Bàn luận

PHUONG LINH'S TREE: To be (ác) or not to be?

Xem sắp đặt Cây của Phương Linh tôi không thể không tự hỏi liệu có cách làm nào khác để vẫn truyền tải được thông điệp mà không phải thí mạng hai cây hoa sữa mới ba năm tuổi. Xét theo quan điểm môi trường, việc chặt cây làm gỗ không có gì là sai nếu […]

Ý kiến - Thảo luận

12:46 Wednesday,30.6.2010

Đăng bởi:  admin

Thành ơi, bạn chỉ trách móc SOI thế này thế khác, thế những bài bênh cái cây của Phương Linh thì sao bạn không trách nhỉ? Tắm rửa nước sông công bằng một tí đi rồi hẵng vào những trang kiểu này bạn ạ, không thì nỗ lực tạo diễn đàn dân chủ của SOI trở thành công cốc vì những người suốt ngày đòi dân chủ như các bạn đấy.

12:39 Wednesday,30.6.2010

Đăng bởi:  thành

Xin được mở đầu với lời "đính chính" là Phương Linh chặt cây, chứ ko "giết" như đầu đề bài viết của của Liên Hoan, càng ko "giết người" như Lê Hà tưởng tượng ra, hay như những câu hỏi mà SOI đặt ra trên trang web (Nếu là thông điệp về sinh mạng của con người, có cần phải giết vài người?), nhưng lại không thấy hỏi hôm thảo luận.

Cmt của tôi xin được giới hạn đến việc phản ứng với việc chặt cây của Phương Linh là quá mức. Nếu hành động chặt cây thật sự là hành động khủng khiếp như vậy đối những người kết tội nghệ sĩ, tại sao các bạn không biểu tình, phản đối, đòi dỡ cây đi trồng lại hôm khai mạc triển lãm. Hay là thực sự việc này thật sự không đến mức độ ghê rợn để phải phản đối mạnh như vậy? Và việc để đầu đề "Nữ nghệ sĩ xin đừng giết!" (từ cây ở đây biến đi đâu mất rồi? Nó "biến" đi có phải để ám chỉ việc "giết" ở đây là "giết người"?) mà SOI đăng, bao nhiều phần trăm là phản ánh sự bức xức một cách đúng mực, bao nhiêu là để gây sốc thu hút người đọc? Bài viết này đâu có đề cập đến người, mà chỉ là đến "các sinh vật khác". Nếu các bạn thích phóng đại sự việc tùy ý như vậy, thì hãy kêu gọi mọi người nghĩ đến hành vi "giết người" khi gọi bát phở, hay bỏ mớ rau cải vào nồi canh.


Tôi thấy sự thái quá làm những bài viết trở thành cuộc tấn công cá nhân vào nghệ sĩ. Và để chứng minh cho việc Phương Linh độc ác như thế nào, Lê Hà dẫn chứng hết từ ăn trứng vịt lộn, vặt lông chim chóc đến cả thảm họa của người Do Thái. Tiếc rằng Lê Hà chỉ nhậy cảm khi suy diễn cho Phương Linh, mà không đủ nhậy cảm suy diễn cho bản thân (chúc Lê Hà ăn trứng vịt lộn thật ngon).


Giết người là hành vi ghê tởm nhất con người có thể gây ra cho một người khác. Ngoài đời, người ta phải có người kết tội, luật sư bào chữa, rồi toà án mới ra lời kết án, mà lời kết án còn có thể bị kháng án. Những người viết bài xin đừng tự cho phép mình làm toà án và người kết tội cùng một lúc. Đừng suy diễn cho người khác chủ ý sát sinh, cũng đừng dùng từ "giết" tùy tiện, làm nó mòn đi rồi cuối cùng thì ngươdi ta dễ trở nên thờ ơ với những hàng vi giết người thật sự.


Một vấn đề nữa là sự công bằng. Tại sao ko thấy SOI lên án ban tổ chức Festival Huế chặt cây cổ thụ? Kô thấy trỉ trích anh Khánh dựng sân khấu tre (bao nhiêu cây tre, có ai đếm không?). Hay là Phương Linh là nữ nghệ sĩ còn trẻ, nên "chửi" được. Nam nghệ sĩ có tên tuổi thì khó lên án, còn các vị lãnh đạo thì đừng dại mà dây vào? Hay phải đến khi tận mắt nhìn thấy hai cái cây bị ghép vào nhau của Phương Linh héo dần thì mọi người mới thực sự vỡ lẽ ra rằng chặt cây làm nghệ thuật là kô thể chấp nhận được? Phải chăng thì nghệ thuật cuối cùng thì cũng có tác dụng - mặc dù đó không phải là ý định ban đầu của nghệ sĩ?

Nói là tự mình chuẩn bị, tính toán việc chặt cây là độc ác hơn dùng cây đã chặt rồi là không ổn. Đó chỉ là việc phủi tay trút bỏ trách nhiệm chặt cây cho người khác mà thôi. Không có cầu thì sẽ chẳng có cung. Có nên lên án các nghệ sỹ dùng gỗ tạc tượng hay không? Nói đến chuyện chặt cây để làm ý tưởng nghệ thuật có đáng hay không, thì hãy nghĩ chặt cây để làm tủ treo quần áo, bàn ghế gụ tiếp khách, uống chè, gường ngủ, hay cửa, cột, mái trong chuà chiền, có đáng hay không? Nếu lên án nghệ sĩ chặt cây, thì phải lên án cả nền văn minh của con người (và tất nhiên không phải là không có nghệ sĩ làm điều này). Hay các bạn đã quá mê Avatar mà quên rằng một nền văn minh sống hoà hợp với thiên nhiên 100% thì chỉ có trong phim mà thôi.

Về vấn đề lấy da lợn làm tác phẩm, Lê Hà nói rằng nghệ sĩ được phép, vì chỉ sử dụng vật liệu do công nghiệp thực phẩm tạo ra. Đúng, nhưng tại sao một nghệ sĩ được ca ngợi khi đồng ý với nền công nghiệp giết lợn đó, hoặc không có sự suy ngẫm về nó, cho việc giết lợn là tự nhiên - từ lợn sữa đến lợn già, rồi tận dụng nó, còn người khác thì bị lên án một cách quyết liệt nhất khi cũng làm tác phẩm, theo một nền công nghiệp khác?

Nhân việc "tự tay" và "không tự tay", xin nhắc là với tội giết người, trên thế giới người ta kết tội ông tướng ra lệnh bắn người, nhà độc tài đứng đầu chế độ, chứ không phải chỉ mấy anh lính nhận được lệnh phải thi hành.

Tôi nghĩ rằng tác phẩm của Phương Linh làm bộc lộ vấn đề nghệ sĩ có được phép vượt ranh rới hay không. Tôi nghĩ đây có thể là vấn đề hay và cần có sự trao đổi. Theo tôi nghệ sĩ, cũng như nhà văn, nhà thơ, biên đạo muá, nhà làm phim... nên được phép và nên vượt ranh rới, giữa những cái được phép và cấm đoán, cái đẹp và cái xấu... vì ý tưởng, cảm xúc nghệ thuật. Tất nhiên câu hỏi đi cùng cũng là trách nhiệm của nghệ sĩ cho ý tưởng, cho tác phẩm của mình như thế nào. Vì nếu không có nghệ sĩ, nghệ thuật làm điều này, thì chẳng ai có thể cả.

0:11 Tuesday,29.6.2010

Đăng bởi:  phương linh

Có một số điều tôi muốn chia sẻ cùng anh Lê Hà như sau:
- Anh so sánh việc cắt 1 cái cây đang sống thì ghê rợn hơn cắt đôi 1 con lợn đã chết, vì rằng con lợn ấy sinh ra là để cho người ta ăn thịt, làm tôi thấy bất bình thay cho con lợn. Không có sinh vật nào sinh ra đời đã có chức năng như cây để lấy gỗ, lợn để ăn thịt, cũng như cá mập không sinh ra để người ta lấy vây, gấu không sinh ra để người ta lấy mật, tê giác không sinh ra để người ta lấy sừng... Tất cả đều là do con người tạo ra những chức năng đó cho các loài động/thực vật khác. Con lợn trước khi chết thì nó cũng đã sống. Người ta phải giết nó trước rồi cắt đôi nó sau. Nếu anh thấy 1 thân cây là tượng trưng cho sự sống, hy vọng, thì tôi lại thấy con lợn nó cũng là biểu tượng của sự sống, của hy vọng, của phồn thực... Quyền làm lợn của nó cũng cao quý không kém gì quyền làm cây... Anh đã đề cao cái cây của tôi quá, mà hạ thấp phẩm cấp của một con lợn. Tôi thiết nghĩ tôi cắt phần ngọn của hai cây hoa sữa 3 năm, thì cái gốc vẫn còn đó, và ít lâu sau nó lại mọc mầm hai cây mới, còn như con lợn cắt mất cái chân, hay bộ phận nào khác của nó đi, nó vẫn sống, nhưng xem ra thật khốn khổ. Anh thật đã coi thường con lợn quá!
Anh còn nói việc tôi cắt cây hoa sữa 3 năm còn ghê rợn hơn cả việc sử dụng cơ thể đã chết của người khiến tôi đinh ninh anh Lê Hà chắc phái học y học ra mới dũng cảm so sánh như vậy.Tôi đã cắt cây của tôi rồi, mà nghĩ đến chuyện làm việc với các xác chết, tôi không khỏi rùng mình.
- Trong các loại quyền ( bao gồm quyền của cây cỏ, quyền của lơn...) thì quyền con người là cao quý nhất. Tôi thấy rất thú vị khi tác phẩm của tôi làm anh liên tưởng tới nhân loại, con người. Trí tưởng tượng của anh rất sâu sắc khi nghĩ tới bây giờ đang là 1941, một nữ nghệ sĩ bế một em bé Do Thái ra giữa Quảng trường Thời đại cắt tiết. Khi được hỏi tại sao làm vậy thì cô ấy bảo là để cho dân Mỹ thấy điều gì đang xảy ra ở các trại tập trung phát xít, và người Mỹ đừng mũ ni che tai nữa mà hãy nhảy vào tham chiến". Tôi đã hình dung ra được 1 cảnh tượng bi đát như trong phim. Ý anh như tôi hiểu là tôi muốn khuyên người ta đừng cắt cây, nên tôi cắt cho người ta xem cây khổ thế nào. Ví dụ rất mãnh liệt, động chạm đến con người làm tôi thấy mình thật càng thêm ác. Tôi cũng xin có ý kiến rằng đã có những người tự hy sinh mạng sống để đạt tới lý tưởng, và lã những câu chuyện thật đã xảy ra chân thực và cảm động hơn câu chuyện của anh như Thích Quảng Đức tự thiêu thân, Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai...
- Tác phẩm của tôi chắng đả động gì đến nữ quyền, giới tính... Anh đã rất cẩn thận trong việc hỏi han người bạn thân bảo vệ nữ quyền. Như vậy trong đầu anh hẳn đã có phân biệt Nữ và Nam khi nhìn vào tác phẩm của tôi. "Tôi thấy các nữ nghệ sĩ thường dễ mắc phải hai cái cliché: một là luôn phải tỏ ra nhân hậu. Hai là phải thật ác, kể cả với ngọn cỏ lá cây cũng phải ác, để chứng tỏ mình mạnh mẽ, mình nữ quyền, mình sexy". Lại một lần nữa bị động chạm đến tiếng là ác, tôi tự hỏi người thấy làm việc với xác chết không ghê rợn, không tôn trọng quyền của lợn thì có bị gọi là ác như tôi không biết thương cây hay không? Hay phải gọi anh Lê Hà là người có trái tim dũng cảm?
- Tôi chưa bao giờ gặp anh Lê Hà, tôi chắc anh cũng chưa đi xem triển lãm của tôi, chắc chắn chưa một lần phỏng vấn tôi về ý tưởng, học thuật, chắc chắn anh còn chưa đọc cả bản chú thích tác phẩm mà tôi viết, nên cũng chắc chắn là anh đã hiểu sai nhiều về ý đồ của tôi. Nên tôi hy vọng anh đừng vội phán xét công việc của nghệ sĩ bằng cách ngồi nhà nhìn qua ảnh. Tin vui cho anh, người yêu cây, là hai cái gốc của hai cây hoa sữa vẫn sống và đang được trồng lại tại Hòa Lạc, chẳng bao lâu sẽ mọc thành hai cây hoa sữa mới xinh tươi.

2:18 Sunday,27.6.2010

Đăng bởi:  civonavi

Mình thấy thật nhiều tranh cãi về cái cây của Linh. Cá nhân mình khi xem một tác phẩm, đôi khi mình thích hình dung ra lúc tác giả đang làm việc, và quan tâm hơn đến những thao tác kỹ thuật của tác giả thay vì những khái niệm và quan điểm mà tác giả đưa ra. Những thao tác kỹ thuật đã chuyển tải được tốt nhất ý tưởng ban đầu của tác giả chưa? Quá trình xây dựng tác phẩm đôi khi có rất nhiều chia sẻ thú vị

Sẽ rất thích thú nếu ta xem cấu tạo, cơ chế vận hành, đặc tính kỹ thuật của từng loại xe trên đường, thay vì băn khoăn, cái xe nào là hay nhất,scooter, cruiser, enduro, hay sportbike... ? Cuộc sống thật đẹp khi nó mang nhiều màu sắc. Mỗi loaị xe có đặc tính kỹ thuật và công năng riêng, và ý thích của con người thì thật muôn vẻ.... Nếu không trên đời đâu cần nhiều loại xe như thế :-)...
* *
*
“Sự biến mất của rễ cây là một điều thú vị. Sự thiếu hụt là một khía cạnh quan trọng đối với tôi. Không cần cội rễ, sinh vật này vẫn sẽ cố tiếp tục sống; và trong thời gian tác phẩm sắp đặt này diễn ra, chúng ta sẽ được chứng kiến sự phát triển và biến đổi chậm rãi của nó.”
Điều mình hơi tiếc ở tác phẩm này là khi bạn bắt đầu "mở cửa" tác phẩm - là lúc sau khi khai mạc, cái cây đã bắt đầu héo. Mình nghĩ sẽ hay hơn nếu sau khi khai mạc, có một khoảng thời gian 1,2 ngày, cái cây vẫn sống khỏe, hoặc trông như đang còn khỏe (tức là lá nó vẫn chưa bị héo). Khoảng "tươi" này sẽ khiến tác phẩm mạnh hơn (cái này theo mình thôi). Và theo cá nhân mình nó là cần thiết trong một tác phẩm cô đọng như thế này...

* *
*
Mình kể cho bạn nghe chuyện nhỏ này. Ba năm trước mình có một cái xưởng nhỏ, là nơi mấy anh em lọ mọ nghịch cơ khí với nhau. Ngay giữa sân ở xưởng có một cây hoa đại (bọn Lào nó gọi là cây Chăm pa). Vì thuê được dài hạn nên mấy anh em rủ nhau sửa cái sân, và tính đánh cây đại ra góc để lấy chỗ rộng nghịch ngợm. Mình băn khoăn mãi mà không tìm được người đánh cây. Sáng hôm sau tay thợ xây đến, tay thợ xây này rất hay, hắn không biết chữ nhưng rất chăm và thật thà, mình rất quý hắn nên cứ có việc gì động đến gạch vữa là lại gọi hắn. Nói chuyện công việc xong thì mình lo lắng vì việc chính là đánh cái cây thì chưa làm được. Hắn bảo, lấy cho con dao. Dao vừa mang ra, tay thợ xây làm một nhát bén gốc cây đại.." Nếu cây chết, không lấy tiền lát sân, đánh cái chó gì mà đánh.". Chiều muộn hôm ấy bọn mình mới đào xong cái lỗ và cắm cái thân trên của cây đại vừa bị cắt vào vì góc sân chỗ mới của cái cây có tới hai lớp bê tông dày vì chủ cũ đã tôn sân tới hai lần. Lúc đấy quả là lo, nhưng 2,3 ngày sau lá cây mới héo, rồi rụng. Một thời gian sau nó ra lá mới và sống đến bây giờ. Thì ra cây đại có lá rất dày, thân và lá đều giữ nước, và có thể ra rễ mới từ chỗ thân bị chặt đứt.
Bạn làm mình nhớ đến cái cây đó và tay thợ xây. Có lẽ nếu bạn đã gặp phải chuyện này như mình và dùng cây đại, có thể đã không có cái cây nào bị chết, và tác phẩm này sẽ tốt hơn (chỉ theo ý mình).

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả