Nghệ sĩ Việt Nam

Hội họa Việt Nam có nguy cơ mất gốc?

SOI: Bài này được đăng trên trang Sức Khỏe & Đời Sống. Soi xin được đăng lại. Hình ảnh cũng là từ trang gốc. Khi tìm thấy bài này, họa sĩ Bùi Hoài Mai đã hỏi một câu thảng thốt: “Ai thế nhỉ?” Ai? Ai đó trong ban tuyên giáo? 🙂 Ai đó trên Cục? 🙂 […]

Ý kiến - Thảo luận

11:36 Thursday,4.1.2018

Đăng bởi:  Nga Nguyễn

Nói chung, chả hiểu tác giả này viết cái gì? Xin thưa, nếu họa sĩ ko bán tranh thì họ sẽ sống bằng gì? Mà muốn bán được, họ phải đáp ứng thị hiếu, nhu cầu tưởng thức của công chúng, để đưa nghệ thuật vào đời sống tức là họ đã thành công với nghề nghiệp của mình.
 

0:01 Thursday,24.9.2015

Đăng bởi:  Thiết Phan

Nói đến Gốc mà không hề nói Gốc ấy thế nào...chỉ đao to búa lớn với Ngọn

Xin nhớ ý của Danh Họa Tô Ngọc Vân phản bác Trường Chinh...nếu muốn hội hoạ và điêu khắc phục vụ nhân dân...hãy cho Gốc Nông Dân đi học vẽ đã...

21:43 Sunday,23.8.2015

Đăng bởi:  Det

Nhì nhằng loằng ngoằng, đem những cái xưa cũ để soi vào thực tại, lùn

9:22 Monday,17.8.2015

Đăng bởi:  hài hài

Đúng là đả kích, châm biếm. Tay phóng viên Tố nữ kia, đừng có đem cái hệ quy chiếu làng xã ra để áp dụng cho hệ thống hội họa nước này. Để hiểu và đánh giá bất kể vấn đề gì người ta cũng cần có tư duy ( kiến thức, trải nghiệm, logic, phản biện... ) , không thể đem hiểu biết của riêng mình, với kinh nghiệm mà chụp mũ toàn bộ một vấn đề lớn như vậy. Phải chăng tay pv ghanh tị với những người mua tranh mà quy tội cho họ là trọc phú và người nước ngoài hám của lạ, quy tội cho họa sĩ là chạy theo thị trường? Ông nghĩ họa sĩ là thần thánh quái nào mà không cần ăn? Xin lỗi ông, đợi vào quần chúng quan tâm, ngưỡng mộ và mua tranh thì có mà chảy thây rồi. Quần chúng như ông đang nói là nông dân, công nhân, người lao động...đang phải kiếm ăn từng bữa kia kìa, trí thức, công chức thì đang nhậu, các "Xếp" còn đang nỗ lực làm tượng đài kia kìa...chờ vào đâu? Họa sĩ phải tự mình làm thôi, làm với tất cả những gì mình có, làm hết mình và lịch sử sẽ phán xét!

22:34 Saturday,15.8.2015

Đăng bởi:  Thanh nguyen

Người điên không biết mình điên, người viết bài trên ở thế kỷ  XX đời đầu .Nghệ thuật hoặc là điên, hoặc nó dìu dắt khai mở thiên hạ... (Trừ những kẻ điên.bệnh lý)!

16:44 Saturday,15.8.2015

Đăng bởi:  Nguyễn Minh Châu

Nghệ thuật cần có cá tính ,muốn cần anh ta cần có tính chủ quan,muốn vây anh ta cần có tự do trong tư duy...anh ta gạt bỏ mọi sự từ khách quan,anh ta vẽ cho mình ưng ý ...đến độ nào bức tranh đẹp vừa lòng..Tôi chưa cần biết anh thế nào ,nếu là họa sĩ hãy cho tôi xem tranh đẹp của anh ,qua đó tôi hiểu về anh như thế nào.Anh họa sĩ cứ vẽ ,vẽ bằng những đam mê khao khát để vẽ của mình ,bằng con mắt ,trái tim,bằng những trải nghiệm mà anh đã và đang sống nơi đất Việt anh sinh ra,trên tranh anh nó là hơi thở, nó là tiếng nói của ng Việt...Bản sắc dân tộc anh đã có sẵn nơi trái tim anh ,đã có sẵn từ thế hệ trước..Anh không quan tâm tới nỗi lo sợ bị mất bản sắc ..VÌ bản sắc ở tại dòng máu nơi trái tim Việt từ khi ra đời ...Chỉ có ai đó không dám dấn thân vào Nghệ Thuật một cách đích thực ,mới nghĩ đến việc đáng ra không cần nói đến nữa....Cảm ơn anh chị em..

14:51 Saturday,15.8.2015

Đăng bởi:  trân trọng viết

Có thể nói, mỹ thuật được sản sinh ra và tồn tại nhờ tính đặc thù của từng cộng đồng. Nó được quyết định bởi văn hóa của cộng đồng đó. Chính những lối ăn nết ở khác nhau nẩy sinh những nhu cầu thẩm mỹ khác nhau, và phương thức sáng tạo khác nhau. Vì vậy mỹ thuật cần những nét đặc trưng để tạo sự phong phú đa dạng. Công phu cũng được, phóng khoáng thì đã sao nhỉ!?
Cái gọi là "bản sắc" làm nên diện mạo tuyệt vời của mỹ thuật thế giới.
Nhiều người cho rằng một tác phẩm kỳ công thì hàm lượng thẩm mỹ cao hơn những tác phẩm bộc phát, sáng tác trong thời gian ngắn. Họ ra sức cổ vũ cho một thể loại chép ảnh công phu. Họ đánh giá hàm lượng thẩm mỹ bằng khả năng chép lại tác phẩm đó của một tay thợ sơn hạng bét. Xin thưa! những bức tranh kỳ công nhất lại là những bức tranh rễ sao chép nhất, thách thức duy nhất chỉ là sự kiên trì!
Có người lại cho rằng sáng tác chỉ để cho mình không vì ai cả. Thật không biết ngượng mồm! hình ảnh anh ta lê đít khắp nơi trình bầy nào là ý này, nghĩa nọ ở "tác phẩm" của mình ai không thấy! Thất vọng thay toàn thấy anh "Tàu" này, anh "Tây" nọ ở đó mà thôi.
Nếu ví mỹ thuật thế giới là một vườn hoa thì còn gì tuyệt vời bằng đây là một vườn hoa trăm sắc, trăm loài!
Một gốc táo sinh ra quả táo, nếu gốc táo đó lại sinh ra ra quả lê nhờ cấy ghép thì đúng là loài "mất gốc"!

15:56 Friday,14.8.2015

Đăng bởi:  Lê Bá Nổ

Chị Tố Lan nè: Ngày nhỏ mỗ cởi chuồng tắm mưa, ai cũn khen mỗ đẹp, ngây thơ, đáng yêu. Nhưng giờ lớn rồi mà cởi chuồng tắm mưa, người ta chắc chắn sẽ đưa mỗ vào nhà thương điên đấy nhé. Lấy tranh Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh... thời dó ra để so sánh và có ý áp đặt cho thời nay với câu hỏi: tại sao không vẽ như các cụ ấy? Như thế mới không mất gốc à? Nếu như vậy thì khác gì chuyện cởi chuồng tắm mưa của mỗ hở Tố Lan?

5:45 Monday,4.11.2013

Đăng bởi:  Đầu Đất

Lo làm gì ba cái chuyện của mấy anh hùng bàn phím lăng nhăng các bạn ơi. Sở dĩ nói lăng nhăng là vì họ đang lo người Việt vẽ ra tranh Liên Xô hoặc Lào hoặc Angola. Tôi không lo chuyện dân tộc tính mà lo tranh Việt chẳng có "tính" gì cả. Cứ thẳng thắn thế này cho vuông: đã nhiều họa sĩ dành cả đời ra để vẽ như Pháp, như Liên Xô v.v... mà có nên hồn đâu? Nếu được vài "tính" ấy thôi thì cũng đủ vênh váo với thiên hạ rồi. "Dân tộc tính" là khái niệm ẩm ương chỉ đám bất tài mới nghĩ ra được. Đừng để mình bị cuốn vào cái mớ vớ vẩn ấy.

0:04 Monday,4.11.2013

Đăng bởi:  maika

mình không có ý định tranh đúng-sai hơn-thua, chỉ muốn được lắng nghe những ý kiến về vấn đề mình rất quan tâm. đó là bản sắc của người Việt là gì? nó như thế nào?... ở đây người viết (Tố Lan) đã đặt ra vấn đề mình lâu nay cũng nghĩ mà không thấu đáo. và một số ý kiến ở đây của một vài người có tên tuổi thật ra vẫn chưa khiến mình thấy thỏa đáng. nếu chỉ nghĩ bản sắc là nón lá, con trâu, sông nước v.v... thì có hơi thô sơ quá không? và việc nhìn lại để thấu hiểu chính mình, lẽ ra nên được ủng hộ. để từ đó dẫu có san bằng mọi rào cản để toàn cầu hóa, thì mình vẫn không trở nên những sản phẩm công nghiệp hàng loạt? thậm chí chỉ là hàng nhái? hầu hết những tác phẩm đương đại mình được xem (trong phạm vi nhỏ của mình) nếu đặt ra một lúc mình không thể nhận ra "ai" là "ai", thật ra có được vài người ít ỏi so với lượng họa sĩ có nhiều, cả những người có kỹ năng khá. thế nên người viết (Tố Lan) đưa ra vấn đề rất hay, chỉ là cách cô giải trình chưa sâu và chưa thuyết phục. mong được lắng nghe thêm. xin cảm ơn.

19:51 Sunday,3.11.2013

Đăng bởi:  Cái za za mỏi miệng

Nhắc tên Nguyễn Phan Chánh hai lần. Cũng được. Nhưng còn Vũ Giáng Hương và nhiều người nữa (của thế hệ hưởng nền giáo dục của Pháp), đã làm cho lứa "bao cấp" chúng tôi cảm nhận, được phần nào, thế nào là hội họa.
Tôi không nghiêng nhiều lắm sang việc chê các bạn họa sĩ trẻ bây giờ. Xét cho cùng, thày của họ là ai? 
Các sách viết rằng Tardieu đã "nhấn" vào những "nốt cộng hưởng" phương Đông trong Nguyên Phan Chánh, hướng ông đi trên đường dùng một chất liệu "gốc" Việt Nam.
Vấn đề chắc không hẳn là thày nội hay thày ngoại, mà là hay, hay dở. Nói thẳng ra, là có tài hay không. Dĩ nhiên các cai văn nghệ còn phải cởi trói hẳn hoi nữa. Không phải là "cho vẽ nuy rồi" còn muốn gì nữa. Mà phải thực sự quan tâm đến nghệ sĩ. Trong trường hợp Lê Quảng Hà, thấy cồm cộm gì nữa, không chỉ có vấn đề an ninh cá nhân (mặc dù đây là điều quan trọng nhất". Xin góp mấy lời cực quê rồi thôi, dù vẫn muốn nói nữa...

12:24 Sunday,3.11.2013

Đăng bởi:  Hoàng Nguyên Bình

Bạn viết cũng có nhiều điểm trùng với tâm tư của nhiều người đứng ngoài nhìn vào hội hoạ, và cũng có những trăn trở của người ngoài lo lắng cho thân phận của hội hoạ nước nhà. Tuy nhiên muốm hội họa khỏi bị mất "gốc" theo ý bạn nói, thì trước tiên phải xem cái "gốc" nó là gì vậy ! Hội hoạ VN có gốc không ? cái hồn Việt phảng phất hoặc đậm đặc trong tác phẩm của các hoạ sỹ mà tạm cho là có "gốc" thực chất chỉ là vẽ về người Việt , hoặc vẽ kiểu ..ta. Nó không đại diện cho cái gọi là GỐC của mỹ thuật VN.
 Ái chà, đụng đến việc này thì lại dài dòng lắm, và lại cãi nhau chí choé. Nhưng dù sao thì cũng phải có một sự thật. Sự thật đó là chúng ta chưa tìm ra gốc của hội hoạ VN là gì và đâu là cái tiêu chí để hoạ sỹ trẻ nhìn vào để mà soi ..cho dù ta cũng có nhiều hoạ sỹ  trong nước gọi là Đại thụ .
 

10:07 Sunday,3.11.2013

Đăng bởi:  billy John

Hội hoạ có nhiều trường phái, mỗi trường phái ví như một thứ ngôn ngữ, trong đó trường phái hiện thực giống như tiếng mẹ đẻ , các trường phái khác tỷ như Ấn tượng là tiếng Pháp, Triù tượng là tiếng Đức, Lập thể là tiếng Anh, Biểu hiện là tiếng Hoa...v.v...Tiếng mẹ đẻ chúng ta học từ khi sinh ra và thường sử dụng.Ta hiểu và cảm nhận sâu săc tiếng mẹ đẻ như ta hiểu và cảm nhận những bức tranh của trường phái hiện thực. Nhưng thế giới có nhiều ngôn ngữ khác nhau , khi nghe những ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, ta thấy lạ, không hiểu nhưng cũng thú vị , ví như ta xem bức tranh của các trường phaí triù tượng, biểu hiện , lập thể .v.v...
Vậy nhu cầu học ngoại ngữ là tất yếu để và ta mở rộng, chia sẻ với thế giới và việc tìm hiểu  các trường phái mĩ thuật sẽ mở những cánh cửa cho chúng ta sự cảm nhận phong phú về các vẻ quan niệm về đẹp của loài người. 
Thế là cuối cùng ta thấy được kẻ nói tiếng bồi hay người sành điệu , vẻ đẹp cũng lộ ra rõ ràng như vậy khi người xem có hiểu biết về mĩ thuật. 
Với mĩ thuật của thế giới nói chung và Việt nam nói riêng, những hoạ sỹ tài năng và các kiệt tác bao giờ cũng thực sự hiếm. Để tìm được họ phải có những chuyên gia tài năng và bỏ nhiều công sức nghiên cứu. 

1:21 Sunday,3.11.2013

Đăng bởi:  Đỗ Minh Dũng

Đọc các ý kiến ở đây thấy hầu hết giới hội họa bao biện cho mình và phản đối tác giả Tố Lan. Tuy vậy, tôi thấy giới họa sĩ Việt Nam phải nhìn vào một sự thật buồn. Hội họa Việt Nam đang chơi vơi, không có chỗ đứng. Đúng, tôi đồng ý là những danh họa thế giới cho ra được những kiệt tác không phải vì sự cảm nhận của nhân dân mà chỉ muốn thể hiện bản sắc của mình chứ không phải là bán lấy nhiều tiền. Điểm khác biệt ở chỗ, các họa sĩ Việt Nam luôn vừa thể hiện "bản sắc" lại luôn nghĩ tới việc làm sao tranh của mình bán được giá cao. Do vậy, "bản sắc" lại trở thành bản rỗng mà thôi...

0:59 Sunday,3.11.2013

Đăng bởi:  Đỗ Minh Dũng

Bài báo phân tích rất chuẩn xác... Tôi không biết nhiều về hội họa nhưng cũng cảm nhận như vậy. Tôi thì thấy nổi lên phong cách hợm hĩnh, thiếu khiêm tốn, bốc đồng của giới hội họa Việt Nam

20:16 Thursday,18.4.2013

Đăng bởi:  dilettant

Một bài báo phở mậu dịch, xem chắc chỉ mất thời gian. Cái thích là có nhiều người còm khá cụ tỉ, thái độ nghiêm túc, dù ý kiến khác nhau (cũng là "phình phường" thôi)

18:21 Thursday,18.4.2013

Đăng bởi:  Lê Hà

Lâu lắm mới lại thấy anh Tùng xuất hiện. Mừng quá :)
Anh đọc bài này thì nhớ đọc thêm bài "Phỏng vấn Tố nữ.." tức phỏng vấn người viết bài này, rất vui.
Chúc anh cuối tuần vui vẻ và mong được thường xuyên gặp anh trên Soi.

17:33 Thursday,18.4.2013

Đăng bởi:  phó đức tùng

Khiếp quá Soi ơi
ai lại moi tin từ tận Sức khỏe và đời sống để đăng lại bao giờ. Hại sức khỏe quá.

15:21 Thursday,18.4.2013

Đăng bởi:  Quoc Toan

Tôi là một dân thường, không hiểu biết gì về hội họa nhưng tôi nghĩ một cách rất đơn giản rằng: Bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật có giá trị nào thì nó đều hướng tới đại chúng, phục vụ đại chúng, tức là một người bình thường nào cũng phải cảm nhận được cái hay cái đẹp của nó tuy sự cảm nhận đó ở những thang bậc khác nhau. Nhưng thú thật khi xem các bức họa đẹp trên thế giới cả cổ điển và hiện đại, tôi cảm thật nó quá đẹp và tôi vô cùng ngưỡng mộ những người họa sĩ tài ba đó, còn xem những bức họa của các họa sĩ Việt nam hiện nay thì đúng là chẳng hiểu gì và chẳng thấy đẹp ở chỗ nào. Tôi cũng không cảm nhận được những giá trị lao động của người họa sĩ kết tinh ở trong đó, tôi cảm giác rằng sự lao động của họ rất hời hợt, họ sản xuất ra một bức họa có khi chỉ bằng vài nét mực còn họ chủ yếu đầu tư thời gian và công sức vào việc thuyết minh những thủ pháp với những ý nghĩa của bức tranh đó. Còn các họa sĩ khác và các nhà phê bình chủ yếu tung hô tự sướng với nhau, họ nghĩ rằng chỉ có trong giới họ mới đủ khả năng để cảm nhận được giá trị của nó, còn công chúng chỉ là một lũ bò. Tôi đặt câu hỏi vì sao mà chúng tôi vẫn cảm thụ được cái hay cái đẹp của các ngành nghệ thuật khác như một tác phẩm văn học, hay một bộ phim chẳng hạn và cả những bức tranh đẹp của thế giới mà sao lại không cảm nhận được giá trị của những bức tranh của các họa sĩ Việt nam, chúng tôi có phải là những con bò không?

10:54 Thursday,30.8.2012

Đăng bởi:  tuyenpv

Trách tờ báo nọ, họ không có lấy một người đủ thông minh (về hội họa) để mà duyệt bài. Truyền thông kiểu này thì còn làm ngu xã hội nhiều lắm. Nhớ lại các cụ xưa có nói: khôn hay ngóng, ngọng hay nói

11:46 Thursday,2.8.2012

Đăng bởi:  Bưởi

Đọc bài xong thấy buồn cười, tác giả bài viết này quả đáng thương.

13:52 Tuesday,31.7.2012

Đăng bởi:  Garden painter

Từ giờ tranh tôi sẽ là: áo dài, nón lá, áo tứ thân, áo the, guốc mộc, cây đa-bến nước-con đò, đồng áng, mái đình, con bò con trâu...
Đố ai dám nói tranh tôi mất gốc :)))

9:53 Tuesday,31.7.2012

Đăng bởi:  Em-co-y-kien

3-đoạn-luận về GỐC

1. Trong zới sinh-vật-lý-cảnh, từ “GỐC” nhằm để nói về 1 bộ phận đặc biệt của đa số giống cây họ mộc sống nhờ ĐẤT và vươn lên từ ĐẤT. Với những loài cây tầm gửi hay cây sống trong nước, dân gian thường bảo bộ phận GỐC là RỄ.

Cái bộ phận GỐC/RỄ có chức năng chi?

- Hút hít chất bổ để mầm nhớn thành cây non rồi thành cổ thụ (ơn zời, nếu không “gật gù”, phỏng ạ).
- Để làm chỗ zựa/tựa cho cây nghiêng ngả lả lơi với zời/đời
- Để hóa thành bộ ghế “sang-không-trọng” cho lũ chọc-ngoáy-phú xài chơi khi cây bị đốn hạ vào một đêm-không-đẹp-zời

2. Trong chốn DÂN vận của những kẻ mị DÂN, từ GỐC thường được thay cho DÂN, khác nào thứ bùa che đậy bản chất phản dân.

Cái đám/bộ phận GỐC/DÂN có chức năng gì?

- Làm chỗ đục khoét cho lũ quan tham sâu mọt
- Làm mặt nạ cho lũ hề tuồng trong các màn diễn kịch lừa công chúng
- Làm bia đỡ đạn cho lũ hèn lũ bán nước trong lúc bom rơi đạn lạc

3. Với những người yêu quê hương, GỐC để chỉ nơi sinh thành, bản quán, hay chí ít là nơi đất mẹ quê cha, nơi phát TÍCH những tình cảm thân thương có ý thức hay vô thức.

Cái miền GỐC/TÍCH có chức năng gì?

- Lưu giữ hồn cốt dân tộc, làng nước
- Sưởi ấm những trái tim lạnh những đêm xa nhà, lìa xứ
- Đoàn kết công dân khi giặc ngoại xâm lăm le bờ cõi
- Vun đắp và sẻ chia tình bằng hữu với 5 châu 4 bể.
- Bến về yên nghỉ của các liệt sĩ khi đã xong việc với dân với nước.

Xưa, đất TA rộng dân TA chưa đông mà đã có người dân Việt phải than rằng “THIẾU QUÊ HƯƠNG”.

Nay, đất TA biển TA đã ngày càng chật càng mất thì liệu ĐẤT NƯỚC NÀY phải chăng là ĐẤT NƯỚC NÓ ?

Gay-go ghê-gớm!

22:05 Monday,30.7.2012

Đăng bởi:  IQ ABC

IQ thở dài nói với bố: "Tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái, con lo nước nhà khó trở thành con rồng phương Đông"
Bố bảo: "Mày lo mấy cái con lợn của mày có đủ béo bán không hay phải mua thuốc tăng trọng về mà bơm vào. Ăn khoai sùng bàn chuyện thế giới"
Không rõ ý bố thế nào :(

18:36 Monday,30.7.2012

Đăng bởi:  Tùng bèo

Vụ này vui ở chỗ là 2 họa sỹ comment bức xúc về chuyện tranh dễ hiểu và khó hiểu là bác Đăng bên Nhật và Thông bighead ở nhà thì cả 2 bác này lại đều có lối vẽ rất minh họa tả kể và dễ hiểu.

@ Thông : Tranh của Thông số người ở VN thích ít trên đầu ngón tay vì lí do rất dễ hiểu, chỉ một người không hiểu thôi. Ha ha ha :-)))

14:59 Monday,30.7.2012

Đăng bởi:  Ớt

Chị Tố Lan viết cũng có phần đúng nhưng Hội họa to bằng con voi thì chị mới xem được cái đuôi nên nó giống cái chổi xể nếu chị xem cái chân thì ắt hẳn nó giống cái cột đình :)

13:33 Monday,30.7.2012

Đăng bởi:  Jun Kim Kon

Gửi SOI bài phỏng vấn chị Tố Nữ xung quanh bài viết về hội họa Việt Nam mất gốc.

Phóng viên (PV): Chào chị Tố Nữ, tôi vừa được đọc bài viết của chị về hội họa Việt Nam. Rất tâm đắc với ý kiến của chị nhưng cũng có vài băn khoăn… Chị có phải là người hoạt động trong ngành này?

Tố Nữ: Không, tôi ngoài ngành, nhưng tôi am hiểu về ngành này.

PV: Tôi rất thích câu của chị: “Có thể nói quá nửa người dân Việt Nam hiện nay khi được hỏi có hiểu gì về hội họa Việt Nam không đều trả lời rằng: chẳng hiểu họa sĩ vẽ gì và muốn diễn tả cái gì.” Chị làm thống kê này năm nào và phương pháp thu thập mẫu thế nào mà được đến quá nửa số dân Việt Nam tham gia ạ? Tức là phải hơn 50 triệu người cơ đấy…

Tố Nữ: Đó là một cách nói, anh là phóng viên, không nên hiểu cái gì cũng mô-tà-mô như thế.

PV: Vậy câu “Những bức tranh có giá cao hoặc là khách nước ngoài mua hoặc là người lắm tiền thưởng thức tranh kiểu trọc phú” có rơi vào trường hợp này không? Tức là do chị tự suy đoán chứ không phải từ một con số thống kê nào có thực?

Tố Nữ: Tôi tự đoán ra thôi. Nông thôn, miền núi chắc chắc không ai mua tranh. Thành thị thì cả báo tôi không ai mua tranh. Cả xóm tôi không ai mua tranh. Cứ loại suy ra thì chỉ còn bọn nước ngoài và bọn nhà giàu mua thôi.

P.V: Tôi hơi thắc mắc điều này: vì sao nhà giàu mua cũng những bức tranh ấy thì bị gọi là trọc phú, còn người dân mà ngắm những bức tranh ấy thì tranh được gọi là phục vụ nhân dân?

Tố Nữ: Anh nên đọc kỹ bài tôi nói. Tôi nói tranh hiện đại thời thượng mà treo trong nhà hàng chục tỉ, có tràng kỷ cổ điển… thì mới là trọc phú.

P.V: Còn nếu bức tranh ấy treo trong nhà tranh vách đất của nhân dân thì gọi là gì hả chị?

Tố Nữ: Tôi không thích cách hỏi của anh. Nếu anh tiếp tục hỏi thế này, tôi sẽ không trả lời nữa.

P.V: Tôi xin lỗi, chúng ta chuyển qua mảng khác vậy.

Mất gốc và còn gốc

P.V: Tôi cũng thấy như chị là tranh Việt Nam lai căng, giống Tàu một tí, giống Tây một tí. Tất cả đều nông. Tôi cũng đồng ý với chị ai cũng phải có bản sắc riêng. À, nhân đây xin thắc mắc, chị viết: “Thiên tài thì cũng phải có bản sắc riêng”, có nghĩa đúng ra thiên tài thì không cần có bản sắc riêng, phải không ạ?

Tố Nữ: Có thể lúc ấy viết vội, tôi nhầm.

P.V: Chị nói xem tranh Salvado Dalí người ta biết ngay ông gốc gác Tây Ban Nha. Ở chỗ nào thưa chị, chị có thể phân tích chút xíu không?

Tố Nữ: Tôi thấy tranh ông ấy hoang vắng như sau một trận đấu bò mà kẻ thua chính là con người chứ không phải con bò.

P.V: Ừm... Chị có vẻ bị ảnh hưởng phong cách Lê Thị Liên Hoan nhỉ… Thế theo chị, tranh Việt Nam phải mang lại cảm giác gì thì mới ra tranh Việt Nam?

Tố Nữ: Theo tôi là phải có chất thơ, chất lụa, chất chiêm… thì mới ra tranh Việt Nam. Phải hiểu được thì mới là tranh Việt Nam. Người Việt ta tâm tính bình hòa, dễ hiểu. Vẽ tranh khó hiểu tức không phải tranh Việt Nam rồi.

P.V: Có thể nói, “hiểu được” là tiêu chí quan trọng nhất để giữ bản sắc tranh Việt?

Tố Nữ: Theo tôi là như thế.

P.V: Nhưng tranh Levitan cũng dễ hiểu lắm, liệu có thể nhầm tranh ông ấy với tranh Việt không?

Tố Nữ: Không nhầm được. Nếu ông ấy chỉ vẽ rừng phong, bạch dương, lá thu vàng, đừng lấn sang vẽ lúa, vẽ cò… thì sẽ không thể nhầm tranh ông ấy với tranh Việt.

P.V: Trong bài viết của chị, không ít lần chị chỉ trích họa sĩ Việt Nam khi vẽ trừu tượng và siêu thực. Chị có vẻ không thích thể loại ấy?

Tố Nữ: Tôi ghét những gì bịp người, khó hiểu. Tôi thích những gì gần gũi, dễ hiểu. Tranh Đông Hồ chẳng hạn, hoặc tranh Hàng Trống, là những loại tranh tôi thích nhất. Tôi tự hỏi: vì sao chúng ta đang sống đời sống rất thực, phải gọi là cực thực, rất cụ thể, mà lại cứ chạy theo vẽ tranh siêu thực, trừu tượng. Chẳng phải là phi lý sao?

P.V: Vẫn có những họa sĩ lớn trên thế giới vẽ trừu tượng và siêu thực rất hay, rất đẹp đấy chứ chị.

Tố Nữ: Tôi không quan tâm, nếu không thấy ra hình người, hình cây, hình thú là tôi không xem nữa, cũng không thèm nhớ tên tác giả.

P.V: Trong bài của chị, chị có viết, ở nước ngoài, “Lê Phổ, Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị được ngợi khen, nhưng thực chất cũng là vì sự độc đáo chứ chưa phải vì tài năng xuất chúng”. Dựa vào đâu chị có kết luận như thế?

Tố Nữ: Dựa vào chính tôi. Tôi không thấy xuất chúng gì cả. Nói thêm với anh, nếu làm phóng viên văn hóa mà không tin vào thẩm mỹ của chính mình thì là một thảm họa. Nhất là phóng viên lâu năm, thậm chí phụ trách dưới tay nhiều phóng viên văn hóa khác.

P.V: Tôi e là có hơi chủ quan. Người nước ngoài chẳng lẽ không có mắt?...

Tố Nữ: Họ có mắt, nhưng là mắt Tây. Người Việt thì nên vẽ tranh Việt, dùng mắt Việt. Đã đến lúc chúng ta phải đề cao tiêu chí ấy trong sáng tác. Phải làm sao để mỗi bức tranh, cái tượng đều mang lại hương lúa, hương cau, không nổi rõ Hồ Gươm thì cũng khiến người ta thấp thoáng bóng con rùa. Phải làm cho mỗi người dân ở đây, từ vùng xa tới vùng gần đều phải hiểu ý tranh, ý tượng.

P.V: Nhưng nếu họ hiểu rồi mà vẫn không mua?

Tố Nữ: Thì ta phải vẽ làm sao cho đẹp, cho dễ hiểu, cho rẻ, để người ta muốn mua về và có thể mua về.

P.V: Nếu đã dễ hiểu hết mức, hình họa vững hết mức, rẻ cũng hết mức mà người ta vẫn không mua?

Tố Nữ: Tôi không tin có chuyện như thế. Chúng ta không thể tranh cãi trên một giả định không thật, không lấy gì làm căn cứ trọng tài.

P.V: Nhưng tôi phải nói là rất đồng tình với chị về việc họa sĩ Việt Nam nhiều người vẽ bôi bác, hình họa yếu, lấy màu để khỏa lấp; rồi vẽ giống nhau...

Tố Nữ: Tôi tin là quá nửa người Việt Nam sẽ phải đồng ý với tôi về những điểm ấy.

P.V: Một suy nghĩ nhé, xin nói ra nếu chị không giận: có cảm giác nếu được nắm quyền lãnh đạo về mỹ thuật, chị sẽ hướng mỹ thuật Việt đi theo con đường gần như con đường của mỹ thuật Triều Tiên?

Tố Nữ: Vâng, suy nghĩ của anh không có gì sai quá đâu. Tôi vốn thích Triều Tiên, nhưng vì phim truyền hình của họ không có chiếu trên đài mình, nên hàng ngày tôi chỉ biết giải trí bằng phim Hàn Quốc.

P.V: Cảm ơn chị vì cuộc nói chuyện này.

12:12 Monday,30.7.2012

Đăng bởi:  đinh công đạt

Gửi bạn Đăng và bạn Thông
Mình hơi phẫn nộ về việc các bạn comment một cách có ý thức và cẩn trọng cho một bài viết tùy tiện và thiểu năng của chị Lan. Kiến thức đó suy nghĩ nghiêm túc đó nên để làm việc khác có lợi hơn cho bản thân và xã hội. có những thứ không thể thay đổi, không thể cải tạo, hoặc nói như em Kiệt (một em bé 9 tuổi vừa có triển lãm ở Luala) là: không có sự tiến hóa. Các bạn nên chấp nhận sự thật đó như việc chúng ta đang phải đối mặt với một quốc gia nằm ở biên giới phía bắc nước ta, rất khó chịu, rất ghét, rất cáu nhưng không biết làm thế nào khác được.

10:20 Monday,30.7.2012

Đăng bởi:  Marcus

Tớ xem trên bản gốc thì chị Tố Lan này còn viết sai chính tả tên họa sĩ nữa cơ. Đáng lẽ Soi phải giữ nguyên cho độc giả biết mới phải :-)))
Quanh đi quẩn lại cũng chỉ biết dẫn ra mỗi mấy thí dụ nghèo nàn, đủ biết người viết quá lạc hậu, ếch ngồi đáy giếng.
Tranh mà không để bán thì để làm gì hả bà?

10:01 Monday,30.7.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

1) Hỏi:

Cái gốc của hội hoạ Việt Nam ở đâu?
Trước khi Victor Tardieu mở Trường Mỹ thuật Đông Dương nay là ĐHMT 42 Yết Kiêu thì hội hoạ Việt Nam ở đâu?

Trả lời:
Xem: "Đi tìm một phong cách Hà Nội trong hội hoạ":

http://nguyendinhdang.wordpress.com/2010/09/23/di-tim-mot-phong-cach-ha-noi-trong-hoi-hoa-1/

2) Một tác phẩm có giá trị cao, bất kể đó là hội họa, văn chương, hay âm nhạc, phải đạt được tính toàn cầu, tức là phải chứa đựng những giá trị chung của toàn nhân loại. Đối với những nghệ sĩ đã trải nghiệm nhiều nền văn hoá khác nhau qua chính cuộc sống hàng ngày và học vấn của mình, thì sẽ là một điều thực sự ngớ ngẩn và nhảm nhí khi nói về tính dân tộc trong sáng tạo của họ.

Tính dân tộc trong tranh của Wassily Kandinsky hay Mark Chagall hay Pablo Picasso hay Salvador Dalí nằm ở đâu nếu không gán mấy con bò tót cho Tây Ban Nha chẳng hạn? Truyền thống hội họa Pháp đâu cả rồi trong các bức tranh Paul Gauguin vẽ ở Tahiti? Vả chăng truyển thống trong nghệ thuật là cái gì nếu không phải là cái do chính các nghệ sĩ đã sáng tạo ra? Các tác phẩm của Gauguin mà người đương thởi la ó và kết án, còn tệ hơn bài viết thượng dẫn nhiều lần, nay đã trở thành một phần không thể tách rời của cái gọi là truyền thống hội hoạ Pháp.

Một cậu bé có bố là người gốc Pháp, mẹ là người gốc Việt, sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản, học đại học tại Hoa Kỳ, thông thạo một lúc 4 thứ tiếng, nếu trở thành nghệ sĩ thì tính dân tộc của cậu ta sẽ nằm ở chỗ nào? Đừng quên rằng số người như vậy trong thế giới phẳng ngày nay đang ngày càng nhiều.

3) Và cuối cùng, đối với công chúng: không có thứ nghệ thuật hay âm nhạc cho toàn dân. Muốn hiểu được từ Bach, Mozart, Beethoven, Chopin, tới Arnold Schoenberg hay John Cage, v.v. trong âm nhạc hay từ Leonardo da Vinci, Rembrandt, Vermeer, Picasso, Dali, tới Kandinsky hay Pollock, v.v. trong hội họa thì phải làm theo lời dạy của cụ Lenin: "Học, học, và học."

Nhiệm vụ của nghệ sĩ là thể hiện điều mình cảm thấy bằng nghệ thuật chứ không phải hướng dẫn công chúng phải cảm thụ như thế nào. Nghệ sĩ không phải là lãnh tụ hay cha cố.

9:45 Monday,30.7.2012

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Mấy câu chuyện nghe hơi nồi chõ, mấy kiến thức cũ kỹ trộn với lập luận yếu logic mà muốn bàn luận bao quát về cả nền mỹ thuật Việt thì Tố Lan cũng "nhiệt tình" thật.
Tớ thấy mình chả giỏi hơn nên cũng chả muốn bàn chuyện rộng nhớn với bạn. Không khéo lại giống hai con ếch đối đáp nhau đêm mưa hè.
Tớ chỉ xin từ công việc của tớ mà nói vậy. Tớ chưa bao giờ muốn nghệ thuật của tớ phục vụ "nhân dân". Bởi "nhân dân" thì bao hàm nhiều loại người, nhiều loại gu lắm. Chiều lòng được hết thảy bọn họ là điều (ngu) không tưởng. Tranh tớ rất kén "nhân dân". Chỉ một số ít đếm trên đầu ngón tay người Việt Nam thích tranh tớ. Vậy là tớ "mất gốc" lắm đúng không Tố Lan. Nghệ thuật sáng tạo nên đi trước, "nhân dân" cứ đủng đỉnh đi sau mà tìm hiểu. Tố Lan gọi hồn mấy cụ Picasso, Vangoh ra mà hỏi, xem lúc mới sáng tạo ra các tác phẩm ấy, trường phái ấy, có cả thảy mấy "nhân dân" hiểu ngay được giá trị của chúng. Bạn bây giờ thấy họ nổi thì cũng a dua nói nghệ thuật của họ mang "bản sắc văn hoá dân tộc" này nọ. Tớ tin rằng lúc họ còn sống, họ chỉ muốn làm ra tác phẩm của riêng mình chứ chẳng thèm nghĩ họ có trách nhiệm phải đại diện nền văn hoá này, phải là một phần của nền văn minh nọ đâu. Còn bây giờ Tố Lan thấy có đất nước của họ trong tranh của họ là ..đúng. Vì có một nguyên tắc mà không biết bạn có hiểu không: giá trị văn hoá của một đất nước được tạo nên bởi các cá nhân sống trong đất nước đó. Tớ nghĩ, ngày xưa, chắc cũng có những nhà báo nào đó dạng như Tố Lan, viết những bài viết chê mỹ thuật của Picasso, Dali là xa rời "quần chúng nhân dân", là mất gốc. Những nhà báo đó chết lâu rồi, không ai còn nhớ đến họ, chỉ có những "Picasso", "Dali", "lập thể", "siêu thực" vẹo vọ là còn ở lại.

8:53 Monday,30.7.2012

Đăng bởi:  Ngân

Nếu mình không lầm, Tố Lan là người phụ trách mảng văn hóa của báo Sức khỏe và đời sống, chị ấy cũng vẫn trẻ nhưng nhiều tuổi rồi, ngoại tứ tuần là chắc chắn...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả