Văn & Chữ

Vườn lạ nhà ông Tư Sâm

  Ngạn ngữ đời nay có câu “Trẻ ra phố kiếm nhà, già về quê kiếm vườn” – nghe ra cũng chí lý. Nhưng với câu nói tưởng chừng như bâng quơ này, đâu phải ai cũng thực hiện được. Nhà ở phố nghe đã khó đi, mà vườn ở quê, sao cũng xa dịu […]

Ý kiến - Thảo luận

13:07 Wednesday,9.12.2015

Đăng bởi:  Tám Thơm

Cảm ơn Anh Nguyễn. Bài thơ "Cuộc đời" mà trong bài Anh Nguyễn dẫn hay lắm, trong đó có đoạn này:
"...
Rồi đôi ta nhìn nhau
Không có ai đánh mà lòng đau
Em mời ăn bánh ngọt
Nhắc củ khoai sùng mình lượm mót
Đường bánh tươm vàng mơ
Như nắng chiều xưa khoe màu tơ
Mới cầm tay chưa cắn
Mà sao nó đắng thôi là đắng!

Xin anh một nụ cười
- Cười là sao nhỉ ? Quên rồi !
Xin em chút nước mắt
- Mạch lệ em từ lâu đã tắt !
Hỏi nhau: buồn hay vui ?
- Biết đâu? Ta cùng hỏi cuộc đời."

Cả bài ở đây.
Trời ơi buồn quá, sao bao giờ người chết rồi ta cũng mới đọc thơ...

12:53 Wednesday,9.12.2015

Đăng bởi:  Anh Nguyễn

Hôm nay đọc được bài này trên page của nhạc sĩ Phạm Duy về nhà văn Trang Thế Hy, xin phép copy ra đây:

Xin mời cùng đọc bài viết "‘Quán bên đường’ của Trang Thế Hy và Phạm Duy" của tác giả Yên Khanh để hiểu thêm về một bài thơ đã được Phạm Duy soạn thành ca khúc.
"
(PL)- Sau khi biết được bài thơ đích thị của nhà văn Trang Thế Hy, Phạm Duy đã lặn lội về Bến Tre gặp để có đôi lời.

Vào những năm trước 1975, giới văn sĩ Sài Gòn nghêu ngao một ca khúc phổ thơ rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy, đó là bài Quán bên đường với ca từ bình dân, tươi tắn. Ngày xưa... ngày xửa... ngày xưa. Chiều mơ chiều nắng đẹp khoe màu tơ. Hai đứa mình còn trẻ thơ. Rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi thẩn thơ... Em cầm một củ khoai, ghé răng cạp vỏ rơi, xong rồi mình chia đôi. Khoai sùng này lượm mót, sao ngọt lại ngọt ghê!...

Khi bài hát phổ biến ngay lập tức nó được đông đảo người mộ nhạc yêu thích nhưng lại ít người biết rằng đó chính là ca khúc mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ Cuộc đời của nhà văn Trang Thế Hy.

Bài thơ nổi tiếng suốt những năm 1960

Trong giới văn chương Nam Bộ, cái tên thân mật chú Tư Sâm, tức nhà văn Trang Thế Hy dường như không xa lạ mặc dù từ rất lâu chú Tư Sâm ấy đã rời chốn văn chương lui về miệt vườn như một ẩn sĩ. Người yêu mến nhà văn Trang Thế Hy vẫn không quên và thôi tìm kiếm những tác phẩm mới của ông, bởi lẽ khi nhắc tới Trang Thế Hy người ta nghĩ ngay đến một nhà văn với lối viết trong sáng, đậm chất Nam Bộ cùng hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như Nắng đẹp miền quê ngoại, Mưa ấm, Người yêu và mùa thu, Vết thương thứ mười ba, Tiếng khóc và tiếng hát, Nợ nước mắt…

Ít ai biết rằng Trang Thế Hy cũng là một nhà thơ. Năm 2009 ông được NXB Trẻ tập hợp và ấn hành tập thơ Đắng và ngọt. Trong số những bài thơ ấy Trang Thế Hy từng nổi tiếng với bài thơ Cuộc đời được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bản nhạc Quán bên đường từng rất nổi tiếng.

Chia sẻ về bài thơ này, ông nói: “Cuộc đời sáng tác được 55 năm rồi nhưng khi đọc lại tôi vẫn thấy hình như mình vẫn đang ở cái tuổi đầu còn “Khét nắng hôi trâu thèm đi học”, như là mình đang cầm củ khoai sùng mót được và “cạp vỏ bằng răng rồi chia hai”. Bỗng nhiên ông đột ngột lặng im không nói rồi khe khẽ thốt lên: “Cuộc đời!””.

Còn cô nàng trong bài thơ ấy bây giờ thế nào? Lão nhà văn thở dài: “Cuộc đời mà! Làm sao biết hết! Có thể nàng ấy cũng đang lưu lạc trên bước đường mưu sinh nào đó… Và cũng có khi nàng ấy đã trở thành người thiên cổ”.

Tuy vậy nếu nói một cách công bằng thì ngay khi bài thơ Cuộc đời đăng trên tạp chí Vui Sống đã được rất nhiều bạn đọc thích thú. Bài thơ đã khá nổi tiếng từ những năm 1960 nhưng chỉ cho đến khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thì bài thơ thực sự như có thêm đôi cánh.

Nghi án xung quanh tác giả của Cuộc đời

Đến nay bài thơ Cuộc đời đã in trong tuyển tập của Trang Thế Hy. Tuy vậy có một thời gian dài trên nhiều diễn đàn đã xuất hiện không ít những bài viết cho rằng Cuộc đời không phải của Trang Thế Hy.

Theo đó, vào khoảng năm 1959, người chủ biên tuần báo Vui Sống (Sài Gòn) - nhà văn Bình Nguyên Lộc khi duyệt bài vở cho số tháng 9 có lấy bài thơ Đắng và ngọt đề tên tác giả là Minh Phẩm và đổi thành Cuộc đời bởi theo Bình Nguyên Lộc: “Cái vị của cuộc đời này nó đa dạng và phức hợp lắm chứ không đơn giản như sự nhu hiền đồng thuận tạo hài hòa hay ngạo mạn đương đầu gây đối nghịch giữa hai cái vị đắng và vị ngọt”. Chính lẽ đó Đắng và ngọt trở thành Cuộc đời. Phạm Duy lấy làm thích nên ông xin phép nhà văn Bình Nguyên Lộc phổ nhạc thành bài Quán bên đường. Nhưng chẳng biết vì lý do gì khi bản nhạc ra đời chỉ để nhạc Phạm Duy và phần lời: Khuyết danh.

Một số ấn phẩm nhạc khác sau này lại để tên nhạc Phạm Duy, thơ Bình Nguyên Lộc. Mặc dù trước đây và cả giai đoạn sau, trong các tác phẩm của Bình Nguyên Lộc không thấy nhắc gì đến bài thơ này. Còn khi ấy nhà văn Trang Thế Hy lại đang ở vùng kháng chiến!

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Trang Thế Hy sử dụng trên dưới gần 10 bút danh như Song Diệp, Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn, Minh Phẩm… Hơn nữa với bất cứ ai là người Nam Bộ sẽ thấy ca khúc Quán bên đường với ca từ rất đậm chất Nam Bộ, đúng chất của nhà văn Trang Thế Hy. Khi được hỏi tại sao lại dùng “Em bẹo hình hài rao lên bán”? vì với nghĩa này người miền Bắc hiểu là “véo”, đồng thời cũng mang nghĩa là “ngắt”. Nghe vậy Trang Thế Hy cười khoái chí. Theo ông, “bẹo” chính là phương ngữ của dân chợ nổi Nam Bộ. Nó là hình thức giới thiệu hàng hóa trực quan thông qua cây sào. Từ đó khách từ xa đã thấy màu sắc, hình dáng nó để có thể trao đổi, mua bán.

Sau lần đầu tiên nhạc sĩ Phạm Duy về nước (2005), ông được biết tác giả của Cuộc đời chính là nhà văn Trang Thế Hy. Nhạc sĩ đã lặn lội về tận Bến Tre tìm gặp để có đôi lời với nhà thơ. Trang Thế Hy kể: “So với bản gốc Cuộc đời thì Quán bên đường mặc dù nhạc sĩ Phạm Duy đã cố gắng lắm để giữ được ý thơ tôi nhưng sự mộc mạc, hồn nhiên đã thất thoát ít nhiều”. Khi hỏi ông có lấy làm buồn vì điều ấy thì ông bảo: “Từ thơ đến nhạc đã là khoảng cách rất xa. Tuy nhiên, nếu người nghe yêu Cuộc đời và yêu Quán bên đường đó đã là hạnh phúc của chính tôi. Huống chi ông Phạm Duy lại dành riêng cho thơ tôi sự ưu ái thế!”.

Nhắc lại những nghi vấn ban đầu rằng bài thơ không phải của ông, hay ngay cả khi bài thơ này giờ đã được biên soạn in trong tập thơ của ông nhưng người ta cũng chỉ biết Quán bên đường của Phạm Duy mà thôi”, Trang Thế Hy cười bỏm bẻm, nói: “Người ta nhầm lẫn cũng là phải bởi tôi sáng tác Cuộc đời lúc tôi đang ở chiến khu. Mà ở chiến khu làm sao lại viết thơ kiểu như “Nhắm mắt quay lưng chào sự thật” được chứ”.

Người tình chung thủy của văn chương

Mới đây nhân dịp mừng thọ nhà văn Trang Thế Hy tròn 90 tuổi, NXB Trẻ in liền một lúc bốn cuốn sách của cây bút Nam Bộ, trong đó có 13 bài thơ của Trang Thế Hy được hai dịch giả Nguyễn Bá Chung và Martha Collins dịch sang tiếng Anh, còn 11 bài thơ của Rabindranath Tagore được Trang Thế Hy dịch sang tiếng Việt.

Cuộc đời nhà văn Trang Thế Hy chủ yếu viết truyện ngắn. Đâu đó hơn 50 truyện, một số bút ký, thơ dịch và tập thơ mỏng vỏn vẹn 13 bài như trên. Song các sáng tác đều chứng tỏ ông là người kiệm chữ, sâu sắc. Ông luôn chọn cho mình một ngôn ngữ riêng, gần gũi với người đọc và đậm chất Nam Bộ.

Trước khi đến với nghề cầm bút Trang Thế Hy làm đủ việc. Từ thời chống Pháp dù làm ở Ty Thông tin tuyên truyền nhưng khi đó ông cũng chỉ mới học viết gọi là. Sau 1954, được phân công ở lại, phải làm nhiều nghề vừa kiếm sống vừa có vỏ bọc hợp pháp để hoạt động cách mạng. Nào là đi phụ xe, soát vé xe đò, đến giữ kho, làm thư ký cho hãng buôn, làm kế toán, dạy học hay sửa bản in cho các báo…, tất cả chẳng có nghề nào là ổn định.

Năm 1962, Trang Thế Hy bị cầm tù. Nhưng cũng nhờ đó mà ông có tác phẩm khá vui là Anh Thơm râu rồng đạt Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam (1960-1965). Năm 1994, ông được Hội Nhà văn Việt Nam tặng thưởng với tập truyện ngắn Tiếng khóc và tiếng hát. Năm 2001 là tặng thưởng giải A của Liên hiệp Hội văn nghệ toàn quốc cho tập truyện Nợ nước mắt. Thế nhưng khi bạn văn gán cho ông cụm từ “người xả thân với văn chương” thì ông phản bác liền. Ông bảo: “Nếu ví văn chương là một người đẹp thì tôi là người tình chung thủy nhưng hờ hững, thiếu đam mê”. Thế nên ngay khi thấy mình hết đam mê ông đã lặng lẽ rời Sài Gòn trở về Bến Tre sinh sống mà theo như ông tự trào rằng “đi chỗ khác chơi”.

Năm nay, Trang Thế Hy đã ngoài 90 tuổi, tự nhận mình là “ông già héo queo như cây kiểng còi” giờ có chi để mà phỏng vấn viết bài nữa. Bạn bè vẫn nói ông yếu lắm, đi thật chậm, nếu muốn gọi điện thoại thăm ông thì kiên nhẫn đợi. Lần thứ nhất chuông đổ, lần thứ hai đổ chuông rồi thì ông cũng bắt máy. Giọng ông khẽ như gió thoảng, xa xăm, rời rạc, đứt quãng... nhưng vẫn cái chất Nam Bộ ấy: Hóm hỉnh và gần gũi nhưng người nghe cứ tưởng ông đang ở một nơi nào xa lắm giữa cõi trần này.

YÊN KHANH

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả