Gẫm & Bình

Trả lời 3 câu hỏi: về tính “nói mồm”, về khoa học não, và về cái mới trong nghệ thuật

 Soi: Đây là phần trả lời cho bài “Vài quan điểm về nghệ thuật muốn hỏi lại Phó Đức Tùng” của tác giả Trịnh Lữ (cũng là cậu ruột của kiến trúc sư Phó Đức Tùng – xin phép được giới thiệu vậy để các bạn không bị bỡ ngỡ trong một số chỗ xưng […]

Ý kiến - Thảo luận

13:05 Sunday,14.12.2014

Đăng bởi:  phó đức tùng

Kiến giải của Heiddeger thật là rõ ràng, cùng với những phát hiện của khoa học não, ta có thể lý giải như sau:
- Tác phẩm nghệ thuật là một vật thể, nhưng giá trị của nó không phải là chính vật thể đó, mà nó là một ẩn dụ, một đường link tới một kho báu vô hình.
- Theo khoa học não thì kho báu kia lại không nằm chơi vơi ở đâu đó, mà trong tiềm thức của mỗi người xem, vì thế mỗi kho báu sẽ khác nhau.
- Ta có thể tưởng tượng tác phẩm hội họa như một tấm toan treo trên tường kho báu, nếu biết cách hô vừng ơi thì bức tường cùng cả tấm toan biến mất và kho báu lộ ra, nếu không biết hô thì vẫn là tấm toan với những vệt mầu.
- Khi tấm toan đã biến mất, kho báu hiện ra thì ta có thể nói tấm toan chính là kho báu, hay nói là không có tấm toan, chỉ có kho báu, cũng như nhau, vì khi đó hai mà là một.
- Statement không phải tấm toan thần kỳ, cũng không phải kho báu, nên không thể thay cho nó. Nhưng statement có thể là gợi ý, để người xem biết đường mà hô thần chú, hoặc gợi ý một số cách hô thần chú. Không có statement, nhiều người xem sẽ không biết rằng cần phải hô thần chú, và vì thế chỉ coi tấm tác phẩm như một miếng giẻ bị bôi bẩn.

20:41 Saturday,13.12.2014

Đăng bởi:  phó đức tùng

cậu Trịnh Lữ
cháu có nói là tác phẩm không có giá trị gì đâu. chỉ nói rằng tác phẩm thì đã làm rồi. Vấn đề là có nên có truyền thông hay không thôi. Không truyền thông tí gì thì cũng không sao, vì cứ để người xem tự cảm nhận. Nhưng rõ ràng là thực tế muốn bán thì có truyền thông vẫn hơn. Và khi đã có statement thì làm sao vấn đề phải sáng sủa hơn là không có thì statement đấy mới có giá trị thực tiễn. Cháu chỉ muốn nói là kể cả về lý thuyết thì truyền thông vẫn có thực tế value added, chứ không phải chỉ là nói mồm.

21:44 Thursday,11.12.2014

Đăng bởi:  admin

Cảm ơn anh Trịnh Lữ nhiều, chiều mai bọn em xin được đưa bản dịch "Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật" lên thành bài ạ.

21:15 Thursday,11.12.2014

Đăng bởi:  Trịnh Lữ

Tùng à: cậu hoàn toàn nhất trí với quan điểm cháu vừa trình bày. Cháu biết nghề kiếm cơm của cậu là truyền thông mà :))). Cậu cũng từng viết rằng "Chân dung, hay một bức tranh, có đời sống riêng của nó. Vậy bức tranh mình vẽ rồi sẽ sống ở đâu? Chắc cuối cùng là ở trong tâm khảm người xem, khi người vẽ không còn nữa, người mẫu cũng không còn nữa". Cậu hiểu là cháu muốn nhấn mạnh cái ý rằng tác phẩm nghệ thuật tồn tại ở tâm trí của người thưởng ngoạn. Còn cậu thì có vẻ như muốn nhấn mạnh rằng vẫn cứ phải có một tác phẩm cái đã, với những thuộc tính nghệ thuật đặc thù của nó, thì rồi người thưởng ngoạn mới có cái mà cảm nhận. Cậu cũng hiểu là cháu cũng công nhận như vậy, chỉ có không nói ra, vì muốn khẳng định cái quan điểm rằng tác phẩm nào cũng phải cần có lời.

Cháu có hỏi cậu về quan điểm của Heidegger. Cậu nghĩ tốt nhất là đưa phần cậu đã dịch bài Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật của ông ấy lên đây để cháu và mọi người tham khảo. Chỉ có điều, đọc Heidegger thì không thể vội vã sốt ruột như đọc "còm" của anh em cậu cháu chúng mình, nhé.

Cũng phải nói ngay, rằng cậu không biết tiếng Đức như Tùng, nên chỉ có thể đọc Heidegger qua bản dịch tiếng Anh của nhà HarperCollins Publisher, xuất bản lần đầu năm 1977. Tuệ nó bảo cậu rằng nguyên bản tiếng Đức thì khó đọc lắm, mà bản tiếng Anh này thì đã được dùng như sách giáo khoa ở các đại học Mỹ, nên cũng yên tâm rồi.

Dưới đây là phần đầu bản dịch:

Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật

“Nguồn gốc” ở đây có nghĩa là từ đó và nhờ đó mà có được một “cái gì đó” thực sự hiện hữu, đúng là nó chứ không phải là cái gì khác. “Cái gì đó” này hiện hữu ở các thuộc tính riêng của nó—“tinh túy” của nó. Do vậy, nguồn gốc của một “cái gì đó” có nghĩa là nguồn gốc những “tinh túy” của nó. Nêu ra vấn đề nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật tức là đặt các câu hỏi về nguồn gốc tinh túy của nó. Thông thường mà nhìn, tác phẩm xuất phát từ nghệ sỹ và hoạt động của nghệ sỹ. Nhưng cái gì làm nên nghệ sỹ? Lại là tác phẩm. Nghệ sỹ được công nhận trước hết là nhờ tác phẩm của họ. Như vậy, nghệ sỹ là nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật; và tác phẩm cũng là nguồn gốc của nghệ sỹ. Không thể có cái này mà không có cái kia. Tuy nhiên, cả hai đều không phải là nguồn gốc duy nhất của nhau. Tự thân mỗi bên, cũng như trong mối tương quan với nhau, cả nghệ sỹ và tác phẩm đều hiện hữu nhờ vào một bên thứ ba vốn đã hiện hữu trước nữa, chính là cái đã khiến cả nghệ sỹ và tác phẩm có tên gọi của mình—Nghệ thuật.

Nếu đã coi nghệ sỹ là nguồn gốc của tác phẩm, rồi khác đi một chút, tác phẩm là nguồn gốc của nghệ sỹ, thì cũng phải nhìn nhận rằng, theo một cách khác nữa, nghệ thuật là nguồn gốc của cả nghệ sỹ lẫn tác phẩm. Nhưng liệu nghệ thuật có thực sự là một nguồn gốc? Nghệ thuật ở đâu mà ra, xuất hiện như thế nào? Nghệ thuật—hai từ này chỉ còn là một danh từ không thực sự chỉ ra được một cái gì nữa. Nó có thể đội lốt một ý tưởng chung chung trong đó ta tìm được một nơi chứa đựng hai thứ duy nhất thực sự thuộc về nghệ thuật: tác phẩm và nghệ sỹ. Ngay cả khi hai từ “nghệ thuật” được coi là một cái tên chứ không phải chỉ là một ý tưởng chung chung, ý nghĩa của nó cũng chỉ tồn tại trên cơ sở hiện hữu cụ thể của tác phẩm và nghệ sỹ. Hoặc giả là ngược lại? Phải chăng tác phẩm và nghệ sỹ chỉ hiện hữu bởi lẽ nghệ thuật đã tồn tại và là nguồn gốc của cả hai?

Dù có theo hướng nào, thì câu hỏi về nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật cũng trở thành câu hỏi về những thuộc tính tinh tuý của nghệ thuật. Và do câu hỏi liệu nghệ thuật có tồn tại không và tồn tại như thế nào vẫn cứ phải để ngỏ, ta sẽ phải tìm cho ra cái thuộc tính tinh túy của nghệ thuật ở nơi mà nó đang hiển nhiên hiện hữu. Rõ ràng là tinh túy nghệ thuật chỉ hiển lộ ở tác phẩm nghệ thuật. Nhưng cái gì và như thế nào là một tác phẩm nghệ thuật?

Nghệ thuật là gì thì có thể suy diễn từ tác phẩm. Tác phẩm nghệ thuật là gì thì lại chỉ có thể biết được từ thuộc tính tinh túy của nghệ thuật. Ai cũng dễ dàng thấy là ta đang vướng trong một vòng luẩn quẩn. Ai cũng hiểu rằng phải tránh thoát cái vòng luẩn quẩn này vì nó vi phạm logic. Có thể tìm hiểu nghệ thuật là gì bằng cách khảo sát so sánh nhiều tác phẩm nghệ thuật cụ thể. Nhưng làm sao có thể chắc chắn là ta đang khảo sát các tác phẩm nghệ thuật nếu chưa biết nghệ thuật là gì? Mà các thuộc tính tinh túy của nghệ thuật lại không thể nào chắt lọc được từ những khái niệm cao siêu hơn những đặc tính của các tác phẩm nghệ thuật cụ thể. Bởi vì một sự chắt lọc như vậy cũng chỉ có thể dựa trên những định nghĩa đã có của ta về một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng việc lựa chọn các đặc tính từ những đối tượng đã có và rút ra các khái niệm từ các nguyên lý cũng lại là bất khả trong trường hợp này. Có làm vậy thì cũng chỉ là tự lừa dối mà thôi.

Như vậy, ta bắt buộc phải theo cái vòng luẩn quẩn kia. Đây không phải là một giải pháp tình thế, cũng không phải là một lỗi hệ thống. Dấn bước vào con đường này là sức mạnh của tư duy, tiếp tục nó là ân hưởng nỗi thỏa thuê của tư duy, nếu coi tư duy là một tài nghệ. Không phải chỉ có chặng từ tác phẩm đến nghệ thuật là một vòng tròn hệt như chặng từ nghệ thuật đến tác phẩm, mà bất kì một bước riêng lẻ nào ta định đi cũng quay tròn trong vòng khép kín này.

Để tìm ra cái tinh túy của nghệ thuật hiển hộ trong tác phẩm, ta hãy tìm đến chính tác phẩm đã hiện hữu và hỏi trực tiếp xem nó là gì và như thế nào.

Các tác phẩm nghệ thuật đều không có gì xa lạ. Ta vẫn thấy các tác phẩm kiến trúc và điêu khắc ở nơi công cộng, nhà thờ, nhà ở. Các tác phẩm của đủ mọi thời đại và dân tộc được lưu giữ trong các bộ sưu tập và triển lãm. Nếu xem chúng với con mắt thực tế thuần túy và đừng tự huyễn hoặc mình thì ta sẽ thấy những tác phẩm ấy chỉ hiện hữu vô tư như những vật thể bình thường. Bức tranh treo trên tường cũng như cây súng trường hoặc cái mũ. Một bức tranh, như bức của Van Gogh vẽ đôi giầy nông dân, cũng được mang từ triển lãm này sang triển lãm khác. Các tác phẩm nghệ thuật cũng được chuyên trở như than đá từ Ruhr và gỗ cây từ Rừng Đen. Thời đại chiến thứ nhất, những bài thơ của Holderlin cũng được nhét trong ba lô cùng với đồ đánh răng của lính. Các bản tứ tấu của Beethoven nằm trong kho của các nhà xuất bản cũng như khoai tây trữ dưới hầm nhà.

Mọi tác phẩm đều mang đặc tính vật thể như vậy. Nếu không thì chúng sẽ là gì? Tuy nhiên, có thể lối nhìn nhận thô thiển và bề ngoài này đều làm chúng ta khó chịu. Thợ khuân vác hoặc người đốt lò than trong bảo tàng có thể làm việc hàng ngày với một quan niệm như thế về tác phẩm nghệ thuật. Nhưng chúng ta thì phải xem chúng với thái độ của những người biết chiêm nghiệm và thưởng thức. Nhưng ngay cả một chiêm nghiệm thẩm mỹ cao siêu nhất cũng không thể phớt lờ cái phương diện vật thể này của tác phẩm nghệ thuật. Có một cái gì đó thật là gạch đá ở một tác phẩm kiến trúc, thật là gỗ mộc ở một bức chạm khắc, thật là màu sắc ở một bức tranh, thật là lời lẽ ở một tác phẩm ngôn ngữ, và thật là âm vang ở một tác phẩm âm nhạc. Yếu tố vật thể ấy hiện hữu trong tác phẩm nghệ thuật một cách máu thịt đến mức ta buộc phải nói rằng tác phẩm kiến trúc là ở gạch đá, tác phẩm chạm khắc là ở gỗ, tác phẩm hội họa là ở màu sắc, tác phẩm ngôn ngữ là ở lời, bản nhạc là ở âm thanh. “Thì tất nhiên rồi”, ta có thể nói thế. Hiển nhiên là vậy. Nhưng cái yếu tố vật thể hiển nhiên ấy trong tác phẩm nghệ thuật thực sự là gì?

Có lẽ việc tìm hiểu cái đặc tính này sẽ trở thành mông lung và phù phiếm, bởi lẽ tác phẩm nghệ thuật là một cái gì đó khác cao siêu hơn cái yếu tố vật thể kia. Cái khác ấy mới là cái cấu thành nên bản chất nghệ thuật của tác phẩm. Tác phẩm nghệ thuật chắc chắn phải là một vật thể được tạo tác mà có, nhưng nó nói một cái gì đó khác với chính bản thể vật chất của mình, allo agoreuei. Tác phẩm tuyên cáo một cái gì đó khác với mình, làm hiển lộ một điều gì đó khác; nó là một ẩn dụ. Trong tác phẩm nghệ thuật, một cái gì đó khác được tạo ra cùng với vật thể được tạo tác. Trong tiếng Hy Lạp, được tạo ra cùng với nhau nghĩa là symballein. Tác phẩm là một symbol – một biểu tượng.

Ẩn dụ và biểu tượng cho ta một hệ khung khái niệm để nhìn ra những đặc tính của tác phẩm nghệ thuật. Nhưng cái yếu tố trong một tác phẩm làm hiển lộ được một cái gì đó khác, cùng hiện hữu với các khác ấy, lại chính là cái đặc tính vật thể ở tác phẩm. Có vẻ như yếu tố vật thể ở tác phẩm nghệ thuật cũng giống như cái cấu trúc hạ tầng để xây dựng nên cái yếu tố bản thể của nó. Chẳng phải là nghệ sỹ chỉ tạo tác cái phần vật thể của tác phẩm đó hay sao?

Mục đích của chúng ta là vào được cái bản thể đầy đủ và trực tiếp của tác phẩm nghệ thuật, vì chỉ có vậy ta mới chắc chắn phát hiện được bản chất của nghệ thuật ẩn dấu ở đó. Muốn vậy, trước hết ta phải làm rõ được cái yếu tố vật thể của tác phẩm. Để làm được việc này, nhất thiết ta phải biết cho tường tận vật thể là gì. Rồi mới có thể nói liệu tác phẩm nghệ thuật có là một vật thể hay không, mà một cái gì đó khác lại dính được vào nó. Lúc ấy ta mới có thể biết chắc liệu tác phẩm có phải chỉ là hạ tầng của một cái gì đó khác chứ hoàn toàn không phải là một vật thể, hay không.

18:32 Thursday,11.12.2014

Đăng bởi:  phó đức tùng

cậu Trịnh Lữ
đúng là cháu viết nhầm chính tả, phải là literary mới đúng, chữ literally là vô nghĩa ở đây.
Nhân chuyện cậu nói ta không hiểu nhau mà cứ tranh cãi, điều đó càng làm rõ một cơ chế rất cơ bản là có sự tam sao thất bản giữa một thông điệp truyền đi và thông điệp cảm nhận. Lời nói đã vậy, các thông điệp khác càng như vậy. Không ai có thể cảm nhận một thông điệp như chính nó là, mà sẽ luôn luôn có sự tái cấu trúc, liên tưởng tới những thứ khác. Nếu ta hỏi mười người khác nhau về một tác phẩm, họ sẽ có ý kiến khác nhau, không những về cảm xúc, mà về chính những gì họ thấy, và không ý kiến nào sẽ giống hoàn toàn với chủ đích của tác giả. vậy cái gì là tác phẩm? Và cháu nhắc lại một lần nữa, là bất kể tác phẩm giá trị đến đâu, sự cảm nhận khác nhau này sẽ ảnh hưởng tới việc thống nhất giá cả. Vì vậy chí ít cần có những phân tích, giới thiệu nhất định để mọi người có chung một vài thông số.

11:05 Thursday,11.12.2014

Đăng bởi:  Trinh Lữ

Tôi đồng ý với Mc Anh Nào rằng cuộc bàn thảo này đã có “không khí rối beng”. Chắc vì tôi với Tùng đều hơi vội vã. Người này nói A thì người kia hiểu hoặc suy ra thành B, nên lại mang B ra giải đáp. Mà chuyện B thì lại được lập luận với vài khái niệm mới XYZ, nên người kia lại đề nghị “nói lại cho rõ” những XYZ ấy. Chỉ sau vài lần là một chị gà mái rụng một cái lông đã thành ra cả đàn gà bị trụi lông, chả biết là tại sao và thế nào. Đây là cái tật của lối “tranh cãi”, khi ai cũng chỉ tin là mình đúng. Chứ nếu là bàn luận để xem nhau nghĩ gì, biết gì, thì trước hết là phải bình tĩnh đọc kỹ ý kiến của nhau, có chỗ nào chưa hiểu, hoặc chưa chắc là mình đã hiểu đúng ý của người kia, thì hỏi lại nhau cẩn thận đã. Cả hai đã hiểu đúng ý nhau rồi thì mới có thể trình bày quan điểm của mình về cái chủ đề ấy một cách thỏa đáng.

Để góp phần gỡ rối cho câu chuyện đang có vẻ sẽ khích lệ anh em suy nghĩ và bàn luận về nhiều khái niệm thú vị và rất nên biết đến một cách mạch lạc trong lĩnh vực nghệ thuật; tôi xin điểm lại một phần trong ý kiến mới nhất của Tùng, in nghiêng cho dễ phân biệt, kèm theo ý kiến của tôi trong ngoặc đơn:

1- về khái niệm literally, vì lần trước cậu có trích dẫn Gombrich có khái niệm này, nhưng cháu không biết context của trích dẫn đó như thế nào. (tôi chưa bao giờ trích Gombrich nói gì về khái niệm literally, và những gì tôi đã đọc của Gombrich cũng chưa bao giờ nhắc đến khái niệm, hoặc trạng từ literally này) Vì thế mới nói có nhiều học giả phương tây khi nói khái niệm literally là nói đến tính narrative của tác phẩm, cụ thể là Greenberg. (Cái này thì nếu Tùng có chứng minh thì thuyết phục hơn, vì tôi chưa bao giờ thấy sách về nghệ thuật của phương tây dùng chữ literally với nghĩa narrative. Còn về Greenberg thì có lẽ có thời gian mình sẽ bàn đến ông ta một tí – vì nhân vật này có liên quan đến chuyện CIA bỏ tiền lăng-xê nghệ sỹ Mỹ trong thời chiến tranh lạnh)
Còn nếu cậu nói tính literally là ở chỗ quá nhiều truyền thông bàn về tác phẩm thì thực sự chưa rõ ý cậu muốn nói gì. (Chỗ này tôi cũng chưa hiểu tại sao, câu nào của tôi viết đã khiến Tùng suy ra như thế. Mà tôi có nói đến cái tính literally bao giờ đâu – tôi chỉ trích dẫn câu của Wolf rằng “Nghệ thuật hiện đại đã hoàn toàn chỉ là ở con chữ, hội họa và các tác phẩm khác đều chỉ để minh họa cho cái văn bản ấy.” “Modern art has become completely literary; the paintings and other works exist only to illustrate the text.” Chả nhẽ Tùng nhầm chữ literary thành ra literally? Còn khi tôi điểm danh dòng nghệ thuật đương đại được truyền thông nhiều nhất, là với ý rằng đó là những nghệ thuật được quảng bá nhiều nhất trên các hệ thống truyền thông. Bởi vì nghệ thuật đương đại, nếu hiểu theo đúng nghĩa “đương thời”, thì còn có nhiều dòng nghệ thuật khác, nhiều ism khác mà rất ít khi được truyền thông dòng chính nhắc đến, bởi vì chúng không gây sốc, không có những vụ đấu giá mà chính báo chí chính thống cũng phải kêu rằng tiền bạc vung ra một cách tục tĩu. Nhẽ ra tôi nên viết cho hết cái ý này thì Tùng đỡ hiểu thành ra khác hẳn như vậy. Mà vì hiểu nhầm thế nên Tùng mới viết thêm một câu tuyệt đối không dính dáng gì đến ý kiến của tôi, rằng “Mấy trăm năm nay, truyền thông, đại chúng cũng như học thuật bàn về Rembrandt, Michealangelo chắc chắn nhiều hơn là về Damien Hirst, vậy có phải vì thế mà tác phẩm của họ trở nên “nói mồm” không?”

Tôi sẽ không tiếp tục điểm lại các phần tiếp theo trong ý kiến của Tùng theo cách vừa làm, mà mong rằng Tùng cũng như các bạn quan tâm bình tĩnh đọc lại những ý kiến trước đây của chúng tôi, từ đó là thấy được tại sao cuộc bàn thảo lại có vẻ rối beng như nhận xét của Mc Anh Nào. Thấy được rồi thì sẽ lại thấy câu chuyện thực ra chả có gì rối, mà những nhầm lẫn mới rối mà thôi.

21:49 Wednesday,10.12.2014

Đăng bởi:  MC Anh Nào

Vâng, các bạn đang xem trên Soi cuộc hội thảo khoa học về nghệ thuật. Giáo cụ trực quan là Nàng tiên đẹp tuyệt này. Anh Tùng đã đưa nàng lên bàn mổ, anh mổ moi. Nhưng bác Trịnh Lữ lại yêu cầu mổ phanh. Anh Tùng bèn đục thêm một cái lỗ nữa và giờ đây anh đang cắt amidan cho nàng từ lỗ này. Nói chung không khí là rối beng. Chúng tôi cùng kiên nhẫn chờ đợi và lòng tự hỏi lòng : ai là người khâu câu chuyện lại? Hy vọng chị Mai có học nữ công và giờ này chị vẫn thức trông....

10:25 Wednesday,10.12.2014

Đăng bởi:  phó đức tùng

Cậu Trịnh Lữ
1- về khái niệm literally, vì lần trước cậu có trích dẫn Gombrich có khái niệm này, nhưng cháu không biết context của trích dẫn đó như thế nào. Vì thế mới nói có nhiều học giả phương tây khi nói khái niệm literally là nói đến tính narrative của tác phẩm, cụ thể là Greenberg.
Còn nếu cậu nói tính literally là ở chỗ quá nhiều truyền thông bàn về tác phẩm thì thực sự chưa rõ ý cậu muốn nói gì. Mấy trăm năm nay, truyền thông, đại chúng cũng như học thuật bàn về Rembrandt, Michealangelo chắc chắn nhiều hơn là về Damien Hirst, vậy có phải vì thế mà tác phẩm của họ trở nên “nói mồm” không?
2- Về giá trị nội tại của tác phẩm:
Cậu nói cậu có thể xúc động trước tác phẩm Rembrandt, điều đó có thực là hoàn toàn tự nhiên hay cũng có một phần do kết quả của những thông tin truyền thông, kết quả của học vấn, tri thức? Cậu có chắc là mọi người nhà quê ở Việt Nam sẽ đều có cảm xúc tương tự trước Rembrandt như cậu hay không?
Cậu có dám chắc là đứng trước một loạt tác phẩm chưa bao giờ nhìn thấy, chưa từng biết tác giả, cậu sẽ luôn nhận ra được cái nào là giá trị không? Giả sử có đi chăng nữa thì cậu có cho rằng ai cũng có khả năng đó không?
Tại sao những tác phẩm ngày nay được cả thế giới công nhận và sùng bái như Monet, Renoir, Vanghog, Schiele, Kokoschka v.v. cùng thời đó gần như bị miệt thị khủng khiếp, gần như chẳng ai nhìn ra là hay, là đẹp cả?
Cậu có thể giải thích Heiddeger nói về giá trị nội tại của tác phẩm thế nào không?
Platon thì đã từng nói tác phẩm nghệ thuật có thể có giá trị nội tại, khi nó có một cấu trúc tương tự với những hình mẫu lý tưởng. Và bởi trong đầu người xem đã có những cấu trúc này nên có sự đồng cảm (cơ chế sympathy mà bạn Mai nói). Tuy nhiên ông vẫn coi thường nghệ thuật, vì ông cho rằng nó làm lạc hướng, khiến người xem tưởng đó là sự thật, trong khi nó vẫn chỉ là ảo ảnh, chẳng qua có một hình thức nào đó tương tự như sự thật thôi.
Cháu không hiểu sao cậu lại nói vấn đề cơ chế cảm nhận tác phẩm là lạc đề? Cơ chế này cho thấy cảm xúc của người xem chỉ phụ thuộc một phần ở tác phẩm, còn phần còn lại do tự họ tưởng tượng ra. Vậy thì tác phẩm không phải là không có giá trị gì, nhưng cũng không phải là tất cả. Và tất cả những gì có tác động tới illusion của người xem đều có thể coi là phần của tác phẩm. Cái bồn tiểu của Duchamp là ví dụ kinh điển. Nhưng kể cả Renoir, Monet cũng không phải sẽ gây được cảm giác giống nhau trong mọi bối cảnh.
3- về ý nghĩa cuộc tranh luận:
Cháu chưa hiểu ý nghĩa cuộc tranh luận này là gì. Cháu chỉ nói là các bạn New Form làm thì đã làm rồi, bây giờ muốn bán tốt, bán đắt thì nên giới thiệu cho tốt. Vậy ý cậu là sao? Cậu cho rằng tác phẩm của họ không ra gì, nên nói nhiều là thành lừa đảo, hay cậu cho rằng tác phẩm của họ hay rồi, nếu nói vào thì nó tồi đi?
4- về chuyện mới
Cháu đã nói mới là kiến giải mới, cách nhìn mới, chứ không phải là tác phẩm phải mới làm. Một tác phẩm từ mấy nghìn năm đối với ta vẫn là mới nếu ta thấy kiến giải của họ độc đáo. Rembrandt đẹp, nhưng cậu có chấp nhận được chuyện mấy trăm năm sau họa sỹ nào cũng vẽ như Rembrandt không? Hay là Rembrandt vẽ đi vẽ lại cùng một bức tranh mà không có gì thay đổi không?

8:12 Wednesday,10.12.2014

Đăng bởi:  trinh lữ

Về chuyện "Phàm nghệ thuật, dứt khoát phải mới", Tùng nói rằng cơ chế tạo ra cảm xúc đòi là phải mới. Chắc đây là cơ chế của con người đương đại. Vì bản thân tôi, khi đứng trước những tác phẩm nghệ thuật được sáng tác từ hàng chục ngàn năm, hàng năm sáu trăm năm trước, hoặc bất kỳ một thời điểm, tôi vẫn xúc động vô cùng. Tôi nghĩ ấy là ở vẻ đẹp, ở cái hiện hữu vật thể sinh động và đẹp đẽ của tác phẩm. Ngay trong cuộc sống nôm na, tôi cũng vẫn xúc động lắm khi tiếp xúc với những xưa cũ của cuộc đời. Cái xúc động của một người bình thường, lành mạnh cũng như ốm đau, tôi thấy hoàn toàn không do vì thấy cái gì mới, mà lại là những cái thân quen, xưa cũ.

Quan điểm của Tùng là điển hình của những ai chỉ ao ước được làm nên lịch sử trong nghệ thuật, chứ không phải sáng tác để diễn đạt con người và cuộc sống của mình.

Từ khi nghệ thuật trở thành thị trường, người ta đã kinh doanh chủ yếu cái gọi là "giá trị lịch sử" của tác phẩm. Thậm chí loại bỏ luôn giá trị thẩm mỹ. Mỹ thuật đã mất hẳn phần "mỹ". Chỉ có cái gì khác hẳn những cái đã có, được gọi là làm nên lich sử nghệ thuật, thì mới được công nhận là có giá trị. Người ta làm hàng thì đều phải vậy. Chuyện này cũng nói rất nhiều rồi.

Còn nếu Tùng chả cảm thấy gì khi đứng trước những tác phẩm từ hang động cho đến trung cổ, phục hưng, rồi các tác phẩm sau này nữa, vì chúng làm gì có cái gì "mới" đâu, thì đó là chuyện thị hiếu của Tùng. Không nên lấy đó làm quy luật, coi là cơ chế cảm xúc, để biện hộ cho chuyện phàm là nghệ thuật, dứt khoát phải mới.

Một người viết lịch sử nghệ thuật mà tôi rất tâm đắc là cụ Gombrich đã bàn rất cặn kẽ về vấn đề này. Trước đây tôi cũng đã dịch mấy đoạn ấy và SOI cũng đã đăng, nhưng tuyệt không thấy ai có ý kiến gì.

Chắc là do tôi đã già, bảo thủ chăng? Thôi thì tự biện hộ là đây cũng là thị hiếu của tôi, chả đáng nêu ra để bàn luận làm gì.

7:18 Wednesday,10.12.2014

Đăng bởi:  Trịnh Lữ

SOI à: tôi quên phần "Phàm nghệ thuật là phải mới" :)))
Thôi kệ, để lần sau nhé. Lần này hãy cứ như comment vừa gửi cái đã.

7:09 Wednesday,10.12.2014

Đăng bởi:  Trịnh Lữ

Hoan nghênh Tùng đã chịu khó giải đáp mấy thắc mắc của cậu. Nhưng cậu thấy một là Tùng hiểu sai câu hỏi cậu nêu ra, hai là những giải đáp của Tùng bộc lộ mâu thuẫn cũng như một số quan điểm rất nên được bàn luận, nên cậu xin hồi âm ngay nhé. Nhưng trước hết, cậu muốn nói là mình chỉ nên bàn luận về quan điểm, những gì mình biết và chưa biết, để học hỏi lẫn nhau; chứ đừng tranh luận những gì thuộc về “thị hiếu” (taste), mất thời gian vô ích.

Quan điểm thứ nhất cậu nêu ra là về chuyện các nghệ thuật đương đại được coi là tiên phong, được truyền thông nhiều nhất và gây tranh cãi cũng nhiều nhất, đang trở thành VĂN HỌC – LITERATURE. Bởi vì những “tác phẩm”, “hành động” cũng như “quá trình” của các dạng nghệ thuật ấy chỉ có thể đến với người chứng kiến (cậu không dùng ‘xem’ hay ‘thưởng ngoạn’ ở đây), hoặc người ‘tham gia’ thông qua LỜI – những bản tuyên ngôn của tác giả, những bài phê bình giới thiệu tán tụng hoặc gây choáng của giới phê bình, giám tuyển, báo chí… Cậu thì gọi đây là các “nghệ thuật nói mồm”. Và nói rằng mình không thích những thứ đó. Nhưng Tùng lại cho rằng cậu chụp cái mũ nói mồm này cho toàn bộ nghệ thuật hiện nay. Đấy là một hiểu lầm của Tùng. Rồi Tùng lại dùng khái niệm “nghệ thuật là literally” – mà Tùng hiểu là “tính kể chuyện của nghệ thuật” để bàn luận – là hoàn toàn lạc đề.

Quan điểm thứ hai của cậu là về sự tồn tại hay không tồn tại của tác phẩm nghệ thuật. Nôm na thì cậu đang hỏi là “Với Tùng thì có cái gọi là tác phẩm nghệ thuật hay không? Hay mình cứ gọi cái gì là tác phẩm nghệ thuật là nó sẽ là tác phẩm nghệ thuật?” Trước đây cậu có đọc vài thứ về vấn đề này, trong đó cậu thích nhất là bài “Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật” của Martin Heidegger. Cậu tin rằng tác phẩm nghệ thuật có tồn tại, không phụ thuộc vào việc mình có chấp nhận nó là tác phẩm nghệ thuật hay không – vì cái sự chấp nhận hay không ấy chỉ là vấn đề thị hiếu. Tùng không giải đáp câu hỏi giản dị của cậu, mà lại bàn về “khoa học não và cơ chế cảm thụ một tác phẩm nghệ thuật” – cũng là một kiểu lạc đề thường gặp khi ta rời bỏ phạm trù nghệ thuật để nhìn mọi thứ từ quan điểm triết học nhận thức. Đọc phần giải thích này của Tùng, cậu nghĩ là Tùng vẫn giữ quan điểm “không có tác phẩm nghệ thuật tự thân”. Theo Tùng thì khoa học não, Plato, Greenberg và Phật đều nhất trí rằng thế giới này chỉ là huyễn ảo – illusion. Bức tranh mình nhìn thấy cũng chỉ như cái bóng lung lay trên vách hang, chứ không phải cái gốc tạo ra nó. Chả biết cậu hiểu thế có đúng ý Tùng không, hay là do cậu không hiểu được câu chữ của Tùng.

Ba kết luận của Tùng rút ra từ khoa học não và cơ chế cảm thụ tác phẩm nghệ thuật cũng khiến cậu lo lắng về những quan niệm riêng của mình. Để cậu viết nó ra đây xem nó ra làm sao:

Kết luận thứ nhất của Tùng là mọi tác phẩm đều phải chuyển tải thông điệp, mà Tùng gọi là phải “literally”, cho dù có đúng với ý đồ tác giả hay không. Chỗ này cậu lúng túng quá. Ở đầu bài Tùng đã dùng chữ này, đến đây lại dùng nữa. Không biết Tùng lấy chữ “literally” ở nguồn nào mà lại có nghĩa là “tuyền tải thông điệp”, hoặc “kể chuyện” – cậu chỉ thấy khi nói đến nghệ thuật có tính kể chuyện, như tranh tôn giáo, lịch sử, huyền thoại… thì tiếng Anh họ dùng chữ “narrative” chứ không thấy chữ “literally” bao giờ. Hay là cậu chưa đọc được sách Tùng có? Vấn đề là ở chỗ: không phải loại hình nghệ thuật nào cũng là “narrative”. Nếu sáng tác mà không có ý định kể chuyện hoặc truyền tải thông điệp gì, thì không thể gọi tác phẩm ấy là “kể chuyện” gì được. Còn việc người xem cảm nhận nó như cả một câu chuyện thì lại là chuyện khác. Không thể lấy cảm nhận của người xem để kết luận rằng hễ đã là tác phẩm nghệ thuật là phải có tính kể chuyện, phải có thông điệp. Đơn giả là: khi ta nhìn một phong cảnh, một bông hoa… ta còn nghe thấy một câu chuyện nào đó, cảm nhận được một thông điệp nào đó cơ mà. Cậu nghĩ rằng thực ra là Tùng muốn nói rằng “Đã là tác phẩm nghệ thuật, thì thể nào nó cũng nói với ta được một điều gì đó, dù chỉ là một cảm xúc mơ hồ.” Nhưng Tùng lại vô ý dùng lý thuyết truyền thông và khái niệm “literally” rất không đúng chỗ nên thành ra lúng túng cho người đọc như cậu.

Kết luận thứ hai của Tùng từ khoa học não là “mọi thông tin khác có ảnh hưởng tới cảm xúc của người xem cũng không khác gì tác phẩm”. Chắc chắn là cái này đúng với trình diễn, với những “hành động” và “quá trình” mà người chứng kiến được coi là “tham gia” vào đó. Nhưng không đúng với mọi loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật tồn tại ở tác phẩm. Một bức tranh của Rembrandt, khi bày ở bảo tàng hay trên internet, in trong vựng tập, trong sách báo… thì sao? Những thứ làm tôn lên hoặc gây hại đến việc thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật có tư cách tự thân liệu có nên coi là tác phẩm? Có biết bao nhiêu thông tin về một bức tranh của Rembrandt, sai lầm có, quá đáng có, đủ thứ khác nữa, nhưng khi đứng trước bức tranh ấy, ta có coi những thông tin ấy là một phần của bức tranh ấy không. Chỉ có những ai không có liên lạc gì với hội họa thì mới phụ thuộc đến mức ấy vào “thông tin”. Cả ở đây nữa, Tùng cũng bộc lộ một khăng khít tự nhiên với nghệ thuật đương đại đang trở thành văn học – nhưng đó là thị hiếu của Tùng, cậu không có ý kiến gì. Chỉ có điều là kết luận này của Tùng không liên quan gì đến câu hỏi có hay không có tác phẩm nghệ thuật.

Kết luận thứ ba cũng lặp lại quan điểm của Tùng, theo cậu là đối với nghệ thuật đương đại là chính, rằng cảm nhận nghệ thuật thì mỗi người mỗi khác, nhưng muốn định giá thì phải có thông điệp của tác giả hoặc giám tuyển, nhất là khi tác phẩm không có thông điệp rõ ràng. Thì cũng vẫn là quan điểm không có tác phẩm nghệ thuật tự thân, gì thì gì vẫn phải cần văn thì người ta mới nhận ra nó, và may ra thì bỏ tiền ra mua nó. Cái này thì đúng với thực tế quá rồi. Cậu cũng bảo là nếu đã làm nghệ thuật này thì phải nói thật hay mới được mà. Chứ cậu có bảo là chỉ cần làm mà không cần nói đâu. Có dịp mình bàn về cái gọi là “Intention” trong nghệ thuật cũng vui đấy. Vì phần đông người ta vẫn tin rằng nếu hiểu được cái ý định của tác giả khi sáng tác thì sẽ hiểu và cảm nhận được sâu sắc hơn tác phẩm ấy.

OK. Như vậy là cậu yên trí rồi. Quan điểm của Tùng khác với của cậu. Không sao cả. Có chuyện gì thú vị thì lại bàn nhé. Bàn là để học hỏi mà. Chứ đã tranh cãi thì ai chả nghĩ là mình thắng. Tùng cũng đừng ngạc nhiên khi thấy cậu có vẻ không hiểu gì về cái illusion mà Phật nói rất nhiều. Cái dốt nó khẳng khái sâu sắc lắm Tùng ạ, “như lưỡi dao găm cắm ngập đến chuôi”. Không dụt dè lưỡng lự như cái biết được đâu.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả