Gẫm & Bình

"Hiện thực mù" là sản phẩm của
"vừa tránh vừa sờ voi"?

  Tôi vốn thích những họa sĩ thế hệ trung trung, thời của những Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, Hoàng Phượng Vỹ, Trương Tân, và Lê Quảng Hà. Ở họ, chất nổi loạn của những cậu bé đường phố vẫn còn, nhưng chất điềm đạm của những người đàn ông hiểu đời vẫn đủ nhiều […]

Ý kiến - Thảo luận

11:07 Tuesday,9.10.2012

Đăng bởi:  Sương

Túm lại là anh Lê Quảng Hà lãi to nhé: chỉ cần đọc hết phần cmt của anh Đăng và anh Tùng xong là có thể hoàn tất lý thuyết "hiện thực mới mù" của mình, đổ lỗi cho "thằng đánh máy" nó đánh chậm quá, mãi hôm nay mới xong :-))))

11:04 Tuesday,9.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Sương ơi,
Khi chúng ta thảo luận về một vấn đề, trước hết phải xuất phát từ định nghĩa, nếu không sẽ thành "ông nói gà bà nói vịt."
Định nghĩa "hiện thực mù" ở đây là của Robert Almeder, theo đó:
1) Tồn tại một thế giới bên ngoài chúng ta.
2) Một số niềm tin của chúng ta về thế giới bên ngoài (bao gồm cả những niềm tin trên lý thuyết về các hiện thực mà ta không quan sát được trong một thởi điểm nào đó) phụ thuộc vào các sự kiện thực tế (facts).
3) Chúng ta không có cơ sở để nói, chọn ra, hay thiết lập bằng cách viện dẫn bất kỳ cái gì, rằng niềm tin nào (trong số các niềm tin của chúng ta hiện nay) mô tả đúng thế giới bên ngoài.
Hiện thực mù cho rằng kiến thức chẳng qua là những gì chúng ta đã hoàn toàn chứng minh được hoặc có cơ sớ để tin, nhưng kiến thức tự nó không cung cấp cho chúng ta bất cứ tiêu chuẩn nào để chỉ ra rằng cái nào trong số những điều chúng ta tin đúng là thế giới bên ngoài.
Theo quan điểm này thì một số khẳng định của chúng ta có thể mô tả thành công thế giới bên ngoài, nhưng nếu vì thế mà chúng ta coi những khẳng định đó là đúng thì sẽ là một nhầm lẫn nghiêm trọng.
 
 
 

10:56 Tuesday,9.10.2012

Đăng bởi:  pho duc tung

Bạn Sương
chữ Hiện thực là chỉ việc phản ánh hiện thực, chứ không phải chỉ bản thân hiện thực. Những tính từ đi kèm như: "trần trụi", "lãng mạn", "phê phán" v.v. đều bổ nghĩa cho phong cách phản ánh hiện thực đó, chứ không phải nói về tính chất của bản thân hiện thực. Khái niệm "hiện thực mù" của Almeder cũng nhằm chỉ vào khả năng phản ánh hiện thực một cách "mù" của con người.
Tuy nhiên, mình cũng có cảm giác như bạn Sương là cái mà anh Hà nói không phải là phong cách "mù" trong việc phản ánh hiện thực, mà muốn nói bản thân hiện thực là mù, nói cách khác là loại hiện thực có bản chất mù quáng, không phải loại được sự chỉ đạo sáng suốt của chúa trời. Có điều ngay cả quan điểm này cũng không có gì mới, giống kiểu Lão Tử nói "thiên địa bất nhân, coi sinh mạng như chó rơm". Nhưng mà làm gì có gì mới dưới ánh mặt trời.

9:59 Tuesday,9.10.2012

Đăng bởi:  Sương

Anh Đăng ơi,
Anh viết:
"Hiện thực mù sẽ nói: "Không có cái gọi là sách đạo đức hay sách vô đạo đức, sách viết hay hay sách việt dở, sách viết sai hay sách viết đúng. Chỉ có sách phản ánh hiện thực mà thôi. Đó là tất cả bởi vì chúng ta không có khả năng phân biệt thực chất của thiện - ác, hay - dở, đúng - sai."
Em nghĩ thế phải gọi là "phán đoán/phê phán/phản ánh hiện thực sẽ nói...." chứ không gọi là "hiện thực mù" được ạ. Vì chữ "mù" là tính từ, bổ nghĩa cho chữ "hiện thực" (thí dụ: con mèo mù, là con mèo bị mù. Hay "hiện thực lãng mạn" là một thứ hiện thực nó... lãng mạn.) Chứ cái thuật ngữ "hiện thực mù", em vẫn không hiểu được. Có mắt người nhìn hoặc lãng mạn, hoặc bi quan, hoặc mù, chứ làm gì có hiện thực tự thân nó mù đâu ạ?
Em cũng đọc đi đọc lại câu của anh Lê Quảng Hà. Rõ ràng như anh Đăng nói rồi, cái chữ "hiện thực mù" đã có người nghĩ ra, chẳng phải như anh Quảng Hà trịnh trọng thông báo như một người sắp phát hiện ra thế kia, chỉ đợi thêm vài xét nghiệm xác tín nữa là có thể lấy bằng sáng chế.

7:52 Tuesday,9.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

@ Tùng
Điểm (1) trong "phép ngoại suy" của tôi không chính xác. Nó phải giống như của R. Almeder, tức là (1) Tồn tại một thế giới bên ngoài, hay nói khác đi là tồn tại một hiện thực khách quan. Khi tôi viết "(1) những sự mô tả thế giới như một hiện thực khách quan, không tô hồng hay bôi đen, không suy diễn;" tôi đã giả định là hiện thực khách quan đó tồn tại, và định nghĩa thế nào là chủ nghĩa hiện thực.
Bây giờ thế nào là hiện thực khách quan?
Hiện thực khách quan là thứ mà bản thể của nó tồn tại không phụ thuộc vào hệ thống quan niệm, văn hóa, tin ngưỡng, ngôn ngữ của con người (Xem cmt trước: Con người có thể hiểu được, nhận thức được, và thể hiện lại hiện thực đó một cách trung thực. Chân lý khách quan có thể được nhận biết bằng cảm giác và truyền đạt lại để người khác khi xem tranh cũng nhận ra mà không bị méo mó vì thành kiến cá nhân).
Như vậy tôi không thấy có gì phi logic trong phép thay thế của Tùng cả.
Điểm (3) trong chủ nghĩa hiện thực sẽ là: Chúng ta có thể biết được trong số các mô tả của con người (họa sĩ) cái nào là khách quan, cái nào là chủ quan (không khách quan).
Điểm (3) trong chủ nghĩa hiện thực mù sẽ là: Chúng ta không thể biết được điều đó.
Thực ra từ "ngoại suy" tôi dùng mang tính hài hước. Chính xác hơn, có lẽ phải viết, "sự áp dụng định nghĩa của R. Almeder vào nghệ thuật". Cho nên, nếu có gì chưa rõ hoặc "bất đồng chính kiến" thì các bạn cứ việc quên cái phép "ngoại suy" của tôi đi, mà hãy bám vào định nghĩa của Robert Almeder. Tốt nhất là tìm đọc cuốn sách của ông (Tôi CHƯA đọc, ngoài cái định nghĩa trên). Trong trường hợp các bạn không đồng ý với R. Aldemer thì cứ việc quên luôn ông ta cùng với định nghĩa của ông ấy.
 
@ Sương: Điều kiện cần khác điều kiện đủ. Theo hiện thực chủ nghĩa, "chân" là điều kiện cần của "mỹ" có nghĩa là nếu không có "chân" thì không có "mỹ", đã "mỹ" thì phải "chân", nhưng có "chân" rồi chưa chắc đã có "mỹ".
 
@ Tùng @ Sương:
Khi Oscar Wilder nói: "Không có cái gọi là sách đạo đức và sách vô đạo đức. Chỉ có sách viết hay hay sách viết dở. Đó là tất cả." (Xem "Chân dung của Dorian Gray"), thực chất ông vẫn còn nằm trong khuôn khổ hiện thực chủ nghĩa.
Hiện thực mù sẽ nói: "Không có cái gọi là sách đạo đức hay sách vô đạo đức, sách viết hay hay sách việt dở, sách viết sai hay sách viết đúng. Chỉ có sách phản ánh hiện thực mà thôi. Đó là tất cả bởi vì chúng ta không có khả năng phân biệt thực chất của thiện - ác, hay - dở, đúng - sai."
Tôi viết như trên là để giải thích cách hiểu của tôi về hiện thực mù "à la Robert Aldemer". Điều đó không có nghĩa tôi đồng ý hay không đồng ý với quan điểm đó.
Cmt đầu tiên của tôi đơn giản chỉ muốn nói một điều là thuật ngữ "hiện thực mù" đã có người đề ra và dĩ nhiên là giữ bản quyền từ năm 1996 rồi. Không có gì mới dưới mặt trời cả. Điều quan trọng là chúng ta hiểu và tư duy như thế nào để biến các ý tưởng thành cái độc đáo của riêng mình mà thôi.
Cuối cùng, tôi thích câu nói sau của đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy: "Ở đời những cái gì quan trọng thì đã quan trọng rồi, nhưng xét cho cùng thì chẳng có gì là quan trọng cả."

23:36 Monday,8.10.2012

Đăng bởi:  pho duc tung

Đúng là logic có vấn đề trong trường hợp này anh Đăng ơi
Theo đúng lời khuyên của anh, em thay "đẹp xấu" bằng "khách quan", "không khách quan" ta sẽ có:
1- mô tả đúng sự vật một cách khách quan
2- nhưng mà có lúc khách quan, lúc không khách quan
3- thực ra là không phân biệt được khi nào thì khách quan, khi nào không.

23:30 Monday,8.10.2012

Đăng bởi:  Sương

Anh Đăng ơi,
Lấy điểm 1 và 2 của chủ nghĩa hiện thực mà anh ngoại suy:
1) những sự mô tả thế giới như một hiện thực khách quan, không tô hồng hay bôi đen, không suy diễn;

2) trong những sự mô tả đó có sự mô tả đẹp, có sự mô tả xấu (trên phương diện nghệ thuật), chẳng hạn trong hội hoạ thì có tranh đẹp, có tranh xấu;


Đến cmt này, anh nói, “chúng ta không bàn về đẹp xấu nói chung, mà là đẹp xấu trong khuôn khổ chủ nghĩa hiện thực”

Tức là: theo chủ nghĩa hiện thực: tranh đẹp (mỹ) thì phải thực (chân), phải phản ánh chân lý khách quan”.

Như vậy, chỉ cần tuân theo đúng điều 1 mà anh ngoại suy thôi thì đã có tranh đẹp đứt đuôi rồi (“mô tả như hiện thực khách quan, không tô hồng, không bôi đen”), cần gì đến điều 2 nữa cho nó thừa?

Còn nếu vận dụng điều 2 thì tức là bên cạnh tiêu chuẩn đẹp của chủ nghĩa hiện thực, lại có tiêu chuẩn đẹp phụ nữa phải không ạ? Thí dụ hoa hậu ngoài phong nhũ phì đồn thì còn phải thi vấn đáp xem não nở bao nhiêu, phải không ạ?

Nếu thế thì rối quá…

22:40 Monday,8.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

@ Phó Đức Tùng & Sương:
 
Các bạn không nên quên rằng chúng ta không bàn về đẹp xấu nói chung, mà là đẹp xấu trong khuôn khổ chủ nghĩa hiện thực (realism).
Chủ nghĩa hiện thực trong văn học nghệ thuật, ví dụ trong hội hoạ, cho rằng có một hiện thực khách quan mà ta có thể nhận biết bằng thực nghiệm, tuân theo những quy tắc nào đó, ví dụ luật viễn cận tuyến tính, luật hoà sắc theo cộng màu (quang học) hay trừ màu (trên palette), giải phẫu cơ thể người, v.v. Hiện thực này tồn tại không phụ thuộc vào quan niệm, niềm tin, ngôn ngữ, văn hóa của họa sĩ. Hoạ sĩ có thể hiểu được, nhận thức được, và thể hiện lại hiện thực đó một cách trung thực. Chân lý khách quan có thể được nhận biết bằng cảm giác và truyền đạt lại để người khác khi xem tranh cũng nhận ra mà không bị méo mó vì thành kiến cá nhân.
Như vậy trong khuôn khổ chủ nghĩa hiện thực, tranh đẹp (mỹ) thì phải thực (chân), phải phản ánh chân lý khách quan. Đó là điều kiện cần. Tranh vẽ sai luật viễn cận, sai anatomy (giải phẫu) không thể được coi là đẹp. 
Theo quan điểm của chủ nghĩa hiện thực, "Les Demoiselles d'Avignon" của Picasso là tranh xấu bởi vì nó phá tất cả các quy tắc về "sự đúng đắn về mặt nghệ thuật" như luật viễn cận, tỉ lệ giải phẫu v.v. Nói cách khác "hiện thực kiểu mới" kiểu cubism này phụ thuộc quá nhiều vào chủ quan của hoạ sĩ. 
Từ đây các bạn có thể hiểu nốt phần còn lại của phép "ngoại suy" của tôi.
Ngoài ra, "sự mô tả đẹp (tranh đẹp), sự mô tả xấu (tranh xấu)" được đưa ra trong cmt trước của tôi chỉ như một ví dụ. Các bạn có thể thay vào đó đại loại như "phản ánh đúng hiện thực, bóp méo hiện thực", v.v.... tùy trí tuởng tượng của các bạn.

19:53 Monday,8.10.2012

Đăng bởi:  pho duc tung

Anh Đăng,
phân tích của anh chưa được chặt chẽ.
1) những sự mô tả thế giới như một hiện thực khách quan, không tô hồng hay bôi đen, không suy diễn;
Chúng ta không thể biết là mình mô tả thế giới như thế, vì chúng ta chỉ có thể tin là một số trong những mô tả của chúng ta có thể khách quan nhưng không biết cái nào cụ thể là khách quan. (điều 2,3 của Almeder)
2) trong những sự mô tả đó có sự mô tả đẹp, có sự mô tả xấu (trên phương diện nghệ thuật), chẳng hạn trong hội hoạ thì có tranh đẹp, có tranh xấu;
Vấn đề xấu đẹp lại là một phạm trù khác hẳn. Ngay cả khi ta có thể mô tả đúng, hay khách quan và biết chắc điều đó thì cũng không liên quan gì đến xấu đẹp.
3) chúng ta có (vs. không có) cơ sở để chỉ ra đâu là sự mô tả đẹp (tranh đẹp), đâu là sự mô tả xấu (tranh xấu).
Ý này đã trùng với phản biện hai ý trên. Almeder nói là ta không biết mô tả là khách quan hay không, điều đó không có nghĩa là ta không biết nó có đẹp hay không. Một thứ có thể hoàn toàn không khách quan nhưng vẫn có thể là đẹp, tùy theo định nghĩa.
Theo tôi có thể dùng lý thuyết của Heidegger vể nghệ thuật để làm sáng tỏ hơn ý nghia của Thuyết Almeder trong nghệ thuật.
Heidegger nói trong tác phẩm nghệ thuật, một vật (Ding) hay một công cụ (Zeug) sẽ tự thổ lộ những bản chất thầm kín của mình thông qua người nghệ sỹ. Nói cách khác:
1) Tồn tại một thế giới bên ngoài;
2) Trong tác phẩm nghệ thuật, thế giới bên ngoài đó sẽ tự thổ lộ, tự mô tả. Khi đó sản phẩm nghệ thuật nhất thiết là mô tả khách quan, hay là sản phẩm hiện thực. Niềm tin vào khả năng tự thổ lộ này chính là niềm tin vào sự tồn tại của nghệ thuật hiện thực chân chính.
3) Nhưng ta không thể phân biệt được trong các sản phẩm nghệ thuật đó, cái nào là chân chính, cái nào là rởm, vì thế gọi là mù. Chính vì vậy Heidegger nói chỉ có chính người nghệ sỹ, trong thời khắc thăng hoa khi tạo thành tác phẩm, mới có thể cảm nhận được là đó có phải là sự thổ lộ của một thế lực khách quan thông qua medium là mình không. Tựa như người lên đồng thì chỉ có bản thân mới biết lúc đó có phải thánh nhập không, còn người ngoài thì không thể phân biệt thật giả.
 

19:27 Monday,8.10.2012

Đăng bởi:  Trịnh Xuân Đỉn

Theo những ý của anh Hà thì tôi thấy nó toát lên một ý, thực ra anh ta muốn nói đến trạng thái Mờ thôi chứ chưa phải Mù. 
Nếu là tôi, tôi sẽ gọi thứ gì đó là Hiện thực mờ-Fuzzy Realism.
 
Nhưng anh Hà làm gì đủ thông minh để hiểu những gì tôi nói!

19:06 Monday,8.10.2012

Đăng bởi:  Sương

 Anh Nguyễn Đình Đăng nói:
"Hiện thực mù là:
1) những sự mô tả thế giới như một hiện thực khách quan, không tô hồng hay bôi đen, không suy diễn;
2) trong những sự mô tả đó có sự mô tả đẹp, có sự mô tả xấu (trên phương diện nghệ thuật), chẳng hạn trong hội hoạ thì có tranh đẹp, có tranh xấu;
3) chúng ta không thể nói tranh nào đẹp tranh nào xấu"

Nói thế thì nói làm... quái gì.

Nói thế là sa vào đẹp-xấu. Dùng "được nói là đẹp/xấu" hay "không được nói là đẹp/xấu" làm tiêu chí mù/không mù thì chắc là không đúng ý họa sĩ Lê Quảng Hà rồi.

16:13 Monday,8.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

    Thuật ngữ "hiện thực mù" (blind realism) đã được triết gia Robert Almeder (sinh năm 1936) đề xuất vào năm 1996 trong cuốn sách dày 264 trang nhan đề "Hiện thực mù: Tiểu luận về kiến thức cua con người và khoa học tự nhiên" (Blind Realism: An Essay on Human Knowledge and Natural Science) do NXB Rowman & Littlefield xuất bản.
    Robert Almeder định nghĩa hiện thực mù vắn tắt như sau.
Hiện thực khoa học khẳng định rằng:
1) Tồn tại một thế giới bên ngoài;
2) Một số niềm tin của chúng ta (trong đó có cả các niềm tin dựa trên lý thuyết) là những mô tả đúng đắn thế giới bên ngoài đó;
3) Chúng ta có cơ sở để chỉ ra rằng những niềm tin nào là những sự mô tả đúng thế giới bên ngoài, niềm tin nào mô tả không đúng.
    Hiện thực mù là một trường hợp đặc biệt của hiện thực khoa học, chỉ chấp nhận điểm 1) và 2) nêu trên, nhưng không chấp nhận điểm 3), có nghĩa là chúng ta không bao giờ có thể biết được niềm tin nào là đúng, niềm tin nào là sai.
 
    Tôi ngoại suy định nghĩa này cho nghệ thuật như sau:
    Hiện thực chủ nghĩa là:
1) những sự mô tả thế giới như một hiện thực khách quan, không tô hồng hay bôi đen, không suy diễn;
2) trong những sự mô tả đó có sự mô tả đẹp, có sự mô tả xấu (trên phương diện nghệ thuật), chẳng hạn trong hội hoạ thì có tranh đẹp, có tranh xấu;
3) chúng ta có cơ sở để chỉ ra đâu là sự mô tả đẹp (tranh đẹp), đâu là sự mô tả xấu (tranh xấu).
      Hiện thực mù là trường hợp riêng của hiện thực chủ nghĩa nói trên, nhưng chỉ chấp nhận điểm 1) và 2) của hiện thực chủ nghĩa mà không chấp nhận điểm 3), tức là chúng ta không thể nói tranh nào đẹp tranh nào xấu (!)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả