Điện ảnh

Xứ sở sợ hãi kì cục và chốn tận cùng của thế giới?

  Câu chuyện kiểm duyệt Bụi đời chợ Lớn một lần nữa lại làm nóng lên câu chuyện về giới hạn sáng tạo và kiểm duyệt của nghệ thuật-giải trí ở Việt Nam. 1. Nhà kiểm duyệt giờ ngồi bắt lý nhà làm phim thì dễ lắm, kiểu gì chả đưa ra được các thể […]

Ý kiến - Thảo luận

6:18 Sunday,27.3.2016

Đăng bởi:  Ròm

Tiêp tục đi bạn...và ráng đốt lên ngọn lửa cho tui :)
Tui hỉu lý do bạn viết dài...
Anyhow...do it.
Cám ơn nghen...

20:20 Wednesday,17.4.2013

Đăng bởi:  Candid

Các Bác blogger theo học thuyết âm mưu sợ ma sợ quỷ mãi không chán à. Hà Nội cũng từng có China Town đấy thôi.
Sợ Trung Quốc quá nhìn đâu cũng thấy ma.

20:15 Wednesday,17.4.2013

Đăng bởi:  Phương Vẹt

@ Tieuhoc:
Ý đồ của nhà làm phim là gì hả? Nếu không hiểu và không muốn hiểu, chỉ muốn quy chụp thì có nói cũng bằng thừa. Nhưng nó là như vầy:
Chinatown không có ở Trung Quốc.
Chinatown là chỉ chung các khu người Tàu ở nước ngoài. Chinatown không phải chỉ có ở Mỹ, mặc dù ở New York thì Chinatown là lớn nhất. Chợ Lớn cũng là một Chinatown (của Việt Nam).
Ý của người làm phim là Chinatown nào, ở đâu cũng thế, mức độ khác nhau thôi, là tình trạng băng đảng, du đãng lộng hành. Nói xấu người Trung Quốc thế đấy, hài lòng chưa?
Ý của người làm phim không để tên Chợ Lớn lên bản tiếng Anh, vì Cho Lon ai mà biết, mà để vào còn phiền phức hơn, người ta lại bảo, Việt Nam cũng có giang hồ sao?
Để Chinatown, nhắc lại, là để ai cũng biết, dân Hoa Kiều ở đâu cũng thế, tụ tập thành một khu vực, có làm ăn chăm chỉ, nhưng cũng có giang hồ. Khi đó phim có làm ở Việt Nam, hay Lào, hay Campuchia… thì cũng chỉ là một nước sở tại có cái Chinatown ấy.
Biết thế anh Charlie Nguyễn cứ sang Lào làm phim cho rồi. Lấy giấy phép của Lào rồi đưa ra quốc tế cho tiện hơn. Bên Lào bối cảnh rẻ, dân hiền hòa, quan chức tuy chất phác nhưng nghe đồn thông minh hơn bên ta thì phải…

19:26 Wednesday,17.4.2013

Đăng bởi:  tieuhoc

Bây giờ thì tựa tiếng Anh của kịch bản phim “Bụi đời Chợ Lớn” được tác giả Charile Nguyễn đặt tên là “ChinaTown”. Vậy các bác nghỉ sao? Thật đáng sợ khi Chợ Lớn TpHCM được cho là một nơi nào đó của Trung Quốc. Và khi nó được phép chiếu rộng rãi ra nước ngoài thì sẽ như thế nào? Ý đồ của đạo diễn phim này là gì vậy? 

23:03 Monday,15.4.2013

Đăng bởi:  Lê Cao Thắng

Gửi anh Lê Hồng Lâm,
 
Thật sự là rất không đồng tình với quan điểm của anh về việc đánh giá con người làm kiểm duyệt và bộ máy kiểm duyệt film của nước nhà. Có lẽ vì anh quá háo hức với một tác phẩm của Charlie Nguyễn mà anh cố tình bỏ qua tính pháp lý cũng như quyền hạn và trách nhiệm của cả một bộ phận kiểm duyệt được chính anh, em và những bạn comment trên này trả lương cho họ. Và họ cần anh ủng hộ với những hiểu biết của anh hơn là tìm cách chỉ trích khi không nắm rõ về nội dung cũng như hình ảnh có trong film. 
 
Em nghĩ một bộ film dù là hiện thực hay không hiện thực, dù hư cấu nhiều hay ít, dù đánh nhau với máu me một cách rợn người hay không thì nó cũng là một bộ film giúp định hướng thẩm mỹ xã hội và thẩm mỹ của những bạn trẻ khi xem film đó. Em đồng tình với quan điểm của Bộ phận kiểm duyệt nên cắt bỏ những cảnh chém giết, máu me và thiên về thể hiện tính bạo lực... Bởi vì nó chỉ cổ súy cho lối sống không tôn trọng pháp luật trong một đất nước đã bỏ quên điều đó cũng khá lâu rồi!
 
Không biết anh Lâm đã đi xem nhiều bộ film tại các rạp hay tại các liên hoan film tại các Trung tâm VH của Viện Goethe, Trung Tâm Pháp Ngữ..... hay chưa? Em đã có cơ hội được xem tại các nơi đó mới nhận thấy một điều rằng phông và nền tảng về VH cũng như cảm thụ về VH của một số bộ phận các bạn trẻ bây giờ rất yếu. Em mong chờ được đón nhận Django để hiểu thêm về Quentin Tarantino được đắm chìm trong suy nghĩ và hành động của Leo, xem Silver Lining Playbook để hiểu tại sao người ta có thể trao Oscar vai chính cho cô gái trẻ Lawren....nhưng các bạn trẻ đến rạp chỉ xem là giải trí để biết cái XH nó đang có như thế nào và đôi khi chỉ bình luận về cái váy của diễn viên chính đang mặc. Hoặc chốt lại cuối film họ không hiểu tại sao lại chém giết nhau nhiều như vậy! Vậy có nên để các bạn ý xem " Bụi đời chợ lớn" với những cảnh máu me, chém giết của SG như vậy không? Em nghĩ là không! Chúng ta là những người nắm rõ vấn đề và hiểu tầm ảnh hưởng của những bộ film bạo lực sẽ tác động đến các bạn trẻ như thế nào! Vậy chúng ta hành động từ chối, đồng tình với Bộ phận kiểm duyệt cũng là cách để giúp các bạn trẻ có cái nhìn tốt hơn về XH anh à!

13:16 Sunday,14.4.2013

Đăng bởi:  Cỏ dại

Cỏ xin cảm ơn bài viết của bạn Lâm, có một số tôi đồng cảm với bạn, cũng có một số ý đồng cảm với bài viết "Đừng đổ lỗi chính quyền, đừng tấn công cá nhân, đừng lờ đi là mình ngu dốt".
Nhân tiện, với thiển ý khác của mình, tôi cũng mong muốn giá như các nhà làm phim của mình, ngoài việc chuyển tải cập nhật các vấn đề xã hội hay vấn nạn cuộc sống qua phim ảnh, các anh ấy có thể truyền tải thêm thông điệp quan trọng của vai trò phim ảnh, là tạo xu hướng cho thời đại, cho lớp trẻ, nếu các anh hiểu được tác động tâm lý từ những thước phim của mình lên người xem quần chúng.

9:57 Sunday,14.4.2013

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

 
Nhân bàn về kiểm duyệt, cách đây 7 năm tôi có viết bài dưới đây cung cấp một số kiến thức về sở hữu trí tuệ và kiểm duyệt. Bạn nào chưa đọc thì xin mời đọc giải ... sầu.
 
A, B, C về tự do trí tuệ và kiểm duyệt*)
 
Nguyễn Đình Đăng
“Ở nơi nào người ta đã đốt sách, người ta sẽ kết thúc bằng đốt sinh mạng con người.”
Almansor (1821) – Heinrich Heine
A. Tự do trí tuệ là gì và tại sao nó quan trọng?
Tự do trí tuệ có nghĩa là bất kỳ một cá nhân nào sống trong xã hội loài người đều có quyền tìm kiếm và tiếp nhận thông tin thuộc mọi quan điểm mà không hề bị bất cứ một trở ngại nào. Tự do trí tuệ vì vậy bảo đảm cho con người quyền tự do bộc lộ ý tưởng bằng nhiều cách khác nhau qua đó có thể làm sáng tỏ mọi khía cạnh của một vấn đề, một nguyên nhân, hay một trào lưu. Như vậy tự do trí tuệ có quan hệ mật thiết với tự do ngôn luận và tự do biểu hiện. Thiếu tự do trí tuệ xã hội sẽ dễ dàng bị một thiểu số nhân danh dư luận, nhân danh nhà cầm quyền, nhân danh các nhà tài phiệt, hay nhân danh một giai cấp, tầng lớp nào đó trong xã hội v.v. lừa dối. Của cải vật chất, tinh thần, tài nguyên, lãnh thố của quốc gia và cả sinh mạng con người dễ bị lợi dụng nhằm đạt mục đích ích kỷ của một số người hoặc các tập đoàn.
Tự do trí tuệ là một trong những hòn đá tảng xây nên nền móng của một xã hội dân chủ. Trong một xã hội dân chủ, mỗi người dân là người chủ của chính mình, là người điều khiển chính bản thân mình, chứ không phải ai khác. Nhưng để mỗi người dân có thể chịu trách nhiệm về việc đó, mọi công dân của xã hội phải được nhận đầy đủ thông tin. Tự do trí tuệ như vậy bao gồm tự do tàng trữ, tiếp nhận và phát tán thông tin.
Đối kháng với tự do trí tuệ là kiểm duyệt.
B. Kiểm duyệt là gì, nó xảy ra như thế nào và ai là người muốn kiểm duyệt?
Kiểm duyệt là sự ngăn cấm, loại bỏ, hay đàn áp những ý tưởng hoặc thông tin mà một số người thấy không chấp nhận được hoặc cho là nguy hiểm. Những người này có thể là một số cá nhân, nhóm người, hoặc một số người nhân danh nhà cầm quyền. Kiểm duyệt bắt đầu khi có một người nói: “Chớ có cho ai đọc quyển sách đó (hoặc mua số báo đó, hoặc coi bộ phim hoặc vở kịch đó, hoặc nghe bài hát hoặc bản nhạc đó, hoặc xem bức tranh đó) vì tôi không đồng ý.” Các nhà kiểm duyệt ép các cơ quan, trường học, nhà xuất bản, báo chí, tổ chức, công ty, viện nghiên cứu, v.v. loại bỏ các thông tin mà họ cho là không thích hợp hoặc nguy hiểm, không cho phép công chúng tiếp xúc với các thông tin đó. Kết quả là không ai có thể có cơ hội đọc hoặc xem các thông tin này để có thể tự suy nghĩ và phán xét đúng, sai, hay, dở về chúng. Các nhà kiểm duyệt muốn tự đánh giá, xếp loại, phân “luồng” thông tin cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, đã là công dân một xã hội dân chủ, pháp quyền, thì bất kỳ người nào cũng có quyền đọc, nhìn, nghe, và tuyên truyền các ý tưởng không vi phạm hiến pháp, cho dù nhà kiểm duyệt không muốn chấp nhận những ý tưởng đó đi chăng nữa.
Kiểm duyệt xảy ra khi các tài liệu bày tỏ ý tưởng như sách, báo, phim, ảnh, các tác phẩm nghệ thuật, v.v. (gọi chung là “tài liệu”) bị loại bỏ hoặc cất đi không cho công chúng xem. Một số cá nhân hoặc nhóm người “điểm mặt chỉ tên” những “tài liệu” mà họ phản đối. Trong một số trường hợp, các nhà kiểm duyệt cấm các trường học không được sử dụng các “tài liệu” này, cấm các hiệu sách, hiệu đĩa, hiệu băng video không được lưu giữ chúng, cấm các nhà xuất bản không được ấn hành chúng, cấm các galleries, các phòng triển lãm không được trưng bày chúng. Kiểm duyệt cũng xảy ra khi một số “tài liệu” bị hạn chế phạm vi sử dụng, chỉ được sử dụng đối với một loại công chúng dựa trên một số tiêu chuẩn về tuổi tác, hoặc các tiêu chuẩn khác (ví dụ sách báo, phim ảnh dành cho người lớn, v.v.).
Trong đại đa số trường hợp, nhà kiểm duyệt (hoặc người có tư tưởng kiểm duyệt) thường chân thành tin rằng kiểm duyệt có thể làm xã hội tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn, có thể bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên, và giữ gìn hoặc khôi phục cái mà nhà kiểm duyệt cho là “giá trị tinh thần”, “bản sắc dân tộc”, hay “thuần phong mỹ tục”, v.v. Các nhà kiểm duyệt có thể thật sự tin rằng một số “tài liệu” có chứa nội dung quá khích, chống lại, thậm chí phá hoại trật tự xã hội hiện hành tới mức không còn cách nào khác để ngăn chặn “tác hại” của chúng, ngoài việc “khai tử” cho các “tài liệu” này, tức là loại bỏ chúng, không bao giờ công bố chúng. Một số nhà kiểm duyệt khác thì lo ngại rằng những người trẻ tuổi hoặc yếu đuối hơn sẽ có thể làm điều xấu do bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng xấu. Thậm chí, vẫn còn không ít người tin rằng có một ranh giới hết sức rõ ràng giữa những tư tưởng “đúng đắn”, phù hợp với “đạo đức” và những tư tưởng “sai trái”, “đồi bại”. Những người này muốn đảm bảo rằng xã hội sẽ chỉ có lợi nếu tuân theo quan điểm của họ. Họ tin tưởng rằng một số cá nhân nào đó, hoặc một số tổ chức, cơ quan, đoàn thể nào đó, thậm chí toàn xã hội sẽ lâm nguy nếu một số tư tưởng riêng rẽ nào đó được lan truyền rộng rãi mà không bị ngăn cản.
Trớ trêu thay, điều mà các nhà kiểm duyệt thường không để tâm đến là kiểm duyệt không khác gì con dao hai lưỡi đối với chính các nhà kiểm duyệt. Cụ thể là, nếu như ngày hôm nay các nhà kiểm duyệt thành công trong việc loại trừ hay đàn áp các tư tưởng mà họ không thích, ngày mai những người khác có thể sẽ dùng chính cái tiền lệ đó để loại trừ hay đàn áp những tư tưởng mà các nhà kiểm duyệt hôm nay đang ưng ý. Cách đây 150 năm, trong tác phẩm Bàn về tự do (1859), John Stuart Mill [1] đã viết:“Nếu như toàn nhân loại, ngoại trừ một người, có chung một quan điểm, và chỉ có một người duy nhất có quan điểm trái ngược, thì bằng cách bịt miệng người đó, toàn nhân loại cũng chẳng có lý gì hơn là chính người đó, nếu y có quyền, sẽ dùng quyền lực của mình để bịt miệng toàn nhân loại.” Ông còn viết:“Chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng quan điểm mà chúng ta đang gắng sức bóp chết là một quan điểm sai; và nếu chúng ta có chắc chắn đi chăng nữa thì việc bóp chết nó vẫn cứ là một điều quái gở.”
C. Mối quan hệ giữa kiểm duyệt và tự do trí tuệ
Những quyền mà các nhà kiểm duyệt thực hiện khi họ phát biểu quan điểm hoặc mối lo ngại của họ về các tác phẩm của đương sự (nhà xuất bản hay tác giả) cũng chính là những quyền mà đương sự đó cần được bảo vệ khi đối mặt với nhà khiểm duyệt. Điều đó có nghĩa là khi các nhà kiểm duyệt công bố cho công chúng biết sự phê phán của họ chống lại một số ý tưởng nào đó, họ đã thực hiện những quyền đúng như những quyền của người sáng tạo ra hoặc truyền bá các “tài liệu” mà các nhà kiểm duyệt phản đối. Điều đó cũng có nghĩa là, trong một xã hội dân chủ, quyền của các nhà kiểm duyệt trong việc phát biểu và thuyết phục người khác chấp nhận quan điểm của mình sẽ được luật pháp bảo vệ chừng nào quyền của những người phát biểu quan điểm đối nghịch cũng được luật pháp bảo vệ. Quyền của cả hai phía đều phải được luật pháp bảo vệ như nhau. Nếu không, không phía nào có thể tồn tại lâu dài được.
Lịch sử nhân loại đã làm chứng cho vô vàn các cuộc kiểm duyệt. Sách vở thường xuyên bị kiểm duyệt vì nội dung chính trị, tình dục, hoặc ngôn ngữ xúc phạm tới chủng tộc, dân tộc, văn hóa, giới tính, lập trường chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo của các nhóm người khác nhau. Các tài liệu bị coi là nhảm nhí, tục tĩu, khiêu dâm, hoặc không thích hợp cho thiếu nhi cũng thường bị kiểm duyệt. Từ khi nhân loại bắt đầu lưu giữ được các biểu hiện của mình bằng văn bản, nhiều người đã bị thiêu sống trên giàn lửa, bị ép uống thuốc độc tự tử, bị đóng đinh câu rút, bị giam cầm, đày ải, hành hạ, sỉ nhục chỉ vì những gì họ đã viết ra và tin theo. Sau đây chỉ là một vài ví dụ điển hình. Đầu năm 213 TCN Tần Thủy Hoàng định “xóa sổ” lịch sử bằng cách ra lệnh đốt tất cả sách sử trừ những sách sử của nhà Tần. Những ai tàng trữ hai bộ Kinh ThiKinh Thư hoặc sách vở của trăm nhà đều phải đem trình quan để đốt đi. Hai người dám bàn nhau về Kinh Thư, Kinh Thi thì chém giữa chợ, lấy đời xưa mà chê đời nay thì giết cả họ. Một năm sau Tần Thủy Hoàng ra lệnh bắt 460 Nho sĩ đem chôn sống. Heinrich Heine từng viết trong vở kịch Almansor (1821) của mình: “Ở nơi nào người ta đã đốt sách, người ta sẽ kết thúc bằng đốt sinh mạng con người”. Một thế kỷ sau, lời tiên trì của Heine đã thành sự thật ngay tại quê hương ông. Năm 1933 những người Đức Quốc xã bắt đầu bằng việc đốt sách tại Berlin. Trong số sách báo bị đốt đó có cả các tác phẩm của chính Heinrich Heine. Tám năm sau, Đức Quốc xã dựng nên các trại tập trung và lò thiêu người, mà điển hình là trại Auschwitz, nơi một triệu một trăm ngàn con người đã bị thiêu chết, trong đó 90% là người Do Thái. Tại Liên Xô trong những năm 1940 – 1950 Stalin đã ra lệnh đốt toàn bộ sưu tập sách của người Do Thái thuộc thư viện ở Birobidzhan – thủ phủ của khu vực tự trị của người Do Thái lúc bấy giờ, nằm ở Viễn Đông, giáp vùng Khabarovsk, Amur của Nga, và biên giới giữa Nga và Trung Quốc. Trong cuốn Khủng bố vĩ đại tác giả Robert Conquest cho biết khoảng 10 triệu người đã bị hành quyết hoặc chết trong các nhà tù dưới chế độ Stalin. Khi Stalin chết vào năm 1953, Liên Xô có 12 triệu người bị giam trong các trại tập trung.
Trong số những lời phản đối kiểm duyệt của các trí thức và nhân vật lừng danh trên thế giới trong lịch sử cận đại, hùng hồn nhất có lẽ là phát biểu của thủ tướng Anh Winston Churchill. Ông nói: “Các bạn hãy nhìn các nhà độc tài đang ngự trên bệ, bao bọc bởi những hàng lưỡi lê của quân lính và dùi cui của đội cảnh sát của họ. Thế nhưng con tim của họ đang bị bao trùm bởi một nỗi sợ hãi không nói được và không thể nói được nên lời! Họ sợ các lời nói và ý nghĩ. Những lời nói được phát ra bên ngoài, những ý nghĩ sôi sục bên trong, tất cả bỗng chốc trở nên mạnh mẽ hơn, chính bởi vì chúng bị cấm đoán. Những cái đó làm họ hoảng sợ. Chỉ một con chuột nhắt, một tư tưởng nhỏ xíu như con chuột nhắt, xuất hiện trong phòng đã khiến cả những thống lãnh quyền lực nhất rơi vào trạng thái hoảng loạn.”
D. Sự vô nghĩa của kiểm duyệt tự do trí tuệ trong thời đại internet
Trong bức thư ngày 7 tháng 1 năm 1794 gửi nhà độc tài Robespierre [2] vì đã đốt tờ báo Vieux Cordelier, nhà cách mạng và nhà báo Pháp Camille Desmoulins [3] đã trích dẫn lời của Jean-Jacques Rousseau: “Đốt không phải là câu trả lời”. Desmoulins đã phải trả giá cho câu nói của mình bằng chính mạng sống của ông: Ngày 31 tháng 3 năm 1794 ông bị bắt và bị đem ra xử tại “Tòa án cách mạng”. Tại đây ông bị buộc tội “gián điệp”, bị từ chối quyền tự bào chữa, rồi bị kết án tử hình ngày 5/4/1794 lúc ông mới 34 tuổi [4]. Mặc dù cái kết cục bi thảm ấy thường được lặp đi lặp lại nhiều lần trong lịch sử, câu trích dẫn lời Jean-Jacques Rousseau đã vạch rõ một chân lý hiển nhiên: Không thể thuyết phục được một con người bằng cách bịt miệng anh ta.

Nguyễn Đình Đăng – “Ngày trưởng thành”, 2008, sơn dầu, 162 x 194 cm

Lịch sử đã sang trang trong hai thập kỷ cuối và nền văn minh nhân loại đã bước sang một thời đại mới: thời đại của internet. Hơn cả máy in, điện thoại, radio, rồi vô tuyến truyền hình, internet là phương tiện lan truyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng mạnh mẽ nhất và dân chủ nhất mà con người từng được biết đến. Khi mà bất cứ người nào ở bất cứ nơi đâu (được nối mạng) trên thế giới cũng có thể gửi mọi thông tin, ảnh, phim video, âm thanh lên internet để toàn thế giới có thể đọc, xem, nghe được ngay tức khắc, kiểm duyệt dần dần trở nên bất lực, trơ trẽn, lố bịch, và vô nghĩa. Tự do ngôn luận dần dần trở thành cái gì đó không ai có thể hạn chế được.
Trong phần kết của bài báo “Những chiến sĩ của mặt trận tàng hình” [5] đăng tại Tạp chí Nga ngày 8/6/2006, tác giả Alexander Kolesnichenko đã kết luận: “Internet là phương tiện thông tin đại chúng tự do nhất trong các phương tiện từng tồn tại từ trước tới giờ. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ được lựa chọn trên internet không chỉ những gì để đọc, mà còn để nghe và nhìn nữa. Cứ mặc kệ cho nhà nước tiếp tục kiểm soát vô tuyến truyền hình và những tập đoàn đặc quyền đặc lợi tiếp tục chiếm hữu các tờ báo của họ. Như người đời thường nói, cứ kệ cho họ chiếu và viết những nhăng nhít mà chỉ có chính họ sẽ xem và đọc mà thôi.”
22/5/2006
Chú giải
*) Phần A, B và C của bài viết này chủ yếu dựa trên trang “Intellectual freedom and censorship Q & A” tại website của American Library Association:
http://www.ala.org/ala/aboutala/offices/oif/basics/ifcensorshipqanda.cfm.
[1] John Stuart Mill (1806 – 1873) – triết gia theo tư tưởng tự do người Anh
[2] Maximilien Robespierre (1758 – 1794) – một trong các lãnh tụ khét tiếng nhất trong thời kỳ Khủng bố (1793 – 1794) của Cách mạng Pháp (1789 – 1799). Bắt đầu như một người theo phái tư tưởng tự do, lấy tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau làm sách gối đầu giường, Robespierre có niềm tin ngây thơ đến mù quáng vào cuộc cách mạng Pháp. Trong giai đoạn gay cấn nhất của cuộc cách mạng, Robespierre được bầu làm người đứng đầu Ủy ban An toàn Công cộng (một dạng Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) của thời Cách mạng Pháp) gồm 12 ủy viên. Đây là ủy ban thừa hành thực chất có quyền lực nhất. Để chống lại các lực lượng “phản cách mạng” trong nước, Ủy ban này ban hành chính sách của thời kỳ Khủng bố. Trong diễn văn ngày 5 tháng 2 năm 1794 Robespierre biện hộ cho Khủng bố như một biện pháp của lòng yêu nước và công lý để bảo vệ “thành quả cách mạng” là “tự do” và “bình đẳng”. Ông tuyên bố xã hội chỉ bảo hộ các công dân hòa bình, mà theo định nghĩa của ông đó là những người Cộng hòa. Những người bảo hoàng và những người âm mưu chống đối bị ông xếp vào hàng kẻ thù của tự do, phải bị Khủng bố trừng trị. Chỉ trong trong vòng 5 tháng từ tháng 9/1793 đến tháng 2/1794 chỉ riêng Tòa án Cách mạng ở Paris đã kết án và chặt đầu gần 300 người. Riêng trong ngày Robespierre đọc diễn văn nói trên, có hơn 5000 người bị giam trong các nhà ngục ở Paris chờ xử án. Chính bản thân Robespierre cũng trở thành nạn nhân của bộ máy mà ông là người tham gia sáng lập: Sốt ruột vì tiến trình chậm chạp của cách mạng, Robespierre đưa ra lời đe dọa Quốc hội. Chỉ 5 tháng sau bài diễn văn, Robespierre bị bắt và bị kết án tử hình.
[3] Camille Desmoulins (1760 – 1794) – nhà cách mạng và nhà báo Pháp, nổi tiếng bởi bài diễn thuyết mở màn cho cuộc tấn công nhà ngục Bastille. Ngày 12/7/1789, nghe tin vua Louis XVI cách chức tổng trưởng tài chính Necker – một người theo phe cải cách, Desmoulins đã nhảy lên bàn tại một quán café cạnh Hoàng cung (Palais Royal) và loan tin cho đám đông khoảng một vạn dân chúng về vụ bãi nhiệm nhà cải cách và nguy cơ bị các đạo quân người Thụy Sĩ và Đức của nhà vua thảm sát. Trong lúc cao hứng, ông kêu gọi dân chúng cướp vũ khí xuống đường. Cuối cùng ông rút trong túi ra hai khẩu súng lục và tuyên bố với đám cảnh sát đang theo dõi nhất cử nhất động của ông rằng ông thà chết chứ không chịu rơi vào tay họ. Ông nhảy từ trên bàn xuống trong vòng tay nồng nhiệt của đám đông. Hành động của Desmoulins đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc nổi dậy của dân chúng và quốc dân quân tại Paris trong 2 ngày tiếp theo. Ngày 14/7/1789 đám đông khoảng một ngàn người tấn công nhà ngục Bastille để cướp vũ khí. Sau 4 tiếng đồng hồ cầm cự, thống chế de Launey đầu hàng, bị đám đông bắt, bị đâm nhiều nhát dao cho đến chết, rồi bị chặt đầu đem diễu phố.
[4] Gieo gió thì gặt bão, chỉ bốn tháng sau đó, chính bản thân Robespierre cũng bị bắt và bị đưa lên máy chém ngày 28/7/1794.
[5] Александр Колесниченко “Бойцы невидимого фронта”, Русский Журнал, 8/6/2006.
© 2006 Nguyễn Đình Đăng

7:35 Sunday,14.4.2013

Đăng bởi:  admin

@ Thiên Lương: Soi đã đưa cmt của bạn thành bài riêng. Tên bài là: "Đừng đổ lỗi chính quyền, đừng tấn công cá nhân, đừng lờ đi là mình ngu dốt". Cảm ơn bạn.

0:10 Sunday,14.4.2013

Đăng bởi:  Nguyen Hoang Nghia

Bạn Trần Quang Lu,
Bạn nói đưa ra lý cãi nhau chả đạt kết quả gì mà bạn lại nói phần thiệt thuộc về tôi. Tôi không quan tâm cái thiệt hơn gì ở đây, tôi là một cá nhân trong cái xã hội này tôi thấy cần nói thì nói, cần góp ý thì góp ý, nhưng tôi lại quan tâm cả cái xã hội chung này nó thiệt hơn thế nào khi mà đưa vào những rào cản nhất định; rào cản là cần thiết nhưng cần phải xem lại nó hợp lý chưa. Muốn biết hợp lý chưa cần phải xem, nghe số đông trong đó có đủ mọi giới, tầng lớp người ta nhìn nhận gì, nói gì để mà thấy cần sửa thì sửa.

Trong cái lớp học văn, cô giáo cứ bắt học trò tả con mèo nhà em hoặc con gà nhà em (là cái con gà và cái con mèo mà cô chả đến để thấy) thì phải giống như con mèo, con gà nhà cô hoặc như con mèo, con gà mà cô tưởng tượng hay đọc ở đâu đó. Còn con mèo, con gà nhà em (em tả thực thế đấy) là cô không xem xét, cô không thể cho nó hợp lý và không cho điểm cao, em muốn tả thật, phản ánh thật như thế thì em qua lớp khác.

23:26 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  Trần Quang Lu

Bạn Nguyễn Hoàng Nghĩa,
Về vấn đề định nghĩa xã hội là gì? Thì để có dịp ở một chủ đề riêng chúng ta sẽ bàn. Còn việc làm báo đưa tin nó khác với việc làm nghệ thuật. Bạn có thể đưa ra lý lẽ của bạn là nghệ thuật phải phản ánh hiện thực xã hội. Thì bộ phận kiểm duyệt người ta cũng có lý của người ta là những hành động chém giết đẫm máu như vậy sẽ làm tăng thêm kích động bạo lực, ảnh hưởng xấu đến quần chúng...Nếu đưa lý ra để cãi nhau, thì chả bao giờ đạt được kết quả gì, và phần thiệt chắc chắn sẽ thuộc về bạn, vì bạn chỉ có lý, còn người ta vừa có lý lại vừa nắm luật chơi. Người ta cũng không cấm bạn chơi, nhưng bạn muốn chơi thì bạn đi chỗ khác, còn ở chỗ này thì không được phép. Ví dụ như bộ phim này chả hạn, phim của Tàu sản xuất, nói về vấn đề đồng tính nữ, nhưng không được phép quay ở Tàu, cảnh phim hoàn toàn được quay ở Việt Nam.
 
Vấn đề ở đây là chả ai cấm bạn làm phim bạo lực giết chóc, bạn thích thì bạn cứ làm, bất cứ đâu ngoài Việt Nam, thế thôi. Còn nếu là người giỏi và có tài năng thật sự, thì hoàn cảnh nào cũng vẫn ra được tác phẩm tốt và hay. Chỉ có ngu dốt bất tài thì mới đổ tại hoàn cảnh.
 

22:50 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  Nguyen Hoang Nghia

Bạn Trần Quang Lu bạn hiểu xã hội là cái gì vậy?
"Người nghệ sĩ cần sáng tạo đến giới hạn của sự có thể mà xã hội cho phép"
Xã hội là một vài cá nhân kiểm duyệt, hay xã hội là đông đảo những người có nhu cầu xem những cái cần xem, thấy những cái cần thấy. Báo đăng ầm ầm thì không sao, tôi lên nhà VH Thanh niên thì cũng nhiều lần đọc mấy bản tin giết chóc, hình ảnh ghê rợn nó cũng là thực tế thôi, thế đưa và phim ảnh một cái là không được. Lạ!!!
Tôi chỉ lo là Trần Quang Lu cũng xem đầy rẫy các cái phim nêu trong bài viết và thấy thích nó hơn mấy cái phim cắt xén hay mấy cái phim khác. Ra đấy là chuẩn của nó đấy.

22:41 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  Nguyen Hoang Nghia

Bài viết hay quá! Rất đúng, rất thực.
Nhiều thứ khác cũng thế, nhiều khi ngồi lại suy nghĩ mà thấy buồn.

22:30 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  Trần Quang Lu

Mình không bênh bên nhà sản xuất phim, cũng không bênh phía bộ phận kiểm duyệt. Vì bộ phim này nếu được công chiếu hay không được công chiếu, thì cũng chả ảnh hưởng gì đến mình. Tuy nhiên, ở đây có một đạo lý là nhập gia tùy tục.Mình không đồng ý với quan điểm của bài viết này là :
 
"Hãy xem những bộ phim xã hội đen của Hongkong, những bộ phim gangster của Mỹ, những hiện thực xã hội trần trụi qua mắt nhìn của nghệ sĩ điện ảnh trong City of God, Elite Squad của điện ảnh Brazil, I Saw the Devil, Memoir of the Murder, Pieta… của điện ảnh Hàn Quốc hay gần đây là The Raid-Redemption của Indonesia – chắc chắn một điều, bạo lực trong Bụi đời chợ Lớn chưa là gì cả..."
 
Các bạn đi đền, chùa, nhà thờ, bảo tàng.....có những chỗ người ta cho phép đi giầy dép vào trong, có những chỗ người ta bắt để giầy dép ở ngoài, có những chỗ được chụp ảnh, có những chỗ cấm chụp. Các bạn có bao giờ đi tranh cãi với người quản lý là sao chỗ kia được mà chỗ này lại không được không??? Các bạn vẫn có thể đi giầy dép hay chụp ảnh ở những chỗ cấm, đấy là việc của các bạn. Nhưng người ta phạt hay đuổi các bạn ra ngoài đấy là việc của người ta. Tương tự như trường hợp của bộ phim này cũng thế. Anh bảo Hồng Kông, Mỹ hay Hàn, phim chúng nó đầy cảnh bạo lực đẫm máu, thì mời anh sang đó mà chiếu. Còn ở Việt Nam thì không được phép. Đơn giản thế thôi.
 
Nói chung, người Việt Nam luôn luôn thích hỏi tại sao (why), mà không biết học cách hỏi làm thế nào (how). Chính vì vậy nên mới tự mình gây mâu thuẫn cho mình, nhưng lại cứ tưởng mâu thuẫn đó là do người khác đem lại cho mình. Loanh quanh chả giải quyết được vấn đề gì. Phim thì vẫn bị cấm chiếu, có được chiếu thì cũng phải cắt xén, hoặc chiếu chui lủi, chợ đen...
 
Bạn đạo diễn gì người Iran (ở cuối bài) nói : “Thực hiện một bộ phim khi biết trước nó sẽ không qua được kiểm duyệt, bị cấm công chiếu là điều vô nghĩa. Người nghệ sĩ cần sáng tạo đến giới hạn của sự có thể mà xã hội cho phép” , chuẩn của nó đấy!

22:29 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  IQ ABC

Vẫn hy vọng "bụi đời chợ lớn" có upload bản chưa kiểm duyệt lên để được thưởng thức, chứ dính mấy bác trên bộ rồi là phim thối dell chịu được. Mong bản trên mạng thôi, chứ tin chắc phim này khó toàn vẹn khi ra rạp hay trên đĩa. Em là em nói thẳng thế, các bác nào bảo mua đĩa gốc này nọ thì em xin khất. Tệ gì bán ở Việt Nam thế nào cũng xén vài phần. Như "BI đừng sợ" chẳng hạn.

19:02 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  Nhật Hiếu Er

Tất cả cũng chỉ lập trình theo một kịch bản có sẵn chăng..??? Một kiểu tạo scandal để PR cho bộ phim có lẽ..?

18:29 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  Bùi Trà My

Ra thế. Em đã thủng rồi. Cảm ơn mọi người ạ.

17:50 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  phale

@Trà My: Release thì chắc chắn là ở TQ rồi :)) Nhưng hãng sản xuất kiêm phân phối có Emperor Motion Pic với Media Asia Films cũa Hồng Kông chi tiền, mời diễn viên Mỹ nổi tiếng đến đóng. Phim này được làm khéo nên TQ mainland không nói gì, chứ cái nạn đói năm 1962 thì thật khó mà làm cho khéo vì chẳng còn quân Nhật ở cái thời ý nữa.   

15:37 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  Bùi Trà My

Ah đúng rồi là 1942 ạ thảo nào em tìm mãi không ra. Chính thế em ngạc nhiên là bởi cái cách dẫn chuyện trong phim thì cảm tưởng như đạo diến muốn nhấn mạnh vào việc Trung Quốc chỉ cố gắng lấy cuộc chiến với Nhật làm bình phong mà thôi còn thực chất ai chịu trách nhiệm cho nạn đói ấy thì được diễn giải rất rõ. 
Released thì em thấy ghi là Mainland. 
http://en.wikipedia.org/wiki/Back_to_1942

15:21 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  phale

@ Trà My và Fuong Le: bạn nhắc đến cái phim "Back to 1942" phải không? Phim này có cả mấy diễn viên Mỹ là Tim Robbins rồi Adrien Brody, hình như là được hậu thuẫn từ vài hãng phim Hồng Kông rồi dây mơ rễ má về đến Hollywood, nên không chỉ mỗi Trung Quốc bỏ tiền cho phim này.
Có người nói rằng Trung Quốc cho phép chiếu Back to 1942 vì trong giai đoạn của nạn đói này, Trung Quốc còn đang đánh nhau với Nhật, nhìn chung là đạo diễn có thể làm phim từ nhiều phía chứ không chỉ nhăm nhe mỗi... Trung Quốc. Chứ Trung Quốc còn một trận đói khinh khủng hơn nữa vào năm 1962, và sự kiện này sẽ khó được duyện thành phim; bởi vì vào năm 1962 Trung Quốc đã hết đánh nhau với Nhật rồi, không thể bám víu vào lý do nọ kia để giải vì sao người chết đói lại... nhiều hơn năm 1942. (Thực tế thì quân Nhật năm 42 còn góp tí gạo cho bên Trung Quốc cứu đói)

15:01 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  Fuong Le

Gửi bạn Trà My,
Phim mà bạn nói được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết Remembering 1942 (Nhớ năm 1942) của nhà văn Lưu Chấn Vân do đạo diễn Phùng Tiểu Cương thực hiện.  


Thân ái,  
Fuong Le

14:51 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  “dân thế giới thứ bét”

"Hoặc Reservoir Dogs của Quentin Tarantino có một quan điểm giễu nhại rất hay về gangster, mình không nhớ chính xác câu phát biểu, nhưng đại loại ý của Quentin là gangster tự sinh ra và tự mất đi, bởi chúng tự thanh trừng lẫn nhau, chẳng cần cảnh sát vào cuộc… Những cảnh bạo lực và tội ác trong bộ phim này nếu theo nhãn quan kiểm duyệt như điện ảnh Việt Nam thì đã không có một Quentin Tarantino lừng lẫy hôm nay."
Có một số nơi mà luật pháp chưa từng ngự trị, nếu "chẳng cần cảnh sát vào cuộc" thì không nhưng phim nghiêm túc không có, mà cả đến một cuộc sống bình thường cũng không. Quý tác giả có để ý tốc độ hình sự hóa cuộc sống không?
Bạn đi xuống mạn Khu Kaengnam, Phạm Hùng... Nơi ấy ít bóng mặc quân phục cảnh sát. Kết quả là cả ô tô cũng đi trái đường, vượt đèn đỏ, đánh võng...

14:42 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  Không chấp nhận ngu dân

Không dám xem kỹ, sợ hóa rồ, cả vì thất vọng
"nơi những kẻ cùng cực bị tha hóa hoặc lôi kéo trở thành tội phạm hay những băng đảng trộm cướp giết người diễn ra ngang nhiên giữa ban ngày." (Chợ Lớn)
Hay là ta bỏ dấu hỏi trong tên bài đi. Nó thừa.

13:55 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  Bùi Trà My

Sự kiện và bài viết này làm em nhớ đến một bộ phim Trung Quốc về nạn đói ở nước này năm 1946 làm 13 triệu người chết. Một năm mà dân chết nhiều vì châu chấu hoành hành mất mùa gạo phải góp làm quân lương, đến chết nhà nước không cứu cuối cùng hoá ra lại được quân Nhật tiếp tế cho một ít. Xem phim xong em đã rất ngạc nhiên vì tư tưởng "tự phủ nhận" ở các bạn Trung Quốc. Nhớ hoài không ra tên phim và đạo diễn để đi tìm xem có phải đạo diễn là Hoa Kiều và phim không phải TQ kiểm duyệt hay không? 

13:03 Saturday,13.4.2013

Đăng bởi:  Phương Lan N.H

Bài hay. Lê Hồng Lâm thật sắc sảo. Nhưng mình không đồng ý một nửa ở phần cuối bài. Các báo vẫn có thể khai thác các tin giật gân, đọc hay không là ở người đọc (thí dụ, chúng ta có thể không chọn mục Ngọc Trinh mập lên cũng như không chọn mục Người tốt việc tốt). Vấn đề là các báo không có đất và không hào hứng cho những chuyện văn hóa văn nghệ, tri thức nghiêm túc. Không có gì để chọn. Đi ăn buffet mà đợi mãi không có hào sống, cá hồi thì đành ăn tạm bắp xào và bánh phồng tôm thôi.
Cho nên, đúng ra các tổng biên tập phải "ép" cơ cấu mỗi trang văn hóa-văn nghệ-giải trí là bao nhiêu phần trăm văn hóa-văn nghệ, bao nhiêu phần trăm là giải trí. Phải ép thôi, chứ tâm lý và trình độ phóng viên mình mà, không ép không được, nhìn dưới váy chân dài thì hăng lắm, chứ ngó theo tà áo thâm của một cụ đồ thì rất ngại.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả