Gẫm & Bình

Xem Pháp Giới: Khi không muốn người ta hiểu…

  PHÁP GIỚITriển lãm tương tác video của Phạm Quang Hiếu Khai mạc: 19h thứ Ba ngày 22. 5. 2012Từ 23. 5 đến 25. 5. 2012Studio 3 – 1/2 ngõ 99 Đức Giang, Long Biên, Hà Nội     *Quả thật, đúng như tít mà Soi đã giật, dù đường xa, cơn mưa đang đến, […]

Ý kiến - Thảo luận

14:11 Sunday,27.5.2012

Đăng bởi:  Phạm Quang Hiếu

Chào Kit & Kat , tôi là Phạm Quang Hiếu. Trước tiên, tôi phải cảm ơn bạn vì đã giúp tôi có dịp được giải thích về tác phẩm và ý niệm Pháp Giới. Thú thật, tôi đã rất muốn được viết một cách dễ hiểu nhất trong bản giới thiệu. Nhưng ngặt vì sự giới hạn của bản giới thiệu, theo CDEF thì chỉ nên viết một trang, nên không thể làm cho dễ hiểu những ý niệm mà tự thân chúng đã khó hiểu.
Bạn đã viết: "Một kẻ ú ớ chỉ tra trên Wikipedia thôi cũng đã biết đại khái như thế, về quan niệm “nhất thể” của phái Hoa Nghiêm, nhưng Phạm Quang Hiếu, tự coi là người hiểu Phật giáo, vẫn đặt lại câu hỏi… thừa: “Bản chất thật của các sự vật, hiện tượng là gì?… Liệu đằng sau, hay ở bên trong những đám mây đa sắc của hiện tượng có tồn tại một sự thật chung nào không? Hay chẳng có sự thật nào cả?” Làm mất cả công kinh Hoa Nghiêm giảng giải!"
Tôi xin trả lời: Có lẽ, bạn cũng hơi "ú ớ" thật (Đừng giận nhé, hì hì!) khi nhầm lẫn giữa nhân và quả, giữa tiền đề và kết luận, giữa câu hỏi và câu trả lời. Câu hỏi mà tôi nêu trong bài giới thiệu là tiền đề, là bước khởi đầu, là sự thắc mắc đến ám ảnh để từ đó người ta khởi hành kiếm tìm chân lý. Còn kinh Hoa Nghiêm nói chung và phẩm Nhập Pháp Giới nói riêng được sáng tạo bởi một người đã giác ngộ, đã tìm được câu trả lời. Bạn nhầm vì coi tiền đề là kết luận và ngược lại nên mới cho câu hỏi ấy là "thừa"! Chẳng lẽ vì tôi viết câu hỏi ấy ở dưới trích đoạn kinh mà làm cho bạn nhầm chăng? Xin giải thích luôn là vì khái niệm "Pháp Giới" không phải là một khái niệm quen thuộc trong đời sống xã hội hiện thời nên tôi phải đưa đoạn trích dẫn lên trước, sau đó mới nêu cái thắc mắc đã dẫn tôi đến với Đạo Phật.

***
Bạn viết " Và để khoét được cái lỗ đó, Phạm Quang Hiếu chọn luôn lối “đi tắt đón đầu”: không cần tu tập nhiều, không cần một Bồ tát Di Lặc nào, chỉ cần suy luận và tưởng tượng, mời các bạn đến studio uống rượu, ăn hoa quả, và xem… Pháp giới."
Bạn không nên nói về một người mà bạn chưa biết như thế. Vả lại, nếu cần phải công kích thì chỉ nên công kích tác phẩm nếu nó dở, không nên công kích cá nhân. Nhất là khi bạn chưa biết một chút gì về người đó.
***
Bạn đã viết: "Những màn hình kia nào có khác gì mấy những thứ hàng ngày ta vẫn hay gặp trong các siêu thị điện máy, nơi có gian hàng bán màn hình. Cũng một dãy những màn hình đặt liền nhau như thế, cùng phát một chương trình"

Tôi xin trả lời: Có khác với các siêu thị điện máy đấy ạ! Ở chỗ: Dẫy màn hình ở các siêu thị cũng được kết nối với nhau và cùng nối nới một đầu DVD. Kết quả của nó là một loạt hình ảnh tương tự nhau xuất hiện ở mỗi tivi. Tương tự như vậy, khi quay trực tiếp cảnh sân khấu, camera của đoàn làm phim cũng luôn được kết nối với một hay nhiều màn hình. Kết quả quay được từ camera sẽ phát trực tiếp lên một hay nhiều màn hình ấy.

Còn ở tác phẩm "Pháp Giới", camera và dàn tivi cũng được kết nối với nhau, nhưng chúng được đặt quay mặt vào nhau. Vì thế, hình ảnh mà camera thu được chính là cái mà nó đang phát ra. Và bởi sự thu và phát của camera liên tục và đồng thời nên mỗi vòng thu phát nó lại tạo thêm một hình ảnh đồng dạng với hình ảnh đã có tạo nên sự trùng điệp của hình ảnh ở mỗi tivi (chứ không phải chỉ do tổng số tivi cộng lại). Như thế, trong một tivi lại có những tivi khác. Trong mỗi tivi trong tivi lại có những tivi khác nữa. Và ngọn nến xuất hiện ở tất cả những tivi, dù là tivi thật hay hình ảnh tivi trong tivi.

Có lẽ bạn đã không xem xét kỹ tác phẩm cũng như trích đoạn kinh trong bản giới thiệu nên không nhận thấy sự tương đồng giữa tác phẩm và ý niệm của kinh. Đồng thời lại cho rằng nó giống như hình ảnh ở siêu thị điện máy. Sự khác nhau căn bản giữa tác phẩm với siêu thị điện máy cũng tương tự như sự khác nhau giữa nhìn ra ngoài với nhìn vào trong. Để rõ hơn về sự khác nhau này, các bạn có thể tham khảo thêm tại:

http://www.youtube.com/watch?v=b3VXFKgEHkY
http://www.youtube.com/watch?v=NATK0NyQUo4
http://www.youtube.com/watch?v=yGwfTg3iYSA

Hãy thử tưởng tượng camera chính là tâm trí của bạn, ngọn nến là một vấn đề bất kỳ, dàn tivi phản ảnh cái mà bạn thấy. Khi tâm trí tương tác với vấn đề, tùy góc độ nhìn mà ta nhận được những hình ảnh (kết quả) khác nhau. Nếu không mải theo đuổi một kết quả nào đó (do góc nhìn của ta sinh ra) ta sẽ nhận thấy mỗi một vấn đề đều có vô số góc độ khác nhau. Và không có hình ảnh nào là tuyệt đối đúng, tuyệt đối bất biến. Thực chất, dù nhìn theo cách nào thì kết quả của cái nhìn ấy cũng chính là một ảo tưởng được sinh ra do sự tương tác giữa cấu tạo vật chất của cơ thể người, kinh nghiệm của tâm trí và các đối tượng trong đời sống, tự nhiên.

Dàn tivi và camera quay mặt vào nhau cũng tương tự như một cái nhìn quán chiếu vào nội tâm của chính mình. Sự tương tác của chúng cũng giống như sự tương tác của ta và cái thấy của mình. Trong những khoảng lặng của đời sống, khi không còn bị trôi lăn theo những ảo ảnh do chính mình tạo nên, người tự quán tâm mình sẽ nhận thấy rằng: Mỗi một vấn đề (do đời sống tạo ra) đều không tự có. Chúng được sinh ra do sự tương tác (đã nói ở trên) và được đánh giá dựa theo tương quan. Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào đều không hề có một bản chất tuyệt đối. Chúng được nhận dạng là thế này hay là thế kia tùy thuộc nhu cầu, quan điểm, sở thích...của con người. Có thể nói mọi sự vật hiện tượng, Đạo Phật gọi là "pháp", đều trống rỗng, không có bản chất, không có tự tính.

Tiến sâu hơn một chút nữa, trong chiêm nghiệm và tự quán, ta sẽ biết rằng: Chính vì không có bản chất, bản thể tuyệt đối, nên mỗi "pháp" hiển hiện bằng vô số hình thức khác nhau. Mỗi "pháp" đều vô tận. Trong mỗi "pháp" đều tồn tại vô số những "pháp" khác. Nhưng sự vô tận của chúng không phải là tự có mà do sự tương tác liên tục và đồng thời thu-phát của "cái thấy" và "cái được thấy", cũng như sự xoay đảo của các cách nhìn, góc nhìn.

Như thế, cặp bài trùng "vô tận" và "trống rỗng" là những ý niệm đứng ngay trên ranh giới của cái có thể nói được và cái bất khả diễn ngôn. Cho nên, thưa bạn, tôi chỉ có thể "dừng được đúng ở đó".

***
"...anh đã dùng lý thuyết Phật giáo để tô điểm cho mình. Thời nay, ai mà chẳng hoảng sợ trước tôn giáo, nhất là trước từ ngữ tôn giáo!" Câu này hơi buồn cười! Chẳng ai lại dùng Phật giáo tô điểm cho mình bao giờ (nếu muốn tô điểm thì phải dùng chủ đề "hot" một tý chứ, nhỉ?) và tại sao lại "hoảng sợ" trước Tôn Giáo?
Còn về việc có làm cho người xem hiểu được hay không, hiểu được đến đâu...thì bạn ạ, ngay chính Phật Như Lai khi còn tại thế cũng như những đệ tử xuất sắc nhất trong suốt hai nghìn năm trăm năm tồn tại của Phật Giáo cũng không thể làm cho tất cả mọi người hiểu được, nói gì đến tôi, một người thường, một học trò nhỏ của chư Phật! Vả lại, đối với những vấn đề vượt quá khả năng của ngôn ngữ, không dùng suy luận để hiểu được thì cái cách mà bạn tra Wikipedia để nắm thông tin về "Pháp Giới", kinh "Hoa Nghiêm" và "Đạo Phật" liệu có ăn thua gì không? Có làm cho bạn hiểu thật không?
***
Một lần nữa xin cảm ơn bạn đã cho tôi có dịp giãi bày! Mong bạn đừng giận nếu tôi có gì không phải! Hy vọng, sau cm này, bạn sẽ nhận thấy tác phẩm không chỉ " nhõn một cái “đạp”".

Phạm Quang Hiếu.

10:24 Saturday,26.5.2012

Đăng bởi:  Tuedang

Bài viết khá hay, chứng tỏ Kit & Kat có phần "thấm" chút triết lý nhà Phật.
Phạm Quang Hiếu phải nói là người... dũng cảm làm về đề tài trong "Kinh Hoa Nghiêm" - một bộ kinh mà các nhà sư có khi tìm hiểu và thực hành suốt đời vẫn chưa chắc đã giác ngộ. Cho nên bạn P.Q.Hiếu dùng vật thể (hữu hình) để diễn tả về cảnh giới tâm thức (vô hình) thì quả thật... quá khó. Khó mà bạn dám làm, đó là điều đáng khích lệ, bởi nghệ thuật đôi khi không làm ai hiểu gì... nhưng ít ra cũng mang đến niềm vui và cái đẹp.
Chúc bạn lần sau có ý tưởng tốt hơn về đề tài... tâm linh này.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả