Bàn luận

Trừu tượng = trừu cái tượng?
hay tượng nó trừu? (Cập nhật 1)

 SOI: Trong cmt của bài Hội họa Trừu tượng: người đẹp trăm tuổi, ở phần cmt có tranh luận về chữ “trừu tượng”. Soi xin đưa thành bài để các bạn theo dõi. Rất bổ ích đấy! NGUYỄN QUÂN Theo chiết tự Hán-Việt, trừu tượng có thể được hiểu như sau: trừu, nghĩa là giữ […]

Ý kiến - Thảo luận

1:11 Monday,3.6.2013

Đăng bởi:  Lê Hiếu

Ôi bác NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG nội công thâm hậu quá. Đọc bài viết của bác chi tiết, rõ ràng và dẫn chứng rất dễ hiểu. Cảm ơn bác rất nhiều và luôn hi vọng nhận được thêm sự chia sẻ của bác trong các vấn đề khác ở SOI.

0:40 Sunday,11.11.2012

Đăng bởi:  Nguyễn.T.Trung

Xin phép được nhảy vào cuộc trao đổi nhân danh hai góc độ:
1. Hiểu từ Abstract theo góc độ thực tiễn kỹ nghệ
2. Giải thích từ Tượng theo lý học và tiếng Việt

Phần dễ trước:
1. Trong kỹ nghệ, đặc biệt trong kiến trúc, abstract được dùng để thể hiện một mức độ thiết kế trong đó dù không (không cần thiết) có cụ thể về cách thức nó sẽ được làm ra (to hay nhỏ, nặng hay nhẹ, bền hay chóng...) thì nó vẫn đủ để những đối tượng ngoài nó hiểu nó là gì mà biết cách tương tác với nó.

2. Trong lý học không giống như được giải thích ở đây " Trong thuyết âm dương của Kinh Dịch, tứ tượng là 4 hình ảnh (Tứ là bốn, tượng là hình ảnh): Thái Dương, Thiếu Dương, Thiếu Âm, Thái Âm, thực chất là các tổ hợp đôi của đường liền và đường đứt đoạn. Tổ hợp chập ba sinh ra bát quái. Tứ tượng còn là 4 hình ảnh trong Thái cực đồ. Trong phong thủy tứ tượng hay tứ thánh thú là 4 con vật (4 hình tượng) rùa đen, rồng xanh, hổ trắng, chim tước đỏ tượng trưng cho 4 chòm sao. Tượng ở đây cũng vẫn là hình ảnh"
Tứ tượng không hề liên quan đến hình ảnh, nó là tên gọi của một giai đoạn đầu tiên của hình thành (lưỡng nghi sinh tứ tượng - lưỡng nghi đó tương tác với nhau theo 4 cách) và mang tính bao quát toàn bộ về sau của sự tương tác (tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ), những giải thích như ở trên chỉ là những gán ghép cho dễ hiểu. Như vậy tứ tượng là phân loại cơ bản của tương tác.

Nay xét sang tiếng Việt (hoàn toàn thuần Việt - mặc dù có thể là Việt-Hán (bị Hán hóa 1000 năm)-Việt:
Tưởng, Tương, Tượng, Tướng, Tường
Tưởng: "nó" có thể có thật - tỉnh dậy buổi sáng, hôm nay sao hơi uể oải
Tương: tương tác với "nó" - cảm thấy không khí có vẻ u ám, âm ẩm
Tượng: Rõ nét ra sự tương tác với "nó" - Mây là tượng của mưa - nhìn ra ngoài trời thấy nhiều mây.
Tướng: Nắm được rõ hình tướng của "nó" - biết trời sẽ mưa cả ngày do ảnh hưởng của bão
Tường: Tiếp xúc cụ thể, biết rõ "nó" - đi bộ trong mưa
Trong phạm trù này tiếng Việt là vô địch (hãy xét thêm các từ khác ví dụ: hoa, họa, hòa, hóa, hỏa) - đây là ý nghĩa của "Nôm na là cha mách qué" - Tiếng Nôm là nguồn gốc của các quái (quẻ dịch)
Với 3 góc nhìn trên, hi vọng đóng góp một góc nhìn thêm về từ trừu tượng trong đó từ trừu (trong âm Việt) phải chăng là từ "trào" - đừng vội tin các từ điển.
Cá nhân tôi thấy cách hiểu này rất phù hợp với những gì "trừu" ra trong tôi khi "tương tác" với tranh của Nguyễn Trung hay Vũ Hòa.

Trân trọng,

Trung

22:06 Saturday,10.11.2012

Đăng bởi:  Nguyệt V

Mình thấy cực khó chịu các bạn ăn theo nói leo vào cmt trêu đùa anh Đăng. Dù đồng ý hay không đồng ý, các bạn cũng nên tôn trọng. Có anh Đăng và anh Tùng tranh cãi thì chúng ta mới đỡ dốt chứ! Các bạn là họa sĩ, đã không đóng góp gì được về nghề và kinh nghiệm cho cuộc thảo luận thì đừng có đứng ngoài mà vỗ tay nhảm, xấu lắm.

21:56 Saturday,10.11.2012

Đăng bởi:  IQ ABC

Dốt tiếng Anh đã sẵn, bác PĐT lại cho mấy chữ ý vào, vừa đọc vừa tưởng tượng, đó sẽ cũng là "trừu tượng" với em nếu không có bác Google Dịch ở bên. :D

12:57 Saturday,10.11.2012

Đăng bởi:  LÝ VĂN TRÌU

Ô Hay
 Hóa ra TRỪU này không phải TRỪU kia ạ.
Thế mà bấy lâu nay cứ thấy bài viết của mấy anh mà có choác dăm vụn thơ Đường là làm cả làng em phát hãi. Món đó bí hiểm và cao siêu lắm. Thế mà...
TRỪU này không phải TRỪU kia
NHO học chưa hết đã NHO (NHE)

8:31 Saturday,10.11.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Tôi lại không nghĩ như vậy.
 
1) Xuất phát điểm của tôi trong vụ này là cách hiểu nghĩa đen của 2 chữ Hán-Việt "trừu tượng", chứ không phải hội hoạ trừu tượng là gì. Tuy nhiên tranh luận đã đi sâu vào nội dung thứ hai.
 
Trên phương diện đó, tôi tóm tắt tất cả các cmt trong series này lại thành 3 options như sau:
 
A) trừu, nghĩa là giữ lại; tượng, nghĩa là hình ảnh. Vậy hội họa trừu tượng là một kỹ thuật, một thao tác nhằm “giữ lại” những hình ảnh để nó “không đi vào” trong tác phẩm.
 
B) trừu nghĩa là rút ra, loại bỏ; tuợng nghĩa là hình ảnh (của vật trong thế giới khách quan). Vậy hội họa trừu tượng là cái còn lại sau khi mọi hình ảnh liên quan tới vật trong thế giới khách quan đã bị loại bỏ.
 
C) trừu nghĩa là chắt lọc; tượng có nghĩa như (B). Vậy hội hoạ trừu tuợng là hội hoạ chỉ giữ lại trong tranh hình ảnh được chắt lọc từ hình ảnh của vật trong thế giới khách quan.
 
Theo tôi,
 
Option (A) không đúng ở 2 chỗ: i)  hiểu sai nghĩa đen của từ "trừu" trong chữ Hán. Trừu là "rút ra" chứ không phải là "giữ lại", ii) cho rằng hoạ sĩ giữ lại hình ảnh trong mình, mà không để vào tranh. Thực ra hoạ sĩ giữ lại hình trong tâm hay quên hẳn nó đi là điều không đóng vai trò gì ở đây. Cái người ta quan tâm ở đây là cái gì còn lại trong tranh, chứ không phải còn trong hoạ sĩ. Nhưng A) đúng ở kết quả cuối cùng: Trong tranh không còn hình nữa.
 
Option (B) là quan điểm của tôi: đúng theo cả nghĩa đen của chữ Hán trừu, lẫn nghĩa của kết quả: trong tranh không còn hình nữa.
 
Option (C) đúng trong việc hiểu 1 nghĩa đen của chữ Hán trừu, nhưng sai trong việc hiểu hội hoạ trừu tượng.
 
2) Hội họa trừu tượng một cách tuyệt đối có nghĩa là trong nó không còn vết tích gì của vật thể từ thế giới khách quan nữa. Không phải chắt lọc để giữ lại cái tinh túy mà là loại bỏ hoàn toàn, loại bỏ hết, kể cả cái gọi là bản chất của vật thể nếu có.
 
Vì thế, tác phẩm duy nhất của hội hoạ trừu tượng gần với tuyệt đối từng tồn tại từ trước tới giờ là Các bức tranh trắng của Robert Rauschenberg, vì trong tranh gần như không còn gì nữa: không hình, không màu (màu trắng thực ra vừa không phải là màu vừa là tổng hợp của tất cả các màu - nó là nothingness - hư vô), không đường nét. Tại sao tôi nói "gần như"? Bởi vì khi treo tranh lên, bề mặt trắng của nó vẫn còn phản quang ánh sáng và bóng đổ từ môi trường xung quanh và có thể đổi màu tùy theo ánh sáng trong phòng, tức còn cho ta liên tưởng tới hiện thực xung quanh.
 
Nhưng như vậy cũng có nghĩa rằng hội họa trừu tượng tuyệt đối là tận cùng của hội hoạ, là cái chết của hội hoạ. Quá trình vẽ các loại tranh trừu tượng là loại bỏ hình thế nào để đạt cái tuyệt đối của trừu tượng. Một khi đạt được cái tuyệt đối đó thì cũng không còn hội hoạ nữa. Điều này cũng tương tự triết lý của Sigmund Freud:
"Mục đích của toàn bộ cuộc sống là cái chết."

22:20 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  pho duc tung

anh Đăng,
tới đây thì em gần như có thể đồng ý hoàn toàn với anh.
anh nói: mọi hội họa đều có phần trừu tượng, vì không có nó thì không thể có tranh hay. Đó chính là vì trừu tượng là quá trình chắt lọc, tinh chế. còn nếu trừu tượng chẳng qua là rứt hình một cách cơ giới thì ta không thể có sự khẳng định là nếu không có sự nó thì không thể có tranh hay.
Picasso nói, mọi hội họa đều phải có xuất phát từ vật thể, và quá trình làm hội họa là lược bớt hay rút bỏ hình tượng của vật thể đó - hoàn toàn đồng ý. Thực tế là người ta không thể hình dung ra bất kỳ một thứ gì không có xuất xứ thực thể. và chắc chắn anh phải đồng ý với em là việc rút bỏ hình tượng của vật thể này phải nhằm tới việc tạo ra một thứ tinh khiết hơn, chứ không phải một loại công việc vô tri vô giác hay cơ học thuần túy kiểu như đơn giản là bỏ bớt vài bộ phận.
Không có hội họa trừu tượng thực sự, mà chỉ có các mức độ trừu tượng khác nhau, tương ứng với độ tinh chế của ý tưởng, đồng thời là mức độ xa với hình mẫu ban đầu. và khi mức độ trừu tượng đạt tới mức mà không còn nhận ra hình mẫu ban đầu, hoặc dấu vết của hình mẫu đó không còn là trọng tâm của tác phẩm nữa, thì người ta gọi là hội họa trừu tượng.
Cái tinh chất của vật thể, sự kiện là gì là điều rất mơ hồ và rộng, bởi thế có rất nhiều tranh cãi về tranh trừu tượng. Mỗi người có thể diễn đạt, cảm nhận cái tinh chất đấy một khác. Từ một loài thực vật, ta có thể tinh chế thành rất nhiều sản phẩm khác nhau, bằng những phương pháp khác nhau, tùy vào việc ta coi cái gì là tinh chất của loài thực vật đó. Bột xương có thể coi là tinh chất của xương, cao nấu từ xương cũng có thể coi là tinh chất của xương, và hàng loạt sản phẩm khác có thể được tinh chế từ xương, nếu muốn.
Tuy nhiên việc nỗ lực tạo ra bất kỳ một loại tinh chất gì và tài năng làm việc đó cũng có thể gây ra một sự đồng cảm về độ đậm đặc của thông điệp, cho dù nội dung cụ thể của thông điệp đó là gì, và đó là điều khiến một bức abstract có được sự rung cảm của nhiều người, mặc dù mỗi người có thể giải thích nó một cách khác.

16:59 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Vấn để ở đây là bạn hiểu thế nào là essence (bản chất)? Đó là tinh thần của vật chất hay sự tối giản cùa vật thể? Tinh thần của vật chất là cái gì? Có phải nó hiện hữu trong mọi loại hình hội hoạ không? Một người mà vứt hết da thịt, xương cốt đi thì còn lại cái gì? Và nếu bạn vệt một nét bút rồi nói đấy là essence của người thì liệu có khác gì bạn viết một chữ tượng hình như chữ "nhân" 人 trong chữ Hán, mà gốc của nó vốn là hình vẽ một người có hai chân?
 
Theo Pablo Picasso, chặt chẽ mà nói thì không có cái gọi là hội họa trừu tượng. Hoạ sĩ bao giờ cũng phải bắt đầu từ một vật, một object nào đó, sau đó thì làm mọi cách để loại bỏ dấu vết của hiện thực đi (tức nôm na là lôi hình ra vứt đi). Nhưng làm cách gì đi chăng nữa hoạ sĩ cũng không thể xoá được cái ý tưởng của một vật thể trong tranh của mình, tựa như một vết nhơ không thể nào xóa đi được. Điều đó có nghĩa là không bao giờ ta đạt được khái niệm trừu tượng tuyệt đối trong hội hoạ.
 
Mặt khác mọi loại hình hội hoạ đều mang yếu tố trừu tượng, mà thiếu nó thì không thể có một bức tranh hay được.
 
Cuối cùng tặng các bạn câu nói của danh hài và hoạ sĩ biếm họa người Mỹ Al Capp:
 
Abstract art is a product of the untalented, sold by the unprincipled to the utterly bewildered.
Hội hoạ trừu tượng là sản phẩm của kẻ bất tài, được bán bởi kẻ bất lương cho kẻ hoàn toàn rối trí. 
 
Al Capp là nghệ sĩ hài cho nên đừng hiểu câu nói của ông ta một cách quá nghiêm túc để rồi ... tức điên.

15:24 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  pho duc tung

anh Đăng
1- tất nhiên em biết Van Ghoc không phải họa sỹ trừu tượng. Nhưng nếu nói trong tranh phong cảnh và cây táo có cái đẹp và kỹ thuật trừu tượng, thì có nghĩa là bản thân khái niệm trừu tượng không hoàn toàn loại bỏ nguồn gốc vật định thể hiện là một thực thể.
2- em hoàn toàn hiểu ý anh về chuyện loại bỏ hình, và cũng đã nói là đó không sai, cũng như khái niệm ngăn chặn hình của chú Quân không sai, nhưng không làm rõ cái cốt yếu. em nói là đó là định nghĩa negative, tức là nói abstract có nghĩa là không phải là hình, giống như nói bơ là phần còn lại sau khi đã loại bỏ sữa (tượng). Thực ra ý chú Quân nói ngăn chặn lại hay anh nói rút hình ra là một, thể hiện rõ trong câu tiếng anh mà anh nói, là exclude image.
3- điều em muốn tranh luận là: không phải cứ không có hình thì đã là abstract. Không có hình mới chỉ là nonfigurative thôi. Muốn là abstract phải có essence, bất kể là essence của sự vật, hay là của một tình cảm, quan điểm. và chính vì chữ trừu tượng theo đúng chiết tự thì tự nó không làm rõ được điều này, nên em mới nói là nên theo gốc chữ abstract.
4- nhưng thôi, mình tranh luận về chữ nhiều rồi. em chỉ hỏi anh một câu thôi, cuối cùng thì theo anh tranh abstract có cần có một   essence nào không, cho dù là essence của bất kỳ cái gì, hay miễn là không có hình là được?

14:52 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Sơn.. Trừu

"Như vậy vẽ trừu có nghĩa là vẽ cái phần khí, trọng về khí mà lược giản phần tượng, chỉ giữ lại cái cốt cách của một con người"
Ấy ấy kẻo nhầm "LƯỢC GIẢN phần tượng không có nghĩa là bỏ hình".
Nói đến rượu lại nghĩ ngay đến lúa gạo, ngô khoai hay hoa quả nào đó, người biết thưởng rượu phải là người có kinh nghiệm đủ độ tinh tường mà bóc tách phân biệt được đó là rượu gì, xuất sứ nguồn gốc. Còn người không biết thưởng rượu thì chỉ biết đăng đáng, uống là say tốn rượu hại gan lụy đến sức khỏe cạn kiệt tư chất kém thì có đến thân xác cũng không giữ được chứ nói chi đến khí lực.

14:49 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

1) Trong văn cảnh của 
 
Trừu đao đoạn thủy, thủy canh lưu, Cử bôi tiêu sầu, sầu canh sầu
(Rút dao chém nước, nước vẫn trôi, Nâng li tiêu sầu, sầu càng sầu.)
 
thì trừu đao (rút dao), đoạn thủy (chém nước), cử bôi (nâng li) là các động từ (trừu, đoạn, cử) và bổ ngữ đối tượng trực tiếp (đao, thủy, bôi).
 
2) Tranh của Van Gogh chưa bao giờ là tranh trừu tượng. Tác giả Nguyễn Quân không bảo tranh Van Gogh là tranh trừu tượng mà là "những phát xuất sớm của kỹ thuật và cái đẹp trừu tượng," tương tự như nói tranh của E. Manet là tiền thân của tranh ấn tượng chẳng hạn, cho dù bản thân Manet chưa bao giờ là một hoạ sĩ của trào lưu ấn tượng.
 
3) Hình như bạn vẫn không muốn hiểu nghĩa đen của từ trừu tượng 抽象 tức là loại hình ra hay hình đã bị loại ra.  Theo đó, hội họa trừu tượng (抽象絵画) là cái còn lại sau khi hình đã bị loại ra (= sau khi ta loại hình đi), chứ không phải là hình ảnh chắt lọc của object (abstracted butter) như bạn đã suy diễn. Hình 象 ở đây được hiểu là vật cụ thể (object) từ thế giới khách quan như người, vật, cây cối, sông, núi v.v. chứ không phải an abstract image (một hình ảnh trừu tượng) do màu sắc và đường nét tạo nên. Còn cách dịch như vậy có đúng với abstract painting trong tiếng Anh không lại là chuyện khác. Theo tôi, nó không hoàn toàn đúng, nhưng nó đã truyền đạt được khá gần khái niệm về abstract painting.

13:58 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  Em-cung-co-y-kien

Vui quá nhảy vào góp nhảm một tẹo. Anh Nguyễn Hồng Sơn thì ngoài phần khí phần tượng, còn phần thủy phần văn nữa phải không anh?
Khí là phần hồn nghệ sĩ
Tượng là phần xác nghệ sĩ
Thủy là lượng cồn tiêu thụ của nghệ sĩ
Văn là ý tứ, ngôn từ của nghệ sĩ thể hiện trên các statement
Nghệ sĩ mình phần khí đã bị môi trường xung quanh làm tổn hại, bị "trừu" đi nhiều, hàng ngày lại không tự bồi đắp. Phần tượng vừa bị phần thủy hủy hoại, vừa bị phần khí ám, đâm ra lem nhem không còn gì. Phần thủy là mạnh nhất. Cuối cùng còn lại mỗi phần văn để múa võ với đời, nhưng cũng yếu do phần khí kém.

13:39 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  pho duc tung

anh Đăng
1- chữ trừu đao có thể được hiểu cả hai nghĩa vẫn đúng, có nghĩa là dùng con dao được rút ra chém nước, hoặc là hai động tác rút dao và chém nước. Tương tự chữ trừu tượng có thể được hiểu cả nghĩa động từ trừu lẫn tính từ trừu. Lần đầu tiên em nói là bác dùng chữ trừu theo nghĩa động từ, thì bác lại bảo là bác dùng theo nghĩa tính từ.
2- bác nói là tranh abstract không bao giờ có liên quan đến hiện thực, chẳng hạn gà abstract không phải là abstract, vậy thì thứ nhất là chú Quân sai, khi trong bài dẫn ra một loạt tranh có xuất xứ hiện thực, từ phong cảnh của Van Gogh đên cây táo, hay như tranh con công mà Soi đưa vào.
3- nếu abstract không được rút ra từ bất kỳ hiện thực nào, mà bản thân chủ đề đã không liên quan gì đến vật hữu hình thì việc rút hình là rút hình của cái gì? như thế thì việc rút hình chẳng phải vô nghĩa ư?
Bạn Sơn
ý bạn nói thì rất hợp ý mình, nghĩa là bỏ phần hình, giữ phần thần trong tranh. Nhưng triết tự của bạn thì hoàn toàn sai, khi nói trừu tượng nghĩa là "trừu" và "tượng", trong đó "trừu" là thần, "tượng" là hình, và "trừu tượng" là bỏ hình giữ thần.

12:19 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Nhân có người nhắc tới Lý Bạch:
 
Trừu đao đoạn thủy, thủy canh lưu,
Cử bôi tiêu sầu, sầu canh sầu
抽 刀 断 水 水 更 流 ,
举 杯 销 愁 愁 更 愁

Hai câu này có nghĩa là
 
Rút dao chém nước, nước vẫn trôi,
Nâng li tiêu sầu, sầu càng sầu.
 
Ở đây trừu đao 抽刀 có nghĩa là rút dao ra với trừu 抽 đóng vai trò như các động từ.

12:15 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  Sương

Hừ hừ bác Đăng, sao mà chơi võ gì thiếu anh hùng thế? Để anh em bàn tán rôm rả mà cả bác cũng rôm rả đã đời, cả bác cũng dẫn tranh gái Tàu đẹp vào cho minh bạch, thế mà bây giờ lại bẩu không có ý định bàn về hội họa trừu tượng, chỉ bàn chữ trừu tượng thôi. Thế có tẽn tò anh em không chứ.
Anh em họa sĩ trong nước ta lưu ý nhá: từ sau đừng có sa vào tranh cãi với bác này nhá. Bác ấy rảnh rỗi hơn chúng mình nên tra sách vở nhiều. Dưng mà khi cần thì bác ấy sẽ bảo ơ bác ấy có nói thế đâu.
Mình lại buồn cười nhớ lại hồi ấy học triết Mác Lê trong trường có từ tha hóa. Cãi ỏm cả tỏi lên vì vẫn quen bàn chữ tha hóa trong phạm vi cán bộ mà. Nào "tha" là gì, "hóa" là gì. Cãi một hồi như điên cả lên rồi vị chủ trì bảo tôi chỉ nói chữ  tha hóa trong phạm vi lời Mác (Mác nói gì quên béng rồi) chứ không nói chữ này trong phạm vi đạo đức các cậu. Mà đứa nào cũng nhớ rõ lúc cãi nhau ông ấy có nhắc đến "một số biểu hiện tha hóa của cán bộ". 
Tóm lại anh em chúng mình dốt, ít chữ, cãi không lại những người nhiều chữ mà lắm mưu đâu. Chuồn thôi, sang hội họa figurative gì đó cho nó lành. Chim hoa cá bướm là chim hoa cá bướm. Càng mộc càng tốt, không cần chắt lọc ra vào đâu. Nhỉ?

12:00 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

"Figurative (cho mỹ thuật) là loại nệ theo, bám sát theo hình mẫu. Nonfigurtaive là không nệ theo, không bám sát theo hình mẫu." (sic) 
 
Đây là một định nghĩa nhầm lẫn.
 
Figurative art (tạm dịch: nghệ thuật hữu hình) là các tác phẩm nghệ thuật thể hiến rõ các vật thực tồn tại trong thế giới khách quan. Figurative art thường được hiểu như một khái niệm ngược nghĩa với abstract art (nghệ thuật trừu tượng).
 
Nonfigurative art (tạm dịch: nghệ thuật không hình) là nghệ thuật không mô phỏng hay biểu hiện vẻ ngoài của các vật thấy trong tự nhiên. Gần với nonfigurative art là non-objective art. Như vậy nonfigurtaive art về mặt nào đó tương tự như abstract art. Ví dụ, một bức tranh mô tả dàn nhạc giao hưởng có thể không có hình của các vật cụ thể như nhạc công và nhạc cụ, nhưng muồn truyền cảm giác hay thể hiện cái gọi là âm nhạc hay bản giao hưởng, là một bức nonfigurative (không hình) nhưng chưa hoàn toàn là một abstract painting. Trong khi Composition của Wassily Kandinsky là một abstract painting.
 
Như đã nói, cmt đầu tiên của tôi trong series này chỉ xuất phát từ nghĩa gốc của chữ Hán "trừu tượng" là "hình đã bị rút ra" (bị loại đi) chứ không phải là "được giữ lại". Từ này hơi khác với tính tử abstract trong tiếng Anh vốn có nghĩa rộng hơn. Vì vậy bàn về từ "trừu tượng" khác với bàn về thế nào là abstract art (mà tiếng Hán-Việt dịch là hội họa trừu tượng). Tôi không có ý định bàn về abstract art.
 
 

11:41 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Sơn

Tất cả các ý của các vị đều có phần lớn là đúng, nhưng chưa đủ và trúng đích điểm 10.
Theo tôi hiểu nôm na là: Trong một vật thể, một phong cảnh hay một con người, đều có hai phần đó là " PHẦN KHÍ VÀ PHẦN TƯỢNG".
Phần tượng là phần cụ thể, như thể xác của một con người.
Phần khí là phần linh hồn của con người, và cũng là phần trừu.
Như vậy vẽ trừu có nghĩa là vẽ cái phần khí, trọng về khí mà lược giản phần tượng, chỉ giữ lại cái cốt cách của một con người hay một vật thể, một phong cảnh nào đó mà thôi.

11:27 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  Vũ Lâm

Về riêng việc này tôi thấy anh Tùng hiểu đúng, anh Đăng cố tình hiểu lằng nhằng (xin lỗi anh Đăng, tôi không nói anh hiểu sai mà là hiểu lằng nhằng thôi ạ. Do lằng nhằng nên anh lại dẫn ra được nhiều ví dụ tham khảo, hì)
Chữ trừu tượng theo kiểu hiểu ở ta là rút ra một cái gì đó tinh lõi (trong nhận thức và triết học) để quán chiếu hiện thực (Trừu đao đoạn thủy, thủy cảnh lưu/ Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu - Lý Bạch). Nhận thức đó là những gì "nhân tạo" và không có trong tự nhiên, chỉ có trong đầu cái loài thẳng lưng đi hai chân là chúng ta thôi. Kiểu như trong tự nhiên, gần như không có đồ vật nào tròn tuyệt đối, vuông tuyệt đối, tam giác cân tuyệt đối. Việc rút ra rồi quy nạp ba hình đó là ba hình căn bản là nhận thức trừu tượng rồi.
Nhưng khi gọi thể loại tranh abstract là tranh trừu tượng. Có lẽ người dịch đầu tiên cóc tìm được chữ nào khả dụng hơn cho cái loại tranh chẳng có hình thù để làm đường dẫn cho việc phân tích để hiểu nên dùng tạm chữ đó, sau thành thói quen thôi. Như vậy cái gọi là "tranh trừu tượng" ta thường gặp, sẽ có hai loại là "cô đặc nhận thức hình mầu rồi rút ra gì đó" như của Mondrian cũng là tranh trừu tượng. Loại thứ hai là "giữ lại hình ảnh chỉ để cảm xúc và ngẫu hứng tuôn trào" ra những bản đồ cảm xúc mơ hồ như kiểu Pollock cũng gọi là tranh trừu tượng nốt.
Như vậy chữ "nhận thức, tư duy trừu tượng", "vấn đề trừu tượng" cho đến chữ "tranh trừu tượng" là hai nghĩa đã bị phân lập khác nhau đi mất rồi. Nếu cãi nhau về mặt chữ nghĩa thì mất cả ngày mất. Chỉ người đọc như tôi là được lợi (hic) vì được copy kiến thức của các anh để tham khảo, đi nói phét chỗ khác.
Về chuyện ai là "ông tổ hội họa trừu tượng" thì tôi nghĩ là hơi khó nói. Vì các cụ khỉ của chúng ta (hay nhân loại nói chung khắp thế giới) đều có để lại tranh trừu tượng cả (kiểu như hình vẽ trên đá ở Sapa) chứ chưa đến lượt Giotto khéo tay vẽ hình tròn không cần compa. Còn hội họa trừu tượng được Kandinsky vẽ, rồi viết hẳn sách lý luận dựng chuyện cho một thể loại hội họa tân kỳ. Thì từ đó mới được coi là "cụ tổ của hội họa trừu tượng", theo tôi không cần thiết phải bàn lại.
Còn một chuyện tôi chân thành mong muốn, hôm nào có thời gian, tôi xin phép được tranh biện với tiên sinh Nguyễn Đình Đăng (nhân bài viết rất thú vị của anh về "Ai thắng ai trong ván bài của Cezanne") về cái tôi gọi là "lõi" tranh (cách khác để chỉ "cấu trúc bức họa"). Vấn đề tôi đang băn khoăn là: Hội họa trừu tượng có cấu trúc và có "lõi" không? Nếu có thì nó ở đâu?
Còn cá nhân tôi, cả hai cách giải thích là "giữ lại" hay "rút ra" như ông Nguyễn Quân lý giải hay anh Đăng đều đúng để nói về "tranh trừu tượng" (tôi nói tranh trừu tượng thôi chứ không nói đến những cái trừu tượng khác). Nhưng riêng tôi thì tôi chỉ nghĩ thêm, quan trọng hơn là việc "cho vào" cái đã. Cho vào được rồi thì "rút ra" hay "giữ lại", tùy :-)

10:11 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Ai là c t ca hi ha trừu tượng?


 


Ấy, đừng nói rằng bạn đồng ý với tôi.
Khi mọi người đồng ý với tôi, tôi luôn có cảm giác rằng chắc tôi phải sai rồi.
- Oscar Wilde
 
Hỏi một người Nhật hay người Tàu bình thường rằng hai chữ Hán 抽象có nghĩa là gì khi gắn cho một bức tranh, câu trả lời nhận được sẽ đại loại là: “Đó là bức tranh mà hình ảnh các vật như người, con mèo, ngôi nhà, cái cây, sông, núi đã bị loại ra.” Tôi vừa làm thí nghiệm này với một ông giáo sư Nhật khả kính về hưu đang ngồi ở phòng bên cạnh office của tôi.
 
*
 
Chữ tượng 象trong từ trừu tượng 抽象có nghĩa là hình ảnh như một vật (object) tương tự như trong các từ 对象 tức đối tượng, mục tiêu, vật, object, hay 印象 (ấn tượng) tức hình ảnh được in vào tâm trí. Ngược nghĩa với trừu tượng (抽象) là cụ tượng (具象) hay cụ thể đích đối tượng (具体的对象).
 
Như vậy, tranh trừu tượng là tranh trong đó hình ảnh các vật đã bị loại ra (An abstract painting is a painting where images of objects are excluded). Trong một bức tranh trừu tượng họa sĩ tạo nên một bố cục gồm các mảng màu, đường nét, hình khối, mà không nhằm diễn tả hay mô phỏng bất cứ một vật nào mắt ta nhìn thấy từ thế giới khách quan. Đây là cách hiểu thông thường. Làm thế nào để loại ra các hình ảnh của các vật không phải là điều tôi quan tâm ở đây, cũng tương tự như bàn tới khái niệm Duy Tâm trong Thiền chứ không phải là làm thế nào đạt được nó (bằng tiệm ngộ hay đốn ngộ).
 
Cách hiểu hội họa trừu tượng như thứ hội họa trình bày hình ảnh đã được chắt lọc là một suy diễn thú vị, khác tinh thần nêu trên, bởi một hình ảnh chắt lọc của một vật vẫn liên quan tới một vật. Một bức tranh vẽ essence (bản chất) của một con gà hay một hình ảnh chắt lọc của một con gà (an abstracted image of a chicken) không phải là một bức tranh trừu tượng bởi nó vẫn liên quan tới con gà. Khi họa sĩ khoanh một vòng tròn nhằm diễn tả mặt trăng thì đó không phải là một bức tranh trừu tượng. Đó có thể là hội họa tối giản, tuy rất gần với trừu tượng.
 
*
 
Người ta thường đồng ý với nhau rằng hội họa trừu tượng là sản phẩm của thế kỷ 20 mà cụ tổ là Wassily Kandinsky. Thực ra một trong bức họa trừu tượng đầu tiên, hay ít nhất là trước Kandinsky 7 thế kỷ, là bức vẽ huyền thọai của Giotto.
 
Tương truyền giáo hoàng Boniface muốn đặt vẽ một bức bích họa trên tường tu viện Thánh Peter. Ngài phái sứ giả đi khắp các vùng nước Ý để tìm họa sĩ giỏi nhất có thể vẽ bức bích họa này. Sứ giả yêu cầu mỗi họa sĩ gửi vài bức tranh để sứ giả đem về trình giáo hoàng. Khi sứ giả tới xưởng vẽ của Giotto và yêu cầu ông nộp tranh, Giotto lấy một tờ giấy, nhúng bút lông vào màu đỏ, và nhoằng một phát vẽ ngay một vòng tròn hoàn hảo lên giấy.
- Đây, - Giotto nói.
- Đó là tất cả ư? – Sứ giả bối rối.
- Quá đủ. Ông hãy đem nó cùng với các bức tranh khác về trình đức giáo hoàng để xem ngài có hiểu không.


 


Đức giáo hoàng cuối cùng đã chọn Giotto làm họa sĩ vẽ bức bích họa của tu viện.
Vòng tròn của Giotto là một bức họa trừu tượng thực thụ bởi nó không nhằm diễn tả hay mô phỏng bất cứ một vật cụ thể hay một nội dung liên quan tới các vật cụ thể nào của thế giới quanh ta. Nó LÀ sự hoàn hảo, tựa như một bức Thiền  họa.
 
Trước đây đa số đều tin rằng Jan Van Eyck là người phát minh ra sơn dầu vào thế kỷ 15. Năm 2001 người ta tìm thấy các tranh sơn dầu vẽ trên vách 12 trong số 50 hang tại Bamiyan (Tây Afghanistan) từ thế kỷ 5 – 7 với một kỹ thuật vẽ nhiều lớp, có cả láng màu, tương tự như kỹ thuật vẽ sơn dầu của thời Trung Cổ sau này.
 
Mọi khái niệm định nghĩa đều có thể thay đổi như chính khái niệm về cái đẹp trong mỹ thuật.

8:27 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  admin

Xin phép anh Nguyễn Đình Đăng và anh Phó Đức Tùng là Soi đưa phần tranh luận của các anh trong phần cmt vào bài luôn (thành các cập nhật) để sau này các bạn có vào đọc sẽ đi được đến cùng cuộc thảo luận.
Cảm ơn hai anh rất nhiều. Bản thân Soi được học thêm rất nhiều mỗi khi nghe (đọc) hai anh bàn luận.

1:11 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  Lê Hà

Tôi thấy cuộc tranh luận quá hay và bổ ích. Cả anh Đăng và anh Tùng đều uyên bác. Nghe các anh tranh luận mà sướng tỉnh cả người!

0:32 Friday,9.11.2012

Đăng bởi:  Phượng BT

Anh Đăng càng nói càng sai. Làm quái gì có cái thứ tranh không hình. Rút hình ra thì còn... canvas à?

Rồi lại bảo là tương đương với nonfigurtaive painting thì bó tay luôn. Figurative (cho mỹ thuật) là loại nệ theo, bám sát theo hình mẫu. Nonfigurtaive là không nệ theo, không bám sát theo hình mẫu. Hồi đó có người dịch là "biểu hình" cũng sai nốt. Bút đã sa là có hình rồi, chỉ có sát hình hay xa rời hình thôi.

Ai cũng biết chữ tượng có liên quan đến hình (hình tượng, trừu tượng, tượng hình, biểu tượng), nhưng anh Đăng vì muốn thắng mà cố tình quên cấp cao hơn của tượng trong nghĩa hình thì theo tôi là không nên, như thế không phải là sòng phẳng trong tranh luận.

Tranh luận thì thắng thua là chuyện thường. Ai cũng thông kim bác cổ ngay từ bây giờ thì mai ắt phải chết :-) Việc gì cứ phải thắng cho bằng được, bằng mọi giá thế!

23:13 Thursday,8.11.2012

Đăng bởi:  Sương

Ôi mịa ơi đọc hết những tranh luận này mới thấy bác Quân lỗ mỗ quá. Không biết bác có vào đọc Soi không? Nếu không đọc mà sau này đi đâu cũng nói chuyện về trừu tượng rồi định nghĩa "trừu là giữ lại" thì chết mất. Chết bác ấy!

21:45 Thursday,8.11.2012

Đăng bởi:  Phượng BT

Tôi thấy anh Phó Đức Tùng nếu có lầm thì chỉ lầm ở chỗ tinh chất hoa hồng, còn lại anh nói đúng hơn là anh Nguyễn Đình Đăng.
Rõ ràng khi anh Đăng tranh luận là đang nói về hội họa trừu tượng, trong context hội họa trừu tượng, giờ lại bảo chỉ là chiết tự thôi thì nói chuyện tiếp thế quái nào được.
Anh Đăng lại lôi lan man sang chữ "tượng", cả nàng Trác Văn Quân cũng được đưa vào ứng cứu (điệp vụ mỹ nhân giải cứu Đăng anh hùng?)
Nhân anh Tùng nói voi hay hải cẩu vẽ thì không có cái toát yếu, tinh chất, một cách chủ đích, chỉ là voi vẽ, hải cẩu vẽ, tôi thấy rất đúng, như tranh của Vương Tử Lâm đây, những bức đỏ xanh trắng thuần, không khác gì voi vẽ, khủng long vẽ.
Nhưng mà thôi đó là chuyện khác. Trở lại chữ trừu tượng, tôi vẫn theo ý của anh Tùng, nhất là ai học Kinh Dịch đều nhớ chữ "tượng" là gì. Dĩ nhiên tượng cũng là hình, nhưng không phải lúc nào cũng chỉ là hình như anh Đăng nói.
 

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả