Đi & Ở

Bàn thêm về món Hàn, người Hàn

 SOI: Đây là một số cmt sau bài về ẩm thực Hàn Quốc của Đặng Thái. Soi xin đưa lên thành bài cho các bạn dễ theo dõi và thêm nhiều thông tin.  Phạm Huy Thông Về cơ bản mà nói thì tớ thích đồ ăn Hàn Quốc. Tớ nghĩ, văn hóa ẩm thực của […]

Ý kiến - Thảo luận

12:12 Thursday,25.6.2015

Đăng bởi:  rieng&chung

Bác Bông lông xã: Em chưa (đủ tiền) thử món yến sào, nên không biết có bổ lắm thật không, tuy nhiên nhiều tài liệu nói nó bổ, nên cũng tạm tin.

Dân xài món này nhiều thật ra là dân TQ. Số liệu lượm lặt trên mạng là năm 1991 nghe đâu dân HK đã nhập 142 tấn yến sào từ Đông Nam Á (khoảng hơn 2/3 tổng sản lượng thì phải). Sau đó lại có bọn tiểu ngạch xách tay nhập lậu từ HK vào Đại Lục. Nhu cầu chỉ tăng không giảm, cùng với tăng trưởng GDP của quốc gia đông dân này.

Nhưng nước yến có bổ hay không thì em mù tịt thông tin, trừ quảng cáo của nhà sản xuất. Các loại nước nọ nước kia (nước yến, nước đông trùng hạ thảo v.v..) đều khó khẳng định lắm ạ.

Mấy năm trước đài truyền hình trung ương TQ (CCTV) còn có một phóng sự động trời vạch mặt món huyết yến (tổ yến nhưng màu đỏ). Hóa ra toàn bọn gian thương lấy tổ yến trắng về hấp khói phân dơi với gì gì nữa cho đỏ quạch lên, bán với giá cao hơn yến trắng, quảng cáo là đại bổ vì nước dãi yến có máu v.v... Dân Tàu cũng chỉ dám mua cho cha mẹ hoặc sếp để tỏ lòng thành. Không hiểu sao cũng không thấy ai ngộ độc vì huyết yến (chắc tại ăn dè sẻn). Một lời nói dối đẹp đẽ tồn tại hình như hơn 20 năm...

11:59 Thursday,25.6.2015

Đăng bởi:  candid

Em nghĩ thói quen ăn uống chỉ một phần, phần kia là thói quen tập luyện sinh hoạt quyết định đến thể chất.

Khi em sang Nhật hay gặp cảnh trẻ con mẫu giáo của Nhật từng đoàn lũn cũn theo cô giáo đi bộ. Có lần hỏi chuyện người ta bảo 1 đứa trẻ con mẫu giáo ở Nhật đi bộ mấy km là thường. Tuổi ấy trẻ con ở VN thường bắt bố mẹ bế (con em cũng thế :D).

Trẻ con 3-5 tuổi ở VN hiện nay so về cân nặng, chiều cao thì có khi là khổng lồ với trẻ con Tây nhưng về thể lực thì yếu hơn hẳn. Hôm trước em tham dự cuộc thi chạy, cự li cho trẻ con tham gia là 5km, đa phần là trẻ con Tây và chúng nó chạy đơn giản. Với trẻ con VN ở thành phố hiện nay em nghĩ chỉ có số ít thực hiện được.

Đọc bài bác Đặng Thái cũng thấy nói đến việc thay đổi trong thói quen ăn uống của người Hàn (ăn thịt nhiều hơn), không hiểu họ có thay đổi gì trong giáo dục thể chất cho trẻ con không?

11:13 Thursday,25.6.2015

Đăng bởi:  Bông lông xã ba la huyện

@ Đặng Thái:
"May cho họ là đồ ăn vặt của mình toàn đồ healthy" - tôi lại nghe những cấu rất khác từ một số Tây ở đây lâu. Và xin nói rằng tôi hoàn toàn không dám xơi quà vặt ở VN, dù cũng có phần do phải mất thời gian để làm cho nó vệ sinh hơn.

Còn trong một bài khác bạn Riêng chung nói về yến và cái tổ nước dãi của nó. Tôi nhận thấy thân mẫu xơi (nước) tổ yến như bổ củi mà không thấy có gì OK hơn. Tôi bèn đề xuất hoặc không bổ, hoặc Giun (nó thấy bổ) nó xơi hết. Cụ rất phật lòng vì đẻ ra thằng con vứt chữ lễ của thánh Khổng vào sọt rác (tôi lại nghĩ phải chân thành mới là lễ).

9:28 Thursday,25.6.2015

Đăng bởi:  rieng&chung

Đọc còm của bác Đặng Thái chỉ muốn vỗ đùi cười ha ha : ))

Tự dưng riengchung muốn "soi" mói thêm cái vụ thể chất - vùng miền - ăn nhiều uống ít này quá. Đại khái là xem xét trường hợp Tây Tàu hay biển đảo mỗi đều chia ra người nông thôn hay thành thị; người lao động trí óc hay chân tay; "thổ dân" hay người chủng tộc khác di cư đến; rồi cả vụ ăn chính ăn phụ như bác Đặng Thái phân tích nữa. Phân loại kĩ hơn để so sánh chắc sẽ chính xác hơn chăng.

Ví dụ người ở Thái Bình Dương nếu là di cư từ Châu Mỹ sang sẽ thuộc tộc khác, sức ăn theo ADN chắc khác dân bản xứ (nếu có). Kế nữa họ mà là dân thuyền chài sông nước thì ăn khỏe vô địch (ở VN cũng vậy). Người Châu Phi ở xứ nóng nhưng lao động tay chân nhiều và ít được ăn vặt thì đến bữa chắc cũng ăn nhiều. Người miền Nam ở VN béo tốt hơn miền bắc chủ yếu là cho kinh tế từ thời Mỹ đã khá hơn, cái này hơi giống tương quan thể chất Bắc Hàn với Nam Hàn. Hồi mới có chương trình SV trên truyền hình, em cũng thấy thanh niên miền Nam to béo hơn, nhưng giờ thì trẻ con Hà Nội cũng mập mạp chẳng khác Sài Gòn mấy thì phải...

Nhưng mà bày ra "ma trận phân tích phức tạp" để "soi" mói vậy để làm gì không biết nữa, có khi lại phạm vào điều dốt thứ 2 của con người: "biết những điều không cần biết" cũng nên : ))

8:31 Thursday,25.6.2015

Đăng bởi:  Đặng Thái

Cũng tùy người thôi chứ không phải ai cũng ăn ít đi khi ở Việt Nam Bác Rieng&chung ạ. Mà nếu có ăn ít đi cũng không phải do trời nóng đâu. Lí do nó thế này này:

Thứ nhất là trời nóng không ảnh hưởng đến sức ăn của người ta nhiều lắm. Vì nắng như lò bát quái quanh năm ở châu Phi, miền Nam Ấn Độ hay các đảo quốc trên Thái Bình Dương mà họ vẫn ăn thùng uống chậu, ai cũng to như hộ pháp. Tây sang Ấn Độ cũng ăn hàng mẹt cơm với bánh. Hay nhất là bác cứ nom trẻ con trong miền Nam, trông lúc nào cũng mập mạp, tròn trĩnh hơn ngoài Bắc. Em cứ phục sát đất các bác trong Nam ăn lẩu cay sôi sùng sục giữa mùa hè 38 độ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Nhưng mà dĩ nhiên là mùa thu mát mẻ thì ăn phải vào hơn mùa hè là đúng rồi.

Thứ hai là em thấy họ ăn ít trong bữa chính, chứ ăn vặt thì như mỏ khoét, mồm lúc nào cũng thấy nhai, ngưng nhai thì lại uống cà phê (tại rẻ mà vừa thơm vừa đặc). Sáng mới ăn cái bánh mì patê, xong lại tạt té hàng quà làm vài ba cái bánh rán, ăn tối xong lại đòi đi ăn đêm. Căn bản là Việt Nam mình nhiều những thức ăn vặt, rẻ mà ngon nữa. Những người Tây phì nộn đều là do ăn vặt cả. (May cho họ là đồ ăn vặt của mình toàn đồ healthy).

Thứ ba, cái này là em trải nghiệm nên đoán thôi, ở Tây cũng như ở Nhật, Hàn, nếu không đi xe riêng thì chỉ có đi bộ là chính, đi xe đạp là chủ yếu. Xem thời sự mà có cảnh ở tây thì thấy vỉa hè toàn là đầu người nhấp nhô. Còn Việt Nam mình lên xe xuống ngựa quen rồi, ai ở Việt Nam mới qua, nhất là mấy tiểu thư, cứ kêu oai oái là bên này đi bộ mỏi chân quá. Trông thế mà cái khoản đi bộ bắt tàu điện tốn năng lượng ra phết đấy, biết đâu vì thế mà lại ăn được nhiều cơm? Cụ Hồ đi Tây mấy chục năm, đến lúc về vẫn gầy nhưng mà cao hơn hẳn các cụ còn lại :D

Còn việc ăn ít là chuẩn mực thì đúng như bác rieng&chung nói. Đã có câu ca dao bên Tây thế này:
"Ăn nhanh, đi chậm, hay cười
Mua hàng giảm giá, đúng người Việt Nam"
Người Việt mình ăn nhanh thì vô địch thiên hạ, nhai trệu trạo rồi nuốt vội nuốt vàng nên thức ăn khó tiêu, chóng no chóng đói. Đang ăn mà người ta thôi thì cũng thôi, bỏ thừa đấy không dám ăn hết để giữ lịch sự. Tệ nhất trên đời là đi ăn cỗ cưới ở ta, vào "bắt tay bỏ phiếu" xong, ngồi xuống mâm chưa nóng ghế là đã nhấp nhổm ra về, chưa đầy nửa tiếng đã thấy tiệc tàn cả mà ra về ai cũng đói meo. Nếu cứ ngồi chê cái việc ăn của người mình thì có mà viết được thành tiểu thuyết :))

7:40 Thursday,25.6.2015

Đăng bởi:  rieng&chung

@Bác Đặng Thái, bác nói về dinh dưỡng em thấy chí lý.

Bác với bác Candid làm việc với Tây Tàu nhiều, liệu có thể "xác minh" giúp em một nghi vấn không ạ: có phải Tây Tàu Hàn Nhật sang VN làm việc thời gian dài cũng dần dần ăn ít đi không?

Ý em là người Việt ngoài giai đoạn dậy thì ăn khỏe không tính, bình thường ăn ít là do trời nóng. Những hôm trở rét tự dưng ăn được nhiều (cơm) hơn. Vì thế khi sang Tây, khí hậu ôn đới mát và lạnh, sẽ ăn khỏe hơn, do cơ thể tự động có nhu cầu tích lũy năng lượng nhiều hơn. Kết hợp với điều kiện dinh dưỡng sẵn có tốt nữa, thế là cao lên béo ra.

Cái sự ăn ít/yếu của người VN, hình như nó thành văn hóa, là chuẩn mực cho sự thanh lịch thị thành rồi hay sao ý. Nên em cũng giống bác Đặng Thái, rất phục anh nào ăn được 2 bát phở một lúc, vì anh này... không sợ dư luận : ))

6:44 Thursday,25.6.2015

Đăng bởi:  Đặng Thái

Gửi bác Candid, bác Rieng&chung: Khí hậu là một phần, còn dinh dưỡng vẫn là trọng yếu hai bác ạ. Ngày xưa Nhật lùn như thế mà bây giờ thanh niên họ cao to, ít nhất cũng như Trung Quốc, không thì như Tây. Mà vẫn là giống ấy, ADN ấy.

Ví dụ dễ thấy hơn là người Việt Nam mà đẻ bên Tây (thế hệ hai). Bố mẹ vẫn nấu món Việt đấy, nhưng mà ăn bơ sữa Tây nên cứ lớn vù vù. Đơn giản hơn nữa là mấy đứa du học sinh bây giờ, cả nam cả nữ, qua bển chẳng ai chăm chút như bố mẹ ở nhà thế mà cứ cao thêm (có khi cả chục phân), béo tròn ra, đi mấy năm về đến sân bay, bố mẹ ngơ ngác không nhận ra con.

Sức ăn của người Việt quá yếu. Chỉ có ăn cơm là khỏe. Lúc tuổi choai choai em cũng ăn được 10 bát cơm đấy, không phải dạng vừa đâu. Thế mà đi ăn buffet bên Tàu, nhìn người ta bê cái đĩa thức ăn về chỗ ngồi là mình đã thấy nghèn nghẹn ở cổ rồi. Đi Tây thấy mấy anh tóc vàng xì xụp ăn tô phở xe lửa to đúng bằng cái chậu rửa mặt thì đành vái cả nón. Ăn to thì lo lớn, không ăn nhiều làm sao có sức mà làm cái gì được. Nên em cứ gọi là phục lăn bác nào đi ăn sáng, vào hàng phở mà chơi luôn hai bát (từ trước đến giờ mới gặp có đôi lần, mà toàn trong Nam là chính)

23:57 Wednesday,24.6.2015

Đăng bởi:  rieng&chung

Bác Candid, nếu người VN ăn chất như người Hàn, Nhật thì chắc thể chất cũng khó bằng được, vì dù gì mình cũng là dân phương nam, họ là dân phương bắc. Ngay như Ánh Viên ăn khỏe và "khoa học thực dụng" thế vẫn bơi chưa lại với thành tích đỉnh cao của các nước Đông bắc Á.

Huống hồ kinh tế VN từ thời nảo nào đã không mấy thịnh vượng, từ Trịnh Nguyễn phân tranh kiệt quệ đến nhà Nguyễn "bế quan tỏa cảng" rồi các loại thực dân đế quốc, đến kinh tế kế hoạch... Dân mình bị đói mấy trăm năm liền chứ chẳng vừa. Nên em nghĩ VN mình hơn đứt Nhật, Hàn về mức độ nghèo và độ (nghèo) dai dẳng, chênh lệch thể chất vì thế càng lớn.

Nhớ hồi giữa những năm 90, gặp mấy bác ở Nga sang BK đánh hàng, có bác khoe "con anh uống sữa thay nước" mà ngưỡng mộ : )

15:04 Wednesday,24.6.2015

Đăng bởi:  Bông lông xã ba la huyện

Xin trích một đoạn bài đã đăng bài mà kiểm duyệt không hiểu sao bỏ đi:
"Nhưng các bạn không thể tin nồi đâu, mục tiêu để trút giận cho đám đông lúc đó là năm người mù bất hạnh, đã dám sang đường sai quy định, và vào một thời gian không thích hợp: 18h. 6h tối lúc mà cả thành phố, cả đất nước và từng người Trung quốc đang dành não trạng của mình để tư duy: ăn bát cơm tối mà mình đáng được hưởng… với món gì cho ngon mồm đây. Chế ngự bản năng của cái dạ dày đang đói của người Trung quốc là điều không thể làm. Nghĩa là (người Âu) không dễ gì hiểu nổi điều toàn dân Trung quốc chia sẻ vào 12h trưa và 18h tối mỗi ngày (ý nói vào lúc ai cũng nghĩ ăn nhậu gì cho khoái khẩu)."
Trên thực tế cái vấn đề gun, vâng, bác Giun mới là tổng tư lệnh các cơ quan đoàn thể của người Tàu (và người Việt). Một CZ Nga cho hay người Việt đến 11.30 là đói run chân run tay, và giải thích lúc đó bọn giun đồng loạt nhắc nhở là tao báo cơm rồi đấy nhé.

14:16 Wednesday,24.6.2015

Đăng bởi:  candid

ví dụ về uống rượu, muốn uống được thì phải có thể lực tốt. Làm việc với hội Nhật, tối đi ăn tiếp khách chúng nó uống ầm ầm, có thể say bí tỉ nhưng hôm sau lại làm việc tiếp. Mình uống với chúng nó 1 vài hôm thì okie, nhưng ròng rã như thế 1 tuần thì cũng chào thua.

Hồi trước em cũng không chú ý ăn uống lắm mà chủ yếu chỉ sướng miệng. Giờ khi tập các môn như chạy marathon, bơi đường dài, đòi hỏi sức bền, đòi hỏi thể lực, từ ấy mới tìm hiểu chút ít về ăn uống thì thấy là thói quen ăn uống của VN ít đạm, thừa tinh bột. Ăn nhiều nhưng chóng đói. Hoạt động cường độ cao sẽ nhanh mệt.

Người Triều Tiên, người Nhật cũng có những lúc nghèo đói thiếu thốn nên khẩu phần ăn cũng rất đạm bạc, điển hình như món kim chi hay món mận muối của người Nhật, cũng như món dưa cà của người Việt chủ yếu là để đưa cơm. Giờ có sự chênh lệch về thể chất chắc là do mấy chục năm qua họ cũng có thay đổi trong thói quen ăn uống.

12:59 Wednesday,24.6.2015

Đăng bởi:  rieng&chung

Thông thường, người (và động vật) phía bắc sẽ to khỏe, ăn nhiều và nhịn giỏi hơn người phía nam, do đặc điểm khí hậu phương bắc lạnh hơn dẫn đến nhu cầu tích lũy năng lượng cao. Thế mà du học sinh Bắc Hàn loắt choắt hơn hẳn các dhs Nam Hàn. Em nghĩ nguyên nhân duy nhất là khác biệt về khẩu phần dinh dưỡng.

Bác Candid so sánh chắc là chuẩn.Người VN mình thiếu dinh dưỡng triền miên từ thời Pháp thuộc cho đến sau Đổi mới vài năm. Quãng thời gian này đủ dài để làm suy yếu một dân tộc về thể chất và định hình thói quen ăn uống thiếu lành mạnh. Trong cái đói khổ ta tự giải thoát tinh thần bằng các thứ khoái khẩu, sướng cái lưỡi đã, có đâu bụng dạ chịu. Chả nhớ truyện ai viết em đọc hồi bé, có ông gì nghèo lắm, uống rượu mút đinh rỉ, sau tham gia chống giặc (Pháp thì phải)...

Hầu hết các bác VN du lịch sang bắt mạch bốc thuốc ở Đồng Nhân Đường (BK) đều bị bảo là yếu (hoặc hơi yếu) thận. Sáng sáng nhìn các anh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ dưới cầu vượt Thái Hà Chùa Bộc, toàn đứng chân nghiêm chân nghỉ, đôi mông vẹo vẹo, chứ không có dáng đứng thẳng tưng cần có của lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ, bất giác muốn đổ tại cái sự yếu thận, đấy là chưa tả cái bụng của một số anh chỉ huy :)).

10:44 Wednesday,24.6.2015

Đăng bởi:  Candid

gõ còm xong lỗi internet không hiểu có đi không nên lại gõ lại:

Qua tiếp xúc với các bạn Hàn, Nhật, Tàu thì thấy mặt bằng chung sức ăn của dân mình khá yếu. Suất ăn ít về lượng hoặc chất hơn so với các nước. Có thể do thế nên thể lực dân Việt nói chung là khá yếu. Có thể còn do thói quen sinh hoạt ít đi bộ, ít tập thể dục thể thao nữa. Em lấy mẫu so sánh từ bản thân và những người xung quanh thôi nên kết luận có thể không chính xác.



Đúng là em đi cỡ năm 96, lúc ấy phải kéo đồ qua Ải Nam Quan. Đúng là tít vào đất Tàu nên cũng có cảm giác sôi máu. :D

9:58 Wednesday,24.6.2015

Đăng bởi:  Bông lông xã ba la huyện

Bận vã nhưng ngứa mồm cũng chui vào. Khoảng năm 1994 bố cháu đi ngược từ Liên Xô về chưa mở lại tàu. Đi qua Mục nam quan bằng xe Minkhơ hai bên lau lách kinh khủng, chắc là gần chục cây số. Sau này lại đi qua thấy đồn Tàu lùi sang tận bên này, tim sôi máu.
Ở Tàu (giữa những năm 90) đi ăn cơm thấy có những em Tàu ngắm mình hỏi nọ kia (bố cháu pú tủng). Sau em thấy mình bưng mâm lấy ít món quá, trong khi em bé bằng nửa lấy nhiều gấp đôi. Các em đều lảng nghĩ thắng này hoặc nghèo, hoặc có bệnh hay sao mà kin khẩu ít thế.
Mấy em Nga (du lịt) thấy bọn cái bang Tàu quây (không sấn sổ như ăn mày rởm Việt Nam bây giờ) liền bảo: "(Mi tưởng) ở nhà tao bọn như mi ít lắm sao (Svoih chto li net?). Các em thất vọng khi thấy bố cháu cũng không dịch được (ở khách sạn bố cháu sủa tiếng Eng lít).

9:20 Wednesday,24.6.2015

Đăng bởi:  rieng&chung

Chắc 2 cô Tàu đấy cũng thuộc loại nữ hiệp ở TQ rồi bác Candid ạ : )).

Tàu liên vận HN-BK mở lại khoảng đầu năm 1995 hoặc 1996. Năm đấy em về ăn Tết vẫn chưa có, ăn Tết xong thấy bán vé bèn mua đi thử, quảng cáo là có 3 loại giường mềm, giường cứng và ghế mềm, nhưng thực tế chỉ có 1 loại giường mềm. Tàu xuất phát từ HN chỉ có 2-3 toa gì đó, tổng cộng khoẳng 80 giường, nhưng chỉ có ... 4 khách, một bác già chắc là người Việt, một cô du học sinh VN, một cô dhs Nhật. Tàu đến Đồng Đăng mình phải tự bê hành lí đổi sang tàu TQ, chạy sang Bằng Tường, rối đi tiếp lên Nam Ninh lại ghép toa với tàu "thống nhất" của họ để đi BK.

Đoạn từ Nam Ninh đến BK, cả toa chỉ còn mỗi em với cô Nhật Bản, cùng ăn trưa mới phát hiện ra người Nhật ăn cá hay ăn cả xương, nếu xương mềm mềm là họ ăn luôn, nhai tỉ mẩn có vẻ thanh thản lắm. Về sau tu tập ăn uống lại phát hiện thêm là người Nhật ăn được rau mùi nhưng người Hàn thì không.

Bác Candid xê dịch sang BK thế là rất sớm. Bác đi qua trường Thanh Hoa khả năng là trên đường tham quan Di Hòa Viên, hoặc Vạn lý trường thành :)

8:10 Wednesday,24.6.2015

Đăng bởi:  Candid

Em biết ĐH Thanh Hoa cũng là tình cờ vì năm xưa lúc mới mở lại tàu liên vận em làm chuyến qua Bắc Kinh chơi. Đi cùng cabin là một cô bé du học sinh, 2 cô người Tàu (1 bà chửa và 1 cô bé khoảng 14 tuổi). Em thì mù tịt tiếng Tàu may mà có cô du học sinh để nhờ thông dịch món ăn. Đến bữa ăn nhìn 2 cô Tàu kia ăn mà khiếp hãi. Mỗi cô 1 con vịt quay, xong lại chén 1 bát mì to oạch. Năm ấy sức ăn của em so với người Việt thuộc loại khoẻ mà ăn bát mì to như cái chậu còn thấy vất. :D

Trên tàu hỏi chuyện du học sinh thấy cô DHS khen các anh học ở Thanh Hoa lắm, bảo là học giỏi, thông minh, tương lai xán lạn... Sau đến BK em có đi ngang qua trường TH.

20:56 Tuesday,23.6.2015

Đăng bởi:  rieng&chung

Bác Candid, bác đi nhiều thấy nhiều (được uống nhiều loại rượu : )), chứ em chưa được đi đâu khác ngoài TQ. Món Hàn món Nhật cũng chỉ nếm thử tại BK thôi. Đúng là món Nhật ngon hơn và cũng phong phú hơn, nhưng cũng đắt hơn, nên em ít dám "bén mảng". Đôi khi cũng được các bạn du học sinh người Hàn, người Nhật nấu mời, vì tụi nó sống chung trong kí túc xá. Nhưng em cực dốt đường ăn uống, chẳng để ý thưởng thức gì lắm. Ngược lại, em cũng thi thoảng rán nem mời tụi nó, chẳng đứa nào nỡ chê thì phải, nên không tiến bộ được.

Bạn cùng phòng đầu tiên của em là một anh họa sĩ người Hàn, sang học tiếng Hán, hồi đấy khoảng 30 tuổi nhưng tóc dài quá vai, râu dài quá ti, đi giày khủng bố, làm thằng em sợ hết vía, đêm ngủ phải nhét con dao dưới gối phòng bất trắc (nhưng nhắm mắt lại, mở mắt ra trời đã sáng, chả có tí cảnh giác nào). Về sau chơi thân hơn, em nhờ ông ý giới thiệu người dạy Teakwondo tập cho biết "đặc sản" của Hàn ra sao. Ông ý bảo em, mày học giỏi vào, sau này làm to hoặc nhiều tiền thì ắt có vệ sĩ, cần gì học võ. Hồi đấy nghe thế chỉ cười thầm trong bụng là mấy ông Hàn này chả hiểu nhà nước XHCN gì cả, có phải tư sản các bác đâu mà vệ sĩ nọ kia. Ai ngờ bây giờ nghề vệ sĩ ở VN phát triển ầm ầm.

Dĩ nhiên là cái logic học giỏi - làm to/nhiều tiền của bác họa sĩ Hàn đó chả ứng với em vì cái tính lan man, học nhiều biết ít. Nhân tiện nói đến một khác biệt giữa VN với 3 nước Đông bắc Á (Hàn, Nhật, TQ) ở chỗ này: ở TQ hay Hàn, Nhật đều rất coi trọng giúp đỡ cất nhắc người học cùng trường và đặc biệt là cùng giáo sư hướng dẫn. Trong khi 2 sợi dây "huyết thống" và "đồng hương" ở VN cũng quan trọng như Trung-Hàn-Nhật, thì riêng sợi dây "đồng môn" của VN lại khá yếu so với 3 nước này. Em từng chứng kiến ông giáo sư tổ chức tọa đàm, đủ các loại đồng môn (làm khóa luận cử nhân, cao học, ncs, các loại tại chức...) ngồi nghe một cựu đồng môn trình bày báo cáo. Ông cựu đồng môn đấy đã làm đến phó TGĐ một tập đoàn to (chủ tịch tập đoàn hàm thứ trưởng). Sau phần thảo luận, đến phần trò chuyện, một đồng môn khác than thở vì công việc của vợ (làm trong hệ thống của tập đoàn nói trên nhưng ở địa phương) xa nhà quá. Trao đổi một lúc, ông phó TGĐ hứa luôn tao sẽ giải quyết điều động vợ mày cho gia đình đoàn tụ. Chuyện kiểu như thế, nghe các bạn Hàn nói ở Hàn cũng rất nhiều. Vì thế cựu sinh viên các trường đại học danh tiếng về sau thường hình thành nên những "nhóm lợi ích" rất mạnh, cái logic học giỏi - làm to/giàu cũng khả thi hơn.

Về đại học Thanh Hoa. Thú thật với bác Candid là hồi đấy em cứ đi học chứ chưa cả biết khái niệm xếp hạng đại học trên thế giới. Đến khi biết cũng chẳng dám tự hào gì với đám bạn VN vì tụi nó đi Úc đi Nhật toàn trường xếp hạng trên mình. Ân tượng duy nhất lúc mới vào trường là sv TQ phải 90% đeo kính cận, học rất "trâu bò" nhưng hoạt động văn hóa thể thao rất nhiều, thể lực cũng rất tốt. Trong trường Thanh Hoa có câu khẩu hiệu bằng bê tông đắp trên tường khán đài sân vận động (quay ra đường): "khỏe để xây dựng tổ quốc 50 năm", thảo nào các giáo sư tóc bạc trắng vẫn quần soóc đạp xe Vĩnh cửu đi làm (nhà ngay trong trường, trường rộng chừng 4 cây số vuông).

17:22 Tuesday,23.6.2015

Đăng bởi:  candid

Bác Rieng Chung học Thanh Hoa à? Hồi em sang Bắc Kinh mới biết trường nổi tiếng nằm trong Top 200 thế giới.

Em dễ ăn nên món Hàn ăn cũng được nhất là giờ em sống và làm việc ở khu vực toàn người Hàn, từ quán cafe, siêu thị, nhà hàng, cắt tóc... toàn biển hiện tiếng Hàn. Chui vào mấy quán Hàn, chủ người Hàn, bán cho người Hàn thì thấy hương vị khắc hẳn. Thế nhưng bảo món Hàn đặc sắc thì em không thấy thế. Cho chọn vẫn thích món Nhật, món Ý hơn. :D

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả