Gẫm & Bình

Xem tranh và hang đá Giáng sinh: vì sao lại như thế...

Những ngày này, đi lại ngoài đường dễ thấy náo nức vì cây thông, quả châu, dây kim tuyến giăng mắc khắp nơi. Những bài hát Giáng sinh cũng được nhà hàng, quán xá khai thác triệt để (cảm giác vui vẻ hội hè dễ khiến người tiêu dùng dễ dàng móc ví hơn, chắc […]

Ý kiến - Thảo luận

17:02 Thursday,14.1.2016

Đăng bởi:  Như Mai

Em cảm ơn anh Tùng rất nhiều. Anh không nói em cũng không biết đường để suy nghĩ mà sửa lại. Sách cũng chưa in nên vẫn còn sửa được. Phần đề tựa đầu chương chỉ là câu đầu tiên, còn nguyên khổ đó thì em footnote.

Cuốn này là The Bone Clocks của David Mitchell, một tác giả em rất thích và đọc không sót cuốn nào (thực ra ông này cũng chỉ viết mới vài cuốn và vài chục cái truyện ngắn).

DM dùng rất nhiều references đến tôn giáo, nghệ thuật, sci-fi và pop culture nên em vẫn vừa dịch vừa run. Thôi thì chỉ biết cố gắng hết sức vậy.


Em sẽ cố tìm cách dịch khác đúng nghĩa. Chữ "gợi nhớ" ở đây như vậy là trật lất rồi.

Một lần nữa cảm ơn anh rất nhiều.
Như Mai

14:13 Thursday,14.1.2016

Đăng bởi:  phó đức tùng

Như Mai ơi
mấy câu bạn dịch bài thơ về một dược nghe rất hay và bi thương, nhưng hình như không đúng với ý bài đó. Nếu như vậy thì một dược chẳng có ý nghĩa gì. Theo mình thì đại ý là: một dược của ta có vị hương ngần đắng, là do hấp thụ mọi nỗi đớn đau trong suốt cuộc đời, để rồi kết tinh chúng lại, khóa chúng lại trong mồ đá lạnh. đó là công dụng, cũng là tính chất của một dược, rất hay và rất cao quý, và có sự tương đồng như sấm truyền về cuộc đời Giê su sau này.

12:20 Wednesday,13.1.2016

Đăng bởi:  Anh Nguyen

Thấy SiêuNoob nhắc đến Richard the Lionheart lại nhớ đến vua Hồi Saladin. Giá có bác nào thông thạo lịch sử Hồi giáo và cuộc Thập tự chinh viết một bài về hai nhà vua này thì hay quá.

10:44 Wednesday,13.1.2016

Đăng bởi:  SiêuNoob

Mình nhớ đợt trước đọc báo thấy nói Risa Sư tử tâm khi chết trái tim được ướp bằng frankincense. Bởi ông này không hoàn hảo như trong Ai van hô, khi còn sống gây ra khá nhiều tội ác nên khi chết phải nhờ đến frankincese để mong gần thánh thần hơn.

18:10 Tuesday,12.1.2016

Đăng bởi:  Như Mai

Đọc bài này đã lâu nhưng mãi hôm nay mình mới comment được.

Cảm ơn bạn Anh Nguyễn đã viết bài tổng hợp rất công phu.

Mình xin được trao đổi thêm ở chi tiết ba nhà thông thái (ba vua) tặng quà cho Chúa, gồm vàng, nhũ hương và mộc/một dược (gold frankincense and myrrh)

Theo như nguồn này (và khá nhiều nguồn khác) thì myrrh đúng ra là là một dược, chứ không phải mộc dược.

Một dược có nghĩa là thuốc dùng để ướp xác người chết. Tức khi Chúa sinh ra đã có dự cảm về ngày Người chết đi.

Năm rồi mình có dịch một cuốn tiểu thuyết, trong đó lời tựa đầu một chương là "Myrrh is mine, its bitter perfume", trích từ bài thánh ca nổi tiếng We Three Kings Of Orient Are.

Lời bài hát như thế này

Myrrh is mine, its bitter perfume
Breathes a life of gathering gloom;
Sorrowing, sighing, bleeding, dying,
Sealed in the stone cold tomb.

Mình tạm dịch là

Một dược ta mang, mùi hương ngần đắng
Gợi nhớ đời người sao lắm buồn thương
Đớn đau, than thở, máu chảy, hồn lìa
Rồi đến một ngày mồ đá lạnh sương

Trong khi đọc một bài rất hay mà muộn về thiệp Giáng Sinh trên Soi, mời các bạn nghe thêm bài thánh ca Ba Vua Phương Đông, qua sự thể hiện của ca đoàn trường King's College, Cambridge ở đây

21:23 Friday,25.12.2015

Đăng bởi:  Dim

Cảm ơn bạn Anh Nguyễn đã giải thích chi tiết.

22:26 Wednesday,23.12.2015

Đăng bởi:  admin

Các bạn ơi, có chi tiết nhỏ thôi nhưng lưu ý giùm nhé: là khi cmt có chữ "Chúa", các bạn nhớ viết hoa giùm, không Soi lại phải đi theo dò và viết hoa lại hơi cực :-). Tương tự với chữ "Mẹ" trong "Đức Mẹ" nhẹ.
Cảm ơn các bạn rất, rất nhiều.
Chúc mọi người một Noel thật là vui và không quá lạnh.

22:05 Wednesday,23.12.2015

Đăng bởi:  ngoc mai

Ở giai đoạn đầu, Chúa phải chịu cảnh nằm gai nếm mật, sống trong hang đá rất là kham khổ. Không những thế, tín đồ Thiên Chúa còn bị truy đuổi, bị hành quyết rất là dã man. Tự dưng đến khoảng ngoài năm 300, Hoàng đế Constantine của La Mã lại cải sang Thiên Chúa giáo và coi tôn giáo này là quốc giáo. Mà ông này lại sang tận Byzantin để đóng đô (Bây giờ là Istanbul Thổ Nhĩ kỳ). Byzantine thì ảnh hưởng của phương Đông nên Thiên Chúa bắt đầu mang vẻ xa hoa màu mè, trang trí rắc rối và cầu kỳ. Và dần có sự li giáo (schism) trong Thiên Chúa, một bên là Cơ đốc giáo phương Tây và Chính thống giáo phương Đông.

Ảnh hưởng của phương Đông làm nhiều tín đồ Thiên Chúa cảm thấy Cơ đốc giáo đã đi quá xa khỏi bản chất và nguồn gốc của mình (là sự thanh tịnh thuở ban đầu). Và thế là đầu thế kỷ 16 mấy ông Luther và Calvin đòi phải trả lại bản sắc Thiên Chúa, Tin lành ra đời, với các quy trình đơn giản và hình thức giản dị hơn. Thế là nay Thiên Chúa có ba nhánh: Cơ đốc, Tin lành, Chính thống.
Đúng là cái gì ở đỉnh cao rồi cũng có lúc bị ... tha hoá, nhưng may còn có người nhớ lại thuở hàn vi mà chấn chỉnh tình hình.

19:29 Wednesday,23.12.2015

Đăng bởi:  Anh Nguyễn

@bạn Dim: về việc vẽ Đức Mẹ thường mặc áo xanh lam thì mình thấy có hai lý do:

1. Về mặt tôn giáo: Đức Mẹ thường chỉ mặc ba màu cơ bản: đỏ, xanh lam, và trắng.

Màu đỏ biểu lộ sự từ bi, tình cảm nồng cháy của Mary dành cho con trai, ngoài ra còn ám chỉ sự đổ máu của Chúa trên cây câu rút. Từ Passion trong tiếng Anh có hai nghĩa: một là cảm xúc mạnh mẽ (Mary yêu Chúa cũng như nhà thờ yêu Chúa vậy - Mary và nhà thờ thường bị đồng hoá), hai là sự khổ hình (The passion of Christ.) Khi Madonna mặc áo đỏ thì gọi là Mother of Compassion, hoặc Mother of Mercy - Đức Mẹ từ bi.

Màu lam biểu lộ sự khiêm tốn, trí tuệ, sự bình yên, và Thiên Đàng (màu của bầu trời.) Thánh Bernard xứ Clairvaux phán: “Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa bởi đức trinh khiết của Mẹ, nhưng bởi sự khiêm nhường Mẹ đã thụ thai Người”. Đức Mẹ cũng tự xưng là “Người tôi tớ khiêm nhường thẳm sâu của Chúa." Khi Đức Mẹ mặc áo màu lam và cúi đầu, quỳ trên sàn thì gọi là Madonna of Humility - Đức Mẹ khiêm nhường.

Màu trắng biểu lộ sự trong trắng, không vẩn đục, sự vô tội, trinh tiết. Một tín điều cơ bản của Thiên Chúa dạy rằng Đức Mẹ không hề bị nhiễm một tội nào, tội nguyên tổ (original sin) cũng như tội cá nhân, đồng thời không có một dục vọng bất chính nào. Khi Đức Mẹ mặc áo trắng thì gọi là Madonna of Innocence - Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội.

2. Về mặt nghệ thuật: hồi xưa màu vẽ không sẵn như bây giờ. Ngoại trừ những màu tông đất (nâu, be, vàng...) có thể dễ dàng tìm thấy trong tự nhiên, những màu xanh lam đậm hay đỏ đậm rất là khó tạo ra, và giữ được lâu (ví dụ như người ta có thể dùng máu súc vật làm màu đỏ, nhưng khi khô nó lại thành màu nâu nâu.) Màu lam sâu thẳm được mài từ đá lapis lazuli, là một loại đá rất đắt tiền. Vì thế màu lam thường được dùng để vẽ những nhân vật VIP nhất ;) Một bức tranh vẽ Madonna to đùng mặc áo lam đậm có tác dụng như đồng hồ Rolex hay túi Hermes bây giờ vậy - nó nói cho người xem biết rằng người sở hữu, hoặc bảo trợ bức tranh đấy lắm tiền nhiều của. Về vụ này mình đã viết một bài ở đây: http://soi.today/?p=151322

Sơ sơ như vậy, mình không phải người theo đạo, nên chắc không thể không có thiếu sót hoặc nhầm lẫn. Nếu có ai chỉ dẫn thêm thì mình rất cảm ơn ạ.

18:24 Wednesday,23.12.2015

Đăng bởi:  Dim

Anh Nguyễn cho mình hỏi là vì sao Đức mẹ Mary thường được vẽ mặc áo xanh lam?

12:08 Wednesday,23.12.2015

Đăng bởi:  Trương Quý

Cảm ơn Anh Nguyễn vì bài viết súc tích. Đi qua những nhà thờ hay tranh tượng rậm như rừng, về phải có những bài thế này mới vỡ ra được.

Nhân đoạn này của Anh Nguyễn: "Theo Kinh thánh, khi Chúa chào đời thì một ngôi sao sáng rực rỡ xuất hiện ở Bethlehem tỏa ra hàng trăm dặm. Các nhà chiêm tinh (nhà thông thái, hay nhà vua, tùy người kể) từ hướng Đông lần theo ánh sáng đó mà tìm. Vì thế trên đỉnh cây thông thường có ngôi sao to lấp lánh. Theo lịch sử, sự kiện này xảy ra sau khi Chúa ra đời chừng mười ngày.", mình nhớ lại vài chi tiết tưởng là nghiễm nhiên về ngôi sao, đọc lại mới thấy nhiều cái.
Ngày xưa mình cứ tưởng những ngôi sao trên nóc tháp điện Kremlin ở Matxcơva được cắm lên từ năm 1935 là do tính biểu tượng nguyên khởi của Xôviết. Những ngôi sao này được thay cho các con đại bàng trong quốc huy của đế quốc Nga và cả chữ thập ngoặc của Chính thống giáo (swastika, cũng giống chữ Vạn của Phật giáo nhưng ngược chiều, mà sau này lại được chính Đức Quốc xã dùng! Trong một số tranh cổ động của Hitler có vẽ chữ này thay cho các ngôi sao nếu chiếm được Matxcơva). Những ngọn tháp này được đắp nhiều chi tiết kiến trúc khá tương đồng với hình những cây thông Giáng sinh. Vì thế việc có ngôi sao trên nóc tháp có vẻ cũng khá hợp lý về thị giác - các cánh ngôi sao đều nhọn, tương hợp với độ nhọn của nóc tháp. Thậm chí nhìn còn bắt mắt hơn các tháp có hình thập tự. Những ngôi sao của Thiên chúa đã được những người Bolshevik tiếp nhận thành biểu tượng của mình.
Rồi gần đây, đọc được là vào mùa Trung thu đầu tiên của nước VN độc lập năm 1945, một số nhà làm đèn trung thu ở Hàng Mã đã lấy các kiểu đèn ông sao của giáo dân HN (vốn treo trên cây cạnh ban thờ Chúa) làm thành đèn rước có cán cho trẻ con đi ngoài phố. Rồi nó mau chóng tích hợp với hình tượng của cách mạng, đến mức cộng đồng mặc nhiên coi đấy là một sản phẩm không liên quan đến Thiên chúa giáo. Hơn thế nữa, nó cạnh tranh mạnh với cả những loại đèn rước Trung thu truyền thống, có lẽ vì kết cấu khá đơn giản nhờ khung hình hoc cơ bản (đèn kéo quân quá to và cồng kềnh, đèn cù, đèn ông sư, đèn com tôm, con cá phải uốn lượn nhiều nhờ tay nghề cao...) và nhờ hình ảnh vô cùng hoàn hảo về cấu trúc - không thêm không bớt, trừ sao béo sao gầy, cánh nhọn cánh tù (còn gọi sao vuông). Nó cũng hệt như chuyện áo dài đã ra đời từ một sự lai căn giữa áo tứ thân, năm thân Bắc Bộ với váy người Chăm và váy đầm Paris những năm 1920, và trở thành hình ảnh nhận diện dân tộc.
Tóm lại khi không có các thứ bên ngoài thì chả ai bận tâm mình thế nào. Ở nhà một mình thì cởi truồng chạy từ phòng khách vào toalet tha hồ. Có người khác là sẽ phải mặc đồ vào, cho đúng "thuần phong".

8:45 Tuesday,22.12.2015

Đăng bởi:  Anh Nguyen

@ Thuỳ Tiên: nước Mỹ không hề có luật đó, bạn ạ.
Người ta còn lập ra cả United Church of Bacon để vinh danh món thịt heo xông khói, tôn giáo hoàn toàn có thể đem ra đùa thì sao phải kiêng tên Christ.

5:58 Tuesday,22.12.2015

Đăng bởi:  Cùng học Tiếng Việt

Thùy Tiên: Không phải đâu bạn ơi. Ở các nước nói tiếng Anh đều dùng Xmas trong một số trường hợp, không cứ phải Mỹ. Việc dùng chữ X (vì nó nhìn giống chữ Chi tiếng Hy Lạp) để đại diện cho Christ nó trở thành truyến thống ở phương Tây từ khá lâu rồi. Bạn có thể xem thêm về biểu tượng Chi-Rho (còn gọi là Labarum) gồm chữ Chi và chữ Rho (Χρ) là 2 chữ đầu tiên trong chữ Christ viết bằng tiếng Hy Lạp. Biểu tượng này có từ thời La Mã.

Nước Mỹ là một nước mà thần quyền và thế tục lẫn lộn với nhau, chứ không phải như nước Pháp từ sau Cách mạng là một mực tách nhà thờ ra khỏi nhà nước và trường học. Các tổng thống Mỹ vẫn một mực thề trước Chúa trời lúc nhận chức, đặt tay lên cuốn Bible. Tiền Đô la vẫn có In God we trust. Việc bạn bảo có luật không cho nói tên Christ là không có cơ sở gì đâu.

0:59 Tuesday,22.12.2015

Đăng bởi:  Thùy Tiên

Anh Nguyễn ơi, theo mình biết thì Xmas là từ viết tắt cho Christmas chỉ dùng ở Mỹ thôi. Do luật pháp Mỹ quy định cấm viết tên Christ hay viết những từ có liên quan đến tôn giáo ở nơi công cộng nên từ Christ được thay thế bằng X để nói đến người-ai-cũng-biết-là-ai đấy.

17:52 Monday,21.12.2015

Đăng bởi:  Anh Nguyễn

Cảm ơn bạn SiêuNoob nhé! Mình vẫn nhớ hồi xưa được bạn nhắc cho, trong đầu thì vẫn đinh ninh thế nhưng không hiểu sao lúc viết lại nhầm, chắc do quán tính :))

15:48 Monday,21.12.2015

Đăng bởi:  SiêuNoob

Dở lại thảo luận xưa với Anh Nguyễn. Khi giải thích "Immaculate Conception" bạn đang nhầm với "Virginal Birth".

"Immaculate = free of original sin". Đức Mẹ được sinh bởi thánh Anne và Joachim, có sex đàng hoàng. Nhưng vì là Mẹ của Chúa nên tại thời điểm conception, Đức Mẹ không phải chịu "original sin" vì thế mà dùng từ "immaculate".

Còn "Virginal Birth" của Chúa thì mới "không cần đàn ông"...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả