Bàn luận

Đừng đổ lỗi chính quyền, đừng tấn công cá nhân, đừng lờ đi là mình ngu dốt 14. 04. 13 - 7:15 am

Thiên Lương

Bài viết Xứ sở sợ hãi kì cục và chốn tận cùng của thế giới? rất ngụy biện. Tôi không hiểu sao có người lại thích nó.

Đầu tiên ta hãy nói về kiểm duyệt văn hóa phẩm. Đó là một thủ tục tất yếu trong bất kỳ hình thái xã hội nào. Nó có thể tồn tại dưới những hình thức khác nhau nhưng chắc chắn phải có. Đừng tưởng Mỹ họ không kiểm duyệt văn hóa phẩm. Xã hội nào cũng có những quy định về các giới hạn không thể vượt qua, ví dụ như bạo lực ở một giới hạn nào đó, tình dục trẻ em, phân biệt chủng tộc, vân vân và vân vân. Tùy theo hình thái xã hội mà các giới hạn kiểm duyệt khác nhau, nhưng không bao giờ là không có.

Tự do không phải là anh muốn làm gì thì làm. Đừng mang danh nghệ sỹ ra để nói là chính quyền không có quyền kiểm soát tác phẩm của tôi. Nhất là khi sản phẩm của anh mang tính thương mại, kiếm tiền qua khách hàng đại chúng. Cách tiếp cận vấn đề như thế là sai ngay từ đầu.

Không thể áp đặt các tiêu chuẩn Mỹ lên xã hội Việt Nam, vì ngay khi Mỹ ở mức phát triển như chúng ta hiện nay, thì họ cũng gặp các vấn đề hoàn toàn tương tự, thậm chí tệ hơn! Nhưng ngay cả hiện nay, nếu bạn làm một phim quá bạo lực ở Mỹ, chắc chắn cũng bị kiểm duyệt dưới rất nhiều hình thức khác nhau không tiện nêu ra ở khuôn khổ bài viết này. Thế nào là giới hạn bạo lực, giới hạn sex, thì do tòa án, do các cơ quan quản lý quyết định, nó không thuộc thẩm quyền phóng viên.

Tác giả bài viết có nói đến phim “Bi đừng sợ” với ý mỉa mai Hội Đồng, nhưng anh ta có xem bản gốc cuốn phim đó chưa, anh ta nghĩ sao nếu vợ anh ta, con gái anh ta xem được những cảnh loạn luân, thủ dâm trong đó?

Điều thứ hai là tác giả bài viết cũng như tất cả chúng ta chưa ai được xem cuốn phim Bụi đời Chợ Lớn, vì thế không ai có thể nói là nó hay, nó bạo lực vừa phải, nó có tính nghệ thuật, và hội đồng duyệt đã ngu dốt khi cấm nó. Lập luận như thế là tư kiến, hoàn toàn dựa trên tâm thế cực đoan – coi tất cả những gì mà chính quyền hợp pháp của Việt Nam hiện nay đang hành xử đều là sai trái. Sự thực hoàn toàn không phải như vậy. Theo ý kiến cá nhân tôi, và theo những gì tôi biết, thì hội đồng duyệt phim quốc gia thường là hành xử nhân nhượng với phim Việt Nam.

Điều thứ ba là tác giả bài viết này vi phạm những quy tắc tranh luận cơ bản nhất, thể hiện một kiểu ngụy biện thiếu văn hóa nhất là tấn công cá nhân. Đây là cách hành xử man rợ hàng đầu trong tranh luận mà Aristotle đã lên án từ thời thượng cổ. Kiểu tấn công này là gì? Khi ông A phát biểu một điều gì đó, thì bên phản biện tấn công trực tiếp vào cá nhân ông A, ví dụ tuyên bố ông ta thật ra là một kẻ đồng tình luyến ái chẳng hạn, và qua đó làm người ta nghi ngờ vào luận điểm của ông ấy. Sự thực thì quan điểm của ông A và cá nhân ông ta không hẳn là đã liên quan đến nhau.

Tác giả bài viết tấn công cá nhân những thành viên Hội Đồng duyệt phim một cách thiếu đạo đức, có dụng ý bôi nhọ. Cách lập luận đó rất kém cỏi, vì ngay cả một nước văn minh như Mỹ, thì Bồi Thẩm Đoàn cũng chỉ là những người bình thường, không cần là luật sư. Hội Đồng Duyệt Phim ở đây có vai trò như một đoàn Bồi Thẩm do nhà nước trao quyền, với nhiệm vụ quyết định xem cuốn phim đó có phù hợp với xã hội Việt Nam hiện nay hay không, nên thậm chí họ có thể không cần biết làm phim cũng chẳng sao cả. Mà thực tế mấy ông đạo diễn Việt Nam hay Việt Kiều hiện nay làm phim chất lượng thế nào, thì chúng ta cũng tự hiểu rồi, chẳng cần phải đao to búa lớn dưới danh nghệ thuật rởm làm gì.

Điều thứ tư tôi muốn nói, là rất nhiều vị cứ chửi bới chính quyền, chửi thành một thói quen, tới mức chính quyền làm gì cũng chửi, mà nhiều khi không nghĩ rằng họ hiện nay sống được là do chính quyền; chẳng hạn nhiều phóng viên cứ đòi tự do báo chí kiểu Mỹ, nhưng nói thẳng một câu, là nếu có tự do báo chí kiểu Mỹ, thì 99% báo ở Việt Nam đóng cửa sau một tháng, và tuyệt đại đa số phóng viên hiện nay thất nghiệp hết.

Nếu Việt Nam chưa có tác phẩm nào ra hồn; thì đó hoàn toàn không phải do lỗi của chính quyền. Từ 4000 năm trước cho đến gần đây, liệu cha ông chúng ta có tác phẩm nào ra hồn không? Đến chữ viết chúng ta còn chẳng có, vài ba tác phẩm văn hóa nào đó nếu có chút giá trị nào đó thì cũng chỉ ở mức con hát mẹ khen hay, tự sung sướng với nhau trong lũy tre làng, vậy tại sao lại đổ lỗi cho vài chục năm gần đây? Và thực tế theo tôi được biết, thì các danh nhân văn hóa lại hay sinh ra trong những thời kỳ tăm tối nhất của lịch sử. Tư Mã Thiên, Solzhenitsyn, Lỗ Tấn, Mạc Ngôn đâu có may mắn được sống trong nền dân chủ kiểu phương Tây? Tại sao lại đổ lỗi cho chính quyền, mà lờ đi sự ngu dốt của chính mình?

 

*

Bài liên quan:

Xứ sở sợ hãi kì cục và chốn tận cùng của thế giới?
Chỉ biết hỏi “why” mà không chịu học “how”
Đừng đổ lỗi chính quyền, đừng tấn công cá nhân, đừng lờ đi là mình ngu dốt
– Sống chung, sống đẹp với kiểm duyệt

– Các nhà làm phim Việt: liệu họ có quyền lựa chọn?

– Thử bình tĩnh hơn khi nghĩ về kiểm duyệt
 
– Kết thúc có hậu cho một vụ lùm xùm

Ý kiến - Thảo luận

18:37 Sunday,24.5.2020 Đăng bởi:  Tào văn Lon
Bài viết phê phán tính ngụy biện nhưng lại chứa đầy lỗi ngụy biện. Sự kiểm duyệt "cách này hay cách khác" nó khác với cách kiểm duyệt cảm tính và thô bạo áp đặt ở VN.
...xem tiếp
18:37 Sunday,24.5.2020 Đăng bởi:  Tào văn Lon
Bài viết phê phán tính ngụy biện nhưng lại chứa đầy lỗi ngụy biện. Sự kiểm duyệt "cách này hay cách khác" nó khác với cách kiểm duyệt cảm tính và thô bạo áp đặt ở VN. 
10:03 Monday,3.4.2017 Đăng bởi:  V
Không đồng tình với bài viết. Một huấn luyện viên bóng đá, nếu huấn luyện không đạt sẽ thay. Không thay sẽ bị chửi. Một giám đốc lãnh đạo kém sẽ mất chức, không mất chức thì bị nguyền rủa. Cái lỗi hệ thống nên giờ chúng ta cứ mò mẫm đi chậm chậm. Chính quyền hiện tại muốn tốt thì lắng nghe, chỉnh sữa, để lâu dài không chỉnh sửa sẽ duy ý chí.
...xem tiếp
10:03 Monday,3.4.2017 Đăng bởi:  V
Không đồng tình với bài viết. Một huấn luyện viên bóng đá, nếu huấn luyện không đạt sẽ thay. Không thay sẽ bị chửi. Một giám đốc lãnh đạo kém sẽ mất chức, không mất chức thì bị nguyền rủa. Cái lỗi hệ thống nên giờ chúng ta cứ mò mẫm đi chậm chậm. Chính quyền hiện tại muốn tốt thì lắng nghe, chỉnh sữa, để lâu dài không chỉnh sửa sẽ duy ý chí. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả