|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & Bình“The Day After” của Edvard Munch: vẽ người hư hỏng hay người “thường”?04. 02. 17 - 7:04 amLe Man tổng hợp và dịchKhi Jens Thiis mua bức “The Day After” (Ngày hôm sau), cho Bảo tàng Quốc gia ở Oslo, vào năm 1909, công chúng đã bị sốc. Một nhà phê bình kết tội là bức tranh vẽ một gái điếm say rượu. Nhưng đây có lẽ không phải là ý tưởng khi vẽ của Munch. Ông từng vẽ nhiều bức về gái điếm, và thường tả họ một cách kém hấp dẫn hoặc thậm chí gớm guốc, trong khi người đàn bà trong bức tranh này nhìn rất giống bức Madonna cũng của Munch, và tuy bối cảnh xung quanh rất khác, nhưng cả hai đều có chung một vẻ đẹp thánh thiện. Munch có lẽ đã chủ tâm dùng người phụ nữ trong bức tranh này để minh họa một khía cạnh của tính nữ “lung linh” khó nắm bắt từng được mô tả trong bức tranh kia. Cả hai bức kỳ thực đều liên quan tới một bức tranh đã mất của Munch mà Hans Jaeger đã mang theo vào phòng giam khi ông bị bỏ tù vào năm 1886 vì đã in cuốn “From Christiania’s Bohemia”, một cuốn tiểu thuyết mô tả cuộc sống lang bạt tự do tương tự như ta thấy trong bức tranh này. Bức tranh hiện tại đúng hơn là một bức vẽ lại, chỉnh lại với phong cách của Munch vào những năm 1890s, về cùng chủ đề đã vẽ vào những năm 1885-86, và cũng đã bị mất. Trong bức “The Day After”, như Munch mô tả, là một khung cảnh chỉ có thể diễn ra vào một buổi sáng sau khi vui thú quá đà, nhưng liệu đó có phải là một chuyện đen tối không? Người phụ nữ nằm dáng rất gợi cảm nhưng dường như không còn sự sống, với những thứ đã xử dụng vào tối hôm trước bày cả trên bàn. Tuy nhiên, nhiều phần là cô chỉ ngủ say, vì chân phải của cô vẫn co lên dựng thẳng được. Munch thường không thích vẽ tranh tĩnh vật, nhưng lồng trong những bức tranh lớn thì lại có đâu đó một mảng tĩnh vật, thí dụ như trong bức tranh này là chiếc bàn đặt cạnh người phụ nữ. Tĩnh vật trong bức tranh này có thêm một nhiệm vụ: chỉ ra cho biết người phụ nữ này đã có một người khách trong đêm.
|