Thị trường

Sotheby’s thắng lớn ở HongKong. Zeng Fanzhi đi vào sử bán tranh.

Các nhà sưu tập châu Á đã có dịp bày tỏ lòng ham muốn vô hạn độ trước đồ xa xỉ và tranh pháo, trong chuỗi 5 ngày đấu giá vừa qua của nhà Sotheby’s Hong Kong, bắt đầu từ hôm 4. 10. 2013. Kết quả, Sotheby’s bán được thập cẩm đủ thứ: từ rượu […]

Ý kiến - Thảo luận

20:11 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  LC

Vầng, anh Tùng có nhận định rất chuẩn mực, nhưng em ngao du trong thế giới của chữ gần 30 năm nay, thì em cũng cảm nhận lơ tơ mơ thế thôi ạ. Vả lại, có nghĩa hay vô nghĩa thực tế đã dùng bằng văn bản, thì theo luật Bút sa gà die, cũng phải có nghĩa ạ. Chả nhẽ chúng mình lại viết và nói những từ hổng có giá trị gì, thì phí rượu uổng công học hành, anh của chúng em ôi !
Thôi, mời chư huynh sang triển lãm Vân Hồ mà xem tranh tượng toàn cõi Việt ta quy tụ tranh giải quốc gia, 5 năm một lần, đâu gần 500 tác phẩm, công phu lộng lẫy, đủ mặt anh tài. Mà bộ tranh khắc gỗ được giải vàng thì mỹ mãn lắm ạ...

13:49 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

LC
Ai cũng có thể bịa ra một từ ghép nào đó bất kỳ, nhưng để thành từ vựng, nó phải được nhiều người chấp nhận và dùng. Muốn vậy nó phải có lý do. Kể cả cái sự réo rắt, nghe vui tai, cũng là một lý do. Nhiều sự sáng tạo từ, nhất là các loại từ lóng, có nguồn gốc rất phi chính quy, kiểu như "dở hơi biết bơi". Nhưng xã hội vẫn hiểu context của nó khi sáng tạo và sử dụng những từ đó. còn sau này, khi có nhiều người dùng từ đó một cách vô thức, không hiểu vì sao mà vẫn dùng, rồi lâu dần không còn hiểu nghĩa nữa, mà vẫn dùng, thì vì cả cụm từ đó vẫn khiến người ta liên tưởng một cái gì đó.

13:33 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

Đặng Thái
Bạn cố hình dung lại logic vấn đề nhé
Có lý thuyết về ngôn ngữ đơn âm, nói rằng trong hệ ngôn ngữ này, chữ nào cũng có nghĩa. Lý thuyết này là một cấu trúc phổ quát, nói rằng mọi chữ đều phải có nghĩa. Nếu có từ nào ngày nay trở nên có cảm giác vô nghĩa là vì ta lâu không tìm hiểu nên đã quên mất gốc của nó. Việc một người hay nhiều người không hiểu nghĩa một từ không có nghĩa là từ đó vốn vô nghĩa. Việc nhiều người có thói quen dùng một số từ mà không hiểu nghĩa của nó cũng không chứng tỏ nó vô nghĩa. Muốn phản bác lý thuyết đó, thì phải chứng minh là có những từ chắc chắn vô nghĩa, và tại sao biết chắc là nó vô nghĩa.

Giả sử có một lý thuyết khác cho rằng về cơ bản, từ thứ 2 trong các từ ghép tổng hợp sẽ phải vô nghĩa, thì cũng là một cấu trúc phổ quát, dùng để ứng dụng cho mọi từ ghép, rằng chữ sau sẽ vô nghĩa. Để có lý thuyết đó, trước hết phải có hypothesis lý giải về cơ chế tại sao lại như vậy một cách logic. Và ai muốn phản biện lý thuyết đó thì tìm cách chứng minh một từ mà lý thuyết này bảo là vô nghĩa thực ra là có ý nghĩa, và ý nghĩa đó từ đâu ra.

Mình không quan tâm chuyện Đặng Thái nói là từ vô nghĩa đó là có người này người kia đã nói, hay do bạn tự nghĩ ra. Điều đó không quan trọng. Mình muốn biết là hypothesis của lý thuyết đó là gì, nghe có thuyết phục không. Mình không phản biện chuyện có thể có người đã từng nói như vậy, mà bảo Đặng Thái nói "bây giờ các nhà ngôn ngữ đều thống nhất như vậy" là không có cơ sở, chí ít mình đã dẫn chứng cụ An Chi và nhiều người khác không thống nhất như vậy.

Còn nếu statement của Đặng Thái là hiện nay có một số từ ghép do nguồn gốc lâu quá rồi nên nhiều người còn biết nghĩa nữa, dùng theo quán tính thôi, nhưng thực tế chỉ dùng nghĩa của từ thứ nhất, còn từ thứ hai coi như không có nghĩa, thì hoàn toàn ok và không có gì để bàn, và cũng không cần tranh luận, tìm hiểu xem từ này từ nọ tại sao lại như vậy, có nghĩa là gì.

13:10 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  Đặng Thái

Anh Nguyen ơi, bạn tự đọc lại phần bạn viết đi, "không có nghĩa ai theo đạo Hindu đều không có ý thức về khoa học." Bạn là người lôi đạo Hindu vào đấy chứ. Mình nói "mấy đứa" chứ có nói "tất cả" đâu, mình cũng có nói là mấy đứa ấy không hiểu Big Bang đâu, chúng nó hiểu mà vẫn cứ cho là thần linh tạo ra vật chất đấy chứ. Mình không muốn gây chiến gì với Anh Nguyen, nhưng mình cũng không mâu thuẫn gì với bản thân cả, có lẽ tại mình viết làm bạn suy diễn xa quá. Cho mình xin lỗi.

12:43 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  Anh Nguyen

Hình như ông Aristotle có nói là: "It is the mark of an educated mind to be able to entertain a thought without accepting it." Tôn giáo, niềm tin có thể khiến người này người kia không chấp nhận một học thuyết khoa học nào đó, nhưng không có nghĩa là họ không hiểu, thậm chí họ có thể hiểu hơn những người vô thần. Ngược lại một người không theo đạo Hồi vẫn có thể nghiên cứu về đạo Hồi rất kĩ, nhưng không có nghĩa là tin vào thánh Allah. Ý này chắc bạn Đặng Thái cũng đồng ý phải không? Mình thấy bạn nói "giải thích mãi mà bọn Ấn Độ không hiểu" thì mình thấy hơi có vẻ coi thường người ta quá, nên mình vào góp mấy lời như vậy. Ngoài ra thuyết Big Bang hay thuyết Sáng thế (Creationism) cũng đều là "theory" cả. Big Bang thì được nhiều người trong cộng đồng khoa học tin tưởng hơn, vậy thôi, không có nghĩa là bản thân nó có gì cao quý hơn các học thuyết khác.

12:32 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  Anh Nguyen

Đặng Thái:
Mình không muốn bắt bẻ câu chữ đâu. Nhưng trong post trước bạn bảo "chẳng thể nào giải thích được Big bang cho mấy đứa Ấn Độ", làm người đọc cảm giác như tất cả người Ấn Độ không hiểu được thuyết Big Bang. Post sau thì bạn nói hiểu là một chuyện, công nhận là chuyện khác, và không phải ai ở Ấn Độ cũng theo đạo Hindu... Có phải là tự contradict bản thân không? Mình không hề nói các bạn mình ở Darthmouth có theo đạo Hindu không, vì thú thật mình cũng không biết, không hỏi.

12:01 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  LC

Và rằng thì là mà, Soi chịu khó biên tập lại các cmt từ " cổ kính" đến giờ, là được bài khớ đó !!!

11:58 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  Đặng Thái

Bác Tùng,

Trong link bác dẫn, cụ An Chi đã viết ở cuối là có "ý kiến cho rằng trong tiếng Việt có một lớp âm tiết làm thành các yếu tố vô nghĩa" tức là các nhà ngôn ngữ học có tìm cách giải thích việc vô nghĩa chứ không phải đây là lý thuyết em đề xuất.

Em đương nhiên là không đủ khả năng chứng minh lý thuyết này vì hiện chưa có nhà khoa học nào chứng minh được cả. Bây giờ một người vô tội (giống từ vô nghĩa do sáng tạo ngẫu nhiên) bị kết án có tội (bác Tùng kết luận nó phải có nghĩa) thì bên điều tra phải chứng minh người ta có tội chứ, sao bắt người ta tự chứng minh mình vô tội. Nếu anh không chứng minh được người ta có tội tức là người ta vô tội, anh chỉ có quyền yêu cầu người ta khai báo, hỏi cung chứng cớ ngoại phạm chứ sao bắt giữ người ta, rồi yêu cầu tự chứng minh vô tội. Chữ "han" trong "hỏi han", hiện tại ai cũng thấy nó vô nghĩa, giờ bác bắt em chứng minh nó vô nghĩa. Chẳng hiểu logic của bác ở đâu?

Hiện tại chỉ có một lí do duy nhất cho việc vô nghĩa này đó là các hình vị cổ xưa, từng có nghĩa nhưng vì lặp nghĩa với hình vị đứng trước nên dần dần không tồn tại độc lập được nữa. Chưa chứng minh được, mà em cũng chẳng phải chứng minh, vì nó vô nghĩa đang là lẽ tự nhiên, bác nhảy vào nói nó có nghĩa mới là dị thường.

Em thì nghĩ ngôn ngữ là nhân tạo, người thì hay sai sót, ai đó tạo ra một sản phẩm méo mó (cố ý hoặc vô ý do nói ngọng, tai nghễnh ngãng) rồi bằng quyền lực bắt mọi người dùng mãi thành quen, con cháu về sau tưởng là từng có nghĩa. Ai thích thì cứ truy nguồn gốc, em thì không. Như hôm qua em đã nói về tiếng miền Nam, bác mà nghe từ địa phương, thì sẽ thấy những sản phẩm ấy vô vàn, chẳng có lí do nào để giải thích.

Em đã thành khẩn khai báo đến vậy, bác vẫn bắt em đi tù thì em đành chịu tiếng oan.

Anh Nguyen,

Không phải cứ người Ấn Độ là theo đạo Hindu. Với lại hiểu Big Bang là một chuyện, công nhận nó là chuyện khác. Thế mới là Ấn Độ.

11:58 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  LC

Ngôn ngữ cũng qua hệ phát âm, bằng cái lưỡi lắt léo của con người, giống như cây đàn phát ra thanh âm. Âm có niêm luật và cũng có phóng tác, mà các cụ gọi là âm bồi, bồi bổ thêm cho hay ấy mà. Nên em vẫn tin là trong các từ ghép, vẫn có thành phần thực chất vô nghĩa, mà cho thêm là do tập quán nói năng và là âm bồi cho thêm phần...réo rắt.
lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, hức

11:09 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  Anh Nguyen

Trong cuốn Myths to live by, Joseph Campbell có thuật lại việc gặp gỡ một người Ấn Độ theo đạo Hindu. Ông này băn khoăn vì khi đó người ta mới khai quật được ở Ấn Độ những di chỉ khảo cổ có tuổi thọ lâu hơn kinh Vệ Đà, mà theo đạo Hindu thì kinh Vệ Đà là thứ xuất hiện đầu tiên trong vũ trụ. Cuộc đấu tranh giữa hai luồng tư tưởng tôn giáo và khoa học trong từng cá nhân là có thật, nhưng không có nghĩa ai theo đạo Hindu đều không có ý thức về khoa học. Mình dốt Vật Lý nhưng có quen nhiều bạn Ấn Độ học khoa Quantum mechanics ở Darthmouth, mình không nghĩ các bạn đó lại không hiểu Big Bang.

10:54 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

Đặng Thái
mọi lập luận của mình đều có thể sai, vì mình không phải chuyên gia ngôn ngữ, chẳng qua bạn nêu vấn đề mình cũng thấy hay nên bàn thôi. Nếu bạn cho rằng ngôn ngữ giống như tôn giáo, không thể bàn được, âm u mù mịt, không có logic gì, thì ta chẳng thể bàn được. Còn nếu ta cho rằng nó có những quy luật, được những lý thuyết này nọ tìm cách giải thích một cách khoa học thì ta mới bàn.

Việc mình không thuyết phục được các bạn là chuyện rất thường, vì nhắc lại mình không phải chuyên gia. Lý thuyết về việc trong ngôn ngữ đơn âm tiết kiểu Việt Nam, mọi từ đều có nghĩa, mình đã được nghe, không phải mình nghĩ ra, và đã trích dẫn để mọi người cùng đọc. Cụ An Chi cũng có thể sai, có điều mình thấy lập luận của cụ chặt chẽ.

Còn nếu Đặng Thái muốn nói các từ ghép với nhau vô nghĩa thì một là bạn đưa ra những lý thuyết về vấn đề đó để mọi người cùng tham khảo, hai là nếu bạn tự đề ra lý thuyết đó thì cũng cần nêu rõ lý thuyết đó như thế nào. Mình hoàn toàn không bảo bạn nói sai, chỉ nói là mình mới được nghe về chuyện này lần đầu và chưa thấy thuyết phục, nếu bạn giải trình được một cách thuyết phục thì mình được mở rộng tầm mắt. Còn nếu bạn cho rằng nó hiển nhiên như niềm tin vào chúa và chẳng thể giải thích được thì thôi.

9:57 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  candid

Trong tranh luận về từ ghép, bác Tùng và bác Đặng Thái đang tranh luận với nhau ở diện vĩ mô. Cách tạo thành các từ nói chung. Cái này nó quá sức của em vì em không giỏi ngữ pháp tiếng Việt cũng như không phải là nhà ngôn ngữ. Em chỉ dám tham gia vào bàn luận những cái vi mô, cụ thể là từng từ như "Dây nhợ", "tranh pháo", "cổ kính". Qua trao đổi từng trường hợp cụ thể mà mọi người có thể hiểu thêm về tiếng Việt.

Như trường hợp từ "tranh pháo" em cũng được biết thêm là dùng rộng rãi trong dân gian, những người em biết có thể do không có thói quen treo tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống nên không dùng từ như thế.

Còn nếu sợ mất thời gian của nhau, chi bằng có bài nào post lên thì cùng nhau vỗ tay rồi giải tán hội nghị?

9:33 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  candid

Cám ơn bác Viễn Chi, em vẫn không thấy liên quan đến "cổ kính" và "cố kinh". Hai chữ này khác nhau hoàn toàn không cùng nghĩa hay cùng âm.

Trong tiếng Việt có từ đồng âm khác nghĩa, "cổ kính" trong hai câu thơ tương truyền của vua Tự Đức đồng âm với từ "cổ kính" ta đang bàn.

Hướng tiếp cận của em là theo hướng tiếp cận văn bản vì em nghĩ một từ có ý nghĩa hay như "cổ kính" nếu có từ lâu thì nó phải tồn tại trong một văn bản Hán - Nôm nào đấy. Em thì không biết chữ Hán, chữ Nôm nên đưa ra hy vọng là các bác khác như bác Riêng Chung có thể giúp.

Nếu làm bác mất thời gian thì em rất tiếc, bác có thể bỏ qua các comment của em.

9:28 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  Viễn Chi

Đây, để cho Candid hiểu cái lẩn thẩn của bác làm khổ anh chị em dường nào, tôi mới dùng thủ pháp của chính bác đây.
Bài thơ này không có từ "cổ kính", chỉ có từ "cố kinh". Nếu cũng lập luận kiểu bác, tôi hỏi, phải chăng từ "cổ kính" là từ "cố kinh" mà ra? Vì "cố kinh" bao giờ mà chẳng "cố kính".
và nguồn gốc thế là có trước khi có quốc ngữ. Bác vặn vẹo cái lập luận lẩn thẩn của tôi xem nào.
(Trong lúc đó xin anh chị em giải lao tí, tôi dùng đây là "hoãn binh chi kế")

9:18 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  candid

Cám ơn bác Viễn Chi, xưa nay người ta chỉ mắng người giấu dốt, không ai nỡ mắng người dốt. Em không biết chữ hán với chữ nôm nên nêu ra vấn đề hy vọng có người biết mà chỉ cho thôi. Em có vào link bác đưa và thấy như sau:

Hoa Lư cố kinh hữu cảm

Hoa Lư sơ định đế vương đô,
Trúc kế chư sơn tạc ngũ hồ.
Nhập lý chu hoàn thành diệc tiểu,
Nhị vương yểu tử nghiệp nan đồ.
Thiết lâm cung thất kim trầm thổ,
Thạch thế môn tường cổ diệc phô.
Thác lạc chư thôn tồn hoại mộc,
Dụng liên thông lộ bạn lô cù.

花閭故京有感

花閭初定帝王都,
筑繼諸山鑿五湖。
卄里周環城亦小,
二王夭死業難圖。
鐵林宮室今沉土,
石砌門墻古亦鋪。
錯落諸村存坏木,
用連通路伴蘆衢。

Em không thấy chữ "cổ kính" trong bài thơ bác đưa.

Mạo muội làm mất thì giờ thêm một chút của bác, bác chỉ hộ em chữ "cổ kính" trong bài thơ trên. Cám ơn bác.

9:13 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  Viễn Chi

Chào bạn Candid
Có bài này "Hoa Lư cố kinh hữu cảm 花閭故京有感 "Ngậm ngùi nơi đô cũ đất" có từ trước thời Quốc ngữ. Bạn xem ở đây
Mong Candid đừng hỏi lẩn thẩn nữa làm mất thời giờ anh chị em quá.

9:11 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  Đặng Thái

Quan điểm của bác Tùng thì rất rõ ràng, mọi sự việc đều có nguyên nhân của nó. Cái này rất cần cho khoa học. Em nói là người ta tạo ra từ thứ hai vô nghĩa do ngẫu nhiên thì bác nói không thuyết phục mà yêu cầu chứng minh lý do nó vô nghĩa. Nó vô nghĩa thế thì người nông dân phải làm sao?

Nên em nhận thấy mọi cuộc tranh luận của bác với các bạn theo đạo Phật trên Soi đều đi vào ngõ cụt, vì suy cho cùng tôn giáo hay ngôn ngữ cũng là sản phẩm nhân tạo, bác đòi lập luận sắc bén kiểu khoa học tự nhiên thì nó đã khác nhau cơ bản về động cơ rồi. Em chẳng thể nào giải thích được Big bang cho mấy đứa Ấn Độ, vì kiểu gì khoa học cũng đi đến chỗ bị bí bác ạ, chỗ ấy là chỗ thần linh ra đời.

8:59 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  candid

Em tìm thấy một bài viết của Cao Xuân Hạo cho rằng từ "cổ kính" là từ Hán Việt như các từ "bác học", "thi vị". Tuy nhiên tra từ điển Hán Việt thì không thấy từ "cổ kính". Tra nghĩa của từ Kính thì thấy có các nghĩa sau như mạnh, cứng, hứng thú, bộ dạng.
Ngoài ra từ kính còn có nghĩa là tôn trọng, kính trọng.
Theo em có khả năng nào từ Cổ kính là từ được ghép lại từ hai từ như cổ xưa và tôn kính chả hạn. Trong tiếng Việt hiện tượng như thế có thể thấy ở các từ gần đây như cụ tỉ, phối kết hợp...

8:41 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  candid

Em nghĩ là từ cổ kính mới xuất hiện khi có chữ quốc ngữ thôi. Đối với từ như thế này thì tìm hiểu nghĩa của từ rất khó (kính trong từ này nghĩa là gì kính trọng, tôn kính?). Nếu nó là từ tổn tại từ lâu thì ta có thể dựa vào cách viết của nó trong chữ nôm để biết được kính nghĩa là gì.

Như trong bài viết của bác Cùng học tiếng Việt có nhắc đến hàng loạt các từ mới xuất hiện trong tiếng Việt như kinh tế, chính trị... có nguồn gốc từ Âu Mỹ chuyển Nhật sang Trung rồi mới sang Việt, cũng là nhờ truy về nguồn gốc mới hiểu rõ nghĩa.

8:34 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  Đặng Thái

Vừa rồi bác Linh Cao nói đến tiêu bắc, làm em nhớ ngay chuyện mới gặp hồi trước. Vợ chồng nhà anh bạn, vợ Bắc Trung Bộ, chồng Trung Trung Bộ, cãi nhau chuyện hạt tiêu. Chị vợ cầu cứu em, bắt em giải thích tại sao có tên là "tiêu bắc". Anh chồng bảo:"Tiêu nào mà chẳng là tiêu, tiêu thì đen hà cớ gì gọi tiêu bắc". Em cứng họng.

Thế là từ đấy chị vợ phải gọi là "tiêu", thành quen mồm. Thực tế nó phũ phàng vậy đấy bác ạ. Mình không biết thì không thay đổi bản chất vấn đề nhưng ngôn ngữ lại có tính ứng dụng thực tiễn cao. Dần dần rồi con nhà đấy cũng gọi là "tiêu" thôi :))

8:21 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  Đặng Thái

Bác Tùng ơi, bác đừng mở rộng ra cả "từ ghép". Đang nói đến một phạm vi hẹp hơn là "từ ghép tổng hợp nghĩa" thôi và hai hình vị trong loại từ ghép này phải cùng lĩnh vực. Vô nghĩa là vô nghĩa trong việc giải thích nghĩa chung, không phải là bản thân nó không có nghĩa.

Bác dùng nhân-quả để giải thích là sai rõ ràng rồi còn gì. Cụ An Chi trong link bác dẫn, giải nghĩa "chợ búa", "đường sá" bằng cách tìm nghĩa "búa" là chợ nhỏ, "sá" là "đường nhánh", tức là vẫn cùng một phạm trù ngữ nghĩa. Chứ "ẩm" với "ế" thì em không thấy cùng một lĩnh vực, còn nói "ẩm" từng có nghĩa "ế" thì em không phản đối, nhưng em không công nhận.

Cụ An Chi lập luận khá thuyết phục, cũng dẫn ra thêm một vài người nữa nhưng rõ ràng đấy là quan điểm của cụ, cụ cho là chí lý, em đang nói với bác là đa phần các nhà ngôn ngữ học hiện nay chấp nhận yếu tố vô nghĩa chứ có phải em có bịa ra đâu. Cụ An Chi từng lật lại cả những vấn đề mà các cụ như Cao Xuân Hạo nói như đinh đóng cột nên chuyện bác nói bản chất tiếng Việt là các từ đơn có nghĩa cũng chưa là gì, không sai nhưng chưa thuyết phục được số đông.

7:52 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

Candid
ta đang bàn về việc một từ có nghĩa hay không, và nếu có thì nghĩa của nó có thể là gì. còn nếu mở rộng như Candid nói là tìm hiểu nó lần đầu tiên xuất hiện khi nào thì vô cùng khó và không thể có cơ sở, trừ một số trường hợp đặc biệt. Kể cả ta tìm thấy nó trong một cổ thư nào đó thì cũng không có nghĩa là từ lúc đó nó mới được dùng.

7:46 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

chính Đặng Thái đã đưa ra khái niệm từ ghép tổng hợp nghĩa, trong đó có 4 cách ghép từ chính, mình hoàn toàn đồng ý.

chuyện giỗ chạp chẳng qua là 2 từ đồng nghĩa, ngày giỗ và ngày tết
ế ẩm là tính chất nối tiếp tính chất. trong đó gọi cái sau là quả của cái trước cũng được, mà nói là 2 tính chất hay đi với nhau cũng chẳng sao.

và trong cả 4 cách đó, đều cho thấy mọi từ đều cần có nghĩa. chứ vô nghĩa thì chẳng có lý gì để ghép với ai.
Chuyện "nhiều" hay "tất cả" tất nhiên khác nhau về cấp độ khẳng định. nhưng không khác nhau về bản chất tranh luận. "Nhiều" có nghĩa là việc một từ trong từ ghép vô nghĩa là hiện tượng phổ biến. Trong khi đó cái mình muốn nói là về cơ bản, điều đó không xảy ra, có nghĩa là ta tranh luận quanh việc có hay không có, chứ không phải nhiều hay ít.

Về phương pháp luận, mình nói rằng nếu ta không chứng minh được một từ chắc chắn phải là vô nghĩa, thì phải tạm coi nó là có nghĩa mà ta không biết. vì lý thuyết ngôn ngữ đơn âm tiết giả định như vậy.
Trong khi đó Đặng thái lại nói "nếu không chứng minh được nghĩa của từ này là gì, thì phải công nhận nó vô nghĩa". Đây là phép chứng minh ngược với nguyên tắc khoa học, trừ phi Đặng Thái nêu ra một lý thuyết có tính thuyết phục rằng về cơ bản, từ thứ 2 trong từ ghép phải là vô nghĩa vì lý do gì đó. Chỉ khi đó, lý thuyết này mới sai khi có ai chứng minh được điều ngược lại.

7:46 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  Candid

Nhiều khi là do lỗi của Bộ Ngôn mới (@1984) thích dùng từ choeng choeng mà chả hiểu nghĩa gì.

7:33 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

Đặng Thái
Từ ghép có thể có nhiều loại quan hệ giữa hai từ, có thể là hai từ cùng lĩnh vực, cũng có thể quan hệ nhân quả. Có nhiều lý do để ghép 2 từ với nhau. Giỗ là thứ có thể bất kỳ lúc nào, nhưng cũng là một số ngày nhất định trong năm cần phải làm cỗ, cúng tế. Chạp hay tết là dịp khác. Đối với người dân quê, một năm phải lo những dịp giỗ, tết là những hạng mục cần chi tiêu chính xảy ra hàng năm. Vì thế ghép 2 từ với nhau hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, việc mình có thể giải thích sai từ này từ khác là chuyện bình thường. Ta không bàn về chuyện kiến thức của mình về một từ cụ thể nào. Mà muốn nói về mặt bản chất, tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, chữ nào cũng phải có nghĩa, từng có nghĩa, trừ các trường hợp phiên âm tiếng nước ngoài hay từ láy. Việc nhiều người bây giờ, trong đó có chính ta, dùng từ mà không hiểu nghĩa, không rõ nguồn gốc không làm thay đổi bản chất này. Mình đã trích nguồn trong cmt trước để mọi người tham khảo.

6:59 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  Đặng Thái

Hiếm lắm mới được bác Tùng khen một câu, mặc dầu là khen để chê nhưng mà vẫn thấy lòng khoan khoái là lạ :))

Sao bác cứ bỏ cụm "tổng hợp nghĩa" trong "từ ghép tổng hợp nghĩa" đi để mắng em thế? Khi em đi học cấp một, các cô vẫn dạy "từ ghép là từ gồm hai âm tiết mà mỗi tiếng đứng riêng lẻ đều có nghĩa", đấy là cơ bản, học sinh đến phổ thông cũng chỉ cần biết thế, cấm cãi.

Cái mình đang bàn đây là "từ ghép tổng hợp nghĩa" hay từ "từ ghép tổng loại" tức là hai hình vị trước sau phải cùng nằm trong một phạm trù ngữ nghĩa, cùng trong thể loại nhỏ hơn so với thể loại cả từ. Có bốn kiểu quan hệ giữa hai hình vị này:
*Đồng nghĩa: linh thiêng, nhồi nhét
*Trái nghĩa: trắng đen, lớn bé
*Sự vật tiếp cận sự vật: bom mìn, ngày tháng
*Tính chất tiếp cận tính chất: chua chát, ác độc

Câu nguyên văn em viết thế này (bác bớt của em chữ "nhiều", "nhiều" nghĩa là không phải tất cả) "nhiều từ ghép tổng hợp nghĩa có một hình vị ý nghĩa bị mờ nhạt, có khi vô nghĩa" nhưng nghĩa chung của từ không đổi. Ví dụ: "ăn mặc" thì hình vị "ăn" bị mờ nghĩa, "tiền nong" thì "nong" vô nghĩa nếu nói về phạm trù "tiền".

Vậy nên mới có giả thuyết rằng "nong" cũng có nghĩa là "tiền" nhưng trong tiếng của dân tộc nào đấy (có thể đã tuyệt chủng). Nghĩa là quan hệ giữa hai hình vị trong từ ghép tổng loại này phải là cùng một phạm trù chứ không phải quan hệ nhân-quả như bác suy luận: "tiền" đặt trên "nong", "ế" thì phải "ẩm", hay như "giỗ chạp" thì "giỗ" có quanh năm, không cứ là phải vào tháng "chạp", "giỗ chạp" là chỉ việc cúng giỗ khái quát, chữ "chạp" bị mất nghĩa, còn "giỗ Tết" thì khác về cấu trúc, gồm ngày giỗ và ngày Tết, quan hệ bình đẳng. Vì thế, "giỗ chạp" phải đem so với "Tết nhất" thì mới tương đương.

Nếu lập luận, "chạp" thời Vua Hùng từng mang nghĩa là "giỗ" (đồng nghĩa) hoặc "sinh nhật" (trái nghĩa) thì còn có thể coi là một nghi vấn. Cái em muốn nói là vậy, không chứng minh được "chạp" mang nghĩa gì trong việc "giỗ", ngoài phỏng đoán rằng tháng chạp rét, chết nhiều, giỗ nhiều. Thế thì lại trở về lối suy luận vô căn cứ, em cho rằng đó là ngẫu nhiên chứ không phải vì có nghĩa rồi mất, do có quá nhiều từ ghép như vậy. "Xe pháo" là chủ ý, "xe cộ" là ngẫu nhiên. Điều này rất tự nhiên trong ngôn ngữ các nước, "selfie" là một từ mới năm 2002 do một người Úc tạo ra, hậu tố "ie" chả có nghĩa gì liên quan đến chụp ảnh. Em muốn nói vậy đấy bác ạ.

6:54 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

Đọc link này về nghĩa của tiếng Việt
Về chữ "bít tất" đọc ở đây này.

6:09 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  Candid

@bác Tùng: như thế liệu có phải từ cổ kính này cũng mới xuất hiện trong tiếng việt?

0:34 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

Đặng Thái
Nếu nói chuyện nhiều từ không rõ xuất xứ thì chẳng riêng gì từ ghép, mà vô số từ khác như vậy. Nhưng điều đó khác hẳn việc nói rằng về nguyên tắc, từ ghép được tạo bởi một từ có nghĩa và một từ vô nghĩa đằng sau. Còn khi bạn nói hiện nay các nhà ngôn ngữ học đều thống nhất với nhau là từ sau của các từ ghép thường là vô nghĩa thì mình lại càng thấy đó là một khẳng định thiếu tính chặt chẽ. "cái gì không chứng minh được thì coi là sai" cũng hoàn toàn không phải nguyên lý khoa học. Nguyên lý khoa học là "cái gì chưa chứng minh được là sai thì tạm coi là đúng". "không phải cái gì cũng có nguồn gốc rõ ràng, suy nghĩ làm gì cho mệt". chỉ vì không rõ mới phải suy nghĩ, và việc ta không rõ nguồn gốc không có nghĩa là nó không có nguồn gốc rõ ràng. Trước giờ thấy Đặng Thái tuổi trẻ tài cao, kiến văn quảng bác, sao bỗng dưng lại lập luận thiếu chặt chẽ như vậy.

0:22 Monday,14.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

Candid
từ cổ kính tuy thường dùng là tính từ, nhưng khi dùng trong câu thơ lại theo nghĩa danh từ hoàn toàn, chẳng liên quan gì tới từ cổ kính kia, chẳng qua là đồng âm. vì thế chữ tàn y đối hoàn toàn chuẩn, chẳng cần chơi chữ.

23:32 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  hạnh

Mình ở Hà Nội, gia đính không ai làm nghệ thuật, nhưng nghe từ "tranh pháo" khá thường xuyên từ nhỏ, nhất là dịp Tết. Mẹ mình hay nhắc mấy bố con đi mua "hoa hoét" và "tranh pháo" đi chứ! (đây là tranh tố nữ hoặc tranh gà lợn).

20:24 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  Peace

Em không ở Hà Nội và vẫn nghe quen từ "tranh pháo", thấy rất bình thường. Ngạc nhiên là có những bác lần đầu nghe thấy. Chắc đây là từ phổ biến ở đồng bằng sông Hồng. Có lẽ nó là một từ có từ lâu trong dân gian chứ không phải do hoạ sỹ sáng tạo ra như bác nào suy đoán.

Ở quê em, "rợ" tức là cái dây bện lại kiểu dây thừng các bác ạ. Cái dây bện lại kiểu dây thừng mà to thì gọi là "chão". "Dây rợ" là một từ ghép phổ biến.

20:22 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  Đặng Thái

Nếu bác Tùng đã nói hợp tình hợp lý vậy thì em cũng xin trình bày thế này: đúng là có nhiều nhà ngôn ngữ học cũng có suy luận giống như bác nên hiện nay họ cùng thống nhất ở kết luận rằng nhiều từ ghép tổng hợp nghĩa có một hình vị ý nghĩa bị mờ nhạt, có khi vô nghĩa. Cái mấu chốt là ở chỗ "vô nghĩa" này.

Tại sao vô nghĩa? Dễ dàng đi đến kết luận là trước đây, trong tiếng Việt cổ đã từng có nghĩa hoặc từ mượn có nghĩa tương đương ở một ngôn ngữ của dân tộc khác, dân tộc ít người... như bác suy luận. Tuy nhiên trên thực tế chỉ truy được nghĩa gốc của một số rất ít từ trong số hàng nghìn hình vị vô nghĩa này, ví dụ "bệch" là "bạch" chẳng hạn. Người ta đoán rằng "cả" cũng có thể từng mang nghĩa "giá" nhưng không chứng minh được. Mà bác biết rồi, trong khoa học không chứng minh được thì coi như sai.

Quay lại với lập luận của em, nó xuất phát cũng từ chữ "tranh pháo", vì như em và các bạn khác trên Soi, chưa ai được nghe thấy từ ấy dùng phổ biến, từ điển cũng không có, cá nhân em thấy "pháo" là một hình vị vô nghĩa, nên cho rằng đó là một sản phẩm của một cá nhân cụ thể, rất mới, dần dần được sự chấp nhận của đông đảo người nghe (bác Candid đến khi lớn, quen biết một vài ông hoạ sĩ mới biết đến từ tranh pháo rồi tiếp nhận để sử dụng với người khác chưa biết) và qua các phương tiện thông tin đại chúng (Soi) thì dần trở thành từ vựng, chứ không phải trường hợp có nghĩa từ cổ xưa. Nếu bạn Cát bụi chân ai không hỏi, em không trả lời bạn ấy thì tất cả bạn đọc Soi đều mặc nhiên công nhận từ này.

Nói ví dụ "đèn đóm" thì dễ hiểu là "đóm" bổ sung ý nghĩa cho "đèn" nhưng có người một hôm đẹp trời thích dùng "đài đóm" thì lúc này cái "đóm" lại không liên quan đến cái "đài" (radio) nữa, chỉ là một sáng tạo cá nhân thôi (có tí ti liên quan đến từ gốc), thế mà rồi cũng trở thành phổ biến. Nói đến sáng chế từ thì anh em mình còn phải gọi Cụ Hồ là sư phụ.

Về hiện tượng chuyển nghĩa này thì hiện nay có rất nhiều, nhất là với trình độ ngôn ngữ hạn chế của những nhà báo nửa mùa, cộng tác viên trên mạng. Dùng sai mãi thành đúng. Tuy nhiên, em không giống như nhóm Cùng học tiếng Việt, lên tiếng chỉ trích những điều ấy, hoặc cho họ là nông dân, mình là trí thức, vì đó là quy luật tiến hóa tự nhiên, không thể đảo ngược của ngôn ngữ. Một trường hợp nổi bật là từ điển tiếng Việt năm 2000 định nghĩa: “Quan chức là người có chức vụ cao trong bộ máy nhà nước của chế độ phong kiến hoặc tư bản". Năm 2013 định nghĩa “Quan chức là người có chức vụ cao trong bộ máy nhà nước". Trên thời sự VTV người ta vẫn không dùng quan chức để nói đến người nước mình nhưng báo mạng thì có. Cái em muốn nói là chỗ ấy, giờ vàng thau lẫn lộn nhiều, không phải cái gì cũng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đâu, bác Tùng nhọc công suy nghĩ làm gì cho mệt.

19:43 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  Candid

Bác Tùng và các bác:

Hai câu thơ này vốn được cho là của Tự Đức để khóc một bà phi. Điều đặc biệt là trong cả câu thơ nôm chỉ có hai chữ "cổ kính" và "tàn y" là chữ Hán. Nếu tính từ cổ kính là chữ Nôm như một cách chơi chữ thì có văn bản chữ Nôm nào khác trước đó có 2 từ cổ kính? Và nếu như thế thì từ tàn y có tồn tại một tính từ nào khác không để đảm bảo đối.

Vua Tự Đức có một giai thoại khác với hai câu thơ:

Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai

Hai câu thơ này toàn chữ Hán trừ hai từ khề khàlấm tấm.

18:40 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

Đặng Thái
ví dụ bạn đưa rất hay. nói láo và toét mắt rất có thể liên quan. Ngày nhỏ mình từng nghe: lộ thiên cơ thì mù mắt, nói láo thì toét mắt. Còn chữ phục và lăn thì đúng là càng gần. Phục và bái phục quả là có liên quan tới hình thức phủ phục, quỳ xuống chịu nhận là kém. Ngày xưa người thua phải quỳ bái người thắng là chuyện thường. Phục quá, đến mức bái rạp xuống, thì nói là phục lăn, đúng là lăn ra đất thật.

18:19 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

Candid
2 câu thơ của bạn đưa quá hay và đối nhau chằn chặn
đập gương cũ ra tìm bóng người xưa, xếp cái áo rách lại để giữ lấy mùi hơi của người mình yêu.

18:13 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

Đặng Thái
Cũng là tập tư duy thôi, chiến đấu gì với bạn đâu. Ví dụ bạn nêu về những từ vần 'iếc' là ví dụ rõ ràng về dạng từ láy, không phải từ ghép. Từ láy thì chữ sau không có nghĩa, mà dùng hai âm để nhấn mạnh. Còn từ ghép thì khác.
Chữ 'cổ kính' trong câu thơ của Candid thì rõ là chơi chữ rồi, từ tính từ chuyển thành danh từ. Vì thế câu thơ này và nghĩa thực của chữ 'cổ kính' không liên quan đến nhau. Nhưng còn chuyện khẳng định chữ 'kính' chắc chắn là vô nghĩa thì mình cũng thấy không có cơ sở. Mình đã nói là mình không phải nhà ngôn ngữ, nên không thể khẳng định nguồn gốc chữ nào, chỉ là cảm nhận thôi. mình có cảm nhận rõ ràng là khi một nơi nào hay một công trình nào đó được miêu tả là 'cổ kính' thì không chỉ hàm ý nó lâu đời, mà còn có hàm ý đáng kính, đáng trọng, khác với các loại cổ khác như cổ quái, cổ hủ, cổ điển.

Chỉ xét riêng về logic thôi, trên đời có bao nhiêu âm, tại sao hai âm cụ thể lại được ghép với nhau để tả một thứ vật mà chỉ cần 1 âm cũng đủ, thì thường phải có lý do, không lý do này thì lý do khác. Trong đó, người ta đã phân biệt từ láy là từ dùng phương pháp nhắc lại, có thể biến hóa, của âm trước để khiến cho nó được nhấn mạnh hơn, và từ ghép, là từ được ghép bởi những từ có nguồn gốc, ý nghĩa khác nhau để mô tả một tổng thể. Lập luận của bạn là từ ghép là từ mà từ sau hoàn toàn vô nghĩa, chẳng liên quan gì tới từ trước, thực ra mình mới nghe lần đầu. Nếu quả thật như vậy thì cũng là một dịp để mở mang đầu óc. Nhưng những lý luận và ví dụ bạn đưa ra chưa đủ thuyết phục, nên mới phản biện lại vậy thôi.

16:38 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  Candid

Bổ sung thêm với thể loại thơ mang tính chất đối như thế thì giải thích "tàn y" với "dành hơi" liệu có đúng?

16:36 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  Candid

Ý của em là chữ cổ kính có trước hai câu thơ ấy, hay có sau? Nếu có trước thì liệu có văn bản nào không?

16:20 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  Đặng Thái

Bác Tùng,

Em nhận định bác thích suy luận cũng không có gì sai, vì những từ khó quá không có cách giải thích thì bác bỏ qua chứ không thì bác vẫn chiến đều đều. Em chỉ nghĩ là không phải tại kiến văn của bác hạn hẹp đâu, tại cái từ nó thế, bác không nên tự dằn vặt làm gì. Em đã nêu ví dụ về việc thêm vần "iếc", giả sử em cứ viết "bút biếc", "ghế ghiếc", "bàn biếc" rõ ràng là vô nghĩa, biết đâu mấy trăm năm sau lại có ai theo ngành từ nguyên học, hay suy nghĩ phức tạp, lôi ra nghiên cứu.

"kính" chẳng bổ sung nghĩa gì cho "cổ" đâu bác ạ. Chẳng nhẽ cứ nói "láo" thì mắt phải "toét"? Bác làm em nhớ đến nhân vật ông bố trong phim My big fat Greek wedding, ông ấy rất tự tin là bất kì từ tiếng Anh nào ông cũng chứng minh được nó có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, một hôm có con bé nghe mãi tức quá, nó đố chữ "kimono", thế mà bố ấy cũng giải thích được, em đến phục lăn. Mà "phục lăn" có phải là "phục" đến mức phải "lăn" ra đất không bác nhỉ?

16:11 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  Phạm Cúc Tùng

Candid hỏi rõ là… Candid. Dĩ nhiên là liên quan rồi.
Chữ cổ kính đây là cổ kính đã có sẵn. Trong câu thơ đã dẫn người ta chơi chữ. Đập (cổ) kính tìm lại bóng (cũ). Chữ “cổ” ăn với chữ “cũ” ngầm hiểu, là hai từ chỉ sự xưa cũ, đã qua rồi. Và chữ “kính” đi với chữ “bóng”, là chỉ hình ảnh, lại là hình ảnh không trực tiếp nữa, qua thời gian. “Bóng người xưa” thì nói làm quái gì nữa…

15:13 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  Candid

Không rõ từ "cổ kính" có liên quan gì đến hai câu thơ
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi

14:19 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

Đặng Thái

Mình không phải thích lý luận, và cũng không hề nói là mọi từ ghép thì mỗi từ đều có nghĩa. Mình cũng không phải nghiên cứu về lịch sử ngôn ngữ để có thể lý giải nguồn gốc từng từ. Mình chỉ nói là có một số từ mà bạn nêu ra thì mình nghĩ là có nguồn gốc về nghĩa.

Nhìn chung, các loại từ ghép đều có một lý do nào đó khi hình thành, và có nhiều dạng nguồn gốc khác nhau, có khi có thể mang tính tượng thanh, tượng hình, hoặc một nghĩa bóng, điển tích .v.v nên người ta mới thống nhất dùng ghép như vậy mà không ghép với từ khác.

Trong những từ Đặng Thái nêu ra, có nhiều từ mình khó hình dung nguồn gốc, nhưng cũng có từ có thể hình dung, mặc dù không thể chắc chắn. Nhưng kể cả mình không hình dung được thì cũng là do kiến văn hạn hẹp, chứ chưa phải vì từ đó không có nguồn gốc.

Giỗ chạp
thì nghĩa rõ nhất rồi, tương tự như giỗ tết.
chữ cổ đi với kính cũng là rất rõ nghĩa, tương tự như miếu mạo
Đổi chác thì có thể hình dung với chữ các hoặc charge.
Đường sá thì có thể liên quan tới chữ xe, xa, đường cho xe chạy, nếu dùng chữ xa thì sẽ nhầm với đường xa, nên đọc trại đi.
Biếu xén có thể liên hệ với bớt xén, tức là bớt một phần để đem biếu. chữ xén trực tiếp liên quan tới cắt.
ẩm có liên quan khá rõ. hàng ế thì bị ẩm
Thuốc men cũng khá rõ, dùng theo nghĩa thuốc lào thuốc lá và rượu.
Dây nhợ thì càng rõ, chữ nhợ chẳng qua là khẩu ngữ địa phương cho chữ rợ, hay cũng là dây.
Căng đét thì mình hình dung có nguồn gốc từ ngôn ngữ của thợ mộc thợ nề, căng dây lấy mực. động tác căng và tiếng bật mực liên quan đến nhau.
Lai căng thì có thể do nói trại từ lai căn?

13:20 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  Candid

Bác Đặng Thái, nhợ có nghĩa là dây.

Gái có chồng như gông đeo cổ
Trai có vợ như nhợ buộc chân.

13:18 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  Candid

Nhà em mấy đời nay không có ai làm nghệ thuật nên em chưa nghe thấy từ tranh pháo bao giờ. Từ bé đến giờ em đọc sách cũng nhiều mà không gặp từ đó. Đến khi lớn mới quen biết một vài ông hoạ sĩ mới biết đến từ tranh pháo. Có thể là từ riêng của giới nghệ sĩ?

11:09 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  Đặng Thái

Gửi Bác Tùng và các bác,

Em đang nói đến từ ghép, không phải từ láy, nên hai tiếng trước sau không trùng phụ âm đầu, không trùng vần, không trùng cả thanh luôn. Chứ từ láy có tiếng thứ hai vô nghĩa thì phải ti tỉ từ.

Từ ghép có một loại gọi là ''từ ghép tổng hợp nghĩa'', tức là hai tiếng để riêng đều có nghĩa và cùng nói đến một nghĩa khái quát hơn, thí dụ:"chùa chiền", "miếu mạo". Loại em đang muốn nói đến đây là loại ''từ ghép tổng hợp nghĩa đặc biệt'', tiếng thứ hai để riêng có thể mang nghĩa hoặc không, nhưng chẳng bổ sung gì cho nghĩa chung của cả từ, giống như "pháo" trong "tranh pháo". Còn loai từ ghép mà tiếng thứ hai vô nghĩa hoàn toàn thì nhiều: xanh rì, xanh lè, đỏ lòm, đỏ au...

Bác Tùng đã thích suy luận vậy thì mời bác chỉ giáo tiếp cho em mấy từ ghép sau:"quà cáp", "biếu xén", "đường sá", "giỗ chạp", "cổ kính", "đổi chác", "ma cỏ", ế ẩm".

Nếu bác lý luận rằng mấy tiếng sau có thể có nghĩa từ thời Vua Hùng, nay con cháu đã quên mất như kiểu "tiền nong" thì mời bác chiến đấu thêm một số từ còn khá mới: "xe cộ", "thuốc men", "dây nhợ", "căng đét", "lai căng"

Tạm thời đang ăn sáng em mới nghĩ ra được chừng ấy, còn nếu động vào kho từ của miền Nam thì em e là hơi căng đấy, ví dụ "mình ên" là "một mình" chẳng hạn!

(Nhờ Soi tách hộ dòng giữa các đoạn văn, đọc đỡ rối mắt, phần comment của Soi mà viết cách dòng ra, đến khi đăng lên là kiểu gì cũng bị dính lại)

7:09 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

à, google thì ra miếu mạo, chùa chiền đều không phải từ láy, mà là từ ghép. chữ mạo và chiền đều có nghĩa. bạn nào muốn biết thì google.

7:02 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

mấy chữ chùa chiền, miếu mạo thì có vẻ đúng như cách giải thích của Đặng Thái, chữ sau để cho âm nó vần nhưng vô nghĩa, vì thế có việc lặp lại nguyên âm của chữ trước. Nhưng mình cũng không dám chắc.

2:31 Sunday,13.12.2015

Đăng bởi:  Dương Trần

Đa tạ hải nội chư quân tử đã rộng lòng giải thích. Vậy có vị nhân huynh nào sẵn lòng giải mê cho tại hạ về chữ "chùa chiền" và "miếu mạo" không a?

14:28 Saturday,12.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

Hi Đặng Thái
đây cũng có bài dùng từ đó này.
http://www.baoquangninh.com.vn/quang-ninh-24-7/van-hoa/200904/Cho-chieu-tranh-phao-2119172/
Những chữ khác: tiền nong, hàng họ v.v. mình cũng nghĩ là có nghĩa, chỉ là giờ lâu quá không mấy người biết nghĩa gốc thôi.
chữ hàng họ chẳng hạn, mình nghĩ hàng thì rõ rồi. còn họ thì có thể là do những người buôn bán góp vốn với nhau, gọi là họ hay hụi cũng thế. một nhóm người đi buôn chung với nhau, mua một số hàng để buôn, có thể gọi là hàng, cũng có thể là họ.
tiền nong cũng vậy. hình dung các bà ngày xưa buôn thúng bán mẹt, bày hàng, mà chủ yếu là hàng gạo, hàng nông sản, trên những cái nong. bán hết hàng thì thu tiền thu nong về. vì thế chữ tiền nong hay đi trong cụm "gói ghém tiền nong"

10:23 Saturday,12.12.2015

Đăng bởi:  Đặng Thái

Đề nghị bác nào quen dùng từ này thì xin góp vài lời. Để chúng ta cùng biết đây là từ địa phương ở Hà Nội hay cũng được dùng phổ biến ở nhiều nơi. Có lẽ cũng phải có điều kiện sống trong một gia đình truyền thống về nghệ thuật như bác Tùng thì mới được nghe nhiều.

9:27 Saturday,12.12.2015

Đăng bởi:  cát bụi chân ai

Cháu rất vui khi nhận được sự giải thích của mọi người. Cháu cảm ơn mọi người.

8:50 Saturday,12.12.2015

Đăng bởi:  Anh Nguyen

Ngày Tết có câu đối:
Tranh pháo vui xem đàn trẻ nhỏ
Tóc râu thêm sợi tuổi trời cao.
Hay là từ đây mà ra.

7:43 Saturday,12.12.2015

Đăng bởi:  phó đức tùng

mình nghe chữ tranh pháo nhiều lần rồi, từ bé, không phải sáng tạo cá nhân của vị nào trên SOI đâu. giải thích thì không có cơ sở vững chắc. Nhưng mình nghĩ có thể ngày xưa, những dịp lễ lạt, vui mừng ở Việt nam mới treo tranh, đốt pháo. Tranh kiểu tranh thờ, tranh đông hồ, có dịp thì dán lên tường, lên cửa, chứ người Việt ít có thói quen treo tranh nghệ thuật ở nhà. Kể cả tranh kiểu cổ, giấy dó mực tàu thường cũng cuộn lại, có dịp gì phù hợp mới treo ra. việc treo tranh đóng khung trên tường là du nhập của Tây sau này, mà cũng chỉ ít người làm. Vì thế tranh pháo đi với nhau như đậu phụ mắm tôm, không phải từ vô nghĩa để đệm.

7:19 Saturday,12.12.2015

Đăng bởi:  Đặng Thái

"Tranh pháo" nghĩa là chỉ tranh nói chung đấy bạn Cát bụi chân ai. Hiểu rộng ra là gồm tranh, tượng, tác phẩm mỹ thuật. Tương tự như "hàng họ", "tiền nong", "quà cáp" là các từ ghép có nghĩa khái quát, gồm hai tiếng: tiếng đầu mang nghĩa của từ, tiếng sau vô nghĩa.
Riêng từ "tranh pháo" này thì đúng là hơi lạ, vì nó không có trong từ điển, ngoài đời cũng ít thấy dùng, cá nhân mình cũng mới chỉ thấy trên Soi. Những trường hợp văn nói tạo ra từ ghép có tiếng thứ hai vô nghĩa thì ở ngoài Bắc hay thêm đuôi vần "iếc" vào, ví dụ "không chơi chiếc gì nữa, đi về" hoặc "suốt ngày gái với ghiếc", trong hai ví dụ này có thể dùng "chơi bời", "gái gú" để thay thế, nhưng riêng chữ "tranh" thì lại không có gì để ghép sau nhằm chỉ chung vật thể "tranh". Kết luận là từ "tranh pháo" này do một ai đó (có thể trên Soi hoặc đâu đó) sáng tạo ra nhằm nói khái quất về tranh cho thuận miệng thôi.

13:32 Thursday,10.12.2015

Đăng bởi:  cát bụi chân ai

Em đọc nhiều bài của Soi thấy có từ "Tranh Pháo" nhưng không hiểu ý nghĩa là gì ạ? Mong nhận được giải đáp. Thân ái.

10:53 Thursday,10.10.2013

Đăng bởi:  nguyễn hồng sơn

Phải gọi là cụ nhái

9:22 Thursday,10.10.2013

Đăng bởi:  mai ngoc

Không thể thoát được ảnh hưởng của phương tây nhỉ. Bố cục tây, câu chuyện thì của tàu.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả