Trường phái

Màu trắng của sơn dầu

Thật không ngoa khi coi trắng là mẹ của tất cả các màu. Vào năm 1671, Isaac Newton phát hiện ra rằng chùm ánh sáng trắng khi đi qua một lăng kính thì “đẻ ra” bảy chùm ánh sáng màu là đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm và tím. Bảy chùm ánh sáng màu […]

Ý kiến - Thảo luận

19:33 Saturday,20.4.2013

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

@Quỳnh Mây:
 
Trên thực tế các hạt màu trong màu vẽ không phải là các màu sơ cấp lý tưởng. Vì thế bảng pha màu (hay vòng màu sắc) chỉ có tác dụng định hướng. Hoạ sĩ chỉ thực sự hiểu màu pha trộn với nhau như thế nào dựa trên kinh nghiệm của mình.
 
Bảng pha màu của hoạ sĩ:
--------------------------------
Bảng pha màu (hay vòng màu sắc) của hoạ sĩ cũng tuân theo quy luật trừ màu nhưng hơi khác bảng pha màu của màu hoá học, phẩm nhuộm và sơn một chút.
 
Hoạ sĩ coi 3 màu đỏ (red, R), vàng (yellow, Y) và lam (blue, B) là 3 màu sơ cấp (cơ bản), còn các pha trộn hai cặp màu trong 3 màu sơ cấp đó với nhau là màu thứ cấp. Như vậy 3 màu thứ cấp là:
Đỏ + Vàng -> Da cam (Orange)
Vàng + Lam -> Lục (Green)
Lam + Đỏ -> Tía (Purple)
 
Thông thường vòng màu sắc được xếp theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiề ưkim đồng hồ:
Đỏ, da cam, vàng, lục, lam, tía, trong đó màu đỏ đối đầu (><) với màu lục, da cam >< lam, vàng >< tía. Những màu đối đầu nhau được gọi là các màu bù nhau (complementary). Trộn hai màu bù nhau theo ti lệ bằng nhau thì được màu đen hoặc gần đen (xám, nâu).
 
Trộn màu sơ cấp với màu thứ cấp cạnh nó thì được màu tam cấp (tertiary).
 
Đó là bảng pha màu thường được dạy cho các học sinh học vẽ.
 
Màu đẹp hay xấu trước hết phụ thuộc vào chất lượng màu vẽ. Muốn có các hoà sắc đẹp thì trước hết phải dùng màu chất lượng cao, cũng như muốn có tiếng đàn hay thì đàn phải tốt. Có giỏi đến mấy mà vớ phải hoạ phẩm tồi hay nhạc cụ dở thì cũng bó tay. Vì thế hoạ sĩ nên cố dùng những hoạ phẩm tốt nhất mà mình có thể mua được.

13:23 Saturday,20.4.2013

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

@ Quỳnh Mây:
 
Quy luật cộng màu:
---------------------------
Ba màu sơ cấp (hay cơ bản) trong ánh sáng là đỏ (red, R), lục (green, G), và lam (blue, B) (3 hình tròn bên trái - Cộng màu - trong hình minh họa Luật hòa sắc của bài chủ).
 
Ánh sáng đỏ hòa với ánh sáng lục cho ánh sáng vàng (yellow, Y).
Ánh sáng lục hòa với ánh sáng lam cho ánh sáng màu da trời (cyan, C).
Ánh sáng lam hòa với đỏ cho ánh sáng tím hồng (magenta, M).
Tím hồng là màu khá gần với màu tím (violet). Tím hồng có bước sóng 500 - 530 nanometers, dài hơn bước sóng ánh sáng tím (380 - 420 nm), gần với bước sóng ánh sáng đỏ (620 - 740 nm).
 
Các màu tím hồng (M), vàng (Y), và da trời (C) được gọi lả các màu thứ cấp (secondary) của ánh sáng, vì chúng được tạo bởi hòa hai chùm ánh sáng màu sơ cấp (primary). Nếu hòa cả 3 chùm ánh sáng sơ cấp R, G, B với nhau ta được ánh sáng trắng. Đó là quy luật cộng màu.
 
Quy luật trừ màu:
--------------------------
Trong màu hóa chất như mực in, phẩm nhuộm, sơn thì ngược lại: Ba màu sơ cấp là tím hồng (magenta, M), da trời (cyan, C), và vàng (yellow, Y) (3 hình tròn bên phải - Trừ màu - trong hình minh họa Luật hoà sắc của bài chủ).
 
Tím hồng (M) hòa da trời (C) cho lam (blue, B),
C hòa với Y cho lục (green, G),
Y hòa với M cho đỏ (red, R).
 
Như vậy, trong màu hóa chất thì đỏ, lục, và lam lại là 3 màu thứ cấp. Hòa 3 màu sơ cấp hoá chất M, C, Y với nhau vể mặt nguyên tắc ta được màu đen. Nhưng vì các màu hoá chất không tuyệt đối tinh khiết, nên vẫn cần có màu đen riêng. Vì thế, trong in ấn, chỉ cần 4 mầu CMYK, trong đó K = key, tức màu đen, là in ra được tất cả các màu, trừ màu trắng (là màu của giấy).
 
Tại sao màu hoá chất lại tuân theo quy luật trừ màu? Đó là bởi vì vật chất bản thân nó không có màu sắc (trừ những vật tự phát sáng) mà chỉ tán xạ và hấp thụ các bước sóng ánh sáng đơn sắc trong ánh sáng chiếu vào nó. Một vật có màu đỏ là vì khi ánh sáng trắng chiếu vào nó, nó hấp thụ các ánh sáng lục và lam, chỉ phản chiếu ánh sáng đỏ vào mắt ta. Một vật có màu đen khi hấp thụ tất cả ánh sáng chiếu vào nó. Một vật có màu trắng vì nó tán xạ tất cả các bước sóng ánh sáng.
 
Các họa sĩ Tân Ấn tượng là Georges Seurat (1859-1891) và Paul Signac (1863 - 1935) đã chủ trương áp dụng quy luật cộng màu của ánh sáng vào hội họa. Thay vì trừ màu như khi pha màu trên palette, họ đã vẽ theo kiểu chấm chấm (pointilism) và lý luận rằng khi đặt một chấm đỏ cạnh chấm lục chẳng hạn, thì hai chùm ánh sáng đỏ và lục phản chiếu tới mắt ta sẽ hoà với nhau theo quy luật cộng màu và ta sẽ nhìn thấy màu vàng. Tuy nhiên, trên thực tế để đạt hiệu quả, các chấm phải rất nhỏ, và cường độ phải rất mạnh (Đó chính là nguyên tắc mà nhờ đó ta nhìn thấy màu trên màn hình TV màu dùng ống hình điện tử sau này). Trong khi đó các chấm của các hoạ sĩ Tân Ấn tượng thì có khi to như ngón tay, nên hiệu quả không được như đã tưởng tượng.

10:50 Saturday,20.4.2013

Đăng bởi:  Quỳnh Mây

Nhân đọc bài “Màu trắng của sơn dầu” cùng với xem cái ảnh “luật hòa sắc” (cộng màu, trừ màu) của  tác giả Nguyễn Đình Đăng, tôi mạn phép viết mở rộng thêm một chút về một vấn đề rất vớ vẩn đối với các họa sĩ nhưng lại không nhỏ đối với những bạn bắt đầu học pha màu: “Các màu cơ bản là những màu nào? Từ những màu này pha được tất cả các màu khác phải không?” (không tính các loại màu sử dụng hóa chất đặc biệt không thể pha được như màu phát quang, nhũ,.v.v.) 
Đọc đến đây các bạn có thể đang cười tôi vì quả thật pha màu là bản năng quá thông thường của người họa sĩ, thông thường đến nỗi như hít thở hàng ngày. Cũng như các bạn, tôi 3 tuổi vẽ tranh, cần màu nào thì cứ pha ra thôi, cảm giác như chẳng bao giờ phải động não cả.
Bây giờ ở khắp nơi bán nhan nhản các bản in dạy về màu cơ bản, về phối màu. Phải chăng vấn đề của tôi lại càng thừa thãi.
Không hẳn thế.
Tôi khi dạy các cháu bé pha màu đã phải phân tích thêm về ánh sáng và hóa chất. Các bản in dạy về màu cơ bản là đỏ cờ, vàng và lam. Nếu dùng 3 màu này và đen trắng, không thể pha ra được tất cả các màu sắc khác. Ví dụ đỏ cờ pha lam sẽ ra nâu hoặc tím xỉn chứ không thể pha ra được màu tím tinh khiết vì trong đỏ cờ có vàng. 
Vậy là cầm trên tay những bản in về màu cơ bản và cách phối màu do học sinh mua mang đến, tôi đã phải làm 1 đường vòng sơ qua các loại kiến thức vật lí. Với các bé lớn thì ok, với các bé 5, 6 tuổi thì tôi đành chỉ đưa cho các bé 3 màu đỏ điều (hồng đậm), vàng, lam cùng 2 màu đen, trắng và dạy cách pha thôi. Cuối cùng các học trò của tôi đều có thể pha được tất cả các màu mà tôi thách đố từ 5 màu tôi đưa. Chỉ có điều khác với bản in là: trên dải màu pha giữa vàng và “đỏ” của tôi có: vàng, vàng thư, vàng nghệ, cam tươi, cam, cam đậm, đỏ cờ, đỏ điều (đỏ cờ là do đỏ điều pha thêm vàng). Các bé cũng đã pha được màu tím trong trẻo trong dải màu do màu đỏ điều kết hợp với màu lam. Cuối cùng học trò của tôi bỏ bản in dạy cách pha màu đi và tự tin pha các màu mà các bé muốn bằng những màu tôi đưa.
Tuy nhiên tôi chỉ là một họa sĩ, chứ không phải một chuyên gia hay một nhà khoa học nên tôi cảm mừng khi có những bài phân tích kĩ lưỡng như các bài viết của tác giả Nguyễn Đình Đăng. Rất rõ ràng, khúc triết và hữu ích cho nhiều người trong giới và ngoài giới. Rất cảm ơn anh.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả