|
|
|
|||||||||||||
Ăn uốngCHÁO SƯỜN: từ Thọ Xương về Cấm Chỉ, rồi chỉ còn mây khói 31. 01. 24 - 1:23 pmAn LêMadam cháo sườn tuyên bố nghỉ hẳn. Coi như chuyển từ Thọ Xưởng ra Cấm Chỉ được ngót 9 năm. Cái gì rồi cũng chỉ còn hoài niệm…. HOÀI NIỆM KHÓI Quán cháo sườn ấy chỉ mở từ 2 giờ chiều trong một con ngõ nhỏ giữa thủ đô. Cô chủ mở nắp vung. Một quầng khói thơm phức bốc lên, quấn quýt lấy những cánh mũi hít hà. Thọ Xương, như trăm con ngõ chốn 36 phố phường Hà Nội, nằm lắt léo, nối hai con ngõ khác là Ngõ Huyện và Ấu Triệu. Nơi đó khá nổi tiếng vì một sự hiểu nhầm. Nhiều người nghĩ rằng đây chính là ngõ Thọ Xương trong câu ca dao ca ngợi cảnh đẹp ở vùng Hồ Tây “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”. Nhưng không phải, Thọ Xương nơi có tiếng gà gáy cầm canh là tên một làng nằm ven Hồ Tây. Còn ngõ Thọ Xương là dấu tích của huyện Thọ Xương (Hà Nội) được lập vào khoảng năm 1530, nơi có phường Báo Thiên (bao gồm toàn bộ khu Báo Khánh, Nhà Thờ, Lý Quốc Sư… bây giờ). Ở ngõ Thọ Xương không có “món canh gà” (như của một cô giáo giảng cho học trò) nổi tiếng mà chỉ có bát cháo sườn sánh mịn. Ngửi thấy làn khói ấm của nồi cháo sườn, lòng ai chẳng chùng lại như cửa võng và những hồi ức đẹp đẽ, lung linh của ngày thơ ấu. Tuổi thơ của ngày xưa phải là cháo sườn chứ không phải thứ cháo dinh dưỡng “vô hồn” chẳng gợi được cơn thèm, chẳng khiến chân răng tứa nước miếng ở những đứa trẻ biếng ăn bởi thừa mứa chất này, chất nọ. Một ngày rằm tháng Bảy năm nào, những cậu nhỏ, cô nhỏ theo chân mẹ đi chợ sắm đồ cúng chúng sinh. Dẫu mỏi chân nhưng ai cũng tràn đầy khấp khởi, mắt hướng về đầu chợ. Ở đó chẳng phải là hàng đồ chơi, kem bông hay kẹo kéo. Chỉ có một làn khói ấm thoắt ẩn, thoắt hiện, vụt bốc lên rồi vụt tan biến để lại những dư vị thơm tho. Chủ nhân của làn khói ấm diệu kỳ đó là một bà cụ miệng bỏm bẻm nhai trầu, đầu đội nón lá hoen màu mưa nắng. Bên cạnh là một chiếc thúng chai to tướng lồng trong đôi quang gánh. Chiếc thúng được nhồi nhiều lớp vải vụn để giữ ấm cho chiếc nồi gang chứa một thứ cháo sền sệt màu trắng, quánh như hồ và mịn như bầu má cô nhỏ. Đôi mắt trẻ thơ ngước lên nhìn mẹ đầy van vỉ. Người mẹ cười hiền rồi kéo tay con ngồi xuống chiếc ghế con bằng gỗ lên nước bóng loáng, lấp lánh những mũ đinh cũng sáng quắc vì cọ xát thời gian. “Hai cháo bà nhé!”. Có gì ngon bằng đôi mắt hau háu của trẻ con trước nồi cháo sườn. Ánh mắt như cô đọng thành giọt trên đôi tay của bà cháo sườn khi chậm rãi mở nắp vung, đưa chiếc muôi vào múc thứ cháo sền sệt lẩn nhẩn những mẩu thịt, những vụn sườn sụn đang bốc lên thứ hương thơm của gạo, của thịt lợn vào cái bát tô nhỡ, chiết yêu, vẽ men xanh trơn láng. Hồi đó chẳng có quẩy, chẳng có ruốc thịt. Một chút tiêu Bắc, một chút ớt bột đỏ như gạch cũng đủ tạo thêm phong vị và màu sắc đủ khiến cho bát cháo sườn trở thành một thứ vưu vật trong con mắt trẻ con. Cháo sườn không phải thức cháo để húp vòng quanh như những thức cháo khác, mà phải dùng thìa. Nhẹ nhàng, từng thìa một, cho đến khi cái bát chiết yêu được vét sạch, không sót lại một chút bột nào. Khái niệm “nhẵn như chùi” có lẽ phải nên đổi thành “nhẵn như vét cháo sườn” mới đúng với đám trẻ con ngày ấy. Lòng khách chợt mỉm cười và ngồi xuống chiếc ghế nhỏ ở quán cháo sườn ngõ Thọ Xương. Hôm ấy trời không nắng, không mưa, không nóng cũng không lạnh, thứ thời tiết khá hợp để ăn cháo sườn. Cô cháo sườn ước chừng ngũ niên không có vẻ lam lũ, khóe môi vẫn ánh vết son, miệng nhanh nhảu tiếp chuyện ba, bốn khách mà vẫn nhớ rõ từng yêu cầu. Không còn chiếc nồi cháo bằng gang ủ trong thúng chai lót vải, cháo sườn bây giờ được nấu trong những chiếc nồi nhôm to nhưng nhẹ, luôn đặt trên bếp than tổ ong cháy liu riu để giữ cháo luôn nóng, thỉnh thoảng những bọt khí lại chạy từ đáy lên lớp bề mặt, kêu ục ục như một tiếng thở dài hoang hoải. Cô chủ nhanh tay múc cháo vào bát, rồi lắt xắt dùng chiếc kéo cắt quẩy vào bát, sau cùng mới rắc ruốc lên. Ai ăn nhiều ruốc thì báo, chứ chẳng nhầm bao giờ. Cháo sườn rất ngon, sánh mịn và thơm phức. Quẩy giòn khiến bát cháo sườn vui tai hơn. Có lần, đến muộn, cô dúi cho cả túi đầu quẩy bảo ăn thoải mái. Đầu quẩy giòn và thơm lắm, ăn lại vừa miệng hơn quẩy cắt. Đi ăn cỗ thì nên đi trước, còn đi ăn cháo sườn nên đi sau để được ăn bát cháo thơm mùi cháy đáy nồi, lại có đầu quẩy vụn vét túi. Nhưng đừng có muộn quá, kẻo hết cháo bởi cái quán ấy chỉ khoảng cuối 4 giờ chiều là hết hàng. Cháo sườn ngon như thế mà rất rẻ. Chỉ 10 nghìn đồng, như tiền ăn vặt hay bơm lốp xe. Ấy thế mà cũng làm ấm lòng những kẻ lang thang phố cổ, hay giết thời gian xuyên sáng xuyên trưa ở những quán cà phê quanh đó. Họ chẳng cần ăn trưa nhưng họ cần ăn bát cháo sườn Thọ Xương như ăn một thứ nghi lễ buổi chiều. Họ ăn thứ khói ấm ấy trong tiếng chuông thánh thót vọng ra từ Nhà thờ Lớn, trong tiếng xì xồ của đám khách Tây ba lô và trong những giọt thời gian đang cô mình nơi ngõ nhỏ. Ấy thế mà cái quán cháo sườn ngõ Thọ Xương đã chẳng còn. Một người nào đó đã mua cả dãy nhà trong ngõ và hàng cháo sườn phải dọn đi. Có thể nay mai, một khách sạn lại mọc lên trong con ngõ ấy, nhưng hàng cháo sườn đã mất chỉ còn lại tấm giấy thông báo địa điểm mới đầy sầu tủi. Quán cháo sườn ấy giờ chỉ còn là hoài niệm. Bởi ở chỗ mới (số 1 phố Tống Duy Tân), vẫn là cô cháo sườn ấy, thứ cháo ấy, quẩy ấy, ruốc ấy nhưng khách chẳng thể tìm được chút hồn xưa. Tay múc cháo cho những người khách cũ tìm đến, cô cháo sườn kể cái nhà bán được “đâu vài tỷ đồng”, về chiếc nhà cuối cùng trong ngõ thuộc về tay chủ mới của cả dãy nhà kia. Vài tỷ đồng tiền bán nhà, 10 nghìn đồng tiền bán cháo. Đời người mãi vật lộn cuộc mưu sinh tiền bạc. Chỉ có cháo sườn mãi mãi là một hoài niệm mà thôi. * Nguồn: từ FB của tác giả Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|