Bàn luận

Hiện thực Mù là một nghịch lý hiển nhiên trong môi trường cá biệt

  Hiện thực mù là tên triển lãm cá nhân của tôi vừa diễn ra tại TP. HCM. Tôi rất thú vị khi nhận được nhiều phản hồi tranh luận quanh cái tên tôi đặt cho triển lãm. Đó cũng chính là thông điệp mở mà tôi đưa ra như cách tôi thể hiện thái […]

Ý kiến - Thảo luận

11:05 Friday,2.11.2012

Đăng bởi:  anvile

Thông điệp chủ đạo của tác giả là thay đổi tư duy và kích động/đánh thức cái mê miên trong tri thức người Việt.

12:21 Tuesday,30.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Nếu xứ sở của người mù có những người đứng đầu có óc cởi mở, họ có thể dễ chấp nhận cho Nunez cưới con gái của họ mà không cần móc mắt anh. Như vậy con anh và cô gái mù sinh ra có thể có mắt tinh. Dẩn dần số người có mắt tinh trong xứ sở mù sẽ nhiều lên và họ sẽ thoát mù. Nước Nhật đã xử sự như vậy từ thời Minh Trị và đã trở thành cường quốc ngày nay. Trong truyện của H.G. Wells khả năng này đã không xảy ra. Nunez chỉ có thể được những người mù chấp nhận là người của họ nếu anh chịu để cho họ móc mắt. Và nếu sau đó anh và cô gái có sinh con, thì con của họ cũng sẽ bị móc mắt. Nunez đã quyết định thoát khỏi xứ sở người mù để chọn tự do với đôi mắt tinh của mình.
 
Hoạ sĩ cũng giống như Nunez trong "Xứ sở của người mù" của H.G. Wells.  Hoạ sĩ nhìn và vẽ thế giới theo nhãn quan của riêng mình, chỉ riêng mình có. Quần chúng xung quanh, kể cả các đồng nghiệp của hoạ sĩ, không bao giờ hiểu hết hoạ sĩ. Họ cảm nhận tranh của hoạ sĩ theo thẩm mỹ và nhận thức của họ - mà đối với hoạ sĩ đó là nhận thức của những người mù, bởi họ không bao giờ "thấy" hết được cái mà hoạ sĩ "thấy".  Đối với họ, hoạ sĩ là một người bất thường cũng tương tự như đối với những người mù thì Nunez là người thiểu năng.
 
Mâu thuẫn đó không bao giờ được giải quyết triệt để bởi đó là một phần của những gì tạo nên nghệ sĩ. Vấn đề là ở chỗ, trong một xứ sở tự do và khoan dung, hoạ sĩ có quyền vẽ, bày tranh, và phát biểu những gì mình thích, mình cảm nhận, tương tự như Nunez có thể sống trong một xứ sở của người mù, nhưng lại được tha hồ nói về những màu hoa, cỏ cây, chim chóc đẹp như thế nào, thậm chí cưới con gái họ làm vợ, mà không bị họ móc mắt.
 
Chính vì thế mà Albert Einstein từng nói: “Tất cả những gì thực sự vĩ đại và truyền cảm đều được sáng tạo bởi cá nhân lao động trong tự do”. Năm 1933 ông đã có một tuyên bố nổi tiếng: “Chừng nào tôi còn có thể lựa chọn, tôi sẽ chỉ sống tại nước nào mà luật lệ là tự do chính trị, lòng khoan dung, và quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp lý.
 
Tôi chúc hoạ sĩ Lê Quảng Hà sức khoẻ và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn trên con đường nghệ thuật mà anh đã chọn.
 

22:57 Monday,29.10.2012

Đăng bởi:  phó đức tùng

Bạn Thủy Lê
khi sáng tác nghệ thuật thì cần cảm hứng, nhưng khi phát ngôn lý luận cũng như phân tích những phát ngôn đó thì cần độ chính xác. Khi nghệ sỹ tạo tác, anh ta là chúa trời, và không ai có quyền ý kiến gì về việc đó. Nhưng khi anh ta triển lãm tranh cho mọi người xem, và giải thích bằng lời về tranh của mình, thì mọi người đều có thể có ý kiến. Và ý kiến chân thật nhất của một người xem nhất thiết phải xuất phát từ cái tôi của người đó, vì nếu không thì là ai phát biểu ý kiến đó.
Nếu chúng ta cứ nói kiểu "đừng bàn, tự làm đi", "bạn là ai mà dám bàn", "bạn có vẽ được hơn người ta không mà dám bàn" "tri thức giết chết nghệ thuật", "lý trí làm mất hứng nghệ sỹ" "mỗi người có một lý, không cái gì đúng, cái gì sai" v.v. thì mọi tranh luận và toàn bộ trang SOI này cũng như mọi art talk, mọi triển lãm đều là vô nghĩa.
Tuy nhiên, nhận định cuối cùng của bạn tôi thấy có lý, và có lẽ làm tôi hiểu phần nào logic trong concept của anh Hà.
Trước đây, tôi vẫn hiểu "hiện thực mù" là một loại hiện thực không dùng giác quan mắt thì có thể cảm nhận thấy, tức là một loại hiện thực mà khi tôi dùng mắt thường thì không thấy, hoặc là một thủ pháp thể hiện hiện thực mà không dùng đến vai trò của giác quan, vì thể tôi muốn tìm hiểu xem cơ chế điều đó như thế nào.
Qua câu chuyện của anh Hà, và lời giải thích của bạn, tôi thấy có thể hiểu như sau: có loại hiện thực mà chúng ta ai cũng "thấy" bằng mắt thường, nhưng mà không ai dám "nói", vì thế mọi người đều "giả mù", kiểu như bộ áo mới của Hoàng đế. Và họa sỹ bằng cách nói thẳng ra là "hoàng đế cởi truồng" thì đã lột trần tình trạng giả mù của thiên hạ.
Nếu quả thực concept của anh Hà là như vậy thì không phải là không logic và anh Hà quả đã có thể coi là thực hiện đúng những điều anh nói. Còn chuyện thích tranh của anh hay không lại là vấn đề hoàn toàn khác mà chúng ta không bàn ở đây.
anyway là cám ơn bạn Thủy Lê đã đưa ra cao kiến.

20:40 Monday,29.10.2012

Đăng bởi:  Thủy Lê

Thấy các anh thảo luận sôi nổi quá, em cũng muốn góp phần. Em thấy các anh đặt tiêu chuẩn về tính chính xác quá cao của "Khoa học" đối với "Nghệ thuật" thế thì còn đâu cảm hứng sáng tạo cho những nghệ sĩ nữa chứ? Các anh giấu cái tôi của mình đi một tí thì mọi cái đều có lý lẽ riêng của nó. Không có bất cứ thứ gì mà khiến tất cả mọi người đều hài lòng. Cũng như không ai có thể chắc rằng mọi điều mình nói ra đều đúng cho dù anh là ai? Chuyện tìm ra cái sai của người khác luôn dễ dàng hơn tìm ra cái sai của chính mình. Nghệ thuật là một hình thức sáng tạo mang tính cá thể không thể theo một công thức hay khuôn mẫu nào. Nó là cái nhìn nhận của từng người về một vấn đề mang tính tư duy theo nét rất riêng, không như khoa học 1+1=2.
Riêng em thì nhận thấy tranh của anh Lê Quảng Hà đang đề cập đến những vấn đề rất nóng của xã hội hiện nay mà những ai quan tâm đến thời sự đều có thể mơ hồ cảm nhận và liên tưởng được. Nhưng ai trong số các anh dám loa to trước công chúng điều mà các anh nhìn được bằng mắt và sự cảm nhận tinh tế của mình? Vậy thì có phải là "Thấy" mà không "Thấy" hay không? Bây giờ báo chí có hỏi thì em cũng đành phải giả vờ "Mù". Kính thưa các anh em có nhìn thấy gì đâu! Em chả hiểu gì cả! Hi!
 

19:11 Monday,29.10.2012

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Anh Đăng ơi. Cái link youtube cho thấy một tin buồn là em không bị mù màu (màu vật lý). Dù sao cũng cám ơn anh.

Bạn "Đông-ki-sốt xứ An Nam" ơi. Vì câu hỏi của bạn quay sang vặn vẹo tớ, mà bài này là chỗ đàm đạo của các anh lớn nên tớ sẽ trả lời câu hỏi của bạn bên bài về triển lãm của tớ vậy. Thông cảm sang đó xem nhé.

17:25 Monday,29.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Thông thân mến,
Thông thử dùng test mù màu trên YouTube ở link này xem sao nhé.

17:14 Monday,29.10.2012

Đăng bởi:  bui mo van

Bạn Thông ơi! Comment của bạn mình thấy đúng thì có đúng, nhưng bạn không cãi lý được với bọn họ đâu. Cái kiểu quan điểm, xem, hiểu nghệ thuật của họ tôi thấy họ chả khác gì mấy cái máy trong tranh của anh Hà là mấy bạn ạ. 
Với lại mấy cái đại biểu mà kiến thức quá uyên bác, trên thông thiên văn dưới tường địa lý này đáng ra họ phải làm bên chủ tịch hội đồng nghệ thuật, kiểm tra nghệ thuật, thanh tra nghệ thuật, góp ý phê bình nhận khuyết điểm tự nhận khuyết điểm phê bình nghệ thuật hội mỹ thuật mới đúng vị trí. Vì riêng vị Phó Đức Tùng  như tôi được biết đến là còn dạy, đào tạo được cả thiên tài thần đồng về hội họa nữa kia mà...
Thôi anh em ta họa sĩ vườn cứ thấy tranh của anh Hà đẹp theo một thẩm mỹ, tư tưởng của chúng ta, ta thích là được rồi còn về phần họ, họ không thích thì mặc họ đi...lướt thôi Thông ơi!

17:13 Monday,29.10.2012

Đăng bởi:  DON QUIXOTE DE LA ANNAM

BẠN PHT CHO HỎI:
BẠN ĐÃ CÓ NHỮNG TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT Ở TRONG BỘ SƯU TẬP TƯ NHÂN HAY CÁC BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT LỚN TRÊN THẾ GIỚI CHƯA??? TÊN TUỔI CỦA BẠN ĐÃ CÓ MẶT TRÊN CÁC TẠP CHÍ VỀ 'NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI' NÀO TẦM CỠ THẾ GIỚI CHƯA ..?!! MÀ DÁM NÓI LÀ
'Hoạ sĩ ở Việt Nam có nhiều (không nói chung, không nói tất cả nhé) đối tượng "ngu nhưng cố tỏ ra bí hiểm"'
BẠN ĐÃ THAM GIA NHỮNG TRIỂN LÃM NÀO Ở CÁC 'TRUNG TÂM' VỀ NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI TRÊN THẾ GIỚI...???
BẠN NGHĨ BẠN LÀ NGHỆ SĨ TẦM CỠ NHƯ THẾ NÀO TẠI VIỆT NAM VÀ TRONG KHU VỰC ĐÔNG NAM Á???

17:08 Monday,29.10.2012

Đăng bởi:  phó đức tùng

Bạn Thông
Chúng ta bàn luận với nhau, là cốt tìm hiểu cho sáng tỏ vấn đề. Có người làm và đặt ra vấn đề như anh Hà thì chúng ta mới có cớ để tranh luận, mong tìm hiểu cho rõ ràng. Tôi chẳng quen biết anh Hà, cũng chẳng có lý do gì để "xử lý" anh Hà như bạn nói cả. Tôi cũng chẳng nói là anh Hà giả bộ ngu ngơ bí hiểm. Tôi chỉ muốn bàn luận cụ thể là những lý do anh Hà đưa ra cho một concept mới về mặt lý thuyết đã ổn chưa. Nếu anh Hà chỉ vẽ theo kiểu năng khiếu bẩm sinh, thì chúng ta không có gì phải bàn, cứ xem tranh rồi cảm nhận. Nhưng đây là một phát ngôn có tính lập thuyết, đưa ra tôn chỉ cho một ism, thì phải có sự phản biện nghiêm túc xem cơ sở của nó có vững vàng hay chưa. Những lời tôi viết có thể gây hiểu nhầm là nhắm vào cá nhân anh Hà, thì tôi thành thật xin lỗi. Tôi quen lối diễn đạt sao cho rõ nghĩa nhất, mong làm rõ nội dung. Còn về cá nhân, chắc chắn tôi còn phải cám ơn anh Hà vì đã tạo cơ hội để tôi có dịp suy nghĩ về vấn đề đó, chứ không có lý do gì để bôi xấu hay "xử lý" cả. 

16:18 Monday,29.10.2012

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Anh Phó Đức Tùng ơi.
Như em đã từng comment về mấy cuộc Art Talk gần đây: vì nhiều lý do "khách quan" mà có khi người làm không nói hết được với người xem trong các cuộc đàm thoại. Tình trạng không hiểu nhau là tất yếu, nhưng xin đừng dựa trên những hiểu nhầm đó mà "xử lý" nhau vội.
Những gì chưa nói hoặc không thể nói ra nhiều khi lại là phần chìm lớn của tảng băng. Lý lẽ các anh dùng khi ngồi trên phần nổi của tảng băng có thể là đúng nhưng sẽ là mất thời gian khi nó biến thành định kiến ngăn cản chúng ta tìm hiểu những phần chưa thấy.
Hoạ sĩ ở Việt Nam có nhiều (không nói chung, không nói tất cả nhé) đối tượng "ngu nhưng cố tỏ ra bí hiểm". Tiếp xúc với anh Hà mấy năm nay, em dám quyết rằng anh Hà không phải loại đó.
Đây là cuộc tranh luận của các bác mâm trên, lời lẽ em có gì phạm thượng xin các bác bỏ quá cho.
Kính các bác

15:56 Monday,29.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Thông thân mến,
 
1) Ví dụ về ánh sáng và màu trong vật lý của tôi, nếu hiểu theo nghĩa đen, thì chỉ liên quan đến nhận định "trời màu xanh".
 
Nhưng, nếu hiểu theo phương diện xã hội, "ánh sáng" xã hội tác động lên "nhãn quan" của cái tâm của nghệ sĩ thế nào phụ thuộc nhận thức, nền tảng văn hoá, giáo dục, nhân cách, v.v. của nghệ sĩ. Vấn đề này đã được bàn tới không dưới 6 thế kỷ nay.
 
2) Vật lý của hòa sắc quang học (cộng màu) và trộn màu trên palette (trừ màu) là kiến thức chung, chứ không phải của riêng ngành vật lý. Kỹ thuật sơn dầu nhiều lớp của các bậc thầy cổ điển là sự áp dụng rất rõ các hiệu quả của hoà sắc quang học cũng như trộn màu trên palette. Seurat đề xướng tân ấn tượng (neo-impressionism) cũng xuất phát từ quy luật hòa sắc quang học (cộng màu).

15:40 Monday,29.10.2012

Đăng bởi:  phó đức tùng

Bạn Thông ơi
Mình nghĩ anh đăng cũng như mình hoàn toàn hiểu điều anh Hà muốn nói. Có điều ngay cả những thứ đó cũng không có gì hiển nhiên cả. Từ một thứ tưởng chừng đơn giản nhất như "bầu trời màu xanh" đã không hề đơn giản. Cơ chế của việc mù xã hội thế nào? con mắt xã hội ở đâu, làm sao mà bịt được? làm sao biết mình bị bịt mắt và khi nào thì biết mình không còn bị bịt mắt nữa? những thứ đó còn phức tạp hơn nhiều. 
Chúng ta không thể tranh luận về những gì người ta không nói, mà chỉ có thể bàn về những gì người ta nói, nhưng mục đích không phải là để bàn về việc đã được nói, mà là đặt nghi vấn cả cho những điều chưa được nói. Nếu một sự mà anh Hà cho rằng hiển nhiên đến mức trẻ con cũng nhận ra được lại không hề hiển nhiên, thì cái mà ít hiển nhiên hơn kia liệu có phải thực sự hiển nhiên không.

14:54 Monday,29.10.2012

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Anh Đăng ơi.
Với tất cả lòng kính trọng anh cũng như kính trọng anh Hà. Em nhận thấy rằng hai bác đang càng ngày càng nói về những vấn đề khác nhau ạ. Trong comment cuối của anh Đăng, mù trong môi trường vật lý, còn mù của anh Hà, em nghĩ, là mù trong môi trường xã hội. Sự khác nhau này giống như "ảo ảnh" vật lý (do ánh sáng đi cong, bị khúc xạ..) khác với "ảo ảnh" tâm lý (do hệ thần kinh có vấn đề) khác với "ảo ảnh" xã hội (do hệ tư tưởng, nhận thức cộng đồng có khiếm khuyết). Nếu bác cứ dùng cách hiểu của ngành này để xem xét vấn đề của ngành kia thì trẻ con tụi em mệt đầu lắm.
Hai nữa là em vào cái link kiểm tra mù màu mà bác Đăng cho, em chỉ thấy được vài số trong tổng số khoảng 6-7 số mà họ test ạ. Các số mà em không thấy là vì màn hình toàn màu ghi, không thấy ảnh ọt chấm chấm gì cả, không hiểu là do link die hay mắt em mù màu thật. (thực ra em cũng mong mắt em mù màu, vì hoạ sĩ sáng màu dạo này đông quá, một mình em lòi ra "có" mù màu kể cũng hay).
Kính bác

13:05 Monday,29.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

                              Có phải bao giờ trời cũng xanh?
Ánh sáng tự nó không có màu mà chỉ có các bước sóng. Khi chiếu vào mắt người, các bước sóng tác dụng lên võng mạc và tạo ra các hiệu quả thị giác khác nhau mà ta gọi là màu. Ví dụ:
bước sóng khoảng 400 - 450 nm (nanometre, 1nm bằng một phần triệu mm) tạo ra hiệu quả thị giác mà ta gọi là màu tím,
450 - 490 nm: màu xanh dương,
490 - 560 nm: màu lục,
560 - 590 nm: màu vàng,
590 - 635 nm: màu da cam,
635 - 750 nm: màu đỏ.  
Các bước sóng ngắn hơn 450 nm và dài hơn 750 nm thuộc vùng mắt người không nhìn thấy được.
Một vật tự nó không có màu gì cả. Chúng chỉ có khả năng hấp thụ ánh sáng khác nhau. Ví dụ, sở dĩ ta nhìn thấy lá cờ đỏ vì khi ánh sáng trắng (chứa tất cả các bước sóng) chiếu vào lá cờ các bước sóng khác bị hấp thụ, chỉ có ánh sáng 635 - 750 nm là phản xạ lại, lọt vào mắt ta. Sở dĩ trời xanh dương là vì khi ánh sáng trắng chiếu qua khí quyển tới mắt ta, bước sóng tím bị hấp thụ mạnh ở tầng khí quyển cao, bước sóng ngắn (xanh dương) bị tán xạ mọi phía nhiều nhất, nên mắt nhìn đâu cũng thấy. Nếu thành phần khi quyển bị thay đổi, như bị mây mù, khói, v.v., khả năng hấp thụ và tán xạ ánh sáng của khí quyển sẽ thay đổi, kết quả là ta thấy trời xám, tím, thậm chí đỏ như máu v.v.
Võng mạc và não người này cũng không giống của người kia. Cùng một vật nhưng người này có thể nhìn ra màu này, người kia có thể nhìn thành màu khác. 
Khoan nói tới những người mù bẩm sinh, ngay cả trong số những người tinh mắt cũng có nhiều người bị chứng mù màu (khoảng 5 - 10 % đàn ông mắc chứng mù màu). "Hiện thực" trong mắt một người bị mù màu tất nhiên khác "hiện thực" trong mắt một người không bị mù màu. Muốn biết mình có bị mù màu không, bạn có thể nhìn vào các hình tại link này. Nếu bạn nhìn ra tất cả con số các trong các hình tại đó thì mắt bạn không bị mù màu.
Khi vẽ cảnh sương mù trên sông Thames, Claude Monet đã vẽ sương mù màu tím. Người xem ở London bảo ông vẽ sai hiện thực, vì họ vẫn nghĩ rằng sương mù màu xám. Monet bảo: "Các vị thử ra cửa sổ ngó kỹ lại xem sương mù màu gì." Đám đông chạy ra cửa sổ nhìn vào sương mù lúc đó đang bao phủ London và họ kinh ngạc nhận ra rằng nó màu tím!
Về cuối đời Monet mắc chứng cataract nên nhiều bức vẽ của ông có hoà sắc từ một đôi mắt bị cataract và não của một nghệ sĩ.
Tôi không rõ Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu có dạy về vật lý của các quy luật hòa sắc cộng màu và trừ màu không, nhưng nếu chưa dạy thì các sinh viên mỹ thuật cũng nên tự nghiên cứu để hiều màu từ đâu mà ra. 

12:43 Monday,29.10.2012

Đăng bởi:  Đinh Hải Bằng

Thưa anh Lê Quảng Hà, tôi hiện đang đau mắt, nói trắng ra là mù một nửa, đâm ra cũng chưa trả lời anh cho ngay ngắn, phải phép được, tuy nhiên lòng vẫn có thắc mắc: Anh bảo là đường sáng tác của họa sĩ là dài, là khó, anh lại bảo anh không muốn cầm tay chỉ nghĩa, để mặc cho người xem, người đọc tưởng tượng, lý giải… thế nhưng khi ngưới đọc lý giải, tưởng tượng thì anh lại hỏi là “ mù thật hay mù giả?”, hay “viết theo đơn đặt hàng”… Tôi nghĩ tốt nhất anh nên giải thích rõ bằng từ ngữ nôm na, đúng thực chất trình độ của anh, về thế nào là hiện thực mù của anh. Cái hiện thực ấy không nhất thiết phải có họ hàng gì với “blind realism” hay “blinded realism”, kệ bọn Tây đi anh, miễn là thứ hiện thực mù ấy là một thứ do anh nghĩ hoàn toàn, có căn có nguyên, có lý có lẽ, chứ không phải chỉ có mỗi một cái tên, nghe vừa có vẻ giống Tây, vừa lòe thiên hạ, thế nào cũng được. Thiên hạ giờ đây, thưa anh, voi thì ít mà mù thì nhiều, chúng nó sờ một hồi cũng ra được con voi chính xác đấy, anh ạ. Cẩn thận đừng mắng người đọc là mù nhé.

9:23 Monday,29.10.2012

Đăng bởi:  phó đức tùng

Anh Lê Quảng Hà,
Câu truyện anh kể với cháu anh không hiển nhiên như anh nói đâu. Từ đó, ta có thể nhận được một điều là màu bầu trời sẽ đổi nếu ta bịt mắt, hoặc đeo các kính màu khác nhau. hoàn toàn không có gì để khẳng định là "dù sao bầu trời vẫn màu xanh" cả. 
Có tồn tại cái gọi là "bầu trời" khách quan không? có cái gọi là "màu xanh" khách quan không? nếu chúng ta đều mù?
Khi đứa cháu bị bịt mắt trả lời "bầu trời màu đen", đấy là một câu trả lời chân thực. Còn nếu nó trả lời "bầu trời vẫn màu xanh" là một câu trả lời không dựa trên một nhận thức mới, mà dựa trên tín điều. Nếu một người mù bẩm sinh trả lời "bầu trời màu xanh" thì chắc chắn không phải tâm anh ta thấy bầu trời màu xanh, mà do đã tưởng tượng bằng con mắt người khác.
Thử hình dung chúng ta đều thấy một cô gái mặc váy xanh. Anh Hà thì mù và quả quyết là chúng ta bị bịt mắt nên mới thấy như vậy, còn anh thì vì mù nên nhìn bằng mắt trong và thấy váy màu đỏ và khẳng định màu đỏ mới là sự thật. Vậy chúng ta nên tin là váy cô màu xanh hay màu đỏ, hay thực ra cô vốn không mặc váy?
Qua ví dụ đó, tôi hơi nghi ngờ những điều anh Hà nhìn thấy liệu có phải thực do anh dùng con mắt trong để nhìn ra không, hay là dựa trên những thứ mà mắt người khác đã từng nhìn thấy.

22:32 Sunday,28.10.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Anh Hà,


Nếu anh đọc toàn bộ các cmt của tôi liên quan tới vụ này, anh sẽ thấy các ý kiến của tôi là không ngoài mục đích làm rõ vấn đề thế nào là hiện thực và thế nào là thực tại, mà xưa nay nhiều nghệ sĩ Việt Nam coi là nghiễm nhiên, chứ không nhằm công kích anh. ”Đống sách vở” mà tôi trích dẫn chẳng qua là để anh thấy thuật ngữ “hiện thực mù” (blind realism) đã có người phát minh ra rồi, bất kể nội dung của nó có thể khác hay giống hiện thực mù của anh. Vì thế tuyên bố: “Tôi thấy mình dường như đang tiệm cận đến một khái niệm nghệ thuật mới. Xin được tạm gọi là ‘Hiện thực mù’” cần được sửa lại cho chính xác hơn (chẳng hạn có thể dùng một cái tên khác đi), bởi khái niệm “hiện thực mù” không phải là mới. Tương tự như vậy, không thể nói: “Tôi đang tiệm cận một khái niệm mới. Xin được tạm gọi là `siêu thực’.” Bây giờ tôi trả lời các chi tiết trong phần cmt anh viết cho tôi.
 
1) "Blind realism" của Robert Almeder mà tôi nói tới, dịch chính xác tiếng Việt là "hiện thực mù", như tôi đã dịch.
Còn "blinded" là past participle (động tính từ quá khứ) của động từ "to blind", được dùng trong các trường hợp ví dụ như:
He is blinded by money: Anh ấy bị mù vì tiền.
 
2) Trong câu tôi viết: "chúng ta có cơ sở để chỉ ra đâu là sự mô tả đẹp (tranh đẹp), đâu là sự mô tả xấu (tranh xấu)", từ trong ngoặc đơn không đồng nghĩa với từ đứng trước nó bên ngoài ngoặc đơn mà chỉ là một khả năng khác. Như vậy, "mô tả đẹp" không nhất thiết có nghĩa là "tranh đẹp" và "mô tả xấu" không nhất thiết có nghĩa là "tranh xấu". Câu đó chỉ là viết cho gọn 2 khả năng:
a) Chúng ta có cơ sở để chỉ ra đâu là sự mô tả đẹp, đâu là sự mô tả xấu.
b) Chúng ta có cơ sở để chỉ ra đâu là tranh đẹp, đâu là tranh xấu.
Như vậy không loại trừ có những mô tả đẹp mà tranh vẫn xấu và có những mô tả xấu mà tranh vẫn đẹp, v.v. Dĩ nhiên thế nào là tranh xấu thế nào là tranh đẹp lại là một câu chuyện khác.
 
3)  Toàn bộ đoạn tôi viết là: "Không có gì mới dưới mặt trời cả. Điều quan trọng là chúng ta hiểu và tư duy như thế nào để biến các ý tưởng thành cái độc đáo của riêng mình mà thôi." Cái độc đáo của riêng mình mới là cái quan trọng trong nghệ thuật. 
Nhân ví dụ dạy kỹ năng cho người tập chạy cuả anh, tôi cho rằng rất cần phải nói cho người học chạy là có nhiều người đã chạy trước anh ta và đã cán đích như thế nào, rất nhiều người đã đoạt huy chương Olympic như thế nào v.v. Như vậy, nếu anh ta quyết chí, anh ta sẽ hiểu mình cần  luyện tập thế nào để chạy nhanh hơn, để phá kỷ lục của những người đi trước, hoặc ít nhất cũng cần biết thế nào là chạy cho ra chạy. Ngược lại, nếu không biết tiền bối và thế giới làm gì, thì rất có thể là, tuy chạy lạch bạch và "nghiệp dư", nhưng anh ta lại lầm tưởng thê giới này chỉ có một mình anh ta biết chạy và biết cán đích.
 
4) Cuối cùng, nhân anh đề cập tới tính trung thực của người làm khoa học, tôi nhớ lại năm ngoái, trong một buổi hội thảo ở Việt Nam tại một trường đại học dạy bằng tiếng Anh, một sinh viên Việt Nam đã hỏi tôi (bằng tiếng Anh): "Theo thầy, phẩm chất gì là quan trọng nhất đối với một người làm khoa học?" (Nguyên văn: "In your opnion, what is the most important quality of a scientist?"). Tôi trả lời: "Sự trung thực. Em đừng bao giờ nói dối." (Nguyên văn: "Honesty. You should never lie.") Theo tôi đó là phẩm chất cần cho tất cả mọi người chứ không chỉ riêng gì cho người làm khoa học.
 
 

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả