàng nhà các bạn có lẽ không bằng, ở những nét dị biệt mà kiến đen, với sự xuề xòa vốn có, sự hoàn thiện hoàn hảo đến mức rách việc là ít thấy.
 
Vậy, cái gì làm nên một ngôi nhà Việt?

Theo cháu, đó là sự nhìn nhận nghiêm túc về những nét khác biệt của người Việt so với các dân tộc khác, nhìn nhận nghiêm túc về những điều kiện về khí hậu, đất đai. Có những yếu tố là bất biến, có những yếu tố như lối sống, công nghệ là thay đổi theo thời gian.
 
Với truyền thống đáng buồn của sự nghèo khó, nên không có gì khó hiểu khi điều kiện này có chút thay đổi, nhiều người ngay lập tức sắm cho mình những thứ hào nhoáng đắt tiền sao chép từ bên ngoài, việc này cũng tự nhiên và dễ hiểu và thông cảm thôi. Đáng thương là nó mãi là vật đi mượn, ông chủ biến thành kẻ ở nhờ trong ngôi nhà của chính mình mà không nhận ra.
 
Kiến trúc, không gì tốt hơn là hãy như người thợ may, nhìn sâu vào cá tính, khuyết tật của khách hàng mà mình phục vụ mà may cho họ tấm áo vừa vặn, cùng công việc với những người kiến trúc sư thợ mộc ngày xưa, ấy mới là tấm áo hàng hiệu, là một ngôi nhà Việt, của người Việt, cho người Việt.
 
Trở lại ngôi nhà của ông, ông đã tự may cho mình một tấm áo vừa vặn, phù hợp với công việc, lối sống, sở thích của ông và ông là người Việt, vậy theo cháu, đâu cần đặt ra câu hỏi ấy nữa hả chú.
 
Chúc chú và mọi người trong gia đình mạnh khỏe.

8:37 Wednesday,29.5.2013

Đăng bởi:  Phun

Quách Hải Thảo thực là máy móc.

8:30 Wednesday,29.5.2013

Đăng bởi:  QUÁCH HẢI THẢO

Có bản vẽ cad kích thước, số liệu cụ thể hơn không? bao gồm: Mặt bằng và tổng mặt bằng...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả