Gẫm & Bình

Thử phân tích hai tác phẩm
“Hòa Bình” và “Thánh Gióng” của Nguyễn Hải

(Tiếp theo bài 2)   Phê bình khi bám sát tác phẩm sẽ giúp ta tránh được lầm lạc. Quay đầu là bờ có khi ngộ ra. Dù còn kém cỏi, tôi xin trở lại với các tác phẩm của điêu khắc gia Nguyễn Hải có nhắc tới trong bài trước. Trước hết là tác […]

Ý kiến - Thảo luận

15:20 Tuesday,12.3.2013

Đăng bởi:  phạm quang hiếu

Về tượng Thánh Gióng: Tác phẩm này, dù chi tiết thì như bác Hòa phân tích, khá "động", nhưng về tổng thể lại "tĩnh". Vì sao?
Cấu trúc chính của nó là một khối tam giác cân mà bốn móng ngựa tạo nền và đầu Gióng là đỉnh. Khối tam giác này có thiên hướng tĩnh tại, vững chắc, nền móng. Hướng động duy nhất của nó là đỉnh nhọn nơi đầu Gióng. Thế nhưng hướng vận động này bị ngăn cản, chặn đứng bởi chính cái trục ngang từ đuôi đến đầu ngựa.
Về mặt tổng thể, tác phẩm muốn khái quát hình tượng, ý niệm về ông Gióng, chứ không đơn thuần miêu tả hình ảnh ông Gióng. Nhưng tôi tự hỏi liệu tác giả có ý niệm gì về sự "bay" của hình tượng này hay không với một cấu trúc có vẻ chắc chắn, nặng đáy như thế?
Về chi tiết, trục ngang gồm những đuôi, bờm, đầu, lửa...được tạo hình khá đẹp. Phần chân ngựa cũng tạm. Nhưng đến thân Gióng thì quả thực rườm rà, chứ không "cô đúc" hay "hào sảng" như ông Nguyễn Quân tán. Phần thân áo (giáp?) và tay áo loe ra có vẻ như muốn cách điệu áo giáp chiến binh xưa, đồng thời tạo hình khối rỗng ở hai bên nách... chỉ cho thấy sự diêm dúa trong lối tạo hình.
Cảm nhận tác phẩm là quan trọng, trước khi có bất cứ một phân tích hay bình luận nào. Khi bạn cảm nhận (bằng thị giác, cảm giác, trực giác...) một tác phẩm, điều trước tiên là hãy biết quên tác giả đi! Đừng để cho danh tiếng hay mối quan hệ này nọ làm ảnh hưởng. Bạn chỉ nên nhìn vào tác phẩm. Rồi sau, nếu có khả năng, hãy phân tích các yếu tố tạo nên những cảm nhận ấy.  

12:12 Tuesday,12.3.2013

Đăng bởi:  phạm quang hiếu

Ái zà zà, phân tích kiểu này thì hơi bị khô! Phân tích rồi cũng phải tổng hợp chứ, phê xong cũng nên bình một tí!
Về bức Hòa Bình, có một điều dễ nhận thấy (mà chả thấy ai bàn!!!) là tính nhục cảm của nó. Sự nhấn mạnh các yếu tố cơ thể của người nữ làm ta liên tưởng đến điêu khắc Chăm hay Ấn độ. Ấy thế mà tác phẩm mang tên "Hòa Bình". Làm thế nào để thấy sự liên kết giữa ý niệm Hòa Bình và độ nhục cảm của hình thức? Tác giả khao khát hòa bình như khao khát...đàn bà chăng? Tác phẩm, với bộ ngực hếch lên đầy khiêu khích, cố tình làm người xem muốn chạm tay vào hòa bình chăng? Ái zà zà! Hay!
Con chim câu trên đầu thiếu nữ chẳng giải quyết được việc gì ngoài cái việc cố gắng (một cách gượng ép) chuyên chở khái niệm hòa bình này nọ đầy tính biểu tượng văn học (cái này chắc ảnh hưởng lối tạo hình Xô Viết). Dù tác giả xử lý khá nhuần nhuyễn, nhưng nếu không có con chim ấy (cắt bố nó đi!!!) mà vẫn đặt tên tác phẩm là "Hòa Bình" thì sao nhỉ? A, nó sẽ khiêu khích hơn! Nhỉ?
Phân tích thì bác Hòa phân tích rồi, tôi chỉ tán thêm một tí theo cách nhìn của tôi.
Ô này, nếu như có nhiều bài phân tích thế này thì sẽ rất tốt cho nhiều người, trong đó có cả các công chúng yêu nghệ thuật, Soi ạ!

23:48 Monday,11.3.2013

Đăng bởi: 

... @ bạn Nhàn Chỉ Sờ mới lẫm chẫm vào đọc Soi thì chịu khó vào (thư viện) tìm đọc (sách giấy) - tìm nhiều nhiều bài phê bình của bác Vân hay mấy cuốn sách mĩ thuật của chú Quân đọc đi rồi chúng mình bàn tiếp nhéeeeeee chứ chưa chịu đọc gì rồi gặp ngay "thầy" Hòa phân tích mổ xẻ như thế thì không cảm được nghệ thuật đâu - cùng lắm chỉ làm thợ thôi. Mình còn phải sang bài chuyện Kiều xem anh em chuyển sang chế thơ đến cấp nào rồi - tạm thế nhé!!!

13:51 Monday,11.3.2013

Đăng bởi:  HÀ Vẽ

Bạn a a a a a a a a a a  ơi !
Này nhé! Với tài năng của NGUYỄN HẢI  nếu cắt mái tóc ngang gáy thì nhà điêu khắc lại có cách tạo hình phần tóc để nó hài hòa chung với toàn bộ và vẫn tiết chế được khối để nó RA, VÀO  đủ! Tạo hình là thế bạn ạ. Lúc ấy chắc lại nói kiểu: " nếu thử để mái tóc dài hơn xem sao?"
Luẩn quẩn quá! Đủ rồi đấy bạn ơi!

21:28 Sunday,10.3.2013

Đăng bởi:  aaaaaaaaaa

Bạn Hà vẽ nhận xét họa sỹ Gia Hòa rằng không nên có kiểu lập luận như: Thêm nữa, ta còn phải xem xét tới sự điều tiết trong phạm vi những quy chiếu gián tiếp. Bạn thử cắt ngắn mái tóc tượng còn chỉ ở ngang gáy, hay tưởng tượng bức tượng này trong tư thế đứng xem sao? Theo tôi đấy lại là một sự giả định rất kinh điển trong phân tích tác phẩm vì nhờ nó ta mới biết được rằng hình khối đã ĐỦ và ĐÚNG, không thay đổi được nữa - một sự tất yếu trong vẻ đep của Khối theo lời nhà điêu khắc Nguyễn Hải. Tôi lại thích cách so sánh này.

16:48 Sunday,10.3.2013

Đăng bởi:  Nhân Chi Sơ

Cái bạn ba chấm (...) gì đó bảo phân tích của Gia Hòa là loại phân tích nhập môn, chuyên dành cho người mới tập tìm hiểu mỹ thuật. Tôi cũng chỉ mong các ông phê bình nước mình viết kiểu nhập môn đó cho chúng tôi nhờ, chứ các ông cao không tới thấp không thông, đúng kiểu miệng thì nói chữ vanh vách, tay vạch chữ nhất chữ nhị không xong..., nên chẳng có phê bình mỹ thuật cho ra hồn.

Hễ không phê bình vào chi tiết được thì bảo "có tầm khái quát". Nói lù mù hiểu thế nào cũng được, rung đùi tự sướng với nhau thì bảo là "uyên thâm". Viết kém thì bảo là tại "trình độ của độc giả". Vì không có chuyên môn nên nói chung chung, dùng chữ đẹp, chỉ sa đà vào tính nhân văn với tính bổn thiện.

Thôi, cả nước lẫm chẫm học thì cứ đi theo những bước căn bản cho nó vững chân. Đầu tiên là phân tích nghề, kế hẵng nói chuyện tán phét. Đừng có bốc thơm ma mị nhau làm gì cho nó lạc lối lâu hơn.

16:11 Sunday,10.3.2013

Đăng bởi: 

   ... Thái Bá Vân hay Nguyễn Quân - về độ tinh thâm hay tư chất phê bình thì không cần nghi ngờ - dù trong quá trình có những lúc "tán" những bài - giống như được đặt hàng quảng cáo, không thể viết xấu cho chủ hàng .... có làm sứt mẻ chút ít "thanh danh" của các gia, thì tôi vẫn đánh giá hai ông là những người thực lực có con mắt và tầm nhìn.

Bài của bác Hòa tôi cho rằng là bài phân tích tác phẩm kiểu "nhập môn" - chuyên dành cho những người mới tập tìm hiểu mĩ thuật, tương đương với những bài học Chủ nhật tìm hiểu kiến thức của Soi. Việc phân tích đường nối giữa 2 tấm vóc của cô Mai hay quan sát khối lồi lõm của Nguyễn Hải không phải là cách bình luận tầm khái quát, mà chính là bám theo chi tiết để hướng dẫn sinh viên thực hành bài học trong trường...

Sau khi đọc bài phê bình, cảm thụ của người xem có thể hướng theo nhà phê bình để đánh giá và học hỏi là cách đọc của truyền thông đại chúng, đối với giới trong nghề, có thể đồng tình, cũng có thể phản đối theo quan điểm cá nhân - nhưng cuối cùng thì bao giờ cũng phải phụ thuộc vào trình độ cao thấp của độc giả, không thể nói phân tích thì phải thuần lí hay thuần tình, nhà phê bình nào  có tầm khái quát và độ uyên thâm mới có thể đánh giá "tương đối" sát với "chân-thiện-mĩ"!!!

9:20 Sunday,10.3.2013

Đăng bởi:  HÀ vẽ

Tôi lại phải đọc kỹ lại ông Hòa, ông Tuấn, ông Quân.



Nói đi nói lại công bằng thế này:

Bài viết của ông Tuấn là bài giới thiệu triển lãm và có vai trò như thông cáo báo chí. Ông Tuấn không phân tích hay bình tác phẩm của cô Mai vì không phải là một bài phê bình. Không nên coi đây là một bài phê bình mỹ thuật. Xét về tiêu chí của bài giới thiệu triển lãm tôi thấy chấp nhận được. Thậm chí văn phong rất tốt. (Nhưng đúng là dùng hơi nhiều mỹ từ, bớt đi sẽ tốt hơn. Bài giới thiệu như thế cũng hơi dài).

Trường hợp của ông Gia Hòa: phân tích và bình tác phẩm tốt, có khả năng cảm thụ tác phẩm tương đối sát, kiến thức về chuyên môn rất tốt. Tôi thích bài phân tích tượng Nguyễn Hải. Tuy vậy với độ kinh nghiệm và tuổi tác như ông Gia Hòa, theo tôi không nên có một vài lập luận kiểu như: “Bạn thử cắt ngắn mái tóc tượng cò chỉ ở ngang gáy, hay tư thế tượng này trong tư thế đứng, xem sao?” Nói thế cũng khác nào: “Bạn thử kéo dài hơn khối mái tóc của bức tượng Em bé cài lược của Vũ Cao Đàm xem sao? Hay chủ động cho khối đầu nghiêng thêm chút nữa thì thế nào?” Tôi nghĩ nói như thế sẽ bộc lộ hạn chế của người viết.

Tuy nhiên tôi phải nhấn mạnh lại rằng cách phân tích của ông Gia Hòa là thực sự thuyết phục về mặt học thuật. Có chăng cần rõ hơn về “phong cách “viết. Bởi kiến thức để người ta khâm phục và phong cách để người ta nhớ! Đây là góp ý nhỏ có tính chất cá nhân, mong ông Gia Hòa không phật ý!

Trường hợp ông Quân hay ông Thượng thì tôi chưa bao giờ thích phê bình mỹ thuật của hai ông này nhưng miễn bàn. Dẫu sao các ông ấy cũng đã có những sự ghi nhận công bằng và làm được nhiều điều mà không phải ai cũng làm được. Ông Tuấn, ông Hòa là họa sỹ. Nhưng ông Quân và nhiều người là nhà phê bình mỹ thuật thì rõ ràng chưa làm tốt vai trò của họ.

Cuối cùng tôi xin nói là: Bài viết phê bình mỹ thuật là tác phẩm của chính các bạn, thể hiện con người riêng biệt của các bạn. Công chúng ngoài nghề hoặc yếu nghề đều có thể dựa vào đó để xem, đọc tác phẩm. Công chúng trong nghề vững vàng thì họ xem theo cách của họ. Vì thế không phải chỉ Tán, không phải chỉ Phân tích, mà nên Bình và nhạy cảm dự đoán xu hướng của sự phát triển của từng tác giả, tác phẩm. Xem ra phê bình mỹ thuật khó lắm.

Xem ra tài năng trong lĩnh vực này quá hiếm hoi. Bởi vì hiếm hoi và đáng trân trọng như Thái Bá Vân cũng vẫn còn có những người chưa công nhận cơ mà!!!Trân trọng!
 

21:37 Friday,8.3.2013

Đăng bởi:  django

Trước hết tôi muốn nói rằng bài này của Gia Hòa là bài tôi thích hơn cả trong loạt bài về phê bình mỹ thuật của ông. Nhưng cũng đúng như bạn Hà Vẽ đã nói, có thể tôi thấy thích nhưng người khác không thấy thích, đó là chuyện bình thường, kể cả chuyện phê bình người đi phê bình!
Vậy nên chốt lại là mỗi người đều có thể trình bày ý kiến cá nhân của mình một cách dân chủ, miễn là với thái độ bình tĩnh, cầu thị, không chửi bới, miệt thị lẫn nhau.
Tôi nghĩ đó cũng là tinh thần của SOI.

21:16 Friday,8.3.2013

Đăng bởi:  Mở Ngoặc

Chưa bao giờ, phê bình là một nghề nhọc như bây giờ. Cái thời mà ai cũng có thể lên tiếng, phê bình trở nên dè dặt hơn bao giờ hết, vì phê bình cũng rất có nguy cơ bị phê bình, bị phán xét. Theo tâm lý tự nhiên, chê thì mấy ai thích thú. Không cẩn thận còn bị ném đá:-) Nhưng đến khen cũng chả dễ hơn. Nhẹ thì bị cho là nịnh, xã giao; nặng thì bị gọi là “khen đểu”! Khổ thế! Ai cũng có niềm tự hào nào đó, cái làm nên giá trị mỗi nguời mà ta nên tôn trọng chứ không nên đập vỡ. Chọc vào đó thì móng vuốt tự động sẽ thò ra :-) Cơ chế tự vệ sẽ khiến người ta pháo lại bạn. Thường là thế. Nên phê bình (hay phán xét phê bình) làm sao để đối tựợng tâm phục khẩu phục, giữ được tính chân thực mà không gây tổn thương, là một nghệ thuật ít nhà phê bình đạt được. Chưa kể là, quan điểm thẩm mỹ này hôm nay có vẻ đúng, ngày mai đã lạc hậu rồi! Thế giới đang thay đổi chóng mặt .

Phương Tây thì cũng chả khá hơn . Người ta cũng nhận thấy sự hoang vắng trong phê bình mỹ thuật thời gian gần đây. Trong tạp chí Mỹ Thuật số mới nhất 3/2013, người Pháp thậm chí còn dùng từ “dỗi” để nói về thái độ của giới phê bình đối với hội họa đương đại. Ý như, ai cảm kiểu gì cứ cảm đi, còn ông chả thèm nói nữa :-). Bên cạnh đó, một xu hướng mới đang tôn trọng các quan niệm thẩm mỹ khác nhau, sự cảm nhận cái đẹp đa chiều... Nên phê bình mỹ thuật giờ không còn là một việc khó nữa, mà là cực kỳ khó!

18:31 Friday,8.3.2013

Đăng bởi:  Bùi Trung Thu

Ôi, Hà Vẽ nói đến nhà phê bình Thái Bá Vân mình lại buồn. Nghe giới mỹ thuật ai ai cũng coi ông là hàng đại thụ phê bình. Mình tìm đọc ông, vớ ngay một bài cụ thể nhất tên là Tiếp xúc với nghệ thuật, có nói về bức tranh mình thích là Em Thúy. Ông viết bài này chán không thể tả, nếu dùng chữ cho đúng thì lảm nhà lảm nhảm, đọc kiên nhẫn hết bài chẳng thấy Em Thúy theo ông đẹp ở chỗ nào. Nói cách khác là không đọc ông thì mình thấy Em Thúy đẹp. Đọc ông rồi cũng chẳng làm cho mình thấy đẹp hơn hay hiểu rõ hơn căn nguyên của cái đẹp ấy.

Hoặc giả trong một bài ông viết về Bùi Xuân Phái. Bài này tên là Con mắt của tiềm thức. Cũng chỉ là tán với tán thôi, chẳng có giá trị gì nhiều, không tin các bạn cứ tìm mà đọc xem tôi nói có đúng không.

Bạn Gia Hòa ơi, bạn đừng có mà theo gương bác Vân bác Quân, đấy là những cây đa cây đề làm cớm nắng hết nền phê bình mỹ thuật nước nhà. Chúng tôi cần những thứ lành mạnh, mang tính công cụ hơn để đọc một bức tranh hay một pho tượng. Tình thì lắm tình quá rồi. Nền nghệ thuật nước mình chẳng chết vì một chữ tình rồi sao!

18:16 Friday,8.3.2013

Đăng bởi:  M.H.Th

Hà Vẽ tuy bảo viết phê bình có thể đa dạng, khuyên mọi người chớ cãi nhau, mắng mỏ nhau trên Soi, nhưng mình thì lại mắng Gia Hòa là "thể hiện", là "cứng", là phân tích tác phẩm mới không đi phân tích, lại phân tích tác phẩm của Nguyễn Hải ai cũng thấy đẹp rồi :-)

Tôi cũng thích cách phân tích tác phẩm kiểu Gia Hòa hơn. Đọc ông Quân với ông Thượng mãi như đi ăn cỗ mà toàn món ngọt, giờ mới được tí muối, nó đã đời gì đâu!

Tất nhiên phê bình lý tưởng nhất là trộn nhuần nhuyễn được cả phê bình về tình lẫn về kỹ thuật, nhưng nếu phải đọc riêng thì thà đọc phê bình thuần kỹ thuật còn hơn nghe các bác phê bình gia tán về tình.
 

17:12 Friday,8.3.2013

Đăng bởi:  HÀ Vẽ

Tôi thấy Gia Hòa cũng phân tích được rất cặn kẽ những vấn đề chuyên môn. Nhưng có vẻ hơi "cố"  thể hiện và cứng nhắc. Chẳng nhẽ cứ phân tích kiểu như phân tích đoạn thơ của học sinh phổ thông hoặc nghiên cứu điền dã về điêu khắc cổ của mấy anh chị Viện mỹ thuật. Cuối cùng cũng chẳng thấy rõ đẹp và giá trị ở chỗ nào khác. Mà đã thử thì nên thử phân tích tác phẩm mới mà chưa ai tỏ tường về vẻ đẹp của nó. Chẳng cần phải có bài phân tích trên thì thiên hạ mới thấy hai tác phẩm của Nguyễn Hải  là đẹp. Chả để làm gì hơn.

Tôi thấy ông Hòa, ông Tuấn, ông Nguyễn Quân và nhiều người khác nữa nếu thực sự muốn thể hiện và chứng tỏ mình hoặc muốn đi sâu vào công việc này hãy đọc và học tập cụ THÁI BÁ VÂN - một nhà pbmt xuất sắc. Thái Bá Vân viết nhiều ,bài phân tích học thuật cũng có, chơi chữ cũng có, "tán" về một tinh thần cũng có,"diêm dúa "cũng chẳng ai bì. (Cũng có những lời giới thiệu bâng quơ để kéo công chúng đến triển lãm của một ai đó mới.)

Cuối cùng thì theo tôi, viết mỗi người một phong cách, phân tích cũng vậy. Diêm dúa, mỹ miều, giản dị, cộc cỡn v.v... không sao cả. Bài viết cũng nhiều dạng: viết phê bình khác phân tích, bài phân tích khác bài giới thiệu, bài ngợi ca khác bài phản biện... Nó có tiêu chí cụ thể đúng chỗ, đúng cách. Điều quan trọng là chân thực mà thôi.

Còn việc những người viết muốn chứng minh khả năng cũng như niềm yêu thích của mình là điều đáng khích lệ. Chỉ sợ không người viết, không người bình... mới chán.

Còn bây giờ vẫn là quá sớm để chê trách hay khen ngợi ông Quân, ông Tuấn hay ông Gia Hòa v.v... Mong sự đóng góp chân thành của các ông và nhiều người cầm bút khác nữa. Còn nhiều thời gian và nhiều sự nỗ lực để chứng tỏ cho công chúng thấy được giá trị của những điều mọi người viết ra. Cũng tránh tranh cãi thiếu tính xây dựng và mắng mỏ lẫn nhau trên Soi. Chán quá!

Cảm ơn mọi người đã đọc!
 
 

16:07 Friday,8.3.2013

Đăng bởi:  N. H. Phương Lan

Tuy tác giả nói đây không phải là phân tích nghệ thuật, nhưng mình  lại rất thích, cứ đọc một đoạn lại đối chiếu với hình, làm mình hiểu tác phẩm hơn.

Có thể tác giả Nguyễn Hải khi làm tượng cũng không nghĩ như tác già Nguyễn Gia Hòa phân tích, cảm giác về cái đẹp đi rất nhanh từ tim, lên đầu, sang đôi tay, nhiều khi chính nghệ sĩ cũng không thể giải thích một cách cơ học các bước và các tỉ lệ... Nhưng khi bày ra, người xem tùy theo khả năng, kinh nghiệm của bản thân mà nhìn ra cái đẹp và lý do đẹp trong đó.

Mình thích cách "đọc" tác phẩm thế này. Giá như tác giả Gia Hòa sau này có thể thỉnh thoảng "đọc" một số tác phẩm khác trên Soi nữa, cả tác giả nước ngoài, cả tác giả Việt Nam.

Cảm ơn tác giả Gia Hòa.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả