Gẫm & Bình

Nhân bình tranh của Lee Jin Ju:
Nghệ thuật là để xin (được chia sẻ)? Hay để cho (giải pháp)?

SOI: Đây là một thảo luận rất hay nhân bài Goyang nghệ trại. Kỳ 2: Lee Jin Ju – Người phụ nữ tàng hình. Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ theo dõi và thảo luận. Rất cảm ơn anh Phó Đức Tùng, anh Phạm Huy Thông, và anh Phạm Quang Hiếu. […]

Ý kiến - Thảo luận

8:37 Sunday,23.12.2012

Đăng bởi:  Trần Quang Lu

Nghệ sỹ Việt Nam thì đa phần là dốt! Thế cho nhanh. Chính vì dốt cho nên mở mồm ra là: ý tưởng của tôi xuất phát từ cảm xúc hay một ý niệm mơ hồ, kiểu thế. Bảo giải thích thì không giải thích được, nhưng lại cứ đòi hỏi người xem phải hiểu mình. Người xem mà không hiểu cảm xúc của mình là vì người xem dốt, chứ nghệ sỹ thì đương nhiên là có quyền không giải thích :D. Đến chết! :))

7:53 Friday,21.12.2012

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Anh Hiếu
Nghiêm Toàn không nhất thiết trùng hoặc khác tên cúng cơm.
Anh Tùng thì uống kém, anh Thông thì không rõ, liệu anh có thu xếp thêm một ghế chầu rìa, đặng đủ đô mà tiếp chiêu anh?.

5:13 Friday,21.12.2012

Đăng bởi:  phạm quang hiếu

Phạm Huy Thông, bàn nhậu nào cũng có nhiều hơn hai cái ghế :)
Nghiêm Toàn, có phải Toàn béo sp2 không nhỉ?

9:53 Thursday,20.12.2012

Đăng bởi:  phó đức tùng

Bạn Hiếu
tôi cảm thấy vấn đề bất đồng ngôn ngữ của chúng ta chủ yếu tập trung vào chữ "giải pháp". Tôi không muốn tranh luận nữa, vì thực ra, hiểu nhau không phải là đơn giản. Tuy nhiên, chúng ta đã trót tranh luận quá nhiều, nên tôi muốn nói lại lần nữa cho rõ quan điểm của mình. Bạn có đồng ý hay không thì tùy.
1- Tác phẩm nghệ thuật một khi được công nhận sẽ là có giá trị đối với một nhóm người công nhận nó
2- Không phải cứ sản phẩm bất kỳ nào của nghệ sỹ cũng có giá trị, và chúng không có giá trị như nhau 
3- Giá trị của sản phẩm nghệ thuật không bao giờ tuyệt đối, bất biến
4- Giá trị đó tùy thuộc vào việc người đánh giá cảm thấy họ "được" cái gì. Có nghĩa là nó sẽ thay đổi tùy lúc, tùy người, tùy nơi. Bản thân nghĩa giá trị - value tức là một cái ích lợi gia tăng. (trong một số trường hợp đặc biệt, người đánh giá và thấy giá trị duy nhất có thể chính là nghệ sỹ)
5- Một tác phẩm nghệ thuật muốn bán được, nhất thiết phải có giá trị đối với người bỏ tiền mua, và có nghĩa là phải "cho" họ được một cái gì đó. 
6- Điều đó không có nghĩa là nghệ sỹ nhất thiết phải nghĩ về việc "cho", khi làm tác phẩm. Vì có thể cái anh muốn cho, người ta không muốn nhận, cái người ta muốn nhận thì anh không có. Vì thế, cứ làm như anh muốn, và thiên hạ sẽ tự đánh giá có muốn cái anh làm không.
7- Riêng trong trường hợp hiện thực phê phán, việc phản ánh, vạch trần, lên án, kêu gào, đòi quyền lợi, chửi bới v.v. không phải giá trị đích thực của nó, tuy rằng từ những thứ đó, nhiều người vẫn sẽ tự rút ra được điều gì đó, và qua đó tác phẩm có thể có giá trị. 
8- Tất cả những tác phẩm được công nhận rộng rãi đều "tải" một đạo lý đang được công nhận. Đa phần đạo lý này không phải do chính tác giả "sáng tạo" ra, mà đã từng có người khác phân tích. (tất nhiên, chúng không phải những tác phẩm duy nhất có giá trị.) Làm thế nào để nghệ sỹ vừa giữ được cái tự do riêng mà vẫn tải được đạo lý chung này, là cái tài của mỗi người. Học thức do đó không nhất thiết là kẻ thù của nghệ thuật. Nó có thể là công cụ sắc bén để phát huy những tiềm năng của nghệ sỹ.

7:37 Thursday,20.12.2012

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Ơ thế anh Hiếu rủ mỗi anh Tùng nhậu thôi ạ? :(

2:03 Thursday,20.12.2012

Đăng bởi:  phạm quang hiếu

Anh Tùng. Anh thấy được vậy thì tốt, chắc chúng ta sẽ chẳng còn phải tranh luận thêm. Chỉ xin chốt lại thế này:
Nếu anh cho rằng: Một tác phẩm nghệ thuật nhất định phải có giải pháp và giải pháp đó mới chính là giá trị nghệ thuật.
Thì tôi phản đối!
Nhưng nếu anh bảo: Một tác phẩm nghệ thuật có thể tồn tại những giải pháp. Và đó cũng là một giá trị đáng trân trọng tồn tại đồng thời cùng những giá trị khác.
Thì tôi đồng ý!
Cái mà tôi phản đối ở anh, chính là việc nhìn cái nhỏ thành cái lớn, coi thành phần là tổng thể, thấy quả trứng lại cho là bầu trời.
Lấy ví dụ tương quan giữa quả trứng và bầu trời: Hẳn là quả trứng có giá trị riêng của nó, tôi có thể ăn, nếu muốn, dĩ nhiên. Nhưng tôi biết quả trứng ấy chỉ là một trong nhiều quả trứng khác, và, bao trùm toàn bộ số trứng có thể có, là bầu trời.
Khi anh tuyệt đối hóa vấn đề, cho rằng giải pháp mới là giá trị nghệ thuật, thì chính là anh đã coi quả trứng là bầu trời, tức coi thành phần là tổng thể. Cái đó gọi là phiến diện, thiển cận.
Còn nếu anh biết rằng giải pháp, ok tốt thôi, nhưng chỉ là một trong nhiều giá trị của nghệ thuật, thì tức là anh đã biết xác định tương quan giữa quả trứng (của anh) với những quả trứng khác, đồng thời xác định tương quan giữa nó với bầu trời. Cái đó gọi là thấy được tổng thể.
 Thấy bầu trời thì không có nghĩa là phải vứt bỏ quả trứng. Vẫn xài như thường chứ! Chỉ khác là ta sẽ không tuyệt đối hóa nó lên, ta hiểu giá trị của nó trong tương quan với bầu trời. Và khác nữa là ta có thể lựa chọn một trong nhiều quả trứng để đánh chén tùy thuộc vào nhu cầu của ta, bởi ta đã không còn thấy mỗi một quả trứng duy nhất!
Chỉ có vậy thôi anh ạ!
Còn ba cái vấn đề xin-cho chắc anh cũng không muốn bàn nữa, bởi có lẽ đến giờ này chúng ta cũng khá hiểu nhau rồi!
 Nhậu thì hôm nào rảnh tôi sẽ mời anh! Thân!
Xin cảm ơn Soi đã dành đất cho cuộc tranh luận này! Thân!

13:37 Wednesday,19.12.2012

Đăng bởi:  phó đức tùng

Ngoài ra, tôi muốn nói với anh Hiếu một điều: bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật được công nhận nào cũng "tải đạo". Từ hộp xà phòng đến cái ngơ ngơ, đều nhằm tải đạo. Mà cái "đạo" đó không mơ hồ. Nó là một loại triết lý từng được giải trình rõ ràng, có tên tác giả tác phẩm, là kiến giải về nhân sinh quan, vũ trụ quan tại một thời điểm nhất định, và được đông đảo người công nhận. Nhưng tôi không muốn tranh luận suông nữa.
Nếu anh đồng ý đánh cuộc một chầu nhậu nhẹt. anh có thể đưa ra bất kỳ một tác phẩm được công nhận nào, và tôi sẽ nói được cho anh cái đạo mà nó muốn tải là đạo gì, và cái lợi mà nó mang lại cho người ta là gì, và bởi thế nó được đánh giá cao. Và qua việc chỉ rõ đạo lý nó tải và bối cảnh xuất phát đạo lý đó, tôi cũng có thể nói được người như thế nào, trong hoàn cảnh nào thì có thể hưởng lợi từ tác phẩm đó, và trong bối cảnh nào thì sẽ không nhận thấy hoặc không thấy hết giá trị của nó.
Nhưng tôi muốn nói rõ: nói nó tải đạo không phải là nói nghệ sỹ cố tình nhét đạo lý đó vào nó. Có lúc cố tình, có lúc vô tình. Nhưng sự thật là một tác phẩm được đánh giá cao là bằng chứng nó đang tải một đạo lý được công nhận.

13:18 Wednesday,19.12.2012

Đăng bởi:  phó đức tùng

bạn Hiếu
nếu tôi nói: "không phải xu chiêng, mà cái vú mới là giá trị thật của người phụ nữ," thì không có nghĩa là đó là giá trị "duy nhất" của người phụ nữ, mà là nói trong mối tương quan với xu chiêng.
Tương tự, khi trong một tác phẩm có cái vạch trần, kể khổ và cái kiến giải, thì theo tôi cái kiến giải là thứ có giá trị hơn. Còn tất nhiên, tác phẩm có thể chẳng phải vạch trần cái gì, chẳng kể, chẳng kêu gì. Tôi thừa biết có loại nghệ thuật vị nhân sinh và vị nghệ thuật và không muốn tranh luận về điều đó. Cái mà tôi đang muốn nói là trong cùng một mục đích vị nhân sinh rất cụ thể là đòi quyền cho người đồng tính, hay phụ nữ chẳng hạn, thì việc kêu khổ không bằng cho người ta thấy giá trị.
Còn nếu phản biện của bạn là phản đối mọi sự phiến diện, thì bạn chẳng cần phản biện làm gì, bởi mọi lời nói là phiến diện. Tôi nói gì cũng là phiến diện, và bạn phản bác thế nào cũng là phiến diện.

12:36 Wednesday,19.12.2012

Đăng bởi:  phạm quang hiếu

Anh Tùng. Vâng! Đến cmt này tôi mới thấy xuất hiện ở anh cách nhìn đa diện, đa chiều, mở. Tôi đồng ý khá nhiều với nó.


Tuy nhiên, tôi cũng tự hỏi: Nếu anh nhìn vấn đề được như thế thì tại sao trong cmt "Thực ra....giá trị nghệ thuật", là đòn bẩy để tôi tham gia cuộc tranh luận này, anh lại có thể có những ý kiến phiến diện, một chiều đến vậy? Cái gì mà những "về nguyên tắc nghệ sĩ phải có thứ để cho, chứ không phải xin", cái gì mà " ...giải pháp...mới là giá trị nghệ thuật"...?

Cái ý kiến cho rằng phải có giải pháp này nọ mới là giá trị đích thực của nghệ thuật cũng tương tự câu "Văn dĩ tải đạo" từ xửa xừa xưa. Chả lẽ với lượng kiến thức dồi dào của anh mà cũng không biết việc từ lâu người ta đã thay đổi quan niệm theo hướng mở hơn nhiều, để rồi từ đó lần lượt các trào lưu nghệ thuật ra đời?! Nhà văn Pautopxki còn viết hẳn một truyện ngắn theo kiểu ngơ ngơ (tôi quên mất tên) để phản đối cái ý tưởng cứ bắt văn học phải có tính giáo dục của văn học Xô Viết! Đến tận bây giờ, với những hiểu biết về Hậu Hiện Đại, mà anh còn bắt nghệ thuật phải có giải pháp?! Kỳ cục!

Anh có thấy rằng cái chuyện giải pháp, tính giáo dục, hay Đạo là nhứng thứ mà, trong nghệ thuật, có cũng được mà chẳng có cũng chẳng sao không? Anh sẽ thấy sao khi cái trò giễu nhại của các nghệ sĩ phương Tây từ thập niên 60 của Thế kỷ trước hay mấy cái hộp xà-phòng của Warhol được coi là nghệ thuật?

Còn cái ý tưởng xin-cho, với một tầm nhìn rộng và cách nhìn đa diện sẽ nhận ra ngay rằng không thể phân định rạch ròi được. Bởi trong một hành vi, một sự vật...luôn tiềm ẩn những yếu tố trái chiều nhau. Vậy mà anh, chả hiếu nhìn nhận thế nào, đem ba cái nguyên tắc xin với cho ra đòi ấn định hành vi của nghệ sĩ! Kỳ cục!

Còn tại sao tôi lại coi những ý kiến trên của anh là nguy hiểm thì một phần tôi đã trả lời ngay sau từ "nguy hiểm". Nói một cách cụ thể hơn thì tôi coi đó là những quan niệm phiến diện, những định kiến (khá vớ vẩn) cần loại bỏ khỏi đầu óc người làm nghệ thuật.

Sự "nguy hiểm" còn nằm ở chỗ, anh đang nói ở chỗ đông người. Nhiều người theo dõi cuộc tranh luận này, trong đó có cả các bạn sinh viên trường Mỹ Thuật. Anh lại có vẻ như khá uy tín trên Soi, nhiều fan hâm mộ. Những phát biếu của anh sẽ có khối người nhắm mắt nghe theo. Nếu không có những phản biện để bác bỏ, các bạn sinh viên sẽ rất có thể coi những định kiến kia như là một chân lý, một con đường phải theo thì quả thật là...nguy hiểm!

 Bằng cách phá bỏ những rào cản trong tinh thần, những quan niệm hẹp hòi, những định kiến cố chấp, xã hội phương Tây nói chung và nghệ thuật phương Tây nói riêng mới phát triển được như ngày nay, chứ không phải ngược lại.
 

9:58 Wednesday,19.12.2012

Đăng bởi:  phó đức tùng

Bạn Hiếu

Thứ nhất, tôi chỉ muốn giải thích để bạn hiểu tôi định nói gì, chứ không muốn bảo vệ đúng sai. Bởi lẽ thứ nhất, nếu tôi sai, điều đó chẳng nghĩa lý gì, vì tôi chẳng phải đại diện cho một chân lý hay một vị thế có thẩm quyền nào cả, và ở đây, chúng ta cũng đều là góp ý những cảm nhận cá nhân, không phải là luận văn khoa học. Thứ hai, tôi rất biết là trên đời có ít nhất vài chục khái niệm rất khác nhau được công nhận rộng rãi về thế nào là cái đẹp, thế nào là nghệ thuật, nghệ sỹ, chưa kể quan điểm cá nhân. Vì vậy, cho dù tôi hay bạn nói nghệ thuật là cái gì thì cũng lập tức có thể có vài chục cách phản biện có hiệu lực. Chính vì thế, tôi đã đề xuất với SOI là giới thiệu lần lượt các khái niệm về nghệ thuật từ Platon đến nay, chí ít của phương Tây, để ta đỡ phải cãi nhau về những thứ đã rồi, mà chỉ tập trung bàn những việc mới thôi, nếu có.

Tuy là có rất nhiều khái niệm nghệ thuật, nhưng tại mỗi thời điểm cụ thể, người ta vẫn phải quyết định cho mình một quan điểm nhất định, mà mình cho là phù hợp nhất với bối cảnh, chứ không thể cùng một lúc theo mọi quan điểm. Đó là lý do tại sao mỗi thời đại, mỗi nơi, mỗi nghệ sỹ lại có thể theo đuổi một quan điểm nghệ thuật khác. Và việc không chọn quan điểm nào, tuy có thể coi là cởi mở, nhưng thực ra là vô nghĩa. Bản thân việc bạn tự coi là nghệ sỹ, đã chấp nhận khái niệm nghệ sỹ, tức là khác với không phải nghệ sỹ, có tác phẩm nghệ thuật, tức là khác với thứ không phải nghệ thuật. Còn nếu bạn không tự giới hạn mình trong bất kỳ khuôn khổ nào, thì bạn không nằm trong phạm vi khái niệm nghệ thuật, nghệ sỹ, và việc tôi nói giá trị nghệ thuật là gì đâu có động chạm đến bạn. Còn nếu bạn tự cho có cái gọi là nghệ thuật, có người gọi là nghệ sỹ, thì bạn cứ thử nói ra xem, theo bạn đó là gì, và hãy tin chắc rằng không riêng tôi, mà bất kỳ ai cũng có thể có vô số cách phản biện là khái niệm của bạn không phổ quát. 

Khi tôi nói "giá trị nghệ thuật" thì cả tôi và bạn đều hiểu rằng cả hai khái niệm, "giá trị", và "nghệ thuật" đều tương đối. Vậy nếu bạn đòi hỏi một câu nói "đúng" theo nghĩa đúng trong mọi trường hợp, phổ quát, thì mọi câu nói về khái niệm này đều sai. Cho dù tôi có nói thế nào về "tác phẩm nghệ thuật" thì bạn cũng có thể nói là "nghệ thuật không nằm ở tác phẩm, mà ở quá trình tạo tác", và nếu bạn phân tích về "giá trị của quá trình tạo tác", thì một ai khác cũng có thể nói, không phải vô căn cứ là "nghệ thuật cũng không ở quá trình", mà ở "ý niệm", hay "ở tương tác", hay "ở người xem", hay "ở ngoài mọi thứ" v.v.

Vì vậy, chúng ta không nên tranh luận như vậy nữa. Tôi chỉ muốn hỏi bạn một điều:

Bạn có công nhận rằng cho dù giá trị của tác phẩm nghệ thuật có thể thay đổi theo thời gian, địa điểm. Cho dù có những thứ sau này rất giá trị thì trong thời kỳ nó làm ra chưa được nhận ra. Nhưng:
1- một tác phẩm được coi là nghệ thuật tức là công nhận có giá trị nhất định.
2- Cho dù thước đo giá trị không tuyệt đối, nhưng có sự tương đối là có những tác phẩm giá trị hơn những tác phẩm khác.

Tôi rất hiểu về nhu cầu cần tự do tư tưởng của nghệ sỹ khi sáng tác, và vì vậy tôi không bao giờ nói nghệ sỹ cần phải nghĩ thế này, nghĩ thế kia, làm theo bước A, bước B thì có tác phẩm tốt.

Nhưng khi tác phẩm được bày ra ngoài, dù có ai nói hay không, nó cũng sẽ chịu sự đánh giá của xã hội. Và cho dù bạn có thể thấy là mọi tiêu chí đánh giá có thể trở thành nguy cơ đối với nghệ sỹ, vì nếu anh ta chạy theo tiêu chí đó sẽ mất đi phần nào sự tự do trong sáng tác thì cũng không ngăn cản được việc đánh giá và việc đưa ra tiêu chí. Và thông thường, việc có tiêu chí cụ thể trong mọi đánh giá thì tốt hơn là sự tùy tiện. Còn tất nhiên, có thể có nhiều tiêu chí khác nhau.

Trở lại điều tôi nói. Cái mà tôi gọi là giải pháp, hay kiến giải, hay tích cực v.v. tất nhiên không có tính tuyệt đối, mà tương đối theo cảm nhận của từng người, từng lúc, từng nơi. Chính vì thế mà mỗi người, mỗi nơi sẽ đánh giá một bức tranh khác nhau. Và mọi tác phẩm, mọi bức tranh người ta đều có thể tìm ra một khía cạnh tích cực nào đó, chí ít có thể dùng để đun ấm nước. Nhưng điều đó hoàn toàn không mâu thuẫn với  câu nói của tôi "giá trị của tác phẩm nằm ở giải pháp, hay sự tích cực, hay cái mà người ta được, cái mà nghệ sỹ cho v.v." nếu tôi không nhìn ra trong một tác phẩm là tôi được cái gì thì tôi sẽ không thấy giá trị của nó, và sẽ không bao giờ trả tiền mua nó. Trong khi đó người khác có thể nhìn thấy sự tích cực đối với họ và thích, mua nó. Và nếu nhiều người nhìn thấy cái tích cực đó, và thấy nó rất lớn, thì nhiều người thích, và nhiều người muốn mua, và do đó tranh càng dễ bán, dễ đắt.

Trở lại với bông hoa: Tôi hoàn toàn không phản đối việc bông hoa cứ nở. Nhưng rõ ràng việc bông hoa nở không liên quan đến giá trị của nó. Khi ta nói bông hoa này có giá trị, tức là nói đến khả năng nó đáp ứng một nhu cầu nào đó của ta. Và tất nhiên giá trị này tùy thuộc thời điểm, tùy người. Một bát cơm với người đói giá trị lớn. Cùng bát cơm đó cho người sắp bội thực không những vô giá trị, mà còn nguy hiểm, tức là giá trị âm.

Thế còn nếu bạn nói, bông hoa, hay tác phẩm nghệ thuật có giá trị nội tại khác tuyệt đối, bất biến, không phụ thuộc bất kỳ đánh giá nào, thì cũng tương đương với việc nói là nó tuyệt đối không có giá trị gì. Điều đó hoàn toàn có thể chấp nhận, nhất là khi bạn đã tìm hiểu Phật pháp, và biết rằng có những quan điểm cho rằng bản thân bông hoa còn không tồn tại, đừng nói chi đến giá trị. Nhưng nếu bạn quả là hiểu như vậy thì bức xúc làm gì với statement của tôi? việc tôi bảo giá trị nghệ thuật ở đâu thì liên quan gì đến bản chất nội tại đó? và bằng cách nào một statement như vậy lại có thể "nguy hiểm"?

9:27 Wednesday,19.12.2012

Đăng bởi:  admin

Nghiêm Toàn thân mến,

Nếu bạn coi đây là một cuộc tranh luận, thì khi người khác bắt được điểm sai trong lập luận, bạn nên nhận, sau đó tranh luận mới đi tiếp được.

Còn nếu người ta bắt được lỗi, mình lại viện cớ này nọ, bảo mình ngu là hiển nhiên rồi, mình ngu là tại người ta làm mình tức... thì Soi cho rằng bạn nên đứng xem thôi, đừng bước vào cuộc tranh luận đang rất hay của Phó Đức Tùng và Phạm Quang Hiếu,Toàn nhé.
Bạn có thể ủng hộ phe nào cũng được, nhưng phải có lập luận của bạn, và thẳng thắn, vui vẻ chấp nhận lập luận đó chưa vững, một khi bị phát hiện ra. 

Ngoài ra,

Chắc bạn theo dõi Soi cũng mới đây thôi, chứ về mặt "lịch sử", có được những người viêt chịu khó bỏ công vào phân tích tác phẩm, bài viết một cách đàng hoàng, như Thông, như Hiếu, như Tùng... là một việc phải rất khó khăn Soi mới có được.

Cho nên hôm nọ có bạn cmt là bây giờ người ta lên tới vũ trụ rồi, mình còn bàn về việc "cho-xin" mất thời giờ quá, lúc đầu Soi đưa lên, sau Soi lại hạ xuống. Vì Soi thấy những cmt như thế chỉ làm nản chí những người muốn bỏ công cho các phân tích, bình luận. Vả lại, nếu không thích đọc thì sang trang khác mà đọc, việc gì phải vào đây rồi buông những lời như thế.

Tương tự, Phó Đức Tùng đã đọc bài của Leika, và phân tích những bức ảnh mà Leika lấy ra làm đối trọng với ảnh của Maika. Soi thấy các phân tích của anh Phó Đức Tùng là có ích, không phải chỉ gói trong trường hợp của những bức ảnh này, mà cả những bức ảnh khác hay bức tranh khác, thậm chí trong công việc sáng tác về sau.

Trong cmt của Nghiêm Toàn ở bài mà Phó Đức Tùng phân tích ảnh Leika, Toàn nói Tùng là vô ích khi say mê dẫn luận, phân tích các bức ảnh vì nó chỉ là ảnh phóng sự. Cái cmt đó Soi vẫn đưa lên nhưng Soi thấy bực, vì cách làm của bạn như kiểu thọc gậy bánh xe. Vì sao đó lại là ảnh phóng sự? Bạn hãy viết hẳn một bài cho Soi phân tích những bức trong bài Leika là phóng sự nhé, để việc bạn giễu cợt Phó Đức Tùng “say mê dẫn luận, phân tích ảnh là vô ích” sẽ có được cơ sở vững hơn.

Tóm lại, nếu bạn thấy vào Soi để mà góp thêm cho những người khác điều gì hay ho mà mình biết, hoặc vào để biết thêm…, thì hẵng vào. Còn vào mà để nói ngược, nói ngang, đùa cợt, khích bác người này người nọ thì đừng vào. Làm thế là không tốt.

8:07 Wednesday,19.12.2012

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Dear anh Tùng!
Em sẽ không cố tỏ ra ngu ngốc nếu như anh đã không lôi "Tây" ra dọa trong comment trước D:, việc anh cố chứng minh em ngu một cách "đặc biệt trong lịch sử nhân loại" là thừa thãi vì sự thật hiển nhiên D:.
Vì các lý do khác nhau, em quen cả hai anh trong mười năm qua và bản thân từ lâu đã mong chứng kiến một cuộc tranh luận giữa hai người. Tuy vậy, có lẽ cá tính hai người quá giống nhau khiến cho cuộc tranh luận sa đà về bắt bẻ hơn là cho mọi người chứng kiến một sự "đối lập" thú vị giữa nghệ sĩ và học giả.
Với quan điểm của một khán giả, em hoàn toàn đồng ý với quan điểm của anh Tùng về việc các nghệ sĩ bê nguyên xi các nguyên liệu thời sự thành tác phẩm trong sự dễ dãi và hời hợt. Tuy vậy, mong anh hiểu cho, nghề gì cũng có người nọ người kia, trăm ngàn bó đuốc mới bắt được ếch cũng là lẽ thường. Ngoài ra, việc anh say mê chứng minh và dẫn luận nhiều quan điểm khác nhau cho hai bức ảnh về người đồng tính của Leika theo em là vô ích bởi nó là ảnh báo chí, lột tả cái ác đồng thời làm cho ta thấy chính ta cũng có một phần cái ác đó, vậy là đủ, thưa anh.
Nên chăng ta cũng coi các tác phẩm phô bày nguyên liệu thô (cứt, rác như anh nói) là một sản phẩm báo chí. Được chăng, thưa anh?.
 

2:19 Wednesday,19.12.2012

Đăng bởi:  phạm quang hiếu

Anh Tùng. Anh có hai comment dành cho tôi, tôi xin được trả lời lần lượt.

Thưa anh, trong câu "Vấn đề là giải pháp cho những nỗi đau đó. Đấy mới là giá trị của nghệ thuật" mà anh đã viết thì tôi (và những người như tôi, hiểu từ ngữ, ngữ pháp theo cách thông thường) phải hiểu theo cách nào?

Những comment sau anh có vẻ mở rộng khái niệm "giải pháp" của mình, tôi hiểu theo hai cách: Thứ nhất, anh nhận thức được cái sai của mình nhưng muốn tránh né và bởi vậy cố chứng minh sự có lý của mình. Thứ hai, đơn giản là anh không cần cái việc đúng-sai mà chỉ cố bảo vệ ý kiến của mình bằng mọi giá.

Tôi tôn trọng nỗ lực bảo vệ ý kiến của mình của anh, nhưng đồng thời cũng mong anh coi Sự Thật là là tiêu chí cuối cùng, vượt qua mọi định kiến này nọ của cá nhân.

Rồi, bây giờ cứ tạm coi cái khái niệm "giải pháp " của anh rất chi là mở rộng đi thì, cmt trước tôi đã phản biện sự đánh đồng của anh giữa giải phápnhân văn, anh cũng không có ý kiến, cmt này anh lại tiếp tục đánh đồng giải pháptích cực (xin phép được tạm dịch từ positive), tôi xin hỏi:

Anh có cho rằng có một hình ảnh, một âm thanh, một từ ngữ, một sự vật, một cử chỉ, một trạng thái... nào đó mang tính tuyệt đối tích cực không? Nếu anh cho rằng có, khẩn thiết mong anh chỉ cho tôi!

Mỗi một sự vật, hiện tượng...để được gọi là tích cực hay tiêu cực, đòi hỏi những yếu tố phụ trợ như môi trường, hoàn cảnh, quan niệm.v.v... Về mặt cá nhân, anh hoàn toàn có thể cho rằng sự vật này, hiện tượng này là tích cực. Tuy nhiên, anh có dám chắc cái mà anh cho là tích cực với minh cũng là tích cực với người khác? Thêm nữa, anh đã bao giờ trải qua những trạng huống kiểu như: vẫn con người này (một cô gái chẳng hạn), hôm nay ta yêu (tích cực), ngày mai ta ghét (tiêu cực)? Vậy xin hỏi anh: Cái cô gái đấy, cái vẻ đẹp đấy là tích cực hay tiêu cực?

Tôi tin là những câu hỏi trên anh không thể trả lời!

Quay lại vấn đề "giải pháp", một khi chính sự tích cực còn không thể xác định một cách chắc chắn, bởi nó không phải là sự tích cực dành cho mọi người trong mọi hoàn cảnh và mọi môi trường...thì cái gọi là "giải pháp" của anh bám víu vào đâu?

Thưa anh, chính vì thế người nghệ sĩ hoàn toàn có thể giống một bông hoa, hồn nhiên mà nở!
 
Comment tiếp theo "Khi bạn sáng tác.....trả tiền cho ông ta".

Anh nói, "Nhưng tôi đang bàn không phải là quy trình sáng tác, mà là giá trị tác phẩm". Chẳng phải trong nghệ thuật đương đại người ta đặt nặng về vấn đề "quy trình" (cũng tức là quá trình) sao? "Giá trị tác phẩm" có cố định không, có tuyệt đối không, có thay đổi theo thời gian không? Anh nói thế nào về việc tác phẩm của Van Gogh bị đem che chuồng gà rồi sau đó vài chục năm lại có giá vài chục triệu đô? Anh nói thế nào về những thiên tài khi khởi đầu thường bị coi là thằng điên, thằng dở hơi, kẻ lạc loài, vô tích sự...chỉ tạo ra những thứ tầm thường, vô nghĩa, sa đọa, không có giá trị, phản nhân văn? Chỉ cần lướt qua lịch sử nghệ thuật, người ta cũng có thể thấy đầy rẫy những chuyện như thế, anh nghĩ sao?

Chuyện chém chiếc, bại liệt bại liếc, về nghĩa bóng thì nếu anh hiểu được những điều tôi nói ở trên thì tôi cũng không cần phải nói thêm. Còn về nghĩa đen thì thằng nào chém tôi, tôi chém lại, bởi tôi không phải ông thánh!
 
 
 

17:45 Tuesday,18.12.2012

Đăng bởi:  phó đức tùng

Toàn ơi,
Trong lịch sử nhân loại từ xưa tới giờ chưa ai ngu đến mức đi định nghĩa thế nào là điều kiện đủ của tác phẩm nghệ thuật cả. Nếu có bàn, bao giờ cũng chỉ bàn tới những điều kiện cần thôi.
Mình rất biết mình không có năng lực sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy mình không làm, và cũng không bàn về việc làm thế nào. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta không thể có cảm nhận về sản phẩm nghệ thuật. Cũng như ta có thể không phải đầu bếp, mà vẫn phân biệt được món ăn ngon hay không. Nếu không có tiền giả định này, mà ta cho rằng chỉ có nghệ sĩ là có năng lực đánh giá nghệ thuật, như kiểu một giác ngộ thiền, (một quan điểm hoàn toàn có thể chấp nhận mà mình đã phân tích trong triết học Platon) thì khi đó sản phẩm nghệ thuật chỉ cho chính anh ta tự hưởng thụ, không thể đem ra bày, bàn, bán được. Vì thế ta chỉ bàn về nghệ thuật dưới dạng sản phẩm được đem ra trình làng thôi.

16:38 Tuesday,18.12.2012

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Hoàn toàn đồng ý với anh Tùng về việc nghệ sĩ có thể (nên) có suy nghĩ rất kỹ, có triết lý rất cơ bản trong quá trình tư duy, sáng tác.
Tuy vậy, dù cá nhân không phải nghệ sĩ nhưng theo em nó mới chỉ mang tính phương pháp, là điều kiện cần, để trở thành tác phẩm thì không thể thiếu điều kiện đủ, đó là trực giác và bản năng của người nghệ sĩ.
Nói về điều này thì có phần gây khó chịu cho anh, nhưng em cho rằng, với cách tư duy khoa học như anh, có lẽ anh không có sự tiếp cận đủ gần (theo hướng đồng cảm) để rõ về quá trình sáng tác hơn bản thân những người nghệ sĩ.

16:35 Tuesday,18.12.2012

Đăng bởi:  phó đức tùng

Bạn Hiếu
Khi bạn sáng tác, rất có thể bạn không cần có ý niệm, mục đích cụ thể (mặc dù nếu có, chưa chắc đã không thể sáng tác) Cũng như một bông hoa khi mọc chắc chắn không có mục đích là cho ai ngắm. Nhưng tôi đang bàn không phải là quy trình sáng tác, mà là giá trị của tác phẩm. Cho dù người nông dân cấy lúa có ý niệm về sự thu hoạch hay con chim đánh rơi hạt thóc, thì sản phẩm là bông lúa có giá trị sử dụng, và có người sẽ bỏ tiền ra mua nó.
Còn nếu ai chém vào người bạn một nhát dao, thì dù cố ý hay vô tình, đó cũng chỉ là tạo đau đớn cho bạn. Và nếu bạn là người bình thường, không phải thánh nhân, bạn sẽ không khuyến khích việc chém vào người bạn như vậy bằng cách trả thêm tiền cho kẻ chém.
Ngược lại, nếu bạn đang bại liệt nửa người, ông bác sĩ đến châm cứu cho bạn khỏi, thì cái đau do kim châm không bằng cái sướng do khỏi bệnh, và bạn sẽ đồng ý trả tiền cho ông ta.

16:09 Tuesday,18.12.2012

Đăng bởi:  phó đức tùng

Bạn Hiếu
Để mình giải thích rõ hơn nhé, có lẽ từ “giải pháp” dễ gây hiểu nhầm. Giải pháp tôi muốn nói không phải là một sự giải quyết vấn đề một cách khách quan, chẳng hạn như chấm dứt khổ đau, tham nhũng, áp bức, kỳ thị v.v. mà là mọi thứ có ý nghĩa positive về tinh thần, giúp người ta đỡ khổ đau, đỡ bức xúc. 
Ví dụ cùng là vấn đề kỳ thị đồng tính. Nếu chỉ là nói lên được sự ác độc của xã hội, sự khổ sở của người đồng tính, thì đó là negative, là “xin” rủ lòng thương, “xin” được chia sẻ. Ngược lại, nếu cho thấy được những người đó có nhân quyền hiển nhiên, có tình yêu, sự dũng cảm v.v. thì người xem sẽ được truyền cảm tình yêu, tự do, dũng cảm v.v. và có một cảm giác cởi mở, vui sướng.
Hay như nói về phụ nữ, nếu chỉ nói là bị gò bó, trói buộc trong bốn bức tường, không lối thoát, bế tắc, khóc ra máu v.v. thì sẽ tạo cảm giác u uất, nặng nề, không giải tỏa nổi, có nghĩa là chất thêm vấn đề, đau khổ cho người xem mà người ta không biết giải quyết thế nào. Nhưng nếu hiểu như tôi bàn về tác phẩm của nghệ sỹ Hàn Quốc, ta sẽ thấy phục, thấy cao đẹp, thấy quý người phụ nữ và dòng sữa, thiên chức làm mẹ v.v. Như vậy, cho dù ta có tác dụng phụ là hiện trạng người phụ nữ bị kỳ thị thì ta cũng thấy được sự giải tỏa, vì thế mới nói trong cái bi kịch có cái thỏa mãn về giải pháp cho bi kịch đó.
Các tác phẩm của Bacon mà bạn trích dẫn, rất thường vẽ máu thịt, giết chóc, bạo lực. Nhưng trong những hình ảnh đó, vấn đề không phải là lên án tội ác, mà là cảm nhận về cái đẹp mà chính ông không ít lần có viện dẫn từ hình ảnh đóng đinh câu rút của Chúa Kito. Còn lý giải tại sao máu thịt, bạo lực có thể coi là đẹp, trong bối cảnh nào, đối với ai thì có thể gọi là đẹp, hãy nghiên cứu kỹ triết học.
Bạn nói trên thực tế, nghệ sỹ sáng tác đơn giản lắm, chẳng quan niệm gì về xin-cho cả đâu. Điều đó tôi rất tin, vì tin nên mới bàn, còn nếu nghệ sỹ không sáng tác đơn giản thế, cái gì cũng nghĩ thì ta bàn làm gì. Cũng có một số nghệ sỹ làm theo kiểu thần khải, như thánh phán, thần nhập, chẳng cần nghĩ gì mà vẫn ra sản phẩm tốt. Điều đó tôi tin. Nhưng khi đó, có thể tạm gọi nghệ sỹ đó là medium, giống như ông đồng bà cốt, làm việc trong trạng thái không tự chủ. còn đối với những nghệ sỹ tự chủ làm việc, tôi từng quen rất nhiều nghệ sỹ nước ngoài, họ suy nghĩ rất kỹ, có triết lý rất cơ bản, và vẫn làm sản phẩm tốt. Còn ở Việt Nam, có quá nhiều bức xúc, quá nhiều lên án, phê phán, chửi bới  vạch trần, đòi hỏi v.v. được bày ra trong tác phẩm nghệ thuật (tất nhiên không phải tất cả), mà có quá ít những món quà cảm động, hạnh phúc mà người xem được nhận từ nghệ sỹ. đó là sự thật bạn ạ, cho dù bạn nói sao chăng nữa.
Cuối cùng, khi tôi nói: lời nói của tôi không giá trị gì, thì tuyệt đối không phải dỗi. Tôi không có khái niệm dỗi đâu, bạn đừng lo. Tôi chỉ muốn nói là lời nói của một người vô danh tiểu tốt, không trong nghề như tôi cũng không đến nỗi “nguy hiểm” như bạn lo đâu.

15:46 Tuesday,18.12.2012

Đăng bởi:  phạm quang hiếu

Anh Tùng. Dạ thưa anh, anh hiểu sai ý tôi rồi! Cái ví dụ bông hoa kia là để nói lên một điều rằng: Trong quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ không nhất thiết phải có một mục đích cụ thể, không nhất thiết phải có một ý niệm cụ thể.
Rất nhiều khi, chính những cảm xúc hay ý niệm mơ hồ lại thúc đẩy người nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm. Và nếu anh là nghệ sĩ, anh sẽ thấy rất rõ điều này: Lại rất nhiều khi, những ý tưởng bị đóng đinh chắc chắn trong ý thức, những cảm xúc rõ rệt có thể gọi tên...lại chính là những cái rọ, những bức tường ngăn cản quá trình sáng tạo của anh!
Anh ạ! Người nghệ sĩ cần sự mơ hồ như cần không khí! Ở đó, may ra, anh ta mới có thể thỏa sức vẫy vùng. Cho nên, những sự phải thế này, phải thế kia mà anh nhận thức và phát biểu, nói thật, rất hẹp hòi!
Lời nói thẳng, mong anh không giận!

15:07 Tuesday,18.12.2012

Đăng bởi:  phạm quang hiếu

Anh Tùng. Để tránh trường hợp "ông nói gà bà nói vịt", xin được nói rõ là những phản biện của tôi chỉ dành cho ý kiến, nhận định của anh trong comment "thực ra vấn đề....mới là giá trị nghệ thuật". Các comment khác phân tích, bình luận về tranh của nghệ sĩ người Hàn không nằm trong mối quan tâm của tôi.
Trong comment mới (mà soi đã gắn vào bài này), anh trở lại với vấn đề giải pháp . Tôi xin có ý kiến: Cái  sự kiện "đằng sau cái bi kịch đó, cái nỗi đau đó, có một vẻ đẹp nhân văn" thì dễ tạo sự đồng thuận, nhưng đánh đồng tính nhân văn với giải pháp thì, xin lỗi anh, cái gì mà chẳng là giải pháp, kể cả những cái không nhân văn đi chăng nữa!!! Với cách nhìn nhận này, anh có thể chỉ tôi tác phẩm nào không có giải pháp không?
Một đóa hoa, bình thường, có thể chỉ là một tạo vật đẹp đẽ. Nhưng một lúc nào đó, một ai đó phát hiện ra đóa hoa còn có một công năng chữa bệnh chẳng hạn, thì đó chẳng phải là đóa hoa cố tình muốn trở thành giải pháp cho người, mà giải pháp lại phụ thuộc vào người nhìn thấy và đang có nhu cầu kiếm tìm giải pháp. Đó là ý tôi khi viết: nghệ phẩm có thể chỉ là một hiện diện.
Một hiện diện giản đơn, nhưng vẫn tiềm ẩn đầy đủ giải pháp cho ai thấy và cần nó, dù rất thường khi cái giải pháp mà người xem tìm thấy lại không nằm trong đầu của nghệ sĩ!!! Thêm nữa, người nghệ sĩ không nhất thiết phải chăm chắm vào những giải pháp này nọ nhằm giải quyết những vấn đề làm đau đầu cả thế giới mà chính những Thánh nhân còn chưa giải quyết được!
Còn cái việc "Đằng sau mọi hiện thực, mọi phê phán đều cần một tấm lòng, một tình yêu..." thì cũng không nhất thiết phải coi đấy là cho. Nói một cách dễ hiểu: Trong choxin, trong xincho!Đặt nặng vấn đề xin-cho là một cách nhìn từ bên ngoài, của một người ngoài cuộc. Công việc sáng tạo của nghệ sĩ giản dị hơn nhiều, và cũng phức tạp hơn, trong một chiều hướng khác.
"Lời nói của tôi chẳng có giá trị gì". Khiếp, dỗi cứ như trẻ con í nhỉ!!!
 

14:12 Tuesday,18.12.2012

Đăng bởi:  Lê Hà

Tuyệt vời. Mình vừa yêu vừa kính vừa ngưỡng mộ anh Tùng. Thực tâm mình nghĩ anh đúng là một bông hoa, vừa thơm vừa đẹp vừa tự tại :) Không biết nói gì thêm, chỉ biết yêu là yêu thôi :D

13:41 Tuesday,18.12.2012

Đăng bởi:  phó đức tùng

Mình cứ nghĩ mãi, không biết tại sao một việc rất hiển nhiên trong xã hội là ta muốn người ta trả tiền cho ta thì ta phải làm cho người ta một điều gì đó tốt đẹp lại trở nên khó hiểu đến thế.
Nhớ lại một câu rất hay của triết gia Nga Solofiev. Ông này có nói là trong thế kỷ 20, chủ nghĩa cộng sản và thiên chúa giáo sẽ tranh nhau làm tôn giáo của thế giới. Điều khác nhau cơ bản giữa hai tôn giáo này là: một bên thì cứ bắt người ta lấy của mình cho người khác (thiên chúa) và một bên thì bảo phải chiếm của người làm của mình (cộng sản). Và ông cũng nói rằng, đôi khi cộng sản cũng có lý, vì có những thứ quả thật cần phải chia chác lại. Nhưng đó là vấn đề pháp lý, không phải vấn đề luân lý. Một vấn đề pháp lý, cho dù đúng cũng không thể là nền tảng của luân lý, cũng không thể là nền tảng của nghệ thuật.
Bạn Hiếu có nói ví dụ về bông hoa cứ nở, đó là đã công nhận một cách vô thức là bông hoa có thể được coi như nghệ thuật. Và bông hoa vừa đẹp, vừa không có vấn đề, không bức xúc, không bới rác, móc cứt bắt thiên hạ phải ngửi. Nó đơn giản là đẹp, và nó cho người ta hạnh phúc được ngắm nó.
Còn nếu bản thân ta có đủ vấn đề, uất ức vì bị kỳ thị, đè nén, nghèo khổ, vì sinh nhầm thời, vì xã hội rối ren, tham nhũng v.v. và nhất định bắt thiên hạ phải chia sẻ với ta những bức xúc đó, rồi lại đòi người ta trả tiền vì đã được chỉ ra cho là người ta cũng như ta đang sống ngập trong rác và tốt nhất nên tìm tường đập đầu mà chết, thì thật là không còn đạo lý gì.

11:53 Tuesday,18.12.2012

Đăng bởi:  pikachu

Đúng là làm nghệ thuật cần thêm chiều sâu nữa. Mình thích nhất phần comment của anh Tùng. Dù sao thì nó vẫn sâu sắc và mang tính chia sẻ nhiều.
Điều này cũng dễ hiểu vì xem những tác phẩm của làng ta rõ ràng về chiều sâu của tác phẩm chiếm tỉ lệ rất ít. Đa số là lòe loẹt, ảnh hưởng tư tưởng ngoại lai nhiều.
Thực tế thì rất cần những phân tích mang tính cụ thể và hệ thống, đưa ra những vấn đề mà làng ta cần ngẫm.... nghĩ ...
 
 

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả