Gẫm & Bình

Tìm ra hiện thực mù bằng chính phương pháp của con nghiện?

    Một ngày kia, họa sĩ Lê Quảng Hà lờ mờ đoán, hình như ngoài những thứ lồ lộ mình thấy bằng mắt, có một thứ hiện thực mà mình không thể nhìn thấy, cũng không thể biết về nó. Anh gọi là hiện thực mù. Làm sao để “nhìn” ra nó? Lê Quảng […]

Ý kiến - Thảo luận

10:55 Friday,2.11.2012

Đăng bởi:  anvile

Có những triển lãm mà điều thú vị là đối thoại với tác giả hoặc độc giả luận chiến với nhau.

7:10 Thursday,18.10.2012

Đăng bởi:  hung

Tôi không hiểu tại sao anh Lê Quảng Hà không vào cuộc cho câu chuyện? với cách hành sử của anh thì sự im lặng của anh ở nhiều góc độ đều chứng minh sự kém cỏi của anh! ừ thì anh khinh cái lũ ngu dốt kia và dùng chiến thuật im lặng một cách rất cao đạo? nhưng nếu khinh thì tại sao khinh? nếu họ nói sai thì sai ở chỗ nào? sự im lặng của anh nó chỉ chứng minh sự ngụy biện về cái khả năng hiểu biết về những vấn đề của mình nói tù mù và kém cỏi mà thôi!

22:21 Tuesday,16.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

         Thực tại là gì hay sự nguy hiểm khi chép lại từ Wikipedia
Tuyên bố về “Hiện thực mù” của hoạ sĩ Lê Quảng Hà vừa qua đã khơi mào cho một cuộc thảo luận thú vị trên Soi về “thực tại” (reality) và “hiện thực” (realism). Ít nhất, nó đã cho (một số) độc giả của Soi nói riêng, và (một số) độc giả Việt ngữ nói chung thấy được rằng khái niệm “thực tại” và “hiện thực”, mà xưa nay đa số nghiễm nhiên chấp nhận, thật ra không hiển nhiên tí nào.
 
Gõ “Reality” (Thực tại) bạn dễ dàng tìm thấy định nghĩa của Wikipedia: “Trong triết học, thực tại là trạng thái sự vật như chúng thật sự tồn tại, chứ không phải là chúng có vẻ như thế hoặc được hình dung như thế. Theo định nghĩa rộng hơn, thực tại bao gồm mọi thứ đã và đang hiện hữu, bất kể ta có thể có thể quan sát hoặc lĩnh hội được chúng hay không. Một định nghĩa rộng hơn nữa (của thực tại) bao gồm mọi thứ đã, đang, và sẽ tồn tại.”  Đây chính là định nghĩa mà Đinh Hải Bằng đã sử dụng trong bài “Tìm ra hiện thực mù bằng chính phương pháp của con nghiện” để phê phán Lê Quảng Hà.
 
Nhưng định nghĩa này của Wikipedia có đúng không? Có phải tất cả những gì chúng ta có thể quan sát và lĩnh hội được là thực tại hay hiện thực không?
 
Nếu định nghĩa trên là đúng thì rõ ràng thực tại phụ thuộc vào người quan sát và lĩnh hội được nó. Như vậy cái thực tại mà tôi thấy được và hiểu được chưa chắc đã giống, thậm chí có thể rất khác, cái thực tại mà bạn thấy và hiểu được, hay cái thực tại một người thứ ba thấy và hiểu được.
 
Chúng ta nhận biết được thế giới nhờ ngũ quan. Nhưng mọi thông tin từ ngũ quan phải được xử lý bằng cái đầu tức bộ não của chúng ta. Chức năng của hai bán cầu đại não không đối xứng. Não trái thiên về tư duy logic, theo trật tự trước sau, tuyến tính, trong khi não phải thiên về tư duy hình ảnh, trực giác, hỗn độn. Nếu toàn bộ nào người chỉ có chức năng của một bên não (phải hoặc trái), hình dung của chúng ta vế thế giới này sẽ hoàn toàn khác. Liệu đó có phải là một hình dung chính xác hay kém chính xác hơn về thực tại?
 
Và rốt cuộc thực tại là cái gì?
 
Trong thế giới của các kích thước rất nhỏ, gọi là kích thước lượng tử, các “hạt vật chất” thể hiện bản chất kép cuả cả hạt (tương tự hòn bi) lẫn sóng (tương tự sóng nước). Nguyên lý bất định của cơ học lượng tử vô hiệu hoá thuyết nhân quả cổ điển, thay thế nó bằng lý thuyết xác suất. Trong thế giới của các vật thể chuyển động với vận tốc rất lớn (gần bằng vận tốc ánh sáng), các định luật cơ học cổ điển (cơ học Newton) được thay thế bằng các định luật thuyết tương đối của Einstein, theo đó vật chuyển động càng nhanh thì càng co ngắn lại và nặng hơn, không thời gian bao quanh các vật rất nặng bị méo đi, v.v. Một quả cam trên một phi thuyền bay nhanh gần bằng vận tốc ánh sáng trong mắt phi hành gia trên phi thuyền vẫn là một quả cam hình cầu, nhưng trong mắt người quan sát trên mặt đất sẽ bẹp dí như một chiếc bánh dầy.
 
Như vậy đủ thấy cái mà ta gọi là thực tại phụ thuộc rất nhiều vào quan sát viên và điều kiện quan sát. Chỉ riêng điều đó cũng đã có thể cung cấp cho ta vài quan niệm về thực tại. Nếu thực tại là tất cả những gì ta quan sát được thì thế giới ta thấy khi thức và thế giới trong mơ đều là những thực tại dài ngắn khác nhau. Nếu thực tại là những gì không chỉ riêng ta, mà nhiều người khác cùng quan sát được, thì một nhóm người sẽ có cách quan sát và diễn giải về một hiện tượng, một sự kiện, rồi truyền bá điều đó ra toàn xã hội, và xã hội có thể chấp nhận điều đó như một chân lý có được do đồng thuận (ví dụ một tôn giáo, hay một học thuyết được dùng làm nền tảng để vận hành một thể chế, hay thậm chí việc “dân chủ hoá” khái niệm “thực tại” trong định nghĩa của Wikipedia). Trong khi đó, ví dụ thượng dẫn về thế giới lượng tử và thế giới của vận tốc lớn lại cho ta thấy không tồn tại một thứ gọi là thực tại khách quan bởi mọi thứ ta quan sát và lĩnh hội được có thể thay đổi tùy theo hệ quy chiếu của người quan sát. Theo cơ học lượng tử, thực tại mà ta quan sát được chỉ là một trong vô số các cấu thành của hàm sóng (wave function) biểu diễn sự hiện hữu vật chất. Khi ta quan sát một hiện tượng, hàm sóng đã “suy sụp” vào chỉ còn một cấu thành mà ta đo được và tuyên bố đó là thực tại.
 
Đó là chưa kể giả thuyết về sự tồn tại một đa vũ trụ gồm vô số vũ trụ song song trong đó các khả năng khác nhau của quá khứ, hiện tại và tương lai cùng hiện hữu. Những điều không xảy ra trong thế giới của chúng ta hoàn toàn có thể xảy ra trong một thế giới khác song song tồn tại với thế giới của chúng ta.
 
Các bạn thấy đấy, thực tại hoàn toàn không đơn giản như định nghĩa "Reality" kiểu Wikipedia.
 
Gần hai ngàn năm trước, Jesus Christ bị bắt giải đến trước thống chế La Mã Pontius Pilate.
-    Họ nói mi là vua. Mi là vua ư? – Pilate hỏi.
-    Ông vừa nói ta là vua. Thật ra lý do ta sinh ra và đến với thế giới này là để làm nhân chứng cho chân lý. Bất cứ người nào đứng về phía chân lý đều nghe theo lời ta. – Jesus trả lời.
-    Chân lý là gì?  – Pilate hỏi vặn.
 
Chân lý là gì? Nếu lại gõ “Truth” (Chân lý), ta được “định nghĩa kiểu Wiki” như sau: “Chân lý trong cách hiểu thông dụng nhất là những gì phù hợp với thực tại.” (Truth is most often used to mean in accord with fact or reality). Như thế ta lại quay về cái vòng luẩn quẩn: Vậy thực tại (reality) là gì? 
 
Câu hỏi "Quid est veritas?" (Chân lý là gì?) của Pilate đến nay vẫn chưa có câu trả lời bởi nếu trả lời được thì cũng xem như tận cùng của toàn bộ triết học.

18:26 Saturday,13.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

"Những thứ mắt thấy tai nghe chưa chắc là thực." (Phó Đức Tùng)
Quá đúng! Dưới đây là một ví dụ minh họa.
 
                                           Toilet bằng vàng
 
Chồng về khuya, hơi men nồng nặc. "Anh ở đâu về?" - vợ hỏi. "Ồ, em yêu, có nói em cũng chẳng tin đâu. Anh vừa ở quán bar mới mở tên là "Vàng kim" (Golden bar). Ở đấy mọi thứ đều bằng vàng tuốt từ gạt tàn thuốc lá, tách chén, đến ghế và cả toilet cũng bằng vàng," - chồng lè nhè trả lời. Vợ không nói gì bỏ đi ngủ.
 
Sáng hôm sau, khi chồng còn đang ngủ, vợ tra ra số điện thoại của quán bar "Vàng kim" (Golden bar) và gọi điện tới đó.
- Hello, cho tôi hỏi đó có phải là Golden Bar không?
- Vâng, thưa bà, - tiếng một người đàn ông trả lời.
-  Tôi nghe chồng tôi nói về quán bar của ông và tôi muốn hỏi vài câu. Bar của ông có gạt tàn bằng vàng không?
- Có.
- Có cốc chén bằng vàng không?
- Có.
- Có ghế bằng vàng không?
- Có.
- Có toilet bằng vàng không?
Một thoáng im lặng. Vài giây sau, người vợ nghe thấy tiếng người đàn ông ở đầu bên kia gọi với vào trong quán bar: "Jimmy ơi, tao tìm ra thằng nào bĩnh vào cái kèn đồng của mày tối hôm qua rồi!"

16:18 Saturday,13.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Tôi đã viết một bài dài 45 trang A4 nhan đề "Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu", sau buổi nói chuyện gần 3 giờ đồng hồ về đề tài này ngày 8/1/2009 tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Bài viết của tôi hiện được posted trên internet tại
http://ribf.riken.go.jp/~dang/kythuat/kythuatvesondau.pdf
Bất kỳ ai cũng có thể xem, tải xuống miễn phí. Bài viết có ghi rõ tên tôi là tác giả, có nghĩa là nếu có gì sai, tôi là người chịu trách nhiệm. 

15:40 Saturday,13.10.2012

Đăng bởi:  Em-cung-co-y-kien

Anh Nguyễn Đình Đăng đang liệt kê những cái sai của Wikipedia tiếng Việt.
Vì sao Wikipedia tiếng Việt lại sai nhiều hơn tiếng Anh?
Vì người Việt có nhiều người không có tính đóng góp âm thầm không tên không tuổi. Người Việt chỉ đóng góp nếu có tên có tuổi.
Giá như anh Nguyễn Đình Đăng gửi cho Wikipedia hoặc tự vào edit trong đó (Wiki sẽ lưu lại IP của anh và giờ giấc anh edit, rồi Wiki cũng sẽ có cách ghi công) đoạn anh vừa viết... Như thế sẽ có lợi cho nhiều người hơn là chỉ có một dúm người trên Soi thế này.
Chỉ mong rằng anh sẽ không như nhiều người Việt khác, kết luận một câu: "Tôi không có thì giờ" (làm việc mà không lưu tên tuổi).
 

14:37 Saturday,13.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

"Trong số đông đóng góp cho Wiki có rất nhiều nhà chuyên môn, và cũng rất nhiều người trích ra từ tài liệu chuyên môn, có đủ cả tên tuổi tác giả, để có được nội dung tốt mà trên Wiki chúng ta đang dùng ngày nay." (sic)
 
Đúng. Các cụ nhà ta thường nói: "Nói phải củ cải nghe cũng được." Đó là lý do vì sao Wikipedia là một thư viện khổng lồ miễn phí cho tất cả những ai muốn học hỏi, và trích dẫn (ít nhất là về tiếng Anh), trong đó có tôi.
 
Tại sao tôi nói "ít nhất về tiếng Anh", vì Wikipedia tiếng Việt rất sơ sàí và nhiều chỗ sai kể cả các khái niệm phổ cập. Tôi lấy ví dụ: gõ "Sơn dầu" bạn được link tại đây.
 
1) Dòng đầu tiên viết:
Sơn dầu là một loại họa phẩm được làm từ sắc tố (pigment), thường dưới dạng bột khô được nghiền kỹ với dầu lanh (cây gai) hay dầu cù túc.
Sai chỗ nào:
Cây lanh không phải là cây gai. Cây lanh là từ họ Linacea trong khi cây gai (hemp) (cannabis hay cần sa) là từ họ Boehmeria. Sợi gai thường được dùng để dệt bao tải đựng gạo trong thời kỳ bao cấp ở Việt Nam, còn sợi lanh dùng để dệt canvas vẽ sơn dầu.
 
2) Sơn dầu không thấm nước, có độ dẻo và độ che phủ mạnh (dễ dàng phủ kín lớp sơn khác ở dưới, trừ các màu có tính đặc biệt).
Sai chỗ nào:
Không phải màu sơn dầu nào cũng có độ che phủ mạnh. Chỉ có màu sơn dầu loại đục (opaque) như trắng titanium, vàng ochre, v.v. thì mới có độ che phủ mạnh. Các loại khác như bán đục (semi-opaque), bán trong (semi-trasparent), trong (transparent) có độ che phủ từ vừa (bán đục) đến rất yếu (trong).
 
3) Các màu sơn được chế tạo bởi nguyên liệu khoáng chất thường cho ta chất sơn tốt hơn cả.
Sai chỗ nào:
Mầu từ khoáng chất tự nhiên rất ít (chỉ có vài màu như nâu đất, vàng đất, xanh biển sẫm (ultramarine) từ lapis lazuli rất đắt tiền, v.v. Nhiều màu khác phải tổng hợp mới có. Ngay bột trắng chì đã được tổng hợp từ trước công nguyên. Nhiều màu tổng hợp bền hơn màu từ khoáng chất, ví dụ đỏ cadmium bền hơn đỏ thần sa (vermilion, từ sulfide thủy ngân) v.v.
 
4) Nếu dùng sơn pha ít dầu quá thì dễ gây nứt rạn tranh, nếu pha nhiều dầu lanh thì lâu khô gây bất tiện khi chờ vẽ nhiều lớp, nếu dùng dầu lanh pha với màu sáng sẽ làm màu ấy mau ngả vàng, ...
Sai chỗ nào: Sai đến buồn cười vì người viết không hiểu kỹ thuật vẽ sơn dầu là gì nên viết lung tung.
 
Tôi không thể tiếp tục "dọn vườn" nữa vì không có thì giờ.
 

12:52 Saturday,13.10.2012

Đăng bởi:  Em-cung-co-y-kien

Anh Nguyễn Đình Đăng dẫn ra các thí dụ của số đông như những người kém cỏi hơn trong một số trường hợp không hiểu được thiên tài. Nhưng số đông của Wiki xin nói rõ hơn không phải là số đông đọc thụ động. Trong số đông đóng góp cho Wiki có rất nhiều nhà chuyên môn, và cũng rất nhiều người trích ra từ tài liệu chuyên môn, có đủ cả tên tuổi tác giả, để có được nội dung tốt mà trên Wiki chúng ta đang dùng ngày nay.
(Nói bên rìa một chút, các bạn nào có dùng Wiki nên bắt tay vào đóng góp cho Wiki, nếu không phải là tài liệu, nội dung, thì bằng tiền. Chúng tôi ở đây mỗi tháng gửi Wiki mỗi người 5 đô. Tích tiểu thành đại. Wiki luôn có thư cảm ơn rất chu đáo, dù là thư tự động)
Tôi e rằng tranh cãi kiểu này làm "lệch tâm" bài viết muốn nói. Tôi thấy anh Lê Quảng Hà nói linh tinh, chữ ít mà nói to. Thế thôi.
Còn dĩ nhiên trong toàn bộ cmt, chẳng ai cấm ai không được phát biểu cả, nên anh Đăng không phải viết chữ tự do ngôn luận bằng chữ in hoa đâu :-)

12:07 Saturday,13.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Em-cung-co-y-kien hãy đọc kỹ lại cmt của tôi một lần nữa để hiểu tôi định nói gì đã, xem có chỗ nào tôi viết Wikipedia là nguồn không đáng tin không nhé.
 
Tôi viết "ý kiến của số đông không phải bao giờ cũng đúng" không có nghĩa là ý kiến của thiểu số bao giờ cũng đúng hoặc bao giờ cũng sai.
 
Lấy gì để chứng minh rằng "viện dẫn ý kiến của thiểu số (như anh Nguyễn Đình Đăng hay dẫn ông này, ông kia) lại càng có xác suất đúng thấp hơn"? Bởi vì khẳng định này đơn giản là sai.
 
Trong lịch sử nhân loại, ai là người phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn, ra thuyết tương đối, viết ra "Iliad và Odyssey", "Hamlet",  "Những người khốn khổ", vẽ ra "La Gioconda", "Đi tuần đêm", sáng tác ra "Toccata and Fugue cung Re thứ", "Giao hưởng số 5 - Định mệnh", v.v. và v.v.? Số đông hay là các cá nhân kiệt xuất như I. Newton, A. Einstein, Homer, W. Shakespeare, V. Hugo, Leonardo Da Vinci, Rembrandt, J.S. Bach, L.V. Beethoven, v.v. và v.v.?
 
Khi Albert Einstein phát minh ra thuyết tương đối hẹp vào năm 1906 trên toàn thế giới chỉ có khoảng 1 tá các nhà vật lý hiểu được, đến nỗi hội đồng Nobel không dám trao giải cho ông vì lý thuyết vĩ đại này, mà chọn lý thuyết về hiệu ứng quang điện của ông để trao giải Nobel cho Einstein vào năm 1921.
 
Trong một xã hội dân chủ thực sự, quyền phát biểu chính kiến của cá nhân, phát biểu quan điểm của mình phải được xã hội bảo vệ, bất kể quan điểm đó có lạc lõng, không phù hợp với số đông như thế nào đi chăng nữa. Đó gọi là quyền TỰ DO NGÔN LUẬN. Bằng không, quyền của số đông sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
 
Tóm lại, như tôi đã viết trong vài cmt, khi tiếp cận thông tin từ bất cứ nguồn nào, dù là Wikipedia hay nguồn trực tiếp, phải dùng trí tuệ của chính mình để xử lý đã, ít nhất phải đọc để hiểu cho đúng cái người ta muốn nói là cái gì đã, rồi mới đến việc bàn đúng hay sai. Bởi vì khi chưa hiểu thì chưa thể phán xét được.
 
Cuối cùng, tin hay không là quyền của cá nhân. Không ai có quyền bắt bạn tin hay không tin vào bất cứ một thứ gì. Nếu ta đủ trí tuệ để tự tìm cho mình cái gì hay cái gì đúng thì may cho ta. Nếu không thì ráng mà chịu.
 
 
 

10:59 Saturday,13.10.2012

Đăng bởi:  Em-cung-co-y-kien

Anh Nguyễn Đình Đăng nói: "Ý kiến của số đông không phải bao giờ cũng đúng."
Nhưng viện dẫn ý kiến của thiểu số (như anh Nguyễn Đình Đăng hay dẫn ông này, ông kia) lại càng có xác suất đúng thấp hơn :-)))
Wiki là nguồn mở, có người đóng góp, và bên cạnh đó có nhiều người khuất mày khuất mặt dọn dẹp ngay những thông tin không đúng, chưa chính xác. Do đó đừng coi Wiki là nguồn không đáng tin.
Nguồn Wiki còn được nhiều người dòm ngó và chỉnh sửa. Chứ nguồn các ông cá thể thì chỉ người nào đọc sách ấy và mọt sách ngó tới thôi :-)
Wiki là dân chủ, còn ý kiến các ông cá thể là toàn trị. Đại loại thế. Hướng nào cũng có cái hay và cái dở. Nhưng thiên nhiều về hướng nào là lựa chọn cá nhân của từng người. Miễn đừng lúc này chọn hướng này, lúc khác chọn hướng khác, vừa cơ hội, vừa rối cho người khác.

8:57 Saturday,13.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Em-có-ý-kiến nói đúng: "Thầy cháu bảo: đứa nào viết luận án mà zẫn wiki thì coi-như-xong."
 
Ở đại đa số các trường đại học Hoa Kỳ, sinh viên nào trích dẫn Wikipedia trong essay (tiểu luận) của mình là "ăn" F ngay. F là điểm "vét đĩa" nhất, chữ đầu của "Failed" (hỏng, trượt) mà sinh viên hay gọi là "f..ck".
 
Wikipedia và bách khoa toàn thư là nguồn gián tiếp. Các nghiên cứu khoa học như luận văn, tiểu luận, phải trích dẫn nguồn trực tiếp, có tên tác giả hẳn hoi. Công trình nghiên cứu vật lý gửi đăng tại tạp chí quốc tế mà trích dẫn Wiki là bị Toà soạn trả lại ngay.
Wikipedia là nguồn mớ, một sự dân chủ hoá thông tin chưa từng thấy trong lịch sử, kết quả hợp tác của rất nhiều người khát khao kiến thức và tình nguyện, nên nếu sai thường được sửa ngay (nhất là về tiếng Anh, và trong các chuyên đề nhiều người quan tâm). Vì thế Wikipedia thường đúng với các kiến thức cơ bản, phổ quát, nhưng chưa chắc đúng trong các chuyên đề hẹp như về một cuộc nổi dậy nào đó trong t.k. 17 tại Nhật Bản chẳng hạn. Chính Wikipedia đã nói về nội dung của nó: “Chúng tôi không trông mong các bạn tin chúng tôi”, “Chúng tôi chỉ là những người sưu tập”, và trong bộ “sưu tập” khổng lồ này (riêng tiếng Anh có 1.6 triệu đề mục) “một số bài đạt trình độ học thuật rất cao, một số bài khác hoàn toàn là rác rưởi.
 
Một nguy hiểm nữa của Wiki là dân chủ hoá quan điểm. Nếu bạn thiếu tỉnh táo, không dùng trí tuệ của chính mình để xử lý thông tin, bạn sẽ dễ cho rằng ý kiến của số đông là đúng. Đó là điều hoàn toàn sai: Ý kiến của số đông không phải bao giờ cũng đúng. Viện dẫn số đông là một trong các xảo thuật ngụy biện có tên argumentum ad popolum.
 
Tóm lại, khi bàn về một vấn đề, bạn cần tìm thông tin chính xác và dựng lên một bức tranh toàn cục theo hiểu biết cuả bạn về vấn đề đó chứ không phải tin vào thông tin đầu tiên mà bạn tìm thấy. Khi trích dẫn, trừ những khái niệm, kiến thức phổ thông, nên trích dẫn nguồn trực tiếp có tên tác giả hẳn hoi, ví dụ:
 
"Các lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức – đầy tớ của tư bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt."
V.I. Lenin, Thư gửi Maxim Gorki ngày 15/9/1919, Lenin toàn tập, T. 51, tr. 48 - 49, bản tiếng Nga)

6:21 Saturday,13.10.2012

Đăng bởi:  pho duc tung

Thế nào là hiện thực có rất nhiều tranh cãi. Có cái gọi là hiện thực tự thân không, đó là một câu hỏi. Ta có thể nhận biết nó không. lại là vấn đề khác. Những thứ mắt thấy tai nghe chưa chắc là thực. Những thứ cảm nhận thấy, hay tưởng tượng ra chưa chắc không phải thực. Những thứ mọi người cùng thấy chưa chắc thực, và những thứ chỉ một người thấy chưa chắc là không thực. 
Bởi vậy, dù anh Hà nói thế nào, ta cũng không thể chứng minh được là anh sai. Có điều vấn đề không phải là chỉ ra anh Hà sai, mà là việc anh Hà cần thuyết phục mọi người về một loại hiện thực mới mà anh tìm ra. điều này chắc chắn anh chưa làm được, kể cả trên lời viết lẫn tác phẩm.

0:14 Saturday,13.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

                           Reality khác realism ở chỗ nào?
 
Câu đầu tiên sau dấu hoa thị trong bài chủ đã được tác giả Đinh Hải Bằng lược dịch từ nguyên văn tiếng Anh trong Wikipedia:
 
In philosophy, reality is the state of things as they actually exist, rather than as they may appear or might be imagined. In a wider definition, reality includes everything that is and has been, whether or not it is observable or comprehensible. A still more broad definition includes everything that has existed, exists, or will exist.
 
Việc dịch “reality” (danh từ) thành “hiện thực” trong văn cảnh này đã gây hiểu nhầm với realism tức hiện thực (chủ nghĩa).
 
Theo định nghĩa của từ điển Oxford, reality có những nghĩa sau:
1 – tình trạng thật sự và những vấn đề tồn tại trên thực tế trong cuộc sống, ngược với cái mà ta muốn nó xảy ra;
2 - sự vật mà ta thật sự cảm nhận hay nhìn thấy, ngược với cái ta có thể hình dung ra;
3 - những trình diễn (như TV shows v.v.) dùng các nhân vật trong đời thực chứ không phải diễn viên đóng.
 
Từ điển Anh - Việt dịch reality là:
1 - sự thực, thực tế, thực tại; sự vật có thực;
2 - tính chất chính xác, tính chất xác thực, tính chất đúng (như nguyên bản).
Thành ngữ “In reality” có nghĩa là “Trên thực tế”, “thật ra”, “kỳ thực”.
 
Như vậy danh từ “reality” trong văn cảnh này nên được dịch là “thực tại” (hay tính hiện thực), và đoạn văn thượng dẫn của Wikipedia nên được dịch như sau:
 
Trong triết học, thực tại là trạng thái sự vật như chúng thật sự tồn tại, chứ không phải là chúng có vẻ như thế hoặc được hình dung như thế. Theo định nghĩa rộng hơn, thực tại bao gồm mọi thứ đã và đang hiện hữu, bất kể ta có thể có thể quan sát hoặc lĩnh hội được chúng hay không. Một định nghĩa rộng hơn nữa (của thực tại) bao gồm mọi thứ đã, đang, và sẽ tồn tại.
Trong khi đó, từ điển Oxford định nghĩa danh từ realism (hiện thực) như sau:
1 - cách nhìn, chấp nhận và xử trí với các tình huống như chúng thật sự hiện hữu không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hoặc các hy vọng giả tạo;
2 - phẩm chất trông giống như trong đời thực;
3 - phong cách trong văn học nghệ thuật mô tả người vật như chúng hiện hữu trong đời thực;
4 - học thuyết triết học coi vạn vật hoặc các quan niệm trừu tượng có sự tồn tại khách quan hoặc tuyệt đối. Học thuyết coi vật chất như đối tượng của cảm nhận, và có sự tồn tại thực tế.
 
Realism (hiện thực) liên hệ thế nào với reality (thực tại) - đó là phạm trù của triết học, như đã bàn sơ qua trong các cmt trước về hiện thực khoa học (scientific realism), hiện thực hiện đại (modern realism) và hiện thực mù (blind realism), nên ở đây không cần nhắc lại nữa.
 
Realistic là tính từ của danh từ realism.
 
Như vậy giấc mơ vừa thực (real), vừa hiện thực (realistic) tùy theo cách hiểu thế nào là realism (khoa học, hiện đại, hay mù).
 
Cuối cùng Hán-Việt ngữ dịch danh từ “reality” là 現實 (phiên âm: hiện thực) tức cái thực (實) đang có bây giờ (現), còn tính từ “real” là 實(thực). Như vậy, nếu chấp nhận “reality” theo định nghĩa thượng dẫn của Wiki là gồm mọi thứ không chỉ đang có, mà cả đã có và sẽ có thì rõ ràng phải bỏ chữ 現 (hiện) đi.
 
Hoạ sĩ Phạm Tăng (sinh năm 1924, nay sống ở Pháp) từng làm nhiều thơ, trong đó có đoạn như sau:
 
Nằm đây đời vẫn trôi đi
Từ xanh mái tóc tới khi bạc đầu.
Đi đâu? Khắp mặt địa cầu
Cỏ cây mây nước cũng mầu đó thôi.
Cuộn tròn ôm một cái tôi,
Càng day dứt lắm, càng côi cút nhiều,
Lợi quyền? Danh vọng? Tình yêu?
Càng ham ước lắm càng nhiều đắng cay.
Thôi thì say biết mình say,
Coi đời như giấc mộng ngày lại hơn.
Lúc sinh tử, buổi mất còn,
Tỉnh - say, say - tỉnh cho tròn cơn mơ.
 

23:47 Friday,12.10.2012

Đăng bởi:  Em-cung-co-y-kien

Nếu mà toi thì anh Đăng toi đầu tiên. Anh Đăng là trùm viện dẫn Wiki :-)
Nói vậy chớ Em-co-y-kien nên tìm đọc quyển "Sao biển và con nhện" (NXB Tri Thức) để hiểu về Wikipedia. Đáng nể lắm đó bồ, đừng có coi thường.
Trong vụ này, mình thấy mọi người nên bám sát định nghĩa từ "hiện thực" nếu định tranh luận về chữ nghĩa. Dĩ nhiên hiện thực phải là cái có thực đã.

23:16 Friday,12.10.2012

Đăng bởi:  Em-co-y-kien

Chú/cô Hải Bằng chanh luận mà viện zẫn "từ điển" wiki thì toi rùi ạ.
Thầy cháu bảo: đứa nào viết luận án mà zẫn wiki thì coi-như-xong...
Đau-lòng ghê gớm ...

22:44 Friday,12.10.2012

Đăng bởi:  Em-co-y-kien

Thầy em bảo: cả Lê Quảng Hà và Nguyễn Đình Đăng đều đã no-đòn cái món hiện-thực-xã-hội-chủ-nghĩa và nhanh chóng cạch cái thứ hiện-thực-nực-cười-mười-cây-chết-chín-một-cây-khật-khừ đó
Hoan hô các chú... Cao thủ ghê gớm
ạ !

21:40 Friday,12.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Ngay từ t.k. 17 René Descartes (1596 - 1650) - tác giả của "Tôi tư duy vậy nên tôi tồn tại" - đã từng nói về hiện thực của các giấc mơ như sau:
Tôi mơ thấy tôi làm cái này cái kia, đi tới chỗ này chỗ kia; nhưng khi tôi tỉnh dậy tôi hiểu rằng tôi đã chẳng làm gì cả, chẳng đi đâu cả, mà chỉ nằm yên lặng trên giường. Ai có thể bảo đảm rằng tôi đang không mơ bây giờ, hoặc ngay cả toàn bộ cuộc đời tôi không phải là một giấc mơ? Từ đó suy ra rằng tính hiện thực của thê giới tôi đang sống là cái gì đó hoàn toàn có thể tranh luận.
 
Ông còn nói:
 "Tất cả những gì tôi chấp nhận là có thực nhất từ trước tới giờ đều đi qua các giác quan của tôi. Nhưng đôi khi tôi phát hiện ra rằng chúng đã đánh lừa tôi, và thật dại dột khi hoàn toàn tin tưởng vào những kẻ đã lừa dối ta, dù chỉ một lần."

18:32 Friday,12.10.2012

Đăng bởi:  thầy bói xem voi

Rõ ràng hiện thực là con người tuy có đôi mắt, nhưng mà lại "mù". Mù không có nghĩa là không thấy gì nhưng rõ ràng rằng thấy mà lại không thấy. Tượng thần tự do to tướng mà sao chiến tranh nhiều thế, liệu phải chăng ta đang chống đối tự do.
Có một số bức anh Hà vẽ những đôi mắt thiết kế máy móc tinh vi nhưng phải chăng nó vẫn cứ mù?
Con người sẽ mù lòa cho tới khi nào đây?
Rõ ràng chất vẽ có phần hơi pop  và có xu hướng biểu hiện. Nhưng cá nhân tôi nghĩ anh đã phản ánh đúng nghĩa là hiện thực mù trong cách suy nghĩ của anh.:)

15:33 Friday,12.10.2012

Đăng bởi:  Hoang Hung

Nguyễn Đình Đăng nói: "Vậy thế giới của các giấc mơ ta thấy trong khi ngủ cũng hiện thực không kém gì thế giới xung quanh ta thấy khi ta tỉnh."
Câu này nên bỏ chữ "hiện" đi. Và chữ "thực" còn lại cũng nên hiểu là chỉ "thực" với cái đầu của người nằm mơ, không phải là một cái "thực" khách quan mà nhiều người có thể cùng quan sát, cùng cảm nhận (dẫu rằng độ quan sát và cảm nhận sẽ khác nhau).
Không nên xập xí xập ngầu chữ "hiện thực" với "thực".

13:39 Friday,12.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

"Tóm lại, đó là một sản phẩm tưởng tượng của Lê Quảng Hà, không thể gọi là một hiện thực. Không có cái gì “thực” ở đây để anh Hà gọi đó là “hiện thực”. Cũng như một người bị hoang tưởng, “thấy” rất rõ có người đi theo đòi cắt cổ mình suốt ngày. Cảnh tượng đó có thể rất “thực” đối với trí não anh ta, nhưng đó không phải là hiện thực, vì đó là sản phẩm của ảo giác." (sic)
 
Vấn đề ở chỗ chỉ có nhờ 5 giác quan và tư duy mà chúng ta biết được thế giới là thực. Điều đó có nghĩa là thế giới của mỗi cá nhân phụ thuộc vào ngũ quan và tư duy của cá nhân đó. Một khi ta mất đi cảm giác và tư duy, thế giới này không tồn tại đối với ta.
 
Đôi khi chúng ta không hề có ý thức gì với thế giới xung quanh, ví dụ khi chúng ta ngủ. Khi thức dậy chúng ta không biết chuyện gì đã xảy ra trong khi chúng ta ngủ. Trong khi chúng ta ngủ chúng ta không trải nghiệm thế giới xung quanh vì ngũ quan của chúng ta không hoạt động. Muỗi đốt ta không biết. Sáng tỉnh dậy, thấy nốt muỗi cắn, thấy ngứa thì tư duy mới mách bảo là khi ta ngủ ta bị muỗi đốt. Sự thực là khi chúng ta ngủ thế giới này không tồn tại đối với chúng ta.
 
Trong khi ta ngủ, các giấc mơ của chúng ta rất thực. Nhiều khi chỉ có sau khi tỉnh dậy, ta mới biết rằng đó chỉ là giấc mơ. Vậy thế giới của các giấc mơ ta thấy trong khi ngủ cũng hiện thực không kém gì thế giới xung quanh ta thấy khi ta tỉnh. Sự khác nhau chỉ là độ ngắn dài mà thôi (Trạng thái mơ thì ngắn hơn trạng thái tỉnh).
 
Tùy theo tư duy vô thức, mỗi cá nhân có cách cảm nhận và diễn giải hành vi của các cá nhân khác theo một cách khác nhau. Vì thế thế giới trong tư duy và cảm nhận của cá nhân này khác thế giới trong tư duy và cảm nhận của cá nhân kia. Không thế giới của ai là giống nhau cả. Như vậy cái thế giới mà ta gọi là hiện thực, trên thực tế là sản phẩm của cách diễn giải những gì ta nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, sờ thấy, nếm thấy. Đối với những người có thêm giác quan thứ sáu, hay ngoại cảm (extrasensory perception), chúng ta cũng tựa như những người "mù".
 
Nếu chúng ta có đôi mắt phức hợp như mắt con ruồi, gồm hàng ngàn mắt con, cái thế giới mà chúng ta nhìn thấy và vẽ ra sẽ hoàn toàn khác. 
 
 
Vậy nên thi sĩ Nguyễn Bảo Sinh đã có thơ rằng:
Làm thơ, chơi chó, chọi gà
Cả ba thứ ấy khiến ta bơ phờ,
Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ,
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà.
 
 

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả