Ăn uống

Sao không nâng món ăn Việt lên thành nghệ thuật?

Đây là trao đổi của các bạn trong phần thảo luận của bài “Truyền thống không ăn cá hồi sống của người Nhật” . Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ theo dõi nhé. SON VU Tôi thấy nói về ẩm thực, thì ẩm thực Việt Nam là nhất, không phải mình […]

Ý kiến - Thảo luận

15:24 Monday,10.9.2018

Đăng bởi:  Khuyên

Mình thì rất khoái món nhật đặc biệt là món thịt bò Nhật bản nướng. Xem cái clip này không thèm thì cũng rớt nước miếng.

13:55 Sunday,8.10.2017

Đăng bởi:  Tường thế tuấn


Chị ơi cho em hỏi có bài nào chỉ làm cơm tấm sườn bì chả không nhỉ?

10:19 Wednesday,6.7.2016

Đăng bởi:  Hoàng Trần

Theo bản thân tôi, đặc sắc của ẩm thực Việt Nam không thể không kể đến phần nước chấm. Tôi không đi nhiều nước và không được ăn nhiều món của các nước lắm nên không biết thế nào nhưng nước chấm của ẩm thực Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú! Riêng về nước mắm thì có nước mắm trắng, nước mắm ớt, nước mắm tỏi ớt, nước mắm gừng, nước mắm chanh (giấm).... Chưa kể món gì phải có nước chấm riêng như bún đậu (thịt chó) mắm tôm, vịt chấm mắm gừng, gà chấm muối tiêu chanh, mèo có tương bần, rau chấm mắm ruốc hoặc mắm đậu chưa kể còn có nước tương, muối ớt, dầu hào, chao..... Vậy nên, món Việt ngon và còn đặc sắc, cần phải được truyền bá rộng rãi trên thế giới để mọi người có cơ hội được may mắn ăn món ăn Việt như chúng ta!(*_*)

23:01 Thursday,26.5.2016

Đăng bởi:  Trần Bảo Trân

Có bạn dẫn " ăn Bắc, mặc Nam" hình như không đúng ngữ cảnh thì phải?!

14:39 Monday,23.5.2016

Đăng bởi:  Nguyễn Xuân Thái

Bác Tùng nhận xét quá sâu sắc và tổng quát, khiến cho em nhụt chí và thêm bi quan với viễn cảnh Michellin cho món Việt mình.

11:22 Monday,23.5.2016

Đăng bởi:  Le

Lê thấy bạn SONVU có comment này hơi lạ

"ẩm thực Việt Nam là nhất, không phải mình là người Việt Nam mà vỗ ngực tự khen, nhưng thật sự bản thân tôi đã được đến các nước sau đây (chứ không phải thưởng thức theo kiểu ngồi nhà và ra quán) và thưởng thức các món ăn của họ, từ Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Ý, Đức (hơi bị chán), Tàu (anh này lúc nào cũng vỗ ngực xưng tên, nhưng thực sự chỉ được một vài món, còn lại rất nhiều dầu, hoặc gia vị thuốc bắc khó nuốt). Nhật, Hàn thì chủ yếu là cá và rau, củ quả muối."

vấn đề bạn thích và không thích thì thỏa mái đi... nhưng vì tôi thấy chán (Ý Đức Tàu vv...) và tôi thấy nhất (món ăn Việt) suy ra người khác (anh tây) cũng vậy thì có lẽ bạn là trung tâm của thế giới mất rồi...

Tôi lại nhớ lại 20 năm trước có mấy chuyện làm quà thế này:

1. anh chị nào đi nước ngoài lần đâu luôn cầu cửa miệng, không ăn được, không nuốt nổi, phải ăn mỳ tôm mang từ VN đi...

2. Khách tây đến, luôn hỏi câu mày thấy thức ăn VN có ngon không? con gái VN đẹp không... 100% khen có có, vậy là lấy làm hoan hỉ

Ô hay, vậy thế giới người ta ăn rơm, ở với khỉ ạ?

9:43 Sunday,22.5.2016

Đăng bởi:  cứ từ từ

Hàng chục năm định cư ở "thiên triều" (tung của) cho mình một ám ảnh thảm đạm về ẩm thực trung hoa. 5000 năm lịch sử, hàng tỷ cái đầu suốt nghìn năm sôi sục việc kiếm ăn, vậy mà cái ăn cái uống của cái đất dưới chân "thiên tử" lại khá nghèo. Đi khắp cả đại lục mà đâu đâu cũng hao hao một hương vị, gia vị nghèo nàn, phương pháp chế biến cũng nghèo nàn, không biết giai cấp thượng tầng ngày xưa ăn uống cầu kỳ ra sao nhưng tầng lớp bình dân mà ăn uống như vầy thì thua Việt nam xa quá. Chả trách dân Trung Quốc sang Việt Nam du lịch trước hết là để ăn

9:38 Sunday,22.5.2016

Đăng bởi:  Peace

Hoàn toàn đồng ý với bác Phó Đức Tùng. Đồ ăn Việt Nam ngon theo kiểu món ăn bình dân, cách chế biến không quá cầu kỳ và tinh tế. Món ăn Việt Nam khó bày biện đẹp như đồ Âu, đồ Nhật. Thành ra nâng tầm cũng khó. Mọi người nói món ăn VN ngon nhất thế giới chắc do ăn quen từ bé nên thấy thế. Em cũng người Việt Nam rặt nhưng lại thấy đồ Âu ngon hơn :(.

8:31 Sunday,22.5.2016

Đăng bởi:  pho duc tung

Bổ sung một chút nhé
Riêng ở trong cấp 1, tức là nấu những món ăn dân dã, kết hợp các nguyên liệu tự nhiên, về cơ bản có 4 dòng chính cho kỹ thuật chế biến:

Dòng thứ nhất là để tươi, ăn sống hoàn toàn. Cái này giữ được nguyên vẹn nhất mùi vị, chất lượng của thực phẩm, nhưng có rất nhiều vấn đề, thứ nhất là vệ sinh, an toàn, thứ hai là về cơ bản, nguyên liệu thịt cá sống, thậm chí rau sống khó mà ăn được. Vậy mà làm thế nào để người ta chấp nhận ăn đồ sống mà còn thưởng thức được nó, thì từ khâu chọn vật liệu, xử lý vật liệu, bày biện, kết hợp đồ chấm, đồ uống v.v. phải vô cùng độc đáo. Về cái này, không ai qua mắt được Nhật trong việc ăn sống hải sản. Ý thì có các loại salat, ăn sống thịt, rau quả rất tinh vi. Ở ta cũng có một số món gỏi, nhưng về cơ bản đều phải dùng chanh, thính v.v. làm biến chất thực phẩm, cho chín đi một phần. Về hình thức thì cơ bản là thái nhỏ, trộn be bét, rồi cuốn vào cái gì lùm xùm đủ thứ cho khuất mắt trông coi. Rau sống của ta thì chỉ là ăn kèm, không thành được món. Và nói chung tất cả các món gỏi, rau sống đều không đảm bảo an toàn, do nguyên liệu không đủ độ tinh lọc.

Dòng thứ hai là ninh lâu, lửa nhỏ. Dòng này đòi hỏi phải hiểu rất rõ sự biến đổi hoá học của thực phẩm, sự kết hợp giữa các thành phần. Làm sao để sau quá trình đun nấu, chất lượng thực phẩm còn cao hơn ban đầu. Trong quá trình nấu, lửa khi to khi nhỏ, vật liệu thì cái cho vào trước, cái cho vào sau. Rồi khâu chuẩn bị vật liệu, treo thịt, ướp tẩm v.v. vô cùng phức tạp. Chỉ cần sai một chút là món ăn sẽ không ra gì. Để có thể điều chỉnh nhiệt, hai phương pháp chủ yếu là dùng lò nướng và hấp. Nhiệt ở đây có thể biến thiên từ vài chục tới vài trăm độ. Các loại nồi chuyên dụng cũng rất quan trọng. Những cái này, bọn Tây là chúa trùm. Bếp Tàu cũng có nhiều kinh nghiệm, nhất là các loại thang, hấp. Ở ta, cũng có một số món kho ninh nhừ, nhưng tiêu chí mới chủ yếu là kho lâu cạn nước nhừ xương, chứ còn lâu lắm mới tinh tế được như họ.

Dòng thứ ba là nhiệt thật cao, làm thật nhanh. Khi đó vật liệu vẫn giữ gần nguyên chất lượng, lại có thêm được cái gia công của nhiệt, nên từ một thứ gần như không ăn được là đồ sống, thành một thứ ngon lành. Đấy là bản chất của tất cả các đồ xào. Do xào chỉ vài giây, nên chỉ cần lửa hơi khác một chút, gia vị vào nhanh chậm một chút, thái to nhỏ một chút, lắc, đảo nhanh chậm một chút là ra chất lượng khác hẳn. Giữa người thường và cao thủ đầu bếp, khoảng cách xa vời vợi, mặc dù thành phần món không khác gì nhau. Về dòng này, không ai hơn được ẩm thực Tàu. Những món xào của VN về cơ bản chưa thể tính là đạt chuẩn.

Dòng thứ tư là lên men, dùng vi sinh vi nấm để chế biến thực phẩm. Trong dòng này, đầu bếp chính là vi sinh vật. Con người chỉ là phụ bếp. Ở dòng này, điều quan trọng là nuôi cấy được dòng vi sinh vật thuần chủng, và tạo cho nó được môi trường thuận lợi. Sau đó đến việc kết hợp nhiều loại vi sinh theo đúng chủ đích. Nó đòi hỏi sự hiểu biết, sự tỉ mẩn, cẩn thận vô cùng, mới có thể ra được chất lượng đồng đều, đúng chuẩn như mong đợi. Nếu để lẫn vi sinh vật có hại, ký sinh trùng, không những đồ ăn không ngon, mà có thể nguy hiểm. Về cái này, Hàn, Nhật, Ý, Pháp đều rất giỏi. Vì vậy họ có thể cho ra hàng ngàn sản phẩm khác nhau từ mỗi chủng vi sinh, nhưng sản phẩm nào cũng chuẩn mực. Ở ta cũng có sử dụng vi sinh để làm tương, mắm, dưa cà, nem chua, cá thính v.v. nhưng đa số mới chỉ ở mức sơ khai, vì thế không đa dạng, chất lượng cũng không kiểm soát được, ranh giới giữa ngon và độc, thiu thối vô cùng mong manh.

Ẩm thực Việt chủ yếu om luộc trong nước, hoặc rán trong dầu mỡ, nướng trên lửa trực tiếp. Tất cả các dạng này đều là kỹ thuật rất sơ khai, nhanh không nhanh, chậm không chậm, nhiệt không kiểm soát được, kỹ thuật nấu nướng cũng không có gì độc đáo. Qua kinh nghiệm dân gian, có thể có một số món đúng phù hợp với kỹ thuật này, thì thành ngon, nhưng để nâng tầm kỹ thuật, so tài cao thấp thì chẳng có gì cả.

21:57 Saturday,21.5.2016

Đăng bởi:  pho duc tung

Mình nghĩ là ẩm thực dân gian thì ở đâu cũng có, cũng đều hay, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, sản vật địa phương. Tất nhiên một số vùng, repetoir sẽ phong phú hơn vùng khác. Tuy nhiên, về ẩm thực sẽ có mấy cấp độ để phân biệt cao thấp tương đối rõ ràng:
1- việc kết hợp các nguyên liệu tự nhiên một cách tinh tế, nhuần nhuyễn để tạo các món ăn ngon, hài hoà, có tác dụng bổ dưỡng, làm thuốc v.v. là mức độ cơ bản nhất. Việt Nam ta đang ở cấp độ này.
2- Từ vật liệu thiên nhiên, lại chế biến ra những thứ nguyên liệu nhân tạo phức tạp, cầu kỳ, sử dụng là thành phần nấu ăn. Chẳng hạn người Tây có hàng vạn loại rượu vang, rượu mạnh, pho mát, thịt nguội v.v. Người Nhật có muôn vàn loại tương, rượu, cá khô v.v. Sự cầu kỳ, tinh tế của các loại vật liệu này khiến cho nếu thiếu nó sẽ không thể đạt được một món ăn đủ chuẩn. Việt nam ta cũng có nhiều loại mắm, tương v.v. nhưng so về độ công phu, đặc biệt còn rất xa so với các nền ẩm thực lớn. Chính chúng ta cũng rất ít người đủ khả năng thẩm định chất lượng của các nguyên vật liệu này. Việc khó phân biệt này một phần do cá tính, chất lượng của các sản phẩm đó chưa đủ mạnh, chưa đủ độ rõ nét. Cùng là trà, tại sao trà của ta mới tới vài trăm ngàn một lạng là đã bị làm điêu, làm rởm, ít ai phân biệt được. Trong khi đó trà tàu có tới hàng tỷ đồng một lạng, mà vẫn có người mua, người dùng. Rượu cũng vậy, rượu ta đặc sản đến mấy cũng chỉ vài trăm ngàn một chai, trong khi đó rượu tây tới cả trăm ngàn đô la một chai cũng có. Đó không chỉ là vấn đề quảng bá, mà thực sự ta không có những sản phẩm tinh vi, cầu kỳ đến như vậy.
3- Việc làm ra một món ăn ngon mới chỉ là một chuyện, từ đó để ra một mâm cỗ linh đình thết khách lại là cả vấn đề khác. Nền ẩm thực dân gian của ta mới có được cái ngon của từng món, mà khi thành cỗ lớn chưa thực sự thuyết phục. Tuy rằng những cỗ truyền thống 6 đĩa 4 bát cũng đã có sự phối hợp nhất định, nhưng vẫn là cái dạng buffet tự chọn, chưa có cái chính phụ trước sau, yếu tố thời gian còn chưa xét đến. Vì thế, có thể nói cái hay của ẩm thực Việt Nam, của cái canh cải cá rô, đậu phụ mắm tôm mới chỉ là cái bình dị của dân nghèo, không thể so với những nền ẩm thực lớn. Ngay cả những dạng cỗ cung đình, ngày xưa không biết thế nào, chứ bây giờ thấy vẫn chưa ra mạch lạc gì. Tại sao ta không thể tiếp khách ở quán Việt nam, chính là vì không có một thực đơn thuyết phục cho một bữa tiệc. Bún ốc, phở bò tuy ngon nhưng không thể thành tiệc, nên không thể vào salon, chứ không phải vì những món này chỉ có thể ăn ở rệ đường, mép cống. Một nền ẩm thực mới ở cấp 1, cho dù rất phong phú về chủng loại, cũng không dễ gì nâng lên được cấp 3. Quán Ngon không phải là restaurant, mà chỉ là một góc chợ ăn uống.
4- Từ một nền ẩm thực truyền thống, tới nhà hàng Michelin, thì lại là cả vấn đề khác. Một mặt phải giữ được tinh tuý dân tộc, mặt khác lại phải đổi mới tân kỳ, tạo ra cái tên tuổi, triết lý cá nhân của đầu bếp. Một người chỉ nấu giỏi đúng truyền thống các cụ, thì mới chỉ là một bà nấu cỗ chuyên nghiệp, hay là một bà nội trợ đảm đang mà thôi.

Như vậy, trong 4 nấc thang cơ bản, ẩm thực của ta mới ở bước 1, làm sao mà có nổi sao Michelin? Vấn đề không phải là quảng bá đâu, mà thực lực nó mới chỉ có vậy.

17:29 Saturday,21.5.2016

Đăng bởi:  Candid

Mỗi nền ẩm thực có ẩn chứa một triết lý hay nhân sinh quan nào đấy, như người Nhật họ coi trọng thiền và ứng dụng thiền vào ẩm thực. Ẩm thực Việt có triết lý về sự cân bằng âm dương như món gì đi với gia vị gì... Có lẽ nên phát triển món Việt dựa vào điều này.

16:56 Saturday,21.5.2016

Đăng bởi:  Em

Kiến thức và hiểu biết của em so với mọi người có lẽ là thấp nhất ở đây nên em chỉ xin phép bàn loanh quanh.
(1)Thứ nhất, về việc ẩm thực Việt Nam là nhất thế giới, em thấy không đúng lắm. Đối với người Việt thì đúng là như thế, nhưng đối với người nước khác thì lại không hẳn như vậy. Cái làm nên hương vị đặc trưng là gia vị thì tùy theo vùng miền mà sử dụng, tùy theo miền nóng hay lạnh, vùng cao hay ven biển, trong khu vực có các loại sản vật gì... Vậy nên mình nếm món ăn nước ngoài cứ thấy nó na ná như nhau, đấy là vì mình ăn chưa quen nên chưa phân biệt được các loại gia vị. Ví dụ đơn giản như em thuộc vùng trung du quen ăn nhạt, các món canh đều nấu nhạt và ít gia vị nên những lúc ăn các món miền Trung chỉ được vài bữa là ngán, vì họ nêm nếm nhiều thành phần gia vị nồng quá. Đấy là khác biệt về vùng miền, còn các nước khác nhau thì lại càng ăn uống khác nhau hơn. Ví dụ như bác Son Vu thấy món Trung nhiều dầu thì người Trung lại thấy Việt Nam mình ăn quá thanh đạm, hoặc Ấn có gia vị quá nồng, thì họ cũng thấy mình ăn quá nhạt. Hay Nhật coi trọng cả "ăn bằng mắt", đồng thời họ cũng thích các món nguội nên đồ ăn Việt trong mắt họ chưa chắc đã ngon? Em đồng ý là không phải nước nào món ăn cũng ngon và phong phú như Việt Nam, nhưng cũng không phải Việt Nam là nhất. Cũng giống như âm nhạc, ở Việt Nam nghe dân ca thấy hay, Tây họ cũng thích nhưng họ sẽ không hát như thế. Nếu với vai trò nhà cung cấp sản phẩm thì mình không thể áp đặt tiêu chuẩn của người Việt mình lên nhu cầu của các nước khác được.
(2) Thứ hai là về cách đánh giá. Nói thật em cũng chưa tưởng tượng ra giám khảo chấm các món ăn Việt theo chuẩn sao Michelin kiểu gì, nhìn chung đấy cũng chưa phải tiêu chuẩn thích hợp để đánh giá các món ăn khu vực Đông Nam Á. Nhưng có một vấn đề rõ ràng là Việt Nam mình đủ khả năng để nâng tầm món ăn mình lên, bất kể là sao hay không sao. Tại sao lại không quảng bá, không phát triển nó lên? Bây giờ món Nhật quảng bá nhiều với hình ảnh quy trình nấu nướng công phu không có nghĩa là trước đây họ không quảng bá. Nếu họ không thúc đẩy phát triển sản phẩm như thế thì em hỏi các bác có ai muốn mua cái bánh gạo nếp với giá 200k? Hay như thịt bò Kobe, thực sự là có ai chứng minh được cho con bò này nghe nhạc với uống nước khoáng thiên nhiên thì thịt nó ngon hơn không? Vấn đề lúc này không còn là vị giác nữa. Người Nhật họ nâng tầm cho một cái bánh gạo nếp truyền thống thành một món ăn dùng trong nhà hàng, quán cà phê được. Chứ như đĩa bánh trôi tàu mà mang vào quán uống cà phê thì quá nực cười. Hay thịt bò Kobe với cái thông điệp ngầm, ai ăn món này mới là người biết thưởng thức, mà trên đời này ai chả muốn mình là người biết thưởng thức? Những món ăn nổi tiếng trên thế giới đều đặt tiêu chuẩn rất khắt khe nhưng Việt Nam mình thì chỉ cốt "ăn ngon là được". Vì chúng ta không đầu tư công sức nên món ăn mình bị đánh giá là bình dân, giảm giá trị. Món ăn còn chưa nâng tầm thì phong cách phục vụ, rồi không gian nhà hàng mãi mãi không thể khá lên được.
(3) Về sự phổ biến của ẩm thực. Như Nhật Bản họ chú ý xây dựng từ bên trong, tức là cả trong món ăn Nhật cũng phản ánh văn hóa Nhật, đây mới là lý do chính để mọi người chọn món Nhật. Vấn đề là Việt Nam không (hay chưa) xây dựng được cả một thương hiệu như Nhật mà nhắc đến thôi là ai cũng thích. Nói món Việt Nam là ngon và rẻ, rẻ mà ngon. Như vậy chỉ thích hợp với người ăn chơi. Ví dụ như tôi muốn đãi anh một bữa thật ngon, hay tôi với anh có buổi gặp mặt bàn công việc, thì bữa ăn đấy phải có một giá trị tương đối. Chứ ai mặc vest đen quần âu lại ngồi cong mông ngoài vỉa hè mà húp nước phở?
Ngay như Phở 24 của mình, mang được một bát phở vào trong nhà hàng, thay đổi được thói quen ăn uống của một bộ phận khách hàng và mang nó ra ngoài lãnh thổ được cũng là minh chứng của việc "hình thức ảnh hưởng đến nội dung". Không phải là nâng nó đến mức "cao cấp" khiến món ăn không thể phục vụ đại chúng được nữa, mà là đến mức "tiêu chuẩn" để người ta thấy nó xứng đáng với mức giá cao hơn.

12:56 Friday,20.5.2016

Đăng bởi:  candid

Thì món nào chả có ông nào nghĩ ra đầu tiên rồi mọi người mới làm theo. Tại sao cứ phải bó buộc truyền thống hay không, người ta đi mãi rồi thành đường đó thôi.

11:27 Friday,20.5.2016

Đăng bởi:  Peace

Thật sự không hiểu sao một số bác có vẻ dị ứng với những bài viết về ẩm thực Nhật của Pha Lê. Tôi thấy Pha Lê viết hay, cung cấp nhiều thông tin bổ ích. Và đọc Pha Lê viết về món Nhật tôi thấy toát lên đúng cái tinh thần tôi cảm nhận về đất nước này qua văn học, cách thiết kế nhà cửa, thậm chí cả những món đồ nhỏ xíu của họ.

Bản thân chúng ta khi trân trọng và kỹ càng trong việc gì đó thì tự khắc ta thấy nó đáng trọng và tốt đẹp hơn nhiều. Nấu ăn cũng vậy, tự ta kỹ càng, không xuề xoà thì món ăn sẽ ngon hơn nhiều. Tôi rất hay tối giản nguyên liệu của các món có quá lắm thứ nhưng khi nào chịu khó làm đầy đủ các bước với đầy đủ nguyên liệu thì thấy nó ngon hơn khá nhiều.

Ăn đồ Nhật, đồ Hàn ở Việt Nam (những quán phổ thông thôi, chắc có những chỗ cao cấp tôi chưa được đến) thì dở hết chỗ nói. Chả hiểu sao vẫn nhiều người thích ăn, đặc biệt là đồ Hàn Quốc. Nhưng tôi tin là đồ ăn ở Nhật thì ngon, do nguyên liệu của nó ngon.

11:20 Friday,20.5.2016

Đăng bởi:  Peace

Về món rươi, các món mắm rươi, rươi kho, nem rươi, rươi thả đều là những món truyền thống đấy bác Candid. Chứ không phải nhà hàng bây giờ tự sáng tạo ra đâu. Có điều mấy món đó tốn nhiều rươi, đặc biệt là món rươi kho, nên chỉ ở vùng nhiều rươi như Tứ Kỳ (Hải Dương), Tiên Lãng (Hải Phòng) (hai huyện này giáp nhau) người dân mới có điều kiện làm mà thôi. Chứ ở những nơi khác rươi khá đắt nên chỉ làm chả rươi vì món này có độn và dậy mùi, dễ ăn.

Chuyện học nấu ăn thì tôi nghĩ là do nhu cầu và tôi thấy vẫn nhiều cô gái đi học nấu ăn. Bác nào không thấy là do bác chưa có cơ hội thấy thôi :P. Học nấu ăn cơ bản để dùng trong gia đình không quá khó khăn. Tôi có nhiều cô bạn gái không hề phải nấu nướng cho đến khi tốt nghiệp đại học. Sau đó, có bạn đi học nấu ăn, có bạn tự học, rồi cũng cơm dẻo canh ngọt hết, thậm chí còn làm bánh làm trái ầm ầm.

11:10 Friday,20.5.2016

Đăng bởi:  Nguyễn Xuân Thái

Ái chà chà, chủ đề này rất đúng tâm tư của mình !
Công nhận đọc bài của Pha Lê, mình càng thấy thương món Việt hơn. Cái sâu sắc, tinh tế của món Nhật thật khiến mình ngỡ ngàng, há hốc miệng và nhỏ nước miếng, từ manga ngày xưa đến bác Jiro ngày nay rồi cũng chỉ để ngắm, rồi cũng chỉ quay lại món Việt thân thương hàng ngày. Thi thoảng mình cũng dở trò bày biện các món ăn hàng ngày : cá kho, canh cua rau đay, cà pháo, dưa chua, thịt heo ba chỉ luộc, rau muống luộc,... rồi đặt lên bát đĩa gốm sứ. Cũng chỉ là gốm sứ Bát Tràng thôi chứ chưa cần đến đồ gốm Nhật, nom cũng đã chất lắm rồi. Thậm nghĩ, cái thứ gần mình nhất, gắn bó với cuộc sống của mình nhất mới là thứ cần mình tôn trọng và phát huy.

23:22 Thursday,19.5.2016

Đăng bởi:  LC

Mình không phải đầu bếp đâu, một đứa ngày càng béo, nói nhiều ăn lắm và có nick tại gia là Hấp, thôi...
Tôn vinh cơm Việt Nam là điều nên làm. Cứ coi như chúng ta ám thị và bị ám thị từ bé đi. Vì "đi đâu cũng chẳng tránh được mình", có ăn tiệm Tây Tầu suốt đi, rồi cũng lại về thầy bu chén cơm nguội thôi mà

13:59 Thursday,19.5.2016

Đăng bởi:  candid

Dân HN thì đa phần chỉ ăn món chả rươi giống như trong cuốn Thương nhớ mười hai của cụ Vũ Bằng. Thế nhưng đi về Tứ Kỳ chả hạn, vùng này rất nhiều rươi và họ chế biến thành 7 món như chả rươi, nem rươi, mắm rươi, lẩu rươi, rươi rang muối, rươi kho... Sự sáng tạo trong nấu ăn là không hạn chế. Theo em thì món rươi của Pha Lê cũng là một cách để chế biến. Ngon hay dở thì em không biết vì chưa được thử. :D

13:45 Thursday,19.5.2016

Đăng bởi:  đặng thanh vân

mình thỉnh thoảng đọc những bài viết về cách nấu các món ăn của bạn Phale. những món Hàn, Nhật nghe tả thấy ngon, nhưng món chả rươi bạn Pha lê viết, mình thấy không đúng thực tế... mình đã ăn món chả rươi suốt 20 năm nay. Đây là một món ăn ngon, đơn giản, gia vị phải chuẩn: vỏ quýt tươi, thì là, hạt tiêu, trứng, một ít thịt nạc vai, nước chấm phải pha gần giống nước chấm bún chả, ăn với bún và rau sống, đủ thơm láng, mùi, kinh giới... khi đọc bài viết của Pha Lê về món này, thấy bạn ấy chưa hề ăn chả rươi của người Hà Nội, và người Hải Phòng làm bao giờ... đó là 2 nơi ăn nhiều chả rươi nhất, đọc món mơ ngâm của Linh Cao, thấy yêu hơn nhiều lọ mơ ngâm của nhà mình...

13:20 Thursday,19.5.2016

Đăng bởi:  mai

Mấy giờ rồi mà bạn Đặng Thái vẫn suy nghĩ mặc định "con gái là phải biết nấu ăn" thế này? Khi không có nhu cầu thì không làm thôi. Còn khi có thì tự động học là làm được. Trai gái gì cũng vậy, không làm thì đói, mà thích thì sẽ làm tốt.
Tính không nói mà ngứa tay quá chịu không được.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả