Văn & Chữ

Tìm lời giải của chữ trên hoành phi

Cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyễn có đôi vế đối trong đấy có câu: Người nước Nam, / hỏi tiếng Tây chẳng biết tiếng Tây, / hỏi tiếng Tàu chẳng biết tiếng Tàu, / cho nên phải “minh tiên vương chi đạo dĩ đạo” Nghĩ lại cũng thấy đúng, nhân dịp về quê Tết […]

Ý kiến - Thảo luận

5:17 Saturday,9.4.2016

Đăng bởi:  Trung

Câu đầu là "ti ti di di" ạ. Tra từ điển hanviet.org thì được như sau:
"Luận Ngữ 論語: Bằng hữu thiết thiết ti ti, huynh đệ di di 朋友切切偲偲, 兄弟怡怡 (Tử Lộ 子路) Bạn bè thì thì thiết tha khuyên nhủ nhau, anh em thì hòa vui với nhau."
Có lẽ "ti ti di di" là lấy từ câu đấy.

12:27 Wednesday,6.4.2016

Đăng bởi:  P.B

Bạn xem trong họ có ông nào tên Huy không, câu "Sở tại sinh huy" cũng có thể là: "Sở tại sinh Huy" (nơi này sinh ra Huy). Nhiều khi rất là đơn giản. Biết đâu chính ông cho chữ tên Huy, kiểu, "Nơi đây Huy đã ghé qua".

11:56 Wednesday,6.4.2016

Đăng bởi:  Nga

Câu thứ 2 thì chắc đại ý là mong muốn (?) về phúc đức hay công danh rạng rỡ cho nơi ở (sở tại). Chữ sinh huy không phải nói về phúc đức công danh một cách cụ thể nhưng em đoán chỉ có nghĩa như vậy thôi.

11:45 Wednesday,6.4.2016

Đăng bởi:  Nga

Câu ở bức hoành đầu tiên lấy từ Luận Ngữ của Khổng Tử: 4 chữ đó là ti ti di di - đại ý là anh em trong nhà khuyên bảo lẫn nhau, sống vui vẻ hòa thuận.

6:20 Wednesday,6.4.2016

Đăng bởi:  N.P

Vâng, nhà được hoàn thành năm 1951. Nghe nói thời ấy phải nuôi thợ trong nhà cả năm. Do làm bằng gỗ lim nên rất chắc chắn. Bom và đạn máy bay của Pháp cũng chỉ thủng cửa và ảnh hưởng tí ti. Cũng vì mấy ngôi nhà này nên sau này cảu cách ruộng đất được ưu ái thành phần địa chủ, các cụ không được đi học ĐH do lý lịch.

23:43 Tuesday,5.4.2016

Đăng bởi:  rieng&chung

Bác N.P
Cảm ơn bác chia sẻ hình ảnh và câu chuyện. Nhờ bác đưa ra mà em sưu tầm được đường link quý từ bác Khách ghé xem (Đa tạ bác Khách ghé xem!) theo link này, chữ sở trên hoành phi quê bác dường như có gốc từ nước Tấn. Vậy khi truyền sang VN đã là vài ngàn năm sau, nó không còn là chuyện phạm huý nữa chăng. Tuy nhiên nếu có điều kiện thì phải xem vua Minh Mạng viết chữ sở nào ở các văn bản khác, may ra đoán thêm được ít nhiều lí do.

Câu chuyện dị thể của chữ chắc là đa dạng, gắn với chiều dài lịch sử nhiều ngàn năm và không gian địa lý "đồng văn" về Hán tự trải rộng nhiều quốc gia. Có thời gian tìm hiểu chắc cũng thú vị.

Ngoài chuyện chữ Sở, em tò mò muốn hỏi bác N.P 1 câu: Có phải mấy căn nhà này xây khoảng cuối thời Pháp thuộc đến thời đầu 1950, trước cải tạo công thương? Nói chung thời Pháp thuộc thì "Hán học" ở ta đã xuống dốc không phanh. Còn Tây học chắc cũng chỉ có thực chất trong một nhóm nhỏ tinh hoa của xã hội. Nhưng chắc hẳn lúc này xã hội coi trọng người làm kinh doanh hơn trước, nên chắc không còn các ông đồ như cụ Nguyễn Khuyến, hoặc "đang tâm" lỡm những người xin chữ.

14:27 Tuesday,5.4.2016

Đăng bởi:  N.P

Báo cáo bác LC, vốn bức Hoành phi đều sơn son thếp vàng như bác thấy ở bức "Sở tại sinh huy". Có điều vài năm trước các cụ về quê thấy nhà cửa không ai ở xuống cấp nên sửa sang lại, gọi thợ vườn vào họ quét sơn nhoe nhoét cả hoành phi câu đối. Bức Ti ti di di thì sơn đen xì, mấy câu đối còn sơn nippon vàng khè ra cơ, em không dám chụp. Con cháu ý kiến thì bị các cụ chửi là chúng mày có ở đâu mà có ý kiến.

12:20 Tuesday,5.4.2016

Đăng bởi:  LC

Em dốt đặc cán táu, nhưng cũng rất thường nói leo. Xin dịch thế này , để nghe cho hay thôi, chả đúng nghĩa lắm. Vậy các cụ thể tất cho...
" Vinh thân phì gia"
Và cho em hỏi gia chủ : cả bức đại tự sơn then đen à? Không thếp thêm vàng cho sáng, vàng dắt vào các kẽ chạm ấy, chứ đừng vàng trần đều đặn choáng lộn lên. Tính em quả còn trọc lắm lắm.

6:17 Tuesday,5.4.2016

Đăng bởi:  N.P

Cám ơn các bác.

Bác Riêng&chung: em không biết chữ Hán nhưng nhìn bức hoành phi vua Ban cho ngôi đình nhìn thấy đẹp mắt, bay bướm, còn bức hoành phi ở quê em thì nhìn chữ trông cục mịch. Trước em có đọc cuốn Lều chõng có nói đến việc viết chữ phải biến đổi vì phạm huý. Liệu có phải vì huý nên dùng chữ sở lạ mắt? Mà nếu vua còn sợ phạm huý thì cũng lạ.

Em có search thấy một bài nói về việc xin chữ đầu năm người ta cũng nói đến cụm từ "sở tại sinh huy" có lẽ nào vì vua đã ban cho 4 chữ này, mọi người cứ thế sao chép về treo mà không cần biết nghĩa?

Em nhớ tới chuyện trong cuốn "Daghestan của tôi", một nhà văn thuê thợ thủ công khắc chữ "cây gậy thay cho sự phê bình" để tặng nhà văn khác. Ông thợ mù chữ nghĩ bụng ông nhà văn đã phải cho khắc câu này lên gậy ắt phải ý nghĩa lắm, thế là ông thợ khắc lên hàng loạt gậy bán cho du khách. Ông nhà văn sau này quay lại mới ngã ngửa ra.

Cám ơn các bác đã giải thích, em đã hiểu câu hoành phi treo ở nhà. Em mù chữ Hán cũng như các cụ em, chỉ sợ các cụ đồ các cụ ý lỡm gì như cụ Nguyễn Khuyến mà không biết. :D

1:52 Tuesday,5.4.2016

Đăng bởi:  Ying Su

1. (Động) "Ti ti" 偲偲 khuyến khích răn bảo lẫn nhau. ◇Luận Ngữ 論語: "Bằng hữu thiết thiết ti ti, huynh đệ di di" 朋友切切偲偲, 兄弟怡怡 (Tử Lộ 子路) Bạn bè thì thiết tha khuyên nhủ nhau, anh em thì hoà vui với nhau.
Từ điển hán việt http://hvdic.thivien.net
Bốn chữ trên hoành phi được rút ra từ câu luận ngữ trên.

0:04 Tuesday,5.4.2016

Đăng bởi:  khách ghé xem

đúng là chữ sở, một dị dạng, xem
http://140.111.1.40/yitia/fra/fra01490.htm

22:47 Monday,4.4.2016

Đăng bởi:  giáo nghèo

Dịch là "Chỗ này phát sáng" thì đúng nhưng đúng theo nghĩa đen, chữ "huy" (輝) ở đây còn có nghĩa là sự vinh quang, huy hoàng nên ý hoành phi theo tôi nên là "nơi đây sinh ra quang vinh" thì chính xác hơn.

22:37 Monday,4.4.2016

Đăng bởi:  rieng&chung

Bác N.P

Liên quan hoành phi câu đối có nhiều kiến thức, bao gồm cả thư pháp, nhưng đều không phải là sở học của em, nên cũng phải lọ mọ tra cứu, biết gì nói nấy thôi ạ.

Về nghĩa các bức hoành phi trong ảnh, trên mạng đều có đề cập và như mọi người đã thảo luận, có lẽ không cần bàn thêm nữa.

Về chữ Sở, đó là một "dị bản" về chữ Sở, viết là 㪽, vẫn đọc là Sở, bính âm cũng là suo. Tuy nhiên em cũng chưa tìm hiểu được vì sao có chữ này, vì sao vua Minh Mạng dùng chữ này.

Về cách viết chữ Sở trên hoành phi (được cấu tạo bởi 3 chữ Nhất, Nhật và Cân). Nét nhất thì không phải bàn, nhưng chữ Nhật (日) và chữ Cân (斤) được viết "thoát", nhất là chữ Cân.
Ở bản của vua Minh Mạng, chữ Sở viết tương đối hài hòa, tổng thể vẫn khuôn phép ngay ngắn, chính phụ rõ ràng, trôi chảy. Nhưng ở bản chữ Sở ở quê bác, chữ Nhật có lẽ hơi dụng công quá mức, các nét được "tách biệt", "nhô ra" và hầu như không song song. Còn chữ Cân thì nét rất dày và chiếm tỉ lệ hơi lớn quá (áp đảo) chữ Nhật. Trong khi đó chữ Nhất ở trên có vẻ vừa ngắn quá vừa dốc quá. Tổng thể chữ này rất là ... cá tính.
Sorry bác vì hơi sa đà sang vấn đề thư pháp, mà lại còn dám bình luận đẹp xấu nọ kia.

21:14 Monday,4.4.2016

Đăng bởi:  N.P

http://baothuathienhue.vn/tham-van-xa-que-ngoai-vua-minh-mang-a2387.html

Em thấy chữ Sở trong tấm hình ở đền này hình như cũng có chữ nhất ở trên. Họ dịch là "Chỗ này phát sáng" có đúng không bác?

Cám ơn các bác đã giúp.

20:35 Monday,4.4.2016

Đăng bởi:  giáo nghèo

Nhìn hình thì tôi thấy ba chữ sau đúng là "tại sinh huy" nhưng chữ đầu tôi lại không chắc có phải là chữ "sở" không. Nét chữ đầu trông rất lạ, có nét "nhất" trên cùng, còn chữ "sở" (所) nét viết khác, đây là một link các cách viết chữ "sở" (https://en.wiktionary.org/wiki/%E6%89%80#Alternative_forms)
nhìn không giống với chữ trên hoành phi. 
Có thể nào các cụ dùng chữ Nôm chứ không phải chữ Hán ở đây vì tra cứu sẽ thấy không có chữ Hán nào viết như vậy cả. Nếu thế thì tôi xin bó tay vì không biết chữ Nôm.
Nhưng nếu đúng là chữ "sở" (hoặc là chữ Nôm hoặc... viết lộn) thì nghĩa chính xác như Phúc Bồ nói rồi, nghĩa là "Ở đây sinh huy hoàng".

17:08 Monday,4.4.2016

Đăng bởi:  N.P

Em vừa nhờ Soi đăng lên, bác Giáo xem thử. Em cũng vừa Gúc như bác Phúc Bồ bảo thì cũng thấy kết quả tương tự. Em cũng thấy nghi ngờ vì tại sao treo trong nhà một câu chả liên quan gì đến gia đình. Có lẽ nào các cụ không biết chữ, đi xin chữ được chữ gì thì treo chữ đấy?

16:49 Monday,4.4.2016

Đăng bởi:  Phúc Bồ

Mình chữ Hán bẻ đôi chữ Nhất chỉ biết ra chữ Nhị, gõ "sở tại sinh huy" như N.P đã nói ra nghĩa của 4 chữ mà vua Minh Mạng tặng đình làng Văn Xá: "Nơi đây sinh huy hoàng", "Chỗ này phát tướng".

16:45 Monday,4.4.2016

Đăng bởi:  Tran Viet Phuong

Câu này theo từ điển Hán Việt thì trích trong Luận Ngữ (http://hanviet.org/)

○ (Động) Ti ti 偲偲 khuyến khích răn bảo lẫn nhau. ◇Luận Ngữ 論語: Bằng hữu thiết thiết ti ti, huynh đệ di di 朋友切切偲偲, 兄弟怡怡 (Tử Lộ 子路) Bạn bè thì thì thiết tha khuyên nhủ nhau, anh em thì hòa vui với nhau.

16:20 Monday,4.4.2016

Đăng bởi:  ABC

Nếu mình không nhầm thì hoành phi phải đọc từ phải sang trái, cho nên phải đọc là "ti ti di di".

15:57 Monday,4.4.2016

Đăng bởi:  giáo nghèo

Tiếng Hán Việt nhiều từ đồng âm khác nghĩa lắm nên tôi không chắc 4 chữ "Sở tại sinh huy" trong tiếng Hoa chính xác là chữ gì. Nếu có hình của bức hoành phi thì sẽ dễ tra cứu hơn.

15:31 Monday,4.4.2016

Đăng bởi:  N.P

Nhanh quá, cám ơn bác Giáo.

Đầu đuôi là các cụ ở quê ngày xưa có nghề đi buôn dư giả tiền bạc mới dựng ra được 3 ngôi nhà gỗ lim khá đẹp cho 3 ông con. Trong nhà của ông trưởng có một bức hoành phi em nhờ được người đọc có 4 chữ: "Sở tại sinh huy". Nhà ông thứ thì bức hoành phi này. Một bức nữa thì thất lạc. Không hiểu nội dung có liên quan đến nhau không bác Giáo?

15:23 Monday,4.4.2016

Đăng bởi:  giáo nghèo

Bốn chữ này tiếng Hán Việt là "Ty ty di di". Từng chữ riêng thì "di" nghĩa là vui vẻ, hòa nhã, "ty" nghĩa là "có tài năng".
Nhưng khi tra cứu thêm thì tôi mới biết đây những chữ trích từ chương "Tử Lộ" trong "Luận Ngữ" của Khổng Tử. Cả câu là "朋友切切偲偲,兄弟怡怡" (Bằng hữu thiết thiết ty ty, huynh đệ di di). Câu trên ý dạy rằng bạn bè nên biết hỗ trợ, cổ vũ, phê bình lẫn nhau, còn anh em thì nên hòa hợp nhau."
Nên có lẽ các cụ dùng chữ của Khổng Tử để khuyên nhủ con cháu sống đùm bọc, vui vẻ chăng.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả