Nhiếp ảnh

Một câu chuyện về phóng viên "moi" cảm xúc

Vì Soi đã yêu cầu không thảo luận vấn đề đạo đức nữa, mà nguồn cảm hứng của mọi người thì vẫn tràn trề nên tôi quyết định lách: không thảo luận mà kể chuyện. Mấy chuyện này ưu tiên phục vụ Sương, vì sự vui tính và hào hiệp của bạn. Đó là một […]

Ý kiến - Thảo luận

0:39 Saturday,19.10.2013

Đăng bởi:  Đỗ Phước Tiến

Chào Hà Nguyễn, thật ra tôi không muốn nói với bạn điều gì cả, vì bạn không nghiêm túc. Tôi không bao giờ cợt nhả với người không quen biết, nhất là lúc không nhìn thấy nhau. Nếu Hà Nguyễn là đàn ông, bạn rất bừa bãi khi cợt nhã với chị Phượng. Nếu là đàn bà, làm điều đó với tôi bạn chỉ khiến mình thành trò cười. Chị Phượng chọn im lặng tôi đoán là để giúp bạn bớt lố bịch, tôi cũng định bắt chước nhưng giờ tôi lại có một động cơ.

Hôm qua trong lúc chen lấn với Sontag trong cái rổ Facebook của chị Phượng, tôi đọc thấy một cái gì đó gần giống như hờn dỗi của Nguyễn Ngọc Cương: ".. cháu cũng không ủng hộ chú Đỗ Phước Tiến lắm”. Tôi quay lại Soi để tìm coi sự ủng hộ nào mình mong chờ từ Cương. Công nhận là tôi rất thông minh mới tìm ra được cái bình luận của Cương về ý kiến của tôi, ở trong bài của Đặng Dũng. Tôi đọc nó hai lần và định lúc rảnh sẽ viết cái gì đó với Cương.

Vì hai người có những thắc mắc hơi giống nhau nên tôi kết hợp luôn, mặc dù tôi thích cách nghĩ của Cương hơn.

Khi kể lại câu chuyện Chanchu, tôi biết mình có một chọn lựa hơi mạo hiểm. Thời buổi thật giả lẫn lộn và kể cả khi rào trước là tôi muốn ưu tiên cho Sương, tôi cũng biết là rồi sẽ nhận được mấy cái phẩy tay. Ơn trời là trong số đó không có tay của Sương.

Tôi thích cách nghĩ hồn nhiên của Cương “…trong một thế giới nhiều nước mắt, thì ảnh của nhiếp ảnh gia (NAG – Cương viết) là một người đang khóc, thậm chí chỉ khóc cách ống kính của họ hai bước chân cũng không phải là lạ…” (facebook). Tôi ước được quay lại cách nghĩ đó, thời mà tôi gần như chưa có nếp nhăn nào trên mặt, lúc đó tôi khá đẹp trai đấy.

Có tiếc mấy thì cũng phải chấp nhận đi, đừng có cố. Một triệu giọt nước mắt trên đời này là một triệu nổi niềm khác nhau, không giọt nào giống giọt nào. Tôi thì sẽ hãnh diện nếu chụp được giọt nước mắt cố giấu đi của người đàn bà trên cầu cảng, vì tôi sẽ có những bức ảnh kể về lòng tự trọng, về sự không buông xuôi, mà đó là của vợ một ngư dân thì quý hiếm thật. Và tôi sẽ đắc chí với bức ảnh tôi chụp người đàn bà khóc vì bị truy kích ngay trong chính nhà mình. Đắc chí là một trạng thái tình cảm thô thiển từ phía người đang sở hữu một thứ do cố mà có.

Còn đây là câu trả lời cho Hà Nguyễn: trước một sự kiện buồn thương có tính đại chúng, một triệu giọt nước mắt vẫn không bao giờ giống nhau, cho dù nó được nhỏ xuống từ mắt của một triệu nô lệ. Vấn đề của người ghi nhận sự kiện là lựa chọn mính cần gì. Tôi không quan tâm giọt nước mắt ai đó, giọt nước mắt công cộng, khóc một đại tướng ra đi ở tuổi 103, kể cả đấy là một biểu tượng, anh hùng dân tộc. Lý do không quan tâm: trong hoàn cảnh này, sự im lặng là lựa chọn không thô thiển. Nếu buộc phải có ảnh tôi sẽ chọn chụp sự im lặng. Cái này tôi lại phải nhắc tới Sương rồi “…có một bức ảnh không nghệ thuật gì cả, nhìn rất thương, là một cậu ngư dân đội mũ cát két ngược, câm nín nhìn ra biển, mắt biểu lộ sự tuyệt vọng”. Ôi Sương tri kỷ ! Tôi sẽ hụt hẩng nếu hay tin bạn là đàn ông, vì tôi thích phụ nữ.

Hà Nguyễn và Nguyễn Ngọc Cương giống nhau trong cách nghĩ tôi đang chơi trò chơi ngôn từ để chiếm lợi thế cho mình. Cương thì nện tôi một phát tóe lửa “Thế mới nói ngôn từ và tư tưởng còn là một vũ khí nguy hiễm hơn, vì nó có toàn quyền lựa chọn phản ảnh sự thật”. Chịu rồi, nghĩ thế thì tôi chịu rồi. Nhìn ảnh một người đang khóc các bạn gật gù: thế chứ, đám tang ông Giáp phải thế chứ. Lỡ đọc chuyện tôi kể với người khác, bạn thì hỏi tôi có dụng ý gì, bạn thì bảo tôi lấy chuyện cá nhân làm quy chuẩn.

Tình ngay lý gian, tôi phải quay về thôi, nhưng sao thì cũng phải nhắn lại câu này trước khi ngẩng cao đầu ra về: thủ đoạn ngôn từ là trò chơi không còn mới nữa, nó hạn chế sự sáng tạo rất nhiều vì những mục đích của nó quá cụ thể. Tôi không thích cái gì cũ, kể cả cái mặt của mình. Nói lòe loẹt hơn chút nhé: thủ đoạn ngôn từ, trong hầu hết hoàn cảnh cần phải thắng hoặc rút lui, vẫn là một lựa chọn thô thiển và kém cỏi về mặt nghề nghiệp.

Rất xin lỗi Soi vì tôi là người mới mà vi phạm quy định hoài.
 

21:15 Thursday,17.10.2013

Đăng bởi:  Hà Nguyễn

Ấy, hình như Admin hiểu nhầm ý của Hà rồi l:) 
Hà Nguyễn không quy chụp anh Tiến, mà đang đặt câu hỏi và chờ anh Tiến trả lời. Vì không rõ nên mới thắc mắc, mới nêu vấn đề đấy chứ. 
Nói thật là cũng không có ý định nói nhiều, nói mãi về chủ đề Na Sơn đâu. Chẳng qua là bác U60, bạn Sương vẫn còn ý kiến nên lại trả lời thôi :) 

21:12 Thursday,17.10.2013

Đăng bởi:  admin

Hà Nguyễn à, câu chuyện Na Sơn là một cái cớ để mở ra những tranh luận rộng hơn, như đạo đức trong tác nghiệp (Soi không bàn ở đây), giữ nguyên thực tế hay dọn dẹp thực tế theo ý muốn, khai thác cảm xúc ở mức độ nào.... Một đề tài cần được mở rộng ra, và đó là tiêu chí của Soi. Chẳng lẽ cả ngày bàn chuyện bức ảnh Na Sơn mãi quẩn quanh các chi tiết ấy mà chưa chán sao Hà Nguyễn?


Bài Đỗ Phước Tiến (và sẽ còn nhiều bài của nhiều người khác nữa) sẽ đi theo các hướng khác nhau. Hà Nguyễn không thể dọn dẹp thực tế này cho nó gọn gàng chỉ đi theo một hướng được đâu.


Hà Nguyễn cũng không nên chụp cho anh Đỗ Phước Tiến là nghi ngờ nước mắt của người dân đối với Đại tướng. Quy chụp không phải là việc của chúng ta đâu, đừng làm thế, không hay nữa.

20:05 Thursday,17.10.2013

Đăng bởi:  Sương

Cảm ơn anh Đỗ Phước Tiến. Câu chuyện của anh rất hay. Về bão Chanchu, tôi nhớ hồi đó có một bức ảnh không nghệ thuật gì cả, nhìn rất thương, là một cậu ngư dân đội mũ cát két ngược, câm nín nhìn ra biển, mắt biểu lộ sự tuyệt vọng. Bên cạnh là công an biên phòng và mấy người khác đang nói chuyện với nhau. Ảnh hình như cũng chụp ở vị trí bến đón nạn nhân bão về, như anh nói trong bài.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả