Gẫm & Bình

Thái độ kiến trúc Việt: tinh giản, hòa hợp, chứ không cầu kỳ, áp chế

Trong phần cmt cho bài Thế nào là nhà Việt: hình thức Việt hay lối sống Việt?, bạn Nguyen Tran có viết: Thưa chú Trịnh Lữ, Câu hỏi của chú thực sự là một đề tài mà những người làm kiến trúc đã và đang kiếm tìm lời giải đáp. Để thực sự tìm được […]

Ý kiến - Thảo luận

21:54 Sunday,7.7.2013

Đăng bởi:  SiêuNoob

Dạ cám ơn chú Trịnh Lữ đã bỏ thời gian giải thích rất cặn kẽ cho cháu (và hi vọng là cả nhiều bạn khác trên SOI nữa).

17:03 Sunday,7.7.2013

Đăng bởi:  trịnh lữ

@SiêuNoob -- tôi vỡ nhẽ một điều rằng trao đổi bằng viết qua lại có cái dở là mình mất nhiều thời gian để giải thích, nhưng cái hay là vì thế mà nó giúp mình thấy những rủi ro của câu chữ cần phải phòng ngừa, và bắt mình phải suy xét đầy đủ hơn khi trình bày một việc gì đó. Ở đây là mấy từ "tinh giản, hòa hợp, thích ứng". Cái hiểu của tôi là "tinh giản" không phải là sơ sài nghèo nàn, mà là thái độ chắt lọc rất kỹ lưỡng và công phu để tìm ra giải pháp tối ưu và hiệu quả cao nhất. Hiệu quả trong phạm trù mình đang bàn luận ở đây có nghĩa là công dụng thì tối đa, kiểu cách thì đẹp, mà giải pháp, bao gồm từ vật liệu đến kết cấu, công lao động, thì chỉ cần tối thiểu. Tối ưu thì có nghĩa là phải có vài ba cái giải pháp hiệu quả như thế đã, rồi mới lại chọn cái nào hòa hợp và có khả năng thích ứng nhất ở cái môi trường mình đang phải xử lý ấy thì mới dùng. Như vậy, "tinh giản, hòa hợp, thích ứng" hoàn toàn không có nghĩa là sơ sài, dễ dãi, do nghèo nàn mà ra. Cũng như người ta, về đường ăn mặc chẳng hạn, những ai kỹ lưỡng tinh tường khắt khe và có thẩm mỹ tốt thì mới có thể trang phục cho mình để mang vẻ tinh giản hòa hợp và thích ứng với môi trường mình phải giao lưu. 

Ở đây, tôi hiểu cái ý của ông Ngọc muốn lấy cái thái độ "tinh giản, hòa hợp và thích ứng" ấy làm đối lập với những thái độ kiến trúc của nhiều dân tộc khác mà ông cho là "cầu kì, hoa mỹ, áp chế". Mà cái này thì ông bảo học sinh xem cho kỹ những công trình kiến trúc nội thất của thế giới từ xưa đến nay, rồi so với những gì vẫn còn lại ở Việt Nam như đình chùa miếu mạo dinh thự từ xưa và những kiến trúc dân dụng đã được coi là "cổ điển" và truyền thống như các nhà ở các vùng nông thôn, miền núi, miền biển ở mình. Ông muốn học sinh hiểu ra cái khác nhau ấy để mà tránh sự bắt chước những cái cầu kỳ hoa mỹ áp chế nó thường song hành với thái độ "bày hàng khoe của". Và cũng để khích lệ cái lòng tự tôn đối với di sản của tổ tiên. Không phải là tự tôn giả tạo, mà là do thấy và hiểu được cái giỏi, cái hay, cái đẹp của nhưng giải pháp kiến trúc nội thất bắt nguồn từ cái thái độ "tinh giản, hòa hợp và thích ứng" kia.

Còn chuyện mình phải làm hàng cho đại chúng thì vẫn cứ là chuyện khác. Tội gì mà lấy nó để ngăn cản những suy nghĩ và hứng khởi làm nghề của mình. Ở đời vẫn luôn như thế thôi. Mà thực ra, quần chúng cũng không ngu xuẩn đâu. Chỉ là vì mình chưa làm được cái gì có thể thuyết phục được quần chúng đấy thôi .

15:55 Sunday,7.7.2013

Đăng bởi:  SiêuNoob

Cảm ơn chú Trịnh Lữ đã giải thích cặn kẽ về quan điểm dân tộc tính trong kiến trúc Việt của ông Ngọc. Bản thân cháu cũng tin rằng thái độ sống sẽ quyết định hướng đi và sản phẩm của kiến trúc. Tuy nhiên, theo cháu thì thái độ sống của bản thân kiến trúc sư chỉ đóng vai trò phụ trợ ở đây, còn cái quyết định chính là thái độ sống của đại bộ phận dân chúng, những khách hàng của các kiến trúc sư. Lấy ví dụ như ở Nhật, sở dĩ trường phái tối giản phát triển được sâu rộng không phải vì họ có những kiến trúc sư có quan niệm sống tối giản. Điều tiên quyết là phong cách, văn hóa sống của đại bộ phận người Nhật hướng tới những triết lý phù hợp với trường phái tối giản đó.

Trở lại với dân tộc tính trong kiến trúc Việt. Câu hỏi cháu muốn nêu ra là liệu "tinh giản, tiện dụng, hòa hợp" có thực sự là thái độ sống của đại bộ phận người Việt? Hay đó cũng chỉ là hệ quả của những điều kiện lịch sử, tự nhiên đã qua? Cụ thể có phải sự "tinh giản, tiện dụng, hòa hợp" trong kiến trúc xưa chỉ là hệ quả của quan điểm sống xuề xòa, hình thức, mà ít khi đào sâu nghiền ngẫm, kết hợp với điều kiện sống khó khăn và thiếu thốn?

Nếu trong xã hội (có vẻ) dư thừa về vật chất hiện nay, đại bộ phận dân chúng không còn hướng tới sự tinh giản, tiện dụng, hòa hợp nữa thì e rằng kiến trúc cũng khó có thể phát triển theo những định hướng này.

Cảm ơn chú Trịnh Lữ.

10:02 Sunday,7.7.2013

Đăng bởi:  trịnh Lữ

SieuNoob: quan điểm của bản thân mình là quan trọng nhất. Toàn bộ ý tưởng của ông Ngọc - mà tôi thấy tâm đắc, là của một người làm kiến trúc và nội thất với thái độ của nghệ sỹ muốn tìm cách sáng tạo cái mới từ việc học hỏi truyền thống. Điểm khác biệt là ở chỗ học như thế nào. Và ông Ngọc tin rằng phải học từ cái "thái độ" làm nhà cửa đồ đạc truyền thống, chứ đừng câu nệ vào những hình thức của truyền thống, vồn chỉ là những dấu ấn vật chất của từng thời kỳ lịch sử. Mà truyền thống chính là di sản của dân gian. Học truyền thống tức là học cách nghĩ cách làm của dân gian, tinh hoa của nhân dân. Như vậy thì cái "mặt bằng kiến trúc truyền thống" của mình đâu có thấp kém. "Bộ phận tinh hoa của người Việt" như cháu nói, thì cũng là chắt lọc từ cái "mặt bằng" ấy thôi. Nghĩ như vậy, thì mình sẽ có thái độ học hỏi nhân dân, học hỏi cách nghĩ cách làm của người xưa từ những sản phẩm còn tồn tại cho đến giờ. Tại sao phải lo "nhân dân" không hiểu và "mặt bằng thấp kém"? 

14:42 Friday,5.7.2013

Đăng bởi:  admin

@ Phó Đức Tùng: cmt của Tùng, Soi đã đưa lên thành bài riêng. Bài có tên "Đi tìm cái khác biệt để đạt được cái hòa đồng" Cảm ơn Tùng.

13:50 Friday,5.7.2013

Đăng bởi:  SiêuNoob

Thưa chú Trịnh Lữ. Cháu thấy những quan điểm của ông Ngọc và của chú rất sâu sắc để cho mình học hỏi. Nhưng cũng trộm nghĩ là những quan điểm đó chắc mới chỉ có được ở một bộ phận tinh hoa của người Việt mình thôi, cả xưa và nay. Còn về mặt bằng của dân ta thì sao ạ?

Thái độ sống của đa số người Việt ta là xuề xòa, hời hợt, hiếm khi chịu đào sâu đến bản chất của sự vật, hiện tượng. Vì thế mà cũng hay đơn giản hóa mọi chuyện và adua, bắt chước theo số đông. Thái độ sống đó một phần nào đấy có ích khi điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn. Khi cần phải lạc quan, dĩ hòa vi quí để mà sống còn. Trong thiếu thốn, nó dẫn tới sự tinh giản, tiện dụng và hòa hợp.

Nhưng ngay khi đầy đủ rồi thì cách sống của người Việt ta mới thực sự bộc lộ các hạn chế cốt lõi. Vì không có những giá trị tự mình nghiền ngẫm/chiêm nghiệm ra, nên khi đầy đủ rồi thì hoàn toàn lạc lối trong việc hưởng thụ và xác định đâu là thái độ sống thích hợp. Điều này phần nào được phản ánh ở khắp các công trình nhà ở mới từ thành thị đến nông thôn. Ở nông thôn bây giờ, chỉ có người nghèo mới ở nhà 3 gian thoáng mát; còn những ai có điều kiện thì đều muốn lên đời nhà ống, muốn lát gạch men, đun nồi cơm điện.

Vậy làm sao để có thể thay đổi? Giải pháp ngắn hạn là dùng sự áp chế trong quản lý. Ví dụ như ở Singapore, khi từ anh chăn lợn đến chú trồng khoai đều phải lên ở chung cư. Làm như vậy tuy không giải quyết được tận gốc vấn đề về lối sống, nhưng cũng phần nào đưa xã hội tiến lên. Nhưng để làm thế thì phải có người quản lý, hoạch định giỏi. Còn giải pháp dài hạn là nâng cao dân trí qua giáo dục và phổ cập văn hóa. Nhưng để làm được một việc lớn lao như thế thì còn cần những nhà lãnh đạo, quản lý giỏi gấp nhiều lần hơn nữa. Vậy thử hỏi đến bao giờ nền kiến trúc của người Việt nam ta mới tiến lên được đây ạ?

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả