Khác

20 tranh acrylic trong hội chợ từ thiện đợt 8 của Cơm Có Thịt

Xin giới thiệu với các bạn những tranh Acrylic vẽ trên vải toan khổ 40 x 60 cm, có mặt trong hội chợ từ thiện đợt 8:                                                  

Ý kiến - Thảo luận

21:12 Tuesday,22.10.2013

Đăng bởi:  billy John

Một câu hỏi khó không người đáp
Chỉ biết nghiêng đầu nhặt nụ hoa :))
@ma trận . Câu thơ trên chỉ là vui thôi. 
Bởi mình  thấy những câu hỏi dễ quá. Bất cứ một lớp học nào về nghệ thuật giaó viên cũng sẽ trả lời cho bạn vào buổi bạn xin nhập học. 
Có một câu bạn đã hiểu nhầm ý mình. Ý của mình nghệ thuật là thứ hàng hoá đặc biệt , nó khác với hàng hoá thông thường
Bức tranh không có giá sàn , chỉ có giá khởi điểm
Không phải ai chấm một điểm đen lên nền trắng và đặt một hòn sỏi cũng thành tác phẩm nghệ thuật.
Khi làm một việc nhằm tạo ra nghệ thuật  mà không thành nghệ thuật thì sẽ thành phế phẩm nghệ thuật(kiểu không thành công sẽ thành công công )
Và cuối cùng vì mục đích cao cả chúng ta sẽ cùng không bàn nữa nhé. 
 

17:07 Tuesday,22.10.2013

Đăng bởi:  ma tran

@bill John: theo bạn thế nào là nghệ thuật? Thế nào là giá trị nghệ thuật? Bạn hiểu gì về nghệ thuật mà cho rằng bức tranh không phải là hàng hóa? Chắc rằng bạn sẽ không trả lời được đâu, nhưng thôi mình chỉ mong các bạn đừng dùng những lý luận phi thực tế để xuyên tạc tấm lòng của tất cả những người làm từ thiện cũng như nhận từ thiện từ nhóm “cơm có thịt”
Bất cứ thứ gì khi bạn đem ra bán thì nó đều là sản phẩm hàng hóa, không hề có ngoại lệ, cho dù bạn là người am hiểu về mỹ thuật hay dốt nát về mỹ thuật. Chỉ khi nào bạn tự cho rằng nó không phải hàng hóa thì đấy là việc của bạn, do bạn nghĩ thế, còn đối với người khác thì nó vẫn là hàng hóa. Đã là hàng hóa thì phải được định giá, giá trị sẽ dựa trên giá thành vật liệu và công lao động là điều không phải bàn cãi và giá sàn là điều bắt buộc đối với bất kỳ hàng hóa nào.
Tất cả các bức tranh, không bao giờ là phế phẩm, nó chỉ là phế phẩm khi người đấy không biết gì về nghệ thuật nhưng lại ngộ nhận mình rất rành nghệ thuật. Vì rất nhiều phế phẩm đã được các nghệ sĩ thực sự hiểu biết về nghệ thuật tái tạo thành những tác phẩm nghệ thuật đấy thôi.
Đã là nghệ thuật thì nó sẽ trường tồn, làm sao có việc dễ dàng thủ tiêu nghệ thuật bằng các hành động như nhóm cơm có thịt được. Nếu cho rằng nghệ thuật dễ bị thủ tiêu như thế thì cái hiểu biết về nghệ thuật của bạn cần phải xem lại. Nghệ thuật không đơn giản nhưng nó cũng không quá phức tạp như nhiều người lầm tưởng. 1 dấu chấm đen trong 1 không gian trắng cũng có thể là nghệ thuật, 1cục đá vô tri đặt trên 1 nền đất cũng có thể là nghệt thuật mà.

12:08 Tuesday,22.10.2013

Đăng bởi:  billy John

Việc tổ chức bán tranh thiếu nhi làm từ thiện của các bạn đã vô tình đụng chạm tới một vấn đề thiêng liêng của người nghệ sỹ, đó là giá trị  Nghệ thuật. 
Với những người am hiểu về mỹ thuật thì bức tranh không như những sản phẩm hàng hoá khác để bạn có thể cộng giá thành vật liệu, công lao động .v.v...rồi đưa ra một mức giá sàn (như các bạn đã làm).Bởi vì quan trọng hơn cả trong một bức tranh là giá trị nghệ thuật. Khi bức tranh đạt được giá trị nghệ thuật cao thì giá thành lên hàng triệu lần còn  khi không có giá trị nghệ thuật thì những vật liệu tạo nên bức tranh trở thành phế phẩm chỉ còn cách cho vào thùng rác. 
Vậy hình thức bán tranh từ thiện các bạn đang làm có biểu hiện thủ tiêu giá trị nghệ thuật, thứ phản giáo dục nghệ thuật, một thứ tâng bốc đánh lừa các cháu, thứ tự sướng của bố mẹ các cháu. 
Tôi thấy nhiều nghệ sỹ phản đối cách làm đó, chứ không phản đối lòng nhiệt tình làm từ thiện của các bạn. 
Nghệ thuật không hề đơn giản, không phải cứ có tiền mua vật liệu vẽ vời rồi định kì đem bán như các bạn nghĩ. 
Thực lòng ủng hộ sự nhiệt tình làm từ thiện của các bạn nhưng nếu không đúng cách thì sẽ làm ảnh hưởng tới chính con cái các bạn
Mong thầy cô ngoài việc dạy vẽ còn dạy các cháu giá trị thực sự và sự cao quí của nghệ thuật mà các thế hệ hoạ sỹ luôn tìm toì và cả đời cống hiến. 

9:51 Tuesday,22.10.2013

Đăng bởi:  TNXP

@Bác Phó Đức Tùng có hai ý chúng em gời bác
Những điều bác nói có thể đúng với bác nhưng chưa hẳn đúng với chúng em nhé bác, cho dù là bác trích lời Phật (không biết có hay không?) hay bất kỳ là ai đi chăng nữa nhé. Là thứ nhứt
Giả tỷ như bác là chủ nhiệm CLB vẽ này đi, vậy chúng em muốn biết trong mục tiêu là làm từ thiện của nhóm vẽ này, có cách nào làm hay hơn không cách làm này không? Có bao giờ bác đặt bác vào vị trí các anh chị trong câu lạc bộ chưa? là thứ hai
 
 

19:01 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  Nguyễn Tan

Chưa thấy 1 cmt nào nói càn nói quấy như cmt của PHÓ ĐỨC TÙNG.  Tùng cho rằng số đông thường không đúng bằng số ít trong các cuộc tranh luận, chẳng hiểu trường lớp nào đã dạy cho bạn cái đạo lý cùn như thế này vậy bạn Tùng. Chẳng thấy kiến giải nào của bạn gọi là khoa học, gọi là thuyết phục cả, toàn là lý luận suông thiếu tính thực tế trầm trọng. Trên đời này luôn tồn tại 2 loại người, 1 là người khôn hai là người ngu và 2 lọai này luôn đấu đá nhau trong suốt chiều dài lịch sử của con người. Rất may là số lượng người khôn luôn đông hơn số lượng người ngu nên loài người vẫn tồn tại và ngày càng phát triển. Trong 1 cuộc tranh luận chắc chắn là có rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng khi quá nhiều ý kiến phản đối mình, thì mình cũng nên nhìn lại bạn thân mình đã đúng chưa, đã thực sự hơn người hay chỉ là 1 cái ung nhọt trong giòng chảy của lịch sử.

16:49 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  Doan Thu

Chào các anh, các chị,

Trước tiên, xin cho phép tôi được thay mặt Nhóm Dự án "Môi Tím Chân Trần" cảm ơn các anh, các chị đã quan tâm đến hoạt động của Hội chợ tranh Cơm Có Thịt - Trẻ em giúp trẻ em. Cảm ơn bạn Phó Đức Tùng đã thẳng thắn.

Ý tưởng xuất phát của hội chợ tranh là khuyến khích ý thức cộng đồng của các cháu nhỏ. Việc thu tiền ủng hộ thông qua việc mua tranh góp vào chương trình CCT (Cơm Có Thịt) giúp các cháu học sinh nghèo Tây Bắc (hoặc hiện nay là đồng bào Miền Trung lũ lụt) tuy rất ý nghĩa, nhưng thực ra lại chỉ là cái cớ.

Hoạt động này xuất phát từ ý tưởng xuất bản CD từ thiện "Môi Tím Chân Trần" (MTCT) của nhạc sĩ - tiến sĩ y học Trần Bắc Hải hiện sống và làm việc ở Adelaide - Úc. Năm ngoái anh Bắc Hải đã phát hành CD "Hành Khúc Ngày Bình Yên" nhân dịp 27/7. Toàn bộ số tiền thu về từ việc phát hành CD đã được gửi tặng các gia đình liệt sĩ, thương binh, thanh niên xung phong. Năm nay anh có kế hoạch phát hành CD MTCT, toàn bộ số tiền thu được chuyển giúp trẻ em nghèo miền núi Tây Bắc. CD đã được phát hành cuối tháng 8/2013.

Để làm bìa CD, thay vì nhờ họa sĩ thiết kế, anh đã kêu gọi gia đình bạn bè có con thích vẽ tham gia một cuộc thi vẽ tranh bìa cho album. Một số bức tranh đã được gửi tới. Được sự đồng ý của gia đình các cháu, 10 bức tranh đẹp nhất đã được đấu giá để góp thêm tiền ủng hộ chương trình CCT. Bức tranh được chọn làm tranh bìa album là bức “Giấc mơ” của cháu C.A. (10 tuổi, cháu xin được giấu tên), đã góp hơn 11 triệu cho chương trình CCT (tiền người trả cao nhất và những khoản ủng hộ thêm). Cả 10 bức đều có người mua ủng hộ. Sau khi đã chọn được tranh làm bìa, nhóm Dự án chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư từ bố mẹ các cháu và các cháu với mong muốn được gửi tranh đến tham gia. Lúc này chúng tôi quyết định bỏ hình thức đấu giá mà đưa ra mức giá sàn, người mua muốn ủng hộ thêm bao nhiêu thì tùy.

Qua thư từ trao đổi với các gia đình, các cháu có tranh được mua được động viên nhiều vì với nhiều cháu đây là lần đầu tiên các cháu tự tay làm ra được một món tiền để giúp các bạn nghèo. Các cháu thật sự vui khi biết tranh mình đã có người ủng hộ (có trường hợp 2,3,4 người cùng ủng hộ một bức). Nếu các anh, các chị xem các tranh treo đợt 1->4 sẽ thấy. Anh Bắc Hải đại diện Nhóm Dự án đã viết gần trăm mail cảm ơn tình cảm của các cháu cũng như bố mẹ các cháu dành cho chương trình.

Những lần hội chợ tranh ủng hộ Cơm Có Thịt tiếp sau đó được chuyển về tổ chức tại CLB Hoa và Mặt Trời vẫn tiếp nối ý tưởng và nguyên tắc đó. Nghĩa là các cháu tham gia với tinh thần tự nguyện và có hướng dẫn của cả cô giáo và gia đình. Với những người tổ chức hoạt động này, việc TẤT CẢ các bé có tranh tham gia hội chợ được động viên qua việc tham gia chương trình quan trọng hơn rất nhiều so với việc có bao nhiêu tiền được thu về.

Với người mua ủng hộ họ cũng có những lý do riêng của mình. Rất gần đây thôi, một anh đã trả 60 USD để mua một bức tranh tặng cô con gái nhỏ đang nằm viện, cháu bị ốm đã lâu. Vào một ngày mưa, 2 bố con đến CLB Hoa và Mặt trời. Cháu lớn 7 tuổi đã tự tay chọn 1 bức cho cháu và 1 bức cho em bé 2 tuổi rưỡi ở nhà. 1 bà mẹ trẻ mua tranh treo trang trí phòng con gái, rồi một bác mua tranh làm quà cho cháu 3 tháng tuổi. Còn rất nhiều những trường hợp tương tự như vậy. Tranh của các cháu không chỉ được treo ở VN mà còn lên đường sang Australia. Bạn Quân, tình nguyện viên của nhóm, đã rất vất vả trong việc giao trả tranh cho khách. Hiện giờ Quân đã đi du học và chị Quỳnh Mây đang giúp.

Tất cả điều đó nói lên tranh của các cháu thật sự được đón nhận vì tính nghệ thuật và sự gửi gắm tình cảm qua mỗi nét vẽ, qua mỗi lá thư do tay các cháu viết. Và chúng tôi thật sự trân trọng tất cả những điều đó.  Ở đây hoàn toàn không có chuyện mua tranh chỉ vì “từ thiện”. Chương trình CCT rất hiếm khi nhắc tới cụm từ. Hiện bên hội chợ vẫn còn tồn khá nhiều tranh.

Tuy nhiên dù là việc tốt, nếu lặp lại mãi thì cũng có thể nhàm. Gần đây lượng khách ủng hộ thưa hơn nhiều so với những ngày đầu, tỷ lệ người mua tranh ủng hộ giảm dần. Khách mua tranh dù là ủng hộ cũng lựa chọn những bức hợp sở thích của họ. Chính vì lý do ấy, chúng tôi cũng thấy cần rút kinh nghiệm, có thể thay đổi cách thức, hoặc tạm dừng để tìm ra cách tốt hơn.

Việc tổ chức một cuộc triển lãm "Trẻ em giúp trẻ em" rồi việc tặng những bức tranh chưa có người mua ủng hộ cho các trường miền núi là điều chúng tôi đã nghĩ đến nhưng hiện còn nhiều việc đang triển khai nên chưa có ai đứng ra đảm nhiệm. Và việc bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ từ những khoản đóng góp của rất nhiều người giúp các cháu có bữa ăn đủ dinh dưỡng để thuê địa điểm làm triển lãm là việc cần cân nhắc. Nếu như có cá nhân hoặc tổ chức nào đứng ra giúp thật quý.

Một lần nữa xin được cảm ơn tất cả các anh, các chị. Cảm ơn Soi đã tạo điều kiện giúp hoạt động này. Và xin phép tất cả các anh, các chị cho chúng tôi được dừng cuộc trao đổi ở đây.    
 

15:48 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  Tân

Bạn Mây làm từ thiện thì đương nhiên đáng quý rồi, nhưng bạn Tùng cũng không sai đâu. Có ý thức về giáo dục thì đừng để trẻ nhỏ bán chác cái gì cả, cho dù với lý do gì.

Nên chăng dùng tranh các em để làm quá cho các nhà hảo tâm, tổ chức quyên góp có kèm triển lãm tranh, ai đến từ thiện sẽ được tặng một tranh tuỳ chọn, đó là món quà kỷ niệm thôi, vô giá chứ không phải 200 hay 400 gì sất, tránh được việc các cháu vẽ tranh ảo tưởng rằng tranh mình có giá. Như vậy các cháu vẽ tranh cũng đã góp sức vào từ thiện rồi. Nói thẳng nếu không vì từ thiện thì chẳng ai mua tranh thiếu nhi đâu.


 

14:56 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  phó đức tùng

Trần Khuê
mọi sự ở đời đều không thể khẳng định đúng sai, vì thế ai cũng phải tự quyết định lấy cho mình. Tuy nhiên nếu bạn đã sử dụng một phương pháp nghiên cứu xã hội học là tìm hiểu tỷ lệ và đã tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia thì cũng nên biết thêm một nguyên lý, đó là trong lịch sử loài người, phàm đã có ý kiến trái chiều về vấn đề gì đó thì khả năng đám đông đúng là thấp hơn hẳn việc thiểu số có lý. Chưa bao giờ đám đông đưa ra kiến giải, mà chỉ có thiểu số phải khẳng định một kiến giải mới trước sự đối lập của đám đông thôi.
Ngoài ra, chúng tôi góp ý là trên cơ sở rất quý mến, tôn trọng nỗ lực của cô Mây, các nhà từ thiện và các cháu, chỉ muốn bàn sao cho tối ưu. Nếu mọi người rút kinh nghiệm được thì làm, mà không thì thôi, ai việc gì mà phải tức với tối.

14:24 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  phó đức tùng

@ TNXP
Làm nhiều chưa chắc tốt đâu, nhất là làm cho người khác, và có liên quan đến đào tạo trẻ em. Quan trọng là phải có trí tuệ. Tôi không nói những quan điểm của tôi là đúng, nhưng lời khuyên của bạn, đã chọn gì thì cứ thế mà làm, đừng nghe ai, thì thực sự rất ít trí tuệ.

Phật có câu: nếu biết mình đang làm từ thiện thì không còn là từ thiện.

Hãy dạy trẻ có tâm thiện, mà tâm này phải xuất phát từ việc thấu hiểu người khác cần gì, thiếu gì. Lĩnh vực từ thiện không phải chỗ để khoe khoang cái tôi của mình. Lấy việc tham gia từ thiện bằng bất kỳ hình thức nào làm cách để tự sướng, đánh bóng bản thân, tự cho mình giá trị là lối mà nhiều đại gia bây giờ hay làm. Đừng lôi con trẻ vào những trò ngu ngốc đó.

@ Lý Lê:
Bạn bảo trẻ con và bố mẹ đều tự hào vì thấy nét bút của mình được công nhận? Bạn có thực hiểu điều bạn nói không? Nếu nét bút được công nhận thì không cần chữ từ thiện vẫn bán được. Còn nếu bán vì từ thiện thì không có gì đảm bảo là nét bút được công nhận và việc mình làm là hữu ích, chẳng qua là tự huyễn hoặc nhau mà thôi.

Nghệ thuật không kể tuổi tác, trẻ con cũng có thể làm ra tác phẩm đáng giá. Nhưng không phải cứ vẽ là thành nghệ thuật. Trẻ con vẽ giống như người lớn nói, viết. Đơn giản đó là hoạt động hàng ngày, là cách biểu đạt, truyền thông cơ bản của chúng. Một bức tranh thiếu nhi thông thường giống như trang nhật ký, rất có giá trị với chúng và gia đình, người thân của chúng, nhưng hàng ngàn bức mới có cái có thể được coi là sản phẩm nghệ thuật. Khuyến khích trẻ vẽ là nên, nhưng tạo cho chúng ảo tưởng tất cả chúng đều là nghệ sỹ chuyên nghiệp, sản xuất để bán lấy tiền thì không nên chút nào. Đó là sự lú lẫn, mà lú lẫn thì không thể là khởi đầu của giáo dục.

14:17 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  Quỳnh Mây

Thân gửi tất cả các anh chị và các bạn,
Tôi tuy rất bận nhưng sẽ cố gắng tranh thủ thời gian vào Soi để đọc kĩ lại toàn bộ góp ý của từng bạn, đồng thời sẽ chuyển toàn bộ ý kiến đóng góp tới nhóm Môi tím chân trần (ban sáng lập hội chợ) cũng như tới bên Cơm có thịt để ban tổ chức cùng nghiên cứu kĩ lưỡng. Tôi hi vọng các anh chị ấy sẽ góp nhặt được những ý kiến hữu ích và hợp lí nhất để hoạt động từ thiện thêm hiệu quả và ý nghĩ hơn.
Trân trọng,
Quỳnh Mây

14:04 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  Hương Thủy

Chú Tùng ơi, chắc chú không đọc kỹ bình luận của cháu rồi. Ý cháu là chị Mây hoàn toàn có thể làm việc để tránh bị hiểu lầm cảm giác " xôi, thịt" nhưng cháu vẫn thích cách làm của chị hiện tại hơn.
 
Nên cháu lấy ví dụ là cuộc đấu giá bức tranh màu nước của bà nội trợ người Anh, ủng hộ cho các binh sĩ người Anh đang chiến đấu ở Afghanistan (cháu chứng kiến cuộc đấu giá này). Nếu nói là bỏ ra một số tiền vài nghìn bảng để mua bức tranh không ấn tượng mấy, của một người không nổi tiếng thì sẽ chẳng ai mua. Nhưng vì mục đich của buổi đấu giá mà mọi người tham gia rất nhiệt tình. 

13:56 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  thuốc lào

Cảm ơn Quỳnh Mây! Những hình ảnh đẹp!

13:44 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  Trần Khuê

Quỳnh Mây thân mến! Công việc của bạn đang làm thực chất là một công việc hết sức cao cả, rất cần thiết trong xã hội loài người. Sau khi đọc 1 số ý kiến trái chiều, mình cũng đã trao đổi với 1 số học giả, nhà từ thiện quen biết thì nhận được rất nhiều ý kiến phản đối, tất cả đều cho rằng đấy chỉ là thiểu số không hiểu đúng bản chất của của việc làm từ thiện nên mới nghĩ lệch lạc về vấn đề như thế.

Một lần nữa xin khẳng định với bạn rằng việc bạn là là hoàn toàn đúng đắn và rất có ý nghĩa. Bạn không phải thay đổi cái gì cả, cứ làm tiếp tục công việc bạn đang làm, có thể sẽ làm một thiểu số người khó chịu, nhưng chẳng sao cả vì thiểu số đấy chẳng có nghĩa lý gì so với tấm lòng của bạn đối với trẻ em nghèo.

Trẻ em thì cần rất nhiều thứ, nhưng trong khả năng giới hạn thì chúng ta không thể đáp ứng hết tất cả các nhu cầu của các em, và cơm có thịt là một trong những nhu cầu cần thiết nhất đối với các em trong hoàn cảnh hiện nay, nó là tiền đề quan trọng nhất để các em tồn tại và hướng đến những ý tưởng lý tưởng. Bật mí nhé, con của mình cũng nằm trong số họa sĩ nhí này năm ngoái đấy, cháu rất vui và ngày càng yêu thích vẽ hơn.

Chúc Quỳnh Mây luôn khỏe và tổ chức được nhiều nhiều hơn nữa các hoạt động tương tự giúp ích cho xã hội thầy nhiều hơn thợ này.

12:38 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  TNXP

Chị Qùynh Mây ơi, chị đã chọn thì chị cứ bước tiếp, đừng để ý nhiều quá đến lời bàn tán của thiên hạ, thời nay thiên hạ nói nhiều hơn làm, thích lý luận mà ít động chân tay (trừ mười đầu ngón tay), thích bài bác hay nói chuyện đạo đức mà không chịu coi lại mình đã làm được gì.
Chuyện chị giúp quỹ của anh Tuấn chúng em nghĩ rằng các em nhỏ khi biết nét bút được xã hội thừa nhận và giúp ích ai đó sẽ thấy tự hào, cha mẹ gia đình chúng cũng tự hào. Đối với người lớn nói chung có thêm cách giáo dục khích lệ sự sáng tạo ở trẻ em. Nói riêng với công việc của chị đây cũng là cách làm hay để cũng nhau làm từ thiên mà vẫn thỏa mãn nhu cầu vẽ và vẽ. Dĩ nhiên cuối cùng thì vẫn phải quy ra tiền nhưng nếu các cháu cầm tiền cho đi thì thấy thô lậu với chúng quá.
Cứ tiếp tục không bổ dọc cũng bổ ngang chị à. Cố lên chị.
 

12:36 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  lý lê

Bùi Trà My và Tùng: trong xã hội này những người đi trên mây như các bạn vẫn rất cần, mình không phản đối những con người như các bạn. Tuy nhiên những người như các bạn chỉ phục vụ được cho 1 số rất ít người và nhiệm vụ của các bạn là hướng về tương lai, lạc quan với những nổi đau của hiện tại để mọi người thấy được những giấc mơ hồng trong cuộc sống còn nhiều đau khổ này. Chính vì các bạn là những người luôn hướng tới tương lai, luôn hướng đến những cái lý tưởng mà con người chẳng bao giờ thực hiện được hoặc chí ít là ở Việt nam này, nên các bạn thường không quan tâm đến cái hiện tại là gì và thường là không có nhiều hiểu biết về cái hiện tại. Giá trị tinh thần thời nào cũng có, lúc nào cũng cần, nhưng nó chỉ phát huy tác dụng trong từng trường hợp cụ thể và từng thời điểm cụ thể. Người ta đang đói mà anh đem tranh cho người ta để mong người ta cảm nhận được giá trị về tinh thần thì thật là hoang đường hết chổ nói.

Anh Tùng bảo rằng anh biết rõ lắm, tin anh đi...chẳng hiểu anh biết rõ cái gì lắm, trong khi tôi là một người sống cùng các trẻ em nghèo trên khắp đất nước này trung bình mấy tháng 1 năm, tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của các em tôi nắm không khác gì con đẻ. Đồng ý rằng trong số các em cũng có 1 số rất thích tranh chứ không phải chỉ thích thịt, nhưng số đấy thực sự là quá ít và người lớn chúng ta cũng nên thực tế với nhau rằng không đủ sứ để lo cho tất cả.

Việc các em nhận được “thịt” từ những “bố thí” của người lớn sao có ý nghĩa bằng việc các em nhận được sự trợ giúp từ công sức của các bạn cùng trang lứa. Khi các em biết rằng những miếng thịt mình nhận được là từ sự cố gắng, hao tốn tâm trí của các bạn cùng trang lứa không những giúp các em có thêm dinh dưỡng mà còn kích thích tinh thần phấn đấu của các em... rất hay đấy chứ các bạn. Thay vì tặng bức tranh cụ thể thì tôi cam đoan với tất cả các bạn rằng không quá 30 phút bức tranh sẽ không còn nguyên vẹn hoặc chẳng còn bao nhiêu em để ý đến nó nữa. Tuổi của các em là tuổi nhanh thèm, chóng chán, không nắm được tâm lý này của trẻ em thì đừng bao giờ vỗ ngực rằng ta đây biết rõ, hiểu rõ...

Với cách làm này cũng chính là 1 cách gián tiếp đưa cái cày cho người nông dân để họ có cuộc sống bền vững hơn. Tạo cho các em nghèo khó một tinh thần vượt khó bằng hình ảnh cố gắng của các bạn khác là điều rất hay và đầy tính nhân văn, thay vì đưa ra mấy bức tranh mà các em nhiều khi không có thời gian để mà xem đâu nhé các bạn “tương lai”.

11:42 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  Quỳnh Mây

Cảm ơn  billy John
Bên mình cũng đã có dự án in sách tranh trước Tết nhưng hiện mình bận quá là nên đã lùi dự định đến sang năm rồi. 
Cảm ơn các bạn đã góp ý. Mình lại phải quay về với công việc, không trao đổi được nữa rồi.

11:34 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  Quỳnh Mây

Cảm ơn Thuốc Lào đã góp ý,
Trung thu vừa rồi chúng mình đã làm việc này rồi. Bên anh Trần Đăng Tuấn có chương trình Trung thu cho trẻ em ở Mù Căng Chải. Ai muốn đi theo làm từ thiện phải tự trả tiền xe, tự trả tiền sinh hoạt. Vì đi vào ngày làm việc và đi học nên bên CLB chỉ có vài người với 2 phụ huynh, 2 em bé mang bánh trung thu tự tay phụ huynh và các bé của CLB làm, mang đèn lồng, mang giấy và màu sáp,.. lên tặng cho các bé ở đấy. Các bạn có thể xem hình ảnh làm bánh ở đây (rất đáng yêu): https://www.facebook.com/media/set/?set=oa.206996126144600&type=1 Tranh các bé vùng cao vẽ ở đây: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=555220547861168&set=pcb.349493315185180&type=1&permPage=1  nếu có thời gian tìm (nhiều hoạt động quá nên tôi chưa tìm lại được), các bạn còn có thể tìm thấy hình ảnh các bé vùng cao bò ra vẽ tranh ở đây : https://www.facebook.com/groups/comcothit/ hoặc ở đây: https://www.facebook.com/groups/ComCoThit.HaNoi/
Đợt đi này tôi bị ốm phải ở nhà nên 2 bé nhà tôi cũng không lên đấy được, phụ huynh và họa sĩ nhí đi thay tôi :) 

11:25 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  billy John

Xin có ý kiến thế này, cô Mây có thể tổ chức in tranh của các cháu thành những quyển sách tranh, những cuốn lịch và đem bán cho các bạn nhỏ ở các trường tiểu học với giá rẻ mà cháu nào cũng có thể mua được.
Mình nghĩ đơn vị tổ chức sẽ có được nhiều tiền hơn để làm từ thiện và tình cảm của các cháu sẽ bay cao bay xa hơn .
Các cháu và gia đình và bạn bè vẫn luôn được ngắm những tác phẩm yêu quí và rất ý nghĩa đó. 

11:14 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  candid

Em cũng đồng quan điểm với bác Tùng. Con gái em cũng học vẽ tranh, tranh màu acrylic của cháu vẽ cũng đẹp (em tự nhận thấy thế :D), các bạn em cũng thích và hay xin để treo. Tuy nhiên em cũng không vì thế mà nghĩ là bán tranh cháu cho các bạn để làm từ thiện. Em vẫn thường xuyên bảo các con em giữ sách truyện cẩn thận, đóng góp quần áo cũ, sách vở để ủng hộ cho các bạn nghèo.
Trẻ con ủng hộ thế là tốt rồi. Phần tiền ủng hộ thì đã có bố mẹ cháu lo.

11:01 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  thuốc lào

Các nhà từ thiện nên tặng thêm các bé vùng xa bút mầu và giấy trắng. Trẻ con ở đâu thì cũng thích vẽ như nhau :D. Thế rồi ta lại tổ chức cho các bé vùng xa vẽ tranh gửi tặng các nhà từ thiện tí hon thay lời cảm ơn!
Như vậy là cả nhà cùng vui, các bạn ở thành phố sẽ vui hơn khi dc chính những người mà mình giúp đỡ cảm ơn, các bạn vùng xa thì tha hồ khoái chí với việc vẽ vời lại được giáo dục thêm về lòng biết ơn, biết cảm ơn những người giúp mình...:D

10:37 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  thuốc lào

Hi hi! Nhiều tranh đẹp nhỉ! Các họa sĩ nhà ta cũng rất đẹp zai xinh gái :D

10:29 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  Bùi Trà My

Người dân Việt Nam đã trải qua những năm đói không gì ăn và rét không gì mặc, những ký ức đó dường như là một ám ảnh khó rời. Tôi quan sát thấy ngay cả nhiều vị sau này đã tiền quyền giàu có, họ vẫn mang trong mình một mặc cảm của thời thiếu ăn thiếu mặc. Ước muốn của họ vẫn là kiếm thêm tiền, kiếm thêm nhiều tiền, để mình và gia đình sẽ không bao giờ bị đói nữa. Và chỉ với tiền (thịt) làm niềm tin, ước mơ, họ quên mất rằng cuộc sống còn cần những giá trị tinh thần, cần những ước mơ.

Quay trở lại cuộc tranh luận, tôi đồng tình với quan điểm của anh Tùng. Nếu cần thịt, người lớn hãy giúp có thịt, để trẻ em làm việc mà chúng có năng lực nhất: vẽ tranh truyền cảm hứng, tình cảm và ước mơ cho các bạn nghèo kia.

Điều này gợi tôi nghĩ đến tính bền vững của những chương trình cứu trợ. Những người cho có thể tiếp tục cho mãi được, nhưng như thế có công bằng với những người cứ phải nhận hoài hay không? Hàng năm chúng ta mang được thêm cơm thịt, thêm áo ấm đến người nghèo, tốt quá rồi, nhưng chúng ta làm thế nào để tự họ bứt lên mà thoát nghèo? Đưa cho người nông dân một cái cày cái cuốc có phải là bền vững và tự chủ hơn một nắm gạo một củ khoai hay không? Tìm ra kiến trúc phù hợp với vùng bão lũ có phải là bền vững hơn bao nhiêu tấn hàng chở vào miền Trung hàng năm hay không?

Theo quan điểm của tôi, tranh của các em nếu mang đi tặng các bạn phần nào đó sẽ có giá trị tái tạo như thế. Còn người lớn, nếu muốn từ thiện, thì cứ đóng góp vô điều kiện vào, giữ kỷ niệm ở trong tim, tranh thì hãy để dành cho ai thực sự cần. Nếu đã thực sự có tâm làm việc thiện, đâu ai cần một “phiếu bé ngoan”. 

9:38 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  phó đức tùng

Chị Quỳnh Mây
Sách, tranh không dễ tặng như phát mì tôm, điều đó hiển nhiên. Nhưng không phải vì thế mà chúng không có giá trị, và cần đổi thành mì tôm.

Khi những đứa trẻ nghèo tụ tập chờ phát từ thiện, cái chúng hình dung là quần áo cũ, mì tôm, đồ chơi, và vì thế chúng sẽ không hào hứng với tranh, sách. Nhưng nếu chị làm một thư viện cho trường học, nhà văn hóa, cung thiếu nhi, và trang hoàng những không gian đó một cách sinh động, đáng yêu bằng những bức tranh thì rõ ràng đã góp phần làm cuộc sống của các em tốt đẹp hơn.

Nói chung, các chị phải tạo ra một bối cảnh thế nào thì các bé mới hào hứng vẽ tranh, thì cần bỏ nhiều công hơn nữa mới tạo ra được bối cảnh để các bé khác nhận tranh một cách trân trọng. Nhưng đó là việc đáng làm và cần làm, một khi các chị đã khởi xướng phong trào này.
 

9:25 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  phó đức tùng

Hương Thủy
ý mình không phải bạn đưa tiền, rồi hội tặng lại bạn tranh. mà là bạn góp tiền vào tặng cùng với bức tranh cho các em nghèo. 

9:24 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  Quỳnh Mây

Tôi xin thêm một ý vừa rồi viết thiếu: Lúc đầu CLB còn định tặng cả sách tranh cho trẻ em nghèo để các bé có điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật nhưng có một số ý kiến trái chiều từ những người đã có kinh nghiệm tặng sách và tranh từ thiện. Cụ thể như: Một phụ huynh đã kể với tôi là bạn ấy đã tặng sách tranh cho trẻ nghèo một lần và đã bị hụt hẫng vì các bé không vui, thậm chí bỏ vương sách lại. Các bé đói, rét cần cái ăn, cái mặc trước mắt đã. Các bạn có kinh nghiệm đã khuyên tôi thay vì tặng sách, hãy lấy sách đó bán từ thiện, dùng tiền mua cái gì mà người nghèo cần cấp thiết mới hợp. Tôi đã rút ý đinh tặng sách tranh lại vì vậy.

9:22 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  phó đức tùng

Chị Quỳnh Mây

Tôi đã nói rất trân trọng tinh thần cộng đồng của chị và các cháu, và không bao giờ có ý nghi ngờ tiền không đến tay người nhận như ở một số hoạt động khác. Tôi chỉ muốn bàn về cách thức thực hiện thôi.

Nếu quả thật những người lớn mua tranh vì thích tranh và cho rằng sẵn sàng bỏ tiền mua trong cả điều kiện bình thường, như Sieunoob đã nói, thì tôi không bàn làm gì. Nhưng chính chị cũng thấy, đa số comment phản đối ý của tôi đều nói rằng tranh các cháu sẽ không bán được nếu không có chữ "từ thiện". Bây giờ chị lại nói là tính giá toan, màu ra, bán thế là các cháu còn lỗ vốn, tức là tội cho cả người mua.

Ngay trong bài giới thiệu triển lãm, chị và chị Mai đã nói "các em nghèo cần không chỉ là vật chất, mà cả những sự cảm thông, chia sẻ v.v.". Vậy tại sao các chị cứ nhất định phải đổi mọi giá trị ra vật chất? hay đó là nói cho vui chứ thực ra là phải nói các em nghèo cần cơm có thịt, cho đúng nội dung chương trình?

Các bạn bảo tôi đi trên mây, lý tưởng hóa, mà các bạn không thấy chính các bạn đang đi trên mây sao? Nếu nói cái mà các em nghèo cần là nắm xôi, chứ không phải tranh, thì sao lại đi bảo các bé vẽ tranh, làm một thứ mà người mình định cho không cần? Sao không bảo các bé đem bớt đồ chơi, quần áo thừa bán hoặc cho các bạn, hoặc nhịn bớt một bữa sáng, hoặc giảm bớt một buổi học thêm, hoặc bớt mua một thứ vô bổ v.v... cũng có thể từ thiện một cách chân thật cho các bạn. Bảo các em vẽ tranh, trong khi người lớn luôn cho rằng tranh các em chẳng ai cần. Sau đó lại lừa gạt là công việc các em làm là ra tiền, mà thực tế là tiền đó chẳng qua người lớn đằng nào cũng muốn từ thiện, như thế chẳng phải dạy cho các em thói viển vông hay sao.

Các bạn hãy tin tôi đi, tôi đã quan sát các cháu bé rất nhiều, và tôi cam đoan với các bạn là đa số trẻ em có khả năng cảm thụ một tác phẩm thiếu nhi tốt hơn người lớn rất nhiều. Đó là lý do tại sao chúng hào hứng làm ra những tác phẩm như vậy, trong khi người lớn không thể vẽ như thế. Tranh trẻ con là để cho trẻ con. Các bạn đừng lấy đi của chúng niềm vui đó. Nếu muốn hiến xôi thịt, các bạn cứ việc làm, nhưng đừng đổi xôi thịt của các bạn lấy ước mơ của chúng là tội.

8:31 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  Quỳnh Mây

@Anh Phó Đức Tùng:
Tôi thường đọc các comment và bài viết của anh, tỉ lệ thích và đồng ý là khá cao. Tuy nhiên lần này rất tiếc là quan điểm của tôi có khác.

Thứ nhất trên quan điểm của tôi nếu tôi là người làm từ thiện:
-          Một là nơi tôi góp sức và góp tiền phải đáng tin cậy, phải công khai rõ ràng, tiền của tôi, sức của tôi phải đến được tay người tôi muốn giúp. Tôi tin tưởng anh Trần Đăng Tuấn và chương trình Cơm có thịt, tôi mới tham gia.

-          Hai là khi góp tiền làm từ thiện, thay vì tôi bỏ tiền nhoáng một cái vào ngân hàng, tôi có thêm cơ hội tự thưởng bản thân mua một cái tranh do chính tôi chọn, tôi thích, làm kỉ niệm về việc tôi đã làm điều tốt đẹp. Sau này tôi có thể kể với con cháu bạn bè rằng cái tranh yêu thích này của tôi, tôi có được khi làm từ thiện.  Nếu bạn nào đó không thích tranh nhưng lại muốn làm từ thiện thì cũng đừng mua tranh mà tội cho tình cảm, công sức, nhiệt tình của các bé, hãy gửi thẳng tiền cho tổ chức từ thiện nào mà bạn tin tưởng.

Thứ hai tôi nghĩ, có thể ở VN hoạt động này không nhiều nên anh Tùng và một số bạn chưa quen. Bạn tôi sống ở Đức, thường xuyên làm từ thiện có nói với tôi rằng: Các trường học bên Châu Âu họ thường xuyên tổ chức bán hàng lấy tiền làm từ thiện để giáo dục con trẻ. Tôi có thân nhân sống ở Úc, có nhiều bạn bè sống ở nước ngoài, có cả những trải nghiệm của chính bản thân nên có quan điểm về giáo dục trẻ con hơi mở một chút. Tôi mở CLB, mục đích chính là để giáo dục chính 2 đứa con bé nhỏ của tôi và nhân tiện các bé tham gia CLB (việc làm triển lãm 1/6 vừa rồi, in sách tranh cho các bé hay làm từ thiện đều vì vậy :-D)

Thứ 3 về việc tổ chức kéo dài:
-          Tôi nghĩ hoạt động hội chợ tranh này của nhóm Môi tím chân trần (trực thuộc Cơm có thịt) kéo dài là muốn tổ chức một hoạt động thường xuyên làm dấu ấn trẻ em về vấn đề từ thiện. Nhà báo Nguyễn Như Mai và một số bạn bè lớn tuổi của tôi cũng muốn đóng góp tranh của họ (tranh người lớn) vào hội chợ, đáng tiếc sau khi tôi ngỏ lời đã bị chị điều hành trong ban tổ chức từ chối.

-          Trước khi CLB của tôi tham gia, hội chợ chỉ đấu giá có 10 tranh một lần. Khi tôi tham gia, tôi chỉ giành cho mỗi lớp học trong CLB duy nhất một buổi nói về trẻ em nghèo, hoạt động của quỹ Cơm có thịt và hội chợ tranh của nhóm Môi tím chân trần. Không nghĩ rằng phụ huynh rất hài lòng với việc giáo dục này, học sinh thì nhiệt tình. Ngay lập tức có gần 100 tranh ủng hộ. Hiện tranh các cháu vẫn gửi tiếp đến và lên đến khoảng gần 150 tranh. Do số lượng tranh của CLB quá nhiều nên bên Môi tím chân trần mới mời tôi ra mặt quản lí tranh của hội chợ trong thời gian tranh CLB bày bán (đúng ra, tôi chỉ cần gom và nộp tranh là xong việc). Nếu theo ý kiến của anh Tùng, tôi thừa sức mở luôn một triển lãm tranh từ thiện lớn. Tuy nhiên tôi đã tôn trọng mục đích tặng tranh cho chương trình Cơm có thịt của phụ huynh và các bé (họ tin tưởng tôi nhưng chủ yếu là tin tưởng quỹ Cơm có thịt của anh Trần Đăng Tuấn), tôn trọng việc tổ chức của nhóm Môi tím chân trần (MTCT) và Cơm có thịt (CCT) nên đã chỉ xin nâng số tranh bán ra lên 20 tranh 1 lần để giảm thời gian kéo dài của hội chợ.

-          Nhưng ý kiến làm hẳn 1 triển lãm của anh Tùng ngẫm lại lại thấy hay. Tôi sẽ xin ý kiến các anh chị bên CCT và MTCT, ý kiến của các phụ huynh và các bé. Có điều khả năng tổ chức được là hơi khó vì các anh chị ấy vô cùng bận rộn và hiện đang ở khắp nơi trong nước và trên thế giới (chúng tôi chủ yếu là online làm việc với nhau). Tôi hiện cũng vô cùng bận, với thời gian và sức lực của tôi, tôi vốn chỉ định cố gắng làm 1 cái triển lãm 1/6 cho các cháu sang năm thôi. Nếu anh Tùng hoặc bạn nào có thể tổ chức cho CLB của chúng tôi một triển lãm từ thiện thì tôi thật sự là vô cùng cảm ơn. Tôi nghĩ các anh chị CCT, MTCT, phụ huynh và các bé cũng sẽ như vậy.

Thứ 4 là về giá trị tranh: Lúc đầu nhóm MTCT cho đấu giá nên giá khởi điểm là 200.000đ/ 1 tranh. Về sau các anh chị chuyển thành hội chợ. Với 1 bức tranh khổ 40 x 60 cm vẽ bằng Acrylic trên vải toan chưa kể giá trị công sức và nghệ thuật thì giá trị họa phẩm đã lên đến khoảng 100.000đ, có tranh còn bán tặng cả khung, thậm chí tặng kèm cả sách và chữ kí. Thật ra mua với giá 200.000đ/ 1 bức là các bé hi sinh tranh, bị thiệt thòi chứ không phải là đi xin xỏ, bởi vậy nên lần này chúng tôi mới bàn nhau và nâng giá là từ 400.000 đ trở lên đấy. Chúng tôi mong người mua đến bằng tâm thật với trẻ nghèo, với hồn tranh, với sự ủng hộ cho tinh thần nhân ái của các bé họa sĩ chứ không mong đến bằng sự ban ơn.

Cảm ơn anh Tùng đã góp ý và các bạn đã quan tâm,
Quỳnh Mây

6:20 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  SiêuNoob

Bản thân tôi thấy comment đầu tiên của anh Tùng rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Vài comments sau của anh có lẽ đi hơi quá vào vấn đề "xôi, thịt" mà làm loãng câu hỏi chính của anh.

Theo tôi, làm từ thiện là rất quý, người lớn, trẻ con đều nên làm. Ta thường thấy người ta đấu giá một bức tranh hay đồ vật nào đó lấy tiền làm từ thiện. Ở nước ngoài, trẻ con có thể tham gia concert, hay thậm chí đi gõ cửa các nhà trong khu phố, xin được làm cho chủ nhà một công việc nào đó, để lấy tiền làm từ thiện.

Điểm cơ bản tôi muốn nói ở đây là trong tất cả các hoạt động từ thiện kể trên, có người bán và người mua một sản phẩm nhất định. Sản phẩm ấy có giá trị đối với người mua. Giả sử không vì mục đích từ thiện thì ta vẫn có thể thấy người mua mua sản phẩm đó, thường là với giá rẻ hơn nhiều, nhưng anh ta vẫn có thể mua.

Còn nếu người làm từ thiện trao cho người ủng hộ một sản phẩm mà trong các hoàn cảnh khác, người ủng hộ hoàn toàn không có ý định mua, dù với giá rẻ cỡ nào, thì thực tế đó là hành động "xin" của người làm từ thiện.

Trở lại với vấn đề anh Tùng nêu ra. Bạn hãy tự hỏi nếu không vì làm từ thiện thì có ai mua tranh của các bé không? Nếu câu trả lời là không, thì có nghĩa là các bé đang "xin tiền" của người khác để làm từ thiện. Điều này là vô cùng không nên, nhất là không nên lặp lại nhiều lần các bạn ạ. Các em còn bé sẽ không ý thức được việc này, nhưng người lớn nên hiểu, và phân định rõ mới phải.

Vài dòng nông cạn của mình.

2:05 Monday,21.10.2013

Đăng bởi:  Hương Thủy

Kính gửi chú Phó Đức Tùng,
 
Là một người thường xuyên đọc các bài thảo luận cũng như bình luận của chú, cháu rất khâm phục sự hiểu biết cũng như tư duy của chú. Vẫn biết là mỗi người có suy nghĩ khác nhau, song đối với bản thân cá nhân cháu, lần này có vẻ như chú hơi quan trọng hóa vấn đề rồi. 
 
Đứng về phương diện người làm từ thiện: Cháu sẽ vui hơn rất nhiều bỏ tiền ra để mua tranh của các em so với việc đưa cho hội một số tiền nhất định, rồi sau đó hội tặng lại cháu một bức tranh các em vẽ (đây là việc chị Mây hoàn toàn có thể làm và nó sẽ tránh được việc bị coi là đang qui đổi tranh thành thịt như chú nói). Lý do là việc mua tranh này sẽ làm cho các em nhỏ vui vì đó là công sức và tâm sức các em bỏ ra với một mục đích rất cao cả. Việc này cũng giống như việc đấu giá một bức tranh màu nước của một bà nội trợ không tên tuổi, đế giúp cho gia đình các binh sĩ chiến đấu tại Afghanistan vậy. Có thể bức tranh ấy không đẹp, có thể người mua tranh hoàn toàn không thích nó. Nhưng người ta vẫn làm vì ý nghĩa cao cả của nó. Chứ không phải chỉ là việc bà ấy đứng ra mở một thùng gom tiền rồi mọi người thả vào đấy số tiền mình muốn. 
 
Đứng về phương diện các em: Ngoài việc gây dựng được lòng yêu thương, thông cảm của các em tới các bạn khác cùng trang lứa nhưng không  may mắn, biết đâu nó lại khích lệ được tinh thần hội họa của những em nhỏ này. Chính vì chúng ta tôn trọng các em, nên chúng ta cũng cần tin rằng đây có thể là cơ hội giúp các em trở nên yêu thích việc vẽ tranh và khám phá ra khả năng của bản thân mình. Chúng ta cũng sẽ dạy các em trở nên có trách nhiệm với các tác phẩm của mình vì nó sẽ được sử dụng cho một mục đích tốt đẹp.
 
Và cuối cùng thì, ở Việt Nam, có quá nhiều trường hợp cần giúp đỡ. Đối với cháu, chỉ cần giúp được người nào, hoàn cảnh nào thì nên nhanh chóng ra tay. Chứ cứ ngồi nghĩ ngợi nhiều quá lại thiệt mấy người cần trợ giúp tức thì. Vả lại, suy cho cùng, mọi việc làm từ thiện đều đáng được khuyến khích, dù theo cách nào đi chăng nữa, miễn là nó đến được nơi cần nhận. 

23:51 Sunday,20.10.2013

Đăng bởi:  Nguyễn Phạm

Phó Đức Tùng:  bạn phải biết rằng đôi khi có những việc mình không muốn nhưng vẫn phải làm, kể cả những việc vô lý và không có ý nghĩa gì, huống hồ đây là một phong trào từ thiện, ý tưởng, hành động cao đẹp, đấy tính nhân văn như thế mà bạn cho rằng không nên làm tiếp thì thật là không biết dùng từ ngữ gì để trách bạn.


Giả dối không phải lúc nào cũng là xấu, bạn nên đi tham quan nhiều để biết và hiểu cuộc sống của các trẻ em nghèo, sinh hoạt, ăn ở, tư duy thế nào thì may ra mới thay đổi suy nghĩ được. Tại sao bạn lại chấp nhận người lớn bán tranh mà lại không chấp nhận việc đấy ở trẻ em (?)


Nhồi nhét vào đầu trẻ con những cái không thực tế, quá lý tuởng chính là căn bệnh của nền giáo dục hiện nay. Thay vì dạy cho các cháu biết còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh quanh mình, cách giúp đỡ người khác thông qua các hoạt động từ thiện như thế này thì suốt ngày cứ ra rả rừng vàng biển bạc, lý tưởng gì gì đấy.... thật là cao đẹp, thật là romantic... Đây mới là sự nói dối bất nhân nhất đấy bạn.

23:07 Sunday,20.10.2013

Đăng bởi:  Hà Lê

Anh Phó Đức Tùn có vẻ đang đi trên mây. Rất nhiều chính sách, luật lệ ra đời chỉ để người ta chửi mà chẳng bao giờ đi vào thực tế. Vì các bác làm chính sách toàn đi trên mây nên nhìn toàn thấy giấc mơ mà chẳng biết thực tế là cái quái gì. Trên thế giới này nơi nào cũng vậy, người ta chỉ cảm nhận được cái đẹp khi người ta đã no đủ, tức là phần “thực” đủ rồi thì mới tới phần “đạo”. Các cháu tặng nhau bức tranh nó sẽ rất có giá trị về tinh thần với điều kiện các cháu đã no đủ. Còn ngược lại chỉ là sự sáo rỗng phi thực tế. Anh ở trong điều kiện bình thường thì 1 cục vàng là rất giá trị, nhưng trong điều kiện “khác thường” thì 10 cục vàng không bằng 1 nắm xôi lót dạ. Tùy điều kiện, tình hình, đối tượng mà có cách tư duy cho hợp lý đấy mới là người trí.
Tuổi các em còn nhỏ, thay vì xin tiền bố mẹ chỉ bằng vài lời nói dễ dàng thì xin tiền của thiên hạ bằng chính công sức sáng tạo của mình thì vẫn có ý nghĩa hơn rất nhiều. Người ta nói “của cho không bằng cách cho” anh Tùng nên suy ngẫm câu này để có cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề,  để được thông suốt, tránh việc suy diễn ấu trĩ, biến những nghĩa cử cao đẹp thành những nắm xôi miếng thịt nặng mùi tính toán.

22:50 Sunday,20.10.2013

Đăng bởi:  billy John

Hu hu, các cô các mẹ ơi, tranh thiếu nhi như những cánh chim cho các con bay lên cùng những ước mơ.  Sau này các con có thể là phi công, bác sỹ hay công nhân chứ không thành hoạ sỹ nhưng những bức tranh sẽ luôn là những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Đừng qui đổi thành vật chất cụ thể những ước mơ mà làm hỏng những đứa trẻ. Nguy hiểm quá. Các cô các mẹ đừng mua chuối chín dấm .

22:44 Sunday,20.10.2013

Đăng bởi:  phó đức tùng

Sương
Người nghèo thì cái gì cũng thiếu, nhưng không phải vì thế mà có thể quy tất cả thiếu thốn về tiền. Cái thiếu của người nghèo không dễ giải quyết, và cả xã hội mỗi người nên góp sức một kiểu. Người thì góp công, người góp của, người góp kiến thức. Nghệ sỹ thì có thể biểu diễn cho họ không lấy tiền. Bác sỹ có thể khám không lấy tiền. Trẻ con thì chia sẻ ước mơ.

Đã đành khi túng thiếu, người ta có thể phải bán sách đong gạo. Nhưng đó là việc của người lớn. Nếu để đến mức trẻ con phải bán tặng phẩm để đổi cơm, thịt thì lại dã man hơn rất nhiều. Và ngay cả trong trường hợp đó, hãy để những đứa trẻ nhận tranh tự quyết định. Nếu ai đó thấy bạn nghèo, và tự tiện bán hết tranh ảnh, sách vở của bạn đi để đổi cho bạn một đống thịt mà không hỏi ý của bạn thì bạn thấy sao?

Trẻ con làm ra những thứ mà chúng thấy có giá trị, còn người lớn thì đa số sẽ không thấy giá trị, trừ khi đó là sản phẩm của con mình. Vậy bắt người lớn mua một bức tranh mà họ không cảm nhận được thì vừa không giá trị gì đối với người đó, vừa tội cho đứa trẻ vẽ tranh. Trong khi đó đứa trẻ kia có thể cảm nhận được thì không cho.

Tôi nghĩ tốt nhất là nếu một người lớn thích ủng hộ việc từ thiện này, thì nên cho thêm tiền để bức tranh có thể tới tay đứa trẻ nhận một cách long trọng, đáng nhớ, và cũng có thể kèm theo sự kiện là xôi thịt. Kiểu như nhân có món quà quý giá này, các cô chú cũng gửi ké một chút đồ nhật dụng tầm thường.

22:28 Sunday,20.10.2013

Đăng bởi:  Sương

Tôi nghĩ anh Phó Đức Tùng có lý của anh, khi anh cho rằng một bạn nhỏ tặng một bạn nhỏ một bức tranh thì sẽ có ý nghĩa hơn, và có khi hay hơn là đem đổi thành một miếng thịt để ăn.

Nhưng nhiều khi hoàn cảnh lại không được lý tưởng như vậy: người ta chẳng đã từng có lúc phải bán những cuốn sách quý để đong gạo sao?

Các cháu ở miền núi thiếu rất nhiều thứ. Cầu Trời sẽ đến cái ngày các cháu chán ăn thịt, chỉ muốn được ở yên để vẽ tranh như các cháu miền xuôi. Nhưng trong lúc này, các cháu thiếu đủ thứ. Các cháu vùng lũ lụt lại còn thiếu hơn: gạo, sách, vở, bút chì, dép, nước uống. Tặng tranh lúc này có lẽ là một thứ xa xỉ đối với hoàn cảnh các cháu.

Các cháu ở thành phố còn bé, tiền chưa kiếm được, nói như bạn Tùng rất đúng là muốn làm từ thiện lại phải xin bố mẹ. Thế thì cách làm của Quỳnh Mây cũng là một giải pháp khá nhất trong tình cảnh khó khăn này: khi các cháu không có tiền mà vẫn muốn giúp bạn.

Nhưng cái mà tôi ái ngại nhất lạ chính là vấn đề tranh. Tranh các cháu rất xinh, nhưng nhà nào cũng có trẻ con của họ, treo tranh của đám cháu trong nhà cũng đủ hết chỗ rồi, và tâm lý treo tranh trẻ con nhà khác e rằng là hơi khó, nó rất khác với tranh của họa sĩ mà ta đi tậu hay được tặng. Mà mua về không treo thì lại tội các cháu. Không mua thì lại lo các cháu buồn vì tranh bán không được.

Tóm lại cách làm từ thiện này tuy giúp các cháu thành phố:
- giúp được các bạn vùng khó
- học được tinh thần làm từ thiện
nhưng lại dễ rơi vào tình trạng buồn và thất vọng khi thấy bé khác bán được, mình không bán được. Tôi chỉ sợ thế thôi...

Xin có chút ý kiến như vậy. Rất trân trọng những gì các bạn làm cũng như những ý kiến chân tình của anh Phó Đức Tùng, dù có thể khó áp dụng...

22:11 Sunday,20.10.2013

Đăng bởi:  phó đức tùng

Nguyễn Như Mai

Mình có cách này giúp bạn xác định giá trị nhé. Bạn nói bạn là phụ huynh, và cháu nhà bạn cũng vẽ. Vậy hôm nào, sau tất cả những chuyện triển lãm từ thiện này, bạn hãy chọn một bức tranh mà cháu đã vẽ rất thành công và rất thích, rồi hỏi nó xem nó có muốn đổi bức tranh đó lấy một miếng thịt không?

Bài thử thứ 2: bạn hãy bảo bé nhà bạn chọn bức tranh đẹp nhất tặng một bạn thân nhân ngày sinh nhật, và ngược lại, người bạn nhỏ kia cũng vẽ tặng nó một bức thật đẹp nhân ngày sinh nhật. Rồi sau đó, bạn hỏi nó có muốn đổi tặng phẩm kia lấy một miếng thịt không?

Tôi nghĩ, nếu con hay cháu bạn đồng ý đổi tranh lấy thịt, điều mà tôi nghĩ rất hiếm xảy ra, hẳn trong lòng bạn sẽ rất buồn.

Vậy do đâu mà bạn chắc rằng những đứa trẻ nghèo sẽ đổi tranh lấy thịt? Hãy nhớ rằng mọi lòng từ thiện đều phải xuất phát từ trân trọng tận đáy lòng. Đã coi thường cả người nhận lẫn sản phẩm của người cho, còn đâu là từ thiện.

21:57 Sunday,20.10.2013

Đăng bởi:  phó đức tùng

Mình biết là góp ý vào một chương trình từ thiện là rất dễ gây phản ứng. Mình xin nói lại là không phản đối việc làm từ thiện, cũng không phản đối trẻ em vẽ tranh, nhưng mình không cho rằng hai thứ này nên kết hợp làm một.

Nếu các bạn nói trẻ em không thể tạo ra sản phẩm thương mại, có nghĩa là sản phẩm có giá trị tiền bạc, thì không thể bán tranh lấy tiền. Nếu thêm chữ từ thiện thì có khác gì các em đi xin tiền, cho dù không phải xin cho mình, mà là xin để cho người khác. Bạn nói như vậy còn có nghĩa là chỉ những gì chuyển thành tiền mới có giá trị. Và bạn nói rằng trẻ con nhỏ tuổi thì không thể cảm nhận tình cảm của người khác qua tranh, mà chỉ có thể cảm nhận tình cảm bằng xôi, thịt, áo, quần. Mình không hiểu là bạn hay mình đang đánh giá thấp các bé đây? kể cả các bé vẽ lẫn các bé nhận. 

Các bạn chắc là mình thiếu thực tế. Nhưng các bạn thử nói xem thực tế của các bạn tính theo kiểu gì? Có chắc chắn rằng một miếng thịt luôn có giá trị hơn một ước mơ hay không? Những đứa trẻ hăm hở vẽ tranh, chúng vẽ cả bầu trời, cả ô tô, cả thành phố, cả thế giới để trao tặng cho các bạn. Trong khi đó người lớn đổi tất cả ước mơ đó thành một miếng thịt, mà còn phải kèm theo chữ "từ thiện" mới đổi nổi. Chẳng nhẽ các bạn không còn có thể cảm nhận được đúng sai nữa hay sao? Chẳng nhẽ thực tế nó lại phũ phàng đến như vậy rồi sao?

21:26 Sunday,20.10.2013

Đăng bởi:  Nguyễn Như Mai

Tôi đã đọc bình luận của bạn Phó Đức Tùng. Tôi cũng đồng ý là trẻ em chưa cần đến tiền và chúng cũng chưa biết sử dụng tiền. Nhưng bạn phản bác việc các cháu vẽ tranh lấy tiền giúp các bạn nghèo thì e rằng có phần phiến diện. Hay có lẽ bạn chưa đọc kỹ các mục tiêu và biện pháp tiến hành của chương trình này chăng?

Tôi là một phụ huynh và là một nhà báo già. Tôi thấy chương trình này là một nghĩa cử cao đẹp về cả hai phía.

Phía các em vẽ: Nếu bạn được trực tiếp gặp các cháu sẽ thấy các cháu hăm hở như thế nào muốn được chia sẻ với các bạn nhỏ. Điều đó tạo cho các cháu lòng yêu thương ngay từ nhỏ. Hơn nữa việc này cũng phù hợp với khả năng của các cháu. Chúng vừa vẽ tranh, vừa chơi, vừa phả vào đó tình thương yêu. Tự bàn tay nhỏ bé của các cháu tạo nên sản phẩm, làm ra tiền giúp bạn. Chứ không phải xin tiền bố mẹ để quyên góp như tại các cuộc vận động Khi biết được tranh mình bán được tiền giúp các bạn, các cháu tự hào lắm đấy.

Về phía các cháu được nhận. Bạn hơi duy lý khi nói là nếu các cháu nhận được tranh các bạn tặng thì còn giá trị hơn tiền và chúng còn biết đánh giá tranh đẹp hay xấu hơn người lớn! Hẳn là bạn rất thiếu thực tế. Các cháu cần trước mắt là cần cơm có thịt, cần có manh áo ấm. Và tất nhiên các cháu càng cảm động hơn khi biết miếng thịt ấy, manh áo ấy từ đâu mà có. Vả lại, ban tổ chức đâu có mang tiền đến cho các cháu, mà chuyển nhưng đồng tiền ấy thành những thứ các cháu cần. 

Việc làm ấy hoàn toàn được minh bạch, không hề có tư túi như một vài cuộc vận động từ thiện tai tiếng nào đó. Kết quả số tiền thu được đều công khái và được mang đến tận nơi được thụ hưởng. Đây cũng là tấm lòng của những người tổ chứ mà tôi vô cùng cảm phục.

Và tôi cũng vô cùng cảm động trước tấm lòng của các họa sĩ nhỏ. Cám ơn các cháu rất nhiều!

20:59 Sunday,20.10.2013

Đăng bởi:  lam

@Tùng: trẻ em nghèo thì cần những cái thiết thực hơn và tiền là một trong những thứ thiết thực nhất. Các em tuổi còn nhỏ nên để các em cảm nhận tình cảm của người khác qua tranh ảnh e là quá sức, điều này giống như việc hoang tưởng hơn là ý tưởng. Tổ chức bán tranh bình thường(?) bạn nghỉ sao mà nói như vậy? Tranh của các em vẽ mà bán được theo cách bình thường thì hình như bạn không hiểu lắm về nghệ thuật thì phải. Chính vì tuổi của các em khó mà có thể tạo được các bức tranh có tính thương mại nên phải kèm theo “từ thiện” thì mới bán được bạn. Rất cảm ơn bạn Quỳnh Mây vì những công việc bổ ích như thế này cho cộng đồng.

19:20 Sunday,20.10.2013

Đăng bởi:  phó đức tùng

Cô Quỳnh Mây,

Mặc dù mình rất trân trọng nỗ lực cộng đồng của cô, cũng như thấy nhiều bức tranh rất đáng yêu. Tuy nhiên mình vẫn thấy việc triển lãm bán tranh từ thiện của các cháu có gì đó không ổn. Mới đầu tưởng chỉ một hai lần nên cũng định không nói gì, nhưng thấy thành thông lệ nên cũng muốn góp ý.

Theo mình, nếu ta coi tiền là cái cần để giúp đỡ trẻ em nghèo, thì người cần đóng góp là người lớn, vì trẻ em không thể có tiền. Còn nếu ta coi tấm lòng là quý, thì hãy để các cháu vẽ tranh tặng các bạn. Những bức tranh vui tươi, an ủi, để các bạn treo ở nhà, ở lớp, để biết rằng có những bạn trẻ luôn biết đến mình. Theo mình thì các bạn trẻ kia có lẽ còn biết đánh giá giá trị của tặng phẩm cao hơn những người lớn bỏ tiền mua tranh.

Còn nếu vẫn muốn bán tranh, vẫn muốn tặng tiền, thì nên tổ chức triển lãm bán tranh bình thường. Khi được tiền rồi, các cháu có thể tự quyết định từ thiện bao nhiêu, hay có từ thiện không. Nói chung việc từ thiện và bán tranh không liên quan gì đến nhau. Có như vậy, các cháu mới chắc chắn mình bán được tranh vì mình đã làm ra được một sản phẩm được công nhận. Chứ như thế này, mình có liên tưởng đến những người phụ nữ ăn xin cứ tha theo mấy đứa trẻ nheo nhóc tội lắm. Các họa sỹ đã thành danh có thể triển lãm bán tranh từ thiện, nhưng trẻ con không nên làm như vậy. Theo mình là thế.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả