Văn & Chữ

Giun và gà

  Ngày xưa, con rồng có 7 viên thần châu, gọi là 7 viên ngọc rồng. Nhờ ngậm 7 viên ngọc này mà rồng là bất tử và có sức mạnh phi thường, hô mưa gọi gió, mình đồng da sắt, rạng rỡ hào quang. Vì vẻ đẹp rạng rỡ, sự bất tử cũng như […]

Ý kiến - Thảo luận

8:47 Wednesday,10.10.2012

Đăng bởi:  Đời Thường

thích các còm men của bác Đăng - ngoài việc có chất, nó còn giải quyết đc các tranh biện liên quan đến xung đột danh từ.
^.^
[Em còm men nằm ngoài nội dung bài viết, bác Tùng bỏ qua nhé]

16:19 Sunday,7.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

    Có vẻ như ở đây có sự nhầm lẫn giữa "tự tôn" (自尊, self-esteem) và "tự cao" (自高, conceited, tức kiêu ngạo, tự phụ).
    Tự tôn là là tự hiểu biết giá trị của chính mình. Tự tôn bao hàm cả tự tin và tự trọng.
    Dưới đây là một số đặc điểm của người tự tôn (tích cực) do D.E. Hamachek và José-Vincente Bonet tổng kết (theo Wiki):
1- Những người có lòng tự tôn thường tin tưởng chắc chắn vào một hệ thống giá trị và nguyên tắc, và sẵn sàng bảo vệ nó khi gặp sự chống đối. Họ cũng có thể thay đổi hệ thống này theo kinh nghiệm của họ.
2 - Họ thường hành động theo cái mà họ cho là phải, tin vào sự phán xét của chính mình và không hối tiếc nếu những người khác không thích.
3 - Họ hoàn toàn tin vào khả năng của chính mình khi giải quyết các vấn đề, không ngại khó khăn hay thất bại. Họ cũng không ngại yêu cầu được giúp đỡ khi cần.
4 - Vì thế họ thường không mất thì giờ than thân trách phận, cũng không lo lắng về cái sẽ tới, mà rút kinh nghiệm từ quá khứ, vạch kế hoạch cho tương lai, và hành động trong hiện tại.
5 - Những người tự tôn coi mình bình đẳng với người khác về phẩm cách, chứ không mặc cảm nhược tiểu hoặc coi mình đứng trên người khác, tuy nhiên họ cũng hiểu thế nào là sự khác nhau giữa các tài năng, thế nào là uy tín cá nhân, và sự thành đạt về tài chính.
6 - Những người tự tôn coi mình là hấp dẫn và có giá trị đối với người khác, ít nhất là với các bạn bè của họ.
7 - Họ không thích các thủ đoạn lôi kéo. Họ chỉ hợp tác với những người khác nếu họ tự cảm thấy thoải mái.
8 - Những người tự tôn biết chấp nhận sự khác nhau về cảm xúc nội tâm cũng như các nỗ lực (tốt hoặc xấu). Họ thể hiện các nỗ lực đó chỉ khi nào họ tự chọn (Không ai ép được họ).
9 - Họ thường tận hưởng được nhiều loại hoạt động khác nhau.
10 - Những người tự tôn nhạy cảm với cảm xúc và nhu cầu của người khác. Họ tôn trọng các quy tắc chung, và không tự cho mình quyền thành công hay thăng tiến bằng giá mà người khác phải trả.
    Nhiều lý thuyết gia coi tự tôn là nhu cầu cơ bản và động cơ của con người. Mọi thứ, từ suy nghĩ, cảm nhận, tới quyết định và hành động của con người đều chịu ảnh hưởng của lòng tự tôn. Biểu hiện cao nhất của tính tự tôn là sự kính trọng của người khác dành cho ta mà ta xứng đáng được hưởng, chứ không phải là danh tiếng hay những lời tán dương  hay nịnh bợ.
    Các quan điểm trên đây cũng không thoát khỏi sự phê phán. Chẳng hạn, nhà tâm lý học Mỹ Albert Ellis cho rằng một quan điểm lành mạnh hơn lòng tự tôn là sự tự chấp nhận mình và người khác một cách vô điều kiện.
    Lão Tử cũng đã từng nói đại ý khi bạn đơn giản tự hài lòng với chính mình, không so sánh, không ghanh đua, thì mọi người sẽ kính trọng bạn.

7:51 Sunday,7.10.2012

Đăng bởi:  Sương

@ Ngọc Tri: Không sao, không sao, không trả lời được câu hỏi của Sương cũng không sao, Sương biết ngay từ đầu mà, Tri cũng giống như vô vàn người khác: chỉ biết phán mà vì không có logic nên khi có ai đó vặn lại là bí ngay, nói loanh quanh, từ chối đi vào thảo luận, hoặc cùn hơn là chuyển sang khen đối phương (như khen "Trăng rằm đầu hạ" của anh Tùng), mong đối phương tha cho mình .

Câu hỏi của Sương đơn giản mà: Nếu gương tốt là ông hàng xóm thì mình được khoe, còn đó là ông ngoại mình thì sao không được khoe? Trong khi ông ngoại mình thì mình biết rõ nhất (còn ông hàng xóm thì cháu ông hàng xóm thì chỉ... cháu ông ấy mới biết rõ).
Câu hỏi nữa là: Khen ông ngoại mình thì có gì là tự tôn?
Câu hỏi nữa: Không khen ông ngoại mình thì có gì là khiêm tốn?

Tri cứ nghĩ đi, và hãy coi Sương như... con Tri, trả lời cho nó cụ thể, đơn giản, và chân tình vào. Cảm ơn Tri.

6:56 Sunday,7.10.2012

Đăng bởi:  Ngọc Tri

À câu cuối về sự khiêm tốn là một câu đùa. Tôi thấy anh Tùng nhắc lại chữ bức xúc. Tại sao lại là bức xúc? Tôi chỉ nêu ý kiến của một người đọc. Ngay cả nếu tôi có bức xúc về sự tự tôn của người khác, nó chẳng có ảnh hưởng hay liên quan gì đến tôi có khiêm tốn hay không. Về sự tự tôn thì như tôi như đã nói ở trên, nó không mang ý nghĩa hay có giá trị gì cả.
Tôi có đọc bài Trăng rằm đầu hạ của anh Tùng và tôi rất thích bài viết ấy - cho nên không phải lúc nào tôi "phản bác" anh đâu anh Tùng à.     
Sương nên tự tìm câu trả lời cho mình. Tôi thấy chẳng có chân lý gì phải tìm ra ở đây cả - ít nhất trong các câu hỏi của bạn.  
        

21:30 Saturday,6.10.2012

Đăng bởi:  phó đức Tùng

Bạn Ngọc Tri
bạn có thể giải thích bằng "tri thức" xem cơ chế nào để một người "khiêm tốn" như bạn có thể bức xúc về sự không khiêm tốn của người khác được không? (nếu quả thật bạn cho rằng tôi và mọi người ở đây, như bạn nói là tự tôn - theo nghĩa tiêu cực)
Rất cảm ơn sự chỉ giáo.

20:34 Saturday,6.10.2012

Đăng bởi:  Sương

Ngọc Tri ui: Trả lời vào câu hỏi của Sương được không? Chứ nói lòng vòng thì biết khi nào ra chân lý đây bạn?

19:46 Saturday,6.10.2012

Đăng bởi:  Ngọc Tri

Tôi cảm ơn Soi và anh Tùng đã dành cho tôi một ngạc nhiên thú vị khi đăng và phản hồi ý kiến của tôi.
Tôi nghĩ anh Tùng có biết rõ tôi đề cập đến chữ tự tôn trong ngữ cảnh nào, mặc dù anh cố xoay nó theo một hướng khác có vẻ tích cực hơn.  
Anh nói về "giá trị" của bản thân - tự chữ giá trị tồn tại là do tác động bên ngoài, cái đã tồn tại trước và bên ngoài anh. Cho nên anh không thể nói là tự bản thân anh thấy mình có giá thì xác tín hơn cái bên ngoài anh làm điều đó được. Tôi cho rằng một người có hiểu biết - có tri thức, thì càng nên có lòng tự trọng và tự biết mình (tôi thấy khiêm tốn luôn có nghĩa tích cực), nhưng không có nghĩa là tự cho mình có một giá trị cao hơn nào đó vì nó chẳng có ý nghĩa gì cả ngoài sự khôi hài. Ngọc chỉ có giá khi người đời thấy sự màu nhiệm của nó.
Tên tôi cũng là một sự khôi hài. Việc anh Tùng thấy nó hay thì vẫn có ý nghĩa hơn là tôi tự thấy mình thuộc về tầng lớp trí thức ấy chứ. Tự tôn mà nói thì tôi thấy mình có khiêm tốn thật nhưng chắc gì Sương đã tin tôi? ;-)
 
 
 
 
 

10:01 Saturday,6.10.2012

Đăng bởi:  Hoa Nguyen

Có người ý thức được về sự tỏa sáng của con người, nhưng cũng có người sợ hãi sự tỏa sáng ấy.Nếu không cố gắng hướng thượng, sống lẫm lụi trong nhân gian để mà sống được thì có khác gì rồng và phượng từ bỏ  tính thiêng liêng của mình để mà làm giun, làm gà. Hai bài viết của anh Phó Đức Tùng về sự tích chim cánh cụt, giun và gà rất sâu sắc và có giá trị thức tỉnh. Họa sỹ minh họa cũng rất hợp với văn phong người viết. Mong được đón đọc nhiều bài hơn nữa và xin cám ơn đã chia sẻ những suy nghĩ cũng như triết lý về đời sống qua các bài viết có giá trị của các anh. 

21:52 Friday,5.10.2012

Đăng bởi:  pho duc tung

Bạn Ngọc Tri
Tôi không biết bạn đọc đoạn "chỉ có ông ngoại tôi..." ở chỗ nào?
Còn về "tôn", bạn có cho là loài người, con người hay trên đời có cái đáng để "tôn" không? Nếu ở đời không có cái gì là tôn ti, cái gì là quý tiện, thì chuyện rồng rắn, giun gà chẳng qua như năng lượng chuyển từ dạng này sang dạng khác, có gì phải bức xúc đâu.
Còn như trên đời có tồn tại lý do để "tôn", thì rõ ràng cơ sở sâu nhất của nó phải nằm trong bản thể, chứ không phụ thuộc vào một điều tiếng kiểu mốt bên ngoài. Mà đã thuộc bản thể, tức là nhất thiết phải "tự" rồi. Giả sử bạn có một giá trị gì đó rất đáng quý, cũng như bạn có viên ngọc quý, thì bạn sẽ là người biết rõ nó hơn người ngoài, nhất lại là khi bạn là "trí thức" vì vậy việc tự tôn bao giờ cũng có cơ sở hơn đánh giá bên ngoài. Và nếu trên đời có sự tự tôn, tự trọng, và có tầng lớp gọi là trí thức, thì trí thức là người cần đến nó nhất vậy.
Hy vọng bạn cũng biết tự tôn như cái tên rất hay "Ngọc Tri" của mình.

20:25 Friday,5.10.2012

Đăng bởi:  Sương

@ Ngọc Tri: Tôi không hiểu nổi: thế nếu trong nhà tôi có ông ngoại mà tôi thấy là hay thì tôi cũng không được nêu ra như một ví dụ à? Nhà có Phượng thì chỉ dám giả vờ khiêm tốn nói là Gà thôi à? Nếu kể gương ông ngoại mình ra - là một ví dụ mà bản thân mình biết rõ nhất, không sợ sai - để so sánh với một nhân vật khác thì không được à? Nếu là ông hàng xóm thì được kể ra à?
Cái thói khiêm tốn giả cũng nên bỏ đi là vừa bạn ạ.
Ngoài ra, nếu có cái đáng để tự tôn thì nên tự tôn, hà cớ phải nhún mình cho nó... giả?

20:09 Friday,5.10.2012

Đăng bởi:  Ngọc Tri

Tôi đọc bài viết của anh Phó Đức Tùng từ Thiền... có phần mở đầu rât hứa hẹn cho đến lúc anh phán một câu "chỉ có ông ngoại tui..." vân vân và vân vân và đến những chuyện kể về sau này, và đặc biệt là phần bình luận của anh bên trên, thì thấy khá buồn cười. Dân tộc VN là rồng, phượng, giun, gà hay không thì tôi không chắc nhưng tôi thấy các anh ở đây có tính tự tôn khá cao. Rồng phượng tự tôn, quân tử tự tôn - hi vọng trí thức không phải là tự tôn nốt!  

12:23 Friday,5.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

                                    Mắt cá loạn trân châu

                                                 truyện của Vương Mông
                                                 bản dịch của Nguyễn Văn Nguyên 

 
Lão Trương mua được một viên trân châu, thấy sắc ảm đạm, có sạn bèn vứt viên châu vào thùng rác.


Bên trong thùng rác có một mớ mắt cá to đang mở hội. Thấy hạt trân châu bé nhỏ lăn vào, cười ha hả, nói:
- Chào mừng người anh em đến gia nhập vào đội ngũ chúng tôi!
Hạt châu bị bỏ trợn mắt, nói:
- Nhìn cho kĩ đi! Có mắt không? Ta đâu phải viên mắt cá nhỏ bé các ngươi. Ta chính là trân châu của một con trai lớn chính hiệu!
Bọn mắt cá cười chết đi sống lại. Mắt cá A nói:
- Chỉ nghe nói mắt cá làm loạn trân châu, đâu biết đồ tiểu tử nhà ngươi lại cho trân châu làm loạn mắt cá!
Mắt cá B nói:
- Đừng làm trò nữa, đồ trân châu thối ngông nghênh kia! Mày nói mày là trân châu, trân châu sao lại không yên ổn trong chiếc hộp đồ trang sức của ông chủ, lại chìm nổi trong chốn này!
Mắt cá C nói:
- Trân châu thật có thể cài đầu, lên dây chuyền, vào mặt nhẫn. Mắt cá thì chỉ tùy theo vị trí mà vào việc. Còn mày, mày để dùng vào việc gì hả? Mày nói thế mà nghe được sao?
Viên trân châu thanh minh:
- Ta dùng làm gì à? Chỉ có ta mới đánh bại được những viên trân châu khác. Ta chỉ giận chúng được coi trọng hơn một chút! Chúng khó mà nói là hoàn mỹ không chút khiếm khuyết. Viên Giáp thì vốn không tròn, khéo chút nữa thì đã thành quả đào! Viên Ất thì không đủ độ, sinh ra nó chỉ được có nửa tháng! Viên Bính thì có hai vết sứt, chỉ cần soi kính vào thì thấy rõ mồn một! Viên Đinh thì bị nứt, viên Mậu thì còn lâu mới thành nghệ thuật.
Bọn mắt cá được dịp rửa tai lắng nghe, chân tay đờ đẫn. Một tên mắt cá lớn nói rằng:
- Anh đã cung cấp cho chúng tôi những tin tức tuyệt vời. Chúng tôi nghe thấy lí thú vô cùng! Hãy hợp tác với chúng tôi nhé! Chúng tôi sẽ theo ngọn cờ lãnh đạo mà anh phất, sẽ trao cho anh những danh dự mắt cá của chúng tôi, sẽ đề cử anh nhận chức chủ tịch của liên minh mắt cá chúng tôi, lại có thể kiêm thêm các chức, tùy anh lựa chọn, để chúng ta quyết một trận thư hùng với bọn trân châu đã làm nhục anh lại làm nhục cả bọn tôi ấy!
Bọn mắt cá vỗ tay nhiệt liệt, không khí rất phấn khích. Viên trân châu bị bỏ quên ấy không nói lại lời từ chối, lập tức lãnh đạo bọn mắt cá làm ầm lên.
Cuối cùng, mắt cá đã được coi trọng. Viên trân châu của lão Trương bị rơi đến tận đáy thùng. Công ty thủy sản được lệnh đi thu mua mắt cá, gia công lại, chế thành đồ công nghệ phẩm cao cấp để xuất khẩu. Công ty thủy sản đem các viên mắt cá gom về một chỗ. Lúc kiểm tra, nhìn thấy viên trân châu bị bỏ này, mắng rằng:
- Cái gì thế này? Tự nhiên vào làm loạn đám mắt cá?
Họ nhặt nó ra, lại vứt vào thùng rác. Viên châu bị bỏ ấy nghĩ bọn mắt cá sẽ phân bua cho nó vài lời, nào ngờ một tiếng cũng chẳng thấy.
Một cô gái nghèo khổ đến mò thùng rác, thấy hạt trân châu, đem nó rửa sạch, đánh bóng, cất đi cẩn thận. Cô nói với bạn trai:
- Em cũng có một hạt trân châu!
Cô gái cùng khổ thấy viên trân châu, ca ngợi viên trân châu đẹp đẽ, thuần khiết. Viên trân châu cảm thấy xấu hổ nên nảy nước mắt, lấp đúng vào chỗ sạn.
Sau này viên “Trân châu ngậm nước mắt” này nổi tiếng khắp nơi.
 
 
 

9:38 Friday,5.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Học trò của Khổng Tử là Tử Cống nói với Khổng Tử:
- Con đường Đạo của Thầy đã đạt đến cảnh giới rất cao, cho nên người trong thiên hạ không dễ gì chấp nhận. Thầy có thể hạ tiêu chuẩn của Thầy xuống một chút được không?”
 
Khổng Tử đáp:
- Một người nông phu giỏi tay trồng trọt, nhưng điều này không thể bảo đảm rằng anh ta sẽ có một vụ thu hoạch tốt. Một người thợ giỏi về tiểu công nghệ, nhưng không phải người nào cũng yêu thích sản phẩm của anh ta làm ra. Người quân tử hoằng dương đạo nghĩa là hy vọng người trong thiên hạ có thể chiếu theo các nguyên tắc chính đạo mà hành xử để trở về với đạo lý của Trời. Làm sao họ có thể hạ thấp các tiêu chuẩn đạo nghĩa để làm vui lòng con người thế tục? Nếu ngươi hôm nay không thể đi theo chính đạo của ngươi, thay vào đó chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để cho thiên hạ thu nạp, là bởi vì chí hướng của ngươi không rộng lớn và cao xa.
 
Học trò khác của Khổng Tử là Nhan Hồi nói:
- Đạo của Thầy đã đạt đến cảnh giới rất cao xa, cho nên có những người không thể dung nạp được. Dầu vậy, Thầy vẫn tận tâm tận lực thúc đẩy cho nó được thực hành, và dùng tấm lòng nhân đức để cứu bá tánh ra khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng. Tuy rằng gặp phải trở ngại, khó khăn, và không vì chỉ có một ít người chấp nhận, Đạo của Thầy vẫn thương xót tất cả. Khả năng này chính là sự quý giá của chính đạo. Trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn kiên trì giữ vững chính đạo và không dao động. Điều này chỉ người quân tử mới có thể làm được.
Không tu dưỡng chính đạo, là sự hổ thẹn của chúng ta. Chúng ta truyền bá chính đạo rồi, nhưng một số người không chấp nhận, đó chính là sự hổ thẹn của bọn họ.
 
Khổng Tử nói :
- Nhan Tử hiểu được như vậy là tốt lắm!
 
9 tiêu chuẩn của người quân tử (theo Khổng Tử):
1-  Con mắt tinh anh để nhìn rõ vạn vật.
2 - Thính giác tinh tường để nghe rõ vạn vật.
3 - Sắc mặt luôn ôn hòa.
4 - Tướng mạo luôn được giữ cho khiêm cung (cẩn trọng, cung kính với người trên; thân ái, hòa đồng với người dưới)
5 - Lời nói luôn giữ bề trung thực.
6 - Hành động phải luôn cẩn trọng.
7 - Có điều nghi hoặc phải luôn hỏi han để làm cho rõ.
8 - Kiềm chế: khi nóng giận phải nghĩ đến hoạn nạn có thể xảy ra, không giận quá mất khôn.
9 - Thấy lợi phải luôn nghĩ đến nghĩa, không vì lợi mà quên nghĩa, có quyền lợi chính đáng phải biết nghĩ đến người khác (lộc bất tận hưởng).
 
10 biểu hiện của người trí thức (theo GS Vitaly Tepikin):
1 – Có lý tưởng đi trước thời đại, nhạy cảm với người xung quanh, lịch sự nhũn nhặn trong biểu hiện;
2 – Tích cực lao động trí óc và liên tục tự học;
3 – Ái quốc dựa trên niềm tin vào nhân dân và có tình yêu quê hương sâu sắc;
4 – Sáng tạo không mệt mỏi và có lối sống giản dị đến khổ hạnh;
5 – Độc lập, có khát vọng đạt tới tự do biểu hiện, và tìm thấy mình trong khát vọng đó;
6 -  Có quan hệ phê phán đối với chính quyền, lên án mọi biểu hiện của bất công, vô nhân đạo, phản nhân văn, phản dân chủ;
7-  Trung thành với niềm tin do lương tâm mình mách bảo, ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất, kể cả phải hy sinh quyền lợi bản thân;
8 – Nhận thức thực tế một cách mơ hồ, dẫn đến dao động về chính trị và đôi khi có biểu hiện bảo thủ;
9 – Có niềm oán hận lớn trước những gì không thực hiện được trên thực tế hoặc trong tưởng tượng, kết quả là đôi khi trở nên hoàn toàn khép kín tự cô lập mình;
10 – Các nhà hoạt động chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau, và ngay cả trong cùng một lĩnh vực, thường hiểu lầm nhau, hậu quả là đôi khi nổi cơn ích kỷ hoặc bốc đồng.
 
"Bài ca man rợ" của thi sĩ Đinh Hùng (1920 - 1967):
Lòng đã khác ta trở về Đô Thị, 
Bỏ thiên nhiên huyền bí của ta xưa 
Lối ta đi trùm khắp nẻo hoang sơ, 
Và chân bước nghe chuyển rung đồi suối. 
 
Lá cỏ sắc vương đầy trên tóc rối, 
Ta khoác vai manh áo đẫm hương rừng 
Rồi ta đi, khí núi bốc trên lưng, 
Mắt hung ác và hình dung cổ quái. 


 
Trông thấy ta, cả cõi đời kinh hãi, 
Dòng sông con nép cạnh núi biên thùy. 
Đường châu thành quằn quại dưới chân đi, 
Xao động hết loài cỏ hoa đồng nội. 
 
Người và vật nhìn ta không dám nói, 
Chân lảng xa, từng cặp mắt e dè. 
Ta ngẩn ngơ nhìn theo bóng ngựa xe, 
Nhìn theo mãi đến khi đời lánh cả. 
 
Và ta thấy hiện nguyên hình sơn dã: 
Cảnh sắc này bỗng nhuộm máu tà dương. 
Ta xót thương, ta căm giận, hung cuồng, 
Ta gầm thét, rung mấy trời thế sự. 
 
Rồi dữ tợn, ta vùng đi khắp xứ, 
Nắm hai vai người tục khách qua đường. 
Lòng lạ lùng tìm ảnh với tìm hương. 
Nhưng lẫn lộn chỉ thấy màu xiêm áo. 
 
Trán thì phẳng, ôi đâu là kiêu ngạo? 
Đâu hồn nhiên trên nét vẽ râu mày? 
Ta ghì người tắt thở ở trong tay, 
Miệng quát hỏi: Có phải ngươi là bạn? 
 
Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản, 
Mất tinh thần từ những thuở xa xôi! 
Ta về đây lạ hết lũ ngươi rồi, 
Lạ tình cảm, lạ đời chung, cách sống. 
 
Trong bỡ ngỡ, duy lòng còn chút mộng, 
Ta đi tìm người thiếu nữ ngày xưa. 
Nàng không mong, ta đi đến không ngờ, 
Giây phút ấy thực mắt nhìn tận mắt. 
 
Ta cười mỉm, bỗng thấy nàng che mặt, 
Ta giơ tay, nàng khiếp sợ lùi xa, 
Ta lại điên rồ, đau đớn, xót xa. 
Trong cô độc, thấy tình thương cũng mất. 
 
Ôm Nhan Sắc với hai bàn tay sắt, 
Ta nhìn ai, ôi khoé mắt ta nhìn! 
Em có là ma, là quỉ, là tiên? 
Em có mấy linh hồn, bao nhiêu mộng? 
 
Em còn trái tim nào đang xúc động? 
Em có gì, trong xác thịt như hoa? 
Lạc thiên nhiên đến cả bọn đàn bà, 
Với những vẻ dung nhan kiều diễm nhất. 
 
Ta lảo đảo vùng đứng lên cười ngất, 
Ghì chặt nàng cho chết giữa mê ly. 
Rồi dày xéo lên sông núi đô kỳ, 
Bên thành quách ta ra tay tàn phá. 
 
Giữa hoang loạn của lâu đài, đình tạ, 
Ta thản nhiên đi, trở lại núi rừng. 
Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng.
 

8:28 Friday,5.10.2012

Đăng bởi:  pho duc tung

 Bạn Vũ,
Những câu ca dao thường nói những điều có vẻ rất hiển nhiên, vì thế không phải dễ bắt bẻ. Tuy nhiên, qua các câu ca dao, có thể nhận ra tâm hồn, tầm cỡ của một dân tộc. 
Có sự khác nhau giữa khả năng biến hóa thần thông, xuống nước thành cá, lên trời thành chim, mà Dịch nói là Thì thừa lục long dĩ ngự thiên. ( Tùy thời thế mà cưỡi sáu rồng chế ngự vũ trụ ) và truyện sa cơ hạ mình. đã là vô tướng vô ảnh, tùy thời mà hành xử thì không có khái niệm sa cơ, cũng không có khái niệm hạ mình. đây là quan điểm đạo gia.
Còn đã cay đắng với sự sa cơ, thì cùng lắm là phẫn uất một câu: hổ xuống đồng bằng bị chó khinh, nếu không thì như Samurai, chấp nhận tự tay mổ bụng moi tim mà không chịu nhục, chứ làm gì có chuyện lẩn vào bầy gà. Nếu việc lẩn vào bầy gà chẳng qua là việc biến hóa ngoại hình, kiểu hòa nhi bất đồng, không phải hành động ô nhục, thì câu ca dao đó vô nghĩa.
Nếu nói: người ăn cơm, chó ăn cứt, liếm đít. Nay người sa cơ, cũng ăn cứt, liếm đít, nhưng rõ ràng không biến thành chó. Bao giờ có cơm lại ăn như người. Nói như vậy đủ thấy không ổn. Tất nhiên người dù ăn gì cũng không thể biến đổi ngoại hình thành chó, nhưng nếu coi chó khác hẳn người thì không thể do ngoại hình, mà phải tin là hai giống này khác nhau cái tâm. Nay tâm chó là chó, chó hơn là cái ngoại hình chó còn gì. Người có thể thành chó, vậy phượng cũng có thể thành gà.

7:14 Friday,5.10.2012

Đăng bởi: 

Phượng hoàng sa cơ là chuyện thường gặp. Ẩn mình theo đàn gà mà bản chất không thành gà thì mới là Phượng hoàng. Theo gà mà thành gà hoặc theo gà mà vẫn cứng đầu giữ bộ dạng kiêu sa thì đã chẳng phải bản lĩnh cao cường của Phượng Hoàng.


Phượng Hoàng vừa tượng trưng cho sự cao quý, vừa tượng trưng cho sự uyển chuyển, phục thù, phục hồi. Biên độ của Phượng hoàng có thể từ tro tới ngũ sắc lung linh. Trong cả dãy màu lông đó, vật thể đó, tâm hồn Phượng hoàng vẫn thế.


Trong truyện của Phó Đức Tùng, Phượng hoàng phải tách mình thành vạn trường sinh linh giá, chấp nhận mất bớt "chất Phượng" đi, kể cũng là một bản lĩnh đáng nể. Một câu truyện hay và buồn, mang tính kiếm hiệp nữa, như cuộc đấu nhau đến cùng của hai cao thủ võ lâm, mà cái lợi cuối cùng là thuộc về bọn "tiểu nhân" dân tình: người thường từ đó có gà để luộc và giun để câu cá.


Bài học rút ra là: các đại nhân khi choảng nhau nên cố bảo toàn tính Phượng tính Long, chớ vì hiếu thắng mà để biến thành giun, thành gà, lũ tiểu nhân đắc lợi.
 

22:52 Thursday,4.10.2012

Đăng bởi:  pho duc tung

Anh đăng
Em rất sợ cái bài ca dao anh trích dẫn, nó thể hiện rằng sự mất tư cách không phải là suy đồi đạo đức gần đây, mà có thể là gia truyền.
Trang Tử nói, con chim hồng bay trên trời cao, chỉ uống nước suối trong từ trên đỉnh núi, ăn những thứ tinh khiết nhất như mật ong, trái chín trên cành. Khi chim hồng bay trên cao, có loài cú quạ đang ăn xác thối phía dưới, chúng sợ chim hồng tranh mất nên vội xù lông lên dọa. Trang tử coi đó là việc rất buồn cười. Người quân tử có những việc không bao giờ làm, kẻ tiểu nhân cái gì cũng dám làm. 
Bây giờ lại nói quân tử thất thế thì cái gì cũng làm, lẩn mình vào đám tiểu nhân. Khi gặp thời lại làm quân tử. Thế thì còn nói chuyện gì nữa. Nói thế ai gặp thời chẳng thành thánh nhân.

21:41 Thursday,4.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Vì sao mà lắm nỗi đau lòng?
Có phải vì rồng mất ngọc không?
Đổi ngược cương thường: Con tố bố,
Suy đồi đạo lý: Vợ "xoay" chồng?
Phượng hoàng bất tử bay đâu mất,
Một đàn gà qué chạy lông nhông.

21:11 Thursday,4.10.2012

Đăng bởi:  pho duc tung

Anh Đăng
1-      Việc Long Phụng là biểu tượng của vợ chồng không mâu thuẫn với việc chúng là kẻ thù không đội trời chung.  Âm dương cũng là biểu tượng vợ chồng, mà trên đời không có gì mâu thuẫn đối kháng như âm với dương. Long Phụng là vợ chồng, như âm dương, về lý thuyết phải cùng song song tồn tại, nhưng rõ ràng các cụ đều cho rằng Càn có trước Khôn, có Càn rồi mới có Khôn. Kể cả phương Tây cũng cho rằng chúa làm ra đàn ông trước đàn bà. Vậy có Long rồi mới có Phụng cũng là chuyện logic. Mặt khác âm thịnh dương suy, âm dương tiêu trưởng cũng là lẽ thường, có lý đâu hai con cùng sánh ngang được. Phụng lừa Long để lấy Ngọc rồng cũng không phải kiến thức mới. Chuyện trái táo cấm chẳng qua là một dị bản thôi. Adam bị đẩy khỏi thiên đàng, khác gì rồng mất ngọc. Phụ nữ được tạo từ mẩu xương sườn của đàn ông, mà lại trở thành phái đẹp, khác gì con chiêm chiếp được ngọc biến thành phượng hoàng.
2-      Phượng hoàng không bao giờ chết, đó là kiến thức về loài phượng hoàng trước khi mất ngọc. Còn bây giờ tại sao không còn loài phượng hoàng trên đời, bởi lẽ nó bị biến mất rồi.
3-      Chính anh nói phượng hoàng thất thế phải theo đàn gà, như vậy có nghĩa là thành gà rồi. Hay anh nói vào đảng mà không phải đảng viên?  Khổng tử  có nói, vặt hết lông đi thì công với gà chẳng khác. Chờ lúc nào mưa thuận gió hòa, thay lông đổi cánh mới lại thành phượng hoàng. Có điều chẳng bao giờ mưa thuận gió hòa cả, bởi vì mưa gió trước đây do phượng hoàng làm chủ, muốn sao được nấy mới gọi là mưa phải thuận, gió phải hòa. Bây giờ phượng hoàng mất ngọc, lấy đâu ra cái lúc mưa thuận gió hòa.

16:55 Thursday,4.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Thú vị thật.
 
1) Con phượng và con rồng thường được coi là biểu tượng hạnh phúc của vợ chồng, của âm dương hòa thuận, nhưng trong câu chuyện này con phượng và con rồng lại như hai kẻ thù, hay như ... vợ lừa chồng vậy.
 
Không kẻ thù sao được khi bị mất một lúc cả 7 viên ngọc rồng? Cứ xem mới mất cái sừng tê giác mà thấy báo chí đã nhắng cả lên thế thì mất tới 7 viên ngọc rồng là to chuyện lắm!
 
2) Phượng hoàng (鳳凰) "xịn" không bao giờ chết. Vì thế mà người Tàu, người Nhật , người Hàn còn gọi nó là bất tử điểu (不死鳥) tức con chim không chết. Người Hy Lạp và Ai Cập gọi nó là phoenix (con chim đỏ như lửa).
 
Sau khi sống một vòng 500 - 1000 năm, phượng hoàng làm một cái tổ, chui vào đó rồi tự bốc cháy ra tro. Từ đống tro tàn đó sinh ra một con phượng hoàng mới, trẻ khoẻ và lại tiếp tục sống 500 - 1000 năm nữa. Vì thế con phượng hoàng thường được dùng như biểu tượng cho sự hồi sinh, hay bất tử.
 
3) Phượng hoàng không bao giờ là con gà nên mới có bài ca dao Việt Nam như sau:
 
Phượng hoàng gặp bước cheo leo,
Sa cơ thất thế phải theo đàn gà.
Bao giờ mưa thuận gió hòa,
Thay lông đổi cánh lại ra phượng hoàng.
 

15:23 Thursday,4.10.2012

Đăng bởi:  Phạm Kiên

Anh Phó Đức Tùng viết chuyện hay quá!

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả