Bàn luận

Kiến trúc hãy như người thợ may.
Chủ nhà cần mặc áo vừa vặn.

Chú Trịnh Lữ, Cháu không có diễm phúc được xem tận mắt căn nhà của ông, tuy vậy, cháu cũng có cơ hội “sống” trong căn nhà “bản sao” của nó mà anh Tùng làm trên Xuân Mai. Với tình cảm sâu nặng của chú khi vẽ lại căn nhà theo ký ức, anh Tùng thậm […]

Ý kiến - Thảo luận

10:43 Monday,3.6.2013

Đăng bởi:  Uyên Lê

@Nghiêm Toàn: mình hiểu hẹp, vừa vặn là về kích thước, nên mình cũng đồng ý vậy, còn Nghiêm Toàn nói rộng ra, nếu vừa vặn tức là phù hợp, với hoàn cảnh, vị trí xã hội, công việc, tuổi tác, thời đại, sở thích, form người, và vừa vặn về thẫm mỹ nữa thì mỗi cá nhân sẽ có một chiếc áo hàng độc, không đụng hàng. Vậy mình không cùng quan điểm với Nghiêm Toàn đâu. Thế còn nhà thiết kế thời trang làm gì, thợ may mà ở tầm đó thì...

7:53 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

@Uyên Lê: Mình quả không bao giờ có ý muốn làm người khác phật ý, nhất là với phụ nữ, quả là tội to. Nếu như có ai đó thấp tầm thì hẳn là mình, bằng chứng là nói gì mơ hồ chả ai hiểu.
@Mây: Cũng thú vị Mây à, cũng chỉ là cách gọi thôi, kiến trúc sư là người sửa soạn, chọn nguyên liệu, người thưởng thức là chủ nhà, với sở thích và một số nguyên liệu chọn sẵn, nêm nếm, dùng cái nào, bỏ cái nào là ở người đầu bếp. Nếu nồi lẩu mà người ăn thấy vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe, người ở ngoài thấy người ăn hít hà, nghe hương vị mà cũng thấy hấp dẫn thì còn gì bằng.
Như mình đã trình bày, người Việt không mạnh về chủ thuyết, bởi vậy có lẽ không nên dùng sở đoản. Phù hợp, vừa vặn, khiêm nhường, không câu nệ việc sao chép miễn sao thích hợp với hoàn cảnh, đối tượng. Cộng thêm chút duyên và riêng khéo léo của người đầu bếp, đó đã là đủ làm nên bản sắc cho ngôi nhà Việt - điều mà lâu nay ít thấy hoặc quá nhạt nhòa.

22:24 Thursday,30.5.2013

Đăng bởi:  MÂY

Mình thì thấy kiến trúc giống như làm món lẩu hơn. :) Người làm (kts), người ăn (chủ đầu tư) ... nói chung là tất cả các thành phần có liên quan đều có thể tham gia bằng một thứ gì đó. Ví như, ông chủ đầu tư bảo là muốn thế lọ thế chai, đến ông kts thì lại bảo nên méo nên tròn, rồi đến lúc làm có khi bà hàng xóm lại bảo nên thẳng nên cong. Túm lại là tạp nham hằm bà lằm như ... làm lẩu. Tuy thế mà đâu đó và thế nào đấy ... vẫn ăn (dùng) được. May thì ngon (tốt - đẹp) và hoành tráng nữa thì gọi là nghệ thuật.
 
Vui một chút và cũng là để nói tiếp chuyện "dân tộc tính" cho nó dễ vào.
 
Chuyện là bây giờ có anh khó tính bảo giờ ông làm tôi nồi "lẩu" có tí chút/nhiều nhiều/đậm đà (mức độ tùy khả năng!?) cái "dân tộc tính". Nhỉ!? Xong anh còn tử tế gợi ý là thử cho tý "lối sống việt" vào xem! Có vẻ vẫn hơi trừu tượng thì ... ờ ... đại loại là "giản dị gọn sạch thoáng rộng, với những nét duyên thầm chắt lọc từ thiên nhiên và văn hóa". Mà tiện thi sao không cho cả "tư tưởng việt", "kỹ thuật việt", "văn hóa việt" ... vào thử xem. Biết đâu, đâu đó, thế nào đấy ... lại chẳng đậm đà "dân tộc tính". Lẩu mà !!! :)
 
Đối với món lẩu, để ra được vị chính hẳn sẽ phải có cái thành phần gọi là chính/quan trọng. Như lẩu gà là gà!? Lẩu bò là bò!? ... Với kiến trúc và nhà ở mình nghĩ có gì đó tương tự. Cụ thể là, để ra được cái vị "dân tộc tính" ắt cũng phải có cái gì đó từ cái "tính cách" của xứ sở này mà kiểu gì thì kiểu cũng phải CÓ. Về nguyên lý là như vậy!? Sau đây mình cũng "liều mạng" mà liệt kê thử, rồi ra mọi người cho ý kiến giúp nhé! :)
 
Đầu tiên, như bác Trịnh Lữ chỉ ra mà mình cũng đồng ý thì đó có thể là "lối sống việt" mà cụ tỷ là "giản dị gọn sạch thoáng rộng, với những nét duyên thầm chắt lọc từ thiên nhiên và văn hóa".
 
Hai thì có thể là "tư tưởng việt"? Cụ tỷ có thể là "thuyết tam tài" và bộ ba "Nho - Lão - Phật". Cái ý có lẽ nên tìm tư tưởng cho kiến trúc Việt trong thuyết tam tài và bộ ba Nho - Lão - Phật" thực ra là ý có nguồn gốc tứ một bài báo trên tạp chí Kiến Trúc (Số 6 (80) 1999 , trang 32) của anh Phó Đức Tùng.
 
Rồi "kỹ thuật Việt". Cụ tỷ có thể xem lại xem với trình độ kỹ thuật rõ ràng là thấp như ở ta hện nay, kts ta có thể làm gì? Hay như cách Võ Trọng Nghĩa đang làm chẳng hạn cũng có thể là một cái gì đó!?
 
Rồi gì nữa nhỉ!? Văn hóa, phong thổ!?
 
Mời mọi người cho ý kiến!!!
 
 

19:41 Thursday,30.5.2013

Đăng bởi:  Uyen Le

@ Nghiêm Toàn: Bạn nói: "Có vẻ bạn Uyên Lê nhà mình đậm chất kỹ thuật quá, nên hiểu việc may đo một cách quá chi tiết. Quả thật, việc đặt tên cho một lý thuyết mơ hồ là khá khó khăn, mình chọn "may đo" vì có vẻ nó gần nhất, nhưng không kỹ thuật như bạn."

Xin lỗi nghe, nghe tới 2 chữ "thợ may" và "vừa vặn" mình chỉ nghĩ đến kích thước quần áo, không nghĩ được nhiều và rộng, chắc mình thấp tầm. Nếu là "chủ nhà cần được mặc áo phù hợp" thì mình mới hiểu rộng hơn.

10:57 Thursday,30.5.2013

Đăng bởi:  Trịnh Lữ

Nghiêm Toàn,


Những suy nghĩ của cháu về ý thức sống của người Việt là rất hay. Nhưng có thể thêm một điểm nữa: người mình rât giỏi thích ứng những giải pháp của người khác và biến nó thành của mình, như có thể thấy khi cháu nhận định về cái nhà sàn nhỏ xíu của ông. Nhiều nhà ống đô thị hiện nay chú cũng thấy thể hiện rất giỏi cái ý thức ấy, chỉ có điều sự thích ứng ấy thường thiếu ý thức giản dị gọn nhẹ vốn là cốt lõi của người Việt. Đừng nên coi việc mình không có công trình gì như Angkor, tháp Chàm... là yếu kém. Những "hạn chế" về tín ngưỡng, triết học... nếu nghĩ rộng và sâu hơn thì lại thấy rằng người Việt không bị những "gông cùm" ấy câu thúc, không bị quá khích trong cách nhìn cách nghĩ và cách làm. Từ đó, nếu biết tìm hiểu sự thích ứng và sáng tạo vốn là cốt lõi của tiến hóa của cả thiên nhiên lẫn xã hội con người, thì mình có thể rất tự do và sảng khoái trong việc đi tìm những giải pháp trong kiến trúc. Và với ý thức ấy, mình cũng có một cách nhìn nhận mới về "dân tộc tính". Một nhà ở bây giờ hoàn toàn có quyền tận dụng mọi công nghệ và sản phẩm của thế giới, nhưng nếu chỉ noi theo cách sống cầu kỳ nặng về bày hàng khoe của thì thành bắt chước, còn nếu biết thích ứng chúng vào một nếp sống giản dị gọn sạch thoáng rộng, với những nét duyên thầm chắt lọc từ thiên nhiên và văn hóa của xứ sở này, thì thể nào cũng ra được một căn nhà hiện đại có cá tính Việt.
 

10:00 Thursday,30.5.2013

Đăng bởi:  candid

Nhà Việt em nghĩ cũng tùy vùng miền, nhà ở quê em ở miền Trung thì có cái dại để chắn nắng trước nhà như thế nhưng ở Hải Phòng mấy cái nhà lim cổ các cụ nhà em xây hồi đầu thế kỷ 20 thì lại không có. Nhà lim kiểu 3 gian hai chái, ở giữa là gian thờ. Bếp thì tách riêng ra. Rồi có nhiều điểm khác nhau nho nhỏ mà em cũng không nhớ hết.

8:31 Thursday,30.5.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

@ Uyên Lê: Có vẻ bạn Uyên Lê nhà mình đậm chất kỹ thuật quá, nên hiểu việc may đo một cách quá chi tiết. Quả thật, việc đặt tên cho một  lý thuyết mơ hồ là khá khó khăn, mình chọn "may đo" vì có vẻ nó gần nhất, nhưng không kỹ thuật như bạn.
 
@ Chú Trịnh Lữ: Cảm ơn chú vì đã kỳ vọng và đặt cho tụi cháu một đề tài quá cao. Làm kiến trúc quả cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới. Tuy vậy, dù không còn trẻ nhưng sự trải nghiệm, chiêm nghiệm một cách sâu sắc mang tính định tính có lẽ còn nông cạn, nhất là ở điều kiện giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa khác dù có nhưng chưa đủ để cảm nhận và chiêm nghiệm lại về sự khác biệt của bản thân mình, dân tộc mình. Do vậy, trong bài cmt, dù có ý thức rõ ràng về điều đó, cháu cũng không dám đưa nhận định chủ quan nông cạn của mình.
 
Nếu mạnh dạn mà đưa ra ý kiến chủ quan của mình, có lẽ cháu xin mạo muội như thế này:
 
Về mặt tư duy triết học và tôn giáo: Có lẽ không phải là điểm mạnh của người Việt, ở kiến trúc, các hình thức ngôn ngữ biểu tượng, biểu trưng so sánh với các dân tộc Đông Nam Á khác là kém đặc sắc – là những sản phẩm mang dấu vết của sự khéo léo hơn là biểu trưng của một triết học, tôn giáo đằng sau nó.
 
Về mặt kinh tế: Với truyền thống nghèo khổ, nguồn lực dành cho kiến trúc là ít ỏi, vật liệu kém bền vững, những thứ kỳ vĩ như Angkor Vat, Angkor Thom là không thể có, đến những thứ nhỏ xinh như tháp Chàm, dù nằm trên đất Việt hiện tại nhưng không phải sản phẩm của dân tộc Kinh – đại diện cho người Việt.
 
Về mặt thói quen, tập quán: Ảnh hưởng từ mô hình xã hội linh hoạt, có thể nói là thói quen sinh hoạt tùy tiện, ưu điểm của nó là kể cả nhà dân gian cổ truyền, do ít bị khống chế bởi các không gian định danh ước lệ nên không gian linh hoạt.
 
Về mặt cá tính: Học (bắt chước) nhanh chóng nhưng thiếu sâu sắc nên ít thấy đỉnh cao. Quan niệm về sự hoàn hảo ở mức tương đối, dễ dãi nên cái lớn như công trình kiến trúc, cái nhỏ như cái bát cái đĩa xem kỹ thì nhiều lỗi, khuyết tật bị bỏ qua. Sự hoàn hảo đến mức rách việc là ít thấy.
 
Do vậy, biểu trưng cho các cá tính trên là ngôi nhà Việt như ta thấy, ngoài những vấn đề ảnh hưởng bởi địa hình, địa vật, thời tiết khí hậu thì là những căn nhà nhỏ bé, xinh xắn, linh hoạt. Nhất là đặc biệt tiết kiệm, từ cách sử dụng, tận dụng vật liệu thừa, hầu như không có chi tiết nào là thừa thãi – ngược lại với ngôi nhà Việt bây giờ, nhặt một lúc thì chắc phải có một rổ những thứ thừa thãi tốn kém mà chả biết dùng để làm gì, thậm chí bỏ đi thì đẹp và tiện dụng hơn.
 
Cũng như cháu đã trình bày ở trên, cấu trúc, cấu tạo, vật liệu là thứ thay đổi theo thời gian và công nghệ cho nên quy về mấy cái đầu đao tàu mái mà đo ni đóng giày cho nhà Việt e tủi thân cho người Việt quá. Dù không thể phủ nhận, nó cũng là một đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật.
 
Trở lại với ngôi nhà của ông, cấu trúc, kết cấu ngôi nhà dù bằng gỗ, mái ngói nhưng các chi tiết cấu tạo, hình thức cột kèo là hoàn toàn hiện đại, hoàn toàn khác với nhà gỗ truyền thống với hệ cột cái, cột biên, thượng thực hạ hư...Cũng như chú đã nói, dù sao, nhà của ông là một dị biệt cho một lối sống riêng, không đủ cấu trúc cho một gia đình sinh hoạt như một ngôi nhà Việt điển hình.
 
Từ một hình vẽ ngôi nhà, không hiểu rõ về cách thức làm ra nó cũng như cá tính, lối sống của chủ nhân thì để bàn luận về nó thì thật khó khăn. Cháu nghĩ, chú là người hiểu ông nhất, hơn nữa lại chính là người phụ giúp cho ông để dựng căn nhà phân tích về nó thì có lẽ công bằng hơn.
 
Mong tin chú.
 
 

23:53 Wednesday,29.5.2013

Đăng bởi:  Trịnh Lữ

Cám ơn Nghiêm Toàn. Ý kiến về kiến trúc sư nên như thợ may giỏi - nhà cửa và quần áo phải vừa vặn với người sử dụng về cả công năng, sở thích và lối sống - là một ý kiến hay và đúng ở mọi nền văn hóa khác nhau. Nhưng nếu nói rằng hễ đã là người Việt, mà làm được thế, thì sản phẩm tất nhiên sẽ là sản phẩm Việt, khỏi cần phải đặt vấn đề ấy nữa, thì chưa phải là ý kiến của một kiến trúc sư đang có ý đi tìm "dân tộc tính" cho nghề của mình.
Việc đi tìm "dân tộc tính" trong kiến trúc cũng như các nghệ thuật khác cho đến nay vẫn có vẻ chỉ là tìm ở bề ngoài, ở các giải pháp hình thức và kỹ thuật nhìn thấy sờ thấy. Mà hình thức và kỹ thuật là hai biến số theo thời gian, mỗi thời mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác. Ba cái nhà có ảnh mà SOI đăng kèm ý kiến của Toàn về thực chất là minh họa cho tính đa dạng của hai biến số ấy. Nó cho thấy rằng nhà Việt Nam có những hình thức và giải pháp kỹ thuật rất khác nhau, tùy thời tùy nơi. Cái chung nhất của ba cái nhà minh họa và nhà của ông Ngọc mà Toàn nhận ra là: chúng đều "vừa vặn" với nhu cầu và sở thích của người sử dụng. Nhưng với ba ngôi nhà "dân gian" kia thì ai cũng dễ dàng công nhận ngay chúng là kiến trúc Việt. Còn nhà của ông Ngọc thì không phải vậy - đã có rất nhiều trí thức cũng như người lao động quen biết ông đã nói với tôi rằng "ông cụ làm cái nhà tây thật, sống tây ghê..." Vì quả thực là giải pháp hình thức và kỹ thuật của ông Ngọc có vẻ rất khác với kiến trúc truyền thống Việt Nam. Đó là lý do tôi nêu câu hỏi nhà này là Việt hay tây, hy vọng có thể gợi ý cho những ý kiến về "dân tộc tính" trong kiến trúc Việt Nam. Tôi thì cho rằng nhà ông Ngọc có thể được coi là một tiêu bản kiến trúc Việt Nam, vì nó được làm với ý thức sống, lối sống đặc thù của người Việt. Nhận ra được cái "lối sống Việt" ấy và lấy nó làm cơ sở cho sáng tạo kiến trúc, thì sẽ tìm ra được những giải pháp kỹ thuật và hình thức "vừa vặn" nhất với thời đại của mình, không còn bị câu nệ vào hình thức xưa cũ, mà cũng không lai căng vô lối.
Toàn và các bạn kiến trúc sư khác thử nghĩ xem, cái ý thức và thái độ sống của người Việt tự ngàn xưa đến giờ có cái gì là đặc biệt, khác với các giống tây tầu đen trắng vàng ở các nơi khác?
 
 

22:43 Wednesday,29.5.2013

Đăng bởi:  madam

Ô, giờ mới nhìn lại hình như nhà trong ảnh là nhà 5 gian, cửa gỗ kiên cố chứ không giống nhà ông em. Chắc bồi hồi quá. Hai chái nhà em lợp rạ :)

20:08 Wednesday,29.5.2013

Đăng bởi:  madam

Nhà ba gian hai chái trong ảnh giống hệt nhà của ông nội em ở quê ngày xưa, đằng trước cũng có hai cái dại như thế, tường thì trộn (bùn??? không trắc lắm) với trấu, rơm và vôi rồi đắp lên phên đan bằng tre. Buổi sáng sớm nằm trong phản, gác chân lên tường ngắm nắng xiên qua dại thành những vệt dài lóng lánh mà đầy khói bà em đun bếp (rơm, rác là chính) sao mà thích thế. Mà em nhớ là ở quê và nhà vệ sinh tách biệt nhau và tách biệt nhà luôn. Một bên trái của nhà ông bà thì quây kín có tường để chứa thóc, ngô, chạn, tủ nữa, cửa đóng luôn. Một bên trái nhà thì để để cái cối xay lúa to cộ nên không quây tường, chỉ có mái rạ thôi, thông cả ba mặt. Lúc nào mưa em hay ra ngồi trên cái cối rồi thò chân ra hứng nước mưa từ chỗ giọt gianh. Giường thờ để gian chính giữa có 3 tầng luôn, mỗi tầng lại nhỏ dần và trên cùng là cái giá gương. Tầng cuối cùng ông em phải để tới cả trăm chai nước mưa (ngày xưa là chai 65 nút lá chuối ấy) hứng trên mái nhà, mỗi lần uống là ngọt lịm nhé. Ngọt thật í hay là vì mình nhỏ ký ức đẹp nên nó vậy. Ôi giờ em lấy mồn một cảnh nhà của ông bà nội trong đầu mới chết, cả cái vườn, cả cái giếng, cái bể, vườn cây ao cá. Mà ông bà em chỉ là nông dân nghèo thôi, không địa chủ gì hết nhé. Tiếc là đến hồi nhà em có cái máy ảnh để chụp thì các anh chị con bác đã phá nhà đi xây nhà mới rồi. Xin lỗi mọi người tự dưng lan man ở đây thế này.

19:57 Wednesday,29.5.2013

Đăng bởi:  Uyen Le

Mình theo nghề quy hoạch. Làm dự án, trong đó có vẽ các mặt bằng nhà minh họa cho giải pháp sử dụng không gian. Khi vẽ mặt bằng nhà thì chọn diện tích nhỏ và các thiết bị vật dụng nhỏ gọn, nhưng vẫn đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế (pháp luật bắt buộc như vậy-phải đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế), và phải có bán trên thị trường. Mình nghĩ vậy được rồi. Còn làm nhà ở cho từng đối tượng khách hàng cụ thể, cũng rất khó đáp ứng vật dụng thiết bị được đo ni đóng tấc cho phù hợp. Người Việt thì thấp lùn so với Tây, nhưng có bề ngang. Chuyện bỏ chuẩn Nơ-phe để xây dựng chuẩn Việt dựa trên tầm vóc người Việt hay không là chuyện của các nhà kiến trúc tầm cỡ, mình không dám bàn. Mà tầm vóc người Việt ngày một cải thiện. Nếu đo ni đóng tấc cho vừa vặn với từng chủ nhà, lấy trung bình cũng không đúng với từng cá nhân. 

19:00 Wednesday,29.5.2013

Đăng bởi:  Uyen Le

Mình trước giờ vẫn nghĩ vậy. Nhưng tương đối thôi, và tùy hoàn cảnh. Bởi đồ nội thất, bàn ghế vật dụng bán sẵn đều làm theo tiêu chuẩn quốc tế mà, không gian ở phụ thuộc vào những thứ đặt trong nó, còn nếu thiết kế tất cả, đặt làm thì không phải ai cũng có điều kiện, rất công phu và tốn kém. Như quần áo bán sẵn thì rẻ, còn đi may thì đắt tiền.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả