Đi & Ở

Chính nguyệt, thướng Yên Tử sơn

 “Trăm năm trong cõi tu hành Chưa đến Yên Tử chưa thành quả tu” Hai câu trên được chạm lên bức hoành phi rất lớn, treo ngay chính giữa gian nhà xây kiểu truyền thống của ga cáp treo dưới chân núi ở Yên Tử. Theo logic học thì “đến Yên Tử” sẽ là điều […]

Ý kiến - Thảo luận

9:34 Wednesday,6.4.2016

Đăng bởi:  Candid

Bổ sung thêm bài của bác Đặng Thái về chữ Điều Ngự trong các tên để gọi của Phật.

9:31 Wednesday,6.4.2016

Đăng bởi:  Candid

@Đặng Thái: bác NMH có khi có ý hỏi vị được gọi là Bồ Tát sau Hoà thượng Thích Quảng Đức cơ. Mà cái này thì lại gây tranh cãi lắm.

9:24 Wednesday,6.4.2016

Đăng bởi:  Đặng Thái

Bác rieng&chung: Kháng chiến nhất quyết thành công!

Bác NMH: Về Trần Nhân Tông, trong sách Tam Tổ Thực Lục đời Trần có chép:
"Một hôm ngủ trưa tại chùa Tư Phúc trong đại nội vua mộng thấy trên rốn mình nở ra một hoa sen lớn như bánh xe, trên đó có một đức Phật vàng. Bên cạnh, có người chỉ vào vua mà hỏi: Biết đức Phật này không? Ðó là đức Biến Chiếu Tôn đấy! Vua tỉnh thức, đem giấc mộng nói lại cho Thánh Tông nghe, ai cũng lấy làm lạ. Từ đó thường ăn chay tránh thịt cá, long nhan gầy mòn. Thánh Tông thấy thế làm lạ, hỏi. Ðiều Ngự (tức Nhân Tông) cứ thực trình bày. Thánh Tông khóc nói: Ta đã già, cậy vào một mình ngươi, nếu người như thế làm sao nối được thịnh nghiệp của tổ tông? Ðiều Ngự cũng khóc."

Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ giải nghĩa trong sách Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải 1996:
"Để kết thúc tiểu sử của Sơ Tổ Trúc Lâm, chúng tôi muốn nhắc đến tôn hiệu Điều Ngự Giác Hoàng của Ngài. Tên Điều Ngự không phải do Ngài tự xưng, mà chính vua Thánh Tông đặt cho khi Ngài thuật lại điềm mộng. Ngài thấy từ rún mọc lên hoa sen, trên hoa có đức Phật tên là Biến Chiếu, nên vua cha đặt tên cho Ngài là Điều Ngự, tức là Phật. Giác Hoàng là ông vua giác ngộ đi tu, cũng như đức Phật khi xưa ở Ấn Độ là một Thái tử sắp lên ngôi vua, rồi giác ngộ đi tu."

Một số tài liệu hiện đại ví dụ "Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải" như trên hay "Việt Nam Phật Giáo Sử Lược" của Hòa thượng Mật Thể ghi:
"Vua Anh Tông cùng đình thần đem long giá rước ngọc cốt về an thổ ở Đức Lăng và xây tháp ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, lấy tên là "Huệ Quang Kim Tháp" và dâng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật". Tuy nhiên danh hiệu "...Tổ Phật" này không có ghi lại ở các thư tịch cổ. Vì vậy chỉ có để đoán rằng "Phật" là do người đời sau xưng tụng, không rõ là ngay từ đời Anh Tông hay là mãi đến thời hiện đại.

Ngày nay, các đệ tử của Thiền Phái Trúc Lâm vẫn thường tụng:
"Nam Mô Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật tác đại chứng minh" hoặc "Nam Mô Trúc Lâm Sơ Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Tổ Sư Tác Đại Chứng minh"

Còn danh hiệu Bồ Tát của Hòa thượng Thích Quảng Đức là do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tôn xưng ở miền Nam trước năm 1975 và được Giáo hội Phật Giáo Việt Nam công nhận sau ngày Thống Nhất

0:03 Wednesday,6.4.2016

Đăng bởi:  rieng&chung

Cảm ơn bác Đặng Thái bổ sung thêm câu chuyện thú vị về rác. Hoá ra cuộc chiến đang đến hồi quyết liệt, và đã dài hơn cuộc kháng chiến chống Pháp của Đảng ta.

Đọc câu khẩu hiệu nói không với rác mà suýt phì cười. Nhưng đọng lại cái gì đó cười không nổi. Gói chùa Đồng vào với rác trong một câu khẩu hiệu, quyết liệt đến thế là cùng...
Nhưng đang kháng chiến mà, mong sớm thành công : ))

21:27 Sunday,3.4.2016

Đăng bởi:  Candid

Vị Phật mà Bác NMH hỏi có lẽ là Phật hoàng Trần Nhân Tông? Em nhớ là cụ chỉ xưng là Hương Vân Đại Đầu Đà nên danh hiệu Phật Hoàng có lẽ là sau này hậu thế tôn xưng thế. Nhưng em nhớ không nhầm thì Thiền Tông có câu "kiến tánh thành Phật" chắc hẳn cụ cũng đã được ấn chứng trực chỉ chân tâm rồi nhưng bất lập văn tự giờ cũng chả kiếm lại được.

13:51 Sunday,3.4.2016

Đăng bởi:  NMH

Các chú bác cho em cháu hỏi về cái ý liên quan đến "sự công nhận độ linh thiêng" tí. Mấy năm nay là cứ tin liên tục 1 cụ (gần gần) là Bồ Tát, 1 cụ (xưa lắm) là Phật (có trong bài) thì 2 danh hiệu này do ai tôn xưng và công nhận.

12:45 Sunday,3.4.2016

Đăng bởi:  Candid

Em có 2 lần đi Yên Tử nhưng chưa đến chùa Đồng. Một lần đi vào mùa hè không có người thăm quan mấy nên ngắm rất thích. Lần 2 đi cáp treo thì chỉ đủ kiên nhẫn chờ một chặng rồi leo xuống. Mấy lần rủ bạn bè đi chơi mùa hè để leo lên chùa Đồng mà mọi người nhìn mình như thằng dở hơi nên vẫn chưa có duyên lên xem tượng An Kì Sinh và chùa Đồng.

12:13 Sunday,3.4.2016

Đăng bởi:  Đặng Thái

Báo cáo bác rieng&chung,
Hôm em đi đông người quá, chỉ mải chen nhau nên chưa nhìn được là trên đỉnh núi có rác hay không. Nhưng phía sau chùa Đồng hiện nay thì đã giăng lưới cao hơn đầu người hết cả nên đằng ấy không thấy rác.
Còn đằng trước em nghĩ người ta cũng không vứt rác ra đất đâu, mà có lẽ đã cho vào lò hóa sớ cả.

Bác nói chuyện rác làm em lại nhớ đến mấy chi tiết định đưa vào bài mà quên mất. Lúc qua chùa Hoa Yên thấy sư thầy có đọc trên loa phát thanh nhắc nhở mọi người vứt rác đúng nơi quy định. Và khu vực này có treo nhiều khẩu hiệu: "Đường lên chùa Đồng, nói không với rác". Lúc đầu em nghĩ là không ai thèm đọc nhưng mà sau thấy có một bạn thanh niên nói điện thoại rất to: "Mày đi đến đâu rồi? Cả lũ đang đứng ở chỗ đường lên chùa Đồng, nói không với rác đây này".

Đoạn gần đến Vân Tiêu đang đứng ngắm cảnh hiu hiu gió mát trên lưng chừng núi thì có một đôi trai gái đến ngồi nghỉ. Cô kia đứng gặm ngô ngay cạnh cái sọt rác tre đan đặt sẵn ven đường. Ăn xong, cô thẳng tay đáp đánh vèo xuống vực cái lõi ngô, bay vút qua đầu anh bạn trai đang ngồi xổm. Anh bạn quay lại cáu: "Cái sọt rác ngay ở đằng sau em kia kìa!". Cô này cũng hơi ngượng: "Ơ, em không để ý". Qua đó thấy rằng:
1. Công ty quản lý đã có đặt khá nhiều thùng rác ven đường.
2. Người dân đã bắt đầu có ý thức hơn (chút xíu).
Lúc sau thì có một cô nữa cầm cái bao tải đi lục các thùng rác, nhưng hình như chỉ nhặt chai nhựa.

5:41 Sunday,3.4.2016

Đăng bởi:  rieng&chung

Cảm ơn bác Đặng Thái, đọc bác mới thấy bản thân đi Yên Tử đã bỏ qua nhiều thứ.

Và đúng là có "phát triển" bác ạ. Hồi em đi, chục năm trước, mới có cáp treo (xếp hàng rất rất lâu mới vào được để đi xuống), chưa có bức tượng to, chùa Đồng cũ (chưa thay), và em nhớ là không có cột chỉ đường như trong ảnh.

Còn một chi tiết em rất ấn tượng, không thấy bác phản ánh, có lẽ tình hình đã được cải thiện chăng, đó là đỉnh Yên Tử (chỗ chùa Đồng) rất nhiều rác kiểu vỏ trái cây, túi nilon, chai lọ rỗng, giấy gói các loại v.v... Nhất là chịu khó nhìn xuống xung quanh mỏm đá, rác bị "phi tang" xuống và mắc lại rất nhiều. Có lẽ không ai đủ trình độ khinh công nhảy xuống mà dọn. Vỏ trái cây còn hi vọng bổ sung dưỡng chất cho ...đá, chứ túi nilon xanh đỏ thì phản cảm vô cùng.

Về sau có duyên gặp hòa thượng Thích Thanh Quyết (trụ trì khu di tích Yên Tử), có than thở về vụ rác. Không biết ngài có biện pháp gì không.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả