Kiến trúc

Từ những thất cách của nhà ống Việt

  Ưu và nhược của nhà ống Việt căn bản Với nhà ống ở Việt Nam, như đã phân tích trong bài “Kinh tế sẽ quyết định bầu hay ống” của anh Sáng Ánh – phương thức sản xuất là yếu tố quyết định. Nói một cách nôm na, nó xuất phát từ sức ép […]

Ý kiến - Thảo luận

10:46 Tuesday,1.5.2018

Đăng bởi:  Nguyễn Trọng Quý

Tôi nghĩ do thời xưa người ta xây nhà ống để nhà vệ sinh có thể xa giếng ăn,  phòng ở,  chỗ sinh hoạt! Nhưng lợi bất cập hại ở chỗ nó vừa ngột ngạt,  thiếu ánh sáng,  vừa nguy hiểm khi cháy nổ,  mất thẩm mỹ khi thiết kế,  làm hẹp không gian đô thị,  hạn chế việc mở rộng lòng đường,  vỉa hè,  khó khăn cho việc trưng bày,  buôn bán,  khó khăn trong việc chuyển nhượng,  sang nhượng đất,  mất mỹ quan đô thị... 

10:34 Tuesday,2.7.2013

Đăng bởi:  ntdung

@SiêuNoob
Nếu theo quan điểm của bác, em cũng mạo muội có 1 vài ý kiến như sau. 

Theo bác, hình thức nhà ống là "truyền thống" thì em thấy là cũng nên quy hoạch nhiều hơn những "nhà ống" như vậy vì đó là đặc trưng về văn hoá của người Việt (chính xác là người Kinh ở đô thị). Nhưng chỉ có điều là đừng mang cái nét "truyền thống" đấy ra mặt đường lớn, gây nên những cản trở về mặt phát triển giao thông cũng như về mặt thiết kế đô thị. Sao lại không thiết kế những căn nhà đấy chỉ trong nội bộ đơn vị ở, nhường lại mặt tiền cho những khu trung tâm thương mại, những nhà cao tầng kết hợp thương mại hay tốt hơn là những mảng xanh, bãi giữ xe .... ?? 

Còn về nhà truyền thống 3 gian, 5 gian mà bác nói, em có ý phản biện thế này, dù là nó vẫn được thiết kế theo trục dọc nhưng căn nhà được nằm trong 1 khuôn viên rất lớn, xung quanh là sân vườn nên chủ động được việc xoay hướng nhà theo hướng thuận lợi. Còn về công năng, các không gian cá nhân không thật sự được phân cách, VD như "phòng ngủ" chỉ là chỗ kê 1 cái giường ở 1-2 gian bên phòng thờ và khách ở chính giữa, khu vực bếp và vệ sinh cũng được tách ra thành khu vực khác, dẫn đến việc dù là cùng 1 trục dọc nhưng không gian cực kì thoáng, vấn đề thông gió, chắn nắng hầu như chỉ cần thợ cả, thợ lành nghề là có thể xây được (theo kinh nghiệm). Điều đấy hoàn toàn khác biệt với đúng bản chất nhà ống hiện nay, tốt lắm là có 2 mặt thoáng, thậm chí chỉ 1 (trong ngõ/hẻm nhỏ thì có khi mở cửa sổ ra là bước sang được nhà hàng xóm), hướng nhà cố định, thì việc tính toán về thông gió, chiếu sáng là khó hơn rất nhiều so với nhà truyền thống 3 gian hay 5 gian.

Theo em thấy thì như nhà ống ở khu vực phố cổ HN, cũng có chút cải tiến hơn là nhà ống hiện tại, dù là nhà rất dài nhưng đều có sân giữa (tương đương với giếng trời trong nhà ống hiện đại) và nhà ngày xưa thấp, cùng lắm là 2-3 tầng vì dân số ít, còn ngày nay, với áp lực dân số ngày càng kinh khủng, việc chồng tầng là không thể tránh khỏi, mà tầng càng cao, việc chiếu sáng, thông gió lại càng khó.

Chính vì thế mà em nghĩ là có nên thay đổi nét "truyền thống" (mà thực ra là hệ quả của xã hội ngày xưa) để trở nên tốt đẹp hơn, phù hợp hơn với tương lai, còn cái gì thuộc về truyền thống, em xin tạo 1 khu riêng, với cơ chế quản lý riêng (như phố cổ Hội An hay gần đây nhất là vụ làng cổ Đường Lâm).

22:50 Monday,1.7.2013

Đăng bởi:  SiêuNoob

Cảm ơn anh Lê Phương. Tôi xin được đưa ra thêm vài suy nghĩ về vuông và ống, dựa trên quan điểm của Christopher Alexander. Coi như là múa rìu qua mắt thợ vậy nhé.

Theo quan điểm của Christopher Alexander thì mục đích tối thượng của một ngôi nhà là khiến người ta cảm thấy gần gũi, thoải mái, thêm sinh khí khi sống trong nó. Những ngôi nhà như vậy, theo Christopher Alexander, không phải được xây bởi những ý tưởng thiết kế sáng tạo cá nhân của KTS, mà phải dựa trên những bài học, kinh nghiệm đã được đúc kết lâu dài. Những bài học đó phần lớn đều rất đơn giản, dân dã. Điều này tương đồng với một câu mà Nghiêm Toàn đã viết về việc xây nhà ống "... Căn nhà này thì dễ đến mức chủ nhà không cần phải thuê thiết kế, các đội thi công hầu như biết rõ mình cần phải làm gì." Đó chính là cái kinh nghiệm dân gian mà Christopher Alexander nói đến khi người ta xây những ngôi nhà gần gũi với cộng đồng.

Trở lại với vuông hay ống. Theo thiển ý của tôi, người Việt ta quen sống trong nhà hẹp từ xưa. Những căn nhà 3 gian, 5 gian truyền thống có bố trí phòng ốc theo trục dọc. Những ngôi nhà ống Hà nội xưa tất nhiên là cũng hẹp và dài. Những người dân Hà nội xưa đó xây nhà ống có mấy ai cần đến KTS? Người xưa đã xây nhà ống theo cái cách mà Christopher Alexander mô tả, bằng cách áp dụng những kinh nghiệm dân dã để có sự phù hợp/hài hòa với cuộc sống của mình.

Vậy điều gì là sai trong quy hoạch nhà ống hiện nay? Liệu các ô đất nên vuông hơn để KTS có thể thử nghiệm những ý tưởng mới, những sáng tạo thú vị? Hay ngược lại, nhà ống cần phải ống hơn nữa, để đạt được cái tiêu chuẩn ống của Hà Nội xưa, khi mà mảnh đất hẹp nhưng đủ dài để các không gian có thể đóng mở một cách dân dã và truyền thống?

Cảm ơn anh Phương và các bạn.

17:16 Monday,1.7.2013

Đăng bởi:  Lê Phương

Gửi bạn SiêuNoob
Nếu bạn từng thiết kế khoảng 10 căn nhà, bạn sẽ thấy rằng ô đất rộng hơn 5m là một điều thích thú.
Nếu bạn từng thiết kế >50 căn bạn sẽ thấy ô đất rộng 5m là kích thước đáng ghét nhất. Bạn nhận ra rằng nhà >6m ngang sẽ ít gây cản trở cho ý tưởng.
Nếu bạn từng thiết kế đủ nhiều, bạn sẽ nguyền rủa những kẻ quy hoạch nhà lô phố dài ngoằng.
Nếu bạn bắt đầu thiết kế hay chuyẩn bị có suy nghĩ về thiết kế một vài căn, bạn sẽ cổ súy nhà lô phố với bề ngang hẹp và chiếu dài như cái ống!

15:39 Monday,1.7.2013

Đăng bởi:  SiêuNoob

Với cùng 1 diện tích, ô đất vuông chưa chắc đã hợp lý hơn ô đất dài và hẹp của nhà ống. Nhất là khi trong nhà có nhiều người sinh sống. Chẳng thế mà Christopher Alexander có nói đến tác dụng tốt của "long thin house" trong việc tăng khoảng cách giữa các cá nhân trong một ngôi nhà đông người.

20:11 Sunday,30.6.2013

Đăng bởi:  ntdung

Chào các bác.

Cá nhân em là người được đào tạo về quy hoạch, cũng vừa mới ra trường nên xét về kinh nghiệm làm nghề thực tế, va chạm với nhiều người (chủ đầu tư, người dân …) là chưa nhiều nhưng cũng mong muốn đóng góp một vài ý kiến cá nhân như sau, mong các bác góp ý thẳng thắn. Gạch nên dùng để xây hơn là ném 

Trong lúc còn ngồi trên ghế giảng đường, em cũng đã từng thắc mắc: “Tại sao đã làm quy hoạch mới lại còn vẽ những ngôi nhà ống – vốn là hệ luỵ của xã hội phong kiến từ lâu đời?” (Nếu em không nhớ lầm thì là ngày xưa dân bị đánh thuế theo mặt tiền nhà chứ không đánh thuế theo chiều sâu nên nhà mặt tiền nhỏ + chiều sâu hun hút (nhà ống) ra đời, trong khi ở xã hội mới, không ai đánh thuế điều đấy cả). Câu hỏi đấy em cũng phần nào tìm ra được câu trả lời.

Cũng như các bác đã trình bày là tại sao không tăng chiều rộng và giảm chiều sâu (diện tích vẫn giữ nguyên) để có được không gian bên trong thoáng hơn (tuy vẫn là nhà lô chứ chưa to và thoáng được như nhà biệt thự). Sau vài năm học, cũng được đi làm với một số thầy, thì cũng có một phần nhỏ câu trả lời là do chủ đầu tư.

Tại sao lại là chủ đầu tư? Cái này quay lại một phần về quy trình làm quy hoạch, thường thì quy hoạch sẽ làm từ lớn đến nhỏ, (quy hoạch Vùng –> quy hoạch Chung –> quy hoạch chi tiết), cái nhỏ phải tuân theo cái lớn đã định, nếu có thì chỉ là điều chỉnh một phần nhỏ quy hoạch lớn, ở mức độ quy hoạch vùng và quy hoạch chung thì thường mang tính định hướng, cái lôm chôm của đô thị Việt Nam hiện nay phần lớn là do quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị…, một phần là do (quan hệ) các công ty không có chuyên môn về quy hoạch nhận làm. (Em đã từng chứng kiến nhiều “lãnh đạo” học về kinh tế, thậm chí là xây dựng, thuê kiến trúc sư quy hoạch như bọn em về để cầm tay vẽ quy hoạch).

Cái mà mọi nhà đầu tư cần biết đến (hoặc quan tâm) nhiều nhất là “lợi nhuận” trước mắt, miễn sao bỏ tiền ra ít nhất và thu lại vốn nhanh nhất chứ không nghĩ về “lợi nhuận” lâu dài. Và thế là các không gian xanh, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về các diện tích ở, giao thông (tĩnh và động), diện tích trường học, chợ búa … đều được cắt giảm để nhường chỗ cho nhà ở, thậm chí nhà ở cũng bị bóp diện tích để tăng số lượng nhà –> người mua tăng lên.

Nói vậy cũng không phải là đổ tội hết cho các nhà đầu tư, theo em thấy thì một phần cũng là do cách sống của người Việt Nam chưa thật sự là “đô thị” mà vẫn là nông thôn, vì họ vẫn buôn bán, thương mại nhỏ lẻ, chưa quen với không gian tập trung, không gian công cộng của đô thị. Chính vì thế mà họ không mua những nhà “chỉ để ở” mà phải buôn bán, kinh doanh được –> một phần lý do tại sao đa số mọi người thích cái nhà “mặt tiền”. Cả một trục đường lớn, đẹp đẽ như thế (có thể lấy đường Xã Đàn (Kim Liên mới) làm ví dụ) mà lại bị cắt nát bởi những nhà lô chi chít (đấy là em chưa bàn vội về hình thức kiến trúc ra sao), để họ có thể kinh doanh, buôn bán… hoặc là cho thuê lại, người thuê cũng kinh doanh, buôn bán…. loanh quanh, luẩn quẩn thì cũng là lo miếng cơm, manh áo qua ngày.

Thế cái hệ lụy của nhà ống là thế nào? Xét về mặt người dân thì các bác cũng đã bàn rất nhiều, nào là chất lượng thông thoáng khí, ánh sáng, phong tục tập quán…  nói chung là chất lượng sống của người dân, nhưng xét về “chất lượng sống của đô thị” thì sao, khi mà mặt đường to với rất nhiều nhà dân như vậy, làm thế nào để giao thông có thể chạy đúng với tốc độ thiết kế khi mà người lái xe phải vừa đi vừa nơm nớp lo sợ rằng bất ngờ có ai đấy phi thẳng từ nhà ra. Hoặc là tối tối phải đi qua những con đường như Thái Hà - Chùa Bộc, Cầu Giấy … thương mại tấp nập, dân đi đường cứ thích là tấp lề vào mua, xong lại phi ra đường, vậy thì làm sao người tham gia giao thông dám chạy nhanh, mà giao thông là huyết mạch của đô thị, giao thông không nhanh, không xuyên suốt thì liệu cơ thể có khoẻ mạnh được?

Chưa kể một phần trong giáo dục – cũng như nhận thức chưa cao về ngành quy hoạch, đầu vào khoa quy hoạch của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thấp hơn khoa Kiến trúc, chưa kể khoa quy hoạch giống như cái “lót sàn” cho các bạn đăng ký thi khoa Kiến trúc nhưng không đủ điểm thì có “cơ hội” vào khoa quy hoạch!

Cá nhân em thì không dám nói là các thế hệ Kiến trúc sư đi trước (đa phần là kiến trúc sư công trình) là sai, là tác động xấu về mặt quy hoạch đô thị Việt Nam hiện tại, theo em thì nguyên nhân xâu xa là do thói quen sống của người dân chưa thật sự là đô thị. Nên chăng hãy trả lại bản chất của đô thị như những khu đô thị mới ở Q7-Tp.HCM – dù chưa thật sự là tốt nhưng người dân phần nào cũng đang thay đổi nếp sống cho phù hợp. Và ngược lại, cũng đừng mang nếp sống đô thị về nông thôn như hiện tại với cái tiêu chí “nông thôn mới”.

Trên đây là một phần cảm nghĩ của em khi đọc các cmt của các bác, mong các bác cảm thấy không quá mệt mỏi và khó hiểu khi đọc em xin nhận gạch từ các bác ạ.

8:17 Friday,14.6.2013

Đăng bởi:  HẬU

Đọc các cmt thấy hay quá!

Bạn Trần Quân nói hay quá, thực trạng quy hoạch của Việt Nam hiện nay theo cách nói của bạn Quân là rất chính xác, toàn là những người ngồi máy lạnh vẽ trên giấy thì làm sao mà có thể đưa luật phù hợp với cuộc sống được. Chính vì tầm nhìn hạn hẹp của các kts công trình chỉ gói gọn trong các không gian của ngôi nhà nên dẫn đến cách nhìn QH hết sức ngây ngô, manh múm. Xã hội có bức xúc thì nên đem mấy ông kts công trình ra mà nẹt chứ kts QH thế hệ già nhất cũng tầm mười mấy năm thì lấy số má đâu để mà làm lãnh đạo, làm luật, làm chính sách? Ngay cả được làm 1 cái đồ án QH có tầm một tí cũng chẳng được bao nhiêu người, có làm được thì cũng dưới quyền chỉ đạo của ông kts công trình, nên chât lượng đồ án QH kém là điều không tránh khỏi.

Cmt của bạn Nhuận Thứ cũng thật là hay khi kết luận hướng đi mới của kiến trúc nhà ống hiện nay là hướng tới thiên nhiên và vật liệu thân thiện môi trường, rất đúng và chính xác với xu hướng thời đại. Đồng thời rất là uyên bác khi đưa ra bản chất của từ "vượt gộp" mà trước khi đọc cmt của bạn mình và nhiều bạn khác vẫn nghĩ rằng bạn Nghiêm Toàn dùng như thế là đúng mà chưa thấy được bản chất thực, cái mặt thứ 2 bạn đưa ra, rất đáng học hỏi.

Thanks Soi đã tạo nên một sân chơi bổ ích, có nhiều luồn tư tưởng rất lạ mà mình chưa thấy ở diễn đàn khác.
 

17:21 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Trần Quang Lu

Theo mình thì cái từ "vượt gộp" không hay ho gì cho lắm. Nghe nó ôm đồm tham lam quá. Nếu muốn mới, muốn thay đổi, thì chỉ "vượt" thôi chứ đừng có "gộp". "Vượt gộp" giống như là một người một mặt vừa muốn chạy nhanh, muốn vượt qua, muốn vượt lên trên, một mặt lại vừa muốn ôm một đống đồ không muốn bỏ món đồ nào, bỏ món nào đi cũng tiếc. Giống như cái xe, muốn xe đạt được vận tốc cao thì tải trọng của nó phải giảm đi, đừng có chất tải lên nó nữa. Vấn đề ở chỗ ta đặt ra mục tiêu là gì. Nếu mục tiêu là Vượt, thì thôi đừng có Gộp. Được cái này thì phải mất cái kia, lợi về lực thì thiệt về đường đi, thế thôi. "Vượt gộp" nghe nó vừa không rõ ràng, không dứt khoát thế nào í. Nếu đưa khái niệm này vào văn hóa Việt Nam, thì có lẽ văn hóa Việt Nam mãi vẫn tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận thôi @ không nhớ của ai.

17:01 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  SiêuNoob

Theo mình thì một cái nhà (ống) ở đô thị nó nên thế này:
- Đảm bảo tiện nghi cho sinh hoạt của nhiều thế hệ, tối thiểu ở đây là một cặp vợ chồng lớn tuổi cùng con cái đã trưởng thành.
- Có khả năng bảo vệ những người sống trong nó khỏi sự ô nhiễm, xô bồ, tệ nạn, và khí hậu khắc nghiệt bên ngoài.
- Có cái giá trị/cuộc sống của riêng nó. Ở đây mình muốn nói đến một ngôi nhà mà khi đứng trong một con phố thì nó không có vẻ kệch cỡm; theo thời gian, nó có thể thay đổi/những người sống trong nó có thể thay đổi, nhưng những thay đổi đấy trở thành một phần giá trị của ngôi nhà.

16:38 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Sentosa

Thuật ngữ "vượt gộp" mà bạn Nghiêm Toàn dẫn theo giáo sư Phan Ngọc trong bài của bạn (mình không chắc chắn đây là thuật ngữ do bác Phan Ngọc nghĩ ra hay dịch từ nước ngoài) hoàn toàn sáng sủa, dễ hiểu và bạn Nghiêm Toàn đã đặt đúng chỗ để diễn tả ý mà bạn muốn nói.

Ngoài thuật ngữ này ra, còn một thuật ngữ khác cũng hay được dùng (kể cả bác Phan Ngọc thì phải), là "tiếp biến". Cả hai thuật ngữ này, ban đầu được dùng trong văn hóa học, để chỉ quá trình tiếp thu, cải biến, nâng cao những điều hay ho trong văn hóa bên ngoài rồi biến nó thành của mình, chứ không phải copy nguyên si để rồi dẫn tới những sự kệch cỡm trong văn hóa, vốn đầy rẫy ở nước Vệ nhà mình.

Về sau, những thuật ngữ này được mở rộng, dùng trong các lĩnh vực khác, trong đó có kiến trúc, cũng với tinh thần như thế. Không có gì là sai khi sử dụng thuật ngữ này để bàn giải pháp nhằm hạn chế những thất cách của nhà ống Việt.

15:54 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Trần Quang Lu

À MÂY đây rồi :D

Thôi cái chuyện áp dụng bí kíp KATa gì đó vào nhà ống thì bỏ qua đi, coi như bí kíp chưa luyện thành. Mình thấy trong cmt của MÂY có đoạn này có vẻ bí hiểm này :

"... như không gian của Mies (cái mới!?), hình như cũng không có "không gian hạt nhân" thì phải. Nhưng cũng đáng để suy xét thêm đấy chứ !!!..."

Mies ở đây chắc là Mies van der Rohe đúng ko? MÂY có thể diễn giải kỹ một tí cái không gian của Mies, rồi liên quan đến hạt nhân hạt nhiếc, cho mình và các bạn được mở rộng tầm mắt cái được hem?

Nín thở chờ tin! :D

15:51 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

@Mây: Cảm ơn bạn nhiều, bạn Mây đã tạo cơ hội để mình được chứng tỏ với mọi người rằng mình dốt thế nào .  
Để đi tìm kiếm cái mới, cái cho ngày hôm nay, hãy tạm bắt đầu từ ngày hôm qua.  
Về cơ bản, nếp sống của người Việt là nông thôn, cho dù có ở thành phố đến mấy đời đi chăng nữa thì nếp sống và sự gắn kết vẫn hết sức bền chặt với quê quán. Cái gọi là nếp sống đô thị hiện có là một hình ảnh méo mó của người nông dân khi bị đặt ra khỏi khung cảnh quen thuộc của họ.  

Vậy ở nông thôn họ có gì?
- Phổ biến là các gia đình nhiều thế hệ sống cùng hoặc quần tụ trong một phạm vi hẹp, các quan hệ họ tộc phức tạp. Các thành viên trong gia đình cùng nhau làm chung một việc, chung một thời gian biểu. Đời sống chung, sinh hoạt chung được coi trọng hơn mong muốn cá nhân. Việc thờ cúng ông bà tổ tiên, các dịp lễ Tết trong năm là một phần quan trọng không tách rời của đời sống.
- Cho dù hiện nay nông thôn cũng dần dần gánh áp lực về dân số, về đất ở nhưng về cơ bản là rộng rãi (hơn thành phố nhiều), các điều kiện về thông thoáng tự nhiên là vẫn đảm bảo.  

Khi người nông dân đó bị ném vào đô thị, họ gặp phải điều gì?
- Diện tích nhỏ hẹp mà cần cho nhiều thành viên sinh hoạt.
- Mỗi cá nhân có công việc riêng, thời gian biểu riêng, từ đó mà đời sống, tiện nghi cá nhân lấn át cái chung. Không gian sinh hoạt chung truyền thống bị phá vỡ.
- Không có biện pháp nào để cải thiện chất lượng sinh hoạt (thông gió, chiếu sáng) trong điều kiện mới do các phương pháp truyền thống chào thua.  

Hình ảnh kiến trúc của lối sinh hoạt ấy là gì?
- Cái họ mang theo là sự bừa bộn và thành phố trở thành hình ảnh của một ngôi làng lớn và hết sức méo mó của ngôi làng truyền thống.
- Với diện tích chật hẹp, điều họ đang làm là cố gắng có đủ chỗ ở cho mọi thành viên.  

Vậy cái vượt gộp cần có gì?.
- Gìn giữ cái cũ tốt đẹp: Đó là truyền thống coi trọng sinh hoạt chung của gia đình, dòng tộc. Truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên. Giữ gìn các sinh hoạt lễ Tết.
- Cái gì cũ nên bỏ (của người nông dân không nên có ở thành phố): Sự luộm thuộm, ý thức công cộng kém, xem nhẹ tự do và tiện nghi cá nhân.
- Làm cho họ có thể có tiện nghi tốt, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt trong điều kiện hoàn cảnh mới.  

Cái hình ảnh của kiến trúc vượt gộp ấy là gì?
- Học hỏi từ tất cả các giải pháp kiến trúc từ bên ngoài miễn sao phù hợp với hoàn cảnh.
- Có các giải pháp thông gió chiếu sáng phù hợp.
- Lấy không gian sinh hoạt chung làm hạt nhân trung tâm, bên cạnh đó đảm bảo tiện nghi riêng tư cho từng cá nhân.  

Hy vọng vài lời của mình đã phần nào làm rõ cho bạn Mây thân yêu về cái cũ, cái cũ đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới cái Vượt gộp.
 

13:14 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Trần Quân

@candid: chẳng có quy hoạch nào đặt cái cầu thang ở giữa nhà cả. Đặt cầu thang ở đâu là nhiệm vụ của kts công trình, chứ không phải của kts QH. Việc có nhiều bạn thắc mắc rằng tại sao lại QH các lô đất dài và hẹp như thế. Vấn đề không hẳn như một số bạn đã giải thích như tiết kiệm diện tích giao thông hay để tăng số nhà mặt tiền... cái này chỉ đúng ở một góc độ nào đấy thôi. Căn nguyên của vấn đề cũng chính là do các nhà làm luật, các nhà làm chính sách mà ra cả, mà các vị này là ai? Toàn là kiến trúc sư công trình có thâm niên, lâu lâu có các chuyến tham quan kiểu cởi ngựa xem hoa ở các nước tiến bộ trên thế giới rồi về tự nghĩ ra các luật lệ, các chính sách, chứ có bác nào được đào tạo bài bản về QH đâu, thế hệ sau này kiến trúc sư  QH được đào tạo bài bản hơn nhưng  thử hỏi được bao nhiêu người đủ thâm niên và quan hệ để ngồi làm luật làm chính sách. Nếu có vài anh con ông cháu cha thì dấu hỏi về trình độ là 1 dấu hỏi rất lớn.

Ngành QH của Việt Nam chỉ mới được thành lập gần đây, trước đây cũng có QH nhưng toàn là nước ngoài làm cho, còn trong nước chỉ có kts công trình là cao nhất rồi. Các bác kts công trình lâu năm không có chuyên môn về QH nên đem cái kinh nghiệm kiến trúc công trình để làm luật, làm chính sách áp vào cho QH, chẳng thế mà mới có những luật hay quy chuẩn gì đấy quy định rằng nhà phố thì mặt tiền phải 4m hay 5m gì đấy, diện tích thôi thiểu phải là >40m2 ..., hay diện tích nhà phố cho 1 gia đình khoảng từ 80-100m2 chẳng hạn...biệt thự thì chiểu ngang 7m,8m trở lên... với diện tích ....với những quy định như thế thì hỏi sao không hình thành những dãi đất dài và hẹp như thế mới lạ(?).

Tóm lại kts QH chỉ là những người sử dụng lại các mẫu nhà của kts công trình để minh hoạ cho không gian của mình QH mà hoàn toàn không phải là người sáng tác công trình kiến trúc, trong khi kts công trình VN toàn làm những nhà ống như thế thì làm sao lại đổ thừa cho các kts QH được nhỉ(?)và căn hộ có mặt tiền 4m, 5m cũng là di chứng của thời xửa thời xưa, thời mà dân Việt Nam chúng ta đi xe đạp là chính, ô tô chỉ có vài chiếc cho các yếu nhân điền chủ, những người quan trọng và có tiền.

Quy hoạch của Việt Nam cho tới hiện nay vẫn còn ảnh hưởng và chịu tác động của kts công trình nhiều lắm. Đừng trách kts QH mà hãy trách sự ra đời quá trễ của ngành QH cũng như tầm nhìn hạn hẹp của các kts công trình để đất nước Việt Nam một thời gian dài làm QH nhưng lại bị sự chi phối quá nhiều của các kts công trình (từ làm luật, làm chính sách cho đến việc đào tạo...). Nói như PGS. TS.KTS. Trọng Hoà nhiệm vụ của các kts QH hiện nay là sữa lại những cái sai, cái nát bét của các thế hệ kts công trình đi trước đã tạo ra.

13:03 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  MÂY

Cám ơn Soi vì đã biên tập lại hình thức cho bài của mình!

Bạn Nghiêm Toàn,

Mình nghĩ là mình hiểu đúng tinh thần của bài bạn viết. Và mình cũng không thấy có vấn đề gì với nó cả. Bài của mình, đơn giản chỉ là "những suy tư nhỏ" nhân đọc bài của bạn thôi. Chứ không định "bắt bẻ" gì đâu !!!

Quay lại chủ đề nhé! Cụ thể là khái niệm "vượt gộp". Chắc phải bắt đầu từ đây. Có vẻ cũng lạ vì đúng là mình cũng thấy không vấn đề gì với hai chữ vượt gộp. Tât nhiên với "định nghĩa" như của bác Phan Ngọc. Theo đó thì (nhắc lại) "tiếp thu cái mới nhưng đổi mới nó trên cơ sở cái cũ đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới; nghĩa là bảo vệ được cả cái cũ lẫn cái mới sao cho thích hợp với sự đổi mới cần phải tiến hành". Đầu tiên chắc là phải hiểu cho đúng và thống nhất được với nhau về khái niệm này!!!

Trong bài trả lời của Toàn, mình thấy có thêm khái niệm "cái cũ tốt đẹp cần giữ gìn : không gian sinh hoạt chung làm hạt nhân trong đó có không gian thờ tự, truyền thống xem trọng gia đình, tôn ti thứ bậc." Tuy có hơi khác so với bài đầu về hình thức nhưng nội dung thì Mây thấy ok, không mâu thuẫn. Vấn đề là cái cũ tốt đẹp cần giữ gìn là cái cũ nào trong định nghĩa trên!? Là cái cũ hay cái cũ đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới!? Mình thấy có vẻ là cái cũ!? Tức là trong quá trình trờ thành cái mới nó phải được đổi mới cho thích hợp cái đã. Thế thì đổi mới như thế nào!? Cụ thể là "không gian sinh hoạt chung làm hạt nhân trong đó có không gian thờ tự" có thể được đổi mới như thế nào thì phù hợp với hoàn cảnh hiện nay!? Hay nói cách khác "không gian hạt nhân", mới nhé, nên/phải như thế nào? Mình thì chưa dám khằng định là nên/phải là "không gian sinh hoạt chung trong đó có không gian thờ tự' vì có thể cái này không/chưa phải là KA/Ý/IDEAL (bản chất) của "không gian hạt nhân mới". Đấy là chưa kể "không gian hạt nhân" có cần hay không!? Hihi ... như không gian của Mies (cái mới!?), hình như cũng không có "không gian hạt nhân" thì phải. Nhưng cũng đáng để suy xét thêm đấy chứ !!!

(Soi phải xem thế nào chứ nhỉ!? Mình thấy vấn đề đang hay nhưng giờ thì "đánh võng" ghê quá. Chóng mặt!!!)

Về đầu bài của bạn Lu, mình nghĩ thế này. Có thể nói là mình không giải được cũng được vì đối với mình nó không THỰC. Nôm na là theo mình nó chỉ có THỰC với duy nhất bạn thôi. Nên bạn làm đi !!! Còn mình thì cũng rất hứng thú nếu được chia sẽ về "quá trình suy nghĩ" để giải quyết đầu bài đấy của bạn. Mình quan tâm hơn đến "quá trình suy nghĩ" còn "giải pháp" đối với mình chỉ là thứ yếu. Giải pháp, đâu đó, đơn giản và có nhiều mà!!!

12:30 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Thiện Tài

@Nghiêm Toàn: QH của nước ngoài có thể cũng gặp phải 1 số khó khăn như ở Việt Nam là hoàn toàn đúng, nhưng điều khác biệt ở chổ: trình độ dân trí của họ cao hơn mình, nên các nhà lãnh đạo của họ có tầm nhìn rộng hơn các nhà lãnh đạo của mình, chính vì có tầm nhìn rộng hơn nên họ rất tôn trọng các ý kiến của các chuyên gia, đồng thời rất tin tưởng vào khoa học. Họ vẫn có những can thiệp nhất định vào đồ án QH nhưng hoàn toàn không bao giờ có hành động "cầm tay" kts vẽ như ở Việt Nam. QH được duyệt bao gồm rất nhiều thành phần các chuyên gia phản biện một cách rất có trách nhiệm. Chứ không làm cho có như ở Việt Nam, cứ sếp ok là xem như xong, phản biện chỉ để cho vui rồi nhận phong bì, rủ nhau đi nhậu...đổ thừa cho các kts là cách nhìn nhận không đúng và chắc chắn là không phải người đã từng làm QH ở VN.

12:16 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Candid

Thời em vẫn còn thi vượt rào, trường em cũng có khoa cao điểm và khoa thấp điểm. Em nhớ là bạn em bên trường KT có nói đại loại thế còn thực hư em cũng không rõ.

Chủ yếu là muốn làm rõ tại sao lại đặt cầu thang vào giữa nhà từ quy hoạch?

12:05 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Tùng Q

@candid: kts QH có thể làm kiến  trúc rất tốt, nhưng ngược lại kts công trình làm quy hoạch thì ôi thôi, nhìn bản vẽ cứ như đứa con nít lên 3 vẽ vậy. Mình khẳng định 1 điều chắc chắn rằng về cách đào tạo thì không khác nhau nhiều nhưng về tư duy thì khác biệt rất rõ, tư duy của kts QH rộng hơn sâu hơn, còn kts công trình thì hẹp hơn và đơn giản hơn.
Chẳng có ai là không thích học QH cả, chỉ có 1 thiểu số kts làm biếng, chậm tiếp thu nên thường không tiếp thu nổi các lý thuyết về QH, dẫn đến chán nản và tuyên truyền bậy bạ. Mà thực tế thì kts công trình mà đụng tới QH là chỉ có kêu trời vì nó lớn quá mà lại nhiều thứ nữa chứ không đơn giản như công trình kiến trúc có bề dày vài trăm năm rồi.

11:07 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  thông arc

@CANDID: thực tế với cách đào tạo kts như ở Việt Nam thì khoa QH chỉ là một cái tên mới trên một mặt hàng cũ đấy chính là kiến trúc. Thực ra thì kts QH vẫn được đào tạo như kiến trúc sư công trình tụi mình, nếu như mình nhớ không lầm thì bên QH không làm đồ án bệnh viện, còn bên mình thì không làm đồ án QH trung tâm thôi, chứ chẳng khác nhau là mấy, nên kts QH ra trường toàn làm kiến trúc công trình, còn kts công trình thì vẫn có không ít người làm bên QH.
Không phải là chả ai muốn vào học khoa QH, cái này theo mình là sai, vì QH là một nghành mới nên nói thật là chưa được nhiều người biết cũng như hiểu đúng ở Việt Nam nên thường họ e dè không biết như thế nào chứ không phải là không muốn.
QH ở VN của mình thông thường là do chủ đầu tư, các yếu nhân quyết định chứ không phải là các nhà chuyên môn hay các kts, kts chỉ là những người vẽ lại theo chỉ dẫn rất tận tình của chủ đầu tư hoặc của các yếu nhân, cơ quan công quyền, còn các nhà chuyên môn chỉ là có mặt, có chữ ký cho đủ thành phần, hoàn toàn chẳng có tí chất xám nào của các nhà chuyên môn trong 1 đồ án QH.
Tình trạng QH như hiện nay là do các cấp quản lý chứ đừng đổ tội cho các kts QH mà tội nghiệp, vì mình cũng đã từng làm QH rồi nhưng thấy chán quá nên lại trở về với kiến trúc cho nó lành. Ở trên thế giới kts QH phải là một người hiểu biết rất rộng về rất nhiều lĩnh vực để định hướng là chính chứ không chỉ giỏi vẽ như kts ở Việt Nam. Đây là do tư duy của toàn xã hôi chứ không phải riêng gì nghành giáo dục, mà đổ lỗi cho nghành giáo dục cũng đúng vì những vị lãnh đạo trong nghành giáo dục cũng xuất thân từ xã hội mà.

10:50 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

@Cadid: Theo mình thì học ở đâu, như thế nào có lẽ không quan trọng bằng thái độ học. Làm quy hoạch thực sự cần một hàm lượng kiến thức khổng lồ về kỹ thuật, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội học..v.v...Bất cứ trường học nào cũng chỉ trang bị cho bạn một hình dung cơ bản về công việc thôi.
 
Nói về các dở của quy hoạch ở Việt Nam thì ai cũng có thể nói được, các bạn kiến trúc sư quy hoạch thì chắc là đa số sẽ đổ lỗi cho chủ đầu tư, cái này thì không sai. Tuy vậy, lật lại vấn đề một cách rộng hơn, chắc chắn một điều là những người làm quy hoạch trên thế giới này cũng gặp phải những vấn đề tương tự, vậy tại sao họ lại làm được tốt hơn mình?.
 
Trên tất cả mọi điều, ADN hay lá số tử vi có bắt buộc các bạn phải làm kiến trúc sư hay nhà quy hoạch đâu nhỉ? :D.

10:25 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  admin

@ Nhuận Thứ: Soi đã đưa cmt của bạn lên nhưng biên tập lại, bỏ hết những phần bạn nói người khác "không hiểu biết". Theo Soi, mỗi người nên đưa lập luận của mình ra, không việc gì phải mắng người khác là ngu cả bạn nhé. Khi mình mắng người ta sa sả như thế, chứng tỏ mình đã không tin mình có lý nên mới nôn nóng dùng từ mạnh để áp đảo tinh thần đối phương. Nhưng đó lại không phải là điều mà Soi muốn có trên diễn đàn này.


Cảm ơn bạn.


 

10:22 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Candid

Ngày xưa em thấy bạn em học KT bảo chả ai muốn vào học khoa Quy hoạch, không biết có đúng không?

Nếu đúng thì cũng giống như việc nền giáo dục đang trả giá cho một thời chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm.

10:18 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Nhuận Thứ

@Bạn Sương:
Thứ nhất GS Phan Ngọc cũng là một nhà ngôn ngữ học, nên chẳng lẽ ông cũng...lười, ông cũng sợ hãi trước những từ được phát minh?
Thứ 2 cho dù ông là nhà ngôn ngữ học nhưng không có nghĩa là ông có đủ tầm để sáng tạo ra từ ngữ cho cộng đồng bởi chính từ "vượt gộp" chỉ xuất hiện trong 1 tham luận của ông và được ông dịch lại từ 1 khái niệm của nước ngoài, mà đã là dịch từ khái niệm thì các bạn biết rồi đấy độ chính xác là phụ thuộc vào từng hoàn cảnh và phải có chú thích rõ ràng khái niệm của từ đấy trong bài viết.

"Vượt gộp" dùng để tóm tắt 1 khái niệm về tư duy về tầm nhìn mang tính vĩ mô, chứ không phải là "hướng đi mới" cụ thể như bạn Nghiêm Toàn đưa ra và bạn Sương hiểu như thế. Bời vì nó chẳng có gì mới khi việc kế thừa phát huy giá trị truyền thống trên con đường phát triển nó đã tồn tại hàng ngàn năm nay rồi và hiển nhiên như thế trên khắp thế giới, trong mọi công việc chứ không phải riêng gì ở kiến trúc Viêt Nam. Đã nói tới "hướng đi mới" thì không nên dùng chữ "vượt gộp", muốn hiểu thấu đáo hơn bạn Sương hãy tự tìm 1 nhà ngôn ngữ học hoặc gởi mail trực tiếp đến GS Phan để được chỉ bảo thêm về ngôn ngữ học cũng như chính từ "vượt gộp" mà GS đã đưa ra.

Kết lại: "hướng đi mới" cho nhà ống Việt hiện nay không phải là việc thay đổi vị trí cầu thang giữa nhà hay cuối nhà, chăm chút mặt đứng hay không,  lệch tầng hay thẳng tầng, đủ thiếu các không gian sinh hoạt như thế nào vì cái này còn phụ thuộc vào diện tích và nhu cầu ở chứ không phải muốn là được, mà chính là việc đưa thiên nhiên vào không gian ở, tạo ra những cảm giác ở nhà như ở rừng, thông thoáng mà đầy đủ ánh sáng, rất cởi mở nhưng cũng rất riêng tư. Sử dụng nhiều vật liệu thân thiện với môi trường....đây mới chính là "hướng đi mới" hiện nay đối với nhà ống nói riêng và kiến trúc Việt Nam nói chung.

9:54 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  SiêuNoob

Mình xin góp một ý tưởng cho nhà 3x15m. Ý tưởng này có cái dở là không có phòng riêng cho ông bà. Thay vào đó giường ngủ của ông bà được ngăn bởi tường nhẹ. http://www.mediafire.com/view/smbw5w3dq1fu4mf/3x15.pdf
Cảm ơn các bạn.

9:11 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

@Sương: Cảm ơn Sương đã động viên, cá nhân mình không có quan điểm thắng thua trong tranh luận, vui vẻ mà nhận đá ném cũng là một phương pháp tốt của quá trình tu thân :D. Chưa kể, đôi khi có những hòn đá mang hàm lượng tư duy vượt bậc, mình có thể học hỏi, nhất là khi nó ném trúng trọng tâm.
 
Ngoài ra, đọc lại bài viết một cách khách quan, cá nhân mình cũng thấy cách đặt vấn đề của mình dễ làm người đọc hiểu lầm và sa vào tiểu tiết.
 
@Bạn Thuận Thứ: Suy nghĩ là một chuyện, tư tưởng lại là chuyện khác, chưa kể hình ảnh tư tưởng đó lại là điều hoàn toàn khác :D. Việc mình nói thì có vẻ ghê gớm nhưng khi thực sự thiết kế lại dở như bạn vừa chê cũng là điều hoàn toàn bình thường :D.
 
Các bạn ném đá về cái cầu thang giữa của mình hơi trật, trọng tâm của bài viết của mình thế này:
 
- Vấn đề thông gió chiếu sáng không đảm bảo.
 
- Không gian sinh hoạt, việc gìn giữ không gian, lối sống truyền thống ít được chú trọng, chỉ thuần túy mang tính chất công năng.
 
 
 

8:46 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  TNXP

Nhà có người già tuyệt đối không làm lệch tầng, thậm chí sàn chênh level 1 bậc cũng không được. Nhà 3x15 như ví dụ của Lu có 1 cách như sau: chừa sau nhà ra 1m. Tầng 1 gồm để xe, khách, bếp, ăn, vệ sinh, cầu thang. Tầng lửng cao 2.5 làm sinh hoạt gia đình có chỗ thờ, 2 phòng ngủ ông bà, 1 vệ sinh. Tầng 2 và 3 gồm cầu thang ở giữa nhà, 1 vệ sinh, 2 phòng ngủ 2 đầu.
Thỏa mãn không gian Việt của bạn Toàn nhé, mình ké 1 vại bia được chưa bác Lu ơi.

8:37 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Sương

@ Nhuận Thứ: Mình nghĩ rằng chính Nhuận Thứ là người đã không hiểu từ vượt gộp, từ đó nói anh Toàn dùng mà không hiểu.
Giáo sư Phan Ngọc nói:

“Vượt gộp” là tiếp thu cái mới nhưng đổi mới nó trên cơ sở cái cũ đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới; nghĩa là bảo vệ được cả cái cũ lẫn cái mới sao cho thích hợp với sự đổi mới cần phải tiến hành. “Vượt gộp” không phải là nhắm mắt chạy theo cái mới, vứt bỏ cái cũ, không phải là khư khư giữ lấy cái cũ, từ bỏ cái mới.

Vậy bài của Toàn dùng từ "vượt gộp" để chỉ một hướng đi mới cho nhà ống Việt, trên cơ sở vẫn bảo toàn những giá trị, nếp sống (tốt đẹp) của truyền thống Việt thì có gì là sai nào? Nhuận Thứ phân tích giúp cái nào!

Ngoài ra, cái lập luận của bạn để phủ nhận từ "vượt gộp" là nó không có trong từ điển, không có định nghĩa, làm nhiều người khó chịu... là một lập luận của các nhà ngôn ngữ học... lười. Nếu từng tiếp xúc với các nhà ngôn ngữ học Việt Nam, bạn sẽ thấy bạn giống họ: kỳ thị với từ mới (vì không theo kịp cuộc sống nên kỳ thị), sợ hãi trước những từ được phát minh (vì khó kiểm soát), bám chặt lấy từ điển (như phao cứu sinh). Cho nên mới có chuyện "Sát thủ đầu mưng mủ" bị đánh cho đến khi đầu mưng mủ. May mà cây đời luôn xanh hơn màu áo xám của các bác viện Ngôn ngữ.

Túm lại, mình thích từ "vượt gộp". Mình thấy anh Toàn dùng không sai. Anh Toàn không việc quái gì phải nhũn nhặn nhận là dùng từ "kêu", kẻo một số bạn đọc loáng thoáng lại tưởng anh nhận anh sai.

8:16 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Nhuận Thứ

Qua bài viết này, tác giả đã chứng tỏ sự non tay trong  tư duy thiết kế và sự ngộ nhận trong nhận thức về kiến trúc nhà ống.

Cmt của tác giả bài viết cho rằng "không bó buộc ở giải pháp nào và trong từng trường hợp nó là một giải pháp hợp lý" vậy thì cái thất cách ở nhà ống này là cái gì? Rõ ràng không phải là cầu thang giữa rồi ví nó là giải pháp hợp lý mà.

Qua thiết kế của tác giả 3x15m thì mình đã hiểu tại sao tác giả cho rằng cầu thang giữa tạo thành những không gian thiếu thông thoáng và chiếu sáng, vì chính tác giả đã không hiểu nên không đưa ra được giải pháp thông thoáng và chiếu sáng cho chính căn nhà của mình bằng chứng là sau nhà không có khoảng lùi, nơi đáng ra phải làm khoảng lùi thì lại dùng wc che lại...rút kinh nghiệm bản thân từ cái mình không biết để quy chụp vào một cái đã tồn tại lâu nay rồi cho rằng đấy là thất cách thì thật chủ quan và phiến diện quá.

Chẳng trách gì mà tác giả dùng từ "vượt gộp" trong khi chưa hiểu bản chất của nó là gì. Từ "vượt gộp" này là tự sáng tác của 1 "sĩ" trong từ điển tiếng Việt không có định nghĩa và nó cũng chẳng phải là 1 từ hay đã gây khó chịu cho rất nhiều người. Nếu đã "vượt gộp" theo chính tác giả của nó nguỵ biện thì rõ ràng bạn Nghiêm Toàn chưa làm được gì từ lời nói cho tới hành động.

7:42 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

@Anh Lu: Vẽ nhanh, for fun là chính, bia cũng là chính :D, nhẽ đâu anh không mời được thằng em cốc bia sao.
Em vẫn giữ quan điểm, sửa một chút là thay đổi vệ sinh phía trong, thu gọn lại 1 phần để làm thêm một giếng trời nhỏ phía trong - bổ sung trục thông gió lấy sáng phụ, đồng thời lấy sáng cho vệ sinh phía trong, anh mà chuyển vệ sinh sang giếng trời ở giữa là mất mặt thoáng phòng ngủ trong của em à.

0:48 Thursday,13.6.2013

Đăng bởi:  Trần Quang Lu

@ Nghiêm Toàn:
Thế này thì chưa uống bia được rồi :D
Phương án của Toàn thì vệ sinh tầng 1 to quá không cần thiết, toàn bộ vệ sinh ở phía sau nên chuyển thành void. Cái void giữa nhà thu nhỏ lại và đưa vệ sinh ra phía đó, thì phòng ngủ và vệ sinh phía sau đều có mặt thoáng. Chứ để cái void giữa nhà to tướng thế kia chủ đầu tư nhìn xót xa, không thuê thiết kế đâu :D
Thôi đợi bạn MÂY mang bí kíp Tây vào thiết kế may ra mới có kỳ tích xảy ra cho nhà ống ở VN :D

19:11 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

@nguyên: Đấy là giải pháp nhanh cho một căn nhà có diện tích và không gian giới hạn mà lại cần tới tận 5 phòng ngủ.
 
Mình đã nói từ đầu, không bó buộc ở giải pháp nào, trong trường hợp này thì cầu thang giữa là giải pháp hợp lý. Phương án của mình với mục đích tạo các không gian riêng vừa đủ mà vẫn đảm bảo thông gió, chiếu sáng, ưu tiên cho không gian chung và giếng trời thật rộng, việc bố trí lệch tầng kết hợp với giếng trời để kết nối không gian tốt hơn. Thiết kế nhanh này đạt đến đâu thì mọi người đánh giá.
 
Tóm lại, nói nhiều thì công nhận :D, nhưng hoàn toàn chưa có gì mâu thuẫn.

18:43 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Anh Phương ơi, anh chia lô chiều sâu ngắn thì tăng diện tích giao thông ạ. Đầu tư cao hơn, diện tích thương phẩm thấp hơn.
Chúng ta đã đặt cho mình cái "cầu thang giữa" ngay từ quy hoạch mất rồi.

18:31 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  GẤU MÒE VĨ ĐẠI

@ Bác Lê Phương:
Có rất nhiều nguyên nhân bác ạ.
1. Tăng số lượng nhà mặt tiền đồng thời giảm số đường giao thông cần thiết xuống.
Bác cứ lấy 1 khu đất rồi chia ra thì rõ.
2. Tạo ra sự phân cấp rõ rệt giữa nhà lô và biệt thự.
Vì dạng nhà lô kia là dạng ống, khai thác tối đa diện tích mặt tiền và giảm được số đường giao thông cần thiết nên giá sẽ rẻ hơn.
Ngược lại, các căn biệt thự vuông vắn và rộng rãi, nhiều mặt thoáng sẽ có giá khác hẳn...
3. Mẫu thiết kế và để tiện quy hoạch...
4...

18:25 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  nguyên

@Nghiêm Toan: bạn nói cho lắm vào rồi phương án nhà ống 3x15m của bạn cũng phải sử dụng cầu thang giữa nhà, đâu có sáng tạo gì, lệch tới lệch lui vài m cũng chẳng có ý nghĩa gì, việc tầng 1 đi 1 vế và sử dụng giải pháp lệch tầng thì có gì gọi là mới đâu nhỉ, xét ra thì nó cũng chỉ là cách thông thường mà hầu hết từ kts cho đến các bác thợ đều làm như thế từ trước giờ.
Cùng một cách bố trí như thế nhưng khi có kts thì ngôi nhà sẽ khác mà thợ làm thì ngôi nhà sẽ khác, chưa kể kts tài năng thì khác nữa mà kts bèo thì cũng khác, nên có bạn Lâm góp ý rằng "nên tìm cách sáng tạo không gian cầu thang hơn là đi cho rằng nó là thất cách" thật là đúng và có tầm nhìn quá. Mình nghĩ bạn nên tiếp thu hơn là bảo người ta khác quan điểm với mình.
Sau khi thấy phương án của bạn thì mình mới biết rằng quan điểm của hầu hết tất cả mọi người là gần như nhau, chỉ là do cách hiểu về vấn đề đúng hay không đúng và dẫn tới những nhận thức khác nhau cũng như cho rằng không giống nhau. Thực tế nó chỉ là vấn đề nhận thức cao hay thấp mà thôi.

18:16 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Lê Phương

Gửi các bạn 1 ý như thế này coi như lối thoát cũng được đi
 
Nhiều lần tôi nghẫm nghĩ tại sao quy hoạch mới hẳn hoi nhé, cứ phải 4m-5m  bề ngang và dài 18 - 20m? Diện tích 60-100m thì vẫn thế tại sao không chia những ô nhà có chiều ngang rộng hơn và chiều dài ngắn bớt đi chẳng hạn: 6mx12m, 7x10m, 8x8 hoặc 8x10... diện tích đất vẫn thế mà khả năng tạo ra nhiều không gian tuyệt vời hơn cho người dân?
Có bạn nào biết vì sao cứ phải dài thòn như thế mà không vuông vuông tý cho dân nhờ hay không?

18:05 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Lê Phương

Không phải tự nhiên cầu thang đặt giữa nhà ống là phương án gần như độc tôn tại Việt Nam, mọi thứ đều có lý do của nó. Bởi đặt giữa có diện tích giao thông thấp nhất, diện tích còn lại ở 2 bên thang sẽ được tối đa chiều ngang nhà và hình dáng vuông vức nhất. Sự hợp lý trong con mắt của số đông quyết định việc cầu thang giữa tồn tại và nhân rộng. Mặt kgác thời buổi tấc đất tấc vàng thì không có chuyện bay nhảy của KTS. Thời may gặp được chủ nhà rộng tiền mới có thể dụ làm thế này hay thế khác được.
Còn thông thoáng thì chỉ có cách lùi sau, giữa trổ giếng trời. Nếu miếng đất hẹp thì bù lại phải thật dài mới có cách binh bố hay được.
 

17:17 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

@anh Lu: Ngồi họp chán quá nên tranh thủ làm tạm cho anh 1 phương án: http://www.mediafire.com/download/5htclo9xfxwsz9x/15x3.dwg
@all: Xin lỗi mọi người chưa kịp chuyển sang ảnh, file CAD

16:25 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Trần Quang Lu

Hi Toàn
Dạng đầu bài thiết kế kiểu này là điển hình và gặp rất nhiều đối với những người làm thiết kế mảng nhà dân ở Việt Nam. Đầu bài này chỉ là 1 ví dụ dành cho bạn MÂY, tại thấy bạn í nói hay quá, nhiều "võ" quá, từ tây đến Nhật, từ phương pháp luận cho đến KATA gì gì đó. Lại còn cả I Tô I Tiếc nữa, sợ wá! Bạn MÂY nếu muốn thì có thể mời cả Ito, hay bất cứ một kts Tây nào sang đây mà làm, mà sáng tạo với những đầu bài kiểu như thế này. Xem nó có gì đặc biệt và nội trội hơn những thiết kế của kts Việt Nam không?
 
Mình ở quê Toàn ạ. Để hôm nào có dịp ra tỉnh thì bia nhé!
 

15:52 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

@Anh Lu em: Đề bài hay và khó, em sẽ xin góp 1 phương án, nếu "chung kết" được em xin cốc bia nhá.

15:47 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Candid

Mấy ý kiến của bác Nghiêm toàn rất đúng về nhà ống như chú trọng mặt đứng quá mức trong khi nhà trong ngõ bé tẹo, ngửa cổ cũng chả thấy gì. Nhà xây quá to nên đa phần diện tích để phủ bụi...

15:13 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Whao, thật cảm ơn các bạn, nhất là bạn Mây (dù cmt dài và thật đau mắt :D).
 
@bạn Mây thân yêu: Mình quả là chết vì bệnh sính dùng chữ choang choang, hơn nữa, cấu trúc bài viết làm mọi người nghĩ rằng, theo người viết bài, những cách thức tiếp cận mới của VTN, ĐTH là hướng đi cho cái gọi là sự vượt gộp. Các ví dụ chỉ mang ý nghĩa mô tả những hướng đi mới so với các phổ biến.
 
Ý của mình thế này:
 
Cái cũ tốt đẹp cần giữ gìn: Nhà Việt truyền thống với không gian sinh hoạt chung làm hạt nhân trong đó có không gian thờ tự, truyền thống xem trọng gia đình, tôn ti thứ bậc.
 
Vấn đề gặp phải: Đô thị hóa, diện tích nhỏ, không gian phát triển theo trục đứng thay vì chiều ngang. Các giải pháp thông gió, chiếu sáng không thể áp dụng theo các giải pháp cổ truyền.
 
Các giải pháp phổ biến hiện tại: Về cơ bản là chỉ để đáp ứng chỗ ở, sinh hoạt. Các giải pháp khác (ví dụ VTN, ĐTH): Tính toán đến không gian đa dạng, thông gió chiếu sáng.
 
Các giải pháp trên không đảm bảo thông gió chiếu sáng, không gian gò bó (như phổ biến), các không gian sinh hoạt chung trong đó có không gian thờ tự bị xem nhẹ (kể cả VTN, ĐTH).
 
Cái cũ (theo mình là cái cần giữ gìn) như đã nêu trên, cái mới là cấu trúc nó trong hoàn cảnh đô thị với không gian phát triển theo trục đứng với hạt nhân trung tâm là sinh hoạt chung cùng với không gian thờ tự, các không gian riêng vừa vặn, tiện nghi. Đảm bảo tiện nghi thông gió chiếu sáng.
 
Mệnh đề "nhỏ", nhưng dùng chữ "to" quá nên bị bạn Mây bẻ cho thật là quê quá.
 
@bạn Lâm: Có lẽ quan niệm của chúng ta quá khác nhau nên thật khó để trả lời bạn từng mục.

15:09 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  lâm

@Mây: nói thì hay lắm nhưng không biết có hiểu gì không? nếu hiểu thì thử áp dụng vào yêu cầu của bạn Lu nhé, mình sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn nếu bạn thể hiện cái hiểu của mình, vì hiện mình thấy bạn chỉ trích dẫn lại mà chẳng hiểu gì cả.

14:54 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Trần Quang Lu

Hi MÂY,
Bây giờ có một miếng đất mặt tiền rộng 3m, sâu 15m, hai bên và đằng sau đều là nhà hàng xóm. Cần thiết kế một ngôi nhà cho 6 người ở. Ông bà già ngoài 70. Một đôi vợ chồng ngoài 40. Hai đứa con một trai một gái, đứa con gái lớn học lớp 12, đứa con trai học lớp 9. Cấp phép xây dựng chỉ được xây 4 tầng + 1 tum. Hai cụ già yêu cầu có phòng riêng vì già rồi không ngủ chung với nhau.
Bạn MÂY thử áp dụng cái KATA hay OMACHI gì đó của bạn để thiết kế cho mình và các bạn xem được không. Nếu áp dụng thành công cho trường hợp này thì chắc chắn sẽ áp dụng được với nhà ống ở đô thị của Việt Nam. Nói thì hay lắm (mặc dù mình chả hiểu gì :D), còn không thì cứ va vào thực tế đi sẽ thấy "cuộc đời vẫn đẹp sao" ngay.

14:23 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Trần Quang Lu

@TNXP:
Mình không nói vấn đề ở giao thông, mà là giao thông sẽ phải thay đổi theo số lượng người ở. Khi số phòng ngủ tăng lên, các không gian cơ bản như: phòng khách, bếp + ăn, vệ sinh, thờ, kho là những không gian tối thiểu cần thiết phải có trong 1 ngôi nhà. Diện tích đất thì không đổi. Vậy cái gì thay đổi? Là không gian giao thông chứ còn gì nữa.
@Nghiêm Toàn: Dạo này đang bận vẽ nhà ống Toàn ạ :D. Thỉnh thoảng cũng có vào đây ngó tí, nhưng thấy dạo này thấy có vẻ nghiêm trọng hóa vấn đề quá, nên không có hứng cmt mấy. hehe

14:13 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  MÂY

MÂY cũng có một vài suy tư nho nhỏ thế này.

Theo google thì “vượt gộp” của bác Phan Ngọc là : ”tiếp thu cái mới nhưng đổi mới nó trên cơ sở cái cũ đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới; nghĩa là bảo vệ được cả cái cũ lẫn cái mới sao cho thích hợp với sự đổi mới cần phải tiến hành”.

Cũng theo google thì có một anh kiến trúc sư Nhật, anh Ito Toyo, trong diễn từ trao giải Pritzker 2013 cho ảnh, anh có nói thế này : “To make architecture is to attempt to establish order in the midst of an unstable and ceaselessly changing social and natural world. It often happens, however, that in this search for order we settle into old or conventional solutions and find ourselves boxed into restrictive frameworks. For me, the task of the architect is to release people from those restrictive frameworks by creating spaces in which they feel at ease and in which they can attain some degree of freedom.” (Tạm dịch : Làm kiến trúc là tạo ra hay thiết lập nên trật tự giữa thực tế không ổn định và thay đổi liên tục của xã hội và thế giới tự nhiên. Trong quá trình này, điều hay xảy ra là chúng ta rất dễ chấp nhận những giải pháp hoặc thông thường và cũng rất dễ bị đóng trong những khung giới hạn nào đó. Với tôi, nhiệm vụ của người làm kiến trúc là thứ nhất giải phóng con người khỏi những khung giới hạn đó qua việc sáng tạo ra những không gian kiến trúc thoải mái và thứ hai qua đó giúp con người có thể đạt được tự do ở một mức độ nào đó).

Quay lại bài của Nghiem Toan. MÂY hiểu và đồng ý với anh rằng, ở trường hợp nhà ống Việt, cái hay thông thường là “cấu trúc không gian” mà cụ thể là “giao thông trục đứng (thang) bố trí giữa nhà, tầng 1 là phòng khách, để xe hoặc kinh doanh, bếp, ăn, các tầng trên là các phòng ngủ bố trí bám theo trục giao thông đứng, trên cùng thì thường là phòng thờ”. Hay gọi là cái hiện tại cũng được vì “cấu trúc không gian” này đúng là quá phổ biến, phổ biến đến mức không ai cả các kiến trúc sư còn cảm thấy phải băn khoăn khi sử dụng nó nữa. Thậm chí, có người còn cho nó là “giải pháp” duy nhất đúng.

Xong, đến ví dụ nhà ống của VTN và ĐQH, vấn  đề MÂY băn khoăn ở đây là “cấu trúc không gian” mà hai anh này đề xuất là cái mới hay là cái cũ đã được đổi mới? Cần phân biệt vì hình như trong khái niệm “vượt gộp” hay cái này không phải là một!? Thậm chí, đâu đó, MÂY thấy cái cũ đã được đổi mới có vẻ lại quan trọng hơn!? Và khả năng ứng dụng hay phổ biến của “cấu trúc không gian” này đến đâu!? Suy nghĩ về những vấn đề này sẽ thấy hình như “cấu trúc không gian” rốt cục cũng chỉ là một yếu tố. Tức là, nếu chỉ là một  mình  “cấu trúc không gian” thì sức lan tỏa và phổ biến chắc chẳng thể như thực tế chúng ta đang thấy. Vậy những yếu tố khác là gì!? Có thể là lối sống Việt kiểu như : “không gian sống vừa vặn, tiện ích, đúng với thang giá trị của chính mình”. Có thể là văn hóa Việt ví như : ”truyền thống gia đình, phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên”… vân vân.

Nhưng, thứ nhất là kể ra bao nhiêu thì hết và thứ hai “dùng” những thứ kể ra được đó như thế nào. MÂY nghĩ cốt lõi của vấn đề nằm ở đây. Và, MÂY nghĩ đây là vấn đề làm kiến trúc nhưng thiếu/chưa có/không có PHƯƠNG PHÁP LUẬN. Bôi đen và viết hoa nhé! Nhưng MÂY cũng nghĩ nó đơn giản thôi, kiểu như “Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than”. Hay kiểu như: “giải phóng con người khỏi những khung giới hạn đó qua việc sáng tạo ra những không gian kiến trúc thoải mái và thứ hai qua đó giúp con người có thể đạt được tự do ở một mức độ nào đó”… vân vân. Lấy một ví dụ từ văn học và từ nước ngoài vì MÂY thấy Việt Nam chưa có. Có VTN suýt có với “Gió và Nước” nhưng rốt cục lại chỉ có ý nghĩa như một món “hàng hiệu”.

Đến đây thì không dừng lại được nữa. MÂY muốn đề cập đến một “bộ công cụ”. Không phải của MÂY nghĩ ra mà của một kiến trúc sư nước ngoài và có lẽ người đề cập đến đầu tiên về “bộ công cụ” này ở Việt Nam là anh Phó Đức Tùng (Tiểu luận : Dân tộc và hiện đại – Vấn đề thời mở cửa ; Tạp chí Kiến trúc số 5 – năm 1999).

Đó là về bộ ba khái niệm KA – KATA – KATACHI. Tương ứng là KA (Ý – IDEAL) – KATA (MẪU hay CẤU TRÚC – FORM) – KATACHI (HÌNH – SHAPE). Trong đó, KA/Ý/IDEAL là chỉ cái bản chất. Ở đây là những yếu tố có tính bản chất của không cuộc sống – không gian – công năng Việt. KATA/MẪU/FORM là cái cấu trúc. Mang nghĩa rộng, có thể là cấu trúc xã hội, cấu trúc hạ tầng kỹ thuật, cấu trúc đô thị … nôm na là cái cấu trúc theo nghĩa rộng ở nơi mà kiến trúc được hình thành. Và KATACHI/HÌNH/SHAPE thì là cái hiện hữu thực tế. Cũng mang nghĩa rộng, có thể là hình thức kiến trúc, là vật liệu … đại loại là những cái hiện hữu thức tế cấu thành nên công trình kiến trúc trong thực tế.

Cái này có thể được minh họa bằng hình ảnh một tam giác có 3 đỉnh lần lượt là Cuộc Sống – Không Gian – Công Năng và lần lượt ba cạnh là KA/Ý/IDEAL – KATA/MẪU hay CẤU TRÚC/FORM – KATACHI/HÌNH/SHAPE.

Tại sao MÂY nghĩ “bộ công cụ” này có thể giúp chúng ta hình thành nên phương pháp luận kiến trúc của riêng mình!? Vì các kiến trúc sư trong sáng tác, nghiêm chỉnh nhé J, kiểu gì cũng phải có những trải nghiệm này có thể theo trình tự khác nhau. Nói xuôi thì nghĩ từ “bản chất” rồi đi tìm “cấu trúc” và cuối cùng là “hình thức” hóa nó ra.

Còn một ý nữa là sao mà chúng ta cứ “hồn nhiên” làm kiến trúc chẳng cần “phương pháp luận” gì hết nhưng thôi để dịp khác vậy!

14:04 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Lâm

Bạn Nghiêm Toàn ơi, nói thế là bạn chưa hiểu nhiều về nhà ống rồi, nên bạn cũng không nhận biết được sự khác nhau giữa việc bố trí cầu thang giữa nhà và cầu thang theo kiểu Võ Trọng Nghĩa  hay...

- Nhà bố trí cầu thang giữa vẫn thông thoáng và lấy sáng tốt nếu biết cách vì lõi cầu thang cũng là giếng trời, thêm cái giếng trời đằng sau nhà nữa thì thông gió và lấy sáng quá tốt đấy chứ sao lại bảo là thông gió và chiếu sáng kém nhỉ.

- Đã là cầu thang thì cho dù theo kiểu Võ Trọng Nghĩa hay kiểu thông thường thì cũng đều là giao thông đứng cả. Bạn cho rằng cầu thang thông thường chỉ có ý nghĩa giao thông thuần tuý là hơi bị yếu trong tư duy thiết kế rồi đấy vì có thể kế hợp để làm chổ sinh hoạt chung, chổ ngồi học cho con nhỏ, chổ đọc sách cho người lớn, ngay cả chổ thư giản nghỉ ngơi của ông, bà lớn tuổi, tuy  nghỉ ngơi nhưng vẫn muốn bao quát hết sinh hoạt của gia đình...và sự kết nối không gian cũng sẽ không bị cắt vụn như bạn nói, theo tôi đấy là sự tạo ra những không gian riêng tư theo đúng công năng và bố cục của mặt bằng.

-Vì vậy không thể nói đây là thất cách của nhà ống được, vì những điều bạn đưa ra chỉ là do cách giải quyết của kts chưa tới và chưa có sự sáng tạo nghiêm túc, chứ không phải là những điều chưa đúng hoặc buộc phải thế mà không có cách nào giải quyết được.
 

13:24 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  TNXP

@Lu
Nhà có 1 hay n người thì vấn đề không phải là giao thông mà là 1 đến n chỗ ngủ. Vậy thì trừ đi chỗ ngủ thì các công năng khác vẫn không hề thay đổi. Tức là nhà có n người thì vẫn phải có không gia tiếp khách, sinh hoạt chung, thờ cúng, giải trí...
@Toàn
Mình đang ngâm cứu sẽ có ý kiến phản hồi sau vì vài vấn đề Toàn đưa ra chưa thực sự thuyết phục, mình cảm thấy như thế nhưng chưa tìm ra cách lý giải. Nói chung đồng ý với chú Trịnh Lữ đây là bài viết hay của SOI trong bối cảnh đô thị Việt Nam nhìn đâu cũng thấy rác.

13:23 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Anh Lu em! (mừng anh lâu rồi mới trở lại Soi).
Ý em đúng là thế mà, cái em nói là không nên cố định ở một giải pháp nào cho mọi trường hợp cả. Ngoài ra, tại sao ta cần ở nhiều thế, nhiều phòng thế, phòng to thế, tại sao không nhường chút cho cái chung, cái thông thoáng, chút cây xanh cho nó sang thằng người.
 
@TNXM: Mượn chữ nói cho nó sang mồm, bị bạn bẻ cho, ngượng quá.

12:44 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Trần Quang Lu

@Nghiêm Toàn:
Toàn ơi, nhà ống cho một người ở, giao thông nó khác, cho một cặp vợ chồng nó lại khác, cho một cặp vợ chồng và 2 đứa con (2 thế hệ) nó lại khác nữa và cho một cặp vợ chồng + 2 đứa con + bố mẹ chồng, tức là 3 thế hệ, nó lại càng khác nữa. Giao thông phải phụ thuộc vào không gian @ Nghiêm Toàn, không gian lại phụ thuộc vào số lượng người sử dụng, từ đó mà suy ra.
 

11:44 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  TNXP

Chúng tôi hơi bị chưng hửng vì không biết vượt gộp nó là thế nào? Sau khi tìm gặp PGS đáng kính để biết thế nào là vượt gộp. Tạm thời ngay lúc này, chúng tôi vẫn khoanh tay trước ngực lắc đầu chưa chấp nhận khái niệm về 1 từ mới là vượt gộp do PGS đưa ra!!! Nếu cho phép chúng tôi hiệu chỉnh xin đặt là "tiếp đổi" hoặc "thu mới". Kính.

PGS Phan Ngọc:
Tôi dùng chữ “vượt gộp” dịch khái niệm dépassement của Pháp, hay aufheben của Đức, để chỉ nguyên lý này.

“Vượt gộp” là tiếp thu cái mới nhưng đổi mới nó trên cơ sở cái cũ đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới; nghĩa là bảo vệ được cả cái cũ lẫn cái mới sao cho thích hợp với sự đổi mới cần phải tiến hành.

“Vượt gộp” không phải là nhắm mắt chạy theo cái mới, vứt bỏ cái cũ, không phải là khư khư giữ lấy cái cũ, từ bỏ cái mới.
 
 

11:39 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Cảm ơn anh Đào Thịnh đã cho ý kiến.
Thực ra về các giải pháp giao thông tôi đã nói rõ trong bài, cái nào cũng có ưu điểm nhược điểm riêng, điều quan trọng là ta áp dụng nó thế nào.
Về việc tiết kiệm diện tích thì tôi hoàn toàn đồng ý với anh, có điều tại sao ta cần quá nhiều diện tích sử dụng nếu như nó không đủ tiện nghi? (chưa nói đến việc nó không đẹp). 
Cái cầu thang ta tạm coi như thằng hầu đi, nó phải ở chỗ mà ta muốn, ta cần chứ không phải vật cản đường để khi ta cần không gian lớn, linh hoạt thì lại có một ông kễnh đứng lù lù ở giữa.
Tóm lại, điều tôi muốn nói là giao thông phải phụ thuộc vào không gian, ở trong một căn nhà có thể có thang, hành lang ở các vị trí khác nhau.
Về ý muốn làm đẹp hơn cho cầu thang, quả thật tôi không có hứng thú trong việc tỉa hoa ớt sừng hay cà chua cho lắm nên xin không có ý kiến :D.

10:26 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Đào Thịnh

Đã là nhà ống chiều ngang hẹp tầm 3m,4m,5m thì khó mà bỏ cái cầu thang ở giữa được, bố trí cầu thang ở giữa là tiết kiệm diện tích nhất, còn trường hợp bố trí cầu thang 1 vế như các phương án của Võ Trọng Nghĩa hay của Đào Thanh Hưng... hay bất cứ người nào khác đều làm tăng diện tích giao thông hành lang. Vì cầu thang 1 vế thì điểm đến phải ở gần cuối nhà hay đầu nhà, nên muốn đến phòng cuối nhà hay đầu nhà thì buộc phải có thêm hành lang, đây cũng chính là yếu điểm lớn nhất của cách bố trí thang 1 vế trong các kiến trúc của VTN, ĐTH...trong khi làm cầu thang chính giữa thì sẽ tiết kiệm được nhiều diện tích hơn vì giao thông kiểu hành lang đã được gom lại thành chiếu đến và chỉ gói gọn trong phạm vi của cầu thang mà không phải kéo dài gần hết căn nhà.
Xét cho cùng thì phương án cầu thang giữa nhà là hợp lý nhất trong không gian nhà ống, tiết kiệm, gọn, rõ ràng đơn giản. Dĩ nhiên do nó quá phổ biến nên kts cảm thấy chán vì phải lập đi lập lại dẫn đến việc sáng tác ra các thể loại thang 1 vế...nhưng sự sáng tác của các kts đấy chỉ thoả mãn về mặt không gian nó lạ hơn chứ không thể đạt sự ưu việt bằng cách đặt cầu thang giữa nhà.
Cho dù có chán như thế nào thì các kts cũng vẫn phải thừa nhận tính ưu việt của việc đặt cầu thang giữa nhà và nên tìm cách làm cho không gian cầu thang giữa nhà hấp dẫn hơn là tìm tòi những cái mới bằng cách làm cầu thang 1 vế như của VTN hay của ĐTH nhưng hiệu quả sử dụng thì quá thấp nếu không muốn nói là chỉ để làm cảnh là chính. Hơn là cứ phải chê bai sự nhàm chán trong khi không có 1 phương pháp hay sáng tạo nào hữu hiệu hơn.

9:00 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Cháu cảm ơn chú Trịnh Lữ.
 
Có mấy điểm nhỏ mà rất phổ biến của nhà ống hiện tại mà cháu không đưa vào bài vì sợ lắt nhắt.
 
1. Coi trọng mặt đứng trong khi hoàn toàn không có tầm nhìn, góc nhìn (ngoại trừ trường hợp ít ỏi là mặt phố). Chi phí cho nó là tốn kém không cần thiết, chưa kể đa số mặt đứng có cấu trúc đối xứng cổ điển,     bố trí nội thất trong đó bị gò theo mặt đứng rất bất tiện.
 
2. Xây quá lớn, nhiều khi vượt quá nhu cầu sử dụng, diện tích các không gian riêng cũng vậy. Nói chung ở tâm lý thích một mâm cỗ bầy tú hụ hơn là một đĩa thức ăn ngon, tinh tế, đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh.
 
3. Với mật độ xây dựng chung là quá cao, ngoại trừ các vị trí có ưu thế về thông thoáng gió cho nên hầu như là không thể không sử dụng AC (điều hòa không khí cưỡng bức), từ đó sinh ra sự lười nhác trong thiết kế, ít chú trọng đến thông gió (cho dù là tối thiểu).
 
4. Nơi trang trọng nhất trong nhà thì chình ình ông xe máy hoặc quý ngài ô tô, trong khi bàn thờ tổ tiên thì bị "dí" lên nóc nhà, trông qua thì tưởng trang trọng nhưng kỳ thực thì việc thờ cúng tổ tiên trở thành một công cụ khấn vái đúng nghĩa. 
 
@chú Trịnh Lữ: Về việc các kiến trúc sư trẻ thiên về sao chép các giải pháp lấy sáng, thông gió của Tây, cháu nghĩ trước mắt là tốt thôi, tất nhiên, để thành một giải pháp thực sự hữu ích phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thì cần thực tế và thời gian.

8:27 Wednesday,12.6.2013

Đăng bởi:  trịnh Lữ

Rât hoan nghênh ý tưởng và lập luận rõ ràng mạch lac của bài viết về ba nhu cầu cơ bản của một không gian gia đình Việt: ba thế hệ, không gian sinh hoạt chung với ban thờ tổ tiên, và không gian tiện nghi cá nhân. Tôi nghĩ hướng đi/phương châm ấy là đúng ở thời điểm hiện tại. Giải pháp thì đến nay cầu thang giữa vẫn là phổ biến nhất. Nguyên nhân chính, theo tôi, cũng chưa chắc đã phải là do kiến trúc sư, mà là chính ở nếp sống của đại đa số cư dân ở đô thị hiện nay. Họ chỉ cần như vậy là đủ, là thích hợp nhất với đời sống mới mẻ của họ ở thành phố. Chỉ có một thiểu số cư dân đô thị có thể tin tưởng để kiến trúc sư tùy ý tìm các giải pháp mới, phần lớn tạo nên những không gian hợp lý hơn về mặt kiến trúc nhưng lại hay bất cập về nội thất và tiện nghi sinh hoạt. Và nhất là thường chịu nhiều ảnh hưởng của các giải pháp của tây phương, chú trọng lấy sáng lấy nắng và giữ nhiệt chứ không phải ngăn nắng lấy gió giữ mát trong nhà.
Anh em thử bàn luận về từng vấn đề xem thế nào. Ví dụ các giải pháp chống nóng thông gió cho nhà ống, hoặc các giải pháp về không gian chứa đồ, về tiện nghi như tiền sảnh, nơi ăn, nơi ngủ, nơi sinh hoạt chung...
 

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả