Gẫm & Bình

Tranh mới: REFLECTION (có bổ sung)

Mời các bạn xem tranh mới của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng (các bạn nhớ bấm vào hình để xem bản to hơn nhé). Reflection2012sơn dầu trên linen canvas 162 x 194 cm Đây là đường link của bức tranh. Một số chi tiết của bức tranh (nhác lại, các bạn nhớ bấm thẳng vào […]

Ý kiến - Thảo luận

21:04 Thursday,12.7.2012

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Xin lỗi bác Đăng. Em xem lại sách rồi, đúng là 2001. Em mới là người oánh nhầm. Sách mới ra lò, nóng hổi nên chắc anh ở xa chưa có được. Nghe nói trong tháng này sẽ có buổi ra mắt sách chính thức, hy vọng các bác bên Viện có thông báo để bà con đi cổ vũ.

20:28 Thursday,12.7.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

@Phạm Huy Thông,

Cảm ơn Thông đã cho biết. Tôi chưa được xem quyển sách này.

Bức "Silent piano" (Piano câm) được vẽ năm 2001 chứ không phải năm 2011.

Lại lỗi "đánh máy" rồi! Ở VN lỗi như thế này là bình thường. Trong một album về mỹ thuật Việt Nam do Hội Mỹ thuật Việt Nam xuất bản, năm sinh của tôi "được in" thành 1950, khiến anh Lê Huy Tiếp kêu lên: "Họ cho cậu bằng tuổi mình!".

Có thể xem phiên bản bức "Silent piano" trên trang web của tôi tại

http://ribf.riken.go.jp/~dang/paintings/spiano.html

(Bức này hiện ở trong sưu tập tư nhân của một người sưu tầm tranh tại Berlin)

Bức "Threshold" (Ngưỡng cửa)
http://ribf.riken.go.jp/~dang/paintings/threshold.html
là bức đầu tiên tôi gửi tham gia triển lãm mỹ thuật Chủ Thể (năm 2003) và đã đoạt giải "Giai tác tác gia" (Tác giả có tác phẩm đẹp) của hội này năm đó. Năm 2005 tôi lại đoạt giải này lần nữa với bức "Đại dương mùa đông"
http://ribf.riken.go.jp/~dang/paintings/winterocean.html
và được các hội viên hội mỹ thuật Chủ Thể bầu làm hội viên của hội này.

17:58 Thursday,12.7.2012

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Em vừa xem mấy tác phẩm của bác Đăng trong quyển sách mới ra lò của Viện Mỹ Thuật. Bác có hẳn 6 trang nhé, với 8 ảnh tác phẩm và một ảnh chân dung. Em thấy tài năng và nhan sắc của bác hơi tỉ lệ nghịch với nhau. Hehe. Em rất thích tác phẩm "Silent Piano" 2011. Cái tương lai đầy đe doạ của đoàn tàu đang lao tới rất ám ảnh. Dù sự va chạm hứa hẹn máu me be bét đó có thể chỉ xảy ra trong tâm tưởng người chơi đàn.
Em cũng thích tác phẩm "The Threshold" 2003

16:19 Tuesday,3.7.2012

Đăng bởi:  candid

Comment của bác Nguyễn Xuân Thanh rất hay, em vừa search xem bức tranh The Enigma of Hitler thấy từ năm 1937 không hiểu Dali có dự cảm gì về Hitler không mà dùng hình ảnh cái ô và con dơi?

15:45 Tuesday,3.7.2012

Đăng bởi:  candid

@bác Đăng: Hồi trước em đọc thấy cũng có lời đồn rằng Paganini bán linh hồn cho Quỷ mới kéo đàn quỷ dị thế. Xem phim Ghost Rider cũng thấy có anh nhờ bán linh hồn cho quỷ mới chạy xe máy hay. Giờ em lại biết thêm Faust bán linh hồn cho Quỷ. Em có quyển Faust này nhưng dày quá đọc mãi chưa hết nên không biết.

Có khi phải cám ơn Quỷ mà chúng ta mới có thơ ca, âm nhạc, hội họa và cả đua xe nhỉ.

11:52 Tuesday,3.7.2012

Đăng bởi:  Người saigon

Tôi thấy bức tranh này của anh Đăng sử dụng thủ pháp ánh sáng giống tranh của Georges De la Tour . Điển hình trong bức Saint Joseph Charpentier và The Education of the Virgin .

13:10 Monday,2.7.2012

Đăng bởi:  ANTI LÁO NHÁO

Bạn Đỉn ơi (ĐỈN nick hay ghê gớm) bạn xem kỹ lại El Greco đi, khác xa lắm với cách tạo ánh sáng và không gian của anh Đăng trong tranh REFLECTION. Không có giống nhau và liên quan gì cả về ý đồ tạo hình.
Xem quá nhiều Ma quỷ dù trong phim Holi Ut) cũng trông chừng bị ám đấy. Không dứt ra được nên không xem được hội họa nữa đâu. Hi Hi. Cái này phải nhờ Pha Lê chữa chạy à nha.

9:03 Monday,2.7.2012

Đăng bởi:  nguyen xuan thanh

Con dơi và cái ô đã từng xuât hiện trong hoạ phẩm của HS. S. Dali, bức the Enigma of Hitler.
~
Xem tranh không cần phải hiểu toàn bộ chi tiết làm gì, mà làm sao có thể hiểu được khi người vẽ không trình bày hoặc không muốn trình bày hết ý nghĩa vì sao lại dư thế. Hoặc người xem cũng cần học hỏi thêm để biết cách thưởng thức tranh.
Là nghĩ như thế.
Xem tranh của HS. Nguyễn Đình Đăng tôi luôn có cảm giác bị khát nước.. thế mới hay.
nxt.

0:08 Monday,2.7.2012

Đăng bởi:  Trịnh Xuân Đỉn

Tôi nghĩ rằng thế giới có nhiều giá trị, mỗi giá trị tác động lên nhận thức một kiểu và giá trị của những giá trị đó là ngang nhau trong lịch sử văn minh loài người.

Hy Lạp cổ đại cũng là một giá trị và Holi Út đương đại cũng là một giá trị.

Trí tưởng tượng của loài người nếu chỉ dừng lại ở văn minh Hy-La thì quả thật là nghèo nàn.

Holi Út có gì sai khi họ định hướng thẩm mỹ, thậm chí áp đặt thẩm mỹ lên số đông?

Thẩm mỹ của cá nhân tôi liệu có vấn đề gì khi có một vài cái tôi yêu thích đến từ Holi Út?

Liệu một vài gợi ý về Quỷ Cái từ Holy Út có đáng để anh Đăng mỉa mai?

23:23 Saturday,30.6.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

@ Trịnh Xuân Đỉn:
Hollywood quả thật đã thành công trong việc định hướng thẩm mỹ cho một bộ phận không nhỏ của công chúng.

21:55 Saturday,30.6.2012

Đăng bởi:  Trịnh Xuân Đỉn

Cảm ơn những hiểu biết thêm vào anh Đăng đã cung cấp về loài quỷ. Nhưng để hình dung về loài quỷ thì như thế là chưa đủ! Vẫn còn nhiều nguồn khác để ta tưởng tượng về loài quỷ.

http://mysteriousuniverse.org/2011/04/black-eyed-kids-insidious-threat-or-myth-in-the-making/

Hoặc trong loạt phim Supernatural rất nổi tiếng.

http://vi.wikipedia.org/wiki/Supernatural_(phim_truy%E1%BB%81n_h%C3%ACnh)

http://i287.photobucket.com/albums/ll122/tomer-33/Eye_1092_18330321_0_0_8725_300cop2y.jpg

Một số phim khác có nói về quỷ như Constantine, Prowl...

http://nsa26.casimages.com/img/2011/04/06/110406122500164016.jpg

19:11 Saturday,30.6.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

@Candid:

Đấy không phải là truyện cười Việt Nam mà là câu chuyện (không cười tí nào) từ sách "Hàn Phi Tử" của Hàn Phi - triết gia Trung Quốc (280 - 233 Tr.CN) thời Chiến Quốc.

Chuyện như sau:

Một hoạ sĩ tặng Tề vương một bức họa.

Tề vương hỏi: "Vẽ gì khó nhất?"

Hoạ sĩ trả lời: "Vẽ chó ngựa khó nhất."

Tề vương lại hỏi: "Vẽ thứ gì dễ nhất?"

Hoạ sĩ trả lời: "Vẽ ma quỷ dễ nhất".

Tề vương nói: "Tại sao?"

Họa sĩ trả lời: "Chó và ngựa thì ai cũng biết, ngày nào cũng thấy. Vẽ hơi không giống một chút, mọi người ai cũng có thể nhìn ra; nhưng ma quỷ thì vô hình, không ai thấy cả, cho nên muốn vẽ thế nào cũng được."

-------

Nói vậy thôi chứ vẽ ma quỷ được như Caravaggio hay Rubens đã vẽ không dễ tí nào, còn bán linh hồn cho quỷ thì dễ lắm.

Ngày xưa có chuyện Faust - một tiến sĩ thần học, bác sĩ, đồng thời là một nhà toán học lừng danh - đã ký giao kèo bán linh hồn cho quỷ Satan để đổi lấy kiến thức vô biên và khoái lạc. Sau 24 năm, khi hợp đồng hết hạn, Faust đã bị quỷ Satan tới xé xác, máu me bắn toé khắp nhà.

15:39 Saturday,30.6.2012

Đăng bởi:  Candid

Tự dưng em nhớ truyện cười VN có ông hoạ sĩ bảo là dễ nhất trên đời là vẽ ma quỷ vì chả ai rõ ma quỷ thế nào. :D

Xin lỗi các bác là chả liên quan.

14:03 Saturday,30.6.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Tò mò thử xem quỷ cái có dung nhan thế nào:

1)Mắt quỷ cái Medusa đủ cả lòng đen lòng trắng, và trên mắt có lông mày, thậm chí còn khá rậm:

Xem

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/d/d3/Medusa_by_Carvaggio.jpg

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/6/6b/Rubens_Medusa.jpeg

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/e/eb/Medusa.jpg

http://www.radioanywhere.co.uk/upload/35/494.medusa%5B2%5D.jpg

2 – Bây giờ ngó chơi vài kiệt tác chân dung người đẹp, Đức Mẹ và Thiên thần của Leonardo da Vinci:

Mona Lisa:

http://en.wikipedia.org/wiki/File:Mona_Lisa,_by_Leonardo_da_Vinci,_from_C2RMF_retouched.jpg

Đức Mẹ Benois

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/e/ec/Leonardo_da_Vinci_Benois_Madonna.jpg?uselang=es

Lời truyền tin:

http://uploads0.wikipaintings.org/images/leonardo-da-vinci/annunciation.jpg

Đức Mẹ Đồng Trinh tại núi đá:

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/d/d9/Leonardo_da_Vinci_-_Virgen_de_las_Rocas_%28Museo_del_Louvre%2C_c._1480%29.jpg

Trời đất! Không chỉ mỹ nhân của đại gia mà đến cả Thánh Mẫu với Tổng Thiên thần Gabriel đều không có lông mày, còn mắt thì đen nhiều hơn trắng!

3 – Xem văn chương rùng rợn mô tả quỷ cái ra sao:

“…Gần đây trong làng người ta sợ hãi một con quỷ cái áo đen thường xuất hiện chải tóc ở trên một tảng đá hình mặt quỷ. Lâu lâu nó lại xuất hiện tận trong làng lúc nửa đêm, có lần đám thanh niên nọ đi chơi đêm về ngang một cây me bỗng thấy có người con gái đứng chải tóc, nhưng chúng lại tưởng là cô con gái nhà đối diện cây me đó. Thấy làm lạ chúng đến gần rồi hỏi :
- Ê, bộ khùng hay sao mà giờ này ra đây đứng chải tóc như ma vậy mày?

Con quỷ chợt rung hai cái vai rồi nó ngẩng mặt lên. Cả đám thấy đó không phải mặt người, hai cái răng nanh lòi ra ngoài, mắt xanh lè không có tròng đen, da mặt thì trắng phớ...”

(trích “Gã pháp sư và con quỷ cái” từ http://thegioivohinh.com/diendan/showthread.php?t=24998)

À, té ra mắt quỷ cái không có lòng đen còn da mặt thì trắng phớ kể cả nhìn trong bóng tối.

20:57 Friday,29.6.2012

Đăng bởi:  Trịnh Xuân Đỉn

Nguồn sáng trong tranh gợi cho tôi lại cảm giác khi xem tranh của El Greco.

Theo tôi, mọi diễn giải của họa sĩ là đủ để mở đường cho người xem cảm nhận tác phẩm theo ý anh. Nhưng nếu người xem cảm nhận khác đi thì cũng vẫn tốt.

Trong tác phẩm này, điều làm cho tôi băn khoăn, khiến tôi phải xem đi xem lại không phải ở con dơi, quả bơ, cái ô, không gian xa xăm có ngọn núi (tôi trộm nghĩ là những thứ anh Đăng thích thú khi diễn tả) mà là chân dung của người phụ nữ. Cô ta không có lông mày, ánh mắt có vẻ gì đó của loài quỷ khi biến hình (toàn lòng đen).

Sau khi suy nghĩ kỹ và cảm nhận thật là sâu sắc theo cách riêng thì nếu tôi được đặt tên tranh, tôi sẽ gọi: Loài Quỷ Cái.

20:00 Friday,29.6.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

@hieniemic

Trái bơ (avocado) là thứ trái cây bán tại siêu thị ở Tokyo mà tôi ưng ý nhất khi tôi bắt đầu vẽ bức tranh này.

Vài thông tin về trái bơ: Trái bơ có xuất xứ từ Mexico, được nhập cảng vào Đông Nam Á vào cuối t.k. 16 - 19. Người Aztec (một sắc tộc tại Mexico) coi trái bơ là biểu tượng của tình yêu. Ở Columbia người chồng tặng vợ trái bơ để tỏ lòng chung thủy của mình.

Anton Schindler, phụ tá của nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven, từng kể lại rằng có lần, khi ông ta hỏi Beethoven về ý nghĩa của Sonata số 17 opus 31 của Beethoven, thì Beethoven trả lời: “Hãy đọc vở kịch ‘The Tempest’ (Cơn bão) của Shakespeare.” Thế là Schindler gán cho bản sonata này cái tên “Cơn bão”.

Dĩ nhiên, nếu ta liên tưởng tới cơn bão khi nghe sonata này hay ánh trăng khi nghe Sonata số 14 opus 27 của Beethoven thì cũng thú vị lắm. Song, âm nhạc và hội hoạ là những thứ không thể nào được diễn tả hết bằng lời, hay nghĩa của văn chương. Nếu làm được như vậy thì không cần phải soạn nhạc, chơi nhạc, hay vẽ tranh làm gì nữa.

Một bức tranh đáng xem là một bức tranh có nhiều tầng lớp, trong đó tầng ngữ nghĩa chỉ là một phần, nhiều khi là phần không đáng kể, phần nổi trên bề mặt.

Tôi vẽ bằng trực giác và linh cảm. Đó là những thứ tôi không giải thích được mà chỉ cảm nhận được khi ý tưởng hiện lên, định hình rõ và tồn tại dai dẳng để tôi có thể quyết định vẽ nó trên canvas. Tôi coi trực giác là điều quan trọng nhất trong quá trình sáng tạo nghệ thuật cũng như khoa học. Trực giác làm nên điều bí ẩn của bức tranh. Bí ẩn là một trong những biểu hiện cao nhất của Cái Đẹp. Nhiều khi trong quá trình vẽ tôi mới thấy các ý tưởng văn học nổi lên. Cho dù đó là những phát hiện thú vị nhưng tôi không quá chú trọng tới điều này. Cái tôi quan tâm nhất là hiệu quả mà bức tranh tạo ra cho cảm giác của tôi. Nghệ sĩ là người tạo nên thế giới hữu hình của màu sắc, đường nét, hình khối hay hoà âm, giai điệu từ thế giới vô hình của tư duy và niềm say mê. Đó là khả năng hiếm hoi mà Chúa Trời ban cho con người.

Mỗi người thưởng ngoạn, tùy theo nền tảng văn hóa, học vấn, trải nghiệm cuộc đời và nhân cách của mình, sẽ có những cảm xúc và liên tưởng khác nhau khi xem cùng một bức tranh. Theo tôi, điều quan trọng đối với người xem tranh hay nghe nhạc không phải là cố hiểu xem hoạ sĩ hay nhà soạn nhạc nghĩ gì, muốn gì, hay hàm ý gì, mà là hội hoạ hay âm nhạc đó gây ấn tượng gì cho chính mình, có mở cho tâm hồn mình một điều gì đó không.

Một nhà bình luận mỹ thuật hay âm nhạc có tài là người phải coi bình luận là một công việc sáng tạo tương tự như một tác phẩm nghệ thuật. Dạng bình luận cao nhất là bình luận bằng tâm hồn của mình, đặt mình vào tác phẩm của nghệ sĩ và tái tạo lại nó. Khi đó người đọc sẽ được đọc một bài bình luận như một tác phẩm nghệ thuật mới. Quan điểm cá nhân của nhà bình luận về tác phẩm của nghệ sĩ là điều người đọc ít quan tâm, và thật ra quan điểm đó không mấy có ý nghĩa. Điều có ý nghĩa và có giá trị là tinh thần và cảm xúc mà nhà bình luận thể hiện bằng những câu văn trong sáng tạo của mình.

18:28 Thursday,28.6.2012

Đăng bởi:  hieniemic

Chú Đăng cho cháu hỏi quả bơ ở đây là biểu trưng cho gì ạ?

8:05 Thursday,28.6.2012

Đăng bởi:  DK

Giả dụ như chữ Umbre được ai đó viết theo cách ngược thì lúc soi vào gương nó sẽ ra từ đúng. Vậy thì cái gì là ảo thì vẫn là ảo, cái gì là thật thì vẫn là thật. Theo như những lời giải thích cho bức tranh, thì chữ Umbre phải được hiểu theo ý của tác giả thì mới hiểu được bức tranh. Vậy nếu xét theo cách viết đúng chính tả tức là chữ Umbre sẽ được viết theo chiều viết thông thường. Vậy theo logic, hoặc ít nhất là cảm giác của tôi, thì người xem sẽ "chợt nhận ra" mình chính là người đàn bà ở trong tranh(hoặc người đàn bà trong tranh chính là mình). Nhưng ngay sau đấy sẽ xuất hiện một sự phi lý. Người đàn bà đó đã được nhận dạng, có đầy đủ đặc điểm của một cá nhân nào đó, và chắc chắn ko phải là ai trong số người đang xem. Trừ khi người đàn bà đó có thật và đang xem bức tranh này. Hơn nữa, những hình tượng được đưa vào tranh hơi khó hiểu và mù mờ, mang quan điểm hoặc kinh nghiệm cá nhân của người vẽ nhiều hơn. Ở đây tác giả đưa ra nhiều câu đố, nhưng chưa chắc tác giả đã biết chính xác câu trả lời. Liệu cái ô có nói lên điều mà tác giả muốn nói khi vẽ cái ô vào không. Con dơi, quả bơ,... cũng vậy. Và thắc mắc tại sao ở đây lại phải là tiếng Latin? Và tại sao lại từ Latin sang tiếng Anh rồi sang tiếng Nhật?

0:01 Wednesday,27.6.2012

Đăng bởi:  mk

mình thích, (hợp), với ý của Mạnh Hà: Cần thứ gì đó cao hơn lý trí và kỹ thuật.

22:39 Tuesday,26.6.2012

Đăng bởi:  Em-co-y-kien

Tranh này của chú Đăng có bố cục cực "sợ":

- một dấu + (chữ thập) gần như nằm chính giữa tranh, chia tranh làm 4 phần đều nhau, tạo bởi đường chân trời nằm ngang và đường viền cạnh rìa tay và thân trái (nhìn từ trong ra) của người nữ;

- Một dấu X (chữ ích-xì) gần như chồng đè lên chữ thập, tạo bởi nét tréo kéo từ góc-dưới-trái lên góc-trên-phải (là những con dơi và cạnh bàn bên trái) và bởi nét tréo xéo từ góc-dưới-phải lên góc-trên-trái (do cái ô + con dơi dưới cùng + cánh tay người nữ tạo thành).

Một bố cục quá đăng đối, quá chắc chắn, quá vững chãi tới mức rất zễ làm cho tranh bị khô-cứng nếu người vẽ non tay và yếu bóng-vía cho nên bất kỳ họa sĩ Tây-Ta nào cũng "run" và thường hết sức kiêng kị zạng bố cục này.

Đây hẳn là một bức tranh rất oách, nhất là về cái bố cục vô cùng đặc biệt có lẽ chưa gặp cái thứ 2 bao zờ trong hội họa Việt (?)

Lẫm liệt ghê gớm!

Zị biệt ghê gớm !

18:03 Tuesday,26.6.2012

Đăng bởi:  Trịnh Minh Tiến

@Nguyễn Đình Đăng: Cám ơn chú rất rất nhiều về những thông tin chi tiết mà chú đã chia sẻ. Chúc chú luôn vui, ngày càng có nhiều bài viết hấp dẫn và những bức tranh đẹp ah! Ah được nghe chú nới chuyện một lần ở trường Mỹ Thuật Việt Nam về kĩ thuật vẽ sơn dầu, hy vọng một ngày nào đó chú sẽ tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân ở việt Nam ah! Háo hức muốn xem :D

12:33 Tuesday,26.6.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

@Trịnh Minh Tiến

Photorealism (Hiện thực ảnh chụp), Hyperrealism (Cực thực hay Cường thực) và Surrealism (Siêu thực) đều dính tới Hiện thực (Realism) nhưng mục đích khác nhau.

"Chủ nghĩa Hiện thực" (Realism) cho rằng bản chất của hiện thực có thể được nhận biết một cách khách quan, không phụ thuộc vào quan niệm, ngôn ngữ, tín ngưỡng, v.v. Như vậy nghệ sĩ có thể cảm nhận được hiện thực khách quan và mô tả lại một cách trung thực khiến người khác khi xem cũng nhận biết được như vậy.

"Chủ nghĩa Siêu thực" (Surrealism) tin vào thế giới ngoài hiện thực, ví dụ như thế giới trong vô thức, vượt qua mọi trở ngại của tâm lý, lý trí. Hội hoạ siêu thực có thễ vẽ người và vật như thực nhưng để thể hiện thế giới ngoài hiện thực, của vô thức, như thế giới trong giấc mơ. Kết quả là, các vật thể, không gian, ý tưởng mà thường không "đi với nhau" trong thế giới thực, lại được hội họa siêu thực xếp với nhau trong cùng một khung cảnh, tạo ra cảm giác phi lô-gic, ngạc nhiên.

"Hiện thực ảnh chụp" (Photorealism) dùng ảnh chụp làm tư liệu và từ đó tạo nên bức tranh trông như bức ảnh. Photorealism chú trọng vào các hiệu quả của ảnh chụp như phản quang trên các bề mặt v.v.

"Cực thực" hay "Cường thực" (Hyperrealism) là phong cách được phát triển từ Photorealism (Hiện thực ảnh chụp) vào khoảng những năm 1970.

Hyperrealism khác photorealism ở chỗ hyperrealism không đơn thuẩn sao chép ảnh, mà dựa trên ảnh để tạo ra một hiện thực giả tưởng không có trong ảnh gốc, tức là "hyper thực" hay "hiện thực thái quá". Cực thực thường mang tính dẫn chuyện hoặc gây xúc động, hoặc mang những đề tài xã hội, chính trị, văn hóa v.v., trong khi hiện thực ảnh chụp bỏ qua những yếu tố này.

Cực thực (hyperrealism) khác siêu thực (surrealism) ở chỗ cực thực muốn tạo ra một ảo giác thuyết phục của hiện thực. Vì vậy, tranh hay tượng hyperrealism thường trông giống bức ảnh có độ phân giải cực cao. Các vật thể được mô tả chi li như có thể sờ mó được, chi tiết và bóng bẩy hơn cả ảnh chụp, thậm chí hơn cả các vật thể này được thấy trong tự nhiên.

Trong triết học hậu hiện đại, "hiện thực thái quá" hay "cực thực" hay "cường thực" (hyperreality) thể hiện sự bất lực của nhận thức trong việc phân biệt giữa hiện thực và sự mô phỏng hiện thực (ví dụ computer art có thể vẽ ra những không gian giả mà trông như thực hoặc "hơn" cả thực). Vì thế đó là một loại hiện thực giả tưởng, một sự mô phỏng của thứ không tồn tại trên thực tế.

Như vậy các khái niệm hiện thực, siêu thực, hiện thực ảnh chụp, cực thực không đơn thuần chỉ hàm ý về kỹ thuật vẽ, mà mang nội dung triết học.

Một số hoạ sĩ hyperrealists đương đại:

Richard Ester
http://upload.wikimedia.org/wikipedia/en/1/15/Richard_Estes.jpg

Denis Peterson
http://www.denispeterson.com/galleryone.html

Bert Monroy - chuyên gia dùng Photoshop để tạo nên các bức tranh cực thực:
http://www.automotiveillustrations.com/illustrators/automotiveimages/bert_monroy_oakland.jpeg
Ông này vì thế còn được gọi là hoạ sĩ Hiện thực Photoshop;

Franz Gertsch
http://www.freunde-klever-museen.de/images/000250image.jpg

và nhiều người khác.
Còn về câu hỏi liên quan tới hội họa của tôi, bạn có thể tìm thấy câu trả lời tại đây:
http://ribf.riken.go.jp/~dang/whoarewe/toikhongquantam.html

9:31 Tuesday,26.6.2012

Đăng bởi:  Mạnh Hà

Xem tranh của Nguyễn Đình Đăng: Cần thứ gì đó cao hơn lý trí và kỹ thuật

Tôi vốn có thói quen xem một bức tranh trước khi xem tiêu đề. Thường khi một bức tranh thực sự có gì đó, lúc đó mới mon men xem tên tác giả và tên bức tranh để nhớ. Đã được xem vài bức trước đây của anh Đăng, và quả thật với bức tranh anh mới vẽ này, dám cam đoan là tôi nhận ra ngay tranh của anh nếu ai đó có che đi tên tác giả. Âu đó cũng là một thành công, mặc dù với lối vẽ kĩ càng này, ở Việt Nam cũng không phải hiếm người vẽ, và thế giới lại càng không.

Tạm thời bỏ qua những lời chú giải khá cẩn thận của anh Đăng về từng chi tiết trên tranh, thiết nghĩ, có lẽ việc đầu tiên và trên hết là ngắm toàn bộ bức tranh và tìm kiếm sự hấp dẫn nào đó lôi mình lại.
Với bức này, quả thực anh Đăng đã thành công trong việc lôi người xem ở lại lâu hơn với bức tranh. Anh đã biết tạo ra những hiệu quả về ánh sáng, bút pháp, kĩ thuật thể hiện kĩ lưỡng đến từng cm mặt tranh những chi tiết đầy ẩn ý và gây tò mò.

Thế nhưng, nếu dừng lâu hơn, sau khi bị hấp dẫn hoặc thán phục sự dày công của từng chi tiết, người xem muốn tìm kiếm một điều gì đó sâu hơn – muốn tìm thấy mình như một phần trong đó, bằng liên tưởng, thì có vẻ như điều này chưa đạt được.

Trong bức tranh này, mọi chi tiết bị rời rạc. Ở đây không phải sự rời rạc trong cảm giác của một giấc mơ. Trong giấc mơ, các chi tiết tưởng chừng không ăn nhập với nhau nhưng khi tỉnh dậy lại cho người ta băn khoăn về một cảm giác rất thực. Còn cái rời rạc trong bức tranh này là sự lỏng lẻo qua lại của các chi tiết để tạo nên một bố cục và nhịp điệu của một câu chuyện chặt chẽ. Sự dày đặc của chi tiết nhưng lại lỏng lẻo về kết cấu đã làm cho những khoảng trống trong tranh - những khoảng trống đáng ra nói được nhiều nhất - lại trở nên như một sự thiếu hụt, khiến cho người xem đáng lẽ như con dơi được bay lượn tiếp tục trong cái không gian mơ màng ấy, giờ cảm thấy bức bối như va vào một bức tường câm lặng.

Mặc dù anh Đăng đã giải thích, nhưng tất cả những chi tiết về đảo chiều do tấm gương kia vẫn chỉ là một thủ pháp thuần lí trí. Sự đảo chiều thực-ảo-ảo-thực ấy nên được nhận biết nhiều hơn bằng cảm nhận, bằng suy đoán của người xem, chứ không nên bằng ý chí mạnh mẽ của tác giả, quyết mang lại hiệu quả về thị giác “có định hướng”. Sự đảo chiều thực-ảo ấy nên như một câu thơ hay, tạo cho người nghe một xúc cảm tức thời trước khi nghe tác giả mổ xẻ phân tích về ngữ nghĩa.

Có lẽ khi vẽ bức tranh này, họa sỹ đã quá chú tâm vào việc “vẽ”. Có cảm giác họa sỹ quá đã quá say sưa vào việc diễn tả ánh sáng của ngọn nến được che đi bởi bàn tay, rồi cơ bàn tay hồng lên trong ánh nến, cái bóng bảy của chất liệu vải áo dài người nữ, những con dơi, vài mảnh thủy tinh vỡ…. Tất cả những chi tiết đó đều được vẽ rất khéo, nhưng chúng lại không mang lại cho người xem không gian của một thế giới siêu thực (cái mà người xem tạm cho là ngôn ngữ của họa sỹ muốn dùng), mà lại cũng chưa đạt đến cái “cực thực” để người ta phải ngỡ ngàng.

Tất nhiên, họa sỹ có thể mắng người xem rằng tất cả những con dơi, cái ô, từ ngữ được viết trên tờ giấy đều có ý nghĩa đó chứ. Và người xem vẫn có thể cãi lại rằng, vâng, vẫn biết bất cứ cái gì cũng đều có ý nghĩa, thế nhưng nghĩa + nghĩa + nghĩa + nghĩa +… nhiều khi không phải là một “tổng” của nghĩa, chưa kể để bật lên được “nghĩa” của từng nghĩa nhiều khi còn cần một thứ gì đó – một thứ gì đó lù mù mà người viết cũng không biết gọi tên ra, chỉ biết là nó cao hơn cả lý trí và kỹ thuật.

22:40 Monday,25.6.2012

Đăng bởi:  Trịnh Minh Tiến

Chú Nguyễn Đình Đăng cho cháu hỏi. Cháu nghĩ chú đi theo trường phái Siêu Thực và dùng bút pháp tả thực phải không ạ!? Thấy nhiều người bảo là Cực Thực cháu nghĩ không phải! Vì chú là người có kiến thức uyên thâm nên cháu xin chú một số thông tin về trường phái Cực Thực được không ah! Vì trường phái này ở Việt Nam mọi người nhìn nhận tương đối mơ hồ. Cám ơn Chú Đăng nhiều :D

21:45 Monday,25.6.2012

Đăng bởi:  anhhong

Bóng tối, dơi chuột, cái ác, sự đổ vỡ bao trùm mọi nơi, song, như lời Phật dạy, hãy "tự mình là ngon đèn của chính mình, tự mình là nơi nương tựa cho chính mình".
Tôi thấy bức tranh này đẹp và ẩn chứa điều sâu sắc. Chỉ tiếc một chút, giá như khung cảnh xung quanh nhân vật chính được vẽ một cách giông bão cuồng loạn hơn nữa.

21:27 Monday,25.6.2012

Đăng bởi:  yết kiêu hànội

Anh Nguyễn Hồng Sơn ơi ! Giải thích giúp Em thế nào là tranh có cống hiến và tranh không có cống hiến. Ở Việt nam ta hoạ sĩ điển hình nào là hoạ sĩ có tranh cống hiến? Em đang là sinh viên mỹ thuật, mong Anh chỉ giáo để Em có tranh cống hiến ạ! Cám ơn Anh rất nhiều

13:31 Monday,25.6.2012

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Cám ơn lời giải thích của anh Đăng.

11:45 Monday,25.6.2012

Đăng bởi:  Mạnh Hà

Tranh của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng có rất nhiều điều để bàn luận, từ tính cực thực đến tính siêu thực, đạt hay chưa đạt.
Đang đi công tác vội quá, muốn viết một bài mà chưa có lúc nào ngồi xuống được. Lại bị bóng đá phá rối :-)). Tối nay thể nào cũng phải viết mới được để nghe họa sĩ "chỉ giáo" lại.
Cảm ơn họa sĩ đã chia sẻ tranh mới.

23:42 Sunday,24.6.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

@ Phạm Huy Thông:

Toàn bộ bức tranh dựa vào từ "Umber".

Umber là màu nâu sẫm, tông màu chủ đạo của bức tranh này. “Umber” có gốc Latin là “umbra”, có nghĩa là bóng tối.

Từ "umbrella" có nghĩa là “cái ô” có xuất xứ từ “umber” vì cái ô là vật che nắng (tạo nên bóng râm).

"Cái ô" còn gắn với "con dơi". "Con dơi" trong tiếng Nhật là "komori" (蝙蝠). Khi cái ô Tây xuất hiện tại Nhật vào thời Minh Trị, người Nhật thấy nó giống cánh con dơi nên gọi nó là “cái ô dơi” ("komori gasa" 蝙蝠傘) để phân biệt với cái ô giấy của Nhật (kasa =傘) giống cái lọng của ta. Dần dần người ta gọi tắt "komori" là “cái ô” (vừa là con dơi).

Ánh sáng (ánh nến trong tranh) đi kèm với bóng tối tựa như Thiện đi kèm với Ác, như Rõ ràng bên cạnh Bí ẩn.

Hình ảnh tronh tranh là hình phản chiếu trong gương, trừ quả bơ và tờ giấy trên bàn đặt trước gương là “thực”. Nhưng tôi vẽ “thực” thành “ảo”, “ảo” thành “thực”, tức là hình ảnh trong gương là “xuôi”, còn hình ảnh của vật thực là hình ảnh “ngược". Từ “Umber” trên tờ giấy trước gương là ngược, ảnh của nó trong gương mới xuôi. Hình người đàn bà trong gương là “thực”, như vậy người xem là “ảo”. Chữ ký của tôi cũng ở góc trái và ngược.
Xem tại
http://ribf.riken.go.jp/~dang/paintings/reflection/details/pages/page_6.html

Vậy là chúng ta như đứng trong gương mà nhìn ra ngoài!

Phải soi toàn bộ bức tranh vào gương thì thực mới thành thực, ảo mới thật sự là ảo.

22:14 Sunday,24.6.2012

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Bạn Nguyễn Hồng Sơn ơi. Vẽ vời, làm nghệ thuật có lẽ là việc làm sướng, làm thoả mãn chính mình thôi. Còn chuyện đóng góp thì để đời sau bàn nhé.
Dạo này ít thấy Nguyễn Hồng Sơn comment, các nghệ sĩ trong Nam, do không được gặp trực tiếp nên rất hay hỏi tớ về Nguyễn Hồng Sơn đấy. Chúc mừng bạn.

22:10 Sunday,24.6.2012

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Anh Đăng ơi.
Sự xuất hiện của hai tờ giấy có chữ "Umber" và phản chiếu của chữ "Umber" có ý gì ạ? Sao lại là Umber (một sắc mầu)?

20:54 Sunday,24.6.2012

Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN..

Tranh anh Đăng không xấu, nhưng vẽ như thế thì chưa có cống hiến gì.

10:46 Sunday,24.6.2012

Đăng bởi:  Trần Đức Như Không

Anh Đăng hình như có 2 bộ óc thật thông minh trong một cái đầu. Vừa là nhà khoa học tài năng trong lĩnh vực vật lý, lại vừa là một nghệ sĩ tạo hình nổi tiếng.Thật ngưỡng mộ anh.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả