Bàn luận

Soi xin kể một câu chuyện từ thiện...

  Nhân trên Soi đang bàn về từ thiện, xin kể một câu chuyện làm từ thiện mà Soi có chứng kiến. Hồi 1997–1998, trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu trong miền Nam rất nghèo. Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đã giúp các em bằng cách tổ chức lớp võ Vĩnh Xuân tại đây, […]

Ý kiến - Thảo luận

11:08 Wednesday,23.10.2013

Đăng bởi:  trương Trần

"...Trong lúc làm mới thấy, từ thiện nên là việc làm cả đời, chọn một việc thiết thực và cứ thế mà làm, không nên là việc ào ạt cảm xúc...".
Câu viết hay quá, xin tán thưởng. Cảm ơn những người đã có mặt trong Quỹ này để làm một việc giản dị ấy. Và nhân đây, cho xin đóng góp với nhé. Anh Nguyễn Trương Quý cho biết số TK để chuyển cho tiện.
 

8:36 Wednesday,23.10.2013

Đăng bởi:  Sương

Đúng vậy bác Trịnh Lữ. Có nhiều hình thức làm từ thiện. Từ thiện kiểu Atlantic thì tầm cỡ quốc gia, tổ chức rồi, và nguồn tiền của họ hẳn phải là ổn định để tiến hành các chiến dịch lớn, vận động cho các chính sách lớn..., không thể so sánh quy mô, phương thức với các hình thức từ thiện nho nhỏ và tự phát với nhau mà mấy hôm nay mọi người đang bàn luận.

Nói chung tôi thấy kiểu gì cũng được miễn là có làm từ thiện :-). Góp ý với nhau cũng chỉ là chi tiết thế thôi, chứ rút cục người thua thiệt hơn được bù đắp là tốt rồi. Tôi nhớ các tổ chức từ thiện ngày trước ở Đức, ở Pháp thời Việt Nam khó khăn vẫn gửi những thùng đồ về cho người trong nước. Cả thuốc men, cả kẹo bánh, cả quần áo cũ... Cái gì cũng là tốt, cũng như bây giờ những thứ chúng ta đem lên những bản nghèo sâu xa. Vận động chính sách, cải tạo triệt để những điều kiện sống là tốt, nhưng trên đường làm những việc ấy thì cũng nên "châm" cho người ta những thứ căn bản và thiết thực tầm thường để người ta còn sống đến ngày thấy được cái chính sách ấy khai hoa kết quả, phải không bác?

Nêu tên cũng tốt luôn, không nêu tên cũng tốt. Nhưng như bạn Mèo hôm qua đề nghị nên có một cái thiệp, một món quà... thì tôi thấy nhiêu khê quá. Bớt được một động tác cho tổ chức từ thiện là thêm một chút thời gian cho người được nhận từ thiện. Những người góp công, góp của chỉ nên nhận một lời cảm ơn chung, đừng màu mè vẽ ra hình thức này nọ. Những người đứng ra tập hợp tiền, phân phối hàng... họ cũng chỉ có 24 tiếng như chúng ta, bắt họ làm thêm việc còn chúng ta nâng niu những bằng chứng ấy, tôi thấy rất là... không từ thiện :-)

8:11 Wednesday,23.10.2013

Đăng bởi:  Trịnh Lữ

Từ bốn năm nay, tôi may mắn được tham gia công việc của Quỹ Từ thiện Atlantic (The Atlantic Philanthropies) tại Việt Nam. Không thể so sánh công việc của họ với của anh chị em mình, vì quy mô quá khác nhau. Nhưng tôi nghĩ có thể chia sẻ với các bạn về quan niệm làm từ thiện của họ.

Trước hết, họ coi "từ thiện" (philanthropies) không phải là "phát chẩn" (charity) hoặc "bố thí" (giving alms). Vì vậy, các chương trình từ thiện của họ đều được tổ chức nhằm giải quyết tận gốc các vấn đề bất công xã hội mà các nhóm người kém thế phải gánh chịu như một tổn thất đương nhiên của quá trình phát triển của xã hội theo hướng kinh tế thị trường. Bản chất nỗ lực "từ thiện" của họ là đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người trong xã hội văn minh. Cho nên họ không tập trung bù đắp các thiếu hụt dịch vụ và sản phẩm, mà ưu tiên đầu tư cho nỗ lực gây tác động làm chuyển biến chính sách, nâng cao nhận thức và năng lực của những người trong cuộc, đưa đến những chuyển biến bền vững đáng mong muốn cho cuộc sống của những nhóm người kém thế và chịu nhiều rủi ro trong xã hội mà hàng đầu là trẻ em và phụ nữ.  

Điều thứ hai, là họ vô danh trong công việc từ thiện của mình. Tất cả những ai nhận tiền hỗ trợ của họ đều không được phép nhắc đến tên Atlantic Philanthropies. Rất ít người biết rằng luật đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, mũ bảo hiểm Protec và tiêu chuẩn an toàn để kiểm soát chất lượng của các mũ bảo hiểm trên thị trường Việt Nam, luật phòng chống tác hại khói thuốc lá, nghề công tác xã hội, ngành y tế công cộng, chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng... đều có sự hỗ trợ tài chính và tư vấn mạnh mẽ của Atlantic Philanthropies tại Việt Nam. Ngay cả đại học RMIT của Australia tại Việt Nam cũng là do Atlantic tài trợ mà có. Chỉ khi quyết định sẽ tự cáo chung, Atlantic Philanthropies mới bắt đầu lộ diện để có thể công khai chia sẻ những kinh nghiệm từ thiện của mình với thế giới.

Vẫn biết rằng chỉ có những nguồn tài chính khổng lồ mới có thể theo đuổi sứ mệnh philanthropies như Atlantic, nhưng tôi nghĩ, nếu chúng ta quan niệm từ thiện không phải là bố thí, và đã giúp người thì đừng để tay trái biết tay phải mình làm gì, thì mọi việc chúng ta làm sẽ không có nguy cơ dẫn đến những hệ lụy phương hại đến nhân phẩm của cả người nhận lẫn người cho.
 

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả