Bàn luận

Thế nào là nhà Việt: hình thức Việt hay lối sống Việt?

Từ câu hỏi của anh Trịnh Lữ: “Các bạn làm và thích kiến trúc thử cho biết xem ngôi nhà này là Việt hay không Việt, và tại sao bạn nghĩ như thế?” đã có các câu trả lời của các kiến trúc sư. Soi xin tổng hợp lại để các bạn dễ thảo luận […]

Ý kiến - Thảo luận

22:17 Wednesday,19.4.2017

Đăng bởi:  Quang Đức

Cái "tính" dân tộc phải là "phi vật chất" mình phải tìm nó ở "ý thức sống".
Cháu rất đồng tình với quan điểm này. Một người Việt Nam dù có ở đâu, nhà hình thức như thế nào, có bàn thờ hay hiên không thì cái nhà anh ta ở sẽ thành nhà Việt Nam. Đương nhiên cái nhà đó Việt đến đâu thì là do trình độ văn hóa và nhận thức của anh chủ.

3:47 Saturday,10.1.2015

Đăng bởi:  Trịnh Lữ

Cảm ơn Phạm Mai Hương đã quan tâm đến câu hỏi tôi nêu ra.
Ý kiến của Hương chứa đựng nhiều khái niệm cũng như quan điểm rất nên được bàn luận - rất tiếc là hiện tại tôi chưa thể tập trung vào việc này. Nhưng để Hương biết thêm về hoàn cảnh ra đời của túp nhà gỗ này, tôi xin có lời mời Hương ghé thăm trang blog này nhé: http://trinhhuungoc.wordpress.com/tac-pham/thiet-ke/leu-vit-ho-tay/

Tôi vẫn hay tưởng tượng rằng nếu là một người Đức, Pháp, Ả Rập, Anh… mà ở trong hoàn cảnh như cha tôi, thì chắc túp nhà của họ sẽ rất khác, và mỗi người mỗi khác.

Hy vọng có dip trao đổi chậm rãi chu đáo với Mai Hương.

16:58 Wednesday,7.1.2015

Đăng bởi:  Phạm Mai Hương

Gửi anh Trịnh Lữ.

Em xin có một vài suy nghĩ thế này:

Em nghĩ bản vẽ này chưa phải là bản thiết kế một ngôi nhà vì không thấy có khu bếp và khu phụ. Hai yếu tố bếp và khu phụ phản ánh rất rõ ý thức hay lối sống Việt, thiếu hai yếu tố này căn nhà này chỉ tương tự như một đơn vị cho thuê của ngành kinh doanh lưu trú.

Về Tổ chức không gian của ngôi nhà thì rất đẹp, tuy nhiên tôi không thấy được tư duy cũng như cách ăn ở người Việt ở đây. Phần lối vào đến phòng chính phảng phất tư duy không gian tiếp nối ( flowing space) của Frank Lloyd Wright trong căn nhà của ông ở Oakland. Phần không gian chính có giường ngủ và giá vẽ thì có âm hưởng của châu Âu. Và đặc biệt khó lẫn vào đâu một bậc thềm ngồi uống trà trong các vườn Nhật truyền thống. Có lẽ đây là mơ ước của họa sĩ hơn là để thể hiện một ý thức hệ nào đó.

Căn nhà này thực sự là của một họa sĩ vì phần lớn không gian để dành cho công việc sáng tác tranh, từ đồ trang trí là bình gốm, lọ gốm, đến không gian chính là kệ vẽ và các tĩnh vật mẫu, đặc biệt đến ban công hay bậc thềm cũng dành cho giá vẽ.Ở đây các không gian chỉ phục vụ cho công việc sáng tác tranh, tối ưu đến mức giường ngủ ngay cạnh nơi vẽ, bàn uống nước trà cũng ngay sát chan giá vẽ, dường như người nghệ sĩ này vừa sáng tác vừa hưởng thức cuộc sống. Theo tôi một ngôi nhà riêng, dành cho một đối tượng đặc biệt như nghệ sĩ, thì không đủ điều kiện phản ánh được cái chung của cả một ý thức xã hội hay một nhóm người điển hình hay một dân tộc được.

Một yếu tố nữa khá ấn tượng đó ngôi nhà không được làm từ các vật liệu thân quen của người Việt. Nếu là nhà truyền thống thì là nhà gỗ, nhà tre kết hợp vật liệu đất nung như gạch ngói, nhà hiện đại thì sẽ có đá, bê tông... Những vật liệu làm người ở thấy mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mà đông. Vật liệu được xây nhà ở đây là gỗ, nhưng kết cấu không phải là cách của người Việt xưa nay xây nhà mà là kiểu kết cấu gỗ của người Nhật.

Xét trên quan điểm vi khí hậu thì ngôi nhà không được nghiên cứu xây dựng cho khí hậu đới ẩm của Việt Nam mà đúng là dành cho xứ ôn đới. Đó là do cách bố trí không gian tập trung sẽ không tạo điều kiện điều hoà không khí tốt.

Xét trên các yếu tố " vật chất" hay " phi vật chất", " ý thức".... tôi cho là quá xa khi mà bản chất của vấn đề đang sai lệch. Chúng ta cần có một ngôi nhà đầy đủ các yếu tố để phục vụ cuộc sống và các nhu cầu thiết yếu trước tiên, và ngôi nhà đó phải được xây cho người Việt nói chung chứ không phải là ước mơ của một số cá thể đặc biệt nhưng không tiêu biểu nào đó.

Cảm ơn anh và các bạn đọc.

2:34 Saturday,20.7.2013

Đăng bởi:  phan huy

- Ta xét ở góc cơ bản thì kiến trúc phục vụ nhu cầu ở của con người, nên để xác định nhà Việt... thì kiến trúc phải phục vụ nhu cầu ở của người Việt trước hết.
- Theo phạm trù nội dung-hình thức thì nhà Việt phải chứa đựng nội dung là nhu cầu ở của người Việt, rồi thì kiến trúc mới thể hiện điều này qua hình thức. Có thể nội dung-hình thức phù hợp, có thể không.
- Từ nhu cầu ở (mà có thể biểu đạt bằng lối sống) thì cũng phải chỉ rõ, định danh, định tính, định lượng cho cái lối sống Việt này ở mức cơ bản nhất, tinh tuý nhất. Trên cơ sở đó, các hình thức kiến trúc sẽ thăng hoa theo.
- 1 ví dụ cơ bản nhất về kiến trúc Việt là Đình làng: có nội dung thể hiện lối sống cộng đồng làng Việt (là văn hoá chủ đạo của văn minh lúa nước Việt), và hình thức thì cũng rất đặc trưng, độc đáo, gần gũi, cởi mở, thâm trầm, trang nghiêm.

13:23 Sunday,30.6.2013

Đăng bởi:  nguyen tran

Thưa chú Trịnh Lữ,

Câu hỏi của chú thực sự là một đề tài mà những người làm kiến trúc đã và đang kiếm tìm lời giải đáp. Để thực sự tìm được câu trả lời, theo cháu, cần phải có nhiều nghiên cứu trên diện rộng, có chiều sâu và trên nhiều lĩnh vực.

Trong phạm vi còm-men này, cháu xin nêu một số hiểu biết của mình về đặc trưng nhà truyền thống của người Việt, để qua đây, góp phần cho việc đi tìm đáp án cho bài toán hóc búa mà chú đưa ra.

Trước tiên, đối với câu hỏi "thế nào là nhà Việt: hình thức Việt hay lối sống Việt". Ở đây, theo cháu là cả hai. Bởi vì, cũng giống như 1 con người, nếu như hình thức tạo nên khuôn mặt, hình dáng thì lối sống phả vào đó tâm hồn, tính cách. 

Hình thức Việt, đối với kiến trúc truyền thống, ta có thể tìm thấy ở bố cục mặt bằng (mỗi miền có một đặc trưng riêng nhưng nhìn chung thì đều gắn với thiên nhiên, cây cỏ), vật liệu xây dựng (thường là sẵn có trong tự nhiên, ít gia công chế tác), hình dáng, cấu trúc công trình (cũng có đặc trưng miền nhưng nhìn chung đều là những ngôi nhà 3 - 5 gian, có chái, cấu trúc gỗ, trong đó gian giữa luôn là gian lớn nhất, trang trọng và quan trọng nhất), phương thức xây dựng (thủ công, ít có những quy tắc chặt chẽ, phụ thuộc vào người thợ cả). Vậy thì đối với nhà của bác Ngọc, theo cháu thấy, về hình thức nó có mang một số chất Việt trong mình. Mở rộng ra, đối với những công trình hiện đại, nếu nắm vững được những đặc điểm trên, ít nhiều ta có thể đưa vào kiến trúc những nét truyền thống Việt.

Lối sống Việt, đây quả là một khái niệm rộng mà người thiết kế như cháu không thể hiểu hết được. Nhưng đối với nhà ở truyền thống thì cháu thấy yếu tố đầu tiên được quan tâm nhất ở cả 3 miền đó chính là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tiếp theo đó là thói quen sinh hoạt, ăn uống, giải trí.

Những cái này nó sẽ quyết định trực tiếp đến việc bài trí không gian nội thất. Đối chiếu lên nhà bác Ngọc, cháu thấy rõ ràng đó là một không gian dành cho cách sống của một người Việt thể hiện ở cái chõng, bộ khay và ấm chén uống nước, các vật dụng sinh hoạt. Những yếu tố khác như cái xe đạp, giá vẽ, tủ sách, cái nệm giường đó xuất hiện là do nhu cầu của cuộc sống hiện đại.

Trên đây là một vài góp ý của cháu. Mong rằng nó sẽ giúp ích cho cuộc thảo luận của chúng ta.
 

22:09 Saturday,1.6.2013

Đăng bởi:  Lê Phương

Gửi Candid
Bạn viết "Theo em giờ nên tìm kiếm 1 mẫu nhà ống tốt còn hơn băn khoăn về nhà 3 gian 2 chái."

Nhà chia lô phố bắt nguồn từ quy hoạch đô thị của người Pháp dành cho các khu nhà ở công chức  hoặc lớp bình dân của đô thị. Sài Gòn trước 1985 mẫu nhà như thế còn rất nhiều. Về quy mô chỉ có 1 trệt 1 lầu (2 tầng) giữa nhà có 1 sân trong rộng 3-4m, sau nhà có khoảng lùi 2m thông hành địa dịch. Bếp ăn và vệ sinh để phía sau nhà từ sân trong trở vào và chỉ có 1 tầng, phía trước là phòng khách hoặc dành để mở tiệm buôn bán. Cầu thang 1 vế. khối phòng trên lầu 1 chủ yếu là từ sân trong trở ra trước. Cũng có mẫu nhà 1 tầng, nhưng chắc chắn phải có gác lửng, sân trong cũng chia nhà làm 2 phần. Nhà có mái ngói vảy cá, tường dày 300, cửa gỗ 2 lớp lá sách, trong nhà có đóng trần găng gỗ tô vữa thạch cao.

Kiểu nhà như thế rất thoáng mát, ánh sáng tràn ngập trong nhà. Chưa kể sân trong nhièu gia dình còn làm vườn trồng cây ăn trái hay cay cho hoa thơm. Phần lớn loại nhà như thế có vỉa hè rộng rãi từ 7-10m, đủ sức trồng cây cảnh tranh trí trước nhà. Đêm về mùi ngọc lan, dạ lý hương hay kiến cò thơm mát cả đoạn đường.

Về sau, người đông đất chật, khu dân cư mới thì không có, tư duy của chính quyền các cấp về quy hoạch đô thị không có hoặc không được coi trọng nên từ đó mà  bị phá bỏ dần dần. Mà cũng phải thôi, đến những năm 8x, nhiều nhà xuống cấp lắm nhưng không thể sửa chữa, chỉ có đập đi mà thôi.

Ngày nay tại Sài Gòn vẫn còn vài đoạn phố dọc bến Ba Đình Q8 còn giữ được vài khu phố 2 tầng.
 
Ngoài Hội An cũng có kiểu kiến trúc như vậy, tức có sân trong nhà nhưng quy mô bề ngang rộng hơn. Mang dáng dấp nhà cổ chứ chưa hẳn là nhà được thiết kế theo quy hoạch đô thị kiểu Pháp.

17:51 Saturday,1.6.2013

Đăng bởi:  Chưa ngộ đã nói

Không phải dân kiến trúc, không có thời gian để tranh luận về cái gọi là "lối sống Việt" (hy vọng không phải là cầu tõm, tắm giặt ao hồ... mà đến khi sang tây vẫn không trịn được) nhưng thấy Uyên Lê e lệ quá, bèn xông vô.
Thời bao cấp? dường như chỉ thấy hai tiêu chí: hoặc :nhà ngói cây mýt", hoặc ăn cơm (?) Tàu, ấy vợ Nhựt, ở nhà tây. Để rồi lao vào đến một thời hoàng kim đá rửa, phết lên các nhà tầng hộp mái bằng kiểu xô viết, tầng sát mái dùng nhốt con hư...
Nay thấy các kiến trúc sư tranh luận tưng bừng, mà mừng. Chả hiểu gì đứng vỗ tay cho đỡ vô duyên.
Thấy Uyên Lê lắp đi lắp lai: sợ vuốt mặt không nể múi. Gì chứ mũi sần sùi như vỏ cam sành (của Thị Nở dưng mờ khối cha mắc) thì bóp thật lực cho nó được tổng vệ sinh, Lê à (hồng phài Pha Lê).

14:57 Saturday,1.6.2013

Đăng bởi:  Uyên Lê

Trong quy hoạch, khâu định hướng cho kiến trúc cảnh quan cho khu quy hoạch là 1 khâu phải làm (thành phần của nội dung quy hoạch), quy hoạch nước ngoài và trong nước đều làm công tác này. Đến khi làm thì nhiều người trong công ty nhìn vào nói này nói kia, nào là "thua thẩm mỹ của dân kiến trúc", "thua", "biết gì mà định hướng", "biết gì về bản sắc Việt",... 
Còn trong nội dung thuyết minh quy hoạch, dĩ nhiên cũng có định hướng cho kiến trúc cảnh quan khu vực quy hoạch. Ai cũng làm. Nhưng mình làm thì nhiều người bảo vuốt mặt không nể mũi. Nước ngoài họ cũng thuyết minh vậy thôi. Hết sức bình thường.
Nay thấy trên Soi đưa ra vấn đề này, nên mình mới vào comment. Tính mình từ nhỏ đến lớn chẳng mấy khi phát biểu ý kiến. 
Nhưng e rằng khi mình nói ra, có người lại nghĩ mình vuốt mặt chẳng nể mũi.

9:21 Saturday,1.6.2013

Đăng bởi:  Candid

Em không phải là duy hình thức lắm mặc dù em là người hoài cổ thích đồ vật cổ xưa nên em không nghĩ là mình ở thành phố lại phải mặc áo nâu đi guốc mộc nhai trầu. Tương tự như thế em thấy ở thành phố đất chật người đông, ở nhiều vùng quê cũng thế nên ở nhà ba gian hai chái là không khả thi.

Một món đồ cũ mà ta biết tân trang sao cho nó tiện dụng mà vẫn giữ được vẻ đẹp xưa thì tốt hơn. Đó là lý do mà phong trào retro vintage đang rất mạnh.

7:41 Saturday,1.6.2013

Đăng bởi:  Sương

@ Candid: Mình nghĩ rằng vẫn có nhiều người muốn làm một căn nhà kiểu truyền thống (nở bề ngang, cạn bề sâu), nên thảo luận về một căn hai gian ba chái cũng tốt đấy chứ.
Mình đang nghĩ là nếu làm nhà ống, mình sẽ xoay nhà hai gian ba chái lại, đặt vào đó, như thế là được một hành lang sáng sủa nho nhỏ chạy dọc bên hông (chính là mặt tiền nhà), khu vực nào cũng sẽ có ánh sáng. Trước nhà thì kín đáo, giữa nhà thì thoáng, đuôi nhà mình cũng sẽ chừa ra một rẻo lấy sáng, lấy gió cho phòng ngủ, chứ mình về quê thấy nhà ba gian hai chái ở quê làm kiểu gì không biết mà vừa bí, vừa nóng, vừa thiếu không gian riêng (hình như cửa sổ quá ít hoặc quá bé, lại bị vườn chuối sau nhà che mất gió).
 

7:21 Saturday,1.6.2013

Đăng bởi:  Candid

Theo em nhu cầu của rất nhiều người hiện nay là thiết kế nhà ống. Do điều kiện lịch sử nên giờ nhu cầu nhà ống là nhu cầu tất yếu.

Nhà ống thường hẹp và dài, ít ánh sáng. Người Việt thường sống chung 3-4 thế hệ. Người già thì ngại leo. Trẻ con ở tầng cao cầu thang không an toàn. Phòng thờ và phòng giặt ở tít thượng, bê đồ đi lại rất vất vả. Chỗ để xe không có thường để lẫn phòng khách.

Theo em giờ nên tìm kiếm 1 mẫu nhà ống tốt còn hơn băn khoăn về nhà 3 gian 2 chái.

21:11 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  Uyên Lê

Mình làm quy hoạch. Trong quy hoạch, người ta vẫn thường nói rằng kiến trúc mới cần hài hòa với kiến trúc cũ, sẵn có trong khu vực hoặc xung quanh. Kiến trúc nước ngoài họ cũng làm vậy. Trên nền của những cái đó có thể có 1 cái gì đó thật độc đáo nổi bật, khiến bộ mặt đô thị thật sự hấp dẫn. Mình nghĩ vậy. Mình nghĩ phải có cái mới lạ, độc đáo, phải có sự phát triển hợp thời. Không biết mọi người có mong như vậy không? Nên mình nghĩ, kiến trúc không nhất thiết phải trăn trở nhiều về vấn đề bản sắc Việt. Như cha ông ta ngày xưa làm gì có khái niệm bản sắc kiến trúc, mà bản sắc vẫn được tạo nên đó thôi, ngược lại, cứ cố gắng tạo dựng bản sắc kiến trúc Việt hiện đại, đôi khi sự gượng ép đó lại gây phản tác dụng. Mình thấy, làm kiến trúc như anh Võ Trọng Nghĩa là hay nhất. 
Mình nghĩ, cứ là "nhà anh A" "nhà chị B" là quá đủ rồi. Anh A sống theo lối Tây, chị B sống theo kiểu Tàu, gì đó. Hoặc anh C sống kiểu Bắc, chị D sống kiểu Nam,... Và mỗi người lại có một kiểu sống, thị hiếu, hoàn cảnh khác nhau. 
Mong mỏi của nhiều người là cái truyền thống không bị mất đi, là chính đáng. Nhưng sự thay đổi và toàn cầu hóa là một xu hướng tất yếu. 

20:12 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  Uyên Lê

Mình làm quy hoạch, đến khâu định hướng cho kiến trúc cảnh quan trong khu quy hoạch, vẫn mong muốn định hướng sao cho kiến trúc khu vực có bản sắc, tức là giữ gìn và phát triển được đặc trưng, tinh hoa kiến trúc khu vực vốn có, đồng thời tạo được đặc trưng riêng. Đặc trưng đó phải được hình thành từ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đối tượng khách hàng, cảnh quan, địa hình, mong muốn của chủ đầu tư, điều kiện xây dựng, chi phí dự án,... Nhà ở đáp ứng được nhu cầu không gian, thói quen sống, ý thích của một bộ phận người Việt nào đó, không là tất cả, bởi mỗi dự án chỉ cần chừng đó thôi, người có nhu cầu và sở thích khác thì tìm khu khác. Và một cách tương đối mà thôi. Mình nghĩ vậy là có được bản sắc Việt và bản sắc khu vực rồi. Ngay cả khi phục vụ cho đối tượng thích sống kiểu Tây, thích nhà Tây, thì cái Tây ấy cũng là cái kiểu Tây của người Việt. Mình nghĩ vậy. Người Việt vẫn Việt hóa cái Tây cái Tàu thành cái đặc trưng Việt đó thôi . Và người Ý đã biến món mì Tàu thành món mì spagetti (từ nhỏ mình đã nghe người ta nói vậy). 
Nếu bảo rằng điều gì tạo nên đặc trưng cho nhà Việt xưa, thì mình nghĩ cả hình thức lẫn không gian, đồ vật bên trong và những gì tạo lập thói quen sinh hoạt, nếp sống cho người ở trong đó. 

19:03 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  Uyên Lê

Mình cũng là một người thích kiến trúc và cũng dõi theo xem kiến trúc Việt Nam và thế giới họ làm thế nào. Theo mình thấy, thì người ta có đề cập đến khái niệm kiến trúc bản địa, kiến trúc địa phương. Còn Việt Nam thì gồm nhiều dân tộc, nhiều địa phương với đặc trưng khác nhau, kể cả kiến trúc, nên mình nghĩ, không thể thống nhất thành một mẫu số chung cho nhà Việt được. Nghề kiến trúc ở thế giới là nghề sáng tạo, mỗi người đều tạo nên đặc trưng riêng cho kiến trúc của mình, mỗi công trình lại cần có nét độc đáo riêng. Nhưng người ta có thể kế thừa và phát huy các tinh hoa kiến trúc truyền thống Việt Nam ứng dụng vào các sáng tạo mới, làm nên giá trị, là niềm tự hào của kiến trúc Việt Nam, ví dụ như anh Võ Trọng Nghĩa dùng vật liệu tre ngâm bùn truyền thống của Việt Nam làm các công trình rất độc đáo vậy. 

17:25 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  trịnh lữ

Ý kiến của candid và Toàn gợi nên một ý mà tôi vẫn muốn nói - rằng việc trao đổi về "dân tộc tính" trong kiến trúc, giữa những người làm kiến trúc và quan tâm đến kiến trúc, không nên chỉ là đi tìm một khuôn mẫu nhà Việt điển hình, mà là tìm những cơ sở căn bản để người làm kiến trúc có thể chủ động thiết kế sao cho tác phẩm của mình góp phần vào việc xây dựng và thúc đẩy một lối sống Việt Nam của thời hiện tại, cho mọi thành phần và môi trường xã hội hiện tại, từ nông thôn đến thành thị, từ chung cư đến biệt thự... Như hai bạn này đã nói, một căn hộ mà người Việt ở cũng khác người ngoại quốc ở. Nhưng phần lớn là cái khác biệt ấy không phải là cái mà kiến trúc sư muốn thúc đẩy. Kiến trúc sư cần chủ động tổ chức không gian và nội thất để thúc đẩy một nếp sống Việt đẹp hơn, lịch sự hơn, mà vẫn khác biệt với nhà tây, tránh được thói bắt chước thô thiển những hình thức bên ngoài.

14:17 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  candid

Thế nên em nghĩ Dân tộc tính khá mơ hồ, nếu vật chất là bắt con người mặc mấy cái áo Quốc Phục, ở nhà theo kiểu đồng bằng Bắc Bộ ngày xưa mới đúng là thuần Việt chắc chả ai làm nổi.
Nhà người Việt ở thì đương nhiên là nhà Việt. Đơn cử như cái chung cư, vào 1 nhà do 1 ông Tây thuê chắc chắn sẽ khác nhà 1 ông Việt thuê. 
Vấn đề là làm sao cho thuận tiện và đáp ứng các nhu cầu của người Việt là được.

11:53 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Điều đó là dễ hiểu mà Cadid ơi, một ngôi nhà phù hợp với thời này, người này thì sẽ không phù hợp với thời khác, người khác.
Ngôi nhà cổ truyền phù hợp với lối sống của một gia đình nhiều thế hệ với tính chia sẻ rất cao, cá nhân và sự riêng tư theo đó sẽ bị coi nhẹ. Sự trang trọng nhất dành cho thờ tự, khách khứa và khi có việc giỗ chạp, làm gì có chỗ cho tiện nghi cá nhân.

11:33 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  candid

Em thấy ở mấy cái nhà theo lối cũ ở quê em, 5 gian, 3 gian hai chái này nọ điểm yếu nhất là ở cái không gian riêng. Gần như cả nhà làm gì cũng thông thống hết. Có cái gian riêng cho phụ nữ thì nằm ở chái chật chội và ẩm thấp.

10:14 Friday,31.5.2013

Đăng bởi:  trịnh lữ

Ý kiến của Toàn: "...để đi tìm cái gọi là thái độ ứng xử - nói một cách kiến trúc là giải pháp với các vấn đề gặp phải như tự nhiên (thổ nhưỡng, khí hậu) - xã hội (như những vấn đề anh liệt kê trong lịch sử) thì có thể thấy sự phù hợp, vừa vặn, khiêm nhường, không câu nệ việc sao chép miễn sao thích hợp với hoàn cảnh, đối tượng. Để gọi tên nó là như gì đó thật đặc sắc thì không phải, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi thì chí ít cũng đủ để kiến trúc ngày hôm nay cũng có cái gì đó đáng để nói, khỏi hổ thẹn với cha ông nghèo khó mà tài hoa ngày xưa."

Tôi cũng nghĩ như Toàn. Thấy hướng đi tìm "dân tộc tính trong kiến trúc" như vậy có vẻ là phải và có ích nhất. Không những nó cho ta có cảm giác tích cực về kiến trúc của mình hiện nay như Toàn nói, mà nó còn là tiền đề để giải phóng chúng ta khỏi những "mẫu" giải pháp truyền thống. Bản năng thích ứng sâu sắc của người Việt - biết khéo léo lấy cái gì bỏ cái gì của người để tạo không gian sống vừa vặn, tiện ích, đúng với thang giá trị của chính mình - nếu thoát khỏi câu nệ về hình thức truyền thống và lịch sử, sẽ có thể tạo ra những cái mới độc đáo. 

Bạn Phương, câu hỏi tôi đặt ra lúc đầu có lẽ quá nôm na, nên khiến bạn tưởng rằng tôi chỉ muốn các bạn nhận xét đánh gia túp nhà của ông Ngọc. Ý định của tôi là từ những nhận xét về túp nhà ấy mà mình bàn về "dân tộc tính". Tôi chả có bằng cấp gì về kiến trúc đâu, nên không nghĩ gì đến sự phức tạp và cấp độ học thuật của vấn đề. Chỉ là vì cứ hay nghĩ về nó và muốn được nghe ý kiến của các bạn làm kiến trúc xem ý nghĩ của mình nó ra sao, sai đúng ở chỗ nào, học được gì ở các bạn. Nên tôi rất cảm ơn các ý kiến mang tinh thần tự vấn và học hỏi như vậy. 

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả