Gẫm & Bình

Đã có curator thì curator phải lên tiếng, đã làm statement thì statement phải rõ ràng

   1. Mình thì không cho rằng giữa statement và tác phẩm có sự đối kháng, mặc dù hai thứ không phải là một. Theo như nhà phê bình nghệ thuật rất kinh điển là Greenberg thì cùng một ý tưởng nghệ thuật có thể được trình làng ở nhiều nồng độ khác nhau, cũng […]

Ý kiến - Thảo luận

8:07 Monday,24.11.2014

Đăng bởi:  phó đức tùng

@ Trịnh Lữ
cháu nói không có gì là tác phẩm không phải là không tồn tại bản thân tác phẩm. Khi nghệ sỹ hoàn thành một tác phẩm, thì đó có thể coi là tác phẩm, nhất là đối với các dạng nghệ thuật truyền thống như hội họa, điêu khắc. Nhưng việc cảm nhận tác phẩm đó lại không có gì đảm bảo việc truyền tải thông tin giống nhau tới mọi người. Tất cả những gì ảnh hưởng tới việc cảm nhận tác phẩm, từ không gian, thời gian, nhiệt độ, mùi vị môi trường v.v. tuy không phải là phần lõi tác phẩm, nhưng rõ ràng sẽ làm biến đổi nhận thức về tác phẩm trong đầu người xem. Bởi thế có thể coi những yếu tố môi trường này cũng là một phần tác phẩm. Chính ý tưởng của New Form cũng có một phần ý này.

Thế thì cái kênh lời nói, chữ viết là một trong những yếu tố môi trường mạnh nhất, tác động tới cảm nhận, thì sao lại không nhận thức được rõ điều đó. Ngày xưa, khi người tàu làm vườn cảnh, cung điện, bao giờ cũng đề thơ, đề tên. Ngay tranh, tượng gần như bao giờ cũng có phần chữ. Thiếu đi phần chữ, họ cảm thấy tác phẩm không được hoàn hảo. Có thể coi đó là cổ hủ, quê mùa, nhưng đúc kết cả nghìn năm cũng có lý do của nó.

Phàm là nghệ thuật, dứt khoát cần phải mới. Nhưng muốn cảm nhận được, thì cái mới phải được liên tưởng tới cái cũ. Mạng liên tưởng càng rộng, càng sâu thì tác phẩm càng gây ấn tượng sâu sắc. Không có gì làm chất dẫn thuốc tốt hơn là lời nói, bởi không có kênh nào có liên hệ sâu rộng với mọi lĩnh vực như ngôn ngữ.

Cái cách nhìn nghệ thuật cái gì phải ra cái đó, đã là hội họa thì không thể dùng thủ pháp đồ họa, đã là điêu khắc thì không thể trình diễn, nhạc ra nhạc, họa ra họa và nhất là nghệ thuật không được văn là một cách nhìn đặc trưng của thời hiện đại, tuy nhiên đến giờ đã được nhận ra là không có cơ sở khoa học.

Mặt khác, cứ cho lời nói chỉ là PR thì cũng là việc cần. Sáng tạo thì đã sáng tạo rồi. Họp được nhau, làm nên tác phẩm là điều đáng quý. Cũng có thể nói việc của nghệ sỹ đã coi như hoàn thành. Nhưng sau đó là đến công đoạn quảng bá, đơn giản để có tiền mà làm tiếp, cũng là cái cần.

23:05 Sunday,23.11.2014

Đăng bởi:  Trịnh Lữ

Cảm ơn bạn Nguyễn Anh Tuấn đã có ý kiến rất chân tình khiến tôi lại muốn trao đổi với các bạn làm New Form.

Trước hết, tôi xin lỗi vì đã tạo một hiểu lầm. Tôi không có ý khôi hài các bạn New Form về chuyện viết giải thích cho công việc của mình. Tôi chỉ khôi hài về tình trạng của giòng nghệ thuật phương tây được truyền thông nhiều nhất - đã và vẫn tiếp tục sa lầy trong việc sáng tác bằng mồm chứ không phải bằng "nghệ" và bằng "thuật". Tôi thực sự không thích phải chứng kiến anh em nghệ sỹ Việt Nam háo hức hội nghập vào giòng nghệ thuật "nói mồm" ấy. Thị trường tư bản không "lành mạnh" như trong quan niệm của những ai chưa ngụp lặn để sống sót trong lòng nó. Trong đó, thị trường nghệ thuật là nơi kiếm tiền ít vốn nhất, bằng những cách tạo giá trj ảo tinh vi nhất dựa vào cái "thị dục huyễn ngã" của con người - nghĩa là cái ham muốn danh vọng. Mà khi những người có thể bỏ ra hàng trăm triệu đô la để mua một bức tranh - những người có thể khuynh đảo cả chính trị và xã hội bằng đồng tiền thống trị của họ - đã đầu tư như vậy vào cái mà họ gọi là nghệ thuật, thì ho cũng thừa sức nuôi dưỡng cái thị trường ấy để không bao giờ hụt lãi mất vốn; bỏ ngoài tai những lời chỉ trích của giới trí thức còn lành mạnh rằng những vụ đấu giá mà thiên hạ phải ồ à lên như thế với ý nghĩ rằng nghệ thuật thật là vô giá chỉ là những động thái "tục tĩu" của đám đầu cơ nghệ thuật. Đấy, nếu làm nghệ thuật để có thể chen chân vào cái thị trường đương đại ấy, thì phải chơi theo luật của nó, nghĩa là phải có Lời làm vũ khí - nói như Tùng là dùng Lời để tác động vào quá trình tiếp nhận tác phẩm của người xem, để tạo giá trị và định giá thị trường cho tác phẩm (mặc dù Tùng lại bảo là theo các nghiên cứu về não thì chả có cái gì có thể coi là tác phẩm!)

Hôm nay đọc ý kiến của giám tuyển New Form, tôi thực sự trân quý ý định của anh em trong nhóm. Nguyên chuyện một nhóm cùng làm việc được với nhau trong nghệ thuật đã là quý rồi. Nghệ sỹ thường rất chủ quan và cá nhân chủ nghĩa, từ xưa tới giờ chả có nhóm nghệ sỹ nào có thể làm việc thân ái với nhau được lâu. Trường phải nào cũng chỉ được một thời gian ngắn là tan đàn sẻ nghé. Cho nên tôi thực sự quý các bạn trẻ nhóm họp lại được với nhau vì cùng một công việc, đặc biệt là sáng tác.

Vì cũng rất thích và hay nghĩ về kiến trúc, nội thất và mối quan hệ giữa hội họa, điêu khắc và thiết kế đồ nội thất với cái mà các bạn gọi là "đời sống ở những không gian thực tế", tôi cũng có một vài ý muốn trao đổi với các bạn New Form, những chỉ khi các bạn muốn trao đổi với tôi qua SOI thì tôi mới dám ngỏ lời ở đây. Cho tôi biết ý của các bạn nhé.

Thân ái,
TL

10:47 Sunday,23.11.2014

Đăng bởi:  Nguyễn Anh Tuấn

Thân gửi mọi người đã quan tâm nhiều đến nhóm New Form và tranh luận hăng hái trên Soi.

Tôi vốn dĩ ngại tranh luận với số đông, đặc biệt với những bạn không rõ tên tuổi, tuy nhiên, có những trao đổi thẳng thắn từ anh Phó Đức Tùng và bác Trịnh Lữ, tôi viết vài dòng để trả lời về câu chuyện của nhóm New Form.

Trong hai triển lãm New Form của chúng tôi bày tại Manzi tháng trước và Module 7 đang diễn ra tháng này, mỗi tác phẩm của nghệ sỹ đều có statement của tác giả viết về ý tưởng sáng tác, và ý tưởng nghệ thuật sử dụng cho tác phẩm và triển lãm. Triển lãm cũng có statement chung, giới thiệu bước đi của dự án New Form và tiêu chí chung cho triển lãm trong hai bài viết mà Soi có đăng trên này. Câu chữ trong bài viết có thể gây khó hiểu hoặc hiểu nhầm cho người xem. Tôi xin giải thích thêm.

Chúng tôi làm New Form với mục đích đơn giản là đưa ra những hướng sáng tác mới và khả năng mới cho điêu khắc, và hướng đến việc đưa được điêu khắc kết nối với đời sống ở những không gian thực tế. Một dự án được xây dựng thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn được thực hiện trong 12 tháng, hoặc hơn. Trong giai đoạn một, chúng tôi thể nghiệm các cách thức sáng tạo và trưng bày điêu khắc: chất liệu, kỹ thuật, bày điêu khắc như một kết nối không gian, thay đổi chiều hướng của tác phẩm, hoặc một tác phẩm có tính không gian (hơi tương tự thủ pháp của nghệ thuật Sắp đặt hoặc Địa hình nhưng không quá phụ thuộc vào môi cảnh mà vẫn có tính độc lập cần thiết của điêu khắc). Mỗi nghệ sỹ nghiên cứu và đưa ra những giải pháp của riêng mình theo một hoặc nhiều hướng trên. Sang giai đoạn hai, nghệ sỹ phát triển sâu hơn vào tìm tòi thể nghiệm của mình theo những cách khác nhau, và đưa tác phẩm kết nối với không gian trong thực tế. Dựa vào những thể nghiệm ở giai đoạn 1, nghệ sỹ lựa chọn cách thức và ngôn ngữ nghệ thuật để làm tác phẩm đối với không gian và vị trí được lựa chọn, và phát triển tiếp cá tính, sự độc lập và phương án nghệ thuật mình theo đuổi, hoặc cũng có thể lựa chọn một hướng làm việc khác khi lần trước không hiệu quả. Điều này có thể thấy rõ trong cách làm việc và sáng tác của Khổng Đỗ Tuyền, Phạm Bảo Sơn, Thái Nhật Minh hay Lê Lạng Lương. Tôi cũng đã viết kỹ hơn về sự phát triển của cá nhân và bước đi của dự án trong statement triển lãm bày tại triển lãm ở Module 7. Để phân tích những phát triển đó là gì, yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật như thế nào, tại sao lại như thế này mà không như thế khác, sẽ cần nhiều hơn một bài trao đổi, hoặc một vài tọa đàm nữa về dự án, và sự đối thoại nhiều hơn giữa mỗi cá nhân nghệ sỹ với mọi người.

Tôi không tranh luận với những ý kiến khác của nhiều bạn trên này. Mỗi người có quan điểm và cách đánh giá riêng về tác phẩm và nghệ thuật, cũng như có những kỳ vọng riêng của mình với nghệ sỹ dựa theo nhận thức và thang giá trị cá nhân. Tôi và các nghệ sỹ cũng không thể làm theo lời khuyên của bác Trịnh Lữ khi phải cố đưa ra một lý thuyết cao siêu khó hiểu. Nếu có lý thuyết, chúng tôi cho rằng nó nên bắt nguồn từ chính trong xã hội Việt Nam, hoặc hệ tư tưởng đó phải bắt rễ được trong đời sống người Việt (ví dụ như Phật giáo hoặc Nho giáo trong quá khứ), nếu không, đó vẫn chỉ là những thứ ngoại lai, xa vời, và không thể là nền tảng tốt cho nghệ thuật. Thà bắt đầu từ những thay đổi nhỏ, những thứ mình hiểu và nắm được và phát triển nó lên, mới là con đường thực tế. Tôi tin rằng vẫn đang có các trí thức, dịch giả, người làm nghiên cứu-phát triển liên tục tìm cách đưa những tư tưởng mới vào Việt Nam, song có lẽ để một vài tư tưởng này bắt rễ và đi vào đời sống vẫn cần thêm một quá trình nữa, và con đường này cũng không hề đơn giản và nhanh chóng.

Nghệ thuật thể nghiệm chưa bao giờ dễ dàng, với nghệ sỹ - cần có thời gian để não bộ chấp nhận và dung hòa cái mới, dẫn đến các thao tác bàn tay, rồi kỹ thuật, công nghệ, kinh tế... để làm ra thứ mình muốn. Xã hội cũng cần có nhiều thời gian để nhìn nhận, đánh giá, chấp nhận hay không chấp nhận. Trong quá trình ấy biến số và yếu tổ rủi ro luôn xảy ra, nhất là với sự mong manh ở Việt Nam, khi chưa có những nền tảng thực tế nào là chỗ dựa cho nghệ sỹ, nghệ thuật cả về vật chất và lý thuyết, tinh thần. Sự nhầm lẫn, chệch hướng hoặc đứt gãy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mà không được báo trước. Tuy nhiên, đối với dự án lần này, ít nhất sự phản biện trong các trao đổi cũng giúp chúng tôi nhận ra những ưu điểm và hạn chế của mình. Cũng mong rằng những đóng góp, trao đổi với chúng tôi nhiều tính xây dựng, ít cá nhân như của anh Tùng, bác Trịnh Lữ, bạn Phạm Quang Hiếu và Nobita như trong bài viết đầu tiên thì có ích hơn nhiều với những người làm dự án.

Cảm ơn những trao đổi của mọi người. Mong rằng chúng ta sẽ gặp lại trong các công việc lần sau của nhóm. Trân trọng!

Nguyễn Anh Tuấn

13:59 Friday,21.11.2014

Đăng bởi:  Hằng

Em có ý kiến về cái tiêu đề "pha tiếng". Em chỉ biết curator là "giám tuyển" thôi còn trong giới dịch "statement" là gì thì em chưa biết. Mong Soi và các anh chị chỉ giáo.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả