Nghệ sĩ Việt Nam

Hỏi đáp với Phạm Huy Thông: Về bức "Vịt" và bộ "Hy vọng"

  1. Bức tranh “Vịt” mới được anh hoàn thành đã nhận được nhiều sự quan tâm của khách tham quan phòng tranh và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy anh có thể cho chúng tôi và khán giả biết được những ý nghĩa mà anh muốn gửi gắm trong bức tranh […]

Ý kiến - Thảo luận

16:51 Monday,18.8.2014

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Cuối tuần mải chơi nên bây giờ mới viết được vài lời cám ơn bạn Khoai Lang về những nhận xét.
Tớ đoán bạn cũng là dân thiết kế, bởi bạn bắt rất chuẩn mạch khi nói về việc tớ viết thuyết trình tranh mà như thuyết trình logo. Thói quen nghề, ăn vào tác phong rồi bạn ạ. Tớ xuất thân là người làm thiết kế đồ họa và minh họa, nên kể cả việc xây dựng một tác phẩm tranh, cũng đúng như bạn nói, những yếu tố của đồ họa thiết kế. Tớ hiểu điều đó, có tiết chế nó nhưng không cố gắng để xóa hẳn nó đi. Bởi định hình một nghệ sĩ, cũng như định hình mỗi con người là cả một quá trình mà anh ta trải qua, có thể có những gột bỏ, bứt phá, nhưng nếu quay ngoắt bỏ rơi quá khứ của mình, sẽ không thể nào có bản sắc được.
Ở người xem cũng vậy, mỗi người có những tích lũy trải nghiệm khác nhau, vì vậy đứng trước một đối tượng, nhất là đối tượng nghệ thuật, sẽ có những cảm nhận, diễn giải khác nhau. Bởi vậy những cảm nhận khác trong comment của bạn, có thể không giống cảm giác gốc của tớ khi vẽ bức tranh này. Nhưng đó là điều hiển nhiên thôi.

Và tớ rất nể bạn khi đọc được ra cái ẩn ức sâu xa trong chúng ta khi bạn nói về cái "chiếu dưới". Ẩn ức đó, chúng ta có nó nhưng đôi khi không nhận ra, hoặc có nhận ra rồi nhưng vì những e ngại này nọ mà khó thốt ra lời trước đám đông.
Một tác phẩm nhỏ của tớ, ngôn từ dành cho nó đến đây có lẽ đã nhiều hơn nó đáng được hưởng. Vậy tớ xin chốt lại comment của mình về tác phẩm này. Chỉ xin gợi lại một hình ảnh tuổi thơ, về một cậu nhóc suy dinh dưỡng, hay bị bắt nạt, khi thì bị trấn mất bút, vở, khi thì bị đánh mua vui. Yếu thế nên sau những trận đòn, thường đứng vệ đê lầm rầm chửi và trong đầu tưởng tượng một ngày cậu bé trở thành siêu nhân, sẽ giáng sấm sét xuống đầu bọn du côn kia theo cách nào. Âu đó cũng là cách luyện tập khả năng tưởng tượng. haizz.

16:17 Friday,15.8.2014

Đăng bởi:  Khoai lang

Được biết Thông cũng đã vài năm, nhưng tranh của bạn thì ít được xem, hôm nay tình cờ vào Soi, đọc bài và xem tranh Vịt, cảm thấy hứng thú, mạn phép diễn đàn và Thông có vài ý kiến nhé :)

Có lẽ, với xuất phát điểm là một họa sỹ đồ họa, nên tranh của Thông không đơn thuần là những bức tranh "để xem", mà là những bức tranh "để ngẫm", mỗi bức tranh luôn chứa đựng hàm ý, và cảm giác như 1 bức Poster được tạo nên bằng ngôn ngữ hội họa.
Do vậy, khen mầu đẹp, thủ pháp tài có lẽ là điều chẳng nên, có chăng, tôi chỉ muốn chủ quan nêu lên vài ý kiến về ý tưởng của tranh.
Thông viết khá dài, trích dẫn đầy đủ nguồn gốc, sự tích, con số ( hệt như cách các họa sỹ đồ họa thuyết trình logo :), dài quá nên tôi không nhớ hết nhưng thực sự tôi thích tranh, Thông ạ.

Xem tranh, điều rõ ràng nhất mà tôi nhận thấy là sự tương phản, giữa cái sù sì và trong trắng; giữa thực tại và viển vông, và không rõ khi vẽ, Thông có cảm nhận đó không, nhưng với cá nhân tôi, tất thảy tựa như giấc mơ của 1 kẻ chiếu dưới bất lực trước quyền uy và sự bành trướng của 1 kẻ mạnh hơn mình. Xin nói luôn, Kẻ chiếu dưới ở đây không phải đích danh Thông đâu nhé, mà là cả Thông, cả tôi, cả những con người trong Soi và rộng hơn trong chữ S này.
Sự bất lực ám ảnh không thể nào giải tỏa. Nếu tôi có thể vẽ bức này (dĩ nhiên cũng ở góc độ cá nhân), tôi sẽ mơ nhiều hơn, tôi sẽ để cho những chú vịt vàng "áp đảo" con tàu chiến, để khắc họa sâu thêm ám ảnh về sự bất lực đó. Tôi sẽ để con tầu chòng chành hơn.

Xem đi xem lại, có 1 điều thực sự làm tôi hơi "bực", là bố cục quá cân bằng của tranh Thông ạ. Tất cả cứ ở giữa, ở giữa, nó làm cho tranh hơi tĩnh. Một lần nữa, nếu được, tôi sẽ đặt con tầu gần đáy tranh, để cảm giác có sức nặng đè lên tất cả. Ở đây nó vẫn "ngang nhiên" quá.

14:24 Thursday,14.8.2014

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Em xin cám ơn lời động viên của anh Phạm Trung. :)

15:28 Wednesday,13.8.2014

Đăng bởi:  Phạm Quốc Trung

Phạm Huy Thông cứ chăm chỉ làm việc cần mẫn thế này thì đáng nể đấy. Cứ vài năm Thông lại cho ra một series tranh mới thì năng lượng còn dồi dào lắm. Vẽ nhiều nên càng ngày càng điêu luyện về bút pháp hơn và ý tưởng càng cô đọng hơn. Người như thế thì khen, chê cũng bằng thừa. Bởi họ biết mình là ai và sẽ làm gì tiếp theo.... Mong rằng tranh Thông luôn có cái để xem và để nghĩ

18:34 Tuesday,12.8.2014

Đăng bởi:  tranh chợ

cảm ơn Phạm Huy Thông nhiều.thông tin bạn gởi cho mình rất quý. mình có gặp nhau tại Singapore hồi triễn lam quốc tế tại Sing 2011 rồi đấy. chúc bạn sáng tác nhiều ,đẹp.

17:04 Tuesday,12.8.2014

Đăng bởi:  Bạch Liên

Anh Bùi Quang Thắng góp ý thẳng nhưng hay và tế nhị nữa. Ý của anh rất đúng ý của nhiều người trong nghề nhưng chưa ai nói đúng ý và vẫn nhẹ nhàng như vậy. Một cách đối thoại đáng học. Cảm ơn anh. Trân trọng,

15:38 Tuesday,12.8.2014

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Cám ơn anh Bùi Quang Thắng. Rất trân trọng những bình luận của anh.

15:32 Tuesday,12.8.2014

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Cám ơn anh Bùi Quang Thắng. Rất trân trọng lời comment của anh. :)

15:30 Tuesday,12.8.2014

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Bạn Tranh Chợ ơi. Ở Việt Nam thì bạn có thể tìm mua các loại bút kim của Uni Pin Pen hoặc của Rotring. Các loại bút này hay có bán ở cổng các trường Mỹ Thuật, Mỹ Thuật Công Nghiệp, Xây Dựng... Khi mua lưu ý trên thân bút phải có dòng chữ "Pigment Ink" hoặc "Pigmented". Có nghĩa là những bút này dùng mực có các hạt mầu pigment, không phai theo thời gian. Ví dụ http://www.ebay.co.uk/itm/UNI-pin-Drawing-Pen-Ultra-Fine-Line-Technical-Drawing-Fineliners-Fade-Proof-Mark-/350802651473
Hãng Rotring có bán cả các lọ mực để đổ vào bút, bạn có thể dùng mực này để chấm bút mực, bút ngòi cong mà vẽ. Nhưng mấy loại mực này do có hạt mầu nặng nên thường làm tắc bút. Muốn dùng chắc phải mua cả lố bút mực về dùng dần.

Về giấy thì có nhiều hãng lắm. Bạn nên để ý mua các loại giấy có dòng chữ "Acid Free Paper". Giấy làm từ bột gỗ, bã mía.. Những loại giấy rẻ tiền sẽ không qua được công đoạn loại bỏ axit trong gỗ khiến cho những axit này ăn mủn gỗ theo thời gian, khiến giấy bị ố vàng dần. Có nhiều anh bạn tớ thích vẽ lên giấy báo, để lấy bề mặt chữ bên dưới ẩn hiện cho đẹp. Nhưng qua 10 năm thì mấy tranh đó mủn mục hết.

Phác thảo, bất kể là hình vẽ, tùy bút, nhật ký, bản nhạc, nếu khéo, sau này vẫn bán ra được khối tiền. Nhưng thường là con cháu hưởng, chứ ta lúc đó thăng lâu rồi.

Chúc bạn vui.

15:02 Tuesday,12.8.2014

Đăng bởi:  Bùi Quang Thắng

Trân Trọng Viết nói vậy có ý của bạn ấy đấy chứ, nhưng Thông và bạn Hiếu không hiểu thôi.


Tôi rất mến Thông và cũng để ý quá trình làm việc của Thông. Bạn thuộc type khôn khéo, rất biết tận dụng mọi phương tiện, mọi mối quan hệ để PR bản thân, PR tác phẩm-điều các nghệ sỹ Việt Nam còn yếu. Mặt khác,bạn cũng không hề phủ nhận điều này; thành thực thế là đáng quý rồi. Nhưng như vậy chưa đủ :-)


Bài PV dài, và chắc cũng đã được cân đo đong đếm kĩ nên chấm phẩy chau chuốt. Thông nói dài, nói kĩ, nhưng đúng là " "văn" là người". Nó cho thấy rất rõ cách Thông làm nghệ thuật, nó rất thiếu cái dự cảm, cái bao quát, chắt lọc, cái tư duy bao trùm của người làm nghệ thuật. Trong khi lại thừa và cho thấy Thông quan tâm rất nhiều đến chi tiết, sự kiện... Nó giống như tư duy của người điểm tin, người bình luận sự kiện. Nghệ thuật mà chạy theo diễn biến, biến động của đời sống chính trị xã hội thì nó sẽ luôn đi sau. Làm nghệ thuật thời mới nhưng lại vấp theo lối tư duy của nghệ thuật thời trước, những người tự hào "người nghệ sỹ như người viết sử".

Tôi có xem bộ tranh mới này, thấy Thông cũng có tìm tòi, và cũng có cố gắng để tranh không bị "trực tuyến" ABC nữa, cố gắng tạo ra không gian và tinh thần có chút siêu thực hơn với mây, gió... Nhưng nó vẫn nằm trong cái tư duy có vẻ đã là "căn tính" của Thông.

Mình nói thẳng và thật như vậy vì rất mến Thông, và cũng thấy tiếc một nghệ sỹ trẻ rất muốn "đi" và nhiều cố gắng nhưng mãi chưa "tới" vì vướng trong cách nghĩ mà cứ mỗi lần ra công chúng là 1 lần "Moon walk" ;).

Nếu Thông chưa hiểu ý mình. Mình có một ý này nhé, bạn thử lấy bộ tranh của bạn, chọn ra bất kỳ bức nào. Sau đó bạn chép lại nó bằng 1 cây bút bi, trên một tờ giấy trắng gấp lại bằng bàn tay thôi. Thông sẽ thấy nó vẫn mang đủ những gì bức tranh to Thông vẽ bằng toan và sơn đúng không???

Sau đó Thông mở một cuốn sách Mỹ Thuật nào đó ra, lấy một bức tranh và cũng chép lại trên tờ giấy nhỏ với cái bút như vậy. Thông so sánh bản chép và bức tranh gốc, sẽ thấy nó chỉ mang hình ảnh mà không hề có tinh thần của tranh gốc...

Đừng tiếc cái cảm giác được khen khi Thông mang tranh ra cho họ xem, mà họ khen tranh như khen một bài bình luận về tàu chiến, giàn khoan trên FB hay BBC. Hãy làm sao để họ khen - lời khen dành cho một "bức tranh". Đó là thành công của người làm nghệ thuật. Đừng làm "họa sỹ khôn' mà hãy làm "họa sỹ thông minh"

Chúc Thông vui, "đi" và sẽ "tới" được trong con đường nghệ thuật của mình...

12:39 Tuesday,12.8.2014

Đăng bởi:  tranh chợ

Hi anh Thông! xin hỏi anh tí, có lần anh có viết là anh đang dùng loại mực gì dó không bị bay màu theo thời gian . tôi có thói quen hay ghi lại ý tưởng lên giấy với bất kỳ loại bút gì có trong tay, đôi khi thấy những ghí ngoáy đó có những giá trị nhất định. vậy anh có thể cho biết mua loại mực đó ở đâu không và theo anh nếu dùng mực xạ vẽ lên giấy ký họa có giữ được lâu không? xin cảm ơn !!!

12:16 Tuesday,12.8.2014

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Thấy bạn Viết và bạn Hiếu tranh luận, tớ xin ké tí ý kiến nhé.
1. Tớ không chơi chim cảnh, nhưng có một sáng cũng tò mò ra hóng xem các bác chơi chim. Các lồng chim treo lên và các con chim đua nhau tiếng hót, đua nhau các điệu nhảy chuyền trong lồng. Và người xem chim cũng đa dạng. Có người chăm chú ngắm, có người chăm chú nghe. Có người nhâm nhi ly cà phê. Có người nhân mấy con chim mà chém gió về tập tính của loài này, cách chăm bẵm loài kia. Có người chém gió về tính phong thủy của tiếng chim, người tuổi gì thì nên nuôi chim gì, treo ở góc nào trên ban công. Có người thì rõ là ra đó nhăm nhăm môi giới buôn chim... Nói chung là từ mấy con chim thôi nhưng ra được đủ các động thái khác nhau của người xem, nghe. Con chim, tiếng chim, đôi khi chỉ là gợi mở cho con người phát triển đủ thứ chuyện khác. Những người không thích giết thời gian vì mấy con chim thì vẫn mải miết đi qua. Cũng chẳng sao.

2. Chuyện về việc viết statement cho tác phẩm là chuyện thường của các nghệ sĩ chuyên nghiệp ở các nước phát triển. Các nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam bây giờ bắt đầu học và làm được việc đó khá tốt. Đó là xu hướng không cần phải bàn cãi. Vấn đề là người xem ở Việt Nam cần thêm thời gian. Bỏ công ra đọc statement thì dễ, nhưng hấp thụ những statement đó, để nó làm giàu hơn tác phẩm chứ đừng để nó nuốt mất cảm nhận của mình thì cần một độ chuyên nghiệp hơn của người xem. Chuyện này giống như đi uống rượu. Đương nhiên người sản xuất và bán rượu sẽ cung cấp cho bạn đủ các loại thông tin về rượu mà họ sản xuất, từ nguyên liệu, cách chế biến, đến truyền thống lâu đời này nọ.. để bạn hiểu và thưởng thức rượu của họ. Đó là cách chiều khách chuyên nghiệp. Tuy nhiên việc tiếp nhận các thông tin kia đến đâu là quyền của bạn, không ai ép cả, vì quan trọng nhất là cái cổ họng của bạn nó có Yes với loại rươụ đó không thôi. Nếu bạn thấy thứ rượu kia không thể nào hợp gu của mình thì... mời bạn chuyển sang uống bia. Chẳng sao cả.

3. Khi bức tranh này được treo trong triển lãm, có bà mẹ dẫn mấy đứa con đi xem. Chúng nó thích lắm, chúng còn hò nhau đếm cho đủ 31 con vịt trong tranh. Tớ rất thích coi mấy đứa trẻ đó xem tranh mình. Bởi cách tiếp cận của chúng với tranh (cụ thể là bức Vịt) đây khác hẳn cách của người lớn. Mà càng có nhiều cách người xem tiếp cận với tranh mình thì tớ càng vui. Bạn Trân Trọng Viết có chê vậy, tớ vẫn vui. Tớ cám ơn.

10:24 Tuesday,12.8.2014

Đăng bởi:  Hữu Hiếu

Trần Trọng Viết xem tranh không hiểu. Đọc chữ xong lại thỏa mãn quá đà, đến nỗi không cần tranh, chỉ cần đọc chữ.
Suy ra: nên theo hầu bộ môn... thư pháp.

9:35 Tuesday,12.8.2014

Đăng bởi:  trân trọng viết

Bạn nói rất phải Hữu Hiếu ạ. Tôi cố quên những lời diễn giải công phu đó mà xem tranh thì đúng là chẳng hiểu gì thật!

5:40 Tuesday,12.8.2014

Đăng bởi:  Hữu Hiếu

Gớm anh Trần Trọng Viết, anh đọc bài rồi anh xem tranh rồi anh bảo là như minh họa. Thử hỏi không có bài anh Thông nói thì anh có biết người ta vẽ cái gì không.
Người Việt Nam lắm chuyện. Vẽ mà không hiểu gì cũng kêu, đến khi người ta giải thích cho mà nghe cũng kêu! Cái gì cũng kêu được.

21:30 Monday,11.8.2014

Đăng bởi:  trân trọng viết

Tranh như minh họa vậy nhỉ?!. Rõ như ban ngày thế này thì cần gì xem nữa, đọc là đủ rồi.
Tôi cho rằng nghệ thuật hội họa dành cho đôi mắt dẫn dắt sự thú vị của hình ảnh, tuyệt không thể diễn tả bằng lời.

21:11 Monday,11.8.2014

Đăng bởi:  N.H Phương Lan

Rất thích bài của Phạm Huy Thông, dù có đôi chỗ ngô nghê thì vẫn là những suy nghĩ chân tình và thấu đáo của một người họa sĩ về công việc của mình.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả