Gẫm & Bình

Xin đừng khao khát sự khác biệt

  Tôi vẫn nghĩ “khác biệt” không phải, và do đó không nên là “sự khao khát trong sáng tạo của mỗi người nghệ sỹ”. Muốn không giống ai, thì phải luôn để ý xem mọi người đang làm gì và như thế nào, và hễ thấy mình hơi có vẻ bị ảnh hưởng của […]

Ý kiến - Thảo luận

10:46 Sunday,9.6.2013

Đăng bởi:  Cu ly lều báo

@ Quỳnh Mây
Mình cũng hay đau khổ vì viết bài nào đó không được đăng, sau lại thấy cái gần như đó xuất hiện ở một chỗ khác. Sau đó cũng "dịu" đi: cũng có thể trên nền một hiện thực, nhiều người cùng phát sinh cảm nhận cùng hướng; mình cũng từng lượm ý tưởng nguyên khai ở đâu đó, của ai đó, rồi phát triển; ai đó đã vô thức lượm ý của mình, rồi khi phát triển, lại "vô tình" đi đúng hướng mình đã phát triển... Nếu ngụy biện thì cũng vô hại, vì nó như một thứ thuốc giảm đau của con nhà ngoài vỉa hè muốn bán thứ hàng mà COCC đã sẵn đặc quyền phân phối.
"Tóc rối" phải không? Vấn đề là mình muốn phân tích sự khác biệt giữa bọn ký giả (thật) với nghệ sĩ (chân chính). Cả hai category "mua vui thiên hạ" này cùng làm việc dựa trên hứng (chứ không phải trên ý đố chỉ đạo, chẳng qua khi họ sinh nghệ tử nghệ rồi, thì nhiều khi họ cộng hưởng tần số về một thực tại bearing trước cả khi lãnh đạo cảm thấy...). Nhưng với nghệ sĩ, cái hứng quyan trọng hơn nhiều, xuýt nữa thì quyết định. Với ký giả, họ chỉ huy đội quân chữ của mình, họ máu lạnh hơn. Ý mình là để có nhiều tác phẩm hay, đừng dại "phá" cải hứng của nghệ sĩ (hứng nghệ sĩ rất ghê gớm, theo cả hai chiều ngược nhau - điều mà nhà báo vỉa hè này đã cảm thấy khi đứng bên cạnh nghệ sĩ Việt, Nga...) Thân ái.

10:44 Sunday,9.6.2013

Đăng bởi:  admin

@ Lê Phương: Cmt của bạn Soi sẽ đưa lên thành bài nhé. Bài có tên "Bàn thêm về vẻ ngoài của nghệ sỹ". Cảm ơn Lê Phương

22:19 Saturday,8.6.2013

Đăng bởi:  Quỳnh Mây

Chú Trịnh Lữ ơi,
Cháu mới là cô giáo có CLB triển lãm ở trung tâm KH&VH Nga ạ. Không phải bạn Mây thường comment ở Soi đâu. Cháu ít có thời gian rảnh nên thường đọc nhanh lấy thông tin hiếm khi bay nhảy, comment,.v.v.
Cháu rất thích bài này của chú vì trước kia cháu đã từng có nhiều ý tưởng, sau đó thấy người khác triển lãm mà dùng ý tưởng hao hao giống cháu là cháu bỏ dở luôn dù đã xây dựng khá công phu rồi. Đôi khi thấy thèm được như các bạn khác không bị trói buộc bởi hoàn cảnh, bởi đôi khi thấy mình không có thời gian để đua.
Bây giờ cháu cũng nghĩ thoáng hơn rồi chú ạ.

14:20 Saturday,8.6.2013

Đăng bởi:  Trịnh Lữ

Cám ơn các bạn đã có lời bàn bạc về chuyện “Xin đừng khao khát sự khác biệt”. Cho đến giờ, tôi thấy có ba luồng phản hồi như sau:


(1). Hiểu, đồng tình và hoan nghênh những luận điểm của bài viết;

(2). Cho rằng bài này, cũng như bài của anh Đỗ Đức, đều chỉ có ý phê phán cái cố tình lập dị bề ngoài của nghệ sỹ, nên người dị ứng với lập dị thì hoan hô bài viết, người không như vậy thì lên tiếng bênh vực rằng lập dị là cần thiết và đáng yêu.

(3). Hiểu mệnh đề “khao khát sự khác biệt” thành “khao khát sáng tạo sự khác biệt”, nên hơi lúng túng vì thấy mình vừa đồng tình vừa chưa đồng tình với bài viết, rồi đi đến kết luận rằng “việc đưa ra luận thuyết lý do làm nghệ thuật không phải tạo ra sự khác biệt là một tư tưởng lớn, không phải là mệnh đề mà là kết quả của một chặng đường.”

Tôi rất vui với luồng phản hồi (1), vì thấy mình không đơn độc như vẫn tưởng, và hy vọng các bạn cùng ý nghĩ như tôi sẽ có dịp phân tích sâu hơn các khía cạnh của mệnh đề “Khao khát sự khác biệt không phải là LÝ DO CHÍNH ĐÁNG của sáng tạo nghệ thuật”, cũng như chủ đề “vô ngã” trong sáng tác – với rất nhiều khía cạnh quan trọng và thú vị về phong cách trong sáng tạo nghệ thuật.

Với luồng phản hồi (2), tôi xin nói rằng theo cách hiểu của tôi, thì anh Đỗ Đức muốn phê phán nhắc nhở các bạn nghệ sỹ không nên tạo ra sự “khác biệt” cho các sáng tác của mình bằng cách phô bày cái “khác người” – nhưng lại ngại nói thẳng, nên viết bài ấy, dùng luận điểm “Khác biệt là sự khao khát trong sáng tạo của mỗi người làm nghệ thuật” để phản bác cái khao khát “khác người”.

Tôi hoàn toàn hiểu lí do của anh Đỗ Đức – một lí do chính đáng trước hiện trạng của giới nghệ thuật hiện nay. Nhưng mặt khác, bài viết của anh lại làm người đọc hiểu rằng cái khát khao duy nhất của người làm nghệ thuật là khát khao sự khác biệt, rằng các nghệ sỹ sở dĩ thành danh là vì họ đã khổ công đi tìm cái khác biệt; và nguy hiểm hơn nữa, người đọc sẽ nghĩ và tin rằng tạo ra sự khác biệt là lý do của sáng tạo nghệ thuật. Bài của tôi chỉ là lời bàn về chuyện này, không đả động gì đến chuyện nghệ sỹ lập dị thì đáng ghét hay đáng yêu, dởm hay không dởm. Xin trích một trao đổi ngoài SOI với một người bạn có ý kiến về bài của tôi:


Bạn: Có lẽ vì muốn khác biệt, nhiều nghệ sỹ cứ phải lập dị.


Trịnh Lữ: Mình thấy lập dị đáng yêu chứ không đáng ghét. Mình chỉ không đồng tình chuyện cho cái khao khát khác biệt là động lực và lý do của sáng tạo nghệ thuật.


Bạn: Thế đấy bác Trịnh Lữ. Vì kém tài, nhưng cố làm cho có vẻ có tài nên họ hay lấy cái “dễ” bù cái “khó” – làm cho có vẻ “khác biệt”, lập dị! Nghệ sỹ có tài thì hay có những cái lập dị đáng yêu. Còn số rởm thì lấy cái sự làm cho khác biệt để khiến người tưởng mình tài. Và vì thế, tài càng ít thì phải càng làm khác!!! Xét cho cùng, cũng giống vụ bằng giả trong trốn quan trường thôi!



Trịnh Lữ: Ờ, chuyện ấy cũng phổ biến thật. Xã hội mình bấy lâu này bị cái nạn “giả dối” – nói theo Khổng tử là không “chính danh”. Vua không ra vua (lại bảo mình là đầy tớ dân), quần thần không ra quần thần (trên bảo dưới không nghe không làm), dân không ra dân (lại phải làm chủ, gánh chịu cả tội nợ của Vua). Đời người có mảnh đất làm căn bản để sinh sống thì không cho sở hữu, lấy chiêu bài “sở hữu toàn dân” để một lũ tham quan chia chác bán đi bán lại với nhau. “Mũ dép đảo lộn” như vậy cho nên không ai biết lấy gì làm chuẩn mực, trẻ con nhìn người lớn thấy toàn gương nói một đằng làm một nẻo, dân nhìn chính quyền cũng thế nốt. Vì thế mà cương thường nát loạn. Ai nói thế nào cũng không nghe. Lỏng cương cho lòng tham lấn át, đến giờ thì làm gì còn phương thuốc nào có thể chữa trị nổi chứng ung thư ác tính này nữa? Cho nên cái giả dối phần nhiều là vô thức của những người muốn làm nghệ sỹ kia, trong bối cảnh này, thì chả nỡ khiến cho mình ghét, mà so với những giả dối tham ác kia thì lại thành đáng yêu, vì nó ngây thơ, vô hại, và vẫn có thể làm nẩy sinh những cái khác lạ có ích chưa biết chừng.


Về phản hồi (3), thực ra là của bạn Nghiêm Toàn. Tôi nghĩ chắc đọc đến đây Toàn cũng hiểu hơn tại sao bản thân vẫn cứ thấy lúng túng với luận điểm “khao khát sự khác biệt không phải là lý do chính đáng của sáng tạo nghệ thuật”.  Nó chỉ là một lý giải. Không phải là kết quả của một quá trình tu thân trong sáng tạo như Toàn nghĩ đâu. Nó đơn giản, dễ hiểu mà. Toàn đọc nhiều, có thể còn chưa có dịp tĩnh tâm để những học thuyết và luận điểm mình thâu nhận từ sách vở ấy trở thành chỉ là những dữ kiện để mình suy xét thôi chứ không phải là những chân lý như tấm bản đồ mình phải dùng nữa, nên nhiều lúc dễ quên là mình đang đứng ở quan điểm nào, hệ quy chiếu nào, mức độ và phạm vi phân tích đến đâu để nhận định về một vấn đề cụ thể nào đó. Rồi Toàn sẽ nhận ra điều này sớm thôi, nếu nhớ rằng học tức là hỏi. Đừng để việc học khiến mình chỉ còn nhớ những giải pháp mà quên mất câu hỏi lý do của chúng.

Nhân tiện, cũng xin hồi âm đề nghị của MÂY, muốn giải thích và minh họa cho lập luận tại sao tôi nghĩ rằng tương lai của sáng tạo nghệ thuật có thể là phong cách “vô ngã”. Nhưng trước hết, tôi muốn biết Mây có phải cô giáo có lớp vẽ trẻ em vừa rồi triển lãm ở nhà văn hóa Nga không đã?

9:47 Saturday,8.6.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Chú Trịnh Lữ ơi, thật khó khăn và nhiều chông gai chú ạ.
 
Theo cháu, việc đưa ra luận thuyết lý do làm nghệ thuật không phải tạo ra sự khác biệt là một tư tưởng lớn, không phải là mệnh đề mà là kết quả của một chặng đường.
 
Những đứa trẻ, với đôi mắt trong trẻo lần đầu tiên nhìn nhận thế giới xung quanh, chúng phản ánh thế giới quan ấy bằng cái cách mà, người lớn chúng ta, với sự trì độn và mang nặng định kiến luôn cảm thấy kinh ngạc, đôi khi có cảm giác mất mát như mình đã mất đi những gì trân quý nhất.
 
Đứa trẻ ấy lớn lên, say mê chiêm ngưỡng sự long lanh của các tác phẩm nổi tiếng, các cá nhân phi thường, ấy là sự gieo mầm đầu tiên cho tình yêu nghệ thuật. Trở thành nghệ sỹ, mang nặng những lý thuyết, những khát khao nổi tiếng, khát khao sáng tạo sự khác biệt vừa là động lực, vừa là gánh nặng của anh ta.
 
Nếu duyên may và số phận ưu ái, anh ta mới có cơ hội vượt qua tất cả mọi điều mà trở lại sự trong trẻo thuần khiết, khi đó, nghệ thuật là tự nhiên như hơi thở.
 
Có lẽ cháu đã quá sa đà vào triết học của Nietzsche, của Phật giáo, thứ mà hiểu biết của cháu quá ư khiêm tốn. Quá nhiều điều hiểu được mà không có cách gì diễn đạt.

9:32 Saturday,8.6.2013

Đăng bởi:  Giời Ơi

Lâu lắm mới lại được đọc một bài ngắn mà hay. Có chính kiến hẳn hoi. Hay ở chỗ nó đúng. Bác Trịnh Lữ không phải là họa sĩ nhưng họa sĩ chắc còn phải học nhiều để có nhận thức được như bác. Cái thời họa sĩ Việt Nam rất giỏi lí luận Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Đỗ Cung bao giờ mới trở lại? Hay chẳng bao giờ trở lại vì lớp trẻ chúng ta quá khao khát sự khác biệt và cả khác người nữa.
Khác biệt không phải là bản chất, không phải là cứu cánh mà cũng chẳng là con đường. Đơn giản đúng như bác Trịnh Lữ nói vậy. Bác Đỗ Đức diễn đạt hơi lòng thòng nhưng đấy là do đặc tính ngôn ngữ của từng người thôi. Bác Đỗ Đức cũng không sai đâu!

5:32 Saturday,8.6.2013

Đăng bởi:  MÂY

Cái lý do làm nghệ thuật không phải là tạo sự khác biệt; rồi từ đó mà nói lên cả ước muốn về một ý thức sáng tạo mới trong đó bản ngã nhỏ của cá nhân nghệ sỹ có thể đồng nhất với bản ngã lớn của hiện hữu. Sáng tạo nghệ thuật đã đi từ vô ngã trong hang động tiền sử, qua nỗ lực làm hiển lộ bản ngã của Đấng sáng tạo ở đền đài cung điện, đến cuộc chạy đua bày tỏ bản ngã cá nhân từ mấy trăm năm qua cho đến nay; song hành với những chuyển biến của văn minh loài người. Đến nay, khi thế giới lại phẳng, con người đang bỗng nhận ra rằng chủ nghĩa cá nhân là nguy cơ tuyệt diệt của nhân loại, rằng thước đo sự trưởng thành của nhân loại là ở tinh thần hòa đồng và chia sẻ chứ không còn ở thái độ tôn thờ những khác biệt lỗi lạc như xưa nữa; thì có thể tương lai của nghệ thuật sẽ hướng về "vô ngã".
Toàn những kết luận động trời. :) Mà thực ra là không hiểu lắm ạ. Giá có thêm tí "cơ sở lý luận" và "biểu hiện thực tiễn" thì chắc sẽ dễ hiểu hơn!

15:56 Friday,7.6.2013

Đăng bởi:  Trịnh Lữ

Cám ơn A.N và Nghiêm Toàn,
Toàn hơi lăn tăn với ý nghĩ là chú phê phán cả cái khao khát khẳng định bản ngã của tuổi trẻ. Không phải vậy đâu. Chú chỉ muốn chia sẻ ý nghĩ, và cũng là niềm tin của mình, rằng cái lý do làm nghệ thuật không phải là tạo sự khác biệt; rồi từ đó mà nói lên cả ước muốn về một ý thức sáng tạo mới trong đó bản ngã nhỏ của cá nhân nghệ sỹ có thể đồng nhất với bản ngã lớn của hiện hữu. Sáng tạo nghệ thuật đã đi từ vô ngã trong hang động tiền sử, qua nỗ lực làm hiển lộ bản ngã của Đấng sáng tạo ở đền đài cung điện, đến cuộc chạy đua bày tỏ bản ngã cá nhân từ mấy trăm năm qua cho đến nay; song hành với những chuyển biến của văn minh loài người. Đến nay, khi thế giới lại phẳng, con người đang bỗng nhận ra rằng chủ nghĩa cá nhân là nguy cơ tuyệt diệt của nhân loại, rằng thước đo sự trưởng thành của nhân loại là ở tinh thần hòa đồng và chia sẻ chứ không còn ở thái độ tôn thờ những khác biệt lỗi lạc như xưa nữa; thì có thể tương lai của nghệ thuật sẽ hướng về "vô ngã". Chẳng ai dám nói cách nghĩ này là đúng. Nhưng nhất định là sai khi mình không dám bàn luận và suy xét nó. 
Chú chỉ hay chia sẻ những vấn đề cốt lõi chứ không lời qua tiếng lại về những tiểu tiết, vì tin rằng các bạn tham gia SOI sẽ thông cảm cho một người "sắp già" mà còn hay nghĩ.

13:23 Friday,7.6.2013

Đăng bởi:  admin

@ TNXP: Cmt không đưa lên, nhưng bạn thông minh mà, thấy người khác giơ cái kéo thì biết ngay vì sao người ta phải giơ kéo mà, hỏi làm gì :-)

12:16 Friday,7.6.2013

Đăng bởi:  TNXP

Ơ hay tìm các khác là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người, là cái tôi cái bản ngã từng cá nhân cốt làm sao không cảm thấy tự ti với các khác đó dù ai nói gì, bỉ gì. :D

12:16 Friday,7.6.2013

Đăng bởi:  A.N

Cảm ơn chú Trịnh Lữ

10:53 Friday,7.6.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Chú Trịnh Lữ ơi!
 
Để có được một cái nhìn chiêm nghiệm sâu sắc như chú thì đâu phải chỉ như một lý luận, một câu nói mà ngộ, mà thành được.
 
Chúng ta gieo những hạt mầm suy nghĩ từ những xúc cảm bồng bột, từ những ham muốn ngông cuồng bất lực của tuổi trẻ. Khao khát sự khác biệt đôi khi cũng là một chất xúc tác, chút men say cho cuộc kiếm tìm hướng đi, tuy vắn dài mỗi người mỗi khác. Sự nông cạn, bồng bột, phủ nhận tất cả, chống lại tất cả mà thực ra là chống lại chính mình đối với sự quan sát của cháu lại là nét đáng yêu, dễ thương của tuổi trẻ (dù cháu cũng vẫn nông cạn thế mà thôi).
 
Khi cỗ máy ấy bớt ồn ào, ấy là khi họ có cơ hội trở về với cái nhìn trong trẻo, thuần khiết. Phải chăng, điều khó khăn nhất và cũng là đáng trân trọng nhất là khi ta chấp nhận việc bản thân mình không là gì cả.
 
Tựu trung lại, theo quan niệm của cháu, có lẽ không phải là đừng kiếm tìm sự khác biệt, mà là, đừng mãi kiếm tìm sự khác biệt.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả